Hôm nay,  

Giới Thiệu Night Sky with Exit Wounds - Trời Đêm Có Lối Ra Thương Tích.

10/10/202121:47:00(Xem: 4055)

ocean-vuong-2
Ocean Vuong

 

Ocean Vuong

Tên thật: Vương Quốc Minh, sinh năm 1988, thi sĩ Việt Nam. viết truyện và tiểu luận.

Lãnh Giải Ruth Lilly/ Sargent Rosenberg Fellowship (Poetry Foundation) năm 2014.

Whiting Award năm 2016.

T.S. Eliot Prize thi ca năm 2017.

MacArthur Grant năm 2019.

Sinh quán tại Việt Nam. Vượt biên theo gia đình lúc hai tuổi, đến trại tỵ nạn ở Phi Luật Tân. Đến Hoa Kỳ, định cư tại Hartford, Connecticut.

Tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Brooklyn Colledge University of New York. Tốt nghiệp M.F.A. tại New York University.

Thơ của Vuong xuất hiện trên hầu hết những tạp chí văn chương nổi tiếng tại Hoa Kỳ, như: The Nation, TriQuarterly, Guernica, The Rumpus, Boston Review, Narrative Magazine, The New Republic, The New Yorker, and The New York Times.
 
Tác phẩm:
- Tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous, Penguin Press, 2109.
- Burnings, Sibling Rivalry Press, 2010.
- No (Yes Yes Books, 2103)
- Night Sky With Exit Wounds, Copper Canyon Press, 2106.
- Time Is A Mother, Penguin Press, 2021.
 
Mang Thương Tích
Thoát Khỏi Trời Đêm
Ngu Yên tuyển và dịch
Ghi chú: Những bài truy cập trên lưới được kiểm tra với thơ trong bản chính: Night Sky with Exit Wounds của Ocean Vuong.
 
Đọc Bài Headfirst
của Ocean Vuong
 
Người làm thơ và người đọc thơ luôn luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: Thế nào là thơ hay? Hoặc hỏi một cách chính xác hơn, thế nào là bài thơ có giá trị?
Đây là một ví dụ về thơ hay, thơ có giá trị: Bài thơ Đầu Ra Trước của Ocean Vuong.

Bài thơ được xây dựng trên bốn tứ thơ. Cả bốn tứ thơ đều độc lập với nhau, chỉ liên hệ bằng lời của người mẹ nói với con. Ngôn ngữ đơn giản, nhưng diễn đạt bằng những hình ảnh khác thường, bằng nhịp điệu không quen thuộc. Một số ý nghĩ gây ngạc nhiên và thú vị cho người đọc. Ví dụ, tay sờ vú như sờ đầu lâu; người quên bản thân như Thượng Đế quên bàn tay. Sự so sánh vượt qua khuôn khổ bình thường của người Việt, tuy là quan điểm bắt mắt. lôi cuốn người đọc, nhưng sự so sánh mang tính bất ngờ này phải có ý nghĩa làm cho bài thơ sâu sắc, thông minh và sáng. Nếu chỉ là những hình ảnh hoặc tứ thơ so sánh với cố ý đánh bóng, hoặc tạo sự kỳ lạ, mà không thực sự có ý nghĩa, những so sánh như vậy trở thành khuyết điểm và biểu lộ sự thiếu nội lực về sáng tác.

Tứ thứ nhất, mẹ nói, đối với mẹ, không có gì quan trọng hơn con sống sót mỗi ngày. Mẹ sẵn sàng bỏ qua mọi điều kiện hãnh diện như ngọn lửa bỏ qua tiếng kêu của những gì đang cháy.

Tứ thứ hai, chỉ có người mẹ mới cưu mang nỗi khổ đau của con mình. Còn đàn ông, ngoài trừ thỏa mãn tình dục, sờ vú như sớ đầu lâu, họ cón nhìều giấc mơ như vượt núi, dù cõng người chết trên lưng đi vào chiến trận.

Tứ thứ ba, khi khôn lớn, đi vào đời, đứng để sách vỡ làm cho lạc lối. Đừng quên bản thân như Thượng Đế quên bàn tay. Thử nghĩ, nếu một người quên mất bàn tay, thì người ấy sẽ như thế nào?

