Hôm nay,  

Pablo Neruda: Cái Chết Uẩn Khuất Của Một Nhà Thơ

24/02/202300:00:00(Xem: 2127)
 
Pablo Neruda
Sau một cuộc điều tra kéo dài hàng thập niên, một nhóm chuyên gia pháp y đã đưa ra báo cáo cuối cùng về hài cốt được khai quật của nhà thơ nổi tiếng người Chile. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
 
Đã năm mươi năm trôi qua, nguyên nhân thực sự về cái chết của nhà thơ Pablo Neruda vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với nhiều người trên thế giới. Ông đột ngột lìa đời sau cuộc đảo chánh năm 1973 của Chile.
 
Pablo Neruda không chỉ là nhà thơ từng đoạt giải Nobel danh giá, mà còn là một trong những nhà hoạt động chính trị có ảnh hưởng nhất ở Chile. Pablo Neruda công khai theo chủ nghĩa cộng sản, thẳng thắn ủng hộ và làm việc trong chính quyền của Salvador Allende, vị tổng thống cánh tả của Chile, cầm quyền từ năm 1970 đến năm 1973.
 
Chỉ vài tuần sau cuộc đảo chánh năm 1973, Pablo Neruda chết tại một phòng khám tư nhân, với nguyên nhân được xác định là do ung thư. Nhưng bấy lâu nay, cả thời gian và hoàn cảnh về cái chết của Pablo Neruda đều khiến người ta không khỏi nghi ngờ rằng liệu có phải có gì đó ‘mờ ám’ hay không.
 
Thời báo New York Times đã xem xét bản tóm tắt các phát hiện được tổng hợp bởi các chuyên gia pháp y quốc tế, họ đã kiểm tra hài cốt được khai quật của ông Neruda và xác định có vi khuẩn có thể gây chết người. Trong bản báo cáo, các khoa học gia xác nhận rằng vi khuẩn đã ở trong cơ thể nhà thơ khi ông lìa đời, nhưng cũng cho biết họ không thể phân biệt liệu đó có phải là do ông bị tiêm vào người hay do ăn đồ ăn bị nhiễm độc.
 
Những phát hiện này, một lần nữa, bỏ ngỏ câu hỏi liệu Pablo Neruda có bị sát hại hay không.
 
Pablo Neruda là ai?
 
Pablo Neruda là một nhà lập pháp, nhà ngoại giao và nhà thơ đoạt giải Nobel người Chile. Trước khi ông Allende lên làm tổng thống Chile vào năm 1970, ông Neruda được coi là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Mỹ Latinh và là phát ngôn nhân hàng đầu cho phong trào cánh tả của Chile.
 
Sinh ngày 12 tháng 7 năm 1904, Pablo Neruda lớn lên ở Parral, một cộng đồng nông nghiệp nhỏ ở miền nam Chile. Mẹ ông là một giáo viên, bà qua đời ngay sau khi sinh ông; cha ông là một nhân viên đường sắt, không ủng hộ niềm yêu thích văn chương của con trai. Dù vậy, ông Neruda bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi.
 
Trong suốt cuộc đời của mình, ông Neruda đã đảm nhận một số vị trí ngoại giao tại các quốc gia bao gồm Argentina, Mexico, Tây Ban Nha và Pháp. Ông tham gia các hoạt động chính trị cũng như làm thơ cho đến cuối đời.
 
Ông Neruda qua đời tại một phòng khám bệnh ở Santiago, thủ đô của Chile, ở tuổi 69. Cái chết của ông xảy ra chưa đầy hai tuần sau khi người bạn và đồng minh chính trị của ông, ông Allende thà tự sát chứ không đầu hàng. Chính quyền của ông Allende bị lật đổ vào tháng 9 năm 1973.
 
Pablo Neruda là một nhân vật chính trị thế nào?
 
Trong thời gian ở Barcelona với tư cách là một nhà ngoại giao, kinh nghiệm về Cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha đã mang Neruda đến với một lập trường chính trị tích cực hơn. Về sau, ông có viết rằng: “Kể từ đó, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng trách nhiệm của nhà thơ là phải giữ vững lập trường của mình.”
 
Ông mất chức nhà ngoại giao vì ủng hộ Cộng Hòa Tây Ban Nha, vốn đã bị tan rã sau khi đầu hàng phe Chủ nghĩa dân tộc của Tướng Francisco Franco. Ông cũng đã vận động hành lang để cứu hơn 2,000 dân tị nạn, những người rơi vào cảnh lưu lạc khốn cùng bởi chế độ độc tài của ông Franco.
 
