Hôm nay,  

Vô Ngã Thì Ai Là Tôi?

12/10/202116:19:00(Xem: 2180)
Văn Công Tuấn
Thư pháp "VÔ NGÓ (Thủ bút thư pháp của chính thi sĩ Trụ Vũ)

 

Vô ngã là “không có ta”. Không có ta, vậy thì ai đang nói, ai đang viết đây?

Cô bạn văn viết Email cho tôi và nói, mới nhận món quà quý của bác Trụ Vũ, không biết có nên khoe với anh không? Tôi trả lời ngay, nên chứ! Khoe món quà văn chương là việc nên làm và nên làm ngay. Ấy là việc chia sẻ niềm vui kiến thức với bạn, nhất là món quà thơ từ một nhà thơ lão thành nổi tiếng. Không khoe mà giữ riêng cho mình, là chơi không đẹp.

Vậy là nàng Ngọc Thúy Hoàng Quân gởi ngay cho tôi xem bản thư pháp bài thơ của cụ Trụ Vũ. Bài thơ viết về „Vô Ngã“ có 3 khổ. Hoàng Quân còn viết thêm rằng: Hôm nào, anh Tuấn có chút thì giờ để thở, anh Tuấn giải thích thêm cho Thúy bài thơ, nhìn qua lăng kính của "Hạt Nắng Bồ Đề" nghe. Lời sao mà nhẹ nhàng, âm hưởng của sông Hương núi Ngự nghe như vẫn còn quyện đâu đây! Dù vậy cái cục đá nặng tôi đang đeo trong ba lô vẫn cứ nặng.

Thường ngày, khi có điều kiện trao đổi một đề tài về Phật học với bạn bè thân hữu, cốt là để cùng học hỏi tu tập thêm, tôi đều cố hết sức, cho dù lúc đó bận hay rảnh, đang thở thoải mái hay thở hồng hộc như chạy đua. Nhưng đụng chuyện vô ngã này thì khác, nó quả đã vượt qua khỏi cái lằn ranh khái niệm cụ thể, vượt qua cái đầu hạn hẹp của tôi. Lại là thơ của Trụ Vũ! Nếu không có yêu cầu, khi gặp các bài thơ tầm cỡ như vậy, tôi chỉ đọc lên mấy câu, ngước mắt nhìn trời, gật gù thán phục rồi im lặng luôn. Làm sao mà nói được? Tôi lại còn biết rất rõ, cụ Trụ Vũ không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà nghiên cứu Phật học rất thâm sâu. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn trân quý cuốn Pháp Cú (Dhammapada) do cụ dịch ra thể thơ, một tuyệt tác vì nó đã chở được không những ý mà cả lời của Pháp Cú. Đây là cuốn sách nằm thường trực phía trước mặt thuận tay với ở trên kệ sách nhà tôi (thường gọi là sách gối đầu giường).

Nhưng chả lẽ lại im luôn, thì coi sao được. Vì vậy, tôi cứ gồng mình ghi ra đây những suy nghĩ của mình về vô ngã, xem như là những ghi chú, trước cho chính mình, sau đáp lời yêu cầu của một người bạn.

***


Vô ngã (anattā) nghĩa đen là “không có ta”. Mới vừa nghe, đã thấy cặp chân như nặng thêm, như vừa vấp phải cục đá trên bước đi. Vấn đề khởi đầu ngay từ đấy.

Thử hỏi, không có ta, thì ai đã gõ bàn phím nọ để ra các chữ này? Không có ta, thì lấy ai ngồi đó đang đọc bài viết này? Không có ta, thì ai đang hít vào thở ra? Vân vân và vân vân. Chuyện quả là thập phần nan giải!

Nhà thơ thì nói ra sao mà dễ dàng quá. Dễ như đói thì ăn, khát thì uống.

(1)

Bởi vì tôi vô ngã

Nên lấy gì khổ đau.

Lấy gì có những nỗi

Mặt ủ với mày chau.


