Hôm nay,  

Hai Mươi Năm Sau Ngày 11 Tháng 9: Ký Ức, Đổi Thay Và Thơ

10/09/202100:00:00(Xem: 2271)

20 nam ngay 11 thang Chin 01

Tòa tháp đôi World Trade Centers tại Thành Phố New York bị khủng bố tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. (nguồn: www.aarp.org)

 
Ngày 11 tháng 9 năm nay 2021 đánh dấu 20 năm sau ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử gần hai trăm rưởi năm lập quốc khi tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda dùng máy bay dân sự chở đầy xăng và hành khách làm vũ khí lao vào các mục tiêu tấn công, gồm World Trade Center tại New York, Ngũ Giác Đài tại Thủ Đô Washington và một nơi nào đó nhưng đã bị những hành khách Mỹ yêu nước phản kháng một cách bi hùng trên chuyến bay United Flight 93 bị khủng bố cướp đã cất cánh từ Phi Trường Newark của New Jersey trên đường đến San Francisco đã lao xuống một nơi hoang dã tại Shanksville, Pennsylvania làm gần 3,000 người thiệt mạng.

Cảnh tượng tòa tháp đôi World Trade Center tại Thành Phố New York, biểu tượng của trung tâm tài chánh phồn thịnh nhất thế giới, bị hai chiếc máy bay dân dự đâm thẳng vào với ngọn lửa đỏ rực bùng lên giữa nền trời xanh của một ngày cuối hạ, 11 tháng 9, và sau đó sụp đổ hoàn toàn thành bình địa đã trở thành hình ảnh kinh hoàng của thời đại khủng bố. Khó ai có thể nghĩ ra được cách hành động tàn bạo và dã man hơn là nhóm khủng bố al-Qaeda này khi dùng những chiếc phi cơ dân sự chở người để làm vũ khí tấn công. Bằng hành động cực kỳ tàn ác đó, nhóm khủng bố đã biến nỗi kinh hoàng và sợ hãi lan ra khắp hành tinh. Sau biến cố này nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã có nhiều thay đổi sâu xa.
 
Biến cố ngày 11 tháng 9 đã làm thay đổi sâu xa nước Mỹ
 
Các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã tạo động lực cho Hoa Kỳ xâm chiếm Afghanistan và Iraq. Nó cũng đưa tới việc tạo ra Bộ Nội An và một cơ quan liên bang để thực hiện việc kiểm tra gắt gao hơn nhiều tại các phi trường.

20 nam ngay 11 thang Chin 02

Đặt hoa tưởng niệm năm thứ 19 cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 tại nền cũ của Tòa Tháp Đôi World Trade Center, New York. (nguồn: https://www.amny.com)


Bộ máy an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã thay đổi đáng kể sau ngày 11 tháng 9. Bộ máy chống khủng bố rộng lớn đã được tạo ra sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 là thay đổi lớn nhất và lâu dài nhất, theo chuyên gia về đối ngoại Bruce Hoffman tại Hội Đồng Đối Ngoại cho biết trong bài viết hôm 12 tháng 8 năm 2021 được đăng trên trang mạng của hội đồng này www.cfr.org. Thí dụ, cuộc điều tra của Báo Washington Post năm 2010 cho thấy một tập họp chống khủng bố rộng lớn của khoảng 1,271 cơ quan chính phủ và 1,931 công ty tư nhân tập trung vào việc chống khủng bố. Cuộc chiến tranh chống khủng bố cũng đã đòi hỏi phải gia tăng số người được cấp thẩm quyền an ninh tối mật lên tới 854,000 và việc xây dựng thêm văn phòng và các cơ sở an ninh để họ làm việc -- các cơ sở này tương đương với “3 Ngũ Giác Đài hay 22 tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ -- khoảng 17 triệu feet vuông.”

Cũng theo tài liệu nói trên, sau 20 năm mối đe dọa khủng bồ đối với Hoa Kỳ đã chuyển từ bên ngoài sang bên trong, khi các cuộc bạo loạn tại Tòa Nhà Quốc Hội vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 nổ ra. Nhưng các mối đe dọa từ Nhà Nước Hồi Giáo và al-Qaeda cũng vẫn chưa hết mà cụ thể là sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8 năm nay đã có thể biến mảnh đất từng chứa khủng bố này trở lại dung dưỡng cho các tổ chức khủng bố hoạt động.

Thách thức đối với Hoa Kỳ là việc hình thành khả năng chống khủng bố đủ nhanh nhẹn và thuận cả hai tay để chống lại các mối đe dọa khủng bố từ bên ngoài và bên trong mà chắc chắn sẽ còn tồn tại. Cả Chiến Lược Quốc Gia Chống Khủng Bố năm 2018 và Chiến Lược Quốc Gia Đầu Tiên Chống Khủng Bố Nội Địa, đều đã công bố vào tháng 6 năm 2021, cung cấp các giải thích rõ ràng về biện pháp toàn diện cần thiết để bảo vệ đất nước khỏi bị khủng bố.

Nhưng, sự chia rẽ đảng phái sâu nặng hiện hữu tại Hoa Kỳ ngày nay có thể phá hoại sự thực thi của chiến lược chống khủng bố toàn diện nói trên. Đoàn kết, mục tiêu chung, và chia xẻ số phận đã đưa đất nước ngồi lại với nhau sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 không còn nữa. Ngược lại, bầu không khí phân cực đảng phái chính trị hiện nay có thể làm tê liệt chính quyền trong việc chuẩn bị đối với sự phát sinh các mối đe dọa kế tiếp.

Đó là sự thay đổi về mặt an ninh của nước Mỹ, nhưng biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 cũng mang đến sự thay đổi vĩnh viễn trong cuộc sống người dân Mỹ, theo hai ký giả Susan Page và Sarah Elbeshbishi của Báo USA Today cho biết trong bình luận đăng trên báo này hôm 2 tháng 9 năm 2021.

Ngay cả những người từng là trẻ em cũng có thể nhớ lại ngay lập tức khi họ nghe tin tức về các cuộc tấn công tại New York và Ngũ Giác Đài và cảm nhận của họ ra sao. Gần như mọi người đều nhớ lại sự sửng sốt và sợ hãi, ý thức về nguy cơ quốc gia và đoàn kết quốc gia. Hầu hết mọi người đều nói nguy cơ vẫn còn, nhưng sự đoàn kết thì đã bị rạn nứt.

“Vẫn còn khó khăn để nói về điều đó,” theo Angela Everhart, 41 tuổi, người lúc đó là một sinh viên đại học tại Ohio. Trước giây phút đó, cô đã không có ý tưởng về khủng bố. Cô đã gọi cho mẹ cô, và nói chuyện với người cha kế, là một Thủy Quân Lục Chiến. “Ông ấy làm tôi có cảm nghĩ như là sắp bắt đầu một cuộc chiến tranh mới mà sẽ lớn hơn rất nhiều so với ngày hôm đó.”

Cô nói, “Tôi còn nhớ tất cả về điều ấy.”

Gần như mọi người ở tuổi ít nhất 15 vào năm 2001 đều có ký ức về ngày đó, theo thăm dò cho thấy. 85% nói rằng nó có ảnh hưởng lớn lên thế hệ của họ. Khoảng 2/3 nói rằng nó có ảnh hưởng lên trọn đời họ.

Khoảng 22% người được USA Today thăm dò nói rằng các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 đã thay đổi vĩnh viễn cách người Mỹ sống. Đối với những người lúc đó trẻ hơn, hay ngay cả chưa sinh ra đời, nói rằng họ cảm thấy thay đổi mạnh nhất.

Matthew Hernandez, người lúc đó học ở trường trung học đệ nhất cấp tại thành phố Jacksonville, Florida, một thành phố với căn cứ không quân hải quân lớn, đã chứng kiến sự ảnh hưởng của ngày 11 tháng 9 đối với các chọn lựa nghề nghiệp của những bạn học của anh. “Nhiều người mà tôi đã quen biết trong trường, như, quá yêu nước,” theo Hernandez, 34 tuổi, là giám đốc lập trình cho Street Poets, một nhóm bất vụ lợi tại Los Angeles, cho biết. Anh cho biết trong cuộc thăm dò qua điện thoại, “Tôi nói có thể hơn 50% những người bạn học của tôi đã gia nhập vào quân đội, và nhiều người trong số đó là vì những gì đã xảy ra vào ngày 11 tháng 9.”

Trong vòng mấy tuần các cuộc tấn công khủng bố bằng cách cướp máy bay lao vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và Bộ Quốc Phòng, Tổng Thống George W. Bush đã ra lệnh ném bom các căn cứ đóng quân của al-Qaeda tại Afghanistan và mở cuộc tấn công hạ bệ chính quyền Taliban dung dưỡng cho khủng bố. Tổng Thống Joe Biden, vị tổng thống đời thứ 4 trong cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan,  đã đưa ra hạn chót rút toàn bộ quân đội Mỹ vào ngày 31 tháng 8 năm 2021. Việc rút quân đã tạo ra một cuộc hỗn loạn sau cùng đối với cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Còn những nhà thơ đã phản ứng vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 như thế nào?
 
Ngày 11 tháng 9 trong thơ
 
Nhà thơ người Mỹ William Stanley Merwin (sinh ngày 30 tháng 9 năm 1927 và qua đời ngày 15 tháng 3 năm 2019), người đã xuất bản hơn 50 tuyển tập thơ và tác phẩm văn xuôi và các dịch phẩm, là một Phật tử, đã phổ biến bài thơ “To The Words” vào tháng 10 năm 2001 viết về biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
 
Khi nó xảy ra bạn không ở đó
ồ, bạn ở bên kia những con số
bên kia ký ức
chuyền từ hơi thở này sang hơi thở khác
lại nữa
từ ngày này sang ngày kia từ thời này
sang thời nọ
bị nhồi nhét kiến thức
hiểu biết chẳng có gì
những trưởng lão thờ ơ
bức bách và mất ngủ
những người giữ tên của chúng ta
trước khi chúng ta đến
để được họ gọi
bạn lúc đó
định hình để bắt đầu
bạn lúc đó gào thét
bạn lúc đó lên tiếng
để bắt đầu
nói điều không thể nói được
những thứ quý giá cũ rích
và vô dụng
nói đi
 
Nhà thơ, nhạc sĩ, kịch tác gia và nhà văn người Mỹ Joy Harjo sinh ngày 9 tháng 5 năm 1951. Bà là người Mỹ Bản Địa (Native American) đầu tiên được giải thưởng vinh danh là Quán Quân Nhà Thơ Hoa Kỳ - United States Poet Laureate. Bà là nhân vật quan trọng trong làn sóng văn học thứ hai Sự Phục Hưng Người Mỹ Bản Địa [Native American Renaissance] vào cuối thế kỷ thứ 20. Sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 bà đã làm bài thơ “When the World as We Knew It Ended” [Khi Thế Giới Mà Chúng Ta Đã Biết Kết Thúc]. Bài thơ này được in trong tuyển tập thơ của bà “How We Became Human: New and Selected Poems:1975-2001” [Cách Chúng Ta Trở Thành Con Người: Những Bài Thơ Mới và Chọn Lọc] được xuất bản năm 2002.

20 nam ngay 11 thang Chin 03

Hình chụp từ trên không một phần của Ngũ Giác Đài bị máy bay khủng bố đâm vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. (nguồn: www.en.wikipedia.org)

 
Chúng ta đã mơ trên hòn đảo bị chiếm ở bờ rìa xa lắc xa lơ của đất nước đang run rẩy khi nó sụp đổ.
 
Tòa tháp đôi vươn lên từ hòn đảo thương mại phía đông và đụng tới trời xanh. Những người đàn ông đã đổ bộ lên mặt trăng. Dầu hỏa bị hút cạn
bởi hai anh em. Rồi nó sụp đổ. Bị nuốt chửng
bởi con rồng lửa, bởi xăng dầu và nỗi sợ hãi.
Bị nuốt trọn.
 
Nó đã đến.
 
Chúng tôi đã quan sát từ đêm trước của những nhà truyền giáo trong những bộ áo quần dài và trang trọng của họ, để xem điều gì sẽ xảy ra.
 
Chúng tôi đã thấy nó
từ cửa sổ nhà bếp qua cái bồn rửa chén
khi chúng tôi pha cà phê, nấu cơm và
khoai tây, đủ cho một đội quân.
 
Chúng tôi đã thấy hết, khi chúng tôi thay tã và đút
cho em bé ăn. Chúng tôi đã thấy nó,
qua những nhánh
của cây hiểu biết
qua những vì sao, qua
mặt trời và những trận bão từ đầu gối của chúng tôi
khi chúng tôi tắm và rửa
những sàn nhà.
 
Đàn chim đã cảnh báo chúng ta, khi chúng bay qua
những khu trục hạm ở hải cảng, đã đậu ở đó kể từ lần đầu chiếm ngự nơi đây.
Nhờ giọng hót và chuyện trò của chúng mà chúng tôi đã biết khi nào sẽ bay lên
lúc nhìn qua cửa sổ
sự chấn động đang diễn ra –
từ trường của sự đau khổ ném ra.
 
Chúng tôi đã nghe nó.
sự náo động ở mọi nơi trên thế giới. Khi
khao khát chiến tranh vùng dậy trong những người ăn cướp để làm tổng thống
để làm vua hay hoàng đế, để chiếm hữu cây, đá, và mọi thứ
khác mà chuyển động chung quanh trái đất, bên trong trái đất
và bên trên nó.
 
Chúng tôi đã biết nó đến, nếm trải những cơn gió thu thập tin tình báo
từ mỗi chiếc lá và cánh hoa, từ mọi ngọn núi, biển,
và sa mạc, từ mỗi tín đồ và bài hát khắp vũ trụ nhỏ bé này
đang trôi trên những bầu trời vô tận
hiện hữu.
 
Và rồi nó sẽ chấm dứt, thế giới mà chúng ta được nuôi dưỡng để yêu thương
những ngọn cỏ ngọt ngào, những con ngựa sắc màu
và những con cá, những khả tính lung linh
trong ước mơ.
 
Nhưng rồi có những hạt giống để trồng và những em bé
cần sữa và sự vỗ về, và người nào đó
cầm lấy cây đàn lục huyền cầm hay cây đàn bốn dây từ đống đổ nát
và bắt đầu hát về ánh sáng lung linh
sức bật bên dưới làn da của trái đất
chúng tôi cảm thấy điều đó, bên dưới chúng tôi
 
một động vật ấm áp
một bài ca được ra đời giữa hai chân của nàng:
một bài thơ.
 
Hai mươi năm trôi qua như một giấc mộng. Mọi thứ trên đời này đều đổi thay từng khoảnh khắc. Những đứa bé mới sinh ra vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 thì nay đã là những thanh niên nam nữ ở tuổi đôi mươi. Nhưng có lẽ trong ký ức của mọi người Mỹ về biến cố đau thương khốc liệt này vẫn còn đó như một hiện thực tồn tại vượt thời gian. Cho dù trong lòng người, những hận thù cay nghiệt đã nhạt phai theo năm tháng nhưng ký ức về sự kiện đó sẽ không bao giờ mất đi. Cứ mỗi năm đến dịp tưởng niệm ngày 11 tháng 9 thì những hình ảnh kinh hoàng năm xưa lại hiện ra. Nó đã biến thành một thứ ký ức cộng đồng đi vào lịch sử. Nó sẽ tồn tại với lịch sử nước Mỹ.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng quốc tế với những tác phẩm văn học bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc thời Cộng sản đã khiến ông phải sống cuộc đời lưu vong từ năm 1975, vừa qua đời ở Paris. Ông thọ 94 tuổi...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với ông Hoàng Hưng, cựu giáo viên trung học môn Văn, nhà thơ, dịch giả từ miền Bắc, và ông Lê Nguyễn, nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, cựu Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách Phát triển Kinh tế dưới chế độ VNCH, từ miền Nam...
Anh tặng em mùi máu / Trên áo trận sa trường / Máu anh và máu địch / Xin em cùng xót thương... (Thơ TMT).
Lớp tuổi của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước, được cắp sách đi học đến bậc trung học, chắc có lẽ ai ai cũng biết đến ông, nhà văn Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, nhà hoạt động cách mạng và chính trị Nguyễn Tường Tam. Hình ảnh của ông là biểu tượng cho một ước vọng tuổi trẻ – tuổi thanh niên lúc bấy giờ:..
Kể từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, những vùng đất quân Nga xâm chiếm đã xảy ra những thảm cảnh vô cùng bi đát như cướp của, hãm hiếp phụ nữ rất man rợ! Những hình ảnh đó được loan tải trên hệ thống truyền thông, hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án sự tàn ác, vô luân của quân Nga. Nhân đây, đề cập đến tác phẩm Giờ Thứ 25, cách đây hơn bảy thập niên, nhà văn Virgil Gheorghiu đã mô tả thú tính xác thịt của bọn quân xâm lược hãm hiếp phụ nữ thời đó và hiện nay man rợ như nhau...
Sáng thứ bảy, 3 tháng 6, thành phố Santa Ana còn trong tinh sương, các thiện nguyện viên trẻ của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA đã lăng xăng bận rộn chuẩn bị cho chương trình hội luận khai mạc VietBookFest, Hội Chợ Sách đầu tiên giới thiệu sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả gốc Việt, và đây cũng là hội chợ sách Việt có tầm vóc đầu tiên tại Hoa Kỳ, một ngày "festive" với nhiều sinh hoạt chữ nghĩa từ sáng đến chiều, bao gồm hội luận buổi sáng, chợ sách buổi trưa, và chương trình đọc thơ và trình diễn nhạc buổi chiều.
Chúng ta hàng ngày đọc tin thời sự, dễ dàng nhìn về thế giới Hồi giáo dường như đầy những bạo lực, và nhìn về một quốc gia Iran như một tuyến đầu tua tủa những dàn phóng phi đạn hướng về thế giới tự do. Chúng ta cũng từng thấy các chính phủ Hồi giáo theo các hệ phái khác nhau đã kình nhau, thậm chí trong một nước, như Iraq, cùng từng sinh khởi nội chiến. Tuy nhiên, vẫn có một Hồi giáo khác, một Hồi giáo rất mực hòa bình, một hệ phái ít được báo chí hàng ngày tường thuật chỉ vì họ không gây ra các biến cố hung hăng nào. Đó là Hồi giáo Sufi, một khuynh hướng rất mực thần bí có từ nhiều thế kỷ qua, và là nơi rất mực thơ mộng của Hồi giáo: một nơi của những dòng chữ về vẻ đẹp của sa mạc, của tịch lặng, của yêu thương. Các tác phẩm văn học Sufi ghi trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nội dung tư tưởng thần bí của Hồi giáo Sufi. Khuynh hướng này trong tiếng Anh gọi tắt là Sufism
Nhiều năm trước, tôi có tham dự buổi ra mắt tác phẩm Mouring Headband For Hue của nhà văn Nhã Ca tại Toronto. Nghe danh Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã lâu từ trong nước mãi đến nay tôi mới gặp cả hai ông bà. Mouring Headband For Hue do giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học Texas A&M University chuyển ngữ từ tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, tập hồi ký của Nhã Ca in tại Sài Gòn 1969, được Giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970...
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...