Hôm nay,  

Lại Nhớ Anh Sáu Giáng.

27/10/202300:00:00(Xem: 1599)

 

buigiang-ky-hoa-khanh-truong
Bùi Giáng - ký họa Khánh Trường

1

Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”.
Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.

Con người càng bao năm càng cao dần, nhưng chẳng cao bằng cây mít cây tre trong vườn. Anh Sáu rời vườn xưa ra đi, vẫn mang hình bóng tre mít trong lòng, nhưng tre mít chẳng bao giờ biết trong vuờn quê này từng có Sáu Giáng. Sáu Giáng là ai? Chính anh cũng mơ màng, trôi dạt, đến nhớ nhung chính mình.

“Lên đường gõ cửa nhà ma
Kêu thằng Bùi Giáng bước ra tao chào”

2

Tháng 10 năm nay, 2023, nghe râm ran qua mạng rằng các nơi, Sàigòn. Đà Nẵng, Huế, cả Hà Nội đều có lễ giổ, tưởng niệm Bùi Giáng. Cuộc đồng loạt mở lòng tưởng nhớ này rất đúng tầm lễ nghĩa. Nhưng cũng ngặt cho anh Sáu.

Hẳn là sẽ có hương trầm chuông mõ, lời tưởng niệm, diễn văn, hoặc ai đó đọc bài thơ tặng Bùi Giáng. Có một lần ở Hà Nội, mần lễ tưởng niệm Bùi Giáng, rất nhiều phát biểu yêu thơ ca Bùi Giáng, bao nhiêu người nhận đã từng gặp Bùi Giáng chuyện trò, nhưng tấm hình chân dung Bùi Giáng to đùng treo trong hội trường là hình của…họa sĩ Th. H. Vị này, đang sống nhăn, già, nghèo, sống nhờ tại chùa Nghệ sĩ, một hình thức nhà cứu tế dưỡng lão, tại Gò Vấp.

Gập ghềnh, gian truân hơn, nhân dịp này, Bùi Giáng có thể được tưởng thưởng cái huy chương Lao động hạng Nhứt; được nhận giải văn chương.

Rất khiêm nhượng, Bùi Giáng cũng như bao người có thực tài, khi cầm bút chẳng ai nghĩ mình đang lao động. Mặc dù có động -- động não; và có lao – lao tâm lao trí, cần cù mới có tác phẩm, nhưng nó không nằm trong hai từ lao động thường hằng như cày bừa bửa củi.

Trong văn chương thi họa, bọn người ấy cũng mang một xác thân lấm đầy những bụi trần gian, lẫn lộn đời thường. Nhưng họ có thêm một riêng Cõi để chan hòa. Giữa khung trời huyền vi, viễn mộng, chẳng ai trong họ thấy nơi xa xa có treo lơ lửng một cục tiền, tấm huy chương, cái bằng danh dự, trả giá. Họ ẩn mình, lánh xa đám đông, những trò đời làm vẩn đục sự tinh khiết của tâm hồn.

Bùi Giáng cũng minh triết tự biết mình, cô đơn như người trăm năm cũ. 

Nguyễn Du từng tự hỏi:

“Văn tự hà tằng vi ngã dụng – chữ nghĩa ta dùng giúp được gì cho ta”
Nguyễn Khuyến cũng từa tựa Nguyễn Du thuở kia, “Sách vở ích gì cho buổi ấy!”

Tan Đà đau đớn hơn :

“Văn chương hạ giới rẻ như bèo”.

3

Tôi chưa hề khen thơ Bùi Giáng hay. Thơ không phải chén mắm tôm, kẻ mê tơi, người bịt mũi.

Đến với anh Sáu Giáng là đến với một nơi chốn có cái để nhìn ngắm, có nắng ngoài kia, bóng mát dưới tầng lá này, có bốn mùa ấm lạnh cây kia đứng một mình.

Bùi điên, Bùi cô đơn, nhưng Bùi rất thân ái với cuộc đời, yêu cả những chủng loài vô danh nhỏ bé, bọn này chẳng dính dấp chi tới diễn văn, tưởng thưởng.

Xin yêu mãi và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn.
 Bùi đầy lòng quyến luyến, biết ơn trần gian:
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu
Bùi kỹ lưỡng, thầm trách cả chim chóc thiếu tình giả biệt:
Bay về tổ chín từng cao,
con chim vĩnh biệt quên chào mái hiên
Bùi Giáng thông tuệ, linh ứng, tiên tri chính xác, cả ngày mình xa ngái bầy trẻ con thân mến:

bui giang
Ông chào các con,
Ông từ viễn mộng tương lai
Về trong hiện tại ngàn mai giậy giàng
Mậu Dần mật thể thênh thang
Ông về chín suối đá vàng chào con
 
Năm 1998 là năm Mậu Dần, bổn mạng Thành Đầu Thổ. Bùi Giáng mất đúng ngày 7 tháng 10 năm ấy.
 
 4
Không những gởi lời tạ từ, Sáu Giáng còn uống chung rượu với em, tâm tình rất mực. Em đây, em gái Huế dịu dàng, em châu thổ thênh thang thang Châu Đốc Long Xuyên, em hưu nai ngã Bảy Ngã Ba phố thị, em Mọi từng than thở cùng Marilyn Monroe, nàng tài danh này tự tử bất ngờ khi minh tinh màn bạc hãy còn rực rỡ tháng ngày:
 
Mọi nhỏ – Tại sao chị tự tử?
 Monroe – Tại vì chị là người da trắng. Huống hồ nữa là...
 Mọi nhỏ – Là sao huống nữa?
 Monroe – huống nữa là màu da trắng của chị còn trắng hơn tất cả màu da của mọi người da trắng khác.
Monroe – Chị tự tử đã đành. Sao em cũng tự tử? Em ở trong rừng mát mẻ, em tự tử làm gì cho phí mất màu da bồ quân bánh mật của em như thế?
Mọi nhỏ – Em đâu có tự tử. Chính là thật ra cái hòn đạn nó tự tử em.

Sài-gòn vẫn sáng ửng nắng vàng để rong chơi, “Đi lên đi xuống đã đời du côn”, nhưng Bùi Giáng tự biết ngã đường chia biệt:

Uống với em trước giờ giã biệt.
Uống xong ly rượu cuối cùng
Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên.
Uống như uống nước ngọc tuyền
Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau
Uống xong ly rượu cùng nhau
Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời
Em còn ở lại vui chơi
Suốt năm suốt tháng suốt nơi lan tràn
Riêng anh về suốt suối vàng
Trùng phùng Lý Bạch nghênh ngang Tản Đà
Em còn ở với sơn hà
Anh còn mất hút gần xa mất hoài
[Uống rượu] 

Viết về Bùi Giáng, lòng ta rưng rưng.
Như, cái buổi sáng đầu tiên thức giấc, sau một khuya khoắt người thân yêu của ta vừa qua đời.
 
5
Với Bùi Giáng, Thơ và Sống là một. Ông có bước qua nhiều lĩnh vực chữ nghĩa, biên khảo, dịch thuật, triết luận, nhưng tựu trung dù quánh đặc hay phiêu bồng, luôn không rời khỏi cái hồn và phong vận thi ca nơi ông.

Bùi Giáng là thoát ngoài, một Tâm vô sở trú, nhưng ông không là một người hư vô chủ nghĩa. Ông ở trong cõi đời thân mật và đầy trách nhiệm, một kẻ dấn thân. Ông xúi giục một cách nhiệt tình cuộc vào đời, tuy  ngôn ngữ trầm tư, ẩn mật:

“Muốn suy tư đúng lối không thể không lên đường dâu biển mấy cuộc trải qua, giấn mình vào sinh ra tử, mấy lần đọ mặt vi lá cỏ hư không vắng lặng đọan trường”.

Từ tư thế này Bùi Giáng luôn là một kẻ “Sống thật”, qua cái nhìn trực diện vào hố thẳm địa cầu. Lời Bùi Giáng:

“Những người làm văn nghệ hoặc không làm văn nghệ, nhưng có dở sống d chết trong bi kịch thi đại đều nghe rõ tiếng kêu của Weil, của Einstein. Khoa học giết người, triết học giết người. Khoa học giết người, ta nhìn thấy rõ. Triết học giết người, ta nhìn không thấy rõ… Khoa học đã hồn nhiên gây bóng tối. Nhưng cái ghê tm nhất là cái bóng tối t ở giữa lòng triết học tỏa ra.”

Bùi Giáng là một nhân phận trọn đời hiến tế cho thi ca. Tận hiến ấy thể hiện một thiên tài rực rỡ và kỳ vĩ, nhưng ông không trong khoảnh vùng hạn hẹp, trong cái gọi rằng thời thế, thời cuộc, được định vị qua lịch sử chính trị. Ông là một tự do. Là thể điệu vĩnh trường, trọn một đời không để mình bị một định chế nào trói buộc.

Cõi thơ Bùi Giáng rộng tỏa qua mọi thể điệu, mọi nếp gấp nhưng ông không, và chưa hề hô hào cho một thể chế trị nước đương quyền nào, một chủ nghĩa tư tưởng, ý thức hệ chính trị nào. Với ông, không phải bận rộn, cực nhọc moi móc, tìm kiếm những hận thù để hô hào con đường lửa máu cho đấu tranh, giải thoát. Nơi Bùi Giáng là cõi an nhiên tự tại. Và, thừa trí huệ để hiểu ra sự sa đọa, cuộc đoạn trường điêu linh như một đương nhiên, chúng ta không hề và chẳng thể rên rỉ mà thoát ra ngoài.

Từ vị trí này, trần gian chỉ còn là một hí trường – chỉ là nơi chốn bày ra trò vui buồn của tạo hóa; hay chỉ là một giấc Nam kha – một giấc ngủ trưa ngắn ngủi, thức giấc lúc nồi kê chưa chín, đã thấy trọn/suốt cuộc hành trình đời mình trong một cơn mơ thoáng chốc, trong ấy  đã thấy ngay mình đưa tang mình; cũng vậy, trong mơ trần thế, Trang Tử đã thấy mình hóa bướm; hoặc, rất có thể trần gian ấy, là một “lò cừ nung nấu”, cách nói của Nguyễn Gia Thiều - mỗi phận người được số mệnh trau chút qua những nỗi đau, buồn thẳm, đọa đày.

6

Có rất nhiều nhận xét, cho rằng Việt Nam chỉ có hai nhà thơ lớn, Nguyễn Du và Bùi Giáng. Đúng sai hạ hồi phân giải, nhưng đây không là câu nói qua đường. Dịch giả Bửu Ý có một tập sách viết về Bùi Giáng, tựa đề, Bùi Giáng truyền nhân của Nguyễn Du.

Cảm hoài về nhân thế có chỗ giống nhau, thực tế về tự thân giữa hai thiên tài Nguyễn Du và Bùi Giáng lại rất đổi khác nhau.

Nguyễn Du ra làm quan dưới triều Vua Gia Long với một nỗi lòng đau. Bậc sĩ phu, kẻ nghĩa liệt không ai làm bầy tôi, thờ hai vua – Trung thần bất sự nhị quân, một trung thần không thể làm quan dưới hai vua. Vua cuối cùng của triều trước [tiên triều] và vị vua đầu của triều kế tiếp. Không kể Vua Quang Trung, triều Lê mới là tiên triều với dòng họ Nguyễn Du. Thân phụ Nguyễn Du, Nguyễn Nghiễm là đại thần của Nhà Lê. Nổi đau này là một Đoạn trường, một tiếng thét Tân Thanh, nơi Nguyễn Du. Nàng Kiều là biểu kiến của nổi trôi, phận bạc.  

Bùi Giáng khác hơn. Không có một tiểu sử bị nắng mưa đời dày xéo như Nguyễn Du.

Bùi Giáng, cõi tự tại, thong dong rất mực.

Lý Bạch xưa đã từng uống rượu của triều đình, Đào Tiềm đã lỡ ra làm quan sau mới “Qui khứ lai từ”;  Bùi Giáng không hẳn đã hơn Đào Tiềm, Lý Bạch nhưng ông xuất xử không như thế.

Khuất Nguyên giải quyết bế tắt qua buông mình xuống dòng Mịch La, Bùi Giáng cũng thấy ra là đời đời, mãi mãi nơi nao, cũng chỉ là “Địa địa xứ xứ giai Mịch La”- khắp chốn nơi, đâu cũng là chốn nên nhảy ùm tự vẩn. Nhưng ông thanh thản rong chơi; kịch liệt đùa rỡn, luôn thông thái đổi mới cách chơi ngày ngày; nguy nga tạo dựng một nhân sinh quan rộng tỏa trên mọi nẻo đường tư tưởng; mãi tràn lan cuộc vui cùng nhân gian tháng rộng năm dài.

7
Ghê thật, Bùi Giáng đỉnh cao. Bùi siêu nhiên viễn mộng. Có thật như rứa không? Giỡn chơi hoài. Bùi Giáng có những chuyện vui ít ai ngờ. Ngộ là chàng Khờ, anh Ngố, chẳng sai.

Hai chuyện này vui.

- Năm 1971, anh em xúi Bùi Giáng gởi thơ dự thi Giải thưởng Toàn quốc, lấy tiền uống rượu chơi. Bùi Giáng gom nhặt một mớ, không phải nguyên một tập thơ nào. Nộp. Không được giải nào, thậm chí giải khuyến khích! Hà Thượng Nhân, một giám khảo phê, ‘Thơ cà rỡn, thiếu nghiêm túc, khó hiểu”.

- Vào giữa thập niên 90 thế kỷ trước, trong nước, anh Nguyễn. Đg. Tr. một nhà thơ trẻ, đang chủ trương một nguyệt san văn chương. Vốn yêu mến và kính trọng những nhà văn nhà thơ tiền bối, anh có lòng mần một số báo đặc biệt về Bùi Giáng. Anh khéo nói làm sao Bùi Giáng mê tơi, không những đồng ý, mà còn hăng hái, tự tay viết một lá thư vui vầy, ký ngay tên Sáu Giáng cuối thư. Lá thư được trình trọng in ngay trang đầu số báo.

Số báo ra đời, in khá đẹp. Sáu Giáng vác một cái chuỗi chà đi tìm nhà thơ chủ nhiệm báo.

Trong số báo này, anh bạn trẻ khá vô ý, đăng những bài viết, kể lễ ba chuyện trà dư tửu hậu không đáng, những giai thoại về Bùi Giáng, hư cấu, vẽ vời, quá dung tục.

Gặp nhau, quán nhậu 81 đường Trần Quốc Thảo, Sáu Giáng chửi “Thèng tồ lô, đồ bôi boác” [giọng Quảng Nam, dịch nghĩa, “Thằng tào lao, đồ bôi bác”].
Cô Dung mang ra ba chai bia, ba cái ly bự. Bùi Giáng bảo Dung, “Không bỏ đóa”. Dung vô tình, thuận tay bỏ luôn cục nước đá vào ly anh Sáu. Bất ngờ, mặt hầm hầm, Bùi Giáng thò ngay bàn tay bụi bẩn vào ly móc cục nước đá, nạt “Tổ choa mi tau bổ không bỏ nước đóa sô mi bỏ”. Dung sợ khiếp đứng yên, chưa kịp phản ứng gì. Chỉ một vài giây đồng hồ, vẫn cục nước tổ bự trong lòng tay, ông lại nạt Dung, “Tau ném chết cha mi sô mi còn đứng đó, không chạy đi”.

Bùi Giáng là vậy. Cơn giận dỗi lơ lửng như cái hoa vàng trên dòng nước nhẹ trôi.

Một trời dâu bể, một đời thơ. Hai mươi lăm năm qua, vẫn như là ngày vừa qua, “Có phải anh Sáu đó không?”

Giữa con đường Nguyên Xuân:

“Xin chào nhau giữa con đường,
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau”.
 
Lão Xá,
Gác đền Rao, tháng 10 – 2023.
  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn của nước Việt trong thế kỷ 20. Ộng có địa vi cao cả trên thì văn đàn miền Nam và là người duy nhất được tôn xưng là thi bá...
Những phân đoạn này thuộc vào phần có tựa là “Dưới những gốc nho biển,” nằm trong tiểu thuyết “Đường về thủy phủ.” Tuy nhiên, cũng như phân đoạn [1-3] tôi đã nói ở trên, nó vẫn mang đủ những yếu tố của một truyện ngắn. Hẳn nhiên người đọc sẽ thấy rõ đây là dụng ý của tác giả. Và chỉ đến lúc đọc xong trọn “Đường về thủy phủ,” thì mới có một suy nghiệm tổng thể, và có thể bật ra cách ráp nối những mảnh hình, những sự kiện, và lóe sáng một sợi dây xuyên suốt tác phẩm qua bản chất của các nhân vật, để từ đó hiểu rõ hơn chủ đề của nhà văn Trịnh Y Thư...
Tôi viết những cảm nhận ở đây căn cứ vào những trích đoạn đã phổ biến, không đặt nó vào bối cảnh toàn diện của cuốn tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”, vì cuốn sách chưa ra đời, nhưng cũng có được cái nhìn về thủ pháp bố cục truyện và văn phong của nhà văn Trịnh Y Thư...
Có cách nào để tìm hòa bình cho vùng Trung Đông? Hãy hình dung về một phép thần nào đó, làm cho quân Israel và quân Hamas buông súng, cùng bước tới bắt tay nhau bùi ngùi, nước mắt ràn rụa, cùng nói rằng tất cả chúng ta hãy sống như một trẻ em mới sinh ra, rằng hãy quên hết tất cả những ngày đau đớn cũ, và cùng trải bản đồ ra vẽ lại, sao cho các thế hệ tương lai không bao giờ nghĩ tới chuyện cầm súng giết nhau nữa. Hình như là bất khả. Đúng là có vẻ bất khả, để có thể sống như một trẻ em mới sinh ra đời. Chỉ trừ, vài thiền sư và nhà thơ. Tôi có một giấc mơ. Vua Trần Nhân Tông bay từ đỉnh núi Yên Tử tới vùng Gaza, ngay nơi cửa khẩu đang mịt mù khói súng. Bên ngoài cửa khẩu là hàng ngàn xe tăng Israel đang chờ tiến vào, bên trong là nhiều đường hầm và hố chiến hào nơi chiến binh Hamas thò mắt nhìn ra để chờ trận chiến cuối đời của họ. Ngay nơi cửa khẩu là một giáo sĩ Đạo Do Thái ngồi đối diện, nói chuyện với một giáo sĩ Đạo Hồi, trước khi họ có thể nhìn thấy đồng bào của họ xông vào nhau.
Tiểu thuyết gia, thi sĩ và kịch tác gia người Na Uy Jon Fosse – người ngày càng thấy số lượng độc giả trong thế giới nói tiếng Anh càng tăng vì những cuốn tiểu thuyết viết về những đề tài tuổi già, cái chết, tình yêu và nghệ thuật – đã được trao Giải Nobel Văn Chương hôm Thứ Năm, 5 tháng 10 năm 2023, “vì những vở kịch và văn xuôi đầy sáng tạo giúp tiếng nói cho những điều không thể nói,” theo bản tin của báo The New York Times cho biết hôm 5 tháng 10 năm 2023. Điều này đã làm cho Fosse trở thành người đầu tiên lãnh giải thưởng Nobel Văn Chương viết bằng tiếng Nynorsk. Ông là người Na Uy thứ tư đoạt giải này và là người đầu tiên kể từ Sigrid Undset trúng giải vào năm 1928. Là tác giả đã xuất bản khoảng 40 vở kịch, cũng như tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và nhiều tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng, Fosse đã từ lâu được quý trọng vì ngôn ngữ bao dung, siêu việt và thử nghiệm chính thức của ông.
Kỷ vật, không trừu tượng, là một thứ gì bằng vật chất ghi lại, cưu mang, hoặc ẩn tượng một kỷ niệm nào đó. Loại kỷ niệm có động lực gợi lại những vui buồn, thương tiếc, nhớ nhung; có khả năng làm nhếch một nụ cười hoặc làm mờ khóe mắt. Có những kỷ vật dù đã mất nhưng không quên. Mỗi đời người càng sống lâu, càng có nhiều kỷ vật. Điều này cất vào kho tàng quá khứ, có hay không, nhiều hạnh phúc đã qua mà mùi hương không bao giờ xao lãng.
Có một tương đồng giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng. Đó là đôi khi họ làm thơ. Nhưng dị biệt lớn giữa hai nhà thơ tài tử này chính là chủ đề, là nguồn cảm hứng để làm thơ. Nguyễn Phú Trọng làm thơ ca ngợi ông Hồ Chí Minh và những chủ đề tương tự, thí dụ, một lần ông Trọng làm ca ngợi khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông. Nhưng Tổng Thống Biden chỉ làm thơ tình, và chỉ tặng vợ thôi. Chúng ta không nói rằng thơ hay, hay dở, chỉ muốn nói rằng trong tâm hồn của Biden là hình ảnh thướt tha của Đệ nhất phu nhân Jill Biden. Và trong tâm hồn của ông Trọng là những khối xi măng có hình Lăng Ông Hồ, và rồi hình khách sạn Mường Thanh. Không hề gì. Thơ vẫn là thơ (giả định như thế). Bây giờ thì hai nhà thơ Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng đã gặp nhau.
Truyện Thạch Sanh Lý Thông lưu truyền trong dân gian dưới hình thức chuyện kể truyền miệng chắc có đã lâu, phải hiện hữu trước khi ông Dương Minh Đức đưa bản văn sáng tác của mình sang bên Quảng Đông khắc ván ‒ cũng như đã từng đưa vài chục tác phẩm khác của nhóm, nhờ đó miền Nam Kỳ Lục tỉnh có được một số tác phẩm Nôm đáng kể mà người nghiên cứu Nôm thường gọi là Nôm Phật Trấn...
Sau tháng Tư năm 1975, tất cả những tác phẩm truyện ngắn truyện dài của các tác giả Việt Nam Cộng Hòa [1954-1975] đều bị chế độ mới, Xã hội chủ nghĩa cấm in ấn, phổ biến, lưu trữ. Tên tuổi tác giả, tác phẩm được công bố rõ ràng. Việc tưởng xong, là quá khứ. Bỗng dưng 32 năm sau năm, 2007, từ Hà Nội một nhà văn có chức quyền, có Đảng tịch, ông Phạm Xuân Nguyên, vận động, hô hào sẽ in lại một số tác phẩm Miền Nam, đang bị cấm. Trước tiên là 4 [bốn] tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu. Đó là các tác phẩm Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Tiếng sáo người em út và Nhan sắc. Khi sách được phát hành có ngay phản ứng. Rất nhiều bài báo lần lượt xuất hiện liên tiếp trên các báo tại Sàigòn “đánh/ đập” ra trò. Hóa ra, những người vận động in lại sách là các cán bộ văn hóa từ Hà Nội. Hung hăng đánh phá là những cây bút… Sàigòn. Trong đó có Vũ Hạnh, một cán bộ nằm vùng, người trước kia bị chế độ Miền Nam bắt giam tù, Dương Nghiễm Mậu là một trong số các nhà văn, ký đơn xin ân xá cho Vũ Hạnh.
Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.