Tứ thứ tư, Đừng quên bản thân, đừng quên bản sắc dân tộc. Nếu có ai hỏi con từ đâu đến, hãy trả lời, con bò ra từ chiếc miệng không răng, dưới háng của người đàn bà sống trong chiến tranh, đưa đầu vào miệng những con chó đói.

Và kết luận, con sẽ phải dùng những khổ nạn trải qua để mài bén bản thân như mài bén con dao.

Chỉ bằng bốn tứ thơ, qua lời người mẹ, anh Vuong đã đề cập những khía cạnh tâm lý và tư duy của người trai lưu vong thế hệ thứ hai. Biết bao nhiêu con cái xấu hổ hoặc không hài lòng về thái độ, cách sống “quê mùa”, thiếu hội nhập của cha mẹ. Ngược lại, mẹ nuôi con chỉ muốn con sống yên vui, học hành tử tế. Biết bao nhiêu con cái nhờ vậy mà thành đạt. Chữ nghĩa, bằng cấp, tài sản, chỉ để ngụp lặn xa hoa quên bản thân lưu xứ. Biết bao nhiêu người Việt ngại ngùng, tránh né khi người bản xứ đặt câu hỏi về nguồn gốc của họ. Ý tứ, hình ảnh khít khao, tuyển chọn tuy không nhiều nhưng đủ để gợi ý cho những người Việt tha hương nơi hải ngoại.

Không quá phức tạp nhưng đủ để người đọc suy gẫm. Bài Headfirst chỉ là một ví dụ ngắn, dọc theo những trang sách trong tập thơ Night Sky with Exit Wounds, người đọc sẽ tìm thấy rất nhiều những ý nghĩ thâm trầm, những tứ thơ tự sáng nổi bật, không chỉ gây thích thú mà còn tạo ra những suy tư và nghi vấn về bản thân trong đời sống lưu vong. Đọc thơ Ocean Vuong cần từ tốn, dừng lại ngẫm nghĩ, đọc đi đọc lại, vì thơ ông mang nhiều ẩn ý, từ những hàm ý này, cách trình bày tự nhiên đứt đoạn, tạo nhiều khoảng trống cho người đọc tự nối kết. Hình ảnh trong thơ của ông hầu hết xuất hiện từ một tiềm thức mang sẹo tích sâu đậm. Kinh nghiệm riêng tư của ông lạ lẫm đối với một số người Việt lớn tuổi.
 
 
Thơ Tuyển
 
Đầu Ra Trước
 
Con biết không? Tình mẫu tử
Không màng đến tự hào
như ngọn lửa
không màng tiếng kêu
của những gì đang cháy.

Con ơi,
kể cả ngày mai
con sẽ có hôm nay.
Con biết không? Có những đàn ông sờ vú
như đang sờ
đầu lâu.

Những đàn ông mang giấc mơ
vượt núi, trên lưng
cõng người chết.
Chỉ người mẹ mới có thể đi
với sức nặng
của nhịp tim thứ hai.

Thằng khờ.
Con có thể lạc lõng trong mọi cuốn sách
nhưng sẽ không bao giờ quên bản thân
như Thượng Đế quên
bàn tay của ông.
Khi họ hỏi
con đến từ nơi nào,
nói cho họ biết tên con
được tạo ra từ cái miệng không răng
của người đàn bà sống chiến tranh.
Con không phải được sinh đẻ
mà đưa đầu bò ra –
vào miệng bầy chó đói.
Con ơi, nói với họ
thân thể là lưỡi dao nhờ cắt nhiều
mà sắc bén.
 
Bên Ngưỡng Cửa
Threshold
 
Mọi nơi trong cơ thể đều có giá riêng,
Tôi, gã hành khất. Quỳ gối,
 
nhìn qua lỗ khóa,
không phải người đang tắm, mà mưa ướt
 
anh ta: tiếng guitar vỗ về
trên đôi vai dáng dấp địa cầu.
 
Anh đang hát,
khiến tôi ghi nhớ
 
Giọng anh - tràn ngập tôi tận đáy hồn
như một bộ xương.
 
