Hôm nay,  

Nhà Văn Huy Phương Một Khuôn Mặt Đáng Trân Quí

24/05/202109:39:00(Xem: 2520)

 


Tôi bước chân vào đời qua ngưỡng cửa trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, hai năm sau hiệp định 1954 cắt đôi Việt Nam. Trong suốt 18 năm quân ngũ, tôi đã gặp nhiều cấp chỉ huy và thuộc cấp đáng quí, đáng nể. Và người đầu tiên đã đi vào tiềm thức nể trọng của tôi, là Thiếu Tá Đỗ  Ngọc Nhận, TĐT Tiểu Đoàn SVSQ, khi chúng tôi nhập trường. Sự nể trọng, không phải chỉ vì thành tích chiến đấu của ông khi còn là TĐT Tiểu Đoàn Khinh Quân 716 tại chiến trường miền Bắc 1950-1964. Nhưng chinh là nhân cách và tài năng của ông trong hai năm  tại trường Võ Bị Đà Lạt. Cấp bậc cuối cùng của ông sau 28 năm quân ngũ là Đại Tá, một cấp bậc, mà nhiều vị sĩ quan cao cấp trong Quân Đội, trong đó có những vị tướng, cho rằng quá khiêm nhượng, so với khả năng của ông.

Đường binh nghiệp của Đại Tá Đỗ Ngọc Nhận bị chặn lại, chỉ vì thời thế. Nhưng dù với những thiệt thòi binh nghiệp, ông đã chấp nhận nó như một định mệnh. Và chính thái độ quân tử của ông, đã khiến tôi, sau hơn nửa thế kỷ, không thay đổi cách nhìn về ông. Và ông đã trở thành một, trong những những vị chỉ huy tôi mãi nể trọng.

blank


Bài viết này, tôi muốn được tiếp nối bằng hình ảnh của một số thuộc cấp mà cho đến nay, chưa phai mờ trong ký ức. Trước hết, tôi muốn nói đến cựu Đại Uý  Lê Nghiêm Kính, tức nhà văn Huy Phương. Tôi và Huy Phương cùng phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị. Nhưng mỗi người một cương vị và ban ngành khác nhau… 

Cho đến tháng 10 năm 1974, chúng tôi mới thật sự làm việc trực tiếp bên nhau. Huy Phương là Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, một trong bốn phòng thuộc Khối CTCT Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung mà tôi là Trưởng Khối, ba phòng còn lại, là An Ninh Quân Đội, Chính Huấn và Xã hội. Chúng tôi chỉ có gần bảy tháng làm việc chung. Hãy cứ đặt một bên khả năng văn chương của Huy Phương. Vì những tác phẩm của anh đã phát hành và những công sức đóng góp cho nền văn học Việt Nam hải ngoại trong mấy chục năm qua, đã chứng minh cho khả năng đó.

Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến hai nhận xét về cá thể của con người Huy Phương, mà không phải nhà văn nào của miền Nam cũng có. Trước hết, là ý chí kiên cường của anh đối với lý tưởng Quốc Gia mà anh và tôi phục vụ, nhất là từ ngày anh đặt chân lên miền đất tự do Hoa Kỳ. Bởi trong khi một số nhà văn miền Nam tị nạn, dường như đã ly khai với lý tưởng Tự Do để chu du vào một thế giới mới của khoa học và kinh tế. Thì anh, lại thản nhiên bước vào cuộc sống thanh bạch của một kẻ sĩ, và dành hết thời gian của cuộc sống cho những đứa con tinh thần là những tác phẩm mà anh đã phát hành. Chúng ta đã thấy, những Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già. Những Quê Nhà Quê Người. Những Người Lính Thua Trận. Những Ngậm Ngùi Tháng Tư. Những Quê Hương Khuất Bóng. Quê Hương Nghìn dặm. Ga Cuối Đường Tàu v.v. Tất cả là hiện thân anh, hiện thân của một chiến sĩ vừa cầm súng vừa làm văn hóa với ngòi bút chưa một lần bị bẻ cong trước bất cứ cường quyền nào. Và có đọc những tác phẩm đó của anh mới nhìn rõ được tấm lòng anh, luôn tiềm ẩn một tình yêu chan chứa đối với Quê Hương Đất nước, sắt son với Quân Đội, với đồng ngũ. Đó là chưa nói đến bao bài báo, các xuất truyền hình hàng tuần, anh đã chứng tỏ nhân cách và lý tưởng của một người cầm bút, như Jean Paul Sartre từng phát biếu: “Sứ mạng của nhà văn, là đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời“. Anh đã viết, đã thực thi chức nghiệp của một người cầm bút khác hẳn với những ngòi bút nô lệ miền Bắc, như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư v.v. chỉ biết cúi mặt viết theo chỉ đạo của Tố Hữu và bọn cầm quyền. 

