Hôm nay,  
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là là quan điểm của VIệt Báo.”

Hồ Sơ Thuế Của Trump: Tiếng Tăm Từ Một Chương Trình Truyền Hình Đã Đem Lại Cho Trump 427 Triệu Đô La Cải Tử Hoàn Sinh

09/10/202014:18:00(Xem: 2063)



blank
Mr. Trump với Mark Burnett, cha đẻ của show truyền hình “The Apprentice”.(Chester Higgins Jr./The New York Times)

New York Times

Tác Giả: Russ Buettner, Susanne CraigMike McIntire

Dịch Giả: T.Vấn

(Bài này là phần II trong loạt bài về hồ sơ thuế của tổng thống Donald Trump. New York Times cho biết sẽ còn nhiều bài tiếp theo trong thời gian tới.)


***

Các hồ sơ thuế cho thấy, chương trình truyền hình “The Apprentice” đã truyền máu cho Trump, đem lại cho ông ta một nguồn thu nhập mới và một hình ảnh huyền thoại được coi là bệ phóng đưa ông ta vào Tòa Bạch Ốc.


Ngồi trên băng sau chiếc Limousine đưa đi gặp mặt các thí sinh tham dự  chương trình truyền hình “The Apprentice”, Donald Trump khoe khoang ông ta đã từng vượt qua bao khó khăn trước khi trở thành một tỉ phú.

Ông ta nói với những người ngồi chung xe: “Tôi đã động não, đã tận dụng mọi khả năng điều đình, và dồn hết sức lực mình cho mục đích. Đến giờ thì công ty của tôi đã lớn mạnh hơn bao giờ hết.”.

Tất cả chỉ là lời nói thánh tướng, dối lừa.

Tháng 1 năm 2004, chỉ vài tháng sau khi chương trình “The Apprentice” công chiếu buổi truyền hình đầu tiên, hồ sơ thuế cá nhân của Trump tiết lộ ông ta đã khai lỗ 89.9 triệu đô la trong năm thuế 2003 từ các doanh nghiệp chính của mình. Dấu mực đỏ (lỗ lã) hiện diện khắp các giấy tờ kế toán, kể cả khoảng thời gian mà khán giả truyền hình Hoa Kỳ coi Trump như một thương gia may mắn có bàn tay ma thuật chạm đến đâu là tiền hiện ra chỗ đó.

12 năm sau, cái mẽ bên ngoài tự phong, tự cứu của vị thương gia danh tiếng đã lấp lánh trên sàn diễn quốc gia và sẽ tăng cường thêm năng lượng cho cuộc tranh cử tổng thống đầy bấp bênh của Trump.

Cho đến hôm nay, mọi người đều đã được nghe nói về câu chuyện của “The Apprentice”, nhưng hồ sơ thuế của Trump lại tiết lộ một khúc rẽ quan trọng khác chưa bao giờ công chúng được biết đến – làm sao mà, chỉ với sự hâm mộ một Trump hư cấu, một Trump không có thật của quần chúng lại có thể truyền máu được cho ông ta, cung cấp cho ông ta cái phao tài chính để ông ta có thể tái sinh, tự tạo ra mình một lần nữa. Và, làm thế nào mà, trong âm vang của một chu kỳ thăng/trầm, lên/xuống, một thứ dấu ấn định nghĩa rõ ràng chính xác sự nghiệp kinh doanh của Trump, ông ta lại tự dẫn mình sa xuống cái hố tài chính đầy đá nhọn gai khô khiến ông ta phải bước những bước dọ dẫm, e dè như hôm nay.

Té ra, thiên tài của Trump không nằm ở khả năng điều hành doanh nghiệp, mà là nằm ở khoản biết tự đánh bóng mình sao cho trở thành nổi tiếng – một thứ danh tiếng tầm cỡ Trump – và biến danh tiếng ấy thành hiện kim.

Bằng cách phân tích những dữ liệu trong hồ sơ thuế của Trump, NYTimes đã có thể xác định được một giá trị bằng tiền cho vị thế người nổi tiếng (celebrity status) của ông ta. Dữ liệu cho thấy Trump kiếm được khoảng 197 triệu đô la trực tiếp từ chương trình “The Apprentice” trải dài trong 16 năm – cũng vừa bằng với số ông ta khai trong hồ sơ thuế - đồng thời qua đó, người ta còn được biết Trump kiếm thêm khoản tiền phụ trội là 230 triệu đô la do tiếng tăm cá nhân có được nhờ chương trình.

blank

Hồ sơ thuế tiết lộ Trump kiếm được 197 triệu đô la trực tiếp từ “The Apprentice” và 230 triệu đô la từ việc cấp phép bản quyền và bảo trợ quảng cáo thương mại bằng tên tuổi của mình. Bill Tompkins/Getty Images

Mức độ được công chúng hâm mộ rất lớn của chương trình đã khiến ai cũng muốn ngoạm được một miếng gì đó miễn là mang nhãn hiệu Trump, và ông ta không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh kiếm tiền bằng chính cái tên của mình. Nửa triệu đô la quảng cáo cho Double Stuf Oreos (một loại cookies được dân mỹ ưa chuộng -ND), một nửa triệu khác rao bán Domino’s Pizza và $850,000.00 giới thiệu xà bông giặt quần áo.

Những hợp đồng cấp phép bản quyền trị giá lên tới 7 con số (7 digits, bạc triệu) với các nhà đầu tư khách sạn, bất kể ở những nơi âm u ảm đạm như các nước cộng hòa xô viết cũ hay ở các nước đang phát triển. Cũng còn phải kể đến những ý đồ khai thác sự tin cậy đặt không đúng chỗ, sự lầm lẫn giữa đời sống thật và kịch bản trên TV (dù là reality TV) của quần chúng. Đằng sau ống kính camera, Trump rao bán những toa thuốc lang băm có tên “làm giàu nhanh chóng”, đại loại như những buổi hội thảo “Donald Trump Way to Wealth”, hứa hẹn sẽ tiết lộ “những bí quyết và sách lược đã làm nên một tỉ phú Donald Trump”.

Cũng giống như nhiều năm trước đó, số tiền mà Trump kín đáo nhận giúp đỡ từ thân phụ đã cho phép ông ta đầu tư vào các sòng bài ở một Atlantic City đầy bất trắc và một loạt tạp nham những doanh nghiệp đủ loại khác nhau, để rồi sau đó không lâu, ông ta đành đứng yên nhìn chúng từ từ nối đuôi nhau sụp đổ dưới chân. Lần này cũng vậy, với số lợi nhuận mới có được từ tên tuổi của mình, Trump không ngần ngại vung tay, lao vào mua những loại doanh nghiệp như các khu giải trí sân Golf, một loại doanh nghiệp có tiếng là không dễ kiếm lợi nhuận. Thực vậy, hồ sơ thuế cho thấy các sân golf của Trump trong nhiều năm qua đã bị lỗ lã hàng triệu đô la.

Khi trả lời những yêu cầu bình luận, phát ngôn nhân tòa Bạch Ốc, Judd Deere, đã không tranh biện dựa trên bất cứ một dữ kiện đặc thù nào. Thay vào đó, ông ta phản pháo chung chung, cho bài báo là “fake news”, và là “thêm một luận điệu mang động cơ chính trị, đầy những sự vu khống thiếu chính xác” xuất hiện “ngay trước cuộc tranh luận của các ứng cử viên tổng thống”.

