Hôm nay,  

Đọc Bài Thơ ‘Giấc Mơ Hoang Vu Về Một Bắt Đầu Mới’ Của Nhà Nhơ Lawrence Ferlinghetti Vừa Qua Đời

05/03/202100:00:00(Xem: 2103)
 
Doc Tho Cua Lawrence Ferlinghetti 01

Nhà thơ Lawrence Ferlinghetti tại tiệm sách City Lights của ông ở San Fracisico. (Photograph: Sarah Lee/The Guardian)
 
Lawrence Ferlinghetti, nhà thơ, nhà xuất bản, họa sĩ và nhà hoạt động chính trị là người đồng sáng lập tiệm sách nổi tiếng City Lights tại thành phố San Francisco và trở thành biểu tượng của thành phố này, đã qua đời ở tuổi 101, theo bản tin của báo The Guardian tường thuật hôm 23 tháng 2 năm 2021. Theo The Guardian, nhà thơ Ferlinghetti đã qua đời tại tư gia vào tối Thứ Hai, 22 tháng 2 do bệnh liên quan tới phổi.

Ông là nhà thơ thuộc Thế Hệ Beats (Beat Generation) vào giữa thập niên 1950 ở Mỹ. Đây là thế hệ chịu ảnh hưởng sâu sắc Thiền và tư tưởng Phật Giáo. Qua nhiều năm ông đã xuất bản nhiều tác phẩm của các nhà văn và nhà thơ thuộc Thế Hệ Beats như Allen Ginsberg, Jack Kerouac, Gregory Corso, William S. Burroughs, Diane diPrima, Michael McClure, Philip Lamantia, Bob Kaufman, và Gary Snyder. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông “A Coney Island of the Mind,” do New Directions xuất bản vào năm 1958, là một tuyển tập thơ đã được dịch sang 9 thứ tiếng và bán ra hơn một triệu bản.

Bài thơ “Wild Dreams Of A New Beginning” [Giấc Mơ Hoang Vu Về Một Bắt Đầu Mới] của Ferlinghetti mang âm hưởng của triết lý vô thường biến dịch và Tánh Không [Śūnyatā] của Phật Giáo. Trong đó ông mô tả về một giấc mơ về ngày tận thế khi nước biển dâng lên cao tràn ngập khắp núi đồi và thành phố lớn trên thế giới để cuối cùng chỉ còn lại tiếng dế kêu và tiếng chim hót trong một thế giới hoang vu.
 
Cuộc đời của nhà thơ Lawrence Ferlinghetti
 
Ferlinghetti sinh tại Yonkers của New York vào ngày 24 tháng 3 năm 1919. Mẹ ông, nhũ danh Lyons Albertine Mendes-Monsanto là một người Pháp, gốc Do Thái Sephardic ở Bồ Đào Nha. Cha ông, Carlo Ferlinghetti, sinh ở Brescia tại Ý vào năm 1872. Ông di dân vào Hoa Kỳ năm 1892 và làm người bán đấu giá tại Little Italy ở Thành Phố New York.

Lawrence đã không biết tên họ gốc của ông mãi cho đến năm 1942, khi ông cung cấp giấy khai sanh để gia nhập vào Hải Quân Hoa Kỳ. Dù ông sử dụng “Ferling” cho tác phẩm được xuất bản sớm nhất của mình, Ferlinghetti đã đổi sang họ gốc của Ý “Ferlinghetti” vào năm 1955, khi ông xuất bản tập thơ đầu tay là cuốn “Pictures of the Gone World.”

Cha của Ferlinghetti đã chết 6 tháng trước khi ông ra đời, và mẹ ông đã được nhận làm tị nạn ngay sau khi sinh ra ông. Ông được nuôi dưỡng bởi người dì Emily, là vợ cũ của Ludovico Monsanto, người cậu của mẹ ông từ Quần Đảo Virgin là người đã dạy tiếng Tây Ban Nha tại Viện Hải Quân Hoa Kỳ. Emily đã mang Ferlinghetti tới Strasbourg tại Pháp, nơi họ sống 5 năm đầu đời của ông, với tiếng Pháp là ngôn ngữ đầu tiên của ông.

