Hôm nay,  

Trong Một Thế Giới Biến Động, Tìm Hiểu Về Chủ Nghĩa Dân Tộc (Nationalism)

22/07/202200:00:00(Xem: 2344)

 

PHẦN 1

 

Picture1
(Hình ảnh: University of Toronto Magazine)

 

Định nghĩa: chủ nghĩa dân tộc (nationalism), ý thức hệ dựa trên tiền đề rằng lòng trung thành và sự tận tụy của cá nhân đối với quốc gia-dân tộc vượt qua các lợi ích cá nhân hoặc nhóm khác.(1)
 
Bản chất hiện đại của chủ nghĩa dân tộc
 
Chủ nghĩa dân tộc là một phong trào hiện đại. Trong suốt lịch sử, con người gắn bó với quê nơi mình sinh ra, với truyền thống của cha mẹ mình, và với các quyền lực lãnh thổ (territorial authorities) đã được thiết lập, nhưng phải đến cuối thế kỷ 18, chủ nghĩa dân tộc mới bắt đầu trở thành một thứ tình cảm nói chung được thừa nhận là ảnh hưởng đến cuộc sống công và tư và một trong những nhân tố quyết định vĩ đại, nếu không muốn nói là vĩ đại nhất của lịch sử hiện đại. Vì sức sống năng động và tính cách lan tỏa của nó, chủ nghĩa dân tộc thường được cho là rất lâu đời; đôi khi nó bị xem một cách sai lầm là một nhân tố thường trực trong hành vi chính trị. Trên thực tế, các cuộc cách mạng Hoa Kỳ và Pháp có thể được coi là những biểu hiện mạnh mẽ đầu tiên của nó. Sau khi thâm nhập vào các quốc gia mới của Mỹ Latinh, nó lan rộng vào đầu thế kỷ 19 đến Trung Âu (Central Europe) và từ đó, vào giữa thế kỷ, sang phía đông và đông nam châu Âu. Vào đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa dân tộc đã nở rộ ở châu Á và châu Phi. Vì vậy, thế kỷ 19 được gọi là thời đại của chủ nghĩa dân tộc (the age of nationalism) ở châu Âu, trong khi thế kỷ 20 chứng kiến sự trỗi dậy và đấu tranh của các phong trào dân tộc mạnh mẽ trên khắp châu Á và châu Phi.
 
Xác định quốc gia và dân tộc (state and people)
 
Chủ nghĩa dân tộc, áp dụng vào ngôn ngữ chính trị thế giới, ngụ ý sự đồng nhất của quốc gia (state) hoặc dân tộc (nation) với người dân (people) – hoặc ít nhất cho rằng xác định ranh giới của một quốc gia theo các nguyên tắc dân tộc học là một điều nên làm. Trong thời đại của chủ nghĩa dân tộc, nhưng chỉ trong thời đại của chủ nghĩa dân tộc, nguyên tắc thường được thừa nhận rằng mỗi nhóm dân tộc (nationality) phải thành lập một quốc gia (state) – quốc gia của nó – và quốc gia đó phải bao gồm tất cả các thành viên của dân tộc đó. Trước đó, các quốc gia, hoặc lãnh thổ (territories) dưới cùng một chính quyền, không được phân định theo nhóm dân tộc. Người dân không dành lòng trung thành cho quốc gia-dân tộc (nation-state) mà cho các hình thức tổ chức chính trị khác: quốc gia-thành phố (city-state), thái ấp phong kiến (feudal fief) và lãnh chúa của nó, quốc gia vương triều (dynastic state), nhóm tôn giáo, hoặc giáo phái (sect). Quốc gia-dân tộc không tồn tại trong suốt phần lớn của lịch sử, và trong một thời gian rất dài, nó thậm chí còn không được coi là một lý tưởng. Trong 15 thế kỷ đầu tiên của Công nguyên, lý tưởng là “nhà nước thế giới hoàn vũ” (universal world-state), mà không phải trung thành với bất kỳ thực thể chính trị riêng biệt nào. Đế quốc La Mã là một ví dụ tốt, nó không chỉ sống sót trong Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire) (2) của thời Trung Cổ mà còn sống còn trong khái niệm về res publica christiana ("cộng hòa hoặc cộng đồng Kitô giáo") và sau đó trong hình thức thế tục (secularized form) trở thành một nền văn minh thống nhất ở mức toàn cầu. (3)
 
Do sự thần phục về chính trị (political allegiance), trước thời đại của chủ nghĩa dân tộc, không được xác định theo chiều hướng dân tộc, cho nên một nền văn minh không được xác định theo chiều hướng dân tộc. Trong suốt thời Trung cổ, người ta xem văn minh như được xác định bởi tôn giáo; đối với tất cả các nhóm dân tộc khác nhau của Kitô giáo (4) cũng như đối với những nhóm theo đạo Hồi, chỉ có một nền văn minh mà thôi, Kitô giáo hoặc Hồi giáo, và chỉ có một ngôn ngữ văn hóa (language of culture), tiếng Latinh (hay tiếng Hy Lạp) hoặc tiếng Ả Rập (hay tiếng Ba Tư). Sau đó, trong các thời kỳ Phục hưng (Renaissance) và Cổ điển (Classicism), chính các nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại đã trở thành chuẩn mực chung, có giá trị đối với mọi dân tộc và mọi thời đại. Sau đó, nền văn minh Pháp vẫn được chấp nhận trên toàn châu Âu như một nền văn minh có giá trị cho những người có học thức thuộc mọi dân tộc. Chỉ vào cuối thế kỷ 18, lần đầu tiên nền văn minh được coi là xác định bởi nhóm dân tộc. Sau đó, nguyên tắc được đưa ra là mọi người chỉ có thể được giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ của họ, không phải bằng ngôn ngữ của các nền văn minh khác và các thời đại khác, cho dù đó là ngôn ngữ cổ điển hay các sáng tạo văn học của các dân tộc khác đã đạt đến trình độ văn minh cao.
 
Chủ nghĩa dân tộc văn hóa (cultural nationalism)
 
Từ cuối thế kỷ 18 trở đi, việc dân tộc hóa (nationalization) giáo dục và đời sống công cộng đi đôi với việc dân tộc hóa các quốc gia (states) và các sự thuần phục chính trị (political loyalties). Các nhà thơ và học giả bắt đầu nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc văn hóa trước tiên. Họ đã cải cách tiếng mẹ đẻ, nâng nó lên hàng văn tự, đào sâu vào quá khứ dân tộc. Do đó, họ đã chuẩn bị cơ sở cho những yêu sách chính trị về chế độ quốc gia dân tộc (national statehood) sẽ sớm được nêu ra bởi những người mà tinh thần đã được họ hun đúc.
 