Những cố gắng giải mã hiện tượng huyền bí về sự giàu có của Trump đã từng được thử nhiều lần với những mức độ thành công khác nhau – một công việc khó khăn do bởi tính cách thiếu minh bạch trong những hoạt động doanh nghiệp của ông ta; mặt khác, cũng do bởi bản tánh hay cường điệu, dối trá và thái độ hung hăng đe dọa hoặc kiện ra tòa những ai nghi ngờ vẻ ngoài thành đạt của mình. Ông ta tìm đủ mọi cách để duy trì sự bí mật của những gì liên quan đến tài chính tiền bạc, mà cụ thể nhất, ông ta từ chối không tôn trọng tiền lệ hơn 40 năm nay các vị tổng thống luôn luôn bạch hóa hồ sơ khai thuế của mình.

Bài điều tra này, dựa trên dữ liệu chứa đựng trong các hồ sơ khai thuế nói trên, bao gồm gồm bản khai cá nhân và doanh nghiệp mà Trump và công ty hoạt động trong hơn 2 thập kỷ. Mỗi đồng đô la khám phá trong bản điều tra này đều là những đồng đô la được bạch hóa lần đầu tiên: Số $8,768,330.00 Trump nhận từ ACN, một công ty đa cấp đã từng bị cáo buộc là lợi dụng những nhà đầu tư non kém, thiếu kinh nghiệm; Nhận $50,000.00 từ kênh truyền hình Lifetime cho một chương trình không bao giờ được thực hiện “Juicy Nighttime Soap”. Nhận $5,026.00 từ một dịch vụ cho vay mua nhà đã bị chết yểu; và nhận $15,286,244.00 qua việc cấp phép bản quyền tên tuổi của mình cho một mặt hàng chăn nệm.

Thêm nữa, bản điều tra này còn dựa vào những cuộc phỏng vấn và các dữ liệu chưa từng được báo cáo trước đây, bao gồm hàng trăm văn kiện nội bộ của Bayrock Group, một đối tác về kinh doanh cấp phép bản quyền với Trump từ những ngày đầu và có những mối quan hệ dây mơ rễ má với người Nga khiến sau này Trump đã bị đặt những câu hỏi về thời kỳ ông ta làm ăn chung với họ.

Nói chung, những dữ liệu mới thu thập được trong bài điều tra này cung cấp một cái nhìn đầy thẩm quyền về một giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp kinh doanh của Trump, giai đoạn đặt nền tảng và đồng thời mở ra một cửa sổ nhỏ nhìn vào nhiệm kỳ tổng thống trên tính cách cá nhân và bản tính hay bẻ cong sự kiện của ông ta.


Một cơ hội thứ hai

Khi niên kỷ mới mở ra với đầy rẫy những khó khăn, Trump đã tìm được cơ hội để mãi mãi thay đổi cuộc đời mình.


Vừa mới ly dị lần thứ hai, lại cũng vẫn còn ê ẩm vì thất bại ở sòng bài Atlantic City, Trump đã phải đối đầu với vấn đề tiền bạc ngày càng khô cạn và triển vọng về một lần nữa xuất hiện trước tòa án phá sản. Trong hồ sơ khai thuế của mình, Trump báo cáo lỗ lã liên tục trong suốt những năm 1990s, một số được khai khấu trừ vào nhiều năm sau. Đến cuối năm 2002, số lỗ lã ấy đã lên đến 352.8 triệu đô la. 

Tuy nhiên, ít ai biết được sự thua lỗ trong kinh doanh này của Trump, bởi vì ông ta liên tục tìm cách tự đánh bóng mình khiến không ai nghi ngờ gì: cuộc vận động ra tranh cử tổng thống có tính cách thăm dò hồi năm 2000 chỉ kéo dài có 4 tháng nhưng đã cho ông ta cơ hội xuất hiện trong chương trình của Jay Leno (người phụ trách một show truyền hình ăn khách của NBC có tên “The Tonight Show” – ND); một quảng cáo TV cho món ăn mới của McDonald giá 1 đô la “Big N’ Tasty” burger; và đứng tên một quyển sách nữa do người khác chấp bút (ghostwritten).

Nhưng mặc dù Trump lúc này vẫn còn với vát được chút đỉnh nhờ vào tiếng tăm còn sót lại, nhưng những món béo bở nhất đã ở sau lưng ông ta. Một điều gì đó phải thay đổi. Và như số phận đã an bài, Trump được cứu vớt từ một nơi ông ta không hề mong đợi đến, một nơi sẽ là cái nền chính hình thành tương lai của ông ta, nếu không muốn nói là tương lai của cả nước Mỹ.

Mark Burnett, một nhà sản xuất truyền hình người Anh, nổi tiếng với chương trình Reality TVnhiều tập “Survivor”, đề nghị với Trump cùng thực hiện một  show truyền hình khác, cũng loại này nhưng thay vì ở ngoài trời sẽ là ở trong một văn phòng làm việc. Theo viễn kiến của Burnett, một loạt những người muốn trở thành doanh nhân sẽ đến New York và cố gắng làm sao đạt được sự phê chuẩn của gia đình Donald Trump, người nào thắng sẽ được nhận vào làm việc trong một dự án của tổ hợp Trump. Trump nhanh chóng nhận lời làm người host của chương trình “The Apprentice” , đóng vai trò tỉ phú chi phối những quyết định quan trọng và mỗi tuần xướng lên  hai chữ “Sa Thải” (You’re fired) cho đến khi chỉ còn lại một thí sinh cuối cùng.

Một số nhân viên trong văn phòng của Mark Burnett có vẻ ngạc nhiên, thắc mắc không hiểu sao một thương nhân giàu có bận rộn việc điều hành cả một đế chế kinh doanh địa ốc lại có thể tìm được thời gian làm công việc này, nhưng chẳng bao lâu sau họ khám phá ra rằng không phải tất cả những gì thuộc về thế giới của Trump đều phải giống như vẻ ngoài xuất hiện của chúng.

blank

Hồi chương trình vẫn còn ở thời kỳ phôi thai, Trump nói với một viên chức điều hành của hãng truyền hình NBC:dù cho nó không được công chúng ưa thích, thì cũng vẫn là một điều hay cho thương hiệu của tôi.”. Richard Perry/The New York Times

Bill Pruitt, một trong những nhà sản xuất chương trình, nói với tờ báo The New Yorker hồi năm 2018: “Chúng tôi bước qua những dẫy văn phòng với bàn ghế trầy trụa, sứt mẻ và chứng kiến một đế chế đang bị rệu rã ở khắp ngõ ngách. Công việc của chúng tôi là phải xóa bỏ hoàn toàn hình ảnh tồi tệ đó.”.

Burnett không bỏ phí một giây phút không động viên một Trump đầy ảo tưởng và háo hức thành công, tháng 10 năm 2003 tuyên bố với NYTimes rằng chương trình truyền hình mới là hoàn toàn nói về “Donald Trump hoàn trả lại” bằng cách giáo dục cho công chúng về tinh thần vượt khó của ông ta đã đem lại công ăn việc làm và sự an toàn kinh tế cho xã hội.

Burnett nói: “Điều gì đã làm cho thế giới trở nên một nơi chốn an toàn hiện nay? Tôi nghĩ đó là nhờ đồng đô la Mỹ, do bởi thuế mà ra, mà thuế có được là nhờ Donald Trump.”.


Các thương vụ “Bán Mẽ” (Selling The Image)*

Sự yêu chuộng đột phát của công chúng đã đưa tính cách nhân vật trong loạt phim truyền hình Reality của Trump đến các thương vụ quảng cáo cho nhạc chuông (điện thoại), bánh mì kẹp (hamburger), thậm chỉ cả xà bông giặt quần áo.


Trong nhiều năm, bản thân Trump không phải đóng một đồng thuế liên bang nào nhờ vào những lỗ lã nặng nề và thường xuyên trong kinh doanh đã xóa sạch đi những thu nhập mà ông kiếm được.

