Hôm nay,  

Đỗ Quang Đẩu, người đầu thế kỷ 20 đã đề ra những yếu tố khôn ngoan và đạo đức cần có trong đời sống của con người

02/04/202216:42:00(Xem: 5142)

Biên khảo văn học

sach do quang dau


Sài Gòn có con đường nối liền hai đường song song Bùi Viện và Phạm Ngũ Lão, nối khúc gần rạp hát Thái Bình ngày xưa với khúc đuôi của Phố Tây Bùi Viện. Con đường  không dài hơn 2km đâm ra bến xe buýt mới Sài Gòn, chỗ trước đây nằm trong khu ga xe lửa Sài gòn tên là Đỗ Quang Đẩu. Cái tên Đỗ Quang Đẩu của con đường nầy ngày nay hình như vẫn còn, vẫn mang tên cũ... 


Nhưng Đỗ Quang Đẩu là ai, sao lại có tên đường ngay một vùng rất gần với những khu tấp nập của Sài gòn?


Rất ít người biết về tiểu sử ông này. Người viết cũng không biết gì nhiều, chỉ biết ông là nhà giáo, Tri huyện danh dự, đầu thế kỷ 20 ngụ ở Sài Gòn, số 56 đường Pierre, ông có ít nhứt là bốn tác phẩm đã xuất bản:


  1. Truyện Phan Sa (Diễn Ca Quốc Âm), Hà nội, 1925

  2. ABC, bằng hình.

  3. Tableaux de Lecture (Những bài tập đọc)

  4. Histoire de Giặc-Khôi (Chuyện giặc Lê Văn Khôi)


Chúng tôi chỉ có cuốn Truyện Phan Sa và cuốn ABC, bằng hình trong tay. Tiếc thay! Những tác phẩm kia của ông Đỗ Quang Đẩu không tìm được nên xin chỉ giới thiệu những gì mình có thể. Tiếc vì cuốn Chuyện Giặc-Khôi chắc chắn rằng có những nhận định cá nhân của tác giả rất đáng được chú ý về nhân vật dám đứng lên chống lại chánh quyền trung ương Huế một thời gian khá dài. Thời trước, khoảng đầu thế kỷ 19, kho tuồng Nôm có cuốn Tuồng Lê Ngụy Khôi viết theo quan điểm của chánh quyền nhà Nguyễn nên mặc dầu trong toàn tuồng nầy không có  nhơn vật Lê Văn Khôi xuất hiện, người viết tuồng cũng đưa quan niệm chính thống - phản nghịch qua những vai trò khác khiến người đọc thấy sự  chê trách  tên giặc ngụy Khôi. Từ suy cách dùng  chữ Giặc-Khôi, trong tựa  tác phẩm của Đỗ Quang Đẩu ta có thể tin chắc rằng ông Đẩu đã không có cảm tình gì với Lê Văn Khôi nghĩa là đồng điệu với tác giả khuyết danh tuồng hát bội Nôm nói trên.


Thôi thì nói về cuốn Truyện Phan Sa có cơ sở hơn…


Những truyện ngụ ngôn được ông chuyển ngữ và in trong tập sách mỏng nhưng rất có giá trị nầy gồm 50 bài thơ  6-8  ngắn:


  1. Ba con bò.

  2. Cô bán sữa và bình sữa.

  3. Bông lan với con bướm.

  4. Bông nở ngày với bông cẩm nhung.

  5. Cá chuồng.

  6. Dây cát đằng với dây hường.

  7. Con cưởng với con ác là.

  8. Con chiên với bụi cây.

  9. Con chó với con mèo.

  10. Con chó sói với con chó săn.

  11. Cái chuông.

  12. Con chuột với chiếc giày.

  13. Con chuột với con rùa.

  14. Con chuột, chồn với trứng vịt.

  15. Trái da với trái bí.

  16. Con dê cái nuôi chiên con.

  17. Ngọn đèn với cái lồng đèn.

  18. Con gà đẻ trứng vàng.

  19. Con gà lôi mang lốt con công.

  20. Con gà tây với con ác là.

  21. Hai thùng lúa.

  22. Con khỉ với trái chanh.

  23. Con khỉ con, khỉ đột với trái bàng.

  24. Con kiến nói phách.

  25. Làm việc với ở không.

  26. Làm biếng.

  27. Con lừa với hai đứa ăn trộm.

  28. Nấm.

  29. Cây nọc.

  30. Người khôn.

  31. Người ở rẫy với miếng bánh sữa.

  32. Người làm ruộng với mấy đứa con.

  33. Chàng nhái với con bò.

  34. Con nhện với con tằm.

  35. Thằng nhỏ đứng trên ghế.

  36. Thằng nhỏ với con bướm.

  37. Trẻ nhỏ đòn xóc.

  38. Phải chừa nói láo.

  39. Phải giúp đỡ nhau.

  40. Chim phụng hoàng với ốc hương.

  41. Con quạ với con chồn.

  42. Con rắn lục với con đỉa.

  43. Sống mũi với kiếng con mắt.

  44. Thầy địa lý té giếng.

  45. Thầy thuốc du phương.

  46. Con ve với con kiến.

  47. Con quạ với con chồn.

  48. Con chó sói với con cò

  49. Trái da với trái bí.

  50. Người làm ruộng với mấy đứa con.

Có vài vấn đề cần bàn ở đây:


Đỗ Quang Đẩu, dĩ nhiên là dịch Ngụ ngôn La Fontaine và những tác giả khác của Pháp mà ông thấy có ích lợi về giáo dục trẻ con sau Trương Minh Ký nhưng ông có dịch trước Nguyễn Văn Vĩnh hay không? Và sự dịch của Đỗ Quang Đẩu có gì đặc biệt?


Đỗ Quang Đẩu trong Nam dịch ngụ ngôn đồng thời với Nguyễn Văn Vĩnh ngoài Bắc như là một cách thế phản ứng lại ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc của người trí thức mới Tây học.


Tuy sách của ông Đẩu in năm 1925 nhưng thiệt ra ông dịch trước đó hơn 15 năm rồi. Tờ châu tri của Thống đốc Nam kỳ gởi cho các ngạch Hành chánh ngày 12 tháng 9 năm 1910, có đoạn:


Ông thầy giáo Đỗ Quang Đẩu vừa xuất bản hai quyển sách dùng cho học sinh các trường bản địa: 50 Truyện Ngụ Ngôn và Chuyện Dạy Đời, giá 30 xu/quyển, và sách vần A, B, C Annam, giá 12 xu/quyển. Hai quyển sách nầy đã được Hội Đồng Cải Cách Giáo dục Bản Xứ chấp thuận và xếp vào những sách cần thiết cho học sinh tiểu học bản địa.  (L'instituteur Đỗ Quang Đẩu vient de faire partir deux ouvrages destinés aux élèves indigènes des écoles: Cinquantes Fables et Préceptes, à 30 cents l’unité. Ces deux ouvrages qui ont été adoptés par le Comité de Perfectionnement de l’Enseignement indigène en Cochinchine, peuvent être avantageusement classés parmi ceux qui sont recommandés aux élèves des écoles élémentaires indigènes.)


Ta có thể suy đoán rằng trừ vài năm làm thủ tục để được chánh quyền chấp thuận, có thể ông Đỗ Quang Đẩu đã dịch những bài trong cuốn sách của mình khoảng 1907 như năm ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch mấy bài Con Ve và Con Kiến, Con Chó Sói với Con Cừu đăng trong Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo năm 1907. 


Mặc dầu rằng trên hình thức, tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản trước (1916, Thơ Ngụ Ngôn của La Fontaine) và Đỗ Quang Đẩu xuất bản sau (1925, Truyện Phan Sa Diễn Ca Quốc Âm) sau khi suy luận tôi đi đến kết luận rằng những người trí thức chịu ảnh hưởng của Pháp, điển hình là Nguyễn Văn Vĩnh ngoài Bắc và Trương Minh Ký, Đỗ Quang Đẩu trong Nam, sau khi văn hóa Pháp đã có một chỗ đứng vững vàng ở Việt Nam, đã lựa chọn sự kiện dịch truyện ngụ ngôn của La Fontaine như một cách thế phản ứng lại những ảnh hưởng của văn hóa Trung quốc lấy cảm hứng từ một nền văn hóa mới đến từ nước Pháp của những người trí thức mới. 


Đỗ Quang Đẩu dịch gọn và có mục đích. Xét một bài danh tiếng Con gà đẻ trứng vàng: Đỗ Quang Đẩu chỉ dùng 6 câu ngắn và dễ hiểu, những người lứa 70 tuổi trở lên trong Nam ai cũng đều đã thuộc lòng vì bài nầy được trích đăng trong nhiều sách dạy học trò như bài học thuộc lòng sau khi học vỡ lòng đánh vần:


Con gà đẻ một trứng vàng, Chủ nuôi cắp củm mới bàn lời ni:
Bụng gà vàng khối có khi, Bắt ra mổ ruột tức thì mà coi.

Vàng đâu chẳng chút lẻ loi. Hại thay! Gà chết, người lòi tánh tham.


So sánh với nguyên tác, La Poule aux Oeufs d’or, (Fables de Lafontaine quyển 5, p. 150) dài 12 câu với hai câu đầu và 4 câu cuối giải thích không cần thiết về ý nghĩa câu chuyện làm bài học cho những người muốn làm giàu mau. Sự cắt nghĩa nầy và bài học muốn đưa ra, ông Đỗ Quang Đẩu để ở ngoài bài văn bằng cách trích dẫn câu Hán văn cùng ý: dục lợi, lợi vị kiến, nhi hại dĩ tùng chi, nghĩa là Muốn lợi, lợi chưa thấy, mà hại đã theo đó và một câu tục ngữ Việt Nam nếu có thể: Tham thì thâm.


Bố cục như vậy dễ cho người học. Cứ học bài học. Thầy giải thích thêm ý nghĩa, hay tự người đọc tìm ý nghĩa từng truyện sau đó khi đã có một số kiến thức cơ bản, còn giải thích nầy nọ trong bản văn làm cho bài thơ kém nghệ thuật đi, chỉ còn là thuần ý tưởng nên nhợt nhạt…


Đọc bài Con Bán Sữa Với Cái Bình Sữa mà ai cũng biết, ta thấy ông dịch dễ hiểu lại còn cắt nghĩa – ngoài bài văn- bằng chuyện giấc kê vàng cũng khá thú vị.


Có con ở rẫy nghèo nàn, Đội sữa đi bán dọc đàng nghĩ suy.

Gặp chầu, tôi bán sữa đi. Trứng gà có trống mua thì một trăm.

Mau hơn làm ruộng để tằm, Ấp vài mươi bữa được năm ổ gà.

Giữ đừng chồn bắt, diều tha. Ba tháng gà trộng, giá là trăm quan.

Vốn liếng chừng đó bộn bàng. Mua heo nuôi thúc, cho ăn mai chiều.

Heo lớn bán đặng tiền nhiều. Mua bò để giống đi theo giữ gìn.

Có phước bò giống đẻ sinh. Tam niên ngũ mã tiền nghìn như chơi.

Sang giàu mặc sức đua bơi. Vào trong nô tĩ ra thời công khanh.

Bụng mừng quính, cẳng nhảy quanh. Sẩy chơn té đổ cái bình sữa đi.

Vốn liếng mất hết sầu bi, Về nhà chẳng biết phương chi chữa mình.

Nói trước chi bằng làm thinh, Trong tay sẵn của mặc tình liệu toan.


Đỗ Quang Đẩu bảo toàn một số từ xưa cách nay một thế kỷ.


Cuốn Truyện Phan Sa của ông Đỗ Quang Đẩu, như đã nói được soạn cách nay một thế kỷ nên chứa đựng nhiều từ  khó hiểu đối với chúng ta ngày nay. Thêm nữa, hình như ông thích dùng từ đặc biệt của vùng mình sanh trưởng hơn là dùng từ  thông thường, điều nầy đưa đến sự vừa quý giá về mặt ngôn ngữ vừa khó khăn cho người đọc sau đó.


Xin lọc ra những từ nầy gọi là làm chứng cớ, cũng là cung cấp phương tiện cho người nghiên cứu những biến chuyển của ngôn ngữ trong thế kỷ qua:

Xiên ngoa (bài 3) , cầu cao, tâm bào tối thui (bài 4), đòn xóc (bài 5), hiền ngõ (bài 6), trễ nải, tơ tấn, nhớt thây (bài 7), ruột chua lét, vỏ bồ hồn (?), ghé răng (bài 8), sung sức, trơn tru, lù xù (bài 9), thấp trí, buồn xo (bài 10 ), ít ỏi, khoe rân (bài 11), nói hành (15), ngộ (bài 16), cắp củm (bài 17), vân vi (bài 19), hiệp bầy hiệp bản, tiếng siểm, tiếng gièm (bài 20), tự tung tự tác (bài 21), kiếng con mắt , lờ lạc, lầm bầm (bài 22), xuống sâu mập vày, trối kẻ (bài 24), giúp thuyên ung độc (bài 25), nhạo báng, bở rệt (bài 26), câu mâu, lu câm, vùi vẫn, cành nanh (bài 27), tốt mã, ốm tong (bài 28), rỡ ràng, đánh phách (bài 29), lòn lõi, lá lay lộn lạo (bài 30), điềm ra bất tường, bộn bàng, mới gay (bài 31), cụm rập cây cao, ngự một trái cam (bài 32), hớ hinh, câu tra phạt vạ (bài 33), suông đuột (bài 34), giềnh giàng, tố minh mình giữ (bài 35), làm trây, xốc vô ăn hết. đứa già hàm (bài  36), xớt, xề xề (bài 37), gá nghĩa minh linh, nói đon, mầy tríu mầy thương (bài 38), lăng xăng bộ mầng (bài 39), líu lo, lảnh lót, khoát mắng (bài 40), đi dạo ta bà, kinh dinh, bá quàng (bài 41), té ùm giếng sâu, họ mắng thầy trâu (bài 42), ăn nói có doan, áo sô quần nhiễu, khâu vàng, áo bô quần vải, lèn xèn (bài 43),  Tay bốc lủm, miệng ngốn nhai (bài 44)...


Ảnh hưởng những bài học khôn ngoan của Đỗ Quang Đẩu đã rất mạnh một thời trong Nam Kỳ.


Thế hệ người dân sống ở Nam kỳ khoản 90 tuổi trở xuống hầu hết đều có trong đầu một số bài thơ trong cuốn sách của ông Đỗ Quang Đẩu vì nhiều bài đã được trích ra làm bài học thuộc lòng trong các Sách Tập Đọc bậc Tiểu học trước đây. Sở dĩ các bài nầy được chọn  vì ý nghĩa của chúng, vì vần điệu trơn tru dễ nhớ. Kẻ viết bài nầy  thuộc rất nhiều bài trong đó, nhưng bao nhiêu năm qua không biết là những ý tưởng đẹp đẽ nuôi dưỡng tâm hồn mình kia sanh ra từ công lao của một người có tên là Đỗ Quang Đẩu.


Nhiều bài học quí giá, khó thể kể hết. Chẳng hạn:

Chơn chất kẻ nhúng người trề,

Điếm đàng gạt gẫm chúng nghe rầm rầm. (bài 43)

Ở đời khá nhớ hoài hoài,

Không ra công khó mấy ai no lòng  (bài 44)

Như tên ngày tháng qua mau,

Nếu không lo trước để sau cực lòng. (bài 45)

Hụt ăn vì tiếng chuốt trau,

Quạ thề lần khác thì tao không lầm. (bài 46)

Ghét loài dĩ thị vi phi,

Lòng muông dạ sói quên thì ơn sâu (bài 47)


Từ những nhận định trên và ngồi nghĩ lại thấy  ngày trước ông Thuần Phong đã có lý quá chừng khi chọn  danh nhơn để đặt tên đường cho đô thành Sài gòn đã cho tên Đỗ Quang Đẩu vào danh sách...  Và ông Đỗ Quang Đẩu xứng đáng có một chỗ đứng trong danh sách những nhà văn, nhà giáo dục Việt Nam  nửa đầu thế kỷ 20.


Nguyễn Văn Sâm


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nữ sĩ Linh Bảo kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi hôm chủ nhật April 14, 2024 và vừa mất sáng sớm hôm qua, April 22, 2024 tại tư gia ở Westminster, nam Cali...
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.