Hôm nay,  

PHẠM DUY, Người đi cùng mệnh nước ngược xuôi – Chương Kết

17/02/202300:00:00(Xem: 2849)

Pham Duy Bản Vẽ của Tạ Tỵ
Pham Duy Bản Vẽ của Tạ Tỵ
 
Tôi viết về Nhạc sĩ Phạm Duy, một bài khá dài, nhiều chương, với một tình cảm thân thiết, rõ ràng, đơn giản, như ta nói thân hình ông ta chia làm ba phần đầu mình và tay chân, trong đầu có bộ não, vầy thôi, nhưng/ hẳn sẽ làm rất nhiều người không đồng tình. Thậm chí cay đắng, “Thằng này đã ca ngợi thằng kia”.
 
Đây là những người vốn không thích, chẳng ưa, rất ghét Phạm Duy. Tôi không có quyền bình phẩm đúng sai.
 
Tôi vẫn tôn trọng những người này. Vì tôi hiểu, Tự do phải cần được tôn trọng.
 
Phạm Duy thừa biết nhiều người không yêu thích mình. Trong những lá thư gởi tôi, sau lời thăm, chúc cuối thư, ông luôn viết thêm, “thăm cả người yêu lẫn kẻ ghét”.
 
Nhà thơ Phùng Quán đã nói rõ:
 
Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Dù ai non ngọt nuông chìu
cũng không bảo yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
cũng không bảo ghét thành yêu
[Lời Mẹ dặn]
 
*
 
Những ai đã từng sống trong một xứ sở luôn thiếu dưỡng khí, con người với súc vật lắm khi cùng một mùi hơi, suốt chiều dài non thế kỷ là chiến tranh, chia cắt, nội thù. Không chỉ dùng súng đạn, lưỡi lê mã tấu cho một tình cảm chung của dân tộc là chống ngoại xâm. Mà là, để anh em một nhà thanh toán nhau, bạn bè thù hận nhau, một mối thù truyền kiếp không nguôi.
 
Đối nghịch ý thức hệ chính trị Quốc-Cộng, ly biệt vì tình cảnh trong nước ngoài nước, cái hố thẳm ấy, tận hôm nay, cả một giống nòi chưa thể vượt qua. Nó đã thành máu chảy trong người. Không còn cái máu thù hận nhau ấy, qua trái tim, hầu như ta không còn giá trị gì, để sống trên cõi đời.
 
Mỗi chiều hôm quạnh quẽ, một sớm mai thức giấc, những ai là người nổi danh, có chút tiếng tăm nên hiểu, Có lắm người đang mài dao trên thớt chờ đợi mình. Nhạc sĩ Phạm Duy, cả Thiền sư  Nhất Hạnh, không nằm ngoài. 
 
Có điều lạ lùng. Bây giờ, “Cái bọn người tài ba ấy” chỉ còn là những bộ hài cốt nằm sâu trong lòng đất. Ác nhơn “Bọn ấy” chưa chết. Có thể là không bao giờ khuất mặt. Những nhạc, những áng thơ văn, nói chung những sản phẩm tinh thần, thứ ánh sáng tâm linh “bọn ấy” giọi vào đời, hãy còn mãi đây. Họ sống với những gì đã lưu dấu, không cần thiết là những tượng đài xi măng cốt sắt.
Họ lồng lộng còn đây với tiếng hát đêm đêm dưới ánh đèn màu, của Hôm nay, tận Mai sau, hay trong sâu lắng những chốn riêng mỗi lòng người. Với một bát ngát minh triết, cõi lòng rộng mở, biển trời chờ mong trong hẹn gặp:
 
Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh tố nữ
Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ
Tìm sâu trong muôn thuở
Tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu
Tìm nhau trong bom lửa
Tìm nhau trong mưa bão
Tìm nhau trên kinh đô xâу trong xương máu
Tìm nhau trong thống khổ
Tìm nghe câu than thở

Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu.
Gặp nhau trong vinh dự của đời người, Người ơi
Gặp nhau dưới Đức Tin bao la phơi phới
Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới, ơi Người
Gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơi.
[Tìm nhau – Phạm Duy]
 
*
 
Tôi đi trong bao la ấy.
 
Tôi thanh thản với tự do riêng mình.
 
Tôi vẫn thở, và viết.
 
Cái sự trục trặc, trắc ẩn trong lòng người gian thế đâu chỉ có hôm nay. Không chỉ hôm nay. Từ sâu trong thiên cổ hãy còn vang dội. Nguyễn Trãi với Bình Ngô Đại cáo. Ông từng bị tru di tam tộc – giết cả ba họ, họ cha họ mẹ, họ vợ – vì vụ án Lệ Chi viên. Với Thiền thi, Trần Nhân Tông, vị Vua này há không có nỗi niềm trước khi thành vị Phật Hoàng. Với truyện Kiều, Nguyễn Du, ông vui gì trong tiếng đàn của Thúy Kiều.
 