Nhưng với sự thành công của “The Apprentice” và những đồng tiền quảng cáo nhờ chương trình mà có đã nhanh chóng đưa Trump đến một tình huống không quen thuộc mấy là phải điền con số cộng của lợi tức vào mẫu 1040 của sở thuế. Sau khi thu về 11.9 triệu đô la từ chương trình trong năm đầu tiên, năm 2005 số thu nhập đã tăng vọt như trúng số với 47.8 triệu đô la theo như hồ sơ khai thuế cho biết. Trong vòng 3 năm, tổng số thu nhập của Trump đã lớn đến độ ông ta đã đóng 70.1 triệu đô la tiền thuế lợi tức (số tiền này sau đó đã được hoàn trả lại cho Trump – refunded – kèm theo cả tiền lời, nhờ vào những mánh khóe kế toán rất bạo tay – và nay thì đang bị sở thuế truy vấn – audit).

Vận may trời cho này vẫn tiếp tục – dù cho mỗi ngày số tiền có nhỏ đi – cho đến khi Trump trở thành tổng thống, cho thấy một sự thỏa thuận hơi bất thường giúp Trump, với tư cách là ngôi sao của chương trình, được chia một nửa số lợi tức đến từ chương trình. Số lợi tức này bao gồm những quảng cáo thương mại cho mỗi kỳ phát hình (episode), đôi khi lên đến cả trăm mối quảng cáo mỗi tháng, với những sản phẩm quen thuộc như Pepsi đã đem lại hàng triệu đô la chia nhau giữa Burnett và Trump.

Hồi chương trình vẫn còn ở thời kỳ phôi thai năm 2002, không ai dám chắc chắn về sự thành công của nó. Ở trường hợp tệ nhất, theo lời Trump nói với một viên chức điều hành của hãng truyền hình NBC vào lúc ấy, chương trình cũng cho ông ta cơ hội quảng cáo cho một hướng kinh doanh khác: “dù cho nó không được công chúng ưa thích, thì cũng vẫn là một điều hay cho thương hiệu của tôi.”.

Những lợi ích như Trump nghĩ đến ở trên đã lập tức tuôn về. Ngay từ tháng 7 năm 2004, những kế hoạch tiếp thị nội bộ cho một số đề án của Tổ Hợp Trump đã khuyến khích “cần phải mở rộng quảng cáo qua việc chọn lựa các ứng viên cho chương trình “The Apprentice”, và cho đến năm 2006, dự án một khách sạn nằm trong khu vực New York của Trump, tức Trump Soho, đã được lựa chọn là ứng viên đoạt giải.

Phí bảo trợ các sản phẩm thương mại và phí thu được do những lần được mời đi nói chuyện đây đó lần lượt đổ vào túi Trump một cách hào phóng chưa từng thấy.

Trong hai năm trước khi thực hiện chương trình “The Apprentice”, thu nhập phụ của Trump chỉ vỏn vẹn $500,000.00 cho phí quảng cáo Big N’ Tasty burger của McDonald và một khoản nhỏ không đáng kể tiền bán sách. Nhưng hai năm sau đó, dữ liệu thuế trong hồ sơ khai thuế cho biết Trump đã thu về 5.2 triệu đô la từ 11 lần xuất hiện quảng cáo thương mại và phí thu được do các buổi nói chuyện, tất cả đều là nhờ bệ phóng là một người nổi tiếng, một thương gia của chương trình truyền hình Reality TV đang ăn khách.

Trump vốn là người không mấy khe khắt lắm trong việc nhận làm quảng cáo cho các sản phẩm thương mại. Ông ta “khắc” tên mình trên tất cả mọi thứ, từ thịt bò cho đến rượu Vodka, đến các loại trò chơi (board game), đến cả nước hoa. Vì lợi ích của “người tiêu thụ muốn được biết thế nào là sống lối sống của gia đình Trump bằng một cái giá vừa với túi tiền” như nội dung một bản tin tức báo chí đã quảng cáo, Trump ký một hợp đồng cấp phép bản quyền với công ty sản xuất nệm Serta và bỏ túi 15 triệu đô la. Thêm 15 triệu đô la khác cho các sản phẩm cà-vạt, áo sơ mi và đồ lót mang tên Trump từ các thương hiệu như Phillips-Van Heusen.

blank

Một hợp đồng cấp phép bản quyền tên Trump với công ty sản xuất chăn nệm Serta sẽ dần đem về cho ông ta 15 triệu đô la.

Không có phí quảng cáo nào là quá nhỏ. Warner Music đã trả $100,000.00 để thu âm giọng nói của Trump trong sưu tập nhạc chuông. Qua giọng nói bắt chước giọng chú vịt Donald (tức Donald Duck, một nhân vật trong bộ phim hoạt họa Mỹ được nhiều người ưa chuộng – ND) với nội dung đại loại như, “Bạn đang nhận được một cuộc gọi điện thoại, và hãy tin tôi đi, cuộc gọi này hẳn phải quan trọng. Tôi và bạn chúng ta không có thì giờ nói những chuyện không cần thiết.” 

Unilever, một hãng sản xuất xà bông giặt quần áo, cần quảng cáo một cải tiến mới mang nhãn hiệu ALL cho tất cả sản phẩm của mình, đã thực hiện một chiến dịch tiếp thị trên nhiều địa bàn khác nhau nhưng đều lấy Trump làm tâm điểm. Hồ sơ thuế cho thấy, cộng thêm với khoản thù lao $850,000.00 họ trả trực tiếp cho Trump, ông ta còn nhận được $250,000.00 từ các công ty tiếp thị khác do Unilever hợp đồng để triển khai thêm một chiến dịch quảng cáo khác có tên “Sự mềm mại mà Trump hài lòng”.

Unilever cho tổ chức công khai một buổi tiếp thị ngoài trời, ngay trước cửa tòa tháp Trump Tower ở thành phố Manhattan, với Trump đứng cầm một rổ quần áo kèm mẩu giấy quảng cáo “Mọi Thứ (ALL) sạch sẽ và mềm mại” dán phía trước rổ. Công ty Unilever rêu rao rằng Trump tạm nghỉ xả hơi với những khắc nghiệt của chương trình “The Apprentice” để giặt giũ quần áo trước khi đem đi cho các cơ quan thiện nguyện.

blank


Như thỏa thuận trong hợp đồng, Trump phải gọi điện thoại cho các ký giả giới thiệu các sản phẩm xà bông ALL. Trump gọi một phóng viên của tờ Boston Globe, bảo “Unilever là một công ty hết sẩy” và “Đây là loại xà bông mẹ tôi hay dùng”.  Trump còn phải thu âm lời thuyết minh cho một trò chơi sweepstake (chỉ có một người thắng - ND) trên mạng, gồm những câu đố về sản phẩm của ALL. Trong trò chơi này, có đoạn video Trump được kỹ thuật thu nhỏ lại như một người tí hon, đang giặt quần áo và miệng quang quác như vịt những câu nói dí dỏm, đại loại “Vịt Donald có thể làm công việc của 40 chiếc máy sấy khô quần áo”.

Người thắng giải cuộc chơi Sweeptakes này là một bà mẹ trẻ tên Tracy Wright, đến từ thành phố Brazil, tiểu bang Indiana, bà đã mua bình xà bông tại một cửa hàng Walmart.

Tracy Wright nhận được một chuyến đi đến New York với mọi chi phí chuyên chở ăn uống ngủ nghỉ đều do công ty đài thọ. Nơi đây, bà đã được chụp hình chung với Trump.

Tracy kể lại với một tờ báo địa phương: “Chúng tôi gặp ổng sau khi vừa ổng vừa làm xong chương trình “The Apprentice” cuối cùng của mùa này. Vì vậy, ổng có vẻ rất là thân thiện. Ổng đang vui mà.”.