Trước thế kỷ 18, đã có những bằng chứng về tình tự dân tộc (national feeling) trong một số nhóm nào đó tại một số thời kỳ nào đó, đặc biệt là trong các thời điểm căng thẳng và xung đột. Sự gia tăng tình tự dân tộc lên tầm chính trị quan trọng đã được khuyến khích bởi một số diễn biến phức tạp: việc thành lập các quốc gia lớn với chế độ trung ương tập quyền do các quân vương chuyên chế cai trị, những vị vua này đã tiêu diệt các thuần phục phong kiến cũ (feudal allegiances); sự thế tục hóa cuộc sống và giáo dục, việc này đã nuôi dưỡng ngôn ngữ bản địa và làm suy yếu các ràng buộc của giáo hội và giáo phái; sự phát triển của thương mại, đòi hỏi phải có các đơn vị lãnh thổ lớn hơn để tạo điều kiện cho tinh thần năng động của các tầng lớp trung lưu đang lên và doanh nghiệp tư bản của họ. Vào thế kỷ 18, các quốc gia lãnh thổ (territorial state) (5) thống nhất rộng lớn này, với sự tập trung về kinh tế và chính trị, đã trở nên thấm nhuần vào thế kỷ 18 với một tinh thần mới – một tình cảm nhiệt thành tương tự như các phong trào tôn giáo trong các thời kỳ trước đó. Dưới ảnh hưởng của các lý thuyết mới về chủ quyền của người dân và quyền cá nhân, người dân đã thay thế nhà vua làm trung tâm của nước nhà (nation). Vua không còn là nước nhà hay quốc gia (state) (6); quốc gia đã trở thành quốc gia của nhân dân, một quốc gia dân tộc, quê cha (fatherland) hay quê mẹ (motherland). Quốc gia được đồng nhất với dân tộc (nation), như văn minh được đồng nhất với văn minh dân tộc (national civilization). (7)
 
Sự phát triển đó đi ngược với những quan niệm đã thống trị tư tưởng chính trị trong 2.000 năm trước đó. Cho đến lúc đó, cái chung và cái phổ quát thường được nhấn mạnh, và đồng thuận (unity, thống nhất) đã được coi là mục tiêu duy nhất mong muốn. Chủ nghĩa dân tộc nhấn mạnh đến tính đặc biệt và tính địa phương hẹp (parochial), các sự khác biệt và những cá tính dân tộc. Những khuynh hướng đó trở nên rõ rệt hơn khi chủ nghĩa dân tộc phát triển. Những đặc điểm kém hấp dẫn của nó lúc đầu không rõ ràng. Trong thế kỷ 17 và 18, các tiêu chuẩn chung của nền văn minh phương Tây, sự coi trọng con người, niềm tin vào lý trí (reason) (chỉ có một và ở mọi nơi đều giống nhau) cũng như theo lẽ phải thông thường (common sense), sự duy trì của các truyền thống Kitô giáo và Khắc kỷ (Christian and Stoic traditions) – tất cả các điều trên vẫn còn quá mạnh để cho phép chủ nghĩa dân tộc phát triển đầy đủ và làm rối loạn xã hội. Do đó, chủ nghĩa dân tộc thuở ban đầu được cho là tương thích với những niềm tin thuộc thế giới đại đồng (cosmopolitan convictions) và tình yêu nhân loại bao quát, đặc biệt là ở Tây Âu và Bắc Mỹ. (8)
 
*
 
PHẦN 2: CHÂU ÂU VÀ HOA KỲ
 
Picture2
Chủ nghĩa dân tộc châu Âu
 
Phong trào Thanh giáo ở Anh (English Puritanism) và chủ nghĩa dân tộc
 
Sự biểu hiện đầy đủ đầu tiên của chủ nghĩa dân tộc hiện đại xảy ra ở Anh vào thế kỷ 17, trong cuộc cách mạng Thanh giáo (the Puritan Revolution). Nước Anh đã trở thành quốc gia hàng đầu về tinh thần khoa học, về doanh nghiệp thương mại, về tư tưởng và hoạt động chính trị. Khơi dậy bởi một niềm tin to lớn vào thời đại mới, người Anh cảm thấy họ mang trên vai sứ mệnh lịch sử, có cảm giác rằng họ đang ở một bước ngoặt vĩ đại mà từ đó một cuộc cải cách thực sự mới và một sự tự do mới sẽ bắt đầu. Trong cuộc cách mạng Anh, một chủ nghĩa nhân văn lạc quan đã hợp nhất với đạo đức theo giáo phái Calvin (Calvinist Ethic) (9), và ảnh hưởng của Kinh thánh đã hình thành nên chủ nghĩa dân tộc mới bằng cách đồng nhất dân tộc Anh với nước Israel (Do thái) cổ đại.
 
Thông điệp mới, được thực hiện bởi những người mới không chỉ cho nước Anh mà cho tất cả nhân loại, đã được thể hiện trong các tác phẩm của nhà thơ John Milton (1608-74), người có tầm nhìn nổi tiếng coi ý tưởng tự do được lan truyền từ nước Anh, “đến muôn đời là mảnh đất thuận tiện nhất cho tự do phát triển”, đến mọi chân trời góc biển.
 
“Với những đám đông tụ họp vây quanh, bây giờ tôi tưởng tượng rằng… Tôi thấy các nước trên trái đất đang khôi phục lại quyền tự do mà họ đã đánh mất từ lâu; và rằng người dân trên hòn đảo này đang… phát tán những phước lành của văn minh và tự do cho các các thành phố, vương quốc và dân tộc.”
 
Do đó, chủ nghĩa dân tộc của Anh gần hơn nhiều với cái nôi tôn giáo (religious matrix) của nó so với các chủ nghĩa dân tộc sau này đã trỗi dậy sau khi quá trình thế tục hóa (secularization) đã đạt được nhiều tiến bộ hơn. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc của thế kỷ 18 đã chia sẻ với nó (chủ nghĩa dân tộc Anh thế kỷ thứ 17) nhiệt tình của nó đối với tự do, tính nhân đạo của nó, sự nhấn mạnh đến quyền cá nhân và cộng đồng con người vượt lên trên tất cả các sự chia rẽ quốc gia. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Anh xảy ra đồng thời với sự tăng trưởng của các tầng lớp trung lưu buôn bán người Anh. Nó sẽ được biểu hiện cuối cùng trong triết lý chính trị của John Locke (10), và chính trong hình thức đó, nó đã ảnh hưởng đến chủ nghĩa dân tộc của Mỹ và Pháp.
 
Chủ nghĩa dân tộc của Mỹ
 
Là sản phẩm tiêu biểu của thế kỷ 18. Những người Anh định cư ở Bắc Mỹ đã bị ảnh hưởng một phần bởi truyền thống của cách mạng Thanh giáo (Puritan Revolution) và những ý tưởng của Locke và một phần bởi những cách giải thích thuần lý (rational explanations) mới được các nhà triết học Pháp đương thời đưa ra cho ý niệm tự do của người Anh. Những người định cư Mỹ đã trở thành một dân tộc tham gia đấu tranh cho tự do và quyền cá nhân. Họ dựa cuộc chiến đó trên tư tưởng chính trị đồng thời, đặc biệt là do Thomas Jefferson (11) và Thomas Paine (12) thể hiện. Đó là một chủ nghĩa dân tộc tự do (phóng khoáng, liberal) và nhân đạo coi nước Mỹ là đội tiên phong của nhân loại trên hành trình hướng tới tự do, bình đẳng và hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người. Những ý tưởng của thế kỷ 18 đã trở thành hiện thực chính trị đầu tiên trong Tuyên ngôn Độc lập và trong sự ra đời của quốc gia Hoa Kỳ. Ảnh hưởng sâu sắc của họ đã được cảm nhận trong Cách mạng Pháp.
 
Chủ nghĩa dân tộc Pháp
 
Jean-Jacques Rousseau (13) đã chuẩn bị đất đai cho chủ nghĩa dân tộc Pháp nẩy mầm phát triển bằng cách nhấn mạnh chủ quyền của người dân và sự hợp tác chung của tất cả mọi người trong việc hình thành ý chí quốc gia dân tộc (“ý chí chung”/ general will), và cũng như qua việc tôn trọng người dân thường như kẻ lưu giữ chân chính của nền văn minh.
 
Chủ nghĩa dân tộc của Cách mạng Pháp còn hơn thế nữa: đó là biểu hiện đắc thắng của một niềm tin có lý trí (rational faith) vào nhân tính chung và vào tiến bộ tự do. Khẩu hiệu nổi tiếng “Tự do, bình đẳng, tình huynh đệ” (Liberté, égalité, fraternité) và Tuyên ngôn về Quyền của Con người và Công dân được cho là có giá trị không chỉ đối với người dân Pháp mà còn đối với tất cả các dân tộc. Tự do cá nhân, bình đẳng giữa người với người, tình huynh đệ của tất cả các dân tộc – đây là những nền tảng chung của tất cả chủ nghĩa dân tộc tự do và dân chủ (liberal and democratic nationalisms). Lấy cảm hứng từ các điều này, các nghi lễ mới đã được phát triển một phần thay thế cho các ngày lễ, nghi thức tôn giáo cũ: lễ hội và cờ, nhạc và thơ, các ngày lễ quốc gia và các bài thuyết giảng về lòng yêu nước. Bằng những hình thức đa dạng nhất, chủ nghĩa dân tộc đã tràn ngập mọi biểu hiện của cuộc sống. Cũng như ở Mỹ, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Pháp đã tạo ra một hiện tượng mới trong nghệ thuật chiến tranh: toàn dân chiến đấu (the nation in arms). Ở Mỹ và ở Pháp, quân đội công dân (citizen army), chưa qua đào tạo nhưng tràn đầy nhiệt huyết mới, đã tỏ ra hơn hẳn các đội quân chuyên nghiệp được đào tạo chuyên  chiến đấu mà không có động cơ của chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc cách mạng của Pháp nhấn mạnh quyền quyết định tự do của cá nhân trong việc hình thành các quốc gia. Các quốc gia được cấu thành bởi hành động tự quyết của các thành viên. Trưng cầu dân ý (plebiscite) đã trở thành công cụ để thể hiện ý chí của dân tộc. Ở Mỹ cũng như ở nước Pháp cách mạng, chủ nghĩa dân tộc có nghĩa là tuân theo một ý tưởng tiến bộ phổ quát, hướng tới một tương lai chung của tự do và bình đẳng, chứ không phải hướng tới một quá khứ mà đặc trưng là chủ nghĩa độc tài (authoritarianism) và bất bình đẳng.
 
Các đội quân của Napoléon đã truyền bá tinh thần dân tộc khắp Châu Âu và thậm chí cả Trung Đông, đồng thời, xuyên Đại Tây Dương, nó đã khơi dậy tinh thần dân tộc ở Châu Mỹ Latinh. Nhưng ách chinh phục của Napoléon đã làm tinh thần dân tộc của người châu Âu quay sang chống lại nước Pháp (14). Ở Đức, cuộc đấu tranh được lãnh đạo bởi các nhà văn và giới trí thức, những người này bác bỏ tất cả các nguyên tắc nền tảng của các cuộc cách mạng Mỹ và Pháp cũng như các khía cạnh tự do và nhân đạo của chủ nghĩa dân tộc.
 
Chú thích:
 
 (theo Wikipedia tiếng Anh).
 
 – Hồ Văn Hiền dịch và chú thích
 (3/6/2022)
Nguyên tác: Encyclopedia Britannica, Tác giả: Hans Kohn
The Editors of Encyclopedia Britannica
 
 
Chú thích
 
(1) Bàn về các từ ngữ “nation, nationalism, state, nation state” và “dân tộc, chủ nghĩa dân tộc, quốc gia, quốc gia dân tộc”:
Nation: a) dân tộc : ví dụ: The nations of Europe = Các dân tộc Châu Âu; b) Nước, quốc gia. Theo Quỳnh Lâm, Tự điển Anh Việt-Việt Anh, Saigon 1968. The League of Nations: Hội Quốc Liên; The United Nations: Liên Hiệp (hay Hợp) Quốc
Quỳnh Lâm dịch “nationality”: (a) quốc gia vd: Twenty nationalities were represented; (b) quốc tịch vd: Ship of British nationality; (c) dân tộc tính vd: to preserve the nationality of a museum : bảo tồn dân tộc tính của một bảo tàng.
 
Về từ “nationalism” có thể dịch ra nhiều từ khác nhau, tùy theo ngữ cảnh. Có bài báo hiện nay ở Việt Nam dùng từ “nationalism” mà không dịch. Có tác giả dùng hai từ “quốc gia dân tộc” đi đôi với nhau để chỉ “dân tộc” có lẽ trong nghĩa “nhân dân” một nước (ví dụ như ở Mỹ: We the people of the United States/ Chúng tôi nhân dân Hợp Chủng quốc…) khác với nghĩa “dân tộc” như là “dân tộc ít người” (ethnic minorities).
 
Theo Quỳnh Lâm: Nationalism: Chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân tộc. “Nationalist” còn được dùng để dịch từ “quốc dân” như trong Trung Quốc Quốc Dân Đảng”. Ví dụ: Trung Quốc Quốc dân  Đảng (tiếng Trung: 中國國民黨, gọi tắt là Quốc dân Đảng, tên tiếng Anh là "Kuomintang of China" hay "Chinese Nationalist Party", viết tắt "KMT") do Tôn Trung Sơn và các đồng chí của ông sáng lập và tồn tại cho đến nay, cũng là một trong số các chính đảng sớm nhất tại châu Á. (Wikipedia).
 
Trong từ Nazism hay National Socialism (Đức: Nationalsozialismus) tiếng Việt dịch là Quốc Xã (quốc gia = national; xã hội chủ nghĩa = socialism). Ở Việt Nam trước 1975, phe “quốc gia” thường được người Mỹ gọi là “nationalist” đối nghịch với phe cộng sản.
 
State: thường được dịch là “quốc gia”; trong trường hợp “United States of America” state được dịch trước 1975 là “tiểu bang”, mặc dù nền kinh tế tiểu bang California chỉ nhỏ hơn 5-6 quốc gia hay Texas có nền kinh tế tương đương với kinh tế nước Nga (1600 tỷ đô la).
 
Một số nơi dùng nation-state để phân biệt các quốc gia và các tiểu bang của các nước liên bang. Theo định nghĩa của “nation-state” của từ điển Merriam-Webster:
 
Definition of nation-state: a form of political organization under which a relatively homogeneous people inhabits a sovereign state, especially : a state containing one as opposed to several nationalities
 
Quốc gia-dân tộc: một hình thức tổ chức chính trị theo đó một dân tộc tương đối thuần nhất sinh sống tại một quốc gia có chủ quyền đặc biệt là: một quốc gia bao gồm một dân tộc, trái với trường hợp có nhiều dân tộc.
 
Cũng theo Merriam-Webster: nghĩa đầu tiên của “nation” là đồng nghĩa với “nationality”; một trong những nghĩa của “nationality” là:
 
“Nationality: a people having a common origin, tradition, and language and capable of forming or actually constituting a nation-state. The diverse nationalities of the Austro-Hungarian Empire desired independence. (b): an ethnic group constituting one element of a larger unit (such as a nation) The country is home to five nationalities.
 
Tạm dịch là:
 
Nationality: một dân tộc có nguồn gốc, truyền thống và ngôn ngữ chung và có khả năng hình thành hoặc thực sự cấu thành một quốc gia-dân tộc. Ví dụ: Các dân tộc đa dạng của Đế quốc Áo-Hung mong muốn độc lập. (b) một nhóm dân tộc cấu thành một phần tử của một đơn vị lớn hơn (chẳng hạn như một quốc gia). Ví dụ: Nước này là nơi cư trú của 5 dân tộc.
 
Trong bài này, xin dịch nationality là “nhóm dân tộc” để phân biệt với hai nghĩa a) và b). Ví dụ: In the age of nationalism, but only in the age of nationalism, the principle was generally recognized that each nationality should form a state – its state – and that the state should include all members of that nationality. Trong thời đại của chủ nghĩa dân tộc, nhưng chỉ trong thời đại của chủ nghĩa dân tộc, nguyên tắc thường được thừa nhận rằng mỗi nhóm dân tộc (nationality) phải thành lập một quốc gia (state) – quốc gia của nó – và quốc gia đó phải bao gồm tất cả các thành viên của dân tộc đó.
 
Google translate dịch “nation state” là “nhà nước quốc gia”, nhưng tiếng Trung Hoa là 民族国家/Mínzú guójiā hay theo Hán Việt: “dân tộc quốc gia” .(30/4/2022)
 
Có tác giả Việt Nam dùng hai từ ngữ “quốc gia dân tộc” (ví dụ: quyền lợi quốc gia dân tộc) đi đôi với nhau để chỉ “dân tộc” có lẽ trong nghĩa toàn bộ “nhân dân” một nước (ví dụ như ở Mỹ: We the people of the United States/ Chúng tôi nhân dân Hợp Chủng quốc…) khác với nghĩa “dân tộc” như là “dân tộc ít người” (ethnic minorities).
 
(2) Đế quốc La Mã Thần Thánh (Holy Roman Empire) còn được gọi là Thánh chế La Mã, là một phức hợp lãnh thổ rộng lớn đa sắc tộc ở Tây, Trung và Nam châu Âu (962- 1806), trong lịch sử Đức và chủ yếu là người Đức.
 
Hoàng đế Frederick I Barbarossa dùng từ “thần thánh” (Holy) để biểu lộ tham vọng đô hộ nước Ý và lãnh thổ của Giáo Hoàng. Lãnh thổ chủ yếu của Đế quốc gồm Vương quốc Đức, Vương quốc Bohemia, Vương quốc Bourgogne, Vương quốc Ý và nhiều lãnh thổ, công quốc, thành phố đế quốc tự do lớn nhỏ khác.
 
Thuật ngữ chính xác "Đế quốc La Mã Thần thánh" được sử dụng từ thế kỷ 13, trước đó đế chế này được gọi với cái tên khác nhau là universum regnum ("vương quốc toàn vũ trụ", trái với các vương quốc khu vực), imperium christianum ("đế quốc Kitô giáo") , hay Romanum imperium ("đế quốc La Mã"), nhưng tính hợp pháp của Hoàng đế luôn dựa trên khái niệm về chuyển giao quyền lực (Translatio imperii), Hoàng đế nắm giữ quyền lực tối cao được thừa kế từ các hoàng đế cổ đại của Đế chế La Mã, cho nên ở đây tác giả cho rằng Đế quốc La Mã vẫn còn sống sót và tồn tại trong Đế quốc La Mã Thần Thánh. (Theo Wikipedia tiếng Anh)
 
Nhà độc tài Hitler và Đức Quốc Xã gọi nhà nước của họ là Đế chế thứ ba (1933-1945) để ám chỉ họ thừa kế quyền lực của Đế quốc La Mã Thần Thánh được xem như đế chế thứ nhất của Đức.
 
(3) Nguồn gốc của ý tưởng một “nhà nước’ chung cho thế giới (world government) (Theo Wikipedia tiếng Anh):
 
Chính quyền thế giới là nguyện vọng của các nhà cai trị cổ đại ngay từ thời kỳ đồ đồng (3300 TCN đến 1200); Các vị vua Ai Cập cổ đại nhắm đến việc cai trị "Tất cả mọi nơi ánh sáng mặt trời bao bọc", các vị vua Mesopotamia (vùng Lưỡng hà) "Vùng đất từ nơi trời mọc cho đến nơi trời lặn", và các hoàng đế Trung Quốc và Nhật Bản cổ đại "Thiên hạ (All under Heaven)".
 
Người Trung Quốc có một khái niệm đặc biệt phát triển về chính quyền thế giới dưới hình thức Đại đồng, hay Da Yitong (大同), một tầm nhìn không tưởng về một xã hội thống nhất và công bằng được ràng buộc bởi đạo đức và các nguyên tắc cai trị tốt.
 
Nhà sử học Hy Lạp cổ đại Polybius đã mô tả quyền cai trị của La Mã trên phần lớn thế giới được biết đến vào thời điểm đó là một thành tựu "kỳ diệu" đáng được các sử gia tương lai xem xét. Pax Romana, giai đoạn gần hai thế kỷ thống trị của La Mã ổn định trên khắp ba lục địa, phản ánh nguyện vọng tích cực của một chính phủ thế giới, vì nó được coi là đã mang lại sự thịnh vượng và an ninh cho một khu vực từng có tiếng là hổn độn về chính trị và văn hóa.
 
(4) Christianity: Kitô giáo. Từ nguyên của "Kitô" là Χριστός (Khristos) trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là "Đấng được xức dầu", dịch theo danh hiệu Messiah trong tiếng Hebrew. Trong tiếng Việt, người Công giáo dùng từ "Kitô" để gọi danh hiệu này của Giêsu, trong khi người Tin Lành thường dùng từ "Christ". Bên cạnh từ "Kitô" phiên âm qua tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng bởi tín hữu Công giáo (Catholics), còn có từ "Cơ Đốc" xuất phát từ chữ Nho (基督) và thường được tín hữu Tin Lành sử dụng. Ngoài ra, một số người cũng dùng cách gọi Thiên Chúa giáo để chỉ Công giáo nói riêng và Kitô giáo nói chung. (theo Wikipedia)
 
(5) Territorial state: “Quốc gia lãnh thổ”, quốc gia căn cứ trên lãnh thổ kiểm soát bằng võ lực trong thời gian giữa năm 1000-1300.
 
Theo Wikipedia tiếng Anh: Thuật ngữ quốc gia lãnh thổ được sử dụng để chỉ một nhà nước, điển hình của giai đoạn giữa thời Trung cổ (high Middle Age), kể từ khoảng năm 1000 sau Công nguyên, và "các tổ chức phức tạp quy mô lớn khác đã đạt được quy mô, ổn định, năng lực, hiệu quả và phạm vi lãnh thổ chưa từng thấy kể từ thời cổ đại…Không giống như các lãnh chúa cũ được tổ chức như một liên minh cá nhân, chủ quyền của một quốc gia lãnh thổ dựa trên đất đai hoặc lãnh thổ của nó chứ không dựa trên tư cách thành viên của một gia đình triều đại hoặc các quyền liên quan đến cá nhân khác. Chủ quyền pháp lý (juridicial sovereignty) không nhất thiết phải là đặc điểm chính của chế độ nhà nước. Cách hiểu hiện đại về chủ quyền, được đưa ra vào thế kỷ 16, không tồn tại cho đến thế kỷ 19 và do đó chưa được áp dụng. Đúng hơn, một quốc gia lãnh thổ phản ánh việc sử dụng riêng vũ lực vật chất trong một số loại lãnh thổ địa lý.”
 
Các tổ chức như thành phố-quốc gia (city-state), đế chế (empire) và chính phủ thần quyền (theocracy, trong đó các tu sĩ cai trị nhân danh Chúa hoặc một thần linh) cùng với nhiều tổ chức chính phủ khác được coi là các “quốc gia lãnh thổ”, nhưng không bao gồm các bộ lạc, dòng họ, công ty hoặc giáo hội.
 
(6) Từ Anh ngữ “state” do từ Pháp ngữ “l’état” mà ra (trong tiếng Pháp xưa viết là estat, sau đó chữ “s” được thế bằng dấu sắc trên chữ e) . Vua Pháp Louis XIV (1638-1715), triều đại kéo dài 72 năm, theo truyền thuyết, từng nói: “L’état, c’est moi”, tạm dịch “Quốc gia, là trẩm đây” chứng tỏ quyền tuyệt đối của nhà vua, vua là nhà nước, bất kể giới quý tộc hay cơ quan lập pháp.
 
Vua Bảo Đại , vị vua cuối cùng cùa nhà Nguyễn, thoái vị hoàng đế ngày 25 tháng 8 năm 1945 và sau này trở thành Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam (L’État du Vietnam)( được thành lập ngày 14 tháng 6 năm 1949); năm 1955 trở thành Việt Nam Cọng Hòa.
 
(7) Chúng ta thường nói “văn hóa Việt Nam”, ít khi nói “văn minh Việt Nam”. Tuy nhiên tác giả Nguyễn Văn Huyên năm 1939 đã viết cuốn sách bằng tiếng Pháp tựa đề “La civilisation annamite”.
 
Theo nhanam.com:

Picture3
“Cuốn sách này có một đời sống riêng đặc biệt. Bản thảo của nó được hoàn thành năm 1939 bằng tiếng Pháp với tựa đề La civilisation annamite (Văn minh An Nam). Nhưng phải chờ hơn 5 năm sau, năm 1944, nó mới được xuất bản tại Hà Nội. Đó là 5 năm kiểm duyệt gắt gao của chính quyền thuộc địa, và cũng là 5 năm kháng cự bền bỉ của tác giả để bảo vệ cho quan điểm của mình. Và có những trang bản thảo đã không được xuất bản.
 
Là một tác phẩm của một tác giả Việt Nam - Nguyễn Văn Huyên, nhưng phải chờ đến hơn 50 năm sau ngày xuất bản (1996), tác phẩm ấy mới được dịch ra tiếng Việt và chu du từ những tập tài liệu nghiên cứu chuyên biệt dành cho giới chuyên môn đến một toàn tập dày dặn mà thường chỉ có giới sưu tầm hay nghiên cứu tìm đến, tới một tập sách độc lập dành cho công chúng đông đảo.”
Gần đây hơn, vẫn có một số học giả Việt Nam với tinh thần tự tôn dân tộc cao độ tin rằng Việt Nam có một nền văn minh riêng còn cổ xưa hơn cả nền văn minh Trung Hoa:
 
“Thực tiễn các kết quả nghiên cứu đã xác định Dân tộc Việt có nhiều hơn 4,000 nghìn năm Văn Hiến như chúng ta vẫn quan niệm. Nền Văn minh Việt thời cổ đại đã có chữ viết, triết học, tôn giáo trước Văn minh Hoa Hạ (Hán, Trung Hoa) và kể cả nhiều nền Văn minh khác trên thế giới.” (Vũ Ngọc Phương)
 
 
 
(8) Đoạn này chỉ nói về giai đoạn thế kỷ thứ 17-18. Trong tình hình thế giới hiện nay, chủ nghĩa “nationalism” có thể đối chọi với “patriotism” (lòng ái quốc, lòng yêu nước), theo một twitter của Tổng Thống Pháp Macron, có lẽ nhắm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump người đã tự nhân mình là “nationalist” và chủ trương ”America First”:
 
“Patriotism is the exact opposite of nationalism. Nationalism is a betrayal of patriotism. By putting our own interests first, with no regard for others, we erase the very thing that a nation holds dearest, and the thing that keeps it alive: its moral values.”
 
(Tạm dịch: Lòng yêu nước hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa dân tộc. Theo chủ nghĩa dân tộc là phản bội lòng yêu nước. Bằng cách đặt lợi ích của mình lên hàng đầu, không quan tâm đến người khác, chúng ta xóa bỏ chính điều mà một quốc gia yêu quý nhất, và điều giữ cho quốc gia đó tồn tại: các giá trị đạo đức của quốc gia đó.)
 
 
Việt Nam có vẻ rất bận tâm về chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc và cảnh báo về “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan” ở một số nước XHCN còn lại.
 
(9) Protestant ethic and Calvinist ethic:
Jean Calvin (1509-1564) là nhà thần học có nhiều ảnh hưởng trong thời kỳ Cải cách Kháng Cách (protestant Reformation). Ông là nhân vật chính trong sự phát triển của hệ thống thần học Cơ đốc sau này được gọi là thuyết Calvin, bao gồm các học thuyết về tiền định (predestination) và về quyền tể trị tuyệt đối (absolute sovereignty) của Đức Chúa Trời trong việc cứu rỗi linh hồn con người khỏi cái chết và sự nguyền rủa đời đời.
 
“Đạo đức Tin lành” (hay “đức lý Tin lành”, protestant ethic), trong lý thuyết xã hội học, chỉ giá trị gắn liền với sự chăm chỉ, tiết kiệm và tính hiệu quả trong ơn gọi thế gian (worldly calling) của một người, đặc biệt là theo quan điểm của người theo chủ nghĩa Calvin, được coi là dấu hiệu của một cá nhân được [Chúa] chọn hoặc cứu rỗi đời đời (election for eternal salvation).
 
Nhà xã hội học, sử gia và kinh tế gia Đức nổi tiếng Max Weber (1864-1920) cho rằng xã hội tư bản hiện đại thành công ở Tây phương, và nhất là Mỹ và một số nước châu Âu theo tin lành như Anh, Hòa Lan, Đức, là nhờ đạo đức lao động (niềm tin vào giá trị đạo đức của lao động) của tin lành (protestant work ethic).
 
Theo Francis Fukuyama: “Lập luận của Weber tập trung vào đạo Tin lành khổ hạnh (ascetic protestantism). Ông nói rằng chủ thuyết của Calvin về tiền định (Calvinist doctrine of predestination) đã khiến các tín đồ tìm cách chứng minh [ là họ xứng đáng với] địa vị được [Chúa] lựa chọn của mình (elect status), điều mà họ đã làm bằng cách tham gia vào thương mại và tích lũy của cải thế gian (worldly accumulation). Do đó, đạo Tin lành đã tạo ra một đạo đức lao động (work ethic) - nghĩa là đánh giá lao động vì lợi ích của chính nó hơn là vì kết quả của nó - và phá bỏ học thuyết Công giáo Aristotle-La Mã cũ cho rằng người ta chỉ nên kiếm của cải vừa đủ để sống thoải mái. Ngoài ra, đạo Tin lành khuyến cáo các tín đồ của mình cư xử có đạo đức bên ngoài ranh giới của gia đình, điều này then chốt trong việc tạo ra một hệ thống niềm tin trong xã hội.
 
 
(10) John Locke (1632-1704) bác sĩ, triết gia, nhà chính trị người Anh, theo trường phái chủ nghĩa kinh nghiệm Anh (empiricism) trong lĩnh vực nhận thức luận; phát triển lý thuyết về khế ước xã hội (social contract); chống lại chủ nghĩa chuyên chế và đóng góp lớn đối với chủ nghĩa tự do cả về mặt cá nhân và thể chế; muốn con người dùng lý trí, trải nghiệm để đi tìm chân lý thay vì chấp nhận ý kiến áp đặt hoặc do niềm tin mù quáng.
 
Tác phẩm của Locke ảnh hưởng đến Voltaire và Jean-Jacques Rousseau, cũng như các nhà Cách mạng Mỹ. Những đóng góp của Locke cho chủ nghĩa cộng hòa cổ điển và lý thuyết tự do (classical republicanism and liberal theory) được phản ánh trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Trên bình diện quốc tế, các nguyên tắc chính trị-pháp lý của Locke tiếp tục có ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết và thực tiễn về chính phủ đại diện hạn chế (limited representative government) và việc bảo vệ các quyền và tự do cơ bản theo nhà nước pháp quyền. (Theo Wikipedia tiếng Anh)
 
(11) Thomas Jefferson (1743-1826) là chính khách, nhà ngoại giao, luật sư, kiến trúc sư, nhà triết học người Mỹ; một trong các nhà lập quốc của Hoa Kỳ; tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ (1801 – 1809). Theo triết lý của Jefferson, người công dân có "một số quyền bất khả xâm phạm" và "tự do đúng đắn là hành động theo ý muốn của chúng ta mà không bị cản trở, trong giới hạn vẽ ra xung quanh chúng ta bởi những quyền của người khác cũng ngang bằng [những quyền của chúng ta] ."
 
(Thomas Jefferson gặp Giám mục Pigneau de Behaine và Hoàng tử Cảnh (1780-1801), con trai trưởng của chúa Nguyễn Ánh, đến Pháp vào tháng 2 năm 1787 để nhờ Pháp viện trợ chống Tây Sơn. Jefferson muốn xin lúa giống từ Nam Việt nam (hồi đó Pháp gọi là Cochinchine) và được đại diện của Hoàng tử Cảnh hứa sẽ gửi lúa giống sang Pháp. Kế hoạch không thành, Hoàng tử Cảnh rời Pháp tháng 12 năm 1787, về đến Việt Nam năm 1789 và năm 1801 chết sớm vì bệnh đậu mùa trước khi vua cha (vua Gia Long) lên ngôi năm 1802.)
 
(12) Thomas Paine:
Thomas Paine (sinh 1737 tại Anh, chết 1809 tại New York) nhà triết học, nhà cách mạng, người theo trường phái chủ nghĩa tự do cổ điển, nổi bật trong phong trào khai sáng, tác giả của Common Sense (Lẽ Thông Thường) (1776). Paine ủng hộ Cách mạng Hoa kỳ và ảnh hưởng lớn đến Cách mạng Pháp.
 
Tác phẩm:
 
- Quyền con người (Rights of Man, 1791) phê phán chế độ quân chủ và bênh vực Cách mạng Pháp.
-Thời đại của lý trí (The Age of Reason, 1793-94) bênh vực “tự nhiên thần giáo” (deism) và phê phán các tôn giáo được tổ chức, thể chế hóa, từ chối sự mặc khải tôn giáo (revelation, ví dụ trong Kitô giáo) và từ chối Kinh Thánh như là lời Chúa.“Deism” là một phong trào trí thức của thế kỷ 17- 18 chấp nhận sự tồn tại của một đấng sáng tạo trên cơ sở lý trí nhưng bác bỏ niềm tin vào một vị thần siêu nhiên tương tác với loài người (chúng ta có thể liên tưởng đến quan niệm phổ biến Đông phương về tạo hóa (“con tạo xoay vần”) vô tư, vô tình coi con người như chó rơm.
- Công lý nông nghiệp :Agrarian Justice (1795) bàn luận về nguồn gốc của cải và đưa ra một khái niệm tương tự như lợi tức thối thiểu bảo đảm (guaranteed minimum income).
 
(13) Jean-Jacques Rousseau, người Pháp (sanh năm 1712 thành phố Geneve, Thụy sĩ, giáo phái Calvinist, chết ở Pháp 1778 theo đạo Công giáo), hiện nay vẫn còn là một nhân vật quan trọng trong lịch sử triết học, vì những đóng góp của ông cho triết học chính trị và tâm lý học đạo đức và vì ảnh hưởng của ông đối với các nhà tư tưởng sau này.
 
Rousseau muốn bảo tồn tự do của mỗi con người trong một thế giới mà con người ngày càng phụ thuộc vào nhau để đáp ứng nhu cầu của mình. Mối quan tâm này có hai chiều: vật chất và tâm lý, trong đó chiều sau quan trọng hơn. Trong thế giới hiện đại, mỗi người xây dựng ý thức về bản thân (sense of self) từ ý kiến của người khác, một thực tế mà Rousseau coi là xoi mòn sự tự do và phá hủy tính chân thực (authenticity) của cá nhân.
 
Rousseau chủ yếu khám phá hai con đường để đạt được và bảo vệ tự do: thứ nhất là một con đường chính trị nhằm xây dựng các thể chế chính trị cho phép các công dân tự do và bình đẳng cùng tồn tại trong một cộng đồng mà bản thân họ có chủ quyền; thứ hai là một dự án phát triển và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao tính tự chủ và tránh sự phát triển của các hình thức tìm tư lợi sẽ có hại nhất cho xã hội.Tuy nhiên, mặc dù Rousseau tin rằng sự tồn tại chung của con người trong các mối quan hệ bình đẳng và tự do là có thể xảy ra, ông vẫn rất bi quan cho rằng nhân loại sẽ khó thoát khỏi tình trạng tha hóa (alienation), áp bức và thiếu tự do.
 
 
(14) Napoléon Bonaparte (Napoleon Đệ nhất; 1769-1822), Tổng tài thứ nhất (Premier consul; 1799-1804) và Hoàng đế Pháp (Empereur des Francais; 1804-1814), muốn quảng bá chủ nghĩa dân tộc Pháp dựa trên những lý tưởng của Cách mạng Pháp như ý tưởng về "tự do, bình đẳng, tình huynh đệ" và biện minh cho chủ nghĩa bành trướng và các chiến dịch quân sự của Pháp bằng cách tuyên bố rằng Pháp có quyền truyền bá những lý tưởng khai sáng của Cách mạng Pháp trên khắp châu Âu, và cũng để mở rộng nước Pháp đến cái gọi là "các biên giới tự nhiên". Các cuộc xâm lược của Napoléon đối với các quốc gia khác đã có tác dụng truyền bá khái niệm chủ nghĩa dân tộc ra bên ngoài nước Pháp. Sau khi Napoléon bại trận và thất bại, chủ nghĩa dân tộc của Pháp từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đi đôi với một lòng yêu nước quyết đoán cùng cực và hỗ trợ lực lượng quân sự để đạt được các mục tiêu chính trị của mình.
 
Một giai thoại thú vị về Napoleon và nhà soạn nhạc Beethoven: Beethoven, người Đức, ngưỡng mộ những lý tưởng của Cách mạng Pháp và đề tặng bản giao hưởng thứ ba (Symphony No. 3 hay Eroica, Anh hùng ca) của mình cho Napoléon Bonaparte, đặt tựa đề là “Bonaparte”. Khi Napoléon tự xưng mình là hoàng đế, Beethoven nổi cơn thịnh nộ, cho rằng Napoleon chỉ là một kẻ tham vọng tầm thường,” chà đạp lên quyền con người “, và xé trang đầu bản thảo, xóa tên Napoléon. 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
LTS: Chiều Thơ Nhạc Ra Mắt Sách O Xưa | Nhã Ca đã được tổ chức vào chiều thứ Sáu, 10 tháng 2 cuối tuần qua. Gia đình Nhã Ca/Trần Dạ Từ và Việt Báo xin cảm ơn quý bạn hữu gần xa đã đến tham dự sinh hoạt cùng chúng tôi. Cũng xin cảm ơn các thân hữu, độc giả, khách tham dự đã gửi bài viết đến tòa soạn. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng các bài quý vị gửi đến.
Nhã Ca làm thơ trước khi viết văn, chị làm thơ từ Huế và khi vào trong Nam chị mới bắt đầu viết văn cùng anh Trần Dạ Từ – cũng là một thi sĩ nổi tiếng với những bài “thơ Tình”. Không biết hai anh chị yêu thơ của nhau trước rồi mới yêu người hay yêu người rồi mới bật ra thơ. Nhưng phải nói là cả hai người làm thơ này đã là hai tác giả nổi tiếng về “thơ Tình” cho những người đang yêu nhau từ thời 1964 cho đến bây giờ. (Nếu người ta còn thích đọc “thơ Tình” như tôi.)
Phạm Duy từng là một anh bộ đội. Phạm Duy từng là một văn nghệ sĩ, một cán bộ văn hóa, phục vụ khắp các chiến trường những năm đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp, từ 1945 đến 1951. Chỉ sau hai năm đầu toàn dân cùng một lòng chung nhau chống Pháp đã bắt đầu có sự phân rã, vì lý do ý thức hệ tư tưởng chính trị. Những thành phần Quốc gia hiểu ra họ cần một môi trường chống Pháp không cùng hàng ngũ với Mặt trận Việt Minh. Từ 1947, đã có phong trào dinh tê [rentrer, trở về]. Người Quốc gia cùng nhau rời bỏ hàng ngũ kháng chiến để trở về thành phố, những vùng có quân Pháp chiếm đóng. Năm 1948 đã hình thành Lực lượng Quốc gia Việt Nam, có chính phủ và quân đội riêng, nằm trong khối Liên Hiệp Pháp. Vua Bảo Đại đứng đầu.
Chúng tôi chào đời vào buổi không mấy vui. Cái vui chưa đúng là vui, không đáng nhớ. Cái buồn đi lố cái gọi là buồn, phải kèm thêm từ “thảm”. Trốn đi đâu cũng chẳng thể ra ngoái nỗi nhớ. Cuộc đời thì dài dặc, niềm vui biến đâu mất tiêu. Cứ nghe cha đêm khuya thở dài. Mẹ ru con toàn nỗi nhớ // Chiều chiều ra đứng ngõ sau / nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều // Nhớ ai không nhớ, nhớ người thất thế sa cơ // Chiều chiều én liệng truông mây / cảm thương chú Lía bị vây trong thành //
Chúng ta đều rõ là Âu, Mỹ đón Tết Dương Lịch mỗi năm vào ngày 01.01. Hằng năm, người Á Châu nói chung và người Việt Nam nói riêng đều đón Tết theo Âm Lịch. Như vậy người Á Chân có dịp mừng Năm Mới đến hai lần.
LTS: Trải dài suốt mấy thế hệ, từ thời kháng chiến chống Pháp, cuộc chiến hai mươi năm, và rồi tha hương, tên tuổi Phạm Duy luôn luôn gắn bó với tình tự dân tộc, là một huyền thoại trong khu làng âm nhạc, văn nghệ Việt Nam. Hiếm ai trong chúng ta không cảm thấy lòng dạt dào yêu quê Mẹ Việt Nam hơn khi nghe nhạc và ca từ của Ông. Cả một cuộc đời dài sáng tác, Ông đã để lại cho đời sau một gia sản tinh thần khổng lồ với “ngàn lời ca” mà có lẽ trước và sau Ông khó ai bì kịp. Đúng ngày này 10 năm trước, ngày 27 tháng 1 năm 2013, người nhạc sĩ nổi trôi cùng mệnh nước 93 năm đã kết thúc cuộc hành trình “trên đường về nơi cõi hết”. Nhân ngày giỗ Ông năm thứ 10, Việt Báo hân hạnh đăng tải dưới đây loạt bài của nhà văn Cung Tích Biền. Loạt bài gồm 4 phần, mỗi phần là cái nhìn ở mỗi chặng đường soi giọi bước chân của người nhạc sĩ.
mưa bụi lướt về trong mơ ướt sũng một thời trí nhớ thì thầm cổ tích như thơ bay vào trong con giấc ngủ mẹ ru con lời dịu dàng nguyện cho mưa về tốt lúa nguyện cho khắp cõi bình an nguyện người người xa nhà lửa
Sinh thời, Hemingway, tác giả của “Ngư ông và biển cả” vào bất cứ lúc nào cũng có nuôi chừng vài chục con mèo. Ngôi nhà của ông ở Key West, Florida, trở thành viện bảo tàng có khoảng 40 cho đến 50 con mèo sáu ngón (polydactyl cat). Tất cả đều được đặt tên của những nhân vật nổi tiếng. Đám mèo sáu ngón này là hậu duệ của con mèo Snow White do một vị thuyền trưởng tặng cho Hemingway.
... Nếu thế thì mỗi bài thơ là một sự cách tân, mỗi thi sĩ là một người làm mới sự vật. Có những điều chỉ ngôn ngữ thi ca mới nói được, chỉ thi ca mới có cái “thần” giúp chúng ta thấu thị tận đáy sâu của bản ngã. Người làm thơ là người nắm trong tay quyền năng “soi sáng” sự vật, quyền năng cho sự vật một đời sống mới, quyền năng “đi vào linh hồn của sự vật[1],” và không ai có thể tước đoạt quyền năng đó từ tay hắn...
Ngày nay nhân loại có quá nhiều thú vui không kể xiết. Người ta tìm kiếm, ngụp lặn trong thú vui và cho đó là hạnh phúc. Nhưng này bạn ơi, Thú vui không phải là hạnh phúc, Mà nhiều khi nó là nguồn gốc của khổ đau. Niềm vui lớn nhất của nhân loại ngày hôm nay.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.