Santa Ana (Bình Sa)- - Tại Hội Quán Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California, Thành Phố Santa Ana vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật ngày 29 tháng 9 năm 2024, Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California đã long trọng tổ chức lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực. Tham dự lễ giỗ ngoài qúy vị chức sắc trong Ban Trị Sự Miền Nam Cali còn có Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, Hội Trưởng Trung Ương PGHH Hải Ngoại, quý đồng đạo, thân hữu, về phía quan khách có Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, một số các cơ quan truyền thông…
Mở đầu buổi lễ, nghi thức chào cờ VNCH và Hoa Kỳ, sau đó mọi người dành phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn Tổ Tiên, các anh hùng liệt nữ đã vị quốc vong thân và đồng bào đã tử nạn trên đường vượt biển, vượt biên cũng như tử nạn trong trận bão lụt kinh hoàng vừa xẩy ra tại quê nhà.
Tiếp theo Đồng đạo Ngô Văn Ẩn Trưởng Ban Tổ Chức đọc diễn văn khai mạc. Trước hết, ông ngỏ lời cám ơn ông Hội Trưởng Ban Trị Sự Giáo Hội PGHH Miền Nam California, quý vị quan khách, thân hữu, các cơ quan truyền thông, quý vị niên trưởng và đồng đạo PGHH đã dành chút thì giờ hết sức quý báu đến tham dự ngày giỗ của Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực. Sự hiện diện của đông đảo quý quan khách, quý thân hữu đã nói lên tinh thần lúc nào quý vị cũng nhớ đến chúng tôi và luôn dành cho PGHH một cảm tình đặc biệt. Riêng sự hiện diện đông đảo của quý đồng đạo, đã nói lên tấm lòng ngưỡng vọng Đức Tôn Sư và sự quan tâm đến mọi sinh hoạt của hội. Sau đó, ông Trưởng Ban Tổ Chức nhắc đến những lễ giỗ Quan Đại Thần tại đình thần Nguyễn Trung Trực ở quê nhà vào tháng 8 âm lịch hàng năm, trên bến dưới thuyền mọi người đổ về đình thần dự lễ giỗ Ngài, nên dù ở hải ngoại, PGHH cũng không quên ơn vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và hàng năm chúng tôi long trọng tổ chức lễ giỗ của Ngài. Ông Ngô Văn Ẩn sau đó nói sơ lược về tiểu sử của Quan Đại Thần Nguyễn Trung Trực, tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1937 tại Bình Định, sau dời về Tân An nhưng mọi người gọi ngài là Nguyễn Trung Trực, có lẽ là danh xưng mà triều đình hoặc dân chúng cảm phục lòng tận trung báo quốc của ngài mà đặt cho ngài đại danh đó, ông Ngô Văn Ẩn cũng nhắc đến những kỳ công chống quân xâm lược Pháp và sự hy sinh thân mình để cứu mẹ, cứu dân khỏi bị Pháp tàn sát. Riêng về sự liên hệ giữa PGHH và anh hùng Nguyễn Trung Trực sẽ được trình bày sau. Và ngay từ bây giờ, ông tuyên bố khai mạc buổi Lễ Giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực”.
Chương trình được tiếp tục với nghi thức tôn giáo Hòa Hảo. Các vị chức sắc ra trước bàn thờ thắp hương, đọc các lời khấn nguyện.
Sau đó, đồng đạo Hoa Lê tuyên đọc Lời Khuyên Bổn Đạo có 8 điều răn cấm do Đức Huỳnh Giáo Chủ viết trong Sấm Giảng vào năm 1945 như sau:
ĐIỀU THỨ NHẤT: Ta chẳng nên uống rượu, cờ-bạc, á-phiện, chơi bời theo đàng điếm, phải giữ cho tròn luân lý tam-cang ngũ thường.
ĐIỀU THỨ NHÌ: Ta chẳng nên lười-biếng, phải cần-kiệm, sốt-sắng, lo làm ăn và lo tu-hiền chơn chất, chẳng nên gây-gổ lẫn nhau, hãy tha-thứ tội-lỗi cho nhau trong khi nóng giận.
ĐIỀU THỨ BA: Ta chẳng nên ăn-xài chưng dọn cho thái-quá và lợi-dụng tiền-tài mà đành quên nhơn-nghĩa và đạo-lý, đừng ích-kỷ và xu-phụng kẻ giàu sang, phụ người người nghèo khó.
ĐIỀU THỨ TƯ: Ta chẳng nên kêu Trời, Phật, Thần, Thánh mà sai hay hoặc nguyền-rủa, vì Thần Thánh không can phạm đến ta.
ĐIỀU THỨ NĂM: Ta chẳng nên ăn thịt trâu, chó, bò và không nên sát-sanh hại vật mà cúng Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối-lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tội sẽ hưởng tội, còn những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm hết bịnh là Tà-Thần; nếu ta cúng kiếng mãi thì nó ăn quen sẽ nhiểu hại ta.
ĐIỀU THỨ SÁU: Ta không nên đốt giấy tiền vàng-bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô-lý, vì cõi Diêm-Vương không bao giờ ăn hối-lộ của ta, mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng-phí ấy mà trợ cứu cho những người lỡ đường, đói rách, tàn tật.
ĐIỀU THỨ BẢY: Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo-đức, ta phải suy xét cho minh-lý rồi sẽ phán-đoán việc ấy.
ĐIỀU THỨ TÁM: Tóm tắt, ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu-dắt lẫn nhau vào con đường đạo-đức, nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây-Phương an-dưỡng mà học Đạo cho hoàn-toàn đặng trở lại cứu-vớt chúng sanh.
Tất cả thiện-nam tín-nữ trong tôn-giáo nhà Phật, lúc rảnh việc nên thường coi kệ giảng mà giữ-gìn phong-hóa nước nhà, giữ những tục-lệ chơn-chánh, bỏ tất cả những sự dị-đoan mê-tín thái-quá mà làm cho đạo-đức suy-đồi.
Chương trình được tiếp tục với phần trình bày về “Ý Nghĩa Ngày Giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực” đáng lẽ do ông Phan Thanh Nhàn trình bày nhưng vì bệnh bất ngờ nên ông Hội Trưởng Trần Văn Tài đọc thay, một tài liệu khá dài. Trong đó có đoạn cho biết: “Trong công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp để giành lại chủ quyền cho dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ đất nước Việt Nam, tiền nhân của chúng ta đã gian khổ cùng một lòng đánh đuổi bọn xâm lăng ra khỏi mảnh đất thân yêu mà Tổ tiên ta đã bao đời dầy công gầy dựng. Cho nên, nhìn lại dòng lịch sử dân tộc từ Bắc vào Nam ở đâu và lúc nào cũng có những vị anh hùng dân tộc đứng lên liều mình cứu nước chống giặc ngoại xâm.
Ngoài Bắc có Đinh Công Tráng với chiến lũy Ba Đình, có Nguyễn Thiện Thuật với chiến khu Bãi Sậy, có Hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám. Vào Trung có Phan Đình Phùng với phong trào Văn Thân. Cùng thời gian trong Nam có Nguyễn Hữu Huân (Thủ Khoa Huân), Trương Công Định, Trần Văn Thành, võ Duy Dương
(Thiên Hộ Vương) và một trong những tấm gương sáng ngời, đó là anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Ông Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Chơn, nhưng khi gia nhập vào hàng ngũ kháng chiến lấy tên là Nguyễn Văn lịch, sau làm đến chức Quản Cơ nên được gọi là Quản Lịch. Ông sinh trưởng trong một gia đình chài lưới, ngụ tại làng Bình Nhựt, huyện Thuận An, phủ Tân An (nay thuộc tỉnh Long An). Sanh ra và lớn lên giữa lúc thực dân Pháp đem quân xâm lược Việt Nam, Ông không thể ngồi nhìn cảnh quốc phá gia vong nên cùng bạn là Nguyễn Văn Cầm chiêu tập nghĩa binh, dùng chiến thuật du kích đánh Pháp với vũ khí thô sơ, nhưng đoàn nghĩa binh của ông đã lập nên những chiến công lừng lẫy, làm khiếp đảm kẻ thù.