Kể cả tên tôi
đã quỳ trong tôi, khẩn cầu tha thứ.
 
Anh hát. Tôi chỉ nhớ bấy nhiêu.
Vì trong cơ thể, mọi thứ đều có giá,
 
Tôi đang sống. Không biết
còn lý do nào đúng hơn.
 
Buổi sáng hôm đó, cha tôi dừng lại
- con ngựa đen dưới mưa tầm tã
 
Lắng nghe tiếng tôi thở nghẹn ngào
sau cánh cửa. Tôi không hiểu
 
giá phải trả để tham gia bài hát
- lạc lối về.
 
Vì vậy, tôi tham dự – rồi tôi mất hết.
Mất tất cả trong khi rất tỉnh táo.  
 
Telemachus
Telemachus
 
Như bất kỳ con trai hiếu thảo nào, tôi nắm tóc cha,
kéo ra khỏi mặt nước, kéo lên bãi cát trắng,
 
khủy tay ông cà một vệt dài, sóng nhanh chóng xóa mờ.
 
Vì thành phố bên kia bờ đã mất
nơi chúng tôi bỏ đi.
 
Vì trúng bom nổ nhà thờ bây giờ chỉ còn cây cỏ.
Quỳ bên ông để thấy mình chìm đến mức nào.
 
Ba ơi, có biết con là ai?
Không bao giờ nghe tiếng đáp trả.
 
Câu trả lời là lỗ đạn xuyên qua lưng,
chứa đầy nước biển. Nằm bất động
 
Tôi nghĩ, ông có thể là cha của bất cứ ai,
được tìm thấy như lọ chai xanh xuất hiện  
 
dưới chân cậu bé, đã một năm qua
không hề chạm đến.
 
Tôi sờ tai ông. Không phản ứng gì.
Lật ông ngửa ra. Nhìn tận mặt.
 
Thấy nhà thờ trong đôi mắt biển đen.
Gương mặt không phải của tôi –
 
nhưng tôi sẽ mang lên để hôn vợ con thân ái
chúc ngủ ngon:
cách mà tôi hôn lên môi cha
 
và bắt đầu nhiệm vụ lương tâm
dìm ông xuống nước.
 
 
Khúc Sớm Mai
Trong Thành Phố Lửa
Aubade With Burning City
 
(Miền Nam Việt Nam, ngày 29 tháng 4, 1975: Đài phát thanh Lực Lượng Vũ Trang Hoa Kỳ phát bản nhạc “White Christmas” của Irving Berlin, như một mật mã bắt để bắt đầu Chiến Dịch Gió Cuốn, ám chỉ cuộc di tản sau cùng của công dân Mỹ và người tị nạn Việt Nam bằng máy bay trực thăng trong thời điểm Sài Gòn thất thủ.)
(*) Chữ nghiêng đến từ ca khúc.
 
Cánh hoa sữa rụng bay trên đường
như những mảnh rách từ áo thiếu nữ
 
“Cầu chúc các bạn tháng ngày sung sướng vui tươi …”
 
Anh ta rót đầy sâm-banh vào tách trà, đưa lên môi nàng.
“Uống đi,” anh nói.
Nàng uống.
Bên ngoài, người lính phun
mẩu thuốc lá, chân bước khắp quảng trường
như đá từ trời rơi xuống.
Mong tất cả lễ Giáng Sinh của bạn đầy tuyết trắng”
khi cảnh sát lưu thông cởi dây bao súng ngắn.
Những ngón tay anh sờ dọc theo
lai áo đầm trắng. Một cây đèn cầy:
chiếc bóng: có hai bấc.
 
Chiếc xe tải quân sự băng qua ngã tư,
bên trong nghe trẻ em la lối.
Chiếc xe đạp lật nhào vào cửa kính gian hàng.
Khi bụi bốc lên, con chó đen nằm dài
trên đường hổn hển. Hai chân sau 
bị nghiền nát vào ánh sáng
của ngày Giáng Sinh tuyết trắng.
           
Trên bàn đầu giường, lần đầu tiên,
cành Mộc lan nở ra tin tin đồn bí mật
                                                           
 
Những đỉnh cây lấp lánh và trẻ em lắng nghe,
cảnh sát trưởng gục xuống hồ bơi Coca-Cola.
Tấm hình người cha nhỏ bằng lòng tay 
nổi trong nước bên tai trái của ông.
 
Khúc ca sớm mai băng qua thành phố như một góa phụ.
Màu trắng … một màu trắng … tôi mơ
tấm màn tuyết trắng
trợt khỏi vai nàng.
 
Tuyết cọ vào cửa sổ. Tuyết xé nhỏ
cuộn vào tiếng súng. Trời đỏ.
Tuyết trên xe tăng cán qua tường vách phố phường.
Chiếc trực thăng kéo đám người sống
lên khỏi tầm với.
 
Thành phố trắng đang sẵn sàng hóa mực.
 
Đài phát thanh nói chạy chạy chạy.
Cánh hoa sữa rơi trên con chó đen
như những mảnh rách từ áo thiếu nữ.
 
“Cầu chúc các bạn tháng ngày sung sướng vui tươi.”
Nàng nói điều gì đó, cả hai đều không nghe.
Dưới lầu khách sạn rung chuyển.
Chiếc giường một mảng băng lớn.
 
Anh nói “Đừng lo,” lúc quả pháo đầu tiên lóe lên
sáng khuôn mặt họ,
các anh em tôi đã chiến thắng
và ngày mai …”
 Đèn tắt.
“Tôi đang mơ. Tôi đang mơ …
nghe tiếng chuông trên xe trợt tuyết …”
 
Trong quảng trường bên dưới: Một bà sơ, cháy lửa,
lặng lẻ chạy về hướng Thượng Đế
 
“Mở ra”, anh nói.
Nàng mở ra.
 
 
Một Hôm Nào Tôi Sẽ Yêu
Ocean Vuong
Someday I’ll Love Ocean Vuong
 
Ocean, đừng sợ hãi.
Nơi cuối đường còn rất xa
Nhưng đã ở sau lưng chúng ta.
Đừng băn khoăn. Cha của ngươi chỉ là cha
cho đến khi một trong hai người quên mất.
Như xương sống sẽ không nhớ cánh bay
dù biết bao lần đầu gối hôn lên vỉa hè.
Ocean, có nghe không?
Phần đẹp nhất trên thân thể ngươi
là nơi bóng mẹ phủ xuống.
Đây, ngôi nhà mà tuổi thơ
bị chuốt mỏng thành sợi dây đỏ cài bẫy.
Đừng lo âu. Cứ gọi nó là đường chân trời
& ngươi sẽ không bao giờ chạm đến.
Đây, hôm nay. Hãy nhảy.
Tôi hứa không phải thuyền cấp cứu.
Đây, người đàn ông giang rộng vòng tay
đủ gom lại bước ngươi rời bỏ.
Đây, ngay lúc này,
khi đèn tắt, vẫn nhìn thấy
ngọn đuốc chập chờn giữa hai chân ông.
Làm sao ngươi có thể dùng nó
nhiều lần để tìm thấy bàn tay.
Ngươi yêu cầu thêm cơ hội thứ hai
& được cho cái miệng để làm hết sạch.
Đừng sợ hãi, tiếng súng
chỉ là âm thanh con người
cố gắng sống lâu hơn một chút
& thất bại.
Ocean ơi, Ocean ơi –
hãy đứng lên.
Phần đẹp nhất trên thân thể ngươi
là nơi nó tiến đến
& hãy nhớ,
cô đơn còn nhiều giờ tiêu pha với đời.
Đây, căn phòng, đông người xúm xít.
Những bạn bè chết
tuôn qua ngươi
như gió tuôn qua chùm chuông treo.
Đây, chiếc bàn khập khiễng
& một viên gạch kê
giúp nó đứng lâu dài.
Vâng, đây căn phòng
ấm áp và gia đình chen chúc,
Tôi nói thật, khi ngươi thức dậy –
sẽ lầm lẫn vách tường
là da người.
 
 
Hiến Dâng
Devotion
 
Thay vì, năm bắt đầu
bằng đầu gối
cạo nền gỗ cứng,
một người đàn ông khác
đi vào cổ họng tôi.
Tuyết đầu mùa
lộp độp trên gương cửa sổ,
mỗi hoa tuyết là mỗi vần
a, b, c …
Tôi không xao lãng nữa.
Vì sự khác biệt
giữa cầu xin & ân sủng
là cái lưỡi quấn quít cách nào.
Tôi rà lưỡi mình
vào vòng rốn quen thuộc,
mật rỉ xuống
chảy về hướng hiến dâng.
Không còn gì linh thiêng hơn
giữ chặt nhịp tim đàn ông
giữa hàm răng,
mài bén
bằng nhiều hơi thở.
Cái miệng này lần cuối đi vào
trong tháng Giêng,
im lặng với tuyết đầu mùa
lộp độp trên gương cửa.
Như vậy rồi sao - nếu lông tôi
đang cháy.
Tôi chưa bao giờ đòi hỏi được bay.
Chỉ cảm nhận
thâm thúy, rõ ràng
cảm giác tuyết đẹp
chạm vào da thịt
đột nhiên
tuyết vô hình.
 
 
Vì không thể tuyển hết những bài hay trong tập thơ của Ocean Vuong để giới thiệu, bạn đọc nên tìm mua Night Sky With Exit Wounds của ông để tìm thấy những tư duy thâm trầm và rất thời đại 21 của thế hệ thứ hai người Việt lưu vong. Thơ của ông vừa cho cảm xúc, vừa cho niềm tự hào của một dân tộc có nền văn hóa vô thức lâu dài. Chỉ có hai loại văn hóa vô thức có thể tạo nên chiều sâu nhạy bén cho người nghệ sĩ: dòng văn hóa dày kinh nghiệm và dòng văn hóa sôi sục sáng tạo.

Bài sau cùng mà tôi chọn để gửi đến các bạn là Immigrant Haibun, một thể viết liên hợp văn và thơ (haibun) của văn học cổ truyền Nhật Bản, được nhà thơ Vuong hiện đại hóa. Một trong số bài thơ đã gây cho tôi lòng xúc cảm liên tục về điều hay nét đẹp, khi trôi nổi theo lời thơ của ông.
Ghi: Có sự khác biệt giữa văn hóa ý thức, tức là văn hóa phải học, và văn hóa vô thức, là sức mạnh văn hóa xâm nhập di truyền và lãnh hội tự nhiên.
 
Bài Haibun
Cho Người Nhập Cư
 
Con đường đưa tôi đến bạn thật an toàn
kể cả khi nó dẫn vào đại dươmh.
Edmond Jabes.
 
Lúc đó, như thể hít thở, biển phập phồng dâng cao bên dưới chúng tôi. Nếu cần phải biết một điều gì, nên biết, sống chỉ một lần là trách nhiệm khó khăn nhất. Một phụ nữ trên con tàu đang chìm trở thành một mảnh gỗ cứu mạng, bất kể làn da mềm mại đến mức nào. Trong khi ngủ, anh ấy đốt cây vĩ cầm sau cùng để sưởi chân tôi. Anh nằm bên cạnh rồi nói sau gáy tôi một lời, nơi tan ra thành hạt rượu whiskey. Vàng gỉ xuống lưng. Muối chát trong câu nói. Chúng tôi đã ra khơi, nhưng tầm mắt không thấy bến bờ thế giới.

Khi bỏ trốn, thành phố vẫn còn cháy âm ỉ. Nếu không, đó là buổi sáng mùa xuân hoàn hảo. Hoa lan dạ hương trắng thở hổn hển trong bãi cỏ trước tòa đại sứ. Trời màu xanh tháng chín và bồ câu tranh nhau mổ những mảnh bánh mì vụn rải rác từ tiệm bánh bị trúng bom. Bánh mì vỡ nát. Bánh croissant bẹp dúm. Xe hơi bị phá hủy. Một trò chơi chạy vòng tự xoay tròn những con ngựa gỗ đen. Anh nói, những cái bóng các phi đạn in lớn dần trên vỉa hè, trông như Thượng Đế đang chơi đàn dương cầm gió trên đầu chúng ta. Anh nói, còn quá nhiều chuyện muốn kể cho em nghe.

Trên cao đầy sao. Hay đúng hơn, hệ thống rút nước của thiên đàng – đang chờ đợi – Các lỗ nhỏ. Những thế kỷ phù du mở ra chỉ dài đủ cho con người thoáng qua. Một cái rựa phơi khô trên sàn tàu. Lưng tôi dựa vào lưng anh. Tôi nhúng đôi chân vào nước xoáy. Anh cúi xuống, hơi thở như thời tiết trái mùa. Vốc một nắm biển mặn rồi vắt nước lên tóc tôi. Nắm ngọc trai nhỏ bé - tất cả dành cho em. Tôi mở mắt. Khuôn mặt anh hiện giữa hai bàn tay tôi, ướt như một vết chém. Anh nói, nếu chúng ta vào được bờ, anh sẽ lấy tên vùng biển này đặt cho con trai. Anh sẽ học cách yêu con quái thú. Anh cười. Một gạch nối trắng giữa đôi môi. Bầy hải âu bay trên đầu. Một đám bàn tay chới với giữa những chòm sao, đang cố bám víu.

Sương mù tan dần. Chúng tôi thấy được. Chân trời, đột nhiên biến mất. Một làn sáng xanh dương kéo dài vào nơi mờ nhạt. Cảm giác đẹp và bình an, như anh ấy muốn. Giống như chuyện cổ tích. Cuốn sách đó khép lại, bật lên tiếng cười trong lòng chúng ta. Tôi kéo buồm thật căng. Anh ném tên tôi lên trời. Thấy từng vần vỡ vụn, rơi trên sàn tàu.

Sóng gầm hung dữ. Mũi tàu đâm vào biển. Anh quan sát nước chẻ đôi như tên trộm tự theo dõi trái tim mình: tất cả bộ xương và gỗ vụn. Sóng dâng cao hai bên mạn thuyền. Bức tường chất lỏng bao bọc con tàu. Anh la to, nhìn kìa. Tôi thấy rồi. Anh nhảy tưng tưng. Hôn lên cổ tay tôi như đang nắm chặt bánh lái. Miệng cười nhưng ánh mắt phản bội anh. Anh cười, biết rằng đã hủy hoại mọi thứ xinh đẹp chỉ để chứng minh anh không thay đổi vì cái đẹp. Nhưng đây mới là chuyện thú vị: Có một cái nút chai nơi hoàng hôn xuống. Nó luôn luôn nằm đó. Một con tàu làm bằng những cây tăm dán keo thượng hạng. Một con tàu trong chai rượu vang trên bệ lò sưởi giữa bữa tiệc Giáng Sinh, nước uống eggnog tràn ra từ những ly nhựa đỏ. Dù sao chúng tôi vẫn tiếp tục ra khơi. Tiếp tục đứng trước mũi tàu. Một chiếc ly in hình đôi vợ chồng trên bánh cưới. Bấy giờ mặt nước yên tĩnh. Nước, như không khí, như thời giờ. Mọi người hò hét, ca hát và anh không thể phân biệt họ hát cho anh hay đốt cháy căn phòng mà anh đã lầm tưởng khi còn bé. Mọi người nhảy múa trong khi một đàn ông và một đàn bà nhỏ bé mắc kẹt trong lọ chai màu xanh, nghĩ rằng, có người nào chờ đợi đến cuối cuộc đời của họ, để nói, Này! Các người đâu cần đi quá xa đến đây. Tại sao phải đi xa như vậy? Như cây gậy đánh bóng chày quất mạnh vào thế giới.