__________________________

*Từ điển Khai Trí Tiến Đức định nghĩa: MẼ: Mã. Khoe mình là tốt. Nội dung ở đây, các tác giả ám chỉ, nhờ cái mã bề ngoài có được từ chương trình “The Apprentice”, nên các nhà sản xuất sản phẩm nhờ đến Trump đứng ra quảng cáo cho sản phẩm của mình. Thực ra, đây là một nét đặc trưng của thương mại, các celebrities dùng tên tuổi của mình để kiếm tiền, không có gì gọi là “xấu”. Chữ “Bán Mẽ” ở đây chúng tôi dùng để dịch tiêu đề “Selling Image” cũng trong ý nghĩa đó. (T.Vấn)


Cái giá phải trả giá cho “kinh doanh khôn ngoan” 


Với thói quen hay dùng những cách nói Trump gọi là “sự cường điệu chân thật” (truthful hyperbole) để thuyết phục đối tác rằng mình sẽ đáp ứng yêu cầu của họ, ông ta đôi lúc đã bước đến mé bờ mong manh của gian lận, lừa đảo. Cũng chẳng bao lâu sau đó, Trump đã bị buộc tội là đã vượt qua lằn ranh mong manh ấy.

Trong sự nôn nóng muốn moi thêm đô la từ con ngỗng vàng của Burnett (tức “The Apprentice – ND), Trump đã lao vào một loạt những thương vụ liên quan đến những sản phẩm, những dịch vụ còn đang bị đặt nhiều dấu hỏi, bao gồm cả những thương vụ hứa hẹn sẽ tiết lộ những tuyệt chiêu trong khả năng làm ăn siêu phàm của mình. Mùa đầu tiên của “The Apprentice” chưa xong, Trump đã bỏ túi $300,000.00 tiền thù lao cho bài nói chuyện tại một cuộc hội thảo ở Dayton, tiểu bang Ohio mà những người ghi tên tham dự phải trả $2,995.00 để học những bí quyết làm giàu nhanh chóng của một công ty sau này đã bị buộc tội trong vụ án lừa đảo người đầu tư (công ty này áp dụng cái gọi là Ponzi Scheme, lừa người góp vốn đầu tư bằng cách lấy tiền góp của người đến sau trả cho người đến trước – ND).

Trong bài nói chuyện của mình, Trump lấy vụ thất bại ở sòng bài Atlantic City làm ví dụ, tự mô tả mình như là nạn nhân của một vụ lừa đảo, phải nhờ đến khả năng thông minh và lòng kiên cường để vượt thoát. Người ngồi nghe tin như sấm.

Lillie Moss, người rút tiền trong quỹ hưu trí ra để mua bộ tài liệu đầu tư ở cuộc hội thảo Dayton, nói về Trump: “Sự hiện diện của ổng khiến tôi an tâm.”.

Tài liệu thuế liệt kê một loạt thù lao những buổi nói chuyện khác của Trump, bảo trợ bởi công ty The Learning Annex. Ông ta nhận được 7.3 triệu đô la trả cho những buổi hội thảo có tên như “Triển lãm sự thịnh vượng của ngành địa ốc: Chỉ một cuối tuần có thể trở thành triệu phú”. Một quyển sách Trump cùng viết chung với người thành lập The Learning Annex: “Think Big and Kick Ass: In Business and Life”, đem lại khoản nhuận bút 1.4 triệu đô la.

blank

Năm 2005, tổ chức The Learning Annex bảo trợ một loạt những sự kiện tương tự như trong hình. Tài liệu thuế cho biết họ trả cho Trump 7.3 triệu đô la. Ruth Fremson/The New York Times

Nhưng trong những câu chuyện thần thoại Trump kể về mình, trong các buổi hội thảo, trong các quyển sách dạy làm giàu, không bao giờ ông ta nhắc đến hàng triệu đô la giải cứu đến từ thân phụ hay những lỗ lã doanh nghiệp ông ta báo cáo đến sở thuế IRS. Cũng vắng bóng là những khoản tiền kếch xù – chỉ có thể biết được qua xem xét các tài liệu thuế của Trump – mà ông ta nhận được nhờ sẵn sàng đứng ra quảng cáo, bảo trợ, phê chuẩn một loạt những dịch vụ thương mại còn đang bị nghi ngờ, chỉ trích.

Với năm tháng, và với sự thành công của “The Apprentice” đã đưa tên tuổi của Trump vượt qúa biên giới New York, khoảng cách giữa sự thật và sự cường điệu ngoa ngôn của Trump ngày một mở rộng. Cũng chẳng sao nếu ông ta be be (nguyên văn: bray- tiếng lừa kêu be be) về người mẹ quá cố của mình – một triệu phú, có người làm kẻ ở trong nhà và sở hữu chiếc xe Rolls-Royce – thường xài xà bông giặt quần áo hiệu ALL. Bây giờ, ông ta còn đi “mại” (bán, tiếng lóng – nguyên văn: flog, tiếng lóng nghĩa là bán một vật gì – ND) những thứ có thể làm người ta bị mất tiền oan uổng.

Một thương vụ, có thể được coi là thương vụ béo bở nhất của Trump, cấu kết với công ty tiếp thị đa cấp (multilevel marketing company) ACN. Khách hàng được bảo rằng họ có thể kiếm bộn tiền bằng cách ngồi nhà bán video phones, truyền hình vệ tinh và những dịch vụ khác. Bị điều tra ở nhiều nhiều quốc gia nơi ACN hoạt động, tài liệu cho thấy công ty đã nhận được rất nhiều những lời than phiền rằng các nạn nhân cuối cùng đã bỏ tiền ra nhiều hơn là nhận được lại trong lúc cố gắng rao bán các sản phẩm của công ty.

Các giới chức điều tra ở Pháp đã kết luận rằng “chỉ có 1 phần trăm những người làm công việc bán hàng của ACN có thể có được thu nhập thỏa mãn (từ việc bán hàng)”, còn số còn lại thì hoặc là bị mất tiền, hoặc có đỡ hơn chút đỉnh thì cũng chỉ kiếm được chừng $35 đô la một tháng, theo như án tòa cho biết. Các điều tra viên ờ tiểu bang Montana cũng đi đến một kết luận tương tự. Họ điều tra ra rằng một nhân viên trung bình (của ACN) trong tiểu bang đã trả cho công ty $750.00 về nhiều loại lệ phí khác nhau nhưng chỉ lấy về được $53.00.

Về phần ACN, trong lúc tìm cách đạt được những thỏa thuận để dàn xếp các vụ kiện tụng trong các tiểu bang, nhưng chưa bao giờ nhận mình đã làm sai. Họ biện luận rằng kiểu cách làm doanh nghiệp của họ đã bị hiểu lầm; Trên trang Web của ACN, có một trang định nghĩa cách làm việc của ACN: “The Difference in ACN and a Pyramid Scheme(Pyramid Scheme là một mô hình kinh doanh dựa trên việc lôi kéo thêm đối tác vào doanh nghiệp chứ không chú trọng vào sản xuất hay mua bán dịch vụ - ND). Một án kiện tập thể (hiện đang tạm ngưng) tố cáo Trump và gia đình đã cấu kết với ACN bằng cách khẳng định rằng nhãn hiệu Trump là điểm trung tâm trong sách lược doanh nghiệp của ACN. Một trong những người đứng đơn thưa cho biết, bà ta ký tên làm việc với ACN sau khi “xem một clip video của ACN xuất hiện trong chương trình “The Apprentice”.”