Trong lịch sử kháng chiến, trận Nhật Tảo là một kỳ công hy hữu; vì rằng Ông là người đầu tiên hạ được chiến hạm địch bằng chiến thuật dùng thế yếu của du kích thắng được thế mạnh của đại bác thần công vào ngày 11-12-1864. Vua Tự Đức được tin bèn ban chiếu tuyên dương công trạng. Sau đó Ông Nguyễn Trung Trực lập thêm chiến công thứ hai nữa là đem binh phá thành Kiên Giang và hạ được thành nầy trong một cuộc giao tranh ác liệt vào đêm 15-71866. Với hai chiến công hiển hách nầy, nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt cũng là một chí sĩ đương thời đã tán thán công nghiệp của ông bằng hai câu thơ: ‘Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa, Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần’
Khi nghe tin Pháp viện binh phản công, Ông Nguyễn Trung Trực liền cho chở hết vũ khí về núi Trầu (Hà Tiên), rồi kéo quân qua đảo Phú Quốc lập chiến khu tại Cửa Cạn. Quân Pháp bao vây cô lập nghĩa binh nên lực lượng của ông dần dần suy yếu. Thêm vào đó, hai tên Việt gian Huỳnh Công Tấn và Đỡ Hữu Phương bày mưu cho Pháp bắt mẹ ông và một số đồng bào làm con tin, rồi báo cho ông biết, nếu không chịu hàng, chúng sẽ giết mẹ ông và giết hết dân làng. Nghe tin mẹ và dân làng thọ khổn, ông không thể tiếp tục chiến đấu được nữa, ông tự trói mình ra hàng để cứu mẹ và dân lành vô tội để giữ tròn câu hiếu nghĩa. Giặc Pháp dùng mọi cách khuyến dụ ông bằng quyền cao chức trọng, nhưng ông không nhận tất cả mọi sự mua chuộc, hiên ngang nhận lấy cái chết để giữ tròn khí tiết. Cuối cùng ông bị kết án tử hình tại Kiên Giang ngày 28-8 năm Mậu Thìn nhằm ngày 27-10-1868. Được tin anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực thọ tử, vua Tự Đức cho làm lễ truy điệu và sắc phong Ngài làm Thượng Đẳng Đại Thần và dân chúng ngưỡng mộ Ngài, nên đã lập đền thờ tại làng Vĩnh Thanh Vân (Rạch Giá), nơi Ngài hiên ngang chịu chết, chớ không chịu đầu hàng giặc Pháp…”
Tiếp theo cô Trần Mỹ Hạnh và Nguyễn Sum diễn ngâm bài “Gọi Đoàn Thanh Niên” và bài “Tặng Đoàn Thanh Niên Ái Quốc” do Đức Thầy viết tại Saigon năm 1943.
Sau đó, Giáo sư Nguyễn Trung Quân lên nói về cuộc đới và sự nghiệp chống Pháp cứu nước của vị anh hùng Nguyễn Trung Trực, ông đã kể lại thật chi tiết về vị anh hùng Nguyễn Trung Trực.
Cuối cùng, đồng đạo thái Mỹ Nỉ và đồng đạo Bích Thuận diễn ngâm bài “Gọi Đoàn” và bài “Gọi Đoàn Tráng Sĩ” do Đức Thầy viết tại Saigon năm 1943. Cuối cùng, Ông Trần Văn Tài thay mặt ban tổ chức cám ơn mọi người và mời ở lại dùng cơm chay thân mật do đoàn Phụ Nữ PGHH khoản đãi.
Địa chỉ hội quán PGHH là số: 2114 W. McFadden, Santa Ana, CA 92704. Điện thoại (714) 557-7563.
Gửi ý kiến của bạn