Nếu phải biết bất cứ một điều gì, nên biết, bạn được sinh ra vì không có ai đến thế chỗ. Con tàu rung chuyển như khi anh tràn vào tôi: âm vang tình yêu đông cứng thành một cậu trẻ. Đôi khi, cảm giác mình giống như ký hiệu. Tôi thức dậy đợi chờ tiếng sét ái tình. Có lẽ, thân xác là câu hỏi duy nhất mà câu trả lời không thể dập tắt. Có bao nhiêu nụ hôn chúng ta ngấu nghiến vành môi với khẩn cầu - chỉ để nhặt nhiều mảnh vỡ? Nếu phải biết, cách hay nhất để hiểu một người đàn ông là dùng hàm răng. Có lần, tôi nuốt mưa qua cả một cơn bão tố tràn sinh lực.  Những thời giờ nằm ngửa, thời con gái mở ra. Bên dưới, cánh đồng trải ra khắp nơi. Thật ngọt ngào. Cơn mưa đó. Làm sao một thứ gì sống chỉ để ngã xuống, không còn gì ngoài trừ ngọt ngào. Nước đẽo gọt thành ý. Ý trở thành thực phẩm nuôi dưỡng. Mọi người đều có thể quên chúng ta - miễn là anh còn nhớ.
 
Mùa hè trong trí tưởng
Thượng Để mở con mắt còn lại
Hai mặt trăng dưới hồ nước.
  