Sau khi họ trở về Mỹ, Ferlinghetti được cho vào một cô nhi viện tại Chappaqua, New York trong khi dì Emily đi tìm việc làm. Cuối cùng bà đã được thuê làm nữ gia sư Pháp cho người con gái của Presley Eugene Bisland và vợ Anna Lawrence Bisland, tại Bronxville, New York, là con gái của nhà sáng lập Trường Đại Học Sarah Lawrence College, là William Van Duzer Lawrence. Họ sống tại Plashbourne Estate. Vào năm 1926, Ferlinghetti đã được giao cho Bislands chăm sóc. Sau khi vào học nhiều trường, gồm Riverdale Country School, Bronxville Public School, và Mount Hermon School (hiện nay là Northfield Mount Hermon School), ông đã vào Đại Học North Carolina tại Chapel Hill, nơi ông lấy bằng Cử Nhân về báo chí vào năm 1941. Lawrence Ferlinghetti là một Hướng Đạo Sinh Đại Bàng trong Hội Nam Hướng Đạo Mỹ. Tạp chí thể thao của ông đã được đăng trong báo The Daily Tar Heel, và ông đã bắt đầu đăng nhiều truyện ngắn trong tạp chí Carolina Magazine, tạp chí này nhà văn Thomas Wolfe cũng có viết bài.

Vào mùa hè năm 1941, Ferlinghetti sống với 2 bạn học sinh viên trên Đảo Little Whale Boat Island tại Casco Bay, Maine, bắt tôm hùm, và cào nghêu từ đá để bán tại Portland, Maine, để sử dụng làm thuốc. Kinh nghiệm này giúp ông yêu thích biển, một chủ đề trải suốt qua sự nghiệp thơ của ông. Sau ngày 7 tháng 12 năm 1941, cuộc tấn công của Nhật bào Trân Châu Cảng, Ferlinghetti ghi danh vào học trường Midshipmen tại Chicago, và vào năm 1942 ông ra trường với chức sĩ quan cấp dưới trên du thuyền của J.P. Morgan III, mà đã được tân trang để đi tuần tra các tàu ngầm ngoài khơi Bờ Biển Miền Đông.

Doc Tho Cua Lawrence Ferlinghetti 02

Nhà thơ Lawrence Ferlinghetti tại City Lights Bookstore vào năm 2007. (Photo by voxtheory. - https://pennyspoetry.fandom.com


Ferlinghetti kế tiếp được chỉ định tới Ambrose Lightship bên ngoài hải cảng New York để nhận dạng tất cả tàu bè đi vào. Trong năm 1943 và 1944 ông phục vụ trong vai trò một sĩ quan trên ba tàu nhỏ chạy nhanh của Hải Quân Hoa Kỳ dùng để hộ tống đoàn tàu. Là chỉ huy của chiếc tàu nhỏ USS SC1308, ông đã có mặt trong cuộc đổ bộ tại Normandy như một phần của chiến dịch chống tàu ngầm chung quanh các bờ biển. Sau VE Day, Hải Quân thuyên chuyển ông tới Pacific Theater, nơi ông phục vụ như một hoa tiêu của tàu USS Selinur. 6 tuần lễ sau vụ thả bom nguyên tử tại Nagasaki, ông đến thăm sự tàn phá của thành phố này, một kinh nghiệm làm thay đổi ông thành một người theo chủ nghĩa hòa bình trọn đời.

Sau chiến tranh, ông làm việc trong phòng thư tại tạp chí Time, tại Manhattan. G.I. Bill giúp ông ghi danh vào Đại Học Columbia. Trong những năm học ở đây ông đọc văn học hiện đại, và ông đã nói là vào lúc đó ông bị ảnh hưởng bởi Shakespeare, Marlowe, các nhà thơ Lãng Mạn, Gerard Manley Hopkins, và James Joyce, cũng như các nhà thơ Mỹ Whitman, T. S. Eliot, Ezra Pound, Carl Sandburg, Vachel Lindsay, Marianne Moore, E. E. Cummings, và các tiểu thuyết gia Mỹ Thomas Wolfe, Ernest Hemingway, và John Dos Passos. Ông đã lấy bằng thạc sĩ về văn chương Anh vào năm 1947 với luận án về John Ruskin và họa sĩ J.M.W. Turner.