Bởi vô ngã, tức không có ta thì lấy đâu đau khổ. Thử ghi cái lý luận ấy ra.

A = Ta

B = Đau khổ

Có A thì sẽ có B. Vậy A không hiện hữu thì B cũng không có. Dĩ nhiên! Đến luận đoạn này thì vẫn còn dễ hiểu. Nhưng khổ nỗi, A vẫn sờ sờ đây nè. Nó là tôi đó. Tức là cái mà các Tổ nhà Thiền thường kêu là „cái bị thịt“. Bị thịt sờ sờ ra đó, mà nói không hiện hữu!

Để khỏi lúng túng cắn móng tay, tôi nói theo mệnh đề đảo: do không có B nên cũng chẳng còn A. Cũng không ổn! Ai cũng biết đời tràn ngập khổ đau và chính đức Phật cũng nói vậy. Đó là chưa tính hai việc rất thơ mà thi sĩ muốn nhấn mạnh thêm: cái mặt ủ và cái mày chau. Hai cái này ai không biết, chứ tôi rành sáu câu lắm. Ấy cũng là cảnh khổ (tuy không khổ lắm) mà ai cũng gặp thường nhật. Gặp trong nhà, gặp ở sở làm, gặp ở ngoài chợ… có khi còn gặp luôn cả trong chùa.

Thôi, tạm thời mời cái “mặt ủ” và cái “mày chau” ngồi đó chờ chút, đọc xem thi sĩ nói gì tiếp theo. Đọc tiếp thơ, khổ 2.

(2)

Bởi vì tôi vô ngã

Lấy chi có vô thường.

Bởi vì tôi vô ngã

Lấy gì có biên cương.


Lại vấp nhằm cục đá thứ hai: vô thường. Vô thường là không có gì hiện hữu, tồn tại mãi mãi. Mọi vật thể, thiên thể trên thế gian này đều trải qua bốn giai đoạn sanh, trụ, dị, diệt. Cả thân người chúng ta cũng vậy. Ta do cha mẹ sinh ra (sinh), rồi lớn lên, trưởng thành (trụ), bắt đầu già nua, bệnh tật (dị) và cuối cùng phải chết (diệt). Cái bị thịt ta mang vác ấy cứ luôn luôn biến đổi. Dẫu là một bé sơ sinh, là một thanh niên thiếu nữ đang mạnh khỏe hay là các cụ ông cụ bà đã già yếu, cơ thể ta vẫn là khối vật thể tế bào chuyển dịch không ngừng. Nó biến đổi từng thời, đơn vị còn nhỏ hơn nano giây (nsec), chữ chuyên môn Phật giáo gọi là từng sát na. Chúng như được ráp nối lại với nhau – hệt trò chơi ráp hình lego của trẻ con – bằng hàng tỷ các loại tế bào khác nhau. Trung bình thân thể con người có chứa 1014 tế bào (10 lũy thừa 14=100 billionen = một trăm ngàn tỷ). Khoa học đã xác định được rằng, trong một cơ thể khỏe mạnh cứ mỗi giây đồng hồ có khoảng 50 triệu tế bào chết đi và cũng 50 triệu các tế bào mới được sinh ra. Chúng, tức các tế bào thân thể con người không phải chỉ chết đi do các “tai nạn” như ngộ độc, chấn thương, đói do thiếu oxy dinh dưỡng v.v… mà còn tự diệt. Ngành sinh học đã gọi tên chuyên môn cho quá trình tự hủy của các tế bào là Apoptosis. Từ những năm 1840 người ta đã nói về quá trình phát triển này, nhưng được nhắc đến nhiều sau khi nhà sinh học người Anh John Edward Sulston, cùng 2 người khác: Sydney Brenner và H. Robert Horvitz được trao giải Nobel Sinh học (Y học) về công trình nghiên cứu gen để điều chỉnh sự phát triển của các quá trình tự hủy và cân đối lượng tế bào, vào năm 2002. Các công trình nghiên cứu của Sulston bắt đầu từ những năm 1970 trên cơ thể của loài giun. Điều ấy xác minh được hai việc cốt yếu. Thứ nhất, quá trình sinh diệt phần thân thể của người, thú vật, côn trùng đều như nhau – vì đồng là chúng sanh. Thứ hai, khi nói đến sự sống là hàm ý ngay đến cái chết. Trong sự sống đã có mầm mống của cái chết. Nghĩa là “vô thường” như giáo lý nhà Phật thường nói.