ACN đã phát hành những DVD của Trump quảng cáo cho những sản phẩm của công ty. Trên website của mình, họ còn có hẳn một khu gọi là “Trump partnership” đăng tải các hình ảnh của ông ta xuất hiện trong các hoạt động của ACN và câu tuyên bố bảo trợ cho công ty: “ACN nổi tiếng với những thành công của mình. Những thành công thực sự đồng nghĩa với thành công của nhãn hiệu Trump và những nhãn hiệu thành công khác, và chính bạn cũng có thể trở thành một phần của sự thành công này”.

Vào lúc Trump giới thiệu sản phẩm Video Phones của công ty ACN trong “The Apprentice” vào năm 2011, món hàng này đang sắp sửa bị lỗi thời, vậy mà ông ta vẫn cứ đưa nó lên tới trời: “Tôi cho rằng video phones của công ty ACN là hết sẩy”.

blank

Trump nhận được 8.8 triệu đô la trong vòng 10 năm từ ACN, một công ty tiếp thị đa cấp bị cáo buộc đã lợi dụng các nhà đầu tư còn non kém kinh nghiệm.

Hồ sơ thuế của Trump cho thấy số tiền thù lao mà công ty ACN trả ông ta cho lời khen ngợi: 8.8 triệu đô la trong 10 năm, bao gồm 1 triệu đô cho năm 2009, năm của cơn bĩ vận thời kỳ đại suy thoái (great recession), khi mà những công dân tuyệt vọng đặt hết niềm tin vào những lời hứa về một tờ ngân phiếu lương sẽ sớm xuất hiện. Thực vậy, Trump đã lợi dụng những bấp bênh của kinh tế để thu lợi cho riêng mình.

Trong một hợp đồng khác cùng năm, nhằm mục đích tiếp thị đa cấp các sản phẩm vitamins của một công ty đã được đổi tên thành Trump Network, qua các buổi gặp gỡ và các cuộc nói chuyện Trump đã khuyến dụ được một số người sẵn sàng bỏ ra $500.00 để mua những hướng dẫn (starter kit), còn cố tìm cách lôi kéo thêm bạn bè, bà con thân hữu gia nhập. Trong một video, Trump nói rằng mọi người “cần một ước mơ mới”.

Ông ta thêm vào:

“The Trump Network muốn đem lại cho hàng triệu người một niềm hy vọng đã được đổi mới và một kế hoạch hấp dẫn sẽ đưa chúng ta ra khỏi trận suy thoái này,”.

Chỉ hai năm sau, công ty đứng đằng sau Trump Network, Ideal Health, bị bán đi và các chủ nhân của nó khai phá sản. Dù vậy, theo các dữ liệu thuế, hai năm cũng đủ để Trump kiếm được 2.6 triệu đô la bằng cách bán món hàng hấp dẫn hy vọng trong những hộp thuốc vitamins. 

Năm 2016, Trump đồng ý trả 25 triệu đô la để giải quyết những tranh chấp kiện tụng trong vụ Trump University, nơi mở những khóa học không có giá trị tín chỉ (unaccredited seminar) nhưng khuyến dụ được các sinh viên trả mỗi người $35,000.00 để ghi danh học ngành nghề địa ốc. Nhưng phương cách thu xếp một vụ kiện tụng pháp lý như thế là một ngoại lệ trong suốt thập kỷ hoạt động kinh doanh của Trump và công ty, được mô tả trong một vụ kiện tập thể (class-action suit), nộp tại tòa án năm 2018  như sau: “(doanh nghiệp dựa) trên một quy mô rộng lớn và phức tạp, nhưng chỉ có một mục đích duy nhất: làm giàu cho chính mình bằng cách lừa dối một cách có hệ thống những người vốn bị bấp bênh về kinh tế đang tìm cách đầu tư vào giáo dục để có thể khởi sự một doanh nghiệp nhỏ do chính mình làm chủ và theo đuổi giấc mơ Mỹ.”


Ít rủi ro nhưng lợi nhuận nhiều


Trump cho mướn tên mình gắn trên những tòa nhà cao tầng mà ông ta không phải là chủ nhân, rồi thu những khoản phí kếch xù trong lúc chủ đầu tư lỗ hàng triệu đô la.


Trong những câu chuyện huyênh hoang về việc mua bán của mình, Trump thường khoe tướng rằng ông ta “làm chủ những tòa cao tầng tọa lạc khắp” thành phố Manhattan. Thực ra, dù cho có lúc người ta thấy ít nhất 17 tòa nhà ở đây mang tên “TRUMP”, nhưng trong thực tế, Trump chỉ làm chủ khoảng chừng 5 hay 6 tòa nhà. Rất nhiều trong số đó Trump đã xây cả một thập kỷ trước, rồi bán chúng đi, trước khi vụ khai phá sản sòng bài ở Atlantic City gây trở ngại cho việc đi vay tiền kinh doanh của Trump.

Với triển vọng không mấy gì khả quan của việc xây dựng các tòa nhà cao tầng cho thuê làm văn phòng hay bán lại, Trump quay qua khai thác việc cấp phép bản quyền tên mình cho những dịch vụ doanh nghiệp của người khác. Ý tưởng trên được khuyến khích bởi sự xuất hiện của một tay ngang trong làng dịch vụ, công ty Bayrock Group. Công ty này thuê làm văn phòng tầng lầu 24 của Trump Tower, ở ngay dưới bản doanh chỉ huy của Trump. Theo giấy tờ thuế cho biết, giá thuê là $400,000.00 một năm và Trump thu về tổng số 2.2 triệu đô la khi hợp đồng thuê chấm dứt. Dầu vậy, Bayrock Group tin rằng việc thuê dẫy phòng của Trump Tower là một sự đầu tư đúng đắn, vì họ có cơ hội ở gần Trump và cấy vào đầu ông ta những ý tưởng của các đề án đầu tư.

Bayrock Group có một chút gì đó khá huyền bí. Người chủ sáng lập, Tevfik Arif, nguyên là một cựu viên chức chính quyền của Kazakhstan từ thời quốc gia này còn nằm trong quỹ đạo Xô-Viết. Hồ sơ tài chính năm 2003 của Arif cho biết ông ta có tài sản trị giá 70 triệu đô la, và đã từng có tranh cãi trước tòa về khoản tiền này vì viên kế toán riêng của ông ta đã không thể chứng minh được. Cánh tay mặt của Arif là Felix Sater, một di dân Nga có những quan hệ với các trùm xã hội đen (mobsters). Ông này còn sử dụng tên khác để tránh né việc bị đào bới quá khứ tội phạm của mình.

blank

Trong thương vụ condo-hotel, Trump đối tác với Bayrock Group, gồm các thành viên: Tevfik Arif – đứng giữa – và Felix Sater – bên phải – một di dân người Nga đã từng có tiền án hình sự. Mark Von Holden/WireImage

Dù vậy, những thứ ấy không thành vấn đề với Trump. Ông ta kết hợp chặt chẽ với họ để theo đuổi một ý tưởng kinh doanh hấp dẫn: Condo-Hotel (Xây các dẫy nhà condo, bán cho người mua; ngược lại, người mua có thể cho mướn condos của mình như cho mướn khách sạn khi không dùng đến– ND). Hấp dẫn hơn nữa, Bayrock chỉ cần tên của Trump; vốn xây dựng sẽ do người khác cung cấp.

Bayrock còn đề nghị lấy nhãn hiệu Trump đặt cho các khách sạn ở khắp nơi trong nước và ra cả hải ngoại, những nơi mà cá tính thích sự phô trương lòe loẹt (flamboyant taste), thích vàng bạc, thích sự hào nhoáng của Trump rất được bọn nhà giàu hải ngoại (vốn mang một ý niệm khá tức cười về sự thành công của nước Mỹ) ưa chuộng. 

