Hôm nay,  

Chuyện Dài Dài Thẩm Mỹ: Tốt Quá Nên Tóc Rụng...

07/04/201200:00:00(Xem: 14151)
Trong tiệm thẩm mỹ.

Tuấn ồn ào lên tiếng:

-Uí giào. Bây giờ các bạn thi thực hành nghề thẩm mỹ sướng nhé. Khoẻ khoắn với cái túi xách nhẹ tênh, đi một mình chả cần người mẫu chi cho lèng èng. Tôi nhớ hôm tôi đi thi, căng thẳng thần kinh lo lắng không ngủ được, ngồi dậy vào khoảng hai giờ khuya, sắm sửa xong phải lái qua rước người mẫu, chị ấy mắt nhắm mắt mở càm ràm “sao đi sớm dữ vậy” tôi có hơi giận và cứ ỷ y ai cũng như mình nên quên hỏi, vào đến trường thì mới hay bà ấy không mang theo cái thẻ căn cước, lại còn la tôi, thêm cãi bướng là “sống trên đất nước tự do ai mà xét hỏi giấy tờ mà đem theo sợ mất, tánh tui hay quên nên giấy tờ tui cất kỹ hết rồi sao cậu hổng chịu nhắc hôm qua?” Tôi phải nuốt giận lính quính quành về lấy, trở lại trường thi thời đã trễ, khổ nỗi, lúc ấy, nếu không thi thực hành thì chả được thi viết. Thế là phải tốn tiền lệ phí nộp đơn thi lại, ngồi nhà rung đùi ăn chực anh Khải, chờ đợi thêm gần ba tháng nữa, mất cả tinh thần học tập. Đã nghèo còn mắc cái eo. Lần sau rút kinh nghiệm, tôi bảo bà người mẫu phải đưa cái thẻ cho tôi thấy tận mắt trước khi rồ máy xe!

Kim lắc đầu:

-Hừm! Vô ơn. Hồi thi cần người làm mẫu thì năn nỉ dì ơi chị ơi bác ơi làm ơn làm mẫu dùm em dùm con… chừng có bằng rồi là chê lèng èng. Tui ghét thứ người ăn cháo đá bát qua cầu bứt dây lắm nghe. Ha ha ha dỡn thôi nghe.

Tuấn cười hề hề, nhái giọng miền Nam:

-Hổng xao. Tui cũng nói chơi mờ.

Thanh hùa vô:

-Còn tui, dẫn nhỏ cháu theo làm mẫu đem thẻ học sinh vô bị bát ra họ không xài thẻ học sinh, tui cãi là “sao nói là đem ID do chính phủ cấp, thẻ học sinh cũng là của trường do chính phủ cấp tại sao không cho vô?”, họ đưa cái thư báo danh đi thi chỉ cho tui đọc, trong thư rõ ràng rành rành trước mắt mà hồi nhận được chỉ coi ngày tháng giờ thôi, mình có đọc phần đó đâu, thì ra là thẻ căn cước hay bằng lái xe do sở lưu thông DMV cấp và vài thứ thẻ khác khác nữa tui hông nhớ hết, thẻ học sinh hay thẻ sinh viên hổng nằm trong số đó, rồi còn nói là họ chờ mình cho tới đúng một giờ rưởi, là giờ phải vô phòng thi, ráng đi kiếm người mẫu khác, trời đất ơi giờ đó người mẫu đâu có sẵn mà kiếm? ờ có chớ, cái hãng cho mướn đồ nghề đi thi đòi phải trả trước hai trăm rưởi tiền mặt thì họ kêu người mẫu cấp tốc tới liền. Cái điệu đúng là là là… tiền đâu mà trả? báo hại tui phải nộp đơn thi thực hành lại. Tưởng nói thẻ căn cước thì thẻ nào được cấp ở trên xứ này đều là thẻ có hiệu lực, ai ngờ! Cũng may, lúc đó nó đã bãi bỏ vụ phải thi cả hai môn cùng ngày cho nên tui được vô thi viết. Tội nghiệp nhỏ cháu ngồi trong xe đợi cả ngày.

Thu trề môi, nói nhỏ:

-Tại cái tật chuyện gì mới nghe phân nửa tưởng mình thông minh đã hiểu hết cho nên mới bị tổ trác! Vô thi viết chi cho mất công, phải thi ba lần mới đậu!

Thanh không giận còn cười ha hả:

-Mụ nầy, nói người sao hông coi lại mình, bà thi mấy lần mới đem được “cái bằng chỉ bằng hai gang tay mà sao ai nấy đều mê quá chừng” đó về? Chị em ơi, phải tôn bà Thu lên thành sư mẫu bền chí nghe.

Thu cũng cười, xí dài:

-Xí i i í… tới lui nửa chục lần cho vui, biết mặt đủ năm bà giám khảo, đề thi thuộc lòng, như vậy cái bằng mới có giá trị lộng khuôn kiếng đàng hoàng chớ. Tuấn, rồi bây giờ thì hông cần người mẫu thiệt vậy đó, thi có thay đổi gì hông?


Tuấn còn đang bận chưa kịp trả lời, Kim nói:

-Nhớ lần tui đi thi, đang hớt tóc rớt lược xuống đất, quíu hết trơn, hông dám cúi xuống lượm lên sợ bị trừ điểm bởi vậy mới thi rớt!

Láng nói:

-Còn tui, đồ nghề thiếu cây cọ đắp bột. Khi bày đồ nghề ra thấy thiếu cây cọ là món chánh của bài đắp bột móng tay, tui tá hỏa, trán thì xuất mồ hôi hột mà miệng thì khô khốc. Kiếm cùng hết không có, run run muốn khóc, ráng vừa đi vừa lết tới bà giám khảo đổ thừa là tại hãng cho mướn đồ nghề quên để cây cọ vô, bả tỉnh bơ biểu mình cố gắng làm đi.

Nói tới đó cô ngưng lại thở cái khì.

Thu nóng ruột hỏi dồn:

-Rồi sao? Bà làm sao? đắp bột hổng có cây cọ thì làm sao đắp?

Láng nói:

-Thì làm đại. Tui lấy cây cam (orangewood) ra đắp bột. Vậy mà tui được điểm cao.

Chị Ngà từ tốn hỏi:

-Bộ lần đó thi rớt hả?

Láng nói:

-Đâu, thi đậu mờ, lấy bằng về mờ.

Chị Ngà cười cười:

-Xạo vô căn. Láo vô cớ. Khi thi rớt thì họ mới đưa cho mình số điểm để biết môn nào thiếu điểm trung bình, nếu đậu lấy bằng, họ chỉ đưa cái bằng ra cho mình ký tên ôm về, làm sao cô biết điểm nail được điểm cao?

Láng cười hí hí, rụt cổ:

-Hí hí… xời ơi bà chị này càng già càng cay hơn gừng. Nói dóc chút xíu bị bà bắt tại trận lộ tẩy hí hí… tự vì, em đoán là điểm cao, tự vì, cái móng tay ra đẹp thấy mồ luôn. Chắc nhờ chỉ đắp một móng nên mình o mình gò mình đánh bóng, đẹp là cái cẳng!

Tuấn nói:

-Bây giờ làm trên bàn tay giả muốn xoay muốn trở muốn dũa thế nào cũng không sợ bàn tay giả rú lên “ái da đau quá nhè nhẹ tay dùm” ha ha ha …

Láng háy Tuấn, nói:

-Xạo không. Từ hồi ông nội nầy vô làm đây tới bây giờ, ông nội có rớ vô bộ móng tay móng chân lần nào đâu mà biết dũa mạnh tay đau khách hàng?

Tuấn cãi leo lẻo:

-Không phải nói tôi, là nói bà Thu ấy. Nhớ lúc mới vào, tôi nghe khách của bà Thu cằn nhằn hoài.

Chị Ngà lên tiếng:

-Chuyện xưa nhắc làm chi, bây giờ Thu làm việc đàng hoàng kỹ lưỡng lắm mờ.

Vinh nói:

-Là tại bả có chồng giỏi, có thêm đầu lương nên nhẹ gánh bớt chạy theo đồng tiền, nên ảnh hưởng tốt tới việc làm mà, tui nói đúng hông?

Thu thở ra:

-Thì tốt. Tốt quá cho nên tóc rụng từng nắm. Người ta thường nói “lo sói đầu” quả không sai. Mấy người còn nhớ có một lúc tóc tui tự nhiên bị sói mấy đốm hông? Chị Ngà nói là chứng bịnh sói tóc tại chỗ cái gì mà tiếng khoa học kêu là gì đó quên mất, nguyên do tại lo mấy căn nhà, kinh tế xuống nhà mất giá trả hổng nổi phải buông, bao nhiêu vốn liếng tiêu thành mây khói! Người ta qua sớm làm trước ăn trọn thành triệu phú mình trâu chậm uống nước đục khù khờ bắt chước đầu tư nhà cửa lỗ thấy mụ nội!

Chị Ngà nói:

- Thôi chuyện qua rồi ở đó mà so đo. Lớn thuyền thì lớn sóng bây giờ thuyền nhỏ lo mà hưởng trăng thanh gió mát cho nó khỏe. Ờ, nãy nghe ai hỏi vậy chớ bây giờ họ thi có đậu nhiều hông, bài thi có thay đổi gì hông Tuấn?

Tuấn nói:

-Bớt bài thêm bài gì đó, đa số chị ạ. Đa số đậu thực hành, nếu rớt là rớt phần lý thuyết đấy.

Thanh nói:

-Vậy cũng là tốt quá rồi. Lý thuyết ráng học kỹ một chút, nhớ dai một chút, đậu là cái cẳng!

Lúc ấy, trời tự dưng mưa ào xuống, ai nấy giựt mình, Sương chạy ra tính đóng cửa lại thì vừa có hai ba người khách hẹn bước vô tiệm, ai nấy tản ra, đón khách lo việc mình. Chị Ngà dở sổ sách ra, tính tính./.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước hết, chúng ta thừa hưởng một nền văn hóa phụ hệ. Người đàn ông nắm hết quyền hành và đàn áp đàn bà theo ý riêng. Những thế hệ trước năm 1950, hầu hết đàn bà Việt là nô tỳ cho đàn ông, một loại nô lệ tự nguyện theo truyền thống và có thể bị hành hạ nhiều hơn nữa, nhưng không được xã hội, chính quyền bênh vực. Về sau, nhờ du nhập văn hóa, văn minh tây phương và bộ luật gia đình thời đệ nhất cộng hòa, người đàn bà Việt mới trút bớt gánh khổ bị áp bức, tuy nhiên, tinh thần tự nguyện nô tỳ vẫn hiện diện trong huyết mạch của những thế hệ trẻ, kéo dài qua hải ngoại, cho dù nơi đây tôn trọng phụ nữ bậc nhất.
Nghe họ nói chuyện với nhau thì hiểu ra. Nhóm phụ nữ này hầu hết hơi phúng phính nên họ đã tạo ra một trò chơi vừa vui vừa có ích, họ mang vô sở cái cân và mạnh ai nấy leo lên cân rồi ghi số cân vô sổ. Họ mở ra một cái quỹ, mỗi tuần mỗi người góp vô quỹ 5 đô la rồi bắt đầu ăn cữ ăn kiêng, tới cuối tháng, người nào sụt số cân nhiều nhứt sẽ được thưởng số tiền gom chung đó, rồi họ bắt đầu góp tiền cho tháng tới. Họ làm sao mà giống giống như chơi hụi mở hụi khui hụi góp hụi vậy ta.
Hiểu biết về màu sắc làm nền cho nghề nghiệp thẩm mỹ, đặc biệt trong công việc trang điểm và nhuộm, tẩy tóc; ví dụ như: Màu đỏ dự phần vào đời sống con người qua máu và lửa. Chúng ta cũng nhận xét rằng những người thời xưa đã kết hợp màu đen với bóng đêm, và màu vàng cho những ngày tươi sáng. Màu trắng tượng trưng cho sự trinh trắng, trong khi màu tím chỉ được dùng trong giới trưởng giả mà thôi.
Có những chiều thu vương nắng cuối thôn …mùa thu đã về trên bầu trời thênh thang mây, mùa thu về với những chiếc lá nâu vàng thay nhau đổi màu, mùa thu về trên vai áo nâu non, tóc mùa thu cũng nâu vàng theo nắng thu rất vội. Mùa thu chỉ vừa mới chớm.
Tối qua ngủ được, sáng sớm chị Ngà thức dậy, khỏe khoắn, lòng vui vui. Đứng lên quơ tay quơ chưn, làm vài động tác cho giãn gân cốt. Hai cánh tay dơ lên cao khỏi đầu, hạ xuống ngang vai, rồi khỏi hông. Hít thở vài cái. Một hồi.
Đường nâu + sữa = hợp chất tẩy da chết cho toàn thân thể. Da-ua + mật ong = dưỡng chất dành cho da nhạy cảm (sensitive skin) và da hay bị ửng đỏ
Chúng ta thường đi bộ, nhiều người thích đi bộ. Từ đi bộ trong nhà, cho tới ngoài đường, chợ búa, mua sắm, trong sở làm v…v…như là một sinh hoạt tự nhiên. Đi bộ thực ra cũng là một môn thể thao chậm, kiểu “Low-impact”. Đi bộ vừa thong thả tự do, thích hợp với mọi lứa tuổi mà còn rất tốt cho sức khoẻ và sắc đẹp cho cả hai phái nam và nữ.
Phần mái ở trước trán (bang), nhiều bạn gái thích cắt ngắn, trông nhí nhảnh trẻ trung, nhất là khi cột tóc đuôi ngựa. Nhưng phần tóc nầy mọc ra dài rất nhanh, chúng ta nên tập tự cắt lấy, để khỏi phải chạy ra tiệm chỉ để cắt chút xíu ở phần tóc nầy, vừa mất thì giờ lại tốn tiền.
Nè mấy người, ai muốn học gắn lông mi từ sợi từ sợi y như lông mi thiệt hông tui dạy tính rẻ, lấy vốn đồ nghề lại coi. Thu chanh chua càng nói càng lớn tiếng: Xời ơi bà nầy, vừa vô ơn vừa bòn. Trong túi có chín đồng, cố ngó quanh quất xung quanh coi có lòi ra thêm một đồng nào đâu đó đặng bỏ vô túi. Chẵn mười đồng!
Quí vị muốn tránh cảm giác choáng váng hay nhức đầu dữ dội sau khi uống rượu chăng ? Hãy ăn vài lát dưa leo trước khi đi ngủ. Khi thức dậy, quí vị sẽ thấy tỉnh táo và hết nhức đầu. Dưa leo chứa một lượng đường vừa đủ, các loại vitamin B, và các chất điện giải để tái bổ sung những tinh chất sinh tố cần thiết mà cơ thể đã bị mất đi, hầu tái lập sự cân bằng, xua tan cảm giác choáng váng hay nhức đầu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.