Từ Columbia, ông qua Paris tiếp tục học, và sống tại đây từ năm 1947 tới 1951, lấy bằng Tiến Sĩ tại Đại Học Paris.

Sau khi cưới Selden Kirby-Smith vào năm 1951 tại Quận Duval, Florida, Ferlinghetti định cư tại San Francisco vào năm 1953, nơi ông dạy tiếng Pháp trong một chương trình giáo dục người lớn, vẽ, và viết phê bình nghệ thuật. Các bản dịch sớm nhất của ông là những bài thơ của nhà thơ siêu thực Pháp Jacques Prévert, được đăng bởi Peter D. Martin trong tạp chí văn hóa phổ thông City Lights của ông.

Vào năm 1953, Ferlinghetti và Martin sáng lập tiệm sách City Lights Bookstore, là tiệm sách tất cả in bằng giấy đầu tiên trên toàn quốc. 2 năm sau, sau khi Martin rời khỏi, ông mở thêm cánh xuất bản của City Lights là Nhà Xuất Bản City Lights, với tập thơ đầu tiên của ông, “Pictures of the Gone World,” số đầu tiên trong loạt Pocket Poets Series. Loạt này được tiếp nối bởi những cuốn sách của Kenneth Rexroth, Kenneth Patchen, Marie Ponsot, Allen Ginsberg, Denise Levertov, Robert Duncan, William Carlos Williams, và Gregory Corso. Dù Nhà Xuất Bản City Lights Publishers được nổi tiếng là xuất bản sách của những tác giả Thế Hệ Beat (Beat Generation), Ferlinghetti không bao giờ cố ý xuất bản độc quyền về Beats.

Số thứ tư trong loạt Pocket Poets Series lả cuốn sách “Howl” của Allen Ginsberg. Cuốn sách đã bị cảnh sát San Francisco tịch thu vào năm 1956. Ferlinghetti và Shig Murao, người quản trị nhà sách là người đã bán cuốn sách cho cảnh sát, đã bị bắt vì tội khiêu dâm. Sau khi các cáo buộc chống lại Murao được bãi bỏ, Ferlinghetti, được biện hộ bởi Jake Ehrlich và ACLU, ra tòa tại Tòa Án Thành Phố San Francisco. Sự phổ biến đã tạo ra bởi phiên tòa lôi cuốn sự chú ý trên toàn quốc về những nhà văn nhà thơ trong phong trào San Francisco Renaissance và phong trào Beat. Ferlinghetti có sự hậu thuẫn của các nhân vật văn học và học thuật có uy tín, và khi kết thúc phiên tòa kéo dài, Chánh Án Clayton W. Horn cho thấy rằng Howl không khiêu dâm và tuyên bố ông trắng án vào tháng 10 năm 1957. Vụ kiện mang tính bước ngoặt của Tu Chính Án Đầu Tiên đã thiết lập một tiền lệ pháp lý quan trọng cho việc xuất bản các tác phẩm văn học gây tranh cãi khác với tầm quan trọng xã hội mang lại.


Dù phong cách và chủ đề viết của riêng Ferlinghetti không giống lắm với nhóm Beat New York ban đầu, ông có nhiều liên hệ quan trọng với các nhà văn nhà thơ Beat, là những người đã biến tiệm sách City Lights Bookstore thành tổng hành dinh của họ khi họ ở San Franscico. Ông thường nói ông không phải là Beat, nhưng là một người tự do phóng khoáng của thế hệ đầu. Là cựu chiến binh đã lập gia đình và là chủ tiệm sách, ông đã không chia xẻ đời sống cao của những người thuộc Thế Hệ Beat trên đường. Nhà văn Kerouac đã đưa Ferlinghetti vào trong vai “Lorenzo Monsanto” trong tiểu thuyết tự truyện của ông “Big Sur” xuất bản vào năm 1962, câu chuyện kể về việc Jack ở tại túp lều của Ferlinghetti trong một vùng ven biển hoang dã của Big Sur. Kerouac mô tả nhân vật Ferlinghetti như là một người chủ hào phóng và dí dỏm, trong sự vui vẻ và suy sụp của Thần Rượu.

