Hôm nay,  

Vui Buồn Thẩm Mỹ: Biết Đâu Mà Tránh

31/01/202000:00:00(Xem: 1946)

Trong tiệm…

Cô Hoa bắt đầu câu chuyện. Cô nói:

-Ha a a… từ hồi dọn qua California sống cho tới bây giờ, hơn 30 năm, lần đầu tiên tui nghe tiếng “kèn” báo động đó nha. Mấy người có ai nghe hông? Hôm khuya Giáng Sinh đó?.

Chị Ngà nói:

-Có. Tui có nghe. Lúc đó đang coi phim trên máy điện toán, bỗng dưng nghe tiếng kêu…te…te…te lớn lắm, chưa biết chuyện gì, ngó quanh quất kiếm. Báo động cháy nhà? Hồi nãy mình có tắt hết lò hông? Chết rồi. Hoảng hồn đứng dậy thì chợt ngó thấy đèn của cái điện thoại chớp chớp sáng lên, thì ra tiếng kêu từ đó. Mở ra thì đọc thấy hàng chữ màu đỏ chạy chạy ngang màn hình… Tornado Alert… (Báo Động Gió Lốc)… Tin báo cho hay ngoài khơi vùng biển Laguna và NewPort đang có gió lốc, hướng đi vào đất liền, có thể ảnh hưởng tới quận Cam, những vùng như Anaheim, Garden Grove… một dọc tên mấy thành phố trong quận. Tui hé màn cửa sổ nhìn ra đường. Đang mưa dầm, bầu trời yên ắng, đâu thấy có gió máy gì đâu. An tâm, tui ngồi xuống đọc tiếp những dòng chữ báo tin và những chuyện nên chuẩn bị để có thể giảm thiệt hại cho nhân mạng và nhà cửa. Theo lời căn dặn, tui rảo một vòng nhà, coi lại mấy cái đèn pin đã để sẵn trên mấy góc bàn góc tủ, chỗ nào dễ “mò” ra nếu điện bị cúp hết. Tôi lôi cái máy phát thanh cũ ra, mở nắp coi thì chẳng có cục pin nào, tự nhủ ngày mai phải đi mua một mớ “pin” về gắn vô, phòng hờ. 

Cô Hoa gật đầu:

-Đúng. Tôi cũng thế. Lúc nào cũng có sẵn túi cứu cấp động đất trên xe và một thùng đồ dự trữ trong nhà. Tôi để mền, hộp cứu thương, thức ăn khô, nước uống, những món có trên cái danh sách cần phải có để lỡ xảy ra chuyện gì mình bị kẹt trong nhà, trên xe, còn có thể sống sót vài ngày hay tuần lễ đợi người tới cứu.

Bà Hồng nói:

-Tôi nhớ lúc nhà còn ở xứ lạnh, miệt North Carolina, năm nào cũng sợ thiên tai. Có lần vào buổi tối, họ báo cho hay sẽ có trận bão sấm sét, mọi người nếu không có gì cấp bách thì đừng ra đường. Gia đình em tôi sống cùng xóm nhưng là nhà gỗ nên tụi nó sợ quá ôm con chạy sang nhà tôi vì nhà ấy tường gạch và có cái hầm. Cả hai gia đình túm lại trong phòng khách nhìn ra cửa sổ theo dõi ông trời.

Mới đầu thì nghe tiếng sấm, ầm ầm điếc lỗ tai, rồi tôi thấy những vệt sét sáng lóa từ trên trời xẹt xuống, trúng đất, xẹt lửa, trúng cây thông cổ thụ ngay đầu ngõ, như Thiên Lôi cầm cây búa giáng xuống tét ngọn cây ra làm hai, lửa phựt lên. Cũng may lửa phừng phừng nhưng chỉ cháy cái ngọn rồi bị gió thổi quá mạnh, tắt ngúm. Trời thì vần vũ, gió mạnh cuồng bạo quật cây cối quặt quài ngả nghiêng. Nếu lúc đó nhà có cháy hay bị gió cuốn tốc đi thì cũng sẽ cuốn theo chiều gió chớ kêu cứu gì kịp. Tất cả màn cửa sổ đều đóng kín, chỉ chừa một khoảnh nhỏ đủ nhìn ra ngoài. Tôi thấy rõ ràng gió mạnh đôi khi như nâng như dở hổng bánh chiếc xe đang đậu ngoài lề đường. Tiếng gió rít, tiếng sấm động, ánh chớp của sét làm mình sợ hãi hùng, tim đập thùng thùng, ôm nhau run lẩy bẩy. Cả một buổi tối như thế. Sau khi gió ngừng, sấm sét ngưng, chả ai dám ngủ. Sau đó, sau mấy trận sống trong bão tuyết, bão sấm sét, bão gió liên miên, khi liên lạc được với bạn bè bà con ở California rồi, chúng tôi dọn về đây, không luyến tiếc căn nhà hai tầng năm phòng ngủ nằm trên một mẫu đất chút nào hết. Nhà đó mà ở tại đây giá trị có thể trên hai triệu! Bây giờ chúng tôi sống trong căn chung cư, khi xưa còn mấy đứa nhỏ thì chật chội, bây giờ tụi nó đi hết rồi thì vừa đủ rộng cho hai vợ chồng già.