Mấy năm sau, trong một lời khai khi bị chất vấn trước tòa án, Trump cho biết ông ta đã thảo luận về “rất nhiều hợp đồng kinh doanh ở khắp nơi trên thế giới” với đối tác làm ăn mới, và rằng “sẽ có những khách sạn và Tháp Trump International ở Moscow, Kyiv, Istanbul, etc., Poland, Warsaw.”.

Cùng lúc đó, Trump khẳng định rằng bởi vì ông ta không phải là người chủ công trình xây dựng nên ông không biết nhiều về công ty Bayrock, một người láng giềng ở cách văn phòng ông ta 2 tầng lầu phía dưới. Nhưng những văn kiện nội bộ của Bayrock mà New York Times nghiên cứu cho biết rằng công ty Bayrock, ngay từ đầu, đã nhắm vào người Nga để tìm nguồn tài trợ cho dự án khách sạn mang nhãn hiệu Trump.

Một bản dự thảo kế hoạch hòan tất tháng 11 năm 2003, có tên “Thỏa thuận về khoản lệ phí cho người Nga” (Russian Fee Agreement) đề nghị với một người môi giới vô danh cung cấp 50 triệu đô la cho dự án 3 khách sạn mang nhãn hiệu Trump ở Hoa Kỳ và khả năng sau đó sẽ “cung cấp vốn đầu tư cho tất cả” những dự án Trump của công ty Bayrock. Một cựu viên chức điều hành của Bayrock cho biết rằng đề nghị này không bao giờ được thực hiện, mặc dù sau đó công ty có nhận được 50 triệu đô la từ một ngân hàng ở Iceland vốn đã từng bị nghi ngờ có những mối quan hệ với người Nga.

blank

Trump Soho, nơi Trump ký hợp đồng cấp phép bản quyền tên mình trong một công trình không có một chút rủi ro (risk) nào và cũng là một hòn đá tảng trong sự nghiệp phát triển mô hình kinh doanh khách sạn condo-hotel của ông ta. Todd Heisler/The New York Times


Khác với tòa nhà tháp ở Chicago, nơi Trump bị vây bủa bởi những vụ kiện liên quan đến món nợ hàng trăm triệu đô la vốn xây dựng, Trump Soho, về cơ bản, không đem lại chút rủi ro nào cho Trump. Hồ sơ thuế của ông ta tiết lộ, giữa lệ phí bản quyền và lệ phí điều hành, mối quan hệ của công ty Trump với dự án này thu về cho ông ta 9 triệu đô la, dù không phải bỏ công xây cất hay tài trợ.

Bị phủ ngập đầu với những lời mời trong dịch vụ cấp phép bản quyền trong lúc vẫn còn đang cưỡi con sóng “The Apprentice”, năm 2007 Trump khởi sự Trump Hotel Collection và đặc biệt nhấn mạnh đến các dự án ở nước ngoài. Phần lớn những dự án này chỉ là những “chiêu” động viên tinh thần (aspirational): một website mới ra đời, liệt kê “những tòa nhà tương lai” ở Toronto, Mexico, nước cộng hòa Dominic, Panama, Scotland và Dubai cùng với một số nơi khác.

Lợi nhuận dồn dập tuôn về túi Trump. Hồ sơ thuế tiết lộ, năm 2003, ông ta kiếm được ở khoản lệ phí cấp phép bản quyền chẳng được bao nhiêu, nhưng 2 năm sau đã đạt tới 1.3 triệu đô la và rồi từ từ vọt lên cao ngất với 29.7 triệu đô la vào năm 2010 trước khi xuống thang suy giảm dần dần. 

Do bởi những khoản phí khá lớn đối tác phải trả trước cho ông ta, nên dù dự án có thất bại, Trump cũng vẫn nhận được tiền thù lao. Trong số 10 “tòa nhà tương lai” (nói đến ở trên – ND) ban đầu được liệt kê trên Trump website, có: 3 dự án không bao giờ khởi sự; 5 dự án hoặc tuy khởi sự nhưng không bao giờ hoàn tất hoặc sau đó mối quan hệ giữa hai đối tác xấu đi. Vậy mà ông ta vẫn tìm cách thu được khoản lợi nhuận 46 triệu đô la cho các công trình này.

Nhiều câu hỏi thường được đặt ra về sự lựa chọn những dự án của Trump, mà phần lớn chúng đều gây tranh cãi hoặc mang điều tiếng này nọ.

Ở Rio de Janeiro, tài liệu thuế của Trump cho biết ông ta khai khấu trừ $14,000.00 cho chi phí điều tra về nhân thân của Trump khi ông ta ký kết một hợp đồng rất béo bở ở đó. Sau này, Trump bị buộc phải hủy bỏ dự án giữa những rắc rối vì một cuộc điều tra về tội hối lộ liên quan đến chủ đầu tư công trình. Ở Azerbaijan, nơi chuyện hối lộ xẩy ra như chuyện thường ngày ở huyện, các đối tác chủ xây dựng đề án có mối quan hệ với một bộ trưởng trong chính quyền đã trả cho Trump 5 triệu đô la tiền cho mướn nhãn hiệu và điều hành khách sạn mặc dù công trình không bao giờ được hoàn tất sau khi một thế lực chống lưng chính (major backer) rút lui.

Và những người ghi danh mua các căn hộ trong một dự án condo-hotel của Trump ở Mexico đã bị phỏng tay sau khi đặt cọc trước tiền mua nhà với tổng số 32 triệu đô la chỉ để được thông báo dự án đã bị hủy bỏ nhưng sẽ không có việc hoàn trả lại số tiền cọc. Trong một vụ kiện sau đó đã được dàn xếp, một số nạn nhân cho biết họ bị lừa tin rằng Trump là một chủ đầu tư chính trong công trình.

blank

Những khách hàng của dự án condo-hotel ở Mexico đã trả một số tiền cọc lên tới 32 triệu đô la chỉ để được thông báo rằng công trình đã bị hủy bỏ nhưng tiền cọc sẽ không được trả lại. Guillermo Arias/Associated Press


Đơn kiện có đoạn như sau: “Bằng cách làm như vậy, các bị cáo đã khiến cho những người mua đặt tin tưởng vào “nhãn hàng Trump” và cái tên Trump được xem như là một nhà kinh doanh địa ốc cao cấp, đáng tin cậy và hợp pháp.”

Lý luận biện hộ của Trump thường được lập đi lập lại rằng ông ta chỉ cho mướn cái tên của mình, do đó không có trách nhiệm gì trong sự thất bại của dự án.

Ông ta giải thích thêm trong lời khai cho một vụ kiện khác, liên quan đến những nhà đầu tư trong một dự án Trump hotel ở Fort Lauderdale, Florida nhưng sau đó bị thất bại, rằng “người chủ công trình mới thực sự là người chịu trách nhiệm.”

“Chúng tôi giống như một công ty khách sạn, Ritz-Carlton hay Four Seasons hay Waldorf Astoria. Chúng tôi chỉ là một cái tên.”.


Vung tay xài tiền

Tiền vào như nước, Trump vung tay mua những khu giải trí sân golf cao cấp để rồi rơi tõm xuống hố nợ nần.


Trong lúc các hồ sơ thuế của Trump kể câu chuyện về những khoản lợi tức từ chương trình Reality truyền hình và ánh sáng lấp lánh phản chiếu đã làm cho ông ta trở nên giàu có nhanh chóng, thì cùng một lúc, nó rọi một chút ánh sáng vào những thắc mắc đã từng gây gãi đầu gãi tai, kể cả suy đoán theo chiều hướng bất lợi cho Trump: Trump lấy tiền ở đâu ra để mua và yểm trợ cho các khu giải trí sân golf cao cấp ấy?

