Tôi chắc rằng bạn biết lý do tại sao đi xem trận đầu bóng chày trong sân vận động lại kích động, hớn hở, thích thú hơn xem trên truyền hình tại nhà, cho dù tốn tiền mua bia mua đồ nhậu mời cả chục bạn bè đến hò hét. “Cái bối cảnh tạo không khí sống động linh hoạt là tiêu chuẩn lôi kéo sở thích của người tham dự.” Tiêu chuẩn này xảy ra như thế nào trong trận tranh tài ngoạn mục bầu cử năm 2024? Và tiêu chuẩn quan trọng này có thể là khả năng chủ lực để tranh thắng.
“Sở thích” là yếu tố có hiệu quả mạnh mẽ cho lá phiếu của mỗi người công nhận ai là người xứng đáng làm tổng thống trong bốn năm tới và tự nhận mình là ai trong đời sống chính trị nghĩa rộng.
Chính trị nghĩa rộng là gì?
Là bao trùm phạm vi lớn hơn đảng phái, chính thể, mà chú ý đến cá tính, trình độ hiểu biết, thể loại làm người và sau cùng là tổng thể đời sống của một người. Chính trị nghĩa rộng là thái độ của mỗi người đối diện và sử dụng quyền lực của bản thân để tự tạo ra số phần của mình. (Hoặc nói theo kiểu Thiên Chúa giáo là quyền tự do lựa chọn trong phạm vi Thiên Chúa cho phép con người hành động.)
Điểm nhấn 1: Sở thích là động cơ thể hiện tôi là ai và chọn ai làm đại diện cho tôi. Về mặt này, sở thích gần giống như sở thích cưới vợ, lấy chồng. Lá phiếu duy nhất này chứng tỏ mình là ai và ai là người ‘đại diện’ cho mình (những khi mình vắng mặt hay yếu thế.)
Điểm nhấn 2: Sở thích bị lôi cuốn bởi mãnh lực thích thú. Nếu xét về thích thú trong chuyện vợ chồng sẽ thấy rõ, mãnh lực này không quan trọng nhiều ở ngoại hình và tâm hồn, mà chỉ thích hay không thích. Những thứ khác đôi khi chỉ là cái cớ, còn chủ lực mê hay không mê.
Ai tạo ra sự thích thú này sẽ là chủ nhân tòa nhà trắng trong bốn năm tới.
Nổi Trống Đổi Gió Trở Cờ.
Trong lúc Trump và Biden đang ngang ngửa số cử tri ủng hộ, ông trump có phần lấn lướt hơn, nhưng không quá xa cách. Bỗng dưng, cuộc tranh luận giữa hai ông lần thứ nhất trên đài CNN đã làm ông Biden thất thế. Phe ủng hộ Trump làm rùm beng trên mạng lưới, ngoài đường phố, khiến nhóm cử tri lưỡng lự ngã nghiêng theo hồ hỡi Trump ơi. Rồi được thời cơ, bị ám sát hụt, phe phò Trump còn reo hò dữ dội, bàn tán xôn xao từ trên truyền hình, báo giấy, cho đến buổi ăn chiều, ngoài quán cà phê. Trump Trump Trump, điệu trống vang lừng. Trong lúc phe Dân Chủ vẫn đều đều u buồn rồi từ từ u ám.
Không khí nhộn nhịp thú vị của cuộc bầu cử hầu như nằm trong tay Trump và đảng Cộng Hòa, đến nổi, nhiều người đã cả quyết, Trump sẽ thắng và thắng lớn, kéo theo lưỡng viện có đa số ghế thuộc đảng Cộng Hòa và Tối cao Pháp viện đã là Cộng Hòa. Sợ ai nữa? Bốn năm tới tha hồ lộng hành, có cả khả năng thay đổi hiến pháp, có khả năng Trump làm tổng thống lâu hơn tám năm. Thua toàn bộ hành pháp, lập pháp, tư pháp, phe Dân Chủ chỉ có khóc thương cho số phận hẩm hiu. Đúng không? Phải vậy không?
