Hôm nay,  

Buồn Vui Thẩm Mỹ:Tưởng Mất Mà Còn

23/11/201900:00:00(Xem: 1595)

Trong tiệm.

Hôm nay đắc khách dữ, thấy ham, đúng kiểu mình thích. Mấy ngày như vầy đúng là những ngày làm việc lý tưởng vì khách không ào vô một lượt, không đủ thợ làm, để khách ngồi đợi sốt ruột, thợ cũng nóng vội theo, có khi bị khách hối, thợ làm ẩu, mất uy tín!. 

Khi xong người khách cuối cùng, chị Ngà thở phào, nói:

-Nhớ hồi mới qua Mỹ, tui làm thêm ở nhà hàng. Vừa đi học vừa đi làm, thì giờ chụp giựt đầu này, châm chế đầu kia, mệt muốn đứt hơi. Mà sao ngộ, làm như cơ thể con người tự nhiên tự động, tự bù qua sớt lại, tuy lắc lư gần chết mà vẫn sống nhăn răng. Tới lúc, cũng lấy được cái bằng thẩm mỹ, bỏ việc nhà hàng, vô tiệm làm chuyên viên thẩm mỹ một cách ngon lành hãnh diện.

Vậy mà tui không quên những ngày làm ở nhà hàng. Ngày nào mà khách vô ào ào, làm không xuể, không có thì giờ mở cái miệng ra nói chuyện, lo chi ăn với uống. Trong đầu phải nhớ theo kiểu tốc ký: bàn nào khách nào gọi món gì thêm bớt món gì, thí dụ như: bàn 8, 2 tấm 4 màu nhiều mở hành, bàn 12, bò lúc lắc thêm ớt trái không đậu phọng.

Làm quần quật xong 3, 4 tiếng đồng hồ là chạy một mạch qua trường Thẩm Mỹ để ráng nhét vô đầu: khi xoa bóp tay chân thì phải nhớ tên mấy cái bắp thịt, chỗ nào phải vuốt từ dưới lên trên để không làm xệ cơ bắp, điểm nào cần nhấn cần nhéo để kích thích huyệt đạo, ráng tập đôi tay để quấn tóc cho khéo, đuôi tóc phải trải lên ống cho đều để dễ thắm thuốc mà không làm cháy tóc; phải giũa móng tay sao cho móng không bị gãy…

Bây giờ, thiệt tình mà nói, có ngày chị đã cầu cho khách tới lai rai thôi. Ngày nào khách vô ào ào mà không hẹn trước là những ngày tuy có vui mừng thiệt, thời buổi kinh tế khó khăn cạnh tranh ráo riết mà, nhưng đầu óc quay mòng mòng, cực trần thân. Có khi mệt quá đâm quạu, cãi nhau um sùm. Có khi chủ thợ gì cũng nhịn ăn cả ngày. Xong người khách đợt sáng rồi mới ngưng tay, nuốt vội món gì đó cho no để có sức làm tiếp đợt buổi chiều tới tối. Về tới nhà trễ lắm, ăn uống xong dọn dẹp đi ngủ liền cho nên cái bụng càng ngày càng phình.

Thu nói:

-Ờ, hôm qua đi chợ, số tui còn hên quá, tưởng mất mà còn.

Láng vừa nhìn ra đường, nắng xiên khoai vàng ửng, hỏi:

-Mất cái gì hên cái gì nói nghe coi.

Thanh xen vô:

-Chắc tiền chớ gì. Bà Thu này chỉ có tiền mới làm cho bả sáng mắt thấy hên xui.

Thu không giận không nổi nóng như mọi khi mà chỉ cười khì:

-Mẹ này, hễ mở cái miệng ra là xỉa xói tui. Tánh tình xéo xắt, mập thêm mấy cân? Nghe tui kể nè. Hôm qua đi chợ Wal-Mart, trưa chúa nhựt quá trời người. Lúc ra quầy tính tiền tự động, trả bằng thẻ tín dụng, nhớ ra là cần chút đỉnh dằn túi nên tui bấm nút để rút ra thêm một trăm tiền mặt.