Tôi cũng được biết, trong suốt hơn 7 năm trong gông cùm tù tội cộng sản, anh đã bị bọn cai tù đối xử tàn bạo, bị trù dập ác nghiệt, Huy Phương vẫn đứng thẳng, vững vàng như chính bản chất con người anh. Rồi qua đây, với những thử thách đầy khó khăn của cuộc sống mới trên đất lạ, Huy Phương vẫn là một Huy Phương của một thời mang chinh y. Tôi thật tiếc rằng, ngày mới sang đây, Huy Phương đã có một lần ghé qua Oregon và ở nhà một người bạn anh và cũng là một thuộc cấp của tôi trước 1975. Nhưng rất tiếc, hoàn cảnh lúc đó, không máy thuận lợi cho tôi để tìm gặp anh. Bây giờ Huy Phương đang lâm bệnh, còn tôi với lời khuyên của Bác sĩ cũng không cho đi xa.

Viết về Huy Phương mà không đề cập đến một khía cạnh khác cũng nằm trong nhân cách và cá thể Huy Phương, đối với tôi, là một thiếu sót. Đó là con người tình cảm của Huy Phương. Trong 18 năm quân ngũ, từ Sư Đoàn 2 bộ binh là đơn vị đầu tiên từ khi ra trường. Sau đó, tôi thuyên chuyển về Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ thuộc Quốc Phòng. Rồi đến nhiều đơn vị khác. Và cuối cùng là TTHL Quang Trung. Trong các đơn vị tôi từng phục vụ thì Tiểu Đoàn 20 CTCT là đơn vị có đông đảo thuộc cấp nhất, với khoảng 450 quân nhân các cấp và nhân viên dân chính. Nhưng chủ lực chính của Tiểu Đòan là 4 Đại Đội, đã được tăng phái cho hai Sư Đoàn  bộ binh và Huấn Khu Dục mỹ. Trách nhiệm về mọi mặt của tôi, vì thế đã được chia sẻ. Nhưng với đơn vị mới, là Trung Tâm Huấn luyện Quang Trung thì trách nhiệm, là hun đúc tinh thần chiến đấu và giúp trau dồi lý tưởng Quốc Gia với đối tượng luôn ở mức 10 ngàn tân binh tình nguyện và  quân dịch, thì nặng nề hơn rất nhiều. 

Tôi về nhận chức Trưởng Khối CTCT thuộc TTHL này với trách nhiệm nặng nề ấy vào đầu tháng 10 năm 1974. Đặt bước chân đầu tiên đến đơn vị mới với bao xa lạ, không như khi nhận lãnh chức vụ TĐT 20 CTCT tại Pleiku, với những vị Đại Đội Trưởng đầy khả năng và từng là người thân như Đại Úy Phạm Văn Tải hay đã nghe danh như Đại Uý Phan Nhơn, Bùi Văn Lộng, Nguyễn Hữu Đạo và những sĩ quan xuất sắc xuất thân từ trường Đại Học CTCT Đà Lạt như nhà văn Vương Trùng Dương (VTrD), một trong những cây bút hiện nay của tập thể người Việt hải ngoại hay Tâm Nguyên (NLT)…  Nhưng TTHL Quang Trung thì khác. Đại đơn vị này với tôi, hoàn toàn xa lạ, chưa quen biết ai, chưa am tường gì về sinh hoạt chung của đơn vị. Tôi, chẳng khác gì một nàng dâu mới, vừa bơ vơ bước chân vào nhà chồng.

Chính trong những bước đi dò dẫm ban đầu đó, Huy Phương là người đã đưa tôi ra khỏi  tâm trạng âu lo để bắt đầu nhiệm vụ của mình không một mặc cảm đơn cô.  Ngay từ ngày thứ ba sau nhậm chức, anh đã tổ chức một cuộc gặp mặt giữa tôi và toàn thể sĩ quan cán bộ trong khối CTCT. Anh đưa tôi đi thăm các cơ sở thuộc khối, như quầy hàng Quân Tiếp Vụ, cơ sở ấn loát. Huy Phương dẫn tôi thăm viếng các Liên Đoàn Khoá Sinh, giới thiệu tôi với các Trưởng Phòng thuộc Trung Tâm. Nhờ thiện chí và lòng nhiệt thành của Huy Phương mà tôi nhanh chóng thích ứng với sinh hoạt của Trung Tâm lớn lao với hơn 12 ngàn sĩ quan và khóa sinh này. 

Văn Thơ là nghiệp. Nhưng Huy Phương cũng không phải chỉ chiến đấu bằng ngòi bút. Anh đã chiến đấu trực diện với quân thù bằng súng đạn. Trong hai ngày cuối tháng 4/1975, tôi ở trên Tổng Cục CTCT để nhận lệnh, khi trở về đơn vị sáng ngày 29, thì giao thông giữa Sài Gòn và Hóc Môn đã kẹt cứng người chạy loạn. Tôi không có mặt tại TTHL vào ngày cuối cùng. Nhưng sau này, gặp một sĩ quan dưới quyền anh, tôi được cho biết, Huy Phương đã sát cánh cùng  quân nhân các cấp thuộc Trung Tâm, chiến đấu đến phút cuối cùng và đã diệt được 6 xe tăng địch  cùng hàng trăm binh lính tháp tùng, ngay ngoài hàng rào Trung tâm.

Hai ngày trước đây, nhà văn Vương Trùng Dương có chuyển cho tôi bài tường thuật của nhà văn Phạm Tín An Ninh về chuyến viếng thăm anh tại Cali. Đọc bài tường thuật và nhất là nhìn hình anh chụp chung với GS Trần Huy Bích và PTAN, tôi không dằn được xúc cảm. Nhất là khi anh tỏ thái độ rất thản nhiên trước ngưỡng cửa tử thần. Hình ảnh của anh qua lời tường thuật, làm tôi nhớ đến cuộc phỏng vấn của tôi với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trên đài Little Saigon trước khi ông qua đời. Người nhạc sĩ tài danh này biết mình sắp bước qua thế giới bên kia. Nhưng tinh thần ông vẫn sảng khoái và nói với tôi, ông coi sự ra đi khỏi đời này chỉ như một cuộc về thăm quê nhà.

*

Huy Phương ơi,

Một hiền triết Hy Lạp xưa có viết một câu: “Giữa sự sống và sự chết, có kiếp người. Giữa con người đầu tiên trên mặt đất và con người cuối cùng trên dương thế, có con người muôn thủa.“. Tôi và anh, chúng ta chỉ gặp và làm việc với nhau trong một thời gian ngắn. Nhưng tôi hiểu anh. Và nếu tôi nhìn anh bàng bạc mang hình ảnh của người muôn thủa ấy, anh có nhận không? Nhưng dù có ở tầng lớp và hoàn cảnh nào, thì Huy Phương cũng đừng quên rằng, anh và tôi, hai chúng ta  đều mang một hoài bão chung đối với Quê Hương Đất Nước. Hoài bão, mà chính Nguyễn Trãi khi tạm lánh tại Đông Quan, sáng sớm nghe tiếng gà gáy, đã hướng về quê nhà, tự nhắc nhở mình: “Đêm Đông Quan còn năm trống canh dài. Ta chợt thấy tiếng gà ai gọi sáng“. Tâm trạng lưu vong của vị Thánh Tổ Nguyễn Trãi ngành CTCT khi xưa, phải chăng cũng chính là nhịp đập trong con tim bừng nóng của anh và tôi hôm nay.