Sau cùng, cái mà thế gian nhớ, nhân gian cần, là trên những tác phẩm họ để lại. Cái đời xác thân kia, cái hữu thể được giả định là một mệnh người, đã từ lâu hóa tro.
 
*
 
Tương truyền, Cao Bá Quát, nhà thơ vào hàng thi bá, lại giỏi chữ, vào thời Nhà Nguyễn, ông rất ngạo mạn, cho rằng “Trong thiên hạ có ba bồ chữ, họ Cao này đã một bồ”.
 
Về Phạm Duy, ta ví von theo lời họ Cao, “Trên đất Việt có ba bồ nhạc, người họ Phạm đã một bồ”. Đúng bon.
 
Cứ phân loại ra từng mục các thể loại nhạc rồi liệt kê ra số tác phẩm, ta hẳn thấy rất nhiều loại Phạm Duy đứng đầu. Mà hạng nhứt này trên hạng nhì kia xa lắm. Hạng nhứt vài trăm bài, người về hạng nhì chưa tới vài chục bài!
 
Nhạc tình chăng hạn. Không chỉ là tình yêu nam nữ, người họ Phạm có chục thứ tình, tình ca quê hương, tình yêu đất nước, tình hoa cỏ, tình mẹ, tình kháng chiến. Liệt kê một cách khiêm tốn đã trên nghìn bài!
 
Nhạc ngoại quốc được chuyển lời sang tiếng Việt họ Phạm có trên vài trăm bài. Con số tương đối đầy đủ là 255 bài! Đủ thể loại, dân ca, tình ca, POP, nhạc Khiêu Vũ... Ông đặt lời cho nhạc không lời – những danh tác bất hủ bán-cổ-điển Tây Phương. Nhạc chuyển lời của Phạm Duy, phần lớn là những bài được đông đảo người thưởng ngoạn lắng nghe, ca ngợi.
 
Phạm Duy phổ thơ thuộc loại ảo diệu, phù thủy ngôn ngữ. Gom số lượng bài ca được phổ nhạc từ thơ do các nhạc sĩ cả nước cộng lại, ta sẽ thấy kinh ngạc số lượng Phạm Duy có. Tài hoa như Phạm Đình Chương, so với Phạm Duy, cũng phải khiêm nhường.
 
Không nói quá, ông là “Người hóa kiếp thơ”. Có đôi nhà thơ đã trách giận ông vì bị bỏ đôi chữ, thay đổi cấu trúc bài thơ. Nhưng nhìn chung hầu hết các thi sĩ được ông nhặt thơ ra, đưa vào nhạc, là nâng bài thơ ấy lên một cung bậc khác, đưa nó ra “trận tiền’ để đông đảo người “biết đến”, khi, vốn bài thơ đã khiêm tốn nằm trong chốn im của chữ nghĩa.
 
 
Nhiều nhà thơ chưa tên tuổi bao nhiêu, rất nhiều, khi bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc, thơ được nâng cung bậc, nhà thơ ấy lên ngôi.
Nhiều bài thơ của các nhà thơ hữu danh, như Lưu Trong Lư, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Bích Khê, Hàn Mạc Tử, Hoàng Cầm… thơ ấy hay, nhưng người đọc có giới hạn, và qua thời gian chừng nó đã an phận là “quá khứ”, thư mục lưu trữ trong các thư viện. Nhưng / bỗng khi được Phạm phả dòng nhạc vào, linh hồn kia thức giấc. Vang động trong tâm người thưởng ngoạn. Những Ngậm ngùi, Hoa rụng ven sông, Mộ khúc, Tiếng sáo Thiên Thai, Tình Cầm…
 
Kể cả tính hàn lâm, chỗ lai láng ý tình, sâu lắng cái ngẫm nghĩ nhân gian, cô đọng và hoa mỹ của ngôn từ, e rằng Người họ Phạm có hơn… một bồ.
 
*
 
Trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là ngôi sao Trường Canh.
 
Trời bắt đầu vào đêm, sao xuất hiện ở chân trời phương đông. Nửa đêm sao đứng giữa trời. Tàn đêm, sao mờ nhạt phía trời tây. Quê tôi, phía đông là biển, phương tây là dãy Trường Sơn. Trường Canh, sao mọc từ biển, lặn vào núi. Hiện ra lúc sóng gào gió lộng của đại dương, lặn vào chốn lặng im rừng thẳm. Ấy là tôi nhìn Trường Canh trong cái không gian giới hạn từ địa lý Việt Nam.
Tương đồng như thế, từ khởi đầu thời đại đại biến, 1945, đã có Phạm Duy. Buổi kết thúc chiến chinh, 1975, vẫn còn Phạm Duy. Khởi đầu cuộc bỏ nước ra đi, Phạm Duy đi trước ngày 30 tháng Tư 1975. Quy hồi cố quận, Phạm Duy về, tương đối sớm so với những người cùng hoàn cảnh với ông.
 
Trong cái dài dặc ấy, Phạm Duy luôn có sáng tác mới. Như sao Trường Canh suốt đêm tỏa ánh sáng. Ánh sáng, chỉ mờ dần khi đêm sắp tàn.
 
Phạm Duy, có một phong cách, một bản lĩnh, một sức sáng tạo đường trường. Viết mãi không thôi như thở mãi không ngừng. Thôi viết là ngưng thở.
 
Trong mấy chục năm sống trong nước, cách nhau một Thái Bình Dương, tôi với ông thỉnh thoảng vẫn có thư từ cho nhau. Trong nước tôi vẫn được nghe những bản nhạc của ông sáng tác sau này, qua các băng đĩa, hàng chui.
Năm 1996, đọc được Hồi ký của ông, được chép trong đĩa nhựa, nhờ một nhạc sĩ trẻ [TK] chuyển cho tôi. Ông kỹ lưỡng lắm, phải có mật mã, password, mới đọc được. Chừng như các bản in thành sách của ông có khác phần nào với bản đĩa mà tôi đã đọc.
 
Trong thư từ qua lại, có một lá thư tôi thấy thái độ của ông khá lạ. Lòng ông đầy trăn trở.
 
Nội dung thư:
 
Midway City. 26 / 9 / 96
Anh Cung Tích Biền,
Cảm ơn anh đã viết thư nhắc lại những ngày xa xưa…”khi ta còn thơ”!
 
Tôi rất thú vị khi biết rằng anh và nhiều người vẫn còn nghe nhạc Phạm Duy. Tôi nhìn nhận điều anh nói trong thư là đúng nhưng từ lúc từ chối làm thằng mõ trong làng để thành Bố già của thế kỷ [Từ khi soạn Rong ca 1988], tôi tạm quên “đối tượng thưởng ngoạn” [họ chỉ muốn nghệ sĩ là con người tình cảm và con người xã hội của thời đại mà thôi] để làm nốt phần nhạc tâm linh mà tôi đã khơi mào từ lúc còn trẻ [từ lúc đứng bên cầu biên giới chẳng hạn]. Do đó có rong ca, thiền ca, trường ca Hàn Mặc Tử sau tâm ca, đạo ca, v.v… Rất thú vị khi anh cho biết đã nghe Thiền ca số 8 nhan đề Răn, không ngờ mình muốn quên đối tượng thưởng ngoạn mà họ vẫn nhớ mình [cần phải nói với anh là loại nhạc tâm linh của tôi rất không ăn khách !!!]
 
Về chuyện đốt sách chôn học trò, tôi nghĩ rằng Đại Đế họ Tần có một canh bạc phải chơi, đang chơi, chưa tàn canh…Trong khi ván cờ của tôi đã xong rồi! Xin quên mister Tần đi!
 
Đã là người tình tuyệt vời [nhan đề một ca khúc Phạm Duy] và người “đánh trâu” à quên đấu tranh nhiệt tình của xã hội bây giờ xin cho tôi được sống với tâm linh của tôi, của anh, của chị, của em:
 
Tôi là tôi, tôi cũng là em
Em là tôi, em cũng là anh
Là Xuân con bướm hút nhụy Xuân Tình
Là gió Xuân Hồng, là cơn Xuân Vũ
Là Ý thơ nồng, là trang giấy Xuân Thư…
 
Xuân Thư là tên một người tình ở Paris…
 
Chúc anh vui mạnh. Tôi có lời thăm hỏi tất cả người yêu, kẻ ghét./.
Rất thân ái
Phạm Duy
Thư ghi, tháng Chín, 1996. Cũng đà trên một phần tư thế kỷ trôi qua. 2022, tôi ngồi viết những dòng này, nhà tôi đường Jackson, một nơi chốn chừng như rất gần nhà của ông năm xưa, cùng thành phố Midway. Buổi chiều thả bộ, lang thang đường Bolsa, qua Newland, là đến Hunter Lane.
 
Phạm Duy ở Midway City, ông đặt tên cho nó, cũng là dịch ra tiếng Việt, một cách thơ mộng, là Thị trấn Giữa Đàng. Trời Cali, chiều êm, lại nghĩ có Động Hoa vàng đâu đây, lại nhớ:
 
Ϲhim ơi chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu.
 
*
 
Tôi mượn lời Nguyễn Hưng Quốc, một nhà nghị luận tài hoa, cái nhìn về Phạm Duy, như một kết thúc cho sự tình:
 
“Tất cả những nghi ngờ, bất đồng hay bất mãn [rồi đây] sẽ dần dần chìm vào quên lãng. Con người thật của Phạm Duy sẽ không còn án ngữ trước khối lượng tác phẩm đồ sộ và nguy nga của Phạm Duy. Một lúc nào đó, nghĩ đến Phạm Duy, người ta sẽ không còn nhớ đến những chuyện đi kháng chiến rồi dinh tê, chuyện vào miền Nam rồi vượt biên hay chuyện sống ở Mỹ rồi quay về Việt Nam; người ta cũng không còn nhớ những câu phát biểu nhiều khi rất tùy hứng và tùy tiện của ông. Lúc ấy, nghĩ đến Phạm Duy, người ta chỉ nghĩ đến những bài hát do ông sáng tác. Lúc ấy, tôi nghĩ, ông mới sống thật cuộc sống của ông. Một cuộc sống thật vĩ đại.”
 
– Cung Tích Biền
(14.924 Jackson road, 4-2022. Đọc lại, Garden Brook Senior Village 1-2023)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian. Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu. Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên,
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch...
Người viết chơi với Phạm Thiên Thư từ những năm học trung học đệ nhất cấp khoảng 58-59. Thư đến nhà tôi ở ấp Cả Trắc, khu Ông Tạ và chúng tôi thường kéo nhau ra quán cà phê vợt ở đầu ngõ đi vào ấp. Trong những lần uống cà phê, Thư nói sôi nổi về việc lập học hội Hồ Quý Ly, để thực hiện việc nghiên cứu, viết văn, làm thơ. Mục đích là tiến tới làm một tập san văn nghệ...
Chúng tôi vẫn biết Hoàng Cầm là người cùng quê và là bạn với một ông anh họ từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng không ngờ nhà thơ lại theo xe ra đón chúng tôi ở phi trường Nội Bài. Hôm đó Hoàng Cầm mặc một cái màu đỏ xậm trông rất hào hoa dù Hà Nội năm đó vẫn còn rất nghèo...
Mở đầu cho sê-ri bài viết về phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm thập niên 50 tại Bắc Việt Nam, là một tư liệu hiếm quý về/của nhà thơ Phùng Quán. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Nước Mỹ thế kỷ XX cống hiến cho nhân loại sự phong phú và đa dạng của các trào lưu, chủ đề và tiếng nói trong văn học. Một số tác giả và tác phẩm kinh điển đã xuất hiện trong thời kỳ này, góp phần phát triển truyền thống văn học có từ những thế kỷ trước. Riêng trong lĩnh vực tiểu thuyết, văn học hiện đại, thịnh hành vào đầu thế kỷ XX ở Châu Âu với kỹ thuật “dòng ý thức” trong tiểu thuyết của James Joyce và Virginia Woolf, lan rộng sang Mỹ, tìm cách tách rời các hình thức truyền thống thế kỷ XIX để cách tân và hình thành một dòng văn học mới với phong cách độc đáo, táo bạo và mở ra những cánh cửa thú vị bất ngờ cho người đọc đi vào ngôi nhà nghệ thuật. Kỷ nguyên văn học hiện đại phương Tây bắt đầu từ hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX và, không thể nghi ngờ, Mỹ là quốc gia có những đóng góp to tát. Các tiểu thuyết gia lớn trong thời kỳ này, ta có thể nhắc đến F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway và William Faulkner.
Bước đi như vậy rõ ràng là không cần lưu dấu; nhưng chính là bước đi siêu tuyệt của bậc đại nhân, đại sĩ: không dấu tích mà lại tràn đầy công đức, lợi ích cho dân tộc, đạo pháp và nhân loại nhiều thế kỷ sau.
Một chương trong tiểu thuyết Đường Về Thủy Phủ của nhà văn Trịnh Y Thư...
Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn của nước Việt trong thế kỷ 20. Ộng có địa vi cao cả trên thì văn đàn miền Nam và là người duy nhất được tôn xưng là thi bá...
Những phân đoạn này thuộc vào phần có tựa là “Dưới những gốc nho biển,” nằm trong tiểu thuyết “Đường về thủy phủ.” Tuy nhiên, cũng như phân đoạn [1-3] tôi đã nói ở trên, nó vẫn mang đủ những yếu tố của một truyện ngắn. Hẳn nhiên người đọc sẽ thấy rõ đây là dụng ý của tác giả. Và chỉ đến lúc đọc xong trọn “Đường về thủy phủ,” thì mới có một suy nghiệm tổng thể, và có thể bật ra cách ráp nối những mảnh hình, những sự kiện, và lóe sáng một sợi dây xuyên suốt tác phẩm qua bản chất của các nhân vật, để từ đó hiểu rõ hơn chủ đề của nhà văn Trịnh Y Thư...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.