Không phải hết cơn mưa trời lại sáng, mà lá bài đang lật ngửa tệ hại, úp lại rồi lật ra, con bài mới có đôi. Ông Biden thoái vị tranh cử. Bà Harris lên thay thế. Mặc dù còn khá mới mẻ, ván bài chưa kết thúc, nhưng khí thế bừng bừng. Đùng. Đùng. Nổi trống, đổi gió, trở cờ. Phe Dân Chủ quay lại với những động lực mạnh mẽ: Thế hệ trẻ tranh cử với thế hệ già. Đa văn hóa tranh cử với văn hóa độc tôn.
Thế hệ trẻ tranh cử với thế hệ già.
Kamala Harris 59 tuổi tranh cử với Donald Trump 78 tuổi. Sau bốn năm tại trào, Harris 63 tuổi, Trump 82 tuổi.
- Xét về sức khỏe và trí nhận thức, bà Harris đã thắng thế. Ông Tump đã được chứng minh hơi lẩm cẩm trong những lần đi vận động tranh cửa, tuy chưa nặng nề nhưng liêu trong bốn năm tới khả năng nhớ và phán đoán của ông ra sao?
- Xét về kinh nghiệm lãnh đạo: Ông Trump đã cho thấy rõ trong bốn năm ông tại nhiệm 2016-2020. Việc ông thất cử cho ông Biden năm 2020 cho thấy khả năng lãnh đạo của ông không được đa số dân Mỹ tín nhiệm. Với sự đồng thuận của 154 vị chuyên gia học thuật chính trị và nhà sử học đã công nhận Donald Trump là vị tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử tổng thống Mỹ. (Snopes, Fact check bởi Anna Rascouet-Paz, July 1, 2024.)
Về Kamala Harris, xuất phát từ vị trí luật sư lên chức chưởng lý của California, rồi trở thành thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Từ năm 2021, bà là nữ phó tổng thống Mỹ đầu tiên, da màu, trong lịch sử chính trị. Ở tuổi 60 không quá già nhưng đầy kinh nghiệm lãnh đạo trong quá trình nêu trên, nhưng đủ trẻ để bày tỏ lòng nhiệt huyết thay đổi máu mới, ý tưởng mới, quan niệm lãnh đạo mới cho một quốc gia dẫn đầu đang chao đảo và một thế giới đầy hung hiểm tranh giành quyền lực đối diện với Nga và Trung Quốc.
Ở những quốc gia có lãnh đạo độc tài, chúng ta thường thấy các vị lãnh đạo đã già nua, mà vẫn tham quyền cố vị cho đến chết, không bao giờ nhường chỗ cho thế hệ trẻ hơn, hiện đại hơn, cập nhật hơn, quản trị quốc gia. Ông Trump trước đây thường xuyên chế giễu tuổi tác của ông Biden. Bây giờ, gậy ông đập lưng ông, Trump già. Harris trẻ.
Các bạn tin tưởng ai? Tôi tin Kamala Harris sẽ mang đến những kết quả tốt cho Hoa kỳ, mà người Việt chúng ta cũng là một thành phần cư dân.
Đa văn hóa tranh cử với văn hóa độc tôn.
- Văn hóa độc tôn là gì?
Là một loại chủ nghĩa pha trộn giữa chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cực đô và chủ nghĩa cá nhân. Ví dụ như thể chế chính trị thời Hitler, xã hội của Trung quốc từ Tần Thủy Hoàng cho đến hiện nay, chế độ Cộng Sản, kế hoạch 2025 của Cộng Hòa cực hữu, vân vân, … Bản chất văn hóa độc tôn là cái tôi lãnh đạo đứng nhất, cái tôi thể chế chính trị đứng nhì, cái tôi của quốc gia đứng thứ ba. Cả ba nhập lại là cái tôi độc tôn. Những cái tôi khác phải quy phục, phục vụ cho cái tôi độc tôn. Ví dụ chủ nghĩa văn hóa độc tôn da trắng mà ông Trump đề ra nhằm mục đích gia tăng quyền thế và quyền lợi của dân da trắng, còn những sắc da khác: theo thì phải phục vụ, chống thì sẽ bị tiêu diệt. Đối với thế giới, chỉ có Mỹ là trên hết và không cần phải liên minh với những quốc gia khác, khỏi tốn chi phí. Trường hợp này chỉ có thể thực hiện nếu Mỹ thực sự mạnh đủ để không sợ cả Nga và Trung Cộng hợp tác và nhất là không sợ chiến tranh nguyên tử. Nếu ông Trump thắng cử, bạn sẽ sống dưới chế độ và chủ nghĩa văn hóa độc tôn này, một chủ nghĩa khá lỗi thời, muốn trở lại.
- Văn hóa đa dạng (Đa văn hóa) là gì?
Từ khi có internet, có các phương tiện điện tử thuận tiện như facebook, iPhone, instagram, twitter, face time, whatsapp, vân vân, thế giới gặp gỡ và kết hợp nhanh chóng, thông tin khá chính xác và truy cập dễ dàng trong mọi phương diện từ bình dân đến cao cấp. Lối sống mới này tạo ra tâm tình mới, suy nghĩ mới, lề lối làm việc mới … Lẽ tự nhiên, trí tuệ già nua phải chậm hơn, sai hơn, trước những tiến bộ và suy nghĩ phức tạp của thời đại. (Cứ xét việc cụ 70 sử dụng iPhone so với cháu gái 18 thì sẽ biết rõ.). Sinh hoạt này mang đến sự giao tiếp và kết hợp đa văn hóa.
Khi mỗi văn hóa đều được đón nhận, pha trộn những cái hay, cái tương đồng, và kính trọng những khác biệt, đặc thù riêng của mỗi dân tộc. Thế giới có cơ hội sống chung với nhau, không thôn tính lẫn nhau, cùng nhau tạo một địa cầu tốt hơn, đẹp hơn và chuẩn bị cho các thế hệ sau nhiều không gian sinh sống khác ngoài vũ trụ.
Dĩ nhiên Mỹ có thể là quốc gia dẫn đầu, nhưng không vì mạnh mà đàn áp, không vì da trắng mà khinh thị da màu khác. Nếu bà Harris thắng cử, chúng ta sẽ sống trong chế độ đa văn hóa này. Một chủ nghĩa văn hóa cập nhật, phù hợp với lối sống tân đại, dù chỉ mới bắt đầu với vị tổng thống nữ đầu tiên và da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Bất kỳ chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng có ưu điểm, khuyết điểm của nó. Nhưng không giống hôm xưa, người ta cố nhau tranh cãi, khoe ưu điểm và chê khuyết điểm hoặc dùng cái đúng mà chửi bới cái sai. Ai dám nói mình không sai? Ai có thể nói, mình luôn luôn sai? Hễ có đúng tức thị có sai. Kết hợp với nhau bằng cái đúng và khi cái đúng tiến lên đến mức độ khả quang nào đó, tự dưng cái sai sẽ mờ mịt và không còn ảnh hưởng nhiều nữa.
Ai thích thú hơn ai?
Đùng. Đùng. Nổi trống, đổi gió, trở cờ, phe Dân Chủ đã trở lại một cách ngoạn mục, vào tạo ra một bầu không khí mới, trẻ trung, nhiệt huyết, phấn khởi và tiến tới.
Người ta chờ đợi ông Trump nhận lời tranh luận với bà Harris, ông chưa nhận, có lẽ hơi gờm khả năng hùng biện của luật sư, công tố viên, mà bà Harris đã có nhiều kinh nghiệm.
Người ta chờ đợi những tội án đang treo lủng lẳng được mang xuống đưa vào kết luận cuối cùng. Gần đây, chúng ta thấy, đảng Cộng Hòa đã ảnh hưởng đến các thẩm phán tòa tối cao như thế nào.
Người ta ca tụng, Mỹ là một đất nước tự do và công bình. Tự do? Tôi đang hưởng và chí tình cảm tạ. Còn công bằng? Tôi chờ xem phán quyết của tòa tối cao. Trong lúc chờ đợi, bạn đọc, nghe chăng: đùng… đùng … đùng … gió nổi, cờ bay …
Ngu Yên
Gửi ý kiến của bạn