Để dễ hiểu hơn về lý vô thường này, xin mượn lời giải thích súc tích này, trích trong tác phẩm Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo của học giả người Nhật Junjiro Takakusu, Tuệ Sỹ dịch.

Một con người hiện hữu là “hiện hữu tùy thuộc vào một tràng nhân duyên”. Mọi hiện hữu đều do nhân duyên và nó sẽ tan biến khi những tác dụng của tràng nhân duyên đó chấm dứt. Như vậy, một người không thể xem hạt nhân hay hồn của người đó là một thực ngã. Thí dụ những làn sóng trên mặt nước quả là hiện hữu, nhưng có thể gọi mỗi làn sóng đều có tự ngã không? Sóng chỉ có khi gió lay động. Mỗi làn sóng đều có riêng đặc tánh tùy theo sự phối hợp của những nhân duyên, cường độ của gió và phương hướng của gió… Nhưng khi những tác dụng của nhân duyên đó chấm dứt, sóng sẽ không còn nữa. Cũng vậy, không thể nào có cái ngã biệt lập với nhân duyên được.

Nhận thức về vô ngã là một tri kiến căn bản trong Phật Giáo. Đó cũng là nguồn giáo lý xuyên suốt mọi quá trình tu tập trong đạo Phật. Bởi vậy, ngay cả trong thời Phật Thích Ca còn tại thế cho đến nay, vẫn có người cho rằng đạo Phật là đạo vô thần. Điều đó cũng dễ hiểu. Tất cả mọi tôn giáo đều thừa nhận có một vị giáo chủ, một đấng thiêng liêng có quyền uy ban phúc giáng họa. Người nào theo và phục vụ các lợi ích cho cộng đồng tôn giáo ấy thì sẽ được phần thưởng cho đời này và cả đời sau. Tất nhiên kẻ không phụng sự cho lý tưởng ấy, hay chống đối có thể sẽ bị trừng phạt. Phật giáo không quan niệm như vậy.

Do vậy có thời (và cả đến bây giờ) nhiều thức giả, luôn cả hàng chức sắc trong nhiều tôn giáo khi nghe nói về vô ngã, tức là nói không có cái Ta thì hoảng hốt và khó lòng chấp nhận. Hoảng hốt vì nếu vô ngã, nếu không có Ta thì ai tu, ai chứng? Ai thành Phật, ai thành Thánh, ai đi vào thiên đàng, ai đáp xuống địa ngục? Và ở đây: Ai đau khổ, ai mặt ủ, ai mày chau?

Cả hệ thống triết học, thần học phương Tây, và luôn cả hệ thống triết học Vệ Đà Ấn Độ, Hồi giáo… đều muốn giao số phận, vận mạng của mình cho một Đấng thiêng liêng ở đâu đó trên cao quyết định. Quyết định tất cả từ thành công, danh vọng, sức khỏe… Thậm chí, có khi người ta còn muốn Đấng ấy giúp hạ địch khi đang tranh giải bóng đá. Quả là ta làm khó các Đấng ấy (nếu thực sự có) vì cả hai đội bóng đối nghịch đều muốn thắng. Thực tế cho ta biết rằng, thân mạng của con người sinh ra do sự hòa hợp bởi tinh cha, huyết mẹ và gồm tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Bốn đại này tạo thành con người và luân chuyển trầm luân trong vòng sanh tử và cũng chính nhờ bốn đại này mà chúng ta có thể sống, làm việc, tu học… Thêm vào, chính cái tứ đại ấy tượng hình ra tôi, ra anh, ra chị, nên chắc chắn nó không thể chỉ là cái thế giới thu hẹp bên trong gồm đầu mình tay chân tim óc phèo phổi… của mỗi chúng ta. Đất này, nước này, lửa này, gió này tuy là một phần thân thể tôi, nhưng đã cấu thành bằng những chất liệu không phải là tôi. Tôi mang trong tôi những chất liệu rắn chắc, chất liệu có tính lỏng, chất liệu có hơi ấm, chất liệu lưu chuyển. Chúng hiện hữu ở đó để tạo thành hình hài “tôi” nên chúng không phải (và cũng không thể) là “của tôi”. Những chất liệu ấy đến với tôi từ mọi người khác, và cũng từ sự hiện hữu và những hiện tượng khác trong vũ trụ. Con người chúng ta thường bám vào cái “của tôi” nên mới sinh ra chiến tranh, thù hận, dịch bệnh v.v…

Bởi thế khi ta nói vô ngã là ta muốn nói rằng, không có bất cứ cái gì trên thế gian này có thể độc lập tồn tại. Thân tứ đại này đã là tổng hợp bốn yếu tố của đất trời, tất cả tùy thuộc vào nhân và duyên. Do cái này có nên cái kia có, do cái này sinh nên cái kia sinh, do cái này diệt nên cái kia diệt. Không thể có một cái gì thực sự tự có, thực sự độc lập, thực sự tồn tại bất biến.

 

(3)

Bởi vì tôi vô ngã

Nên tự ngã miên trường.

Bởi vì tôi vô ngã

Nên tự ngã trầm hương.


Mình thường hay nghĩ, hay nhìn về một cái cụ thể, cái tiếp xúc được. Mà cái cụ thể gần nhất trước mắt là cái ta. Cái ta này là cái hiện thân thể hiện sự tồn tại với mọi tình cảm, tư duy. Nếu bị mất mát, bị phủ nhận, bị xem thường… thì ta sẽ hoảng hốt ngay. Ta quên rằng, cái thân thể này, từ đầu đến chân – kể cả phần tư duy bên trong – đều là do năm uẩn mà thành. Năm uẩn là sắc, thọ tưởng, hành, thức (xin miễn đi vào chi tiết giải thích năm uẩn là gì, có rất nhiều tài liệu về năm uẩn). Nhìn vào, quán chiếu năm uẩn là để ta thấy được bản chất của con người và cả thế giới hiện tượng chung quanh. Con người đau khổ là do vô minh, do không thấy được bản chất của sự sống. Do vô minh nên chấp ngã, chấp vào cái chủ thể bất biến. Do chấp ngã mà có tham ái, có sân hận, có si mê, có sợ hãi… và có sanh tử triền miên.

Thi sĩ Trụ Vũ nói, vì tôi vô ngã nên cái tự ngã của tôi nằm ngủ im re một giấc miên trường, dài hơn cả ngàn năm - khỏi cần ru hát ầu ơ ví dầu…Vì tôi vô ngã nên tự ngã bay bổng, tỏa hương (trầm hương). Tôi tuy hiện hữu đó nhưng tôi bình yên, tôi thong dong, tôi tự tại!

Ở đây cũng cần lưu ý thêm một điểm vô cùng quan trọng để tránh đi lạc về sau. Vô ngã hoàn toàn không hàm ý rằng "ta không có ngã" (tức là thuyết đoạn diệt). Hai lãnh vực tư duy này khác nhau như đen và trắng, như mặt trời và mặt trăng. Nó cũng sai lầm hệt như chấp rằng "ta có ngã" (thuyết trường tồn). Cả hai quan niệm vừa nêu ấy đều vẫn còn trói buộc trong ý tưởng sai lầm "có cái ta". Phải quán chiếu, phải tư duy sự vật như chính sự vật ấy, mới là thái độ đúng đắn.