Qua nhiều năm Ferlinghetti đã xuất bản tác phẩm của nhiều tác giả Beats, gồm Allen Ginsberg, Jack Kerouac, Gregory Corso, William S. Burroughs, Diane diPrima, Michael McClure, Philip Lamantia, Bob Kaufman, và Gary Snyder. Ông là nhà xuất bản của các tác phẩm của Ginsberg trong hơn 30 năm. Khi nhà thơ Ấn Độ của phong trào văn chương Hungryalist bị bắt vào năm 1964 tại Kolkata, Ấn Độ, Ferlinghetti đã giới thiệu các nhà thơ thuộc Phong Trào Hungryalist cho độc giả Tây Phương qua các số khởi đầu của Tạp Chí City Lights Journal.

Không bao lâu sau khi định cư tại San Francisco vào năm 1950, Ferlinghetti đã gặp nhà thơ Kenneth Rexroth người có quan điểm về triết lý vô chính phủ đã ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị của ông. Ông tự nhận là nhà người theo triết lý vô chính phủ, thường được liên kết với những nhà chủ trương vô chính phủ khác tại North Beach, và đã bán các tờ báo vô chính phủ Ý tại tiệm sách City Lights Bookstore, theo Kevin Kelly trong bài viết “Lawrence Ferlinghetti – interview.” Là nhà phê bình về chích sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Ferlinghetti đã có lập trường chống lại chủ nghĩa toàn trị và chiến tranh.

Trong khi Ferlinghetti giải bày rằng ông là “một người vô chính phủ tận đáy lòng,” ông thừa nhận rằng thế giới cần có đông những “bậc thánh” để chủ nghĩa vô chính phủ thuần túy được tồn tại một cách hiện thực. Bởi vậy ông tán thành điều có thể đạt được bởi xã hội chủ nghĩa dân chủ theo kiểu Bắc Ấu, theo Christopher Felver trong tác phẩm xuất bản năm 1996 “The Coney Island of Lawrence Ferlinghetti.”

Tác phẩm của Ferlinghetti thách thức định nghĩa về nghệ thuật và vai trò của nhà nghệ sĩ trong thế giới. Ông thúc giục các nhà thơ dấn thân vào đời sống chính trị và văn hóa. Khi ông viết trong “Populist Manifesto” rằng, “Hỡi các thi sĩ, hãy bước ra khỏi tủ áo quần của bạn, Hãy mở cửa sổ của bạn, hãy mở các cửa chính của bạn, Bạn đã bị giam giữ quá lâu trong thế giới đóng kín của mình… Thơ nên chuyên chở công chúng/tới những nơi cao/hơn những bánh xe khác có thể chuyên chở nó…”

Vào năm 1968, ông đã ký cam kết “Chống Thuế Chiến Tranh của Những Nhà Văn và Những Chủ Bút,” thề không trả thuế để chống lại cuộc Chiến Tranh Việt Nam, theo “Writers and Editors War Tax Protest” được đăng trong báo New York Post vào ngày 30 tháng 1 năm 1968.

Ferlinghetti đã có công trong việc mang thơ ra khỏi học viện và đưa trở lại không khí công cộng với những buổi đọc thơ công chúng. Với Ginsberg và những nhà văn nhà thơ cấp tiến khác, ông tham gia vào các sự kiện tập trung vào những vấn đề chính trị như cuộc cách mạng Cuba, chạy đua vũ khí nguyên tử, việc tổ chức công nhân nông trại, vụ giết người của Salvador Allende, Chiến Tranh Việt Nam, Tháng 5 Năm 1968 Tại Paris, Sandinistas tại Nicaragua, và Quân Đội Giải Phóng Dân Tộc Zapatista tại Mexico. Ông không chỉ đọc cho các độc giả tại Hