Hôm nay,  

Ocean Vương: “Một Thoáng Rực Rỡ Chốn Nhân Gian” - trang 173-193

24/09/202122:25:00(Xem: 3449)
Ocean Vuong YSa Le va Nina
Ocean Vương ký tặng sách cho Ysa Lê và Nina Hòa Bình Lê
tại buổi Ra Mắt Sách On Earth We're Briefly Gorgeous,
Skylight Book, June 2019. Photo: Linda Võ.


LTS: 


Người yêu sách vở, nhất là yêu thơ, hẳn đã nghe, đã đọc Ocean Vương đâu đó.

Số báo Xuân Việt Báo Đinh Dậu 2017 đã dành một phần trang trọng để đăng một loạt bài về nhà thơ trẻ tài năng này, gồm: 1. Bài phỏng vấn và viết về tác giả Ocean Vương – Nhà Thơ, Bầu Trời Đêm và Những Vết Thương Mở do Thắng Đào thực hiện và biên tập (https://vietbao.com/a264128/nha-tho-bau-troi-dem-va-nhung-vet-thuong-mo), 2. Thơ Ocean Vương, Hòa Bình Lê trích dịch (https://vietbao.com/a264044/tho-ocean-vuong), 3. Gánh Nặng Sống, Hy Vọng và Thang Thoát Hiểm, Ocean Vương, Nguyễn Phương chuyển ngữ (https://vietbao.com/a264129/ganh-nang-song-hy-vong-thang-thoat-hiem-tuyet-vong-hien-hinh). Vào thời điểm đó, tập thơ “Bầu Trời Đêm và Những Vết Thương Mở” của Ocean Vương vừa nhận hai giải thưởng cao quý: Giải Whiting Award - 2016 và Giải T.S. Eliot Prize - 2017.

Ngay sau đó, tên tuổi Ocean Vương được nhắc đến thường xuyên trong văn giới Hoa Kỳ và thế giới. Thơ anh cũng như những tác phẩm của anh xuất hiện trên báo chí dòng chính cũng như báo chí tiếng Việt trong nước và ngoài nước. Michiko Kakutani, nhà phê bình trứ danh từng lãnh giải Pulitzer của The New York Times đã viết về thơ anh trân quý như viết về Emily Dickenson và Gerald Manley Hopkins. Tháng Sáu năm 2019, Ocean Vương ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay “On Earth We’re Briefly Gorgeous”, (tạm dịch “ Một Thoáng Rực Rỡ Chốn Nhân Gian"), cuốn sách này được Tổ Chức MacArthur Foundation trao Giải Thiên Tài chỉ vài tháng sau khi sách được xuất bản.

Cuốn On Earth We’re Briefly Gorgeous được viết dưới dạng một bức thư từ một người con trai có tên gọi Chó Con, gửi cho người mẹ mù chữ. Với nỗ lực giải thích cho Mẹ hiểu về bản thân mình, Chó Con đã bộc lộ hết tính cách, bản sắc riêng của mình – kết cấu từ bạo lực gia đình và xã hội. “Một thoáng rực rỡ” là những chuyến trở về thời thơ ấu đầy dãy những chấn thương từ chiến tranh trong gia đình ba thế hệ, những cơn nghiệp ngập, tình cảm tuổi mới lớn, tìm hiểu và nhận diện bản sắc, giới tính, tình cảm và xung đột gia đình, để rồi cuối cùng, chịu đựng một sự mất mát to lớn. Rất nhiều bài viết giới thiệu cuốn sách này đã được đăng tải trên các tờ báo và trang mạng Mỹ, Việt khắp nơi, nhưng độc giả người Việt vẫn chưa có được bản dịch tiếng Việt, hy vọng sẽ ra đời một ngày không xa.

Trong buổi ra mắt sách tại nhà sách Skylight ở Los Angeles ngày 19 tháng Sáu, khi được hỏi về cảm nghĩ giữa làm thơ và viết truyện, Vương đã nói: “Nếu tôi được theo ý mình, tôi khuyến khích tất cả người viết nên nghiêm túc theo đuổi thi ca.”  Vậy với cuốn sách này, không phải là một tập thơ, tác giả hy vọng độc giả sẽ rút tỉa được điều gì? “Tôi mong mọi người đọc cuốn sách này và có lẽ không cần phải rút tỉa điều gì cả, mà tốt hơn họ nhận ra chính mình, tìm thấy mình trong đó, và họ có thể mang theo họ, tham gia vào cuộc sống của chính họ nhiều hơn...”

Sau đây là một chương trong cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt, với sự đồng ý của tác giả từ hồi tháng Sáu năm 2019, với mong ước "Má" sẽ được nghe một đoạn trong câu chuyện đọc tại buổi ra mắt sách ở Little Sàigon sắp tới. Bản dịch hay bức thư cho “Má” bằng tiếng Việt được người dịch xếp lại vào cuối năm 2019 sau khi nhân vật “Má” của cuốn sách này đột ngột qua đời, và bức thư cho “Má” bằng tiếng Việt đã không bao giờ đến tay Bà – buổi ra mắt sách cũng vì thế mà đã hủy bỏ, và độc giả Little Saigon lỡ dịp gặp Bà.  Hôm nay xin gởi chương sách này đến độc giả Việt Báo như một lời chúc lành cho "Chó Con" của Bà với lời xin lỗi chậm trễ lỡ hẹn.

Ai đó đã nói chữ nghĩa là con người, xin mời đọc và mời gặp Ocean Vương qua chương sách này, với hy vọng bạn đọc sẽ tìm ra, trân quý và vun xới cho “một thoáng rực rỡ” của riêng mình.

 

*



Một Thoáng Rực Rỡ Chốn Nhân Gian - Trang 173-193

 

Untitled
Ocean Vương và sách "Trên Mặt Đất Chúng Ta Đã Một Thoáng Rực Rỡ"

 

Má thương –

 

Hãy để con bắt đầu lại.

 

Con viết bởi vì ngày đã sắp hết.

 

Bởi vì bây giờ là 9 giờ 52 phút tối thứ Ba và Má chắc đang đi bộ về nhà sau ca làm việc sát giờ đóng cửa.

 

Con không ở bên Má bởi vì con đang trong một cuộc chiến. Nói khác đi là đã tháng Hai rồi và tổng thống muốn trục xuất các bạn của con ra khỏi nước Mỹ. Thật khó giải thích.

 

Đây là lần đầu tiên từ lâu lắm rồi, con cố gắng tin vào thiên đường, một nơi chốn mà tất cả chúng ta có thể cùng ở bên nhau sau khi mọi thứ qua đi nổ tung.

 

Người ta nói mỗi bông tuyết đều khác nhau – nhưng cơn bão tuyết, sẽ bao trùm tất cả chúng ta cùng một kiểu. Một người bạn ở Na-Uy kể với con chuyện một người họa sĩ đi vào giữa tâm bão, cố tìm cho ra sắc màu chính xác của màu xanh lam, rồi không bao giờ trở về.

 

Con viết cho má bởi vì con không phải là người bỏ đi, mà là người trở về, hai bàn tay trắng.

 

Má có lần hỏi một người cầm bút có nghĩa như thế nào. Đại khái thế này.

 

Bảy người bạn của con đã chết. Bốn người vì dùng thuốc quá liều. Năm người, nếu mình đếm cả Xavier, thằng lật ngược chiếc xe Nissan chín mươi độ vì uống một liều fentanyl hạng tồi.

 

Con không ăn mừng sinh nhật của mình nữa.

 

Hãy cùng về nhà với con theo con đường vòng. Quẹo phải đường Walnut, Má có thấy tiệm Boston Market nơi con làm việc ở đó suốt một năm hồi con mười bảy tuổi (sau trang trại thuốc lá). Nơi có ông chủ sùng đạo cơ đốc – cái ông có lỗ chân lông mũi to đến nỗi vụn bánh từ bữa ăn trưa của ổng rơi xuống lọt kẹt trong đó -  ổng không bao giờ cho ai nghỉ giải lao phút nào. Đói bụng quá vào giờ thứ bảy suốt ca làm việc liên tục, con thường nhốt mình vào trong tủ quét dọn và nhét vội vào mồm mẩu bánh bắp nhét trong chiếc tạp-dề đồng phục màu đen.

 

Trevor được bác sĩ cho toa uống OxyContin sau khi té nứt mắt cá chân từ cuốc xe gắn máy ngoạn mục trên một con đường đất một năm trước khi con gặp hắn. Hắn mười lăm tuổi.

 

OxyContin, đầu tiên được hãng Purdue Pharma bào chế sản xuất hàng loạt vào năm 1996, một loại thuốc phiện, được đặc chế dưới dạng thuốc viên.

 

Con không bao giờ có ý muốn rèn luyện một “tác phẩm cơ thể”, nhưng để bảo tồn những thứ này, cơ thể của chúng ta, hít thở bất kể, bên trong tác phẩm đó.

 

Được hay thua. Cơ thể ráng mà chịu.

 

Quẹo trái ở đường Harris St., nơi mà mọi vết tích của ngôi nhà bị đốt rụi mùa hè năm đó trong cơn sấm sét chỉ còn là một lô đất bụi.

 

Sự hủy hoại thật sự thường không được ghi lại. Đứa bé gái trong câu chuyện của bà ngoại, đứa con gái mang đôi giày chế từ vỏ chiếc xe jeep cũ của quân đội cháy nát bét, đứa bé gái bị xóa mất trong đợt oanh tạc ba tuần trước khi cuộc chiến kết thúc – đứa bé gái bị hủy hoại không để lại dấu tích. Hủy hoại không định vị, như một ngôn ngữ.

 

Sau một năm uống Oxycotin, mắt cá chân của Trevor đã lành lặn, nhưng anh ta trở thành một con nghiện thứ thiệt.
 


Trong một thế giới xiết kể như thế giới của chúng ta, nhìn chăm chú là một hành động đơn lẻ: nhìn vào cái gì đó là lắp đầy cuộc đời mình với nó, dù chỉ ngắn ngủi. Có một lần, sau sinh nhật tuổi mười bốn, nép mình giữa những băng ghế trống trên một chiếc xe buýt cũ bỏ hoang, con đã lắp đầy sinh mạng mình bằng một lằn bạch phiến. Mẫu tự trắng “I” tỏa sáng trên chiếc ghế da tróc vẩy. Tận cùng trong con chữ “I” bật ra một lưỡi dao – điều gì đó bị rạch nát. Dạ dày sôi sục nhưng đã quá muộn. Chỉ trong giây phút, mình trở nên to lớn hơn. Có nghĩa phần thể quái dị của chính mình nở ra quá lớn, quá quen thuộc, mình có thể yêu nó. Mình có thể hôn nó.

 

Sự thật là không ai trong chúng ta có đủ cảm giác đầy đủ. Nhưng Má biết điều này rồi.

 

Sự thật là con đã đến nơi này hy vọng có một lý do để ở lại.

 

Đôi khi những lý do này nhỏ thôi: như cách má phát âm spaghetti là “bahgeddy.”

 

Đã gần cuối mùa – có nghĩa mùa đông đã dâng tràn, nở rộ dọc bờ đông bờ tây là những mảnh thư tự vẫn.

 

Hãy viết xuống.

 

Người ta nói không có gì tồn tại vĩnh viễn nhưng thật ra họ chỉ sợ nó tồn tại lâu hơn tình yêu của họ.

 

Má đâu rồi? Má vẫn còn đi bộ?

 

Họ nói không có gì tồn tại vĩnh viễn và con viết cho má bằng tiếng nói của loài sắp tuyệt chủng.

 

Sự thật là con lo sợ họ sẽ đánh bại mình trước khi hiểu được mình.

 

Nói cho con nghe chỗ nào đau. Má hãy tin con.

 

 

Hồi ở Hartford, con thường hay rảo bộ ngoài đường buổi tối một mình. Không ngủ, con dậy mặc đồ, trèo cửa sổ xuống - cứ lầm lũi bước đi.

 

Nhiều đêm con nghe tiếng thú vật lao xao, nấp đâu đó sau những bao rác, hay bất ngờ gió thổi mạnh ngang đầu, và đám lá ào ào rơi xuống, một cành cây gãy từ một tàng phong khuất mắt. Nhưng thường thì chỉ có tiếng bước chân của chính mình giẵm xuống mặt đường mù mịt hơi nước với những cơn mưa còn ướt, mùi nhựa đường cả thập niên cũ bốc lên, hay đám bụi tung lên mù mịt giữa sân vận động bóng chày dưới bầu trời điểm vài ngôi sao, lớp cỏ xanh quét nhẹ vào đế giày Vans trên đường.

 

Nhưng một đêm con nghe tiếng gì khác.

 

Qua cửa sổ lờ mờ từ một căn hộ ở tầng trệt, giọng một người đàn ông nói tiếng Ả Rập. Con nhận ra chữ Allah. Con biết đó là một lời cầu nguyện bởi giọng ông ngân nga cao bổng, như thể lưỡi là chiếc cánh nhỏ bé nhất mà từ đó một từ ngữ như thế được siêu thoát. Con tưởng tượng nó bay lơ lửng trên đầu ông ta khi con ngồi bên lề đường, chờ đợi một tiếng rít nhẹ hẳn sắp đến. Con muốn từ ngữ này rơi xuống, như cái đinh vít tuột ra khỏi máy chém, nhưng điều này đã không xảy ra. Giọng ông, càng ngày càng cao hơn, và hai bàn tay con càng lúc càng đỏ hơn sau mỗi âm thanh the thé. Con nhìn chăm chú vào làn da mình căng thẳng cho đến khi, cuối cùng, nhìn lên – trời đã hửng sáng. Tất cả đã kết thúc. Cảm tưởng mình cháy rực trong biển ánh sáng.

 

Salat al-fajr: lời cầu nguyện trước khi mặt trời mọc. “Trong giáo chúng, bất cứ ai dâng lời cầu nguyện buổi bình minh,” nhà Tiên Tri Muhammad nói, “họ như thể đã cầu nguyện cả đêm dài.”

 

Con muốn tin rằng, rảo bộ suốt những đêm vô hướng đó, là mình đã cầu nguyện. Cho điều gì con cũng chưa biết nữa. Nhưng con luôn có cảm giác nó đến trước mình. Rằng nếu con đi đủ xa, đủ dài, con sẽ tìm ra nó – thậm chí có thể chạm vào nó, như chiếc lưỡi ở cuối những con chữ.

 

 

Được bào chế ban đầu như một loại thuốc giảm đau dùng cho bệnh nhân ung thư trong thời gian hóa trị, OxyContin, cùng với những thứ thuốc không tên tuổi khác, được kê toa cho mọi chứng đau nhức: viêm khớp, co thắt cơ, và nhức đầu kinh niên.

 

Trevor mê phim The Shawshank Redemption và mê kẹo Jolly Ranchers, thích trò chơi Call of Duty và yêu con chó một mắt của anh. Trevor, sau một cơn hen suyễn, gập người hổn hển nói “Tao nghĩ là tao vừa ngậm vào cổ một con cu dài,” và cả hai đứa chúng con cười nắc nẻ như thể chưa tới tháng mười Hai và vẫn chưa quá trễ để hai đứa nấn ná lại đến hết cơn mưa trên đường về nhà sau chuyến đi đổi kim chích. Trevor là một thằng con trai có tên tuổi, nó muốn đi học trường đại học cộng đồng ngành vật lý trị liệu. Trevor chết một mình trong phòng, xung quanh nó là những tấm áp phích của Led Zeppelin. Trevor lúc đó đã hai mươi hai tuổi. Trevor đã.

 

Nguyên nhân chính thức gây ra cái chết, sau này con được biết, sử dụng thuốc phiện fentanyl quá liều.

 

Có một lần, tại một buổi hội thảo văn chương, một người da trắng hỏi con liệu sự hủy hoại là cần thiết trong nghệ thuật. Câu hỏi của ông ta chân thật. Ông ta nghiêng người về phía trước, đôi mắt xanh lam giựt giựt dưới chiếc nón thêu chỉ vàng có hàng chữ ‘Nam Vet 4 Life’, bình dưỡng khí phía sau nối vào mũi ông rít lên từng hồi. Con coi ông như bất cứ người cựu chiến binh da trắng nào từ cuộc chiến đó, ông có thể là ông ngoại con, và con trả lời không. “Không thưa ông, sự hủy hoại không cần thiết trong nghệ thuật.” Con nói điều đó, không phải vì con chắc chắn như vậy, mà bởi vì con nghĩ rằng nói như vậy sẽ giúp con tin như thế.

 

Nhưng tại sao ngôn ngữ của sáng tạo không thể là ngôn ngữ của tái tạo?

 

Bạn giết chết bài thơ đó, chúng ta nói. Bạn là một kẻ sát nhân. Bạn vào trong cuốn tiểu thuyết đó nổ súng đùng đùng. Tôi đang nện xuống đoạn này, tôi đập cho nó văng ra ngoài, chúng ta nói. Tôi toàn quyền làm việc đó. Tôi đóng nó lại. Tôi đè bẹp nó. Tôi đập nát bọn cạnh tranh. Tôi vật lộn với nàng thơ. Trạng  thái đó, nơi người ta sống, là trạng thái của một bãi chiến trường. Khán giả là khán giả được chọn kỹ. “Thật là hay quá,” một người đã nói với con tại một bữa tiệc, “thơ của bạn thật là hay chết người, hãy diệt hết chúng nó.”

 

 

Một buổi trưa, khi đang xem tivi với bà ngoại Lan, con thấy một đàn trâu ồ ạt xếp hàng chạy lên mỏm đá từng con nhào xuống vực, cả một đoàn rầm rầm như sấm vỡ từ tảng núi đủ màu. “Sao chúng nó lại đâm đầu đi chết hết như vậy?” bà hỏi, miệng há hốc. Như thường lệ, con bịa ra ngay tại chỗ: “Chúng nó không cố ý Bà Ngoại. Chúng chỉ chạy bám theo gia đình chúng. Chúng thậm chí không hề biết đó là vực thẳm.”

 

“Có lẽ chúng cần có bảng “Stop” ở đó.”

 

Mình có rất nhiều bảng “Stop” trong khu xóm. Không phải lúc nào những tấm bảng “Stop” này  cũng ở đây. Trước kia không có. Hồi đó có người đàn bà tên Marsha ở cuối đường. Cô ta nặng quá cỡ và để kiểu tóc như một bà chủ trại góa, kiểu tóc có mái bắt ngang qua trán. Cô ta thường hay đi gõ cửa từng nhà, khập khiễng trên cẳng chân què, thâu thập chữ ký để yêu cầu gắn những bảng “stop” trong khu phố. Cô ta có hai đứa con trai, cô nói khi đến trước cửa, rằng cô muốn bọn trẻ được an toàn khi chạy chơi trong  xóm.

 

Hai con trai của Cô tên Kevin và Kyle. Kevin, hơn con hai tuổi, mất mạng vì sử dụng thuốc phiện quá liều. Năm năm sau, thằng em cũng bị quá liều. Sau đó Marsha bỏ xóm này dọn đến khu Mobile Park ở Conventry ở với chị cô ta. Những tấm bảng “Stop” này vẫn ở lại.

 

Sự thật là chúng ta không phải chết nếu chúng ta không cảm giác muốn chết.

 

Nói giỡn chơi.

 


Má có nhớ buổi sáng hôm đó, sau một đêm tuyết rơi, ngủ dậy mình thấy hàng chữ FAG4LIFE xịt sơn đỏ bò ngang cửa trước?

 

Những tảng băng hút ánh sáng vào đó và mọi thứ trông lung linh như thể sắp bể. “Nghĩa là gì vậy?” Má hỏi, vai má run vì không mặt áo choàng. “Mừng Lễ Giáng Sinh” đó Má, con chỉ vào đó. “Phải rồi, vì thế hàng chữ màu đỏ. Màu của may mắn.”

 

Người ta nói nghiện ngập có lẽ liên quan đến chứng bệnh rối loạn thần kinh lưỡng cực “bipolar”, do một hóa chất không bình thường trong óc của chúng ta gây ra, người ta nói như thế. Con cũng có thứ hóa chất này. Hay đúng hơn là con không có đủ chất này hay chất khác. Họ có thuốc để chữa trị. Họ có cả một kỹ nghệ. Họ kiếm bạc triệu. Má có biết là người ta làm giàu trên nỗi buồn? Con muốn gặp nhà triệu phú nỗi buồn Hoa Kỳ này. Con muốn gặp anh ta, nhìn vào mắt anh ta, bắt tay anh ta và nói, “Thật là một vinh dự lớn lao cho tôi được phục vụ đất nước tôi.”

 

Vấn đề là, con không muốn nỗi buồn của mình đổi khác cũng như con không muốn niềm vui của mình khác đi. Cả hai đều là của riêng mình. Mình tạo ra nó mà, đồ quỷ sứ. Nếu như điều mình đang cảm nhận không phải là một trong những cơn “rối loạn lưỡng cực” mà là thứ gì đó mình đã gắng hết sức đạt tới? Có lẽ con nhảy cỡn lên ôm Má thật chặt hôn cổ Má chùn chụt khi về tới nhà và biết rằng hôm nay là “Đêm Pizza” vì đôi khi chỉ “Đêm Pizza” là quá đủ, như thứ ánh sáng cứu rỗi yếu ớt nhưng trung thành nhất. Giả tỷ như con chạy ra ngoài vì mặt trăng đêm nay là cuốn sách thiếu nhi khổng lồ - mọc một cách quái dị trên hàng thông sau nhà, trông nó như một quả cầu thuốc kỳ dị?

 

Hệt như khi mà mọi thứ trước mắt là một vực thẳm và rồi chiếc cầu tự dưng xuất hiện, và mình chạy băng qua cầu với tốc độ nhanh nhất có thể chạy, để rồi sớm muộn gì sẽ lại xuất hiện một vực thẳm khác phía bên kia. Nếu như nỗi buồn của mình thật sự là người thầy tàn bạo nhất của mình? Và bài học luôn luôn là thế này: Người ta không cần phải giống như đàn trâu kia, mà có thể dừng lại.

 

Có một cuộc chiến tranh, người đàn ông trên màn truyền hình nói, nhưng đã “khá hơn” rồi.

 

Tốt quá, con nghĩ, trong khi nuốt viên thuốc xuống.

 

Sự thật thì tính bất cẩn của con bằng chiều rộng-cơ thể.

Có một lần, xương mắt cá chân của thằng bé tóc vàng chìm dưới nước.

Có làn ánh sáng mỏng xanh non trong đó và Má nhìn thấy nó.

Sự thật là chúng ta có thể sống còn vượt qua cuộc đời, nhưng không qua được chính chúng ta. Nhưng Má biết rõ điều này rồi.

 

Con chưa bao giờ chích thuốc phiện vì con nhát gan sợ mũi kim. Khi con từ chối không chích với nó, Trevor, dùng răng quấn chặt sợi dây sạc điện thoại quanh cánh tay nó, quay đầu về phía chân của con và nói  “Hình như mày vừa đánh rơi miếng tampon.” Rồi vừa cười và nháy mắt – hắn biến dần vào giấc mơ hắn đang tạo dựng cho bản thân.

 

Qua một chiến dịch quảng cáo bạc triệu, Purdue bán thuốc OxyContin cho giới bác sĩ như một phương thuốc an toàn “không sợ-lạm dụng” nhằm kiểm soát mức độ đau đớn.  Công ty này sau đó tuyên bố rằng ít hơn một phần trăm số người sử dụng trở nên nghiện thuốc, đó là lời nói dối. Đến năm 2002, số toa thuốc Oxycotin dành cho các bệnh nhân không bị bệnh ung thư tăng lên gần gấp mười lần, với tổng doanh thu lên trên $3 tỷ.

 

Giả tỷ nghệ thuật không được cân đo bằng số lượng mà bằng hiệu ứng dội ngược?

 

Giả tỷ nghệ thuật không được cân đo?

 

Một điều tốt về các bài quốc ca là chúng ta đã ở sẵn trong tư thế, và vì vậy sẵn sàng co giò chạy .

 

Lần đầu tiên con nhìn thấy một người đàn ông khỏa thân ông ta như mãi mãi.

 

Ông ta là Ba của con, Ông thay đồ sau khi đi làm về.  Con cố gắng xóa hình ảnh này trong trí nhớ. Nhưng một khi đã là mãi mãi thì không thể khác đi.

 

Thôi thì mình sẽ ở lại đây đến cuối cùng, con tự nhủ với ông Trời, và coi như chúng ta huề.

 

Thôi thì mình sẽ buộc chặt bóng mình vào chân người và gọi đó là tình bạn, con tự nhủ với chính mình.

 
 

Con thức dậy với âm thanh của đôi cánh trong phòng, như thể một con bồ câu đã bay vào phòng từ ngoài cửa sổ và phóng mình đụng trần nhà. Con mở đèn lên. Và trong khi mắt con nheo lại điều chỉnh theo độ sáng, con thấy Trevor bò trên sàn nhà, chiếc giày của nó đá vào kệ tủ trong khi toàn thân nó run bần bật trong cơn động kinh. Chúng con đang ở dưới hầm nhà. Chúng con ở trong chiến trường. Con ôm chặt đầu nó, nước bọt từ miệng nó trào ra nhĩu lên cánh tay con, và con la to gọi ông già nó. Đêm hôm đó, trong bệnh viện, nó sống. Đã là lần thứ hai xảy ra chuyện này.

 

Chuyện kinh dị: nghe tiếng Trevor trong khi con nhắm mắt vào một đêm bốn năm sau khi nó đã chết.

 

Nó hát: “This Little Light of Mine” (Ánh Sáng Yếu Ớt Này là Của Tôi) một lần nữa, cùng lối nó thường hay hát bài này – ngắt quãng, giữa những khoảng im lặng trong các cuộc trò chuyện của chúng con, cánh tay nó lọt thỏng ra ngoài cửa sổ chiếc Chevy, đập đập vào thân xe cũ màu đỏ bạt, gõ nhịp. Con nằm im không động đậy, lẩm nhẩm theo từng chữ cho đến khi thấy nó xuất hiện trở lại – vẫn còn trẻ và ấm áp và đầy đủ.

 

Con quạ đen sáng nay đậu trên bậu cửa sổ: như một trái lê cháy.

 

Chả phải là điềm gì nhưng nó đã xảy ra.

 

Mình rẽ phải Má. Có một khoảng đất đằng sau cái chòi siêu vẹo nơi mà mùa hè năm đó con đứng nhìn Trevor lột da con gấu mèo nó bắn chết bằng khẩu Buford’s Smith & Wesson. Nó nhăn mặt khi cắt xẻ con thú, hàm răng nó xanh lè vì thuốc, trông như những ngôi sao phát-sáng-trong-bóng-tối giữa ban ngày.  Trên mặt giường trong xe truck mảng da đen xù lông gợn theo gió. Chỉ vài bước cách đó, một cặp mắt mở to, lấm đen bùn đất, trợn trừng nhìn bóng dáng thượng đế mới của chúng.

 

Má có nghe không, tiếng gió thổi trên dòng sông phía sau nhà thờ Episcopal trên đường Wyllys St.?

 

Lần mà con cảm thấy mình gần với thượng đế nhất là lúc cảm giác tĩnh lặng tràn ngập sau khi đạt được đến điểm cực khoái. Đêm hôm đó, trong khi Trevor ngủ kế bên, con cứ nhìn thấy cặp con ngươi của con gấu mèo, chúng không làm sao nhắm lại được khi không còn chiếc sọ. Con muốn nghĩ rằng, ngay cả khi không còn sự hiện diện của chúng ta, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy. Con muốn tin rằng mình không bao giờ nhắm lại.

 

Má và con, chúng ta là người Mỹ cho đến khi mình mở mắt ra.

 

Má có lạnh không? Má có thấy lạ lùng không khi chúng ta sưởi ấm bản thân có nghĩa chúng ta chỉ đơn giản chạm vào cơ thể với nhiệt độ của tủy sống của nó?

 

Họ muốn mình thành công, nhưng không bao giờ hơn họ. Họ sẽ viết tên của họ lên sợi dây thòng vào cổ mình và gọi mình là cần thiết, gọi mình là khẩn cấp.

 

Từ gió, con học được cú pháp để tiến về phía trước, làm thế nào vượt qua khỏi chướng ngại bằng cách quấn lấy chúng. Mình có thể về nhà theo kiểu này. Má hãy tin con, dù mình có sàn lọc ra lúa, cũng chẳng có giá trị gì hơn thứ bụi bặm bám trên lòng tay của thằng nhóc nông dân.

 

Sao mỗi lần bàn tay mình đau hơn, lại cảm giác nó thuộc về mình hơn?

 

Đi ngang qua nghĩa trang trên đường House St. Nơi có những tấm bia đá cũ kỹ đến nỗi tên họ khắc trên đó loang lỗ như những vết cắn. Tấm bia cũ nhất có khắc tên Mary-Anne Cowder (1784-1784).

 

Sau cùng thì, chúng ta chỉ ở đây một lần.

 

Ba tuần sau khi Trevor chết một bộ ba bông hoa Tu-líp nở trong một chiếc nồi đất nung khiến con lặng người.  Con thức dậy bất thình lình, vẫn còn choáng váng sau giấc ngủ, con thấy ánh bình minh chiếu vào những cánh hoa và tưởng rằng chúng đang tự phát quang. Con bò đến những chiếc cốc phát sáng này, nghĩ rằng mình đang chứng kiến một điều gì mầu nhiệm, bụi cây của riêng mình đang bốc cháy.  Nhưng khi con đến gần hơn, đầu con che ánh nắng và những bông hoa tu-líp tắt lịm. Điều này cũng chả có nghĩa gì. Nhưng đôi khi những điều không nghĩa lý lại thay đổi mọi thứ sau đó.

 

Trong tiếng Việt, từ ngữ  “missing” ai đó và “remember” ai đó sử dụng cùng một chữ: nhớ. Thỉnh thoảng, khi má hỏi con qua điện thoại, Con nhớ má không? Con thấy nhói lòng, nghĩ rằng Má hỏi Con còn nhớ Má không? (do you remember me?).

 

Con nhớ Má nhiều hơn con có thể nhớ về Má.

 

Họ sẽ nói với mình rằng dính tới chính trị chỉ tổ cơn giận dữ, và vì thể nên vô nghệ thuật, thiếu chiều sâu, “thô thiển” và trống rỗng. Họ sẽ nói về chính trị như một điều đáng xấu hổ, như thể nói về Ông Già Nô-en hay về Chú Thỏ Phục Sinh.

 

Họ sẽ nói với mình rằng bản văn tuyệt vời phải “thoát khỏi” chính trị, và do đó “vượt qua” những rào cản dị biệt, đoàn kết mọi người hướng tới những chân lý chung. Họ sẽ nói rằng điều này khả dĩ đạt được là nhờ sáng tạo cũng như chế tạo. Xem nào, làm thế nào, họ nói, như thể một vật thể được lắp ráp không dính dấp gì tới động lực tạo ra nó. Như thể cái ghế đầu tiên được đóng không liên quan gì tới hình thể con người.

 

Con biết, thật là không công bằng khi chữ “laughter” (tiếng cười) lại kẹt bên trong chữ slaughter (tàn sát).

 

Chúng ta sẽ phải mổ banh ra, má và con, như trẻ sơ sinh được bồng lên, đỏ hỏn và run rẩy, từ một con thú cái bị thương.

 

 

Thuốc phiện, được tẩm với một lớp oxycodone, làm cho mọi thứ trở nên vừa chuyển động vừa bất động, như thể mình đang ở trên xe lửa và, nhìn qua những cánh đồng sương mù New England, nơi nhà máy gạch Colt anh họ Victor làm việc, Má sẽ thấy một lớp sương mù dày đặc – song song với xe lửa, như thể nó đi theo mình, như thể nơi xuất xứ của mình không giúp gì trong việc trốn thoát nó. Có quá nhiều điều vui sướng, con nói thật, mất đi trong nỗ lực tuyệt vọng gìn giữ nó.

 

Sau khi đạp xe hai tiếng đồng hồ vào một buổi tối để Trevor có thể ghi kỷ lục ở ngoại ô Windsor, chúng con ngồi xuống chiếc xích-đu đối diện chiếc cầu tuột hà mã trong khuôn viên trường trung học, bên dưới là lớp cao su lạnh lẽo. Trevor mới vừa chích. Con quan sát nó cầm ngọn lửa dưới miếng keo nhựa cho đến khi chất fenntanyl sủi bọt và tụ lại thành một vết nhựa đen ngòm ngay chính giữa. Khi miếng nhựa phồng lên khắp các mép, cháy nâu, hắn ngừng đốt, lấy kim ra, hút chất lỏng trong suốt qua những lằn đen trong ống.

 

Đôi giày ba-ta của nó bám đầy vụn gỗ. Trong bóng tối con hà mã tím ngắt, miệng nó mở to nơi mình có thể bò vào, trông như một chiếc xe phế thải. “Hey, Chó Con.” Từ giọng ngà ngà của nó, con biết rằng nó đang nhắm mắt.

 

“Yeah?”

 

“Có thật không vậy?” Tiếng xích-đu cót-két. “Mày có nghĩ là mày thật sự lại cái, thật sự, như là sẽ mãi mãi? Ý tao là,” Chiếc xích-đu ngừng lại, “Tao nghĩ là... tao sẽ ô-kê trong một vài năm, mày biết mà phải không?”

 

Con không biết khi nói chữ “thật sự” nó muốn ám chỉ thật sự lại cái hay vô cùng lại cái.

 

“Tao nghĩ vậy”, con trả lời, không rõ mình nói gì.

 

“Thật là điên rồ,” nó cười, tiếng cười giả tạo người ta thường dùng để kiểm độ dày của sự im lặng. Vai nó rút lại, liều thuốc đang chảy qua người nó êm ru.

 

Và rồi cái gì đó quẹt ngang miệng con, con cắn chặt lại theo phản xạ. Trevor đã nhét mẩu thuốc vào giữa đôi môi con, châm mồi nó. Ngọn lửa chiếu vào mắt nó, trừng trừng và đỏ ngầu. Con nuốt xuống làn khói bỏng rát, cố gắng đè nước mắt xuống, và con đã thành công. Con nghĩ mình ở giữa những ngôi sao, ánh trắng-ánh xanh tỏa sáng lấp lánh, và con tự hỏi làm thế nào mà người ta có thể nói đêm – tối.

 

Vòng theo góc đường là ánh đèn vàng nhấp nháy. Các ngọn đèn đường ở đây vẫn làm như thế vào nửa đêm – quên đi lý do vì sao chúng hiện diện nơi này.

 

Má hỏi con làm một nhà văn có nghĩa là thế nào và con đã đáp lại bằng một cơn rối. Con biết thế. Nhưng con thật sự rối bời, Má – Con không có nói thêm. Mà nói bớt đi, hạ thấp nó xuống. Và như thế là viết lách đó, sau tất cả mọi thứ vô nghĩa, bỏ bớt đi, hạ thấp xuống để thế giới mở ra một góc nhìn mới, một tầm nhìn lớn hơn tạo ra từ những gì bé nhỏ, một hạt bụi vải bỗng biến thành một tấm màn khổng lồ bằng y đúc tròng mắt mình. Và mình nhìn qua đó và thấy một làn hơi nước dày đặc trong nhà tắm hơi ở Flushing, nơi mà ai đó đã với đến con, lần theo mạch máu trên cổ con. Con chưa từng thấy khuôn mặt anh ta, chỉ thấy cặp khung kính màu vàng của anh ta nổi là đà trên làn hơi nước. Và rồi cái cảm giác ùa đến, hơi nóng êm như nhung, xông vào trong khắp thân thể mình.

 

Phải chăng đó là nghệ thuật? Được chạm đến, xúc động và nghĩ rằng cảm xúc mà chúng ta đang cảm nhận là của mình, trong khi, cuối cùng thì, nó là cảm giác của người khác, trong ao ước, tìm thấy chúng ta?

 

Khi Houdini không thể giải thoát mình khỏi gông cùm tại London Hippodrome, vợ anh, Bess, đã trao cho anh một nụ hôn sâu đậm. Theo nụ hôn này, nàng đã chuyển cho anh ta chiếc chìa khóa cứu mạng.

 

Nếu có thiên đàng, con nghĩ nó sẽ tương tự như thế.

 

Không hiểu vì lý do gì, con gõ tên Trevor vào google hôm trước. Kết quả hiện ra cho thấy Trevor vẫn còn sống, nó 30 tuổi và cư ngụ cách con có 3.3 dặm.

 

Sự thật là ký ức đã không quên chúng ta.

 

Một trang, lật sang, là một chiếc cánh đơn lẻ được nâng lên không có đôi, và vì vậy không thể bay lên. Vậy mà chúng ta vẫn chuyển động.

 

Trong khi dọn dẹp tủ quần áo của mình vào một buổi chiều, con tìm thấy một viên kẹo Jolly Rancher trong túi một chiếc áo khoác Carhartt cũ. Hẳn là từ chiếc xe tải của Trevor. Nó luôn giữ những viên kẹo này trong ngăn đựng cốc của mình. Con lột vỏ kẹo, giữ nó giữa các ngón tay mình. Ký ức về giọng nói của hai đứa ở trong nó. "Hãy nói cho mình biết..." Con thì thầm. Viên kẹo hứng ánh sáng từ cửa sổ sáng lên như một viên ngọc cổ. Con chui vào tủ, đóng cửa lại, ngồi xuống chỗ tối kín mít, và đặt viên kẹo mềm mịn và mát lạnh vào miệng. Green Apple (Táo Xanh).

 

Con không ở bên Má vì con đang ở trong một cuộc chiến với tất cả mọi thứ trừ Má ra.

 

Một người bên cạnh một người trong một cuộc đời. Gọi là song hành.  Gọi là tương lai.

 

Chúng ta sắp đến rồi.

 

Con không kể cho Má nghe về câu chuyện như thể một chiếc tàu đắm – những mảnh ghép trôi dạt khắp nơi, cuối cùng cũng có thể ráp lại.

 

Hãy đi vòng qua khúc cua, qua tấm bảng Stop thứ hai có chữ "H8" xịt đầy sơn trắng ở phía dưới. Đi về phía ngôi nhà màu trắng, ngôi nhà phía bên trái phủ một lớp màu xám tro do khí thải từ bãi phế liệu bên kia đường cao tốc.

 

Ở trên lầu có một khung cửa sổ nơi mà một đêm nọ khi còn nhỏ, con thức dậy vì cơn bão tuyết ngoài trời. Con khoảng sáu tuổi và không biết là mọi thứ sẽ kết thúc. Con nghĩ rằng tuyết sẽ phủ tràn ngập bầu trời – và xa hơn nữa, cho đến khi chạm vào ngón tay thượng đế trong khi ông ta đang ngồi nhìn ra ngoài trên chiếc ghế đọc sách, các phương trình rải rác xung quanh sàn nhà phòng đọc sách của Ông. Rằng cho đến khi trời sáng tất cả chúng ta sẽ được niêm phong lại bên trong một khoảng không tĩnh lặng màu xanh trắng và không ai sẽ phải rời khỏi nơi này. Mãi mãi.

 

Một lúc sau, bà Ngoại Lan tìm thấy con, đúng ra thì giọng của Bà xuất hiện bên tai con. “Chó Con,” bà kêu trong khi con đang ngắm tuyết rơi, “cháu muốn nghe bà kể truyện không? Bà sẽ kể cho cháu một câu chuyện.” Con gật đầu. “Okay,” bà lên giọng “hồi xửa hồi xưa, có một người đàn bà ôm đứa con gái của mình, như vầy,” bà nắm chặt vai con, “trên một con đường đất. Đứa bé gái, tên Hồng, phải như một bông hồng. Phải đứa bé gái này, tên Hồng, con yêu của Mẹ... Okay, Mẹ bồng con, con gái của mẹ, Chó Con,” bà lay mạnh vai con, “cháu biết tên nó mà, tên nó là Hồng, như bông hoa hồng. Phải rồi, đứa con gái mẹ ôm trên con đường đất. Đứa con gái xinh đẹp, tóc đỏ, tên nó là...” Và bà cứ tiếp tục như thế, cho đến khi con đường phía dưới trắng bóc, xóa hết tất cả mọi thứ có tên gọi.

 

Chúng ta ở đâu trước khi chúng ta hiện diện nơi này? Chúng ta chắc hẳn đã đứng bên con đường đất khi thành phố bốc cháy. Chúng ta chắc hẳn đã biến mất, như chúng ta hiện đang như thế.

 

Có lẽ kiếp sau mình sẽ gặp lại nhau lần đầu – tin vào tất cả trừ sự hủy hoại mà chúng ta đầy đủ khả năng. Có lẽ chúng ta sẽ trở thành một giống loài ngược lại với đàn trâu. Chúng ta sẽ mọc cánh và vượt qua các tảng đá như đàn bướm chúa trở về nhà. Green Apple.

 

Như tuyết chôn phủ một số nơi trong thành phố, họ sẽ nói rằng mình chưa từng hiện diện, rằng sự sống còn của mình là một huyền thoại. Nhưng họ đã sai. Má và con, chúng mình là thật. Mình cười to biết rõ niềm vui sẽ xé rách các mũi khâu trên môi.

 

Hãy nhớ:  những quy tắc thông thường, như những con đường, chỉ có thể đưa mình đến những nơi chốn quen thuộc. Bên dưới đó là cả một cánh đồng – nó luôn ở đó – nơi mà lạc vào đó không bao giờ là mất mát, mà chỉ đơn giản được nhiều hơn.

 

Như một quy tắc, tìm kiếm nhiều hơn.

 

Như một quy tắc, con nhớ má.

 

Như một quy tắc, “nhỏ bé” luôn nhỏ hơn “nhỏ”. Đừng hỏi tại sao.

 

Con xin lỗi đã không gọi về thường xuyên.

 

Green Apple.

 

Con xin lỗi con cứ hỏi ra sao rồi? khi mà thật sự con muốn hỏi Má có yên vui không?

 

Nếu thấy mình bị kẹt trong một thế giới mù mờ, hãy nhớ rằng trong cơ thể chúng ta luôn luôn tối như thế. Nơi mà trái tim, như bất kỳ quy tắc nào, chỉ dừng lại cho người đang sống.

 

Nếu tìm thấy bản thân, xin chúc mừng, bàn tay của mình là của mình để giữ lại.

 

Quẹo phải vào đường Risley.  Nếu Má không nhớ gì, có nghĩa là Má đã đi quá xa. Quẹo lại.

 

Chúc may mắn.

 

Chúc ngủ ngon.

 

Chúc lành.  Green Apple.

 

 

Ocean Vương – On Earth We’re Briefly Gorgeous (Page 173-193)

Hòa Bình Lê chuyn ng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trên Văn Việt ngày 16 tháng 2 vừa qua, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (University of New South Wales, Sydney, Úc) cho biết một số độc giả trên mạng đã hiểu một cách sai lầm rằng câu “Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” là thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Từ chuyện ngộ nhận ấy, nhiều vị viết lời bình luận rằng Vũ Hoàng Chương là một người sắt máu, chẳng khác gì Tố Hữu ngoài Bắc. Cũng qua câu trên, có người cho rằng thơ văn miền Nam thời Việt Nam Cộng Hoà cũng “máu me” lắm chứ chẳng nhân bản, nhân văn gì. Theo Giáo sư Tuấn, “Sự thật có lẽ không phải vậy, mà chỉ là một sự bịa đặt trong một cuốn tiểu thuyết, cuốn Ván Bài Lật Ngửa của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý” (tức nhà văn, nhà biên khảo, Ủy viên Tuyên huấn Trung ương Trần Bạch Đằng). Giáo sư Tuấn cho biết là câu ấy không có trong bài “Lửa từ bi” của Vũ Hoàng Chương, và chụp lại bài thơ “Từ đây” trong tập thơ Hoa Đăng của thi nhân họ Vũ (Sài Gòn : Văn Hữu Á Châu, 1959) để chứng minh rằng câu thơ ghê gớm ấy cũng không có trong đó:
Trong tiểu thuyết HIỆP KHÁCH HÀNH, nhà văn Kim Dung kể chuyện về cuộc phiêu lưu của chàng trai trẻ Thạch Phá Thiên từ năm 12 tuổi, không cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn hữu, không học hành chữ nghĩa, không võ công, không tiền của, mà tình cờ lạc vào giữa chốn võ lâm giang hồ. Đọc xong bộ truyện, tôi tò mò muốn tìm hiểu bài thơ HIỆP KHÁCH HÀNH của thi hào Lý Bạch...
Ngày Xuân Phân là ngày chính giữa của mùa Xuân theo âm lịch và cũng là ngày đầu tiên của mùa Xuân ở Bắc bán cầu theo dương lịch (Vernal Equinox). Trong ngày này, thời gian của ban ngày và ban đêm bằng nhau, nói cách khác là âm dương cân bằng. Nhờ thế vạn vật bắt đầu sinh sôi nảy nở, hoa sẽ dâng hương cho niệm xuân tình. Trong một ngày lập xuân nhiều thế kỷ trước, Sư Huyền Quang [?] ngẫu nhiên bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ bên song liền viết bài “Xuân Nhật Tức Sự”. Bài thơ tả người thiếu nữ đang thêu thùa, bỗng chim hoàng oanh líu lo từ lùm tử kinh bên ngoài khiến nàng ngừng mũi kim. Không tiếng lời vì xuân tràn trong ngỏ ý, ngoại cảnh cũng như tâm tư. Nói lời gì cũng bằng thừa khi mạch mới tràn dâng. Nụ đang chúm, không chỉ hoa, nụ còn là môi bung cánh sen, đỏ hường xuân thắm. Bởi vì bây giờ đã sang xuân. Xuân đang thì...
Ly dị, thông thường, bắt đầu bằng vết thương lòng. Những vết thương sâu đậm, máu chảy dai dẳng sẽ từ từ ẩn vào tiềm thức và ảnh hưởng vô thức hoạt động đưa ra những ý nghĩ về khuynh hướng ly hôn. Trong một số trường hợp, vết thương nhẹ, rướm máu sơ sài, nhưng bỗng dưng lớn chuyện, vì tự ái, vì tiếp tục tranh cãi, vì giận quá lỡ lời, vì bạo hành thiếu suy nghĩ. Từ đó, ly nước đã đổ xuống đất, làm sao để hốt lên? Trong một số trường hợp khác, có kẻ muốn ly dị vì nhiều lý do, từ tài chánh cho đến người thứ ba; từ xung đột trong đại gia đình đến thành công hoặc thất bại trên đường đời. Những trường hợp này vô cùng phức tạp, khó có thể giải thích cặn kẽ. Khó phân định lỗi phải. Tuy nhiên, có thể kết luận: Nếu yêu nhau đủ thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Nhà nhân loại học Paul Bohannan đưa ra lý thuyết về ly dị, trình bày sáu giai đoạn riêng biệt mà một cá nhân sẽ trải qua trên đường ly hôn. Bohannan xác nhận: sáu giai đoạn có thể xảy ra theo thứ tự khác nhau và với cường độ khác nhau
Buổi ra mắt tập thơ “Tháng năm là mộng đang đi” của Nguyễn Thị Khánh Minh đã hoàn tất, nhưng nhiều câu hỏi vẫn lơ lửng sau khi nhà thơ nổi tiếng này nói rằng ấn phẩm này có lẽ là tập thơ cuối cùng của chị. Không có lời giải thích rõ ràng vì sao tập thơ thứ 12 này có thể là ấn phẩm cuối cùng của chị, nhưng buổi ra mắt sách hôm 25/2/2023 tại một quán cà phê giữa Little Saigon đã để lại nhiều kỷ niệm trong những người yêu thơ tham dự.
Đã năm mươi năm trôi qua, nguyên nhân thực sự về cái chết của nhà thơ Pablo Neruda vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với nhiều người trên thế giới. Ông đột ngột lìa đời sau cuộc đảo chánh năm 1973 của Chile. Pablo Neruda không chỉ là nhà thơ từng đoạt giải Nobel danh giá, mà còn là một trong những nhà hoạt động chính trị có ảnh hưởng nhất ở Chile. Pablo Neruda công khai theo chủ nghĩa cộng sản, thẳng thắn ủng hộ và làm việc trong chính quyền của Salvador Allende, vị tổng thống cánh tả của Chile, cầm quyền từ năm 1970 đến năm 1973.
Tôi viết về Nhạc sĩ Phạm Duy, một bài khá dài, nhiều chương, với một tình cảm thân thiết, rõ ràng, đơn giản, như ta nói thân hình ông ta chia làm ba phần đầu mình và tay chân, trong đầu có bộ não, vầy thôi, nhưng/ hẳn sẽ làm rất nhiều người không đồng tình. Thậm chí cay đắng, “Thằng này đã ca ngợi thằng kia”.Đây là những người vốn không thích, chẳng ưa, rất ghét Phạm Duy. Tôi không có quyền bình phẩm đúng sai. Tôi vẫn tôn trọng những người này. Vì tôi hiểu, Tự do phải cần được tôn trọng.
Ngày 11 tháng 2 năm 2023, vài tờ báo và trang mạng trong nước đưa tin: Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Giải Nobel Văn Chương (The Nobel Prize in Literature). Danh sách được Ủy Ban Nobel công bố trong tháng 2, năm 2023, sau 50 năm giữ kín theo quy định của giải này. Theo đó, Vũ Hoàng Chương là một trong 100 tác giả tên tuổi được đề cử giải Nobel Văn Chương năm 1972...
Vì "một lần mãi mãi", tôi xin được tỏ bày lòng biết ơn đối với nhà văn Nhã Ca và những người cầm bút biết nâng niu bảo bọc chân-thiện-mỹ cho nhân loại như bà. Vì những tác phẩm của họ, sẽ có thêm những niềm hạnh phúc tiếp theo cho người đọc.
LTS: Chiều Thơ Nhạc Ra Mắt Sách O Xưa | Nhã Ca đã được tổ chức vào chiều thứ Sáu, 10 tháng 2 cuối tuần qua. Gia đình Nhã Ca/Trần Dạ Từ và Việt Báo xin cảm ơn quý bạn hữu gần xa đã đến tham dự sinh hoạt cùng chúng tôi. Cũng xin cảm ơn các thân hữu, độc giả, khách tham dự đã gửi bài viết đến tòa soạn. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng các bài quý vị gửi đến.