Nếu ta cứ tiếp tục lý luận, cứ thao thao về hai từ „vô ngã“ này thì viết cả bao nhiêu trang giấy cũng không đủ. Thực sự cảm nhận được tinh yếu „vô ngã“ như một tiến trình tư duy, tu tập như thi sĩ Trụ Vũ đã làm thì mới thật là khó, không phải ai cũng làm được.

Vô ngã hàm ý rằng, vạn vật trên cõi đời này do nhân duyên mà sanh nên nó cũng do nhân duyên mà diệt.

Đến đây tôi chợt nhớ câu chuyện vui của Hòa Thượng Thiện Siêu đã kể trong một bài giảng. Câu chuyện có thể giúp mình hiểu rõ thêm chút về tự ngã và vô ngã.

Ngày xưa có một linh hồn sau nhiều kiếp tu luyện, đến thiên đàng gõ cửa Thượng Đế, Thượng Đế hỏi:

- Ai đó?

- Tôi, Linh hồn đáp.

Thượng Đế hỏi:

- Tôi là ai?

- Tôi là tôi.

Thượng Đế bảo:

- Ở đây không đủ chỗ cho ta và ngươi cùng ở. Ngươi hãy đi nơi khác.

Linh hồn ấy trở lui về trần gian tu luyện thêm một ngàn năm nữa, sau đó lên trời gõ cửa lại.

Thượng Đế hỏi: - Ai đó?

Đáp: - Tôi.

- Tôi là ai?

- Tôi là Ngài, Linh hồn đáp.

Khi ấy Thượng Đế liền mở cổng cho vào.

Thí dụ trên cho ta thấy, một ngàn năm trước tôi là tôi - còn ngã chấp, thì không vào thiên đàng được. Một ngàn năm sau, tôi là Ngài, mới vào được, vì hết ngã chấp. Vì ta với mình tuy hai mà một. Niết bàn là cái tuyệt đối không dung ngã. Niết bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết bàn vô tướng - vô tướng nên rất khó vào. Muốn vào Niết bàn, ta cũng phải vô tướng như Niết bàn. Cửa Niết bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc nên ta không thể mang theo một hành lý nào mà hy vọng vào Niết bàn được cả. Cái thân đã không mang theo được, mà cái ý niệm về tôi, về ta, cũng không thể mang theo vào được. Cái ta càng to thì càng xa Niết bàn. Nên biết hễ hữu ngã thì luân hồi mà vô ngã là Niết bàn chứ không phải đòi hỏi có cái ta để vào Niết bàn.

Ở đoạn cuối bài giảng trên, Hòa Thượng Thiện Siêu nói rõ thêm:

(…)

Vậy thì nói Phật độ chúng sanh là gì? Ở đây chúng ta cần phân biệt chữ "độ" và chữ "cứu rỗi". Chữ "cứu rỗi" thì chỉ cần đức tin, tin có một đấng tối cao, đấng ấy sẽ rước ta vào cõi phúc lạc của Ngài ở một nơi nào đó, nếu ta đầy đủ lòng tin. Trái lại chữ "độ", nghĩa là vượt qua, có nghĩa là làm cho chúng sanh thấy rõ rằng: chính vì bản ngã mà nổi chìm trong biển phiền não sanh tử. Vậy chỉ cần trừ cái ngã chấp thì phiền não không còn đất đứng. Khi phiền não đã trừ thì kiến hoặc, tư hoặc, vô minh hoặc cũng dứt mà vượt qua bờ giác. Khi phiền não chấm dứt thì dù bất cứ đang ở đâu, bất cứ giờ phút nào cũng là Niết bàn, không cần phải cất bước đi đến một nơi nào cả để tìm cõi Niết bàn. Bởi thế đức Phật dạy luôn luôn quán vô ngã, bốn đại, năm uẩn tạo nên thân này đều là những thứ do duyên ở ngoài kết hợp lại mà thành chứ cái thân "đồng nhứt" với cái ngã thì không thực có. (Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15211/vo-nga-la-niet-ban) 

 

Giờ thì chúng ta biết rõ rằng bài thơ Vô Ngã của Trụ Vũ không chỉ là một bài thơ mà là một bài sám, bài kinh cầu. Và Ngọc Thúy Hoàng Quân lại được cụ trao truyền cho bài sám ấy. Sự việc trao truyền một bài thi kệ cũng là việc thường thấy trong truyền thống của nhà Thiền. Mong rằng, người bạn văn của tôi trân quý bài sám đó, cất vào túi gấm để khi cần thiết thì mở ra xem lại. Và tôi cũng hiểu rất rõ rằng, món quà này không phải là một viên kim cương để làm đồ trang sức cá nhân cho riêng ai (kể cả cho HQ). Nó là viên ngọc thắp sáng đường đi cho tất cả những ai có tâm nguyện tập tễnh lần mò đi trên con đường đạo. Trong đó có tôi.

Vậy xin cùng đọc lại cả bài thơ lần nữa.

 

Bởi vì tôi vô ngã

Nên lấy gì khổ đau.

Lấy gì có những nỗi

Mặt ủ với mày chau.

 

Bởi vì tôi vô ngã

Lấy chi có vô thường.

Bởi vì tôi vô ngã

Lấy gì có biên cương.

 

Bởi vì tôi vô ngã

Nên tự ngã miên trường.

Bởi vì tôi vô ngã

Nên tự ngã trầm hương.

 

Trụ Vũ, 11.05.2021

Quý tặng cháu Hoàng Ngọc Thúy

 

Nội dung và âm hưởng bài thơ Vô Ngã của Trụ Vũ xem ra không xa vũ trụ những bài Kinh Pháp Cú mà nhà thơ Trụ Vũ đã có lần thi kệ hóa vậy.

Phẩm Ngu 62 - Pháp Cú

Đây là con cái ta!

Đây là nhà cửa ta!

Phàm phu thốt như vậy

Đâu biết rằng chính họ

Còn chưa phải của họ

Huống con cái cửa nhà!

 

Phẩm Đạo 278 - Pháp Cú

Các pháp nọ vô ngã!

Sáng suốt hiểu như vậy,

Ắt rời bỏ khổ não:

Vào ngã lạc tịnh thường!

(Kinh Pháp Cú – Trụ Vũ soạn thành Thi Kệ. NXB Tôn Giáo, 2003

 

---

Đức quốc 6/2021

Nguyên Đạo – Văn Công Tuấn

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Anh tặng em mùi máu / Trên áo trận sa trường / Máu anh và máu địch / Xin em cùng xót thương... (Thơ TMT).
Lớp tuổi của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước, được cắp sách đi học đến bậc trung học, chắc có lẽ ai ai cũng biết đến ông, nhà văn Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, nhà hoạt động cách mạng và chính trị Nguyễn Tường Tam. Hình ảnh của ông là biểu tượng cho một ước vọng tuổi trẻ – tuổi thanh niên lúc bấy giờ:..
Kể từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, những vùng đất quân Nga xâm chiếm đã xảy ra những thảm cảnh vô cùng bi đát như cướp của, hãm hiếp phụ nữ rất man rợ! Những hình ảnh đó được loan tải trên hệ thống truyền thông, hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án sự tàn ác, vô luân của quân Nga. Nhân đây, đề cập đến tác phẩm Giờ Thứ 25, cách đây hơn bảy thập niên, nhà văn Virgil Gheorghiu đã mô tả thú tính xác thịt của bọn quân xâm lược hãm hiếp phụ nữ thời đó và hiện nay man rợ như nhau...
Sáng thứ bảy, 3 tháng 6, thành phố Santa Ana còn trong tinh sương, các thiện nguyện viên trẻ của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA đã lăng xăng bận rộn chuẩn bị cho chương trình hội luận khai mạc VietBookFest, Hội Chợ Sách đầu tiên giới thiệu sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả gốc Việt, và đây cũng là hội chợ sách Việt có tầm vóc đầu tiên tại Hoa Kỳ, một ngày "festive" với nhiều sinh hoạt chữ nghĩa từ sáng đến chiều, bao gồm hội luận buổi sáng, chợ sách buổi trưa, và chương trình đọc thơ và trình diễn nhạc buổi chiều.
Chúng ta hàng ngày đọc tin thời sự, dễ dàng nhìn về thế giới Hồi giáo dường như đầy những bạo lực, và nhìn về một quốc gia Iran như một tuyến đầu tua tủa những dàn phóng phi đạn hướng về thế giới tự do. Chúng ta cũng từng thấy các chính phủ Hồi giáo theo các hệ phái khác nhau đã kình nhau, thậm chí trong một nước, như Iraq, cùng từng sinh khởi nội chiến. Tuy nhiên, vẫn có một Hồi giáo khác, một Hồi giáo rất mực hòa bình, một hệ phái ít được báo chí hàng ngày tường thuật chỉ vì họ không gây ra các biến cố hung hăng nào. Đó là Hồi giáo Sufi, một khuynh hướng rất mực thần bí có từ nhiều thế kỷ qua, và là nơi rất mực thơ mộng của Hồi giáo: một nơi của những dòng chữ về vẻ đẹp của sa mạc, của tịch lặng, của yêu thương. Các tác phẩm văn học Sufi ghi trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nội dung tư tưởng thần bí của Hồi giáo Sufi. Khuynh hướng này trong tiếng Anh gọi tắt là Sufism
Nhiều năm trước, tôi có tham dự buổi ra mắt tác phẩm Mouring Headband For Hue của nhà văn Nhã Ca tại Toronto. Nghe danh Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã lâu từ trong nước mãi đến nay tôi mới gặp cả hai ông bà. Mouring Headband For Hue do giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học Texas A&M University chuyển ngữ từ tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, tập hồi ký của Nhã Ca in tại Sài Gòn 1969, được Giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970...
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...
Nhắc đến GS Nguyễn Văn Sâm, người ta biết ông nhiều trong cương vị một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu di sản Hán-Nôm và văn học Nam Bộ hơn là nhà văn, nhà thơ. Điều này không phải do sáng tác của ông chưa chín, mà có lẽ chính sự đóng góp quá lớn của ông ở mảng khảo cứu, dịch thuật Hán-Nôm đã làm che khuất những tác phẩm văn chương giá trị của ông...
Mấy tháng đầu năm 2023 này sao mà mưa bão liên miên... Làm như thiên nhiên muốn bù đắp cho tình trạng hạn hán kéo dài cả thập niên trước đây ở tiểu bang Cali. Dường như không hẳn thế mà xem ra còn ngược lại: Đợt biến động khí hậu này liên tiếp cũng đã và đang gây nên quá nhiều thiệt hại trên hầu hết các vùng của lãnh thổ Hoa Kỳ, đe dọa nặng nề đến môi trường sống của toàn thể dân cư nữa!
Mùa hè năm 1865, ngay sau khi bắt đầu viết Tội Ác và Hình Phạt (Crime and Punishment), đại văn hào vĩ đại nhất mọi thời đại lâm vào hoàn cảnh tệ đến không thể tệ hơn. Vừa góa vợ thì bị nằm liệt giường vì chứng động kinh, Fyodor Dostoyevsky (11/11/1821 – 9/2/1881) còn ‘rước thêm vạ vào thân.’ Sau khi anh trai qua đời, Dostoyevsky, vốn đã nợ nần chồng chất vì máu đỏ đen, đã tự đứng ra gánh món nợ của tòa soạn của anh trai. Chủ nợ nhanh chóng kéo đến gõ cửa nhà ông, đe dọa sẽ tống ông vào nhà tù của những con nợ. (Một thập niên trước, ông suýt chút nữa đã dính án tử hình vì đọc những cuốn sách bị cấm; thay vào đó ông bị kết án bốn năm khổ sai tại một trại lao động ở Siberia – cho nên viễn cảnh bị tù đày lần nữa khiến ông phát hoảng.)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.