Biết nói gì hơn với anh, Huy Phương trân quí.

Nếu chẳng may không qua được cơn thử thách hôm nay, anh hãy đi bình an. Chúng ta sẽ gặp nhau bên chân trời miên viễn ấy, mang theo mộng ước chưa thành cho một quê hương ngời sáng.

Vũ Mạnh Hùng

Beaverton, Oregon

22 tháng 5 năm 2021


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch...
Người viết chơi với Phạm Thiên Thư từ những năm học trung học đệ nhất cấp khoảng 58-59. Thư đến nhà tôi ở ấp Cả Trắc, khu Ông Tạ và chúng tôi thường kéo nhau ra quán cà phê vợt ở đầu ngõ đi vào ấp. Trong những lần uống cà phê, Thư nói sôi nổi về việc lập học hội Hồ Quý Ly, để thực hiện việc nghiên cứu, viết văn, làm thơ. Mục đích là tiến tới làm một tập san văn nghệ...
Chúng tôi vẫn biết Hoàng Cầm là người cùng quê và là bạn với một ông anh họ từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng không ngờ nhà thơ lại theo xe ra đón chúng tôi ở phi trường Nội Bài. Hôm đó Hoàng Cầm mặc một cái màu đỏ xậm trông rất hào hoa dù Hà Nội năm đó vẫn còn rất nghèo...
Mở đầu cho sê-ri bài viết về phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm thập niên 50 tại Bắc Việt Nam, là một tư liệu hiếm quý về/của nhà thơ Phùng Quán. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Nước Mỹ thế kỷ XX cống hiến cho nhân loại sự phong phú và đa dạng của các trào lưu, chủ đề và tiếng nói trong văn học. Một số tác giả và tác phẩm kinh điển đã xuất hiện trong thời kỳ này, góp phần phát triển truyền thống văn học có từ những thế kỷ trước. Riêng trong lĩnh vực tiểu thuyết, văn học hiện đại, thịnh hành vào đầu thế kỷ XX ở Châu Âu với kỹ thuật “dòng ý thức” trong tiểu thuyết của James Joyce và Virginia Woolf, lan rộng sang Mỹ, tìm cách tách rời các hình thức truyền thống thế kỷ XIX để cách tân và hình thành một dòng văn học mới với phong cách độc đáo, táo bạo và mở ra những cánh cửa thú vị bất ngờ cho người đọc đi vào ngôi nhà nghệ thuật. Kỷ nguyên văn học hiện đại phương Tây bắt đầu từ hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX và, không thể nghi ngờ, Mỹ là quốc gia có những đóng góp to tát. Các tiểu thuyết gia lớn trong thời kỳ này, ta có thể nhắc đến F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway và William Faulkner.
Bước đi như vậy rõ ràng là không cần lưu dấu; nhưng chính là bước đi siêu tuyệt của bậc đại nhân, đại sĩ: không dấu tích mà lại tràn đầy công đức, lợi ích cho dân tộc, đạo pháp và nhân loại nhiều thế kỷ sau.
Một chương trong tiểu thuyết Đường Về Thủy Phủ của nhà văn Trịnh Y Thư...
Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn của nước Việt trong thế kỷ 20. Ộng có địa vi cao cả trên thì văn đàn miền Nam và là người duy nhất được tôn xưng là thi bá...
Những phân đoạn này thuộc vào phần có tựa là “Dưới những gốc nho biển,” nằm trong tiểu thuyết “Đường về thủy phủ.” Tuy nhiên, cũng như phân đoạn [1-3] tôi đã nói ở trên, nó vẫn mang đủ những yếu tố của một truyện ngắn. Hẳn nhiên người đọc sẽ thấy rõ đây là dụng ý của tác giả. Và chỉ đến lúc đọc xong trọn “Đường về thủy phủ,” thì mới có một suy nghiệm tổng thể, và có thể bật ra cách ráp nối những mảnh hình, những sự kiện, và lóe sáng một sợi dây xuyên suốt tác phẩm qua bản chất của các nhân vật, để từ đó hiểu rõ hơn chủ đề của nhà văn Trịnh Y Thư...
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.