Về nhà dọn dẹp xong xuôi mệt quá tính xẹt ra tiệm mua cơm chỉ về ăn khỏi nấu nướng nhưng khi móc bóp ra coi thì không có đồng nào đâu. Nhớ hồi nãy, thôi chết rồi! Quên lấy tiền ra khỏi máy rồi. 

Tui tìm cái hóa đơn đi chợ, may quá, có số điện thoại của tiệm. Tui gọi liền, cầu may. Có người trả lời, tui mới nói hồi nãy tui rút tiền ra nhưng quên lấy khỏi cái máy, có ai đã báo việc này chưa? Cô ấy biểu tui đem hóa đơn trở ra tiệm hỏi gặp nhân viên ngay cửa. Dĩ nhiên là tui leo lên xe vù ra chợ liền. Tới tiệm gặp một cậu trong nhóm nhân viên đang lu bu kiểm cho có lệ, tin vào sự thành thật của khách. Họ cầm cây viết vàng quẹt lên hóa đơn sau khi ngó sơ mấy xe đựng đầy đồ ăn của khách ở cửa. Tui vừa hỏi vừa đưa cái hóa đơn thì cậu ta cầm lấy, coi xong, nói “Tôi có nghe chuyện này, mời bà theo tôi.”  Vô trong tiệm biểu tui đứng đó đợi rồi y vô quầy “Phục vụ khách hàng”. Một hơi y trở ra, kẹp với tờ hóa đơn là mấy tờ đô la xanh. Ui trời, đếm đủ 100 đô. Mừng quá. Y nói “Có người khách đã báo chúng tôi biết tiền bà bỏ quên. Đây, giao lại cho bà”. Mấy người thấy tui có hên hay không?

Chị Ngà nói:

-Hên chớ sao không. Ít ai thành thật như vậy. Chỗ chợ búa đông đảo, lại là tiền mặt, họ tham thì rút tiền ra khỏi ổ nhét vô túi là xong.

Vinh nói:

-Nhưng nếu mình thưa ra họ coi trong máy quay thì chắc chắn thấy rõ là chị Thu quên lấy tiền ra và cũng thấy rõ gười khách nào thò tay vô hộc tiền mà.

Khải cười, nói như trách nhẹ:

-Biết là thế nhưng ai rảnh mà tìm cho mình? Vì thế nhắc ta nhớ, chuyện gì cũng phải cẩn thận, đi chậm lại một chút thì cũng tới nơi. Thu có tính hấp tấp.

Thu cự:

-Ờ. Hổng lẹ sao được? Ông làm xong về nhà là phè cánh nhạn trên “xa lông”, còn tui phải ghé chợ về nhà còn nấu cơm. Hưm! Tính tối nay nấu món bò xào lăn khoái khẩu cho ông ăn, thôi, bữa nay nhớ chịu khó ghé tiệm mua cơm chỉ nha.!

Thấy vợ chồng nhà này coi bộ găng, chị Ngà vả lả:

-Tui mới nhớ cái vụ phải thành thật này. Hồi mới qua, tui làm công việc đeo cái túi tiền xu đi lòng vòng trong một casino (tiệm đánh bài) nọ, khi thối tiền cho khách thì phải miệng nói tay đưa. Còn ngớ ngẩn tiếng Mỹ chưa rành tiền Mỹ chưa thông, đếm ba trật ba vuột, cuối ngày tính tiền thì thiếu mất gần 15 đô, tui phải bù tiền lương của mình trả lại chủ. Hồi đó 15 đô là tiền lương của mười mấy tiếng đồng hồ đeo cái túi nặng gần chết của gần 200 đô tiền xu đau cái lưng trên cơ thể chỉ 80 cân. Chắc tại vậy mà bây giờ tui bị bịnh hậu, đau lưng triền miên!