Ông Neruda là thành viên trọn đời của Đảng Cộng Sản, và chỉ phục vụ một nhiệm kỳ. Với tư cách là một thượng nghị sĩ, ông chỉ trích chính phủ của Tổng thống Gabriel González Videla, cầm quyền chính phủ Chile từ năm 1946 đến năm 1952, khiến ông phải sống lưu vong bốn năm.
 
Vào năm 1952, Neruda hồi hương để ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Allende với tư cách một nhà văn cánh tả. Họ thất bại trong cuộc vận động tranh cử năm đó và trong hai kỳ bầu cử khác nữa. Đến năm 1970, ông Neruda được đề cử là ứng cử viên cho chức tổng thống Chile của Đảng Cộng Sản, nhưng ông đã rút lui để ủng hộ Allende – người trúng cử năm đó.
 
Tại sao Pablo Neruda lại được quan tâm nhiều như vậy?
 
Trong thế kỷ 20, Pablo Neruda là một trong những nhân vật nổi bật nhất của Mỹ La-tinh về cả thơ ca và hoạt động chính trị. Ông đã lớn tiếng kêu gọi Hoa Kỳ can thiệp vào nước ngoài, thẳng thừng lên án Nội Chiến Tây Ban Nha và nhiệt tình ủng hộ Đảng Cộng Sản Chile. Sách của ông đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng.
 
Tuy nhiên, bản thân Neruda cũng là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Nhiều người chỉ trích ông về việc bỏ rơi đứa con gái bị chứng não úng thủy bẩm sinh. Cô bé đã qua đời ở tuổi lên 8 vào năm 1943. Và gần đây, ông cũng bị chỉ trích do đoạn miêu tả trong cuốn hồi ký kể về vụ tấn công tình dục một cô hầu gái.
 
Đâu là các tác phẩm đáng giá nhất của ông?
 
Pablo Neruda có khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Ông đã xuất bản hơn 50 ấn phẩm bằng thơ và văn xuôi, từ những bài thơ lãng mạn đến những lời vạch trần bộ mặt các chính trị gia Chile cũng như những trăn trở suy tư về một Tây Ban Nha bị tàn phá bởi nội chiến. Ông đã hoạt động nhiệt thành vì công bằng xã hội; ‘gia tài’ văn thơ phong phú của ông đã vang vọng khắp thế giới, khiến ông trở thành một biểu tượng trí tuệ của thế kỷ 20 ở Mỹ Latinh.
 
Pablo Neruda 2
“Yêu thì ngắn ngủi, mà lãng quên lại quá dài.” – Pablo Neruda, Love. (Nguồn: chụp lại từ YouTube)
 
Cuốn sách đầu tiên của Neruda được xuất bản vào năm 1923, lúc ông mới 19 tuổi, có tựa là “Crepusculario,” hay “Book of Twilight.” Một năm sau, Neruda phát hành “Veinte Poemas de Amor y una Canción Desesperada,” (“20 bài thơ tình và 1 bài ca tuyệt vọng”). Tuyển tập này đã giúp ông trở thành một nhà thơ lớn, và cho tới gần một thế kỷ sau, nó vẫn là tập thơ bán chạy nhất bằng tiếng Tây Ban Nha.
 
Những chuyến đi đó đây với tư cách là một nhà ngoại giao cũng ảnh hưởng đến tác phẩm của Neruda, như trong hai tập thơ có tựa đề “Residencia en la Tierra” (“Cư Ngụ Trên Trái Đất”). Và mối liên quan của ông với chủ nghĩa cộng sản đã được thể hiện rõ ràng trong cuốn sách “Canto General” (“Bài Ca Chung”), trong đó ông kể về lịch sử của Châu Mỹ từ góc nhìn của một người gốc Tây Ban Nha.
 
Tuy nhiên, cũng có thể chính lòng thành đối với chủ nghĩa cộng sản đã trì hoãn giải thưởng Nobel của Neruda. Mãi cho đến năm 1971, ông mới được trao giải Nobel cho toàn bộ tác phẩm của mình. Theo trang web của Nobel, ông đã sáng tác “những vần thơ với sức mạnh siêu nhiên thể hiện số phận và ước mơ của cả một lục địa.”
 