Chị Ngà thở dài, lắc đầu, nói:

-Mấy tuần nay tui theo dõi vụ cháy rừng khủng khiếp trên toàn nước Úc mà vừa sợ vừa thương. Tui thấy hình ảnh họ đăng trên Face Book kìa, hai mẹ con loài gấu kaola lọt khỏi vòng lửa, ôm nhau mừng rở; cảnh con đại thử ôm đầu con nó một cách âu yếm; cảnh gấu mẹ cõng con đi lang thang trên lề đường. Nó đi một hồi rồi ngừng lại, ngó quanh ngó quất, như ngóng chờ; tìm kiếm; như đợi một con thú thân nào đó, tội nghiệp hết sức. Còn thêm cảnh gấu kaola con lạc mẹ được con chó tha về nhà cho chủ nó. Ôi thú vật còn biết thương nhau giúp đỡ cứu nhau, huống chi con người. Thiên tai quả là đáng sợ thiệt. Đáng sợ hơn là rừng vẫn còn đang cháy, chưa có dấu hiệu gì sẽ ngừng sớm. Gấu kaola khi gặp chuyện gì thì leo lên cây ôm cứng, vì vậy mà chết quá nhiều. Biết bao nhiêu triệu con thú đủ loại bị chết cháy và những nhân viên cứu hỏa bị thiêu sống trong biển lửa? Hôm qua mới đọc tin tức núi lửa đang phun bên Phi Luật Tân. Thiệt là khổ. Thiên tai làm sao mà lường.

Thanh nói:

-Nhưng chính phủ có báo động trước cho dân chúng biết để mà tom góp người và thú vật chạy cho xa.

Thu nói:

-Cũng có người ỷ y hay tiếc của không chịu dời khỏi nhà để rồi phải chết một cách đau đớn. Có người còn ráng tới gần để quay phim chụp hình nữa.

Tuấn nói:

-Thế, có thế thì chúng ta mới thấy được những hình cận ảnh. Mới biết được tại trung tâm một con lốc hay bão tố nó ghê sợ như thế nào.

Thanh cự liền:

-Thôi cha. Ông đang nói xẹt qua mấy cuốn phim đó hả?

Tuấn cười:

-Không không, tôi nói là nói về những phim tài liệu đấy. Phải có người không màng đến sinh mạng, chúng ta mới thấy được những hình ảnh thật ấy chứ.

Thu nói mông lung:

-Có người mất mạng. Sinh nghề tử nghiệp.

Chị Ngà lắc đầu:

-Tội nghiệp cho những nhân viên cứu hỏa bên Úc và gia đình họ quá. Có đứa bé miệng còn ngậm cái núm vú, nhận cái huân chương tuyên dương công trạng của người cha vừa nằm xuống trong rừng lửa. Thiệt là đau lòng xót xa ứa nước mắt. Ý cha a a…

Cô Hoa nói:

-Chúng ta sống trên trái đất này, lơ lửng và đang xoay vòng trong vũ trụ minh mông khó hiểu. Không bị chuyện này thì cũng mắc phải chuyện kia. Thiên tai, biết đâu mà tránh?.

Tuấn nói:

-Ngày xưa những loài khủng long dã thú đã bị thiên tai như gió lửa nước quét sạch tuyệt chủng. Ngày nay thời đại văn minh hơn, người ta có thể cứu, chữa và nhân giống những con vật quý hiếm, giữ gìn cho thế hệ sau. 

Chị Ngà nói;

-Ở đâu cũng có mối lo, ở California thì sợ động đất, qua Hawaii sợ núi lửa phun, dọn xuống North Carolina sợ giông bão sấm sét, dời qua Florida thì sợ cuồng phong sóng thần… Tránh sao khỏi? Thôi thì trời kêu ai nấy dạ, chúng ta nên “Quẳng gánh lo đi để mà sống”. Sống vui sống khỏe ngày nào hay ngày ấy nha, bà con./.

 

Trương Ngọc Bảo Xuân 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.