Về sau tui vô làm trong một hãng may, lần đầu đem ngân phiếu lương ra nhà băng lãnh tiền, tui cảm động run tay luôn. Bà thu ngân đưa tiền cho tui xong, kêu người khác. Nhường chỗ, tui xịt qua một bên, đếm lại. Ủa sao lạ, đếm lại, thấy dư một trăm đô. Lúc đó làm việc lương tối thiểu chỉ có một đồng bảy mươi lăm xu một giờ, nhưng nhờ may theo kiểu “ăn miếng” tức là may nhiều hơn số ấn định thì được trả thêm tiền cho mỗi miếng, tuần lương lãnh ra kỳ đó trừ thuế ra cũng được trăm mấy, là cao lắm đó. Ủa, nhưng sao bả đưa mình hai trăm mấy? vậy là bả đưa mình dư nguyên một trăm đô. Đợi người khách cuối rời khỏi quầy, tui xề qua đưa trả lại xấp tiền, nói:

-Bà ơi đếm tiền lại đi.

Bà ta xụ mặt xuống, nói liền, tay không thèm đụng vô xấp tiền tui đưa, cự lại với giọng nói chua lè:

-Tiền đã giao tay cô, tôi không chịu trách nhiệm.

Tui cười, nói:

-Bà đếm lại đi, hình như bà đưa dư rồi.

Bà ta có vẻ giựt mình, lôi xấp tiền vô đếm lại rồi lò mò coi lại mấy xấp giấy lương, rồi mặt bà trở thành xám xanh, rút lại tờ một trăm và rối rít:

-Ô cám ơn cô cám ơn cô rất nhiều. Đúng là tôi đã đưa dư, tôi lấy lại trăm này… cám ơn cô chúc cô ngày tốt lành. Thời đó, dân chúng Mỹ chưa hiểu, chưa thông cảm cho dân tị nạn mình. Bà thu ngân ở nhà băng, tôi nghĩ, bà có ý kỳ thị. Hy vọng sau vụ thối dư tiền cho tôi, bà sẽ không quên và sẽ nhìn người ngoại quốc với con mắt khác, thiện cảm hơn.  Sở dĩ tui trả lại cho bà vì mình đã trải qua rồi, thiếu tiền trong “két” như vậy thì chính bà là người phải bù vô bằng tiền lương của bà, như tui lúc trước. Đa số những nhân viên làm bán thời gian trong chợ hay tiệm là dân nghèo, bình dân, hay sinh viên học sinh như mình, làm việc cực nhọc mà lỡ thối dư cho khách bị trừ vô tiền lương ít ỏi của mình thì tội quá.Bởi vậy, ai thối tiền dư mình nên trả lại cho họ. Thêm môt trăm mình không giàu hơn, thiếu một trăm mình không nghèo hơn. Phải vậy hông mấy bà?

Chị Ngà nhìn ra đường, nói:

-Ý cha… mới đó mà… trời lúc này mau tối quá, hết khách rồi, sửa soạn về nhà chị em ơi. Về ăn ngon ngủ kỹ sáng mai dậy làm tiếp nghen, bà con ơi./.

 