Những tranh cãi xung quanh cái chết của Pablo Neruda
 
Sau cuộc đảo chánh ở Chile, một trong những cuộc đảo chánh bạo lực nhất Mỹ Latinh, quân đội đã đột kích vào nơi ở của Neruda. Chính phủ Mexico đề nghị đưa ông và vợ ông, bà Matilde Urrutia, ra khỏi đất nước. Tuy nhiên, cuối cùng ông được đưa vào phòng khám Santa María vì bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
 
Tối ngày 23 tháng 9 năm 1973, phòng khám báo cáo rằng ông Neruda qua đời vì suy tim. Sáng hôm đó, ông có gọi điện cho vợ và kể rằng mình bị ốm sau khi uống một số loại thuốc.
 
Năm 2011, Manuel Araya, từng là tài xế của ông Neruda, đã công khai tuyên bố rằng thời điểm đó, các bác sĩ tại phòng khám đã đầu độc ông chủ mình bằng cách tiêm một chất lạ vào bụng ông. Người tài xế khẳng định chính ông Neruda đã nói với ông điều này trước khi chết. Mặc dù các nhân chứng, bao gồm cả vợ của Neruda, đã lên tiếng bác bỏ tin đồn, nhưng một số người vẫn không tin rằng ông chết vì bệnh.
 
Cuối cùng, những nghi ngờ lẫn cáo buộc đã dẫn đến một cuộc điều tra chính thức. Năm 2013, một thẩm phán đã ra lệnh khai quật hài cốt của nhà thơ và gửi các mẫu vật đến các phòng thí nghiệm di truyền học pháp y. Theo báo cáo được công bố 7 tháng sau đó, các chuyên gia quốc tế và Chile đã loại trừ khả năng ông chết do bị đầu độc. Báo cáo cho biết không tìm thấy “tác nhân hóa học” nào có thể liên quan đến cái chết của ông Neruda và “không có bằng chứng pháp y nào” chỉ ra nguyên nhân cái chết khác ngoài căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
 
Tuy nhiên, vào năm 2017, một nhóm điều tra viên pháp y tuyên bố rằng ông Neruda không chết vì ung thư. Họ đã tìm thấy dấu vết của một loại vi khuẩn có khả năng có độc ở một trong những chiếc răng hàm của ông. Những phát hiện mới đã được chuyển cho tòa án và nhóm điều tra được yêu cầu xác định nguồn gốc của vi khuẩn.
 
Trong báo cáo cuối cùng được đưa ra cho một thẩm phán Chile hôm Thứ Tư, 15 tháng 2 năm 2023, các khoa học gia trong nhóm điều tra cho biết các bằng chứng về hoàn cảnh ủng hộ cho giả thuyết Neruda bị sát hại. Năm 1981, chế độ độc tài quân sự thường đầu độc các tù nhân bằng loại vi khuẩn chết người, tương tự như chủng vi khuẩn được tìm thấy trên người ông Neruda. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy mà không thể tìm thêm bằng chứng nào khác, họ sẽ không thể xác định nguyên nhân cái chết của ông Neruda.
 