Vào lúc đang túi bụi với các show truyền hình, Trump chỉ có 2 sân golf đưa vào hoạt động và thêm 2 sân khác đang trong giai đoạn tu sửa nâng cấp, nhưng Golf – một thú tiêu khiển mà ông ta “bỏ vào đó một lượng thời gian lớn khác thường” như cô cháu gái ruột của Trump (Mary Trump) viết trong một quyển sách mới đây kể hụych toẹt mọi chuyện trong gia đình Trump – luôn luôn là một thứ kiểu “định mệnh đã an bài” để trở thành bẫy lún tài chính của ông ta.

Năm 2002, Trump nổ (nguyên văn: boast) với một phóng viên: “Tôi sở hữu những tòa nhà tuyệt hảo ở Manhattan. Tôi làm chủ những sòng bài số một ở New Jersey. Tôi làm ra những sản phẩm thượng thặng. Tôi thực sự cảm thấy thích thú trong công việc hơn là nghỉ ngơi giả trí.”.

Bắt đầu trong năm 2006, và sau đó kéo dài gần một thập kỷ, Trump gom trong tay thêm khoảng chừng 11 sân golf, tạo nên một chuỗi những doanh nghiệp mà ông ta mô tả như là một đế chế của mình. 

Số vốn đầu tư mà Trump đổ vào các sân golf khiến gây kinh ngạc cho nhiều người, gần giống như trước đây ông ta đổ tiền vào kinh doanh sòng bài rồi sau đó bị buộc phải khai phá sản. Hồ sơ thuế tiết lộ, trong suốt thời kỳ 3 năm, bắt đầu từ năm 2014, Trump rót thêm 144.5 triệu đô la cho sân golf Turnberry ở Scotland, kể cả khi các sổ sách kế toán ghi lỗ nhiều năm liên tiếp. Tương tự, Trump rót 213 triệu đô la cho khu giải trí Doral ở Florida, nơi tình trạng kinh doanh không cho thấy có gì khá hơn ở Scotland.


blank

Với nguồn tiền mới đổ vào, Trump đi mua những sân golf mới, khiến cho ông ta bị lỗ lã hàng triệu đô la trong nhiều năm. Hình trên là khu giải trí sân golf Doral ở Floria, nơi Trump đầu tư vào đó hàng trăm triệu đô la. Scott McIntyre for The New York Times

Trong khi đó, nguồn thu nhập chính của Trump – chương trình truyền hình “The Apprentice” và các dịch vụ cấp phép bản quyền – bước vào giai đoạn suy thoái từ năm 2011 cùng với sự nồng nhiệt của công chúng dành cho chương trình mỗi năm mỗi giảm sút đáng kể. Con số thu nhập 51 triệu đô la của năm 2011 xuống đến 21 triệu của năm 2014, và rồi từ từ chỉ còn 3 triệu đô la cho năm 2018.

Trước sự chi tiêu vung tay quá trán đó, nhiều giả thuyết không có một chút cơ sở nào khả tín, như :- về những khoản thanh toán bí mật của người Nga, sự dính líu đến các thủ lĩnh xã hội đen của Trump – được lan truyền.

Hồ sơ thuế của Trump có câu trả lời tương đối thực tế hơn. Cùng lúc với việc đổ tiền vào các khu giải trí sân Golf, Trump cũng tìm cách rút tiền ra ở những chỗ khác nhau, có vẻ như ông ta thực sự đang cần đến rất nhiều tiền. Năm 2012, Trump thế chấp tòa nhà Trump Tower ở Manhattan – một trong những tài sản giá trị - để vay ngân hàng 100 triệu đô la. Một năm sau, Trump rút 98 triệu đô la trong phần hùn của mình từ công trình xây dựng địa ốc ở New York và California. Và trong năm 2014, ông ta bán đi 98 triệu đô la chứng khoán và trái phiếu.

Những sự xoay sở chỉ có thể làm một lần này (one-time maneuvers), cộng với số 427 triệu đô la từ “The Apprentice” và các dịch vụ cấp phép bản quyền, hẳn cũng đủ để giúp Trump có tiền đổ vào đầu tư cho các khu giải trí sân golf. Nhưng Trump không thể lập lại tiến trình trên một lần thứ hai. Đó là chưa kể - ít nhất là ở trường hợp thế chấp Trump Tower – Trump phải trả lại món nợ vay.

Cộng thêm, Trump còn sở hữu những khoản vay kếch xù, sắp đến kỳ đáo hạn với Deutsche Bank, gồm 160 triệu đô la vay cho việc nâng cấp tòa nhà Bưu Điện cũ ở Washington thành khách sạn Trump International và 148 triệu đô la bù lỗ cho khu giải trí Doral. Hiện nay, cả hai nơi này đều không sinh lợi.

Trong một loạt tweets vào buổi sáng thứ hai, một ngày sau khi NYTimes cho công bố Phần I của bản điều tra về các hồ sơ thuế của Donald Trump, ông ta tìm cách bác bỏ mọi chi tiết ảm đạm về tình trạng tài chính của mình và khăng khăng cho rằng “những khoản nợ là rất nhỏ so với gía trị tài sản” và  nhấm nhá ông ta có thể cho công bố những tài liệu “liệt kê tất cả tài sản sở hữu, tiền của và nợ nần”. Ông ta không nói rõ loại tài liệu công khai nào sẽ được đưa ra cho công chúng biết; bản công bố bạch hóa tình hình tài chính của mình mà ông ta bị buộc phải đưa ra do nhiệm vụ tổng thống đã có đủ những chi tiết về tiền của và nợ nần (assets and debts) rồi. 

Bước vào những tuần lễ cuối cùng trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống, và hiện đang bị tụt hậu hầu như trong tất cả mọi cuộc thăm dò dư luận, Trump đang phải đối đầu với những thách thức nghiêm trọng, cả về chính trị lẫn tài chính.

Với Trump, rất nhiều cánh cửa thoát nạn cũ mà ông ta đã sử dụng tới, nay bị đóng hoàn toàn. Sau buổi họp báo công bố ý định tranh cử tổng thống năm 2015, trong đó, Trump có những lời bình luận mang tính cách kỳ thị chủng tộc với người Mexican, hãng truyền hình NBC, nơi phát hình “The Apprentice”, đã cắt đứt mọi quan hệ làm ăn với ông ta. Ông ta cũng bán tháo đi bản quyền tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ, một nguồn lợi tức khá ổn định khác. Các dịch vụ cấp phép bản quyền cũng bị “khô máu” dần dần.

Tháng trước, để chuẩn bị cho hội nghị đảng Cộng Hòa có nội dung chính là tiếp thị hình ảnh Trump như một đấng cứu tinh cho nước Mỹ trong giờ phút tối tăm hỗn loạn, Trump đã cầu cứu tới hai nhân vật kỳ cựu trong lãnh vực giải trí, kinh nghiệm đầy mình trong kỹ năng tạo nên những cảnh hoạt náo vui nhộn từng gặt hái được nhiều thành công trong quá khứ.

Cả hai là người sản xuất (chính và phụ) của “The Apprentice” (tức Mark Burnett và Sadoux Kim – ND).

Hết


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
27/03/202413:35:00
Đất nước đang nằm trong sự định đoạt của những nhà cai trị mà, trên lý thuyết, phải thực sự vô thần. Nhưng trên thực tế, như có thể thấy qua nhiều thông tin gián tiếp, họ lại phó thác gần hết sự quyết định trong tay đám thầy bói, thầy địa lý hay thầy cúng. Giới cai trị “vô thần” đang mê tín hơn bao giờ hết và sự thể cũng chẳng có gì là lạ bởi, dù là vô thần, bản chất thực sự của họ là mê tín. Họ mê tín trước lãnh tụ. Họ mê tín trước giáo điều. Và khi những thứ này hết thiêng mà phải vẫy vùng giữa cái “thị trường quyền lực” đầy bất an, họ phải bám víu vào đám “thầy” sực nức mùi nhang đèn. Trên thì bất an với chuyện quyền lực xuống, lên. Dưới thì nhân dân phải sống trong một môi trường bất trắc -- từ chuyện mưu sinh đến việc ăn học hay bệnh tật của con cái đến sự thiếu an toàn của xã hội v.v. – nên thị trường tâm linh mới sinh sôi mạnh mẽ cùng sự hình thành của những “nhóm lợi ích” tín ngưỡng.
26/03/202413:12:00
Thượng Nghị Sĩ Lisa Murkowski (Cộng Hòa, Alaska) kinh ngạc trước khả năng ra tranh cử của cựu Tổng Thống Donald Trump và đường lối của đảng của bà, vừa tuyên bố với CNN trong một cuộc phỏng vấn truyền hình phổ biến trên cách đây hai ngày rằng bà sẽ không loại trừ việc rời khỏi Đảng Cộng Hòa. Là một đảng viên Cộng Hòa kỳ cựu ở Alaska và là một trong bảy đảng viên Cộng Hòa đã bỏ phiếu kết tội Trump trong phiên tòa luận tội lần thứ hai sau hậu quả của ngày 6-1-2021, Murkowski nói rằng bà đã xong việc với cựu tổng thống và nói rằng bà "tuyệt đối” sẽ không bỏ phiếu cho ông ấy.
16/03/202409:43:00
Ở Liên Bang Nga, hôm nay, toàn dân đi bầu ông Tổng thống của mình. Dĩ nhiên ông Tổng thống đương nghiệm Poutine sẽ tái đắc cử, và sẽ với số phiếu tối đa, phải 80%. Đó là tiêu chuẩn bất hủ của chế độ độc tài. Nhưng năm nay, khác hơn các năm trước, bầu cử vừa mở cửa, có nhiều nơi, phòng phiếu bị đốt, bị nổ bom, bị phá hoại. Poutine chủ quan cho tổ chức bầu cử ở vùng bị chiếm ở Ukraine bị LHQ phản đối vì vi phạm luật pháp quốc tế...
15/03/202400:00:00
Mái tóc “chameleon” của ông Donald Trump mà báo chí Mỹ bàn tán mới đây làm tôi nghĩ đến một sơ suất của nhà văn Võ Phiến, nhỏ thôi, rất nhỏ, liên quan tới tóc. [1] Đó là việc Võ Phiến nhạo báng nền văn học cách mạng và hiện thực xã hội chủ nghĩa là thứ văn học “thương râu nhớ dép” trong khi nó, thực ra, “thương tóc” hơn là “thương râu”.
05/03/202416:23:00
Thật là ngây thơ khi tin rằng Trump sẽ đánh Tầu giúp Việt Nam trong khi Trump từ chối viện trợ cho Ukraine chống Nga xâm lăng. Về chính trị, Trump chủ trương “Nước Mỹ Trước Hết” (America First), “Chủ Nghĩa Dân Tộc Thiên Chúa Giáo Da Trắng” (White Christian Nationalism), lo chuyện nội bộ, rút nước Mỹ ra khỏi Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization – NATO), mang quân đội trở về Mỹ, không can thiệp vào chuyện thế giới, phục hồi chủ nghĩa không can thiệp (non-intervention) hay còn gọi là chủ nghĩa biệt lập (isolationism) vào thế kỷ XVIII và XIX và thời kỳ tiền Đệ Nhị Thế Chiến.
01/03/202400:00:00
Chuyện chẳng dính dáng gì đến Trump mà lại kết thúc bằng Trump, cái giả định trong hình thức một câu hỏi nhưng cũng kiêm luôn lời đáp, rõ ràng, dứt khoát, và người đối diện chỉ có thể mĩm cười gật đầu, hoàn toàn thuyết phục.Tôi chứng kiến cuộc đối thoại này trong buổi họp mặt tại nhà Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn. Lan man, câu chuyện chuyển sang vấn đề an ninh mạng và một chuyên viên IT quay sang thổ lộ với tôi lạc thú của nghề: hoàn thiện một chương trình chỉn chu, hoàn hảo cũng sẽ thấy đã, thấy sướng như là hoàn tất một bài thơ, một bài văn đắc ý.
08/02/202407:25:00
Hãy thiền như một kẻ khờ? Vâng, cần phải tế nhị chữ nghĩa, khi nói về chuyện nên thiền như một kẻ khờ. Bởi vì Phật Giáo là con đường trí tuệ, không thể nào có chuyện tu hành theo một kiểu khờ khạo, ngu ngơ. Hẳn nhiên phải là có ý nghĩa ẩn mật, khi nhiều Thiền sư tự nhận là kẻ ngu, kẻ khờ, mặc dù quý ngài rất là uyên bác kinh điển. Và, ngay cả trong thời Đức Phật sinh tiền, vẫn có những kẻ ngu khờ chứng quả A la hán để giải thoát.
03/02/202404:59:00
Chúng ta thường nghe dặn dò rằng, hãy tu đi, đừng nói nhiều, đừng lý luận nhiều, đừng dựa vào chữ nghĩa biện biệt sẽ dễ loạn tâm, hãy ngồi xuống hít thở, hãy ngồi xuống quán sát tâm mình, hãy ngồi thiền, hãy đi bộ thiền, và vân vân. Những lời dặn dò đó không sai. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, trong kinh ghi rằng, lý luận biện biệt về Chánh pháp sẽ có thể dẫn tới giải thoát, có thể dẫn tới có thể tới thánh quả Bất Lai (A na hàm), chỉ nhờ thuần nghe lý luận và để tâm mình tập theo lý luận đó. Kinh ghi rằng ngay cả khi nằm giường bệnh, đau đớn toàn thân trong giờ cận tử, không thể tập gì được hết, nhưng khi được nghe lý luận biện biệt về Chánh pháp sẽ sinh về cõi trời Đâu suất thiên để học đạo tiếp.
02/02/202400:00:00
Trong cuộc sống, luôn có thiện và ác. Thiện và ác có mặt ở mọi nơi. Kể cả trong mỗi một con người. “Hướng thiện” là cái đích mà con người luôn cố gắng học hỏi, uốn nắn, tập tành cho được hoàn hảo hơn. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu người tốt nhiều hơn kẻ ác. Vào khoảng 6 giờ 35 phút sáng sớm ngày thứ Bảy, 07 tháng 10, 2023, quân khủng bố Hamas từ Dải Gaza mở một cuộc tấn công hỗn hợp bất ngờ, sử dụng hàng ngàn hỏa tiễn bắn tới tấp vào các thành phố Do Thái, ngay cả Tel Aviv và Jerusalem, đồng thời mở nhiều cuộc tấn công cùng lúc bằng đường bộ, từ biển và trên không, đa số nhắm vào các vùng kinh tế Kibuutz nằm gần Gaza, phía Nam Do Thái, gồm chừng 20 thị trấn và doanh trại quân đội.
02/02/202400:00:00
Tình trạng phân cực chính trị giữa hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã tồn tại từ lâu, nhưng chưa bao giờ biểu hiện mâu thuẫn và căng thẳng như hiện nay. Sau cuộc bầu cử năm 2020, bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 và trước thềm cuộc tổng tuyển cử đặc biệt ngày 5 tháng 11 năm 2024, mọi người có thể thấy nước Mỹ có sự phân cực chính trị và sự chia rẽ rõ rệt.