Trương Ngọc Bảo Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước hết, chúng ta thừa hưởng một nền văn hóa phụ hệ. Người đàn ông nắm hết quyền hành và đàn áp đàn bà theo ý riêng. Những thế hệ trước năm 1950, hầu hết đàn bà Việt là nô tỳ cho đàn ông, một loại nô lệ tự nguyện theo truyền thống và có thể bị hành hạ nhiều hơn nữa, nhưng không được xã hội, chính quyền bênh vực. Về sau, nhờ du nhập văn hóa, văn minh tây phương và bộ luật gia đình thời đệ nhất cộng hòa, người đàn bà Việt mới trút bớt gánh khổ bị áp bức, tuy nhiên, tinh thần tự nguyện nô tỳ vẫn hiện diện trong huyết mạch của những thế hệ trẻ, kéo dài qua hải ngoại, cho dù nơi đây tôn trọng phụ nữ bậc nhất.
Nghe họ nói chuyện với nhau thì hiểu ra. Nhóm phụ nữ này hầu hết hơi phúng phính nên họ đã tạo ra một trò chơi vừa vui vừa có ích, họ mang vô sở cái cân và mạnh ai nấy leo lên cân rồi ghi số cân vô sổ. Họ mở ra một cái quỹ, mỗi tuần mỗi người góp vô quỹ 5 đô la rồi bắt đầu ăn cữ ăn kiêng, tới cuối tháng, người nào sụt số cân nhiều nhứt sẽ được thưởng số tiền gom chung đó, rồi họ bắt đầu góp tiền cho tháng tới. Họ làm sao mà giống giống như chơi hụi mở hụi khui hụi góp hụi vậy ta.
Hiểu biết về màu sắc làm nền cho nghề nghiệp thẩm mỹ, đặc biệt trong công việc trang điểm và nhuộm, tẩy tóc; ví dụ như: Màu đỏ dự phần vào đời sống con người qua máu và lửa. Chúng ta cũng nhận xét rằng những người thời xưa đã kết hợp màu đen với bóng đêm, và màu vàng cho những ngày tươi sáng. Màu trắng tượng trưng cho sự trinh trắng, trong khi màu tím chỉ được dùng trong giới trưởng giả mà thôi.
Có những chiều thu vương nắng cuối thôn …mùa thu đã về trên bầu trời thênh thang mây, mùa thu về với những chiếc lá nâu vàng thay nhau đổi màu, mùa thu về trên vai áo nâu non, tóc mùa thu cũng nâu vàng theo nắng thu rất vội. Mùa thu chỉ vừa mới chớm.
Tối qua ngủ được, sáng sớm chị Ngà thức dậy, khỏe khoắn, lòng vui vui. Đứng lên quơ tay quơ chưn, làm vài động tác cho giãn gân cốt. Hai cánh tay dơ lên cao khỏi đầu, hạ xuống ngang vai, rồi khỏi hông. Hít thở vài cái. Một hồi.
Đường nâu + sữa = hợp chất tẩy da chết cho toàn thân thể. Da-ua + mật ong = dưỡng chất dành cho da nhạy cảm (sensitive skin) và da hay bị ửng đỏ
Chúng ta thường đi bộ, nhiều người thích đi bộ. Từ đi bộ trong nhà, cho tới ngoài đường, chợ búa, mua sắm, trong sở làm v…v…như là một sinh hoạt tự nhiên. Đi bộ thực ra cũng là một môn thể thao chậm, kiểu “Low-impact”. Đi bộ vừa thong thả tự do, thích hợp với mọi lứa tuổi mà còn rất tốt cho sức khoẻ và sắc đẹp cho cả hai phái nam và nữ.
Phần mái ở trước trán (bang), nhiều bạn gái thích cắt ngắn, trông nhí nhảnh trẻ trung, nhất là khi cột tóc đuôi ngựa. Nhưng phần tóc nầy mọc ra dài rất nhanh, chúng ta nên tập tự cắt lấy, để khỏi phải chạy ra tiệm chỉ để cắt chút xíu ở phần tóc nầy, vừa mất thì giờ lại tốn tiền.
Nè mấy người, ai muốn học gắn lông mi từ sợi từ sợi y như lông mi thiệt hông tui dạy tính rẻ, lấy vốn đồ nghề lại coi. Thu chanh chua càng nói càng lớn tiếng: Xời ơi bà nầy, vừa vô ơn vừa bòn. Trong túi có chín đồng, cố ngó quanh quất xung quanh coi có lòi ra thêm một đồng nào đâu đó đặng bỏ vô túi. Chẵn mười đồng!
Quí vị muốn tránh cảm giác choáng váng hay nhức đầu dữ dội sau khi uống rượu chăng ? Hãy ăn vài lát dưa leo trước khi đi ngủ. Khi thức dậy, quí vị sẽ thấy tỉnh táo và hết nhức đầu. Dưa leo chứa một lượng đường vừa đủ, các loại vitamin B, và các chất điện giải để tái bổ sung những tinh chất sinh tố cần thiết mà cơ thể đã bị mất đi, hầu tái lập sự cân bằng, xua tan cảm giác choáng váng hay nhức đầu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.