Ngu Yên. Mùa COVID-19 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Cơn mưa di tản trở về giữa quá khứ và hiện tại, giữa người chết và người sống. Đó là lăng kính mà mọi thứ đã được chắt lọc qua. Những năm tháng trở nên trong suốt như nước. Những gì chúng ta thấy là những hình dạng mờ nhạt đang trôi về nguồn. Tất cả những viễn cảnh và cách diễn giải của chúng ta khi chúng ta quay trở về là đường nét chuyển động của người khác. Để tồn tại, chúng ta đã di tản qua thời gian, và để nói, chúng ta học ngôn ngữ của mưa.”
Bạn tắt hết điện thoại, truyền hình, bạn gập lại các quyển sách đang đọc. Bạn ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, khóa kín cửa, hay bạn ngồi trên một tảng đá trong rừng, hay bạn ngồi giữa chợ, điều ấy không quan trọng. Bạn không cần phải thực hành bất kì một lễ nghi tôn giáo, yoga hay thiền nào cả.
Một trong những thành tựu quan trọng đáng tự hào của cộng đồng người Việt là sự thành công của những cây bút người Mỹ gốc Việt, kể câu chuyện Việt góp phần vào nền văn học lưu vong Việt Nam cũng như góp mặt vào dòng văn học chính Hoa Kỳ. Bài giới thiệu sách này thuộc loạt bài giới thiệu các tác giả, tác phẩm thuộc dòng văn học thế hệ thứ nhất-thứ hai, trong thời điểm 50 Năm Nhìn Lại, từ biến cố tháng Tư, 1975.
Bạn có thích đọc thơ không? Người ta nói, mỗi người Việt là mỗi nhà thơ. Nhà thơ sao lại không đọc thơ? À, như vậy, bạn có đọc thơ. Dĩ nhiên bạn thích đọc thơ hay. Nhưng làm thế nào để biết bài thơ hay? Có bài thơ được nhiều người khen hay quá trời, sao bạn lại nghĩ là dở. Hoặc bạn hí hửng khoe bài thơ hay vừa đọc được, người bạn đọc xong, lắc đầu. Sao vậy? Thơ hay không bảo đảm người đọc đồng ý với nhau. Hãy hỏi bạn Trí Thông Minh Nhân Tạo (A.I.), trông cậy anh ta biết nhiều, hiểu rộng, có thể cho đôi lời vắn tắt.
Tôi có một thói quen xấu khi đọc sách – luôn bắt đầu bằng cách mở trang cuối và đọc hàng cuối rồi gấp sách lại xem đầu óc mình nghĩ gì. Hôm nay, mở cuốn “Stories from the Edge of The Sea”, cuốn sách dày 216 trang với 14 truyện ngắn của tác giả người Mỹ gốc Việt Andrew Lâm, tôi lẩm nhẩm: “Hãy đứng đến giây phút cuối cùng, và bạn sẽ không bao giờ, không bao giờ phải đứng một mình.“* “Giây phút cuối cùng”? Không hiểu sao hình ảnh Việt Nam những ngày cuối tháng Tư, 1975 hiện về. Dẫu chỉ là một đứa bé con 6 tuổi vào thời điểm này, nhưng lớn lên và sống với những hệ lụy lịch sử kéo dài từ cái ngày định mệnh đó, ngay trên mảnh đất quê hương bị đánh mất, những mảng đời, những câu chuyện, những ám ảnh, những mất mát luôn là những gì mà chính tôi, bạn bè tôi, gia đình tôi, quê hương, dân tộc tôi, vẫn gồng mình hứng chịu… dẫu nửa thế kỷ đã trôi qua. Tôi hiểu mình sẽ bắt đầu đọc cuốn sách này bằng một sự “khó ở” trong lòng của một độc giả người Việt sống xa quê hương, trong tâm trạng u uẩn
Cô lớn lên như một đứa con gái tomboy, đánh gậy bóng chày giỏi hơn thằng em trai mình, có thể đá văng cặp kính ra khỏi mặt một thằng con trai, và vì thế cô không gần với mẹ lắm. Cô chẳng thấy mẹ mình có gì đáng yêu kính. Bà là người với một thân hình đẫy đà, có tật ngồi lê đôi mách, luôn tay luôn chân công việc nhà cửa, lại nợ nần cờ bạc, chẳng bao giờ thích hoạt động ngoài trời, vì quá quan tâm đến những chuyện trong gia đình nên bà chẳng hề đi đâu thăm thú thế giới, đại dương này nọ, ví dụ, bầu trời xanh chẳng có gì cho bà quan tâm, thấy thú vị.
Hôm nay 17 tháng 3, 2025, dân chúng Canada tạm biệt Justin Trudeau. Tôi yêu mến thủ tướng và tự hào về ông. Trudeau nói: Dân chủ không phải được ban cho, tự do không phải được ban cho, Canada cũng không phải được ban cho. Bạn phải giành lấy chúng bằng tất cả lòng can đảm, sự hy sinh và công việc cần mẫn mỗi ngày.
Vào đầu tháng 3, 2025 xem chương trình The Jimmy TV trên YouTube trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, cụ bà năm nay 86 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn trò chuyện với nhau. Gần sáu thập niên qua, Hè năm 1967, sau bốn tháng học Quân Sự trong giai đoạn I cùng với Khóa 24 ở Truồng Bộ Binh Thủ Đức, Khóa Nguyễn Trãi I thuyên chuyển về Trường ĐH. CTCT ở Đà Lạt. Vào thời điểm đó Vòng Tay Học Trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã tái bản nhiều lần gây xôn xao trong dư luận và dĩ nhiên thu hút độc giả nơi nầy vì nhân vật và bối cảnh xảy ra trên mảnh đất nầy.
Một buổi chiều, từ rất lâu rồi, tôi thấy mình đơn độc trên bãi biển Vũng Tàu, Việt Nam, một thành phố biển gần Sài Gòn, đứng nhìn ra khơi. Chiến tranh ngày một tệ hơn. Huế và Đà Nẵng đã thất thủ. Tiếp theo là cao nguyên Trung Phần. Sài Gòn đang hoảng loạn. Quân đội cộng sản đang tiến quân mà không bị cản trở. Tôi mới mười một tuổi và khá nhỏ con so với tuổi của mình. Bãi biển gần như vắng tanh. Gió và sóng như thét gào bên tai tôi. Với hai cánh tay dang rộng, tạo thành những hình thù kỳ lạ trên không, tôi lớn tiếng tụng niệm những câu thần chú.
Nhật Bản là một nước Phật giáo, mà cách đây một thời gian theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật, những người theo Phật giáo chiếm đại đa số và đúng theo lịch sử truyền bá và phát triển, Phật giáo đến nước nào thì mang sắc thái văn hóa của nước đó. Cho nên, Phật giáo khi vào Nhật Bản cũng mang một số sắc thái riêng. Nay có tác phẩm Bồ-tát Quan Âm - Tín Ngưỡng & 50 Tượng Tuyến ở Nhật Bản của nhà nghiên cứu Bùi Chí Trung, người đã sống và làm việc lâu năm tại quốc gia này sẽ cung cấp cho chúng ta một số thông tin quý báu về những nét rất riêng của Phật giáo Nhật Bản...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.