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Who Was Pablo Neruda and Why Is His Death a Mystery?” của Flávia Milhorance, được đăng trên trang NYTimes.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày Đại Lễ Phật Đản đã được Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Columbo của Tích Lan năm 1950 ấn định là ngày Rằm tháng tư Âm Lịch hay ngày trăng tròn tháng Vesak của Ấn Độ, tức tháng 5 Dương Lịch. Kể từ đó, các tổ chức Phật Giáo trên thế giới đều lấy ngày này làm ngày lễ chính thức kỷ niệm Đức Phật Đản Sinh. Theo đề nghị của 34 quốc gia có đa số người dân là Phật tử, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong phiên họp lần thứ 54 vào ngày 15 tháng 12 năm 1999 đã thông qua Nghị Quyết tuyên dương tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình của Đức Phật và chính thức tổ chức Ngày Đại Lễ Vesak vào tháng 5 để kỷ niệm đức Phật đản sinh, giác ngộ và nhập niết bàn. Nhân mùa Phật Đản lần thứ 2644 năm nay, xin trích dịch câu chuyện về cuộc đời của đức Phật do Bhikkhu Bodhi viết trong bài “The Buddha and His Dhamma” [Đức Phật và Giáo Pháp Của Ngài]. Bhikkhu là tiếng Nam Phạn (Pali) chỉ giới phẩm Tỳ Kheo của một vị xuất gia trong Phật Giáo. Vì vậy, Bhikkhu Bodhi là Tỳ Kheo Bodhi.
Thành phố của tôi đích thực là Hà Nội: tôi sinh ra ở đó, tôi đã sống trọn vẹn thời tuổi trẻ ở đó. Nhưng tôi có một ông bác ưa phiêu lưu, sớm rời bỏ thành phố sinh trưởng, đi bén rễ ở một nơi mà ngày nhỏ tôi tưởng như xa xôi lắm. Đảo Phú Quốc ở mãi tận cùng đất nước. Những giấc mơ tuổi trẻ của tôi thường hướng về chân trời thật xa đó. Những giấc mơ cũng có khi hiện thành sự thật với những gánh hát tự miền xa tới trình diễn. Bao nhiêu đêm rực rỡ ánh sáng tiền trường, vang vang tiếng ca giọng nói của miền xa
Ngày 30 tháng 4 năm 2020 đánh dấu 45 năm Miền Nam Việt Nam thất thủ. Khởi đi từ đó dù cuộc chiến bom đạn đã chấm dứt trên quê hương nhưng lại mở ra một trận chiến âm thầm khốc liệt và đau thương khác cho dân tộc. Đó là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa tự do và độc tài, giữa nhân đạo và bất nhân mà bằng chứng cụ thể là hàng triệu người dân ruồng bỏ chế độ độc tài đảng trị tàn bạo cộng sản ra đi bằng đường bộ và đường biển khiến cho cả triệu người phải vùi thây dưới lòng đại dương hay chôn thân trong rừng sâu núi thẳm. Từ bối cảnh đó hai chữ “thuyền nhân” ra đời trong sự thức tỉnh của lương tâm nhân loại trước định mệnh nghiệt ngã của dân tộc Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20. Trong ý nghĩa này, thuyền nhân là những người dám xông vào cõi chết để tìm đất sống.Tại sao phải bỏ nước ra đi? Tại sao một dân tộc có lịch sử mấy nghìn năm kiên trì bất bại bám giữ từng tấc đất của ông bà tổ tiên để lại như người Việt Nam lại phải chọn lựa cho mình con đường bỏ nước ra đi đầy hung hiểm
Ba người đàn ông ngồi quây xung quanh cái bàn gỗ tròn trong quán và cùng hướng về phía quốc lộ chạy mất hút vào trong rừng cao su ở hai bên. Quán bằng lá nằm cuối dãy phố mươi lăm chiếc nhà, sát cạnh con đường đất xe hơi có thể vào, ngăn phố với rừng cao su. Đầu trên dãy phố là đồn dân vệ rào ba lần thép gai trên treo lủng lẳng những ống lon rỉ. Người đàn ông ngồi ngoài cùng kế cây cột chống, mặc áo lá và quần xà lỏn, một chân co lên mặt ghế, tay bưng ly cà phê uống từ hớp nhỏ. Người đàn ông liền bên vận quần áo ka-ki sờn rách, đầu đội nón bẻ vành, chân đi giày không vớ, cầm chiếc muỗng nhỏ xíu gõ nhịp lên bàn. Người ngồi tách riêng một phía già hơn hết, tóc tiêu muối, vận quần lãnh đen bám bụi đỏ, áo túi trắng ngả màu, trước một ly cà phê sữa. “Có lẽ tụi nó về hết rồi.” Ông già nói. “Còn mà. Ít nhất còn cái 601 chưa về.” “Vậy ai chơi nổi với mày nữa. Mày thuộc hết số xe còn gì? Thằng này điếm quá.” “Ờ... tôi nhớ nhưng biết cái nào tới trước cái nào tới sau?”
Nhân loại đang đối phó với một trận dịch bệnh vô cùng nguy hiểm. Những mong manh của đời người hiển lộ ra rõ ràng hơn. Những khổ đau không còn là chuyện nghe nói của ký ức hay chỉ đọc trong sách vở, nhưng là những gì hôm nay chúng ta nhìn thấy ngay ngoài phố, góc chợ và màn hình điện thoại. Giữa các khổ đau trùng trùng của phận người như thế, tôn giáo đã trở thành nơi nương tựa thiết thân cho nhiều người, trong đó các lời cầu nguyện và than khóc được ghi vào âm nhạc và thi ca như các bậc thang hướng về cõi an lành, nơi đó đi song song với khổ đau là hy vọng. Bài này sẽ khảo sát về bốn tôn giáo lớn của nhân loại qua mắt nhìn thi ca về khổ đau và hướng tới hy vọng, sẽ viết theo thứ tự đông tín đồ nhất --- Thiên Chúa Giáo nhiều hệ phái (31.5% dân số thế giới), Hồi Giáo (23.2%), Ấn Độ Giáo (15.0%), Phật Giáo (7.1%) --- trong đó 3 tôn giáo lớn nhất tin vào Đấng Sáng Tạo, duy chỉ Phật Giáo nói rằng không hề có Thượng Đế nào trên đời này cả.
Nhưng không. Hắn không nằm mơ. Hắn biết chắc rằng nếu đây chỉ là giấc mơ thì chủ đích trở về thực tại đã không thất bại. Hắn đã không tỉnh dậy. Cảm giác mềm mại của lớp vải bên trong quan tài, hắn cảm thấy, cùng lúc cái “mùi thối” trở lại, thối khủng khiếp, thối đến nỗi hắn đâm ra nghi ngờ, không biết đó có phải “mùi thối” của chính mình không. Hắn muốn nhìn bà con dòng họ hắn trước khi hắn tan rữa, và cảnh tượng một đống thịt thối rữa hiện ra trước mắt chắc hẳn sẽ làm họ chết khiếp vì kinh tởm. Hàng xóm sẽ xúm nhau bỏ chạy, ai nấy lấy khăn tay che miệng, và nhổ nước bọt liên hồi. Không. Không thể thế được. Tốt hơn họ phải đem hắn đi chôn ngay. Tốt hơn phải dẹp bỏ ngay “cái đó,” càng sớm càng tốt. Lúc này, thậm chí chính hắn cũng muốn vứt đi thân xác mình. Bây giờ hắn biết rất rõ hắn đã chết, hoặc, có sống thì cũng chẳng đáng kể, chẳng ra gì. Có khác biệt nào không? Trường hợp nào thì cái “mùi thối” vẫn ngoan cố bốc lên. Với lần bỏ cuộc này hắn sẽ được nghe lời kinh cầu nguyện
Chỉ cần lão bước thêm một bước nữa, hay nói chính xác hơn là lão đụng vào mẹ hắn, một cú bàn long cước sẽ tung thẳng vào cuống họng của lão, và tiếp đó là một cú cắm thiết chõ vào ngay giữa trán lão. Cú đòn này hắn đã luyện suốt hơn hai mươi năm nay, từ thời ngăn sông cấm chợ, cái thời mà các lò võ phải lén lút tập luyện lúc ba giờ sáng, các võ đài do nhà nước mở ra chỉ để đánh cuội mang tính trình diễn và những võ sĩ thực thụ không bao giờ bước lên võ đài ấy. Hắn luôn sống trong hối hận và ăn năn.
Nhớ lại năm 1407, quân Minh xâm lược Đại Việt ta, cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải sang Kim Lăng, nước Tàu. Nguyễn Trãi khóc tiễn cha đến tận ải Nam Quan thì Nguyễn Phi Khanh khuyên ông trở về mưu đồ phục thù và rửa hận cho cha bằng con đường cứu nước. Nói tới Nguyễn Trãi mà tiếc cho nước mắt của ông. Ngày xưa, khi tiễn cha bị đày qua Tàu nước mắt Nguyễn Trãi đã thấm ướt cửa ải nước Việt. Ngày nay Ải Nam Quan đã thuộc phần đất của Tàu, thế thì nước mắt ngày xưa của Nguyễn Trãi nay đã trở thành giọt lệ khô trên đất Tàu vậy.
Bây giờ, mỗi lần đi coi hát, nhìn thấy những diễn viên thủ những vai phụ, tôi lại chợt nhớ đến Liêm. Tôi nhìn lên những diễn viên đó (những diễn viên mà suốt một vở tuồng chỉ xuất hiện vào khoảng độ mười phút trở lại) lòng se sắt một nỗi buồn. Hình ảnh của họ là hình ảnh của Liêm mười năm về trước. Cũng những vai trò tầm thường ấy, cũng những câu nói ngắn ngủi ấy, có khi là một vai lính hầu suốt buổi hát chỉ chờ để “Dạ” một tiếng thật lớn, có khi là một vai tướng cướp, một tên côn đồ hung dữ mà vở tuồng chưa qua khỏi màn đầu đã bị giết chết. Tôi nhìn họ, nghĩ đến những chiếc tàu nằm ở những ga hẻo lánh, suốt đời chỉ giữ có mỗi một nhiệm vụ là đẩy giúp những con tàu chính lên khỏi một đoạn đèo dốc. Ngày xưa, đã có lần tôi ví Liêm là chiếc đầu tàu xe lửa đó.Liêm với tôi quen nhau hết sức tình cờ. Ngày ấy tôi đi theo một đoàn hát cải lương lưu diễn quanh năm tại các tỉnh miền Bắc. Tôi giữ vai trò cũng không lấy gì làm quan trọng lắm trong đoàn hát này. Suốt ngày, tôi chỉ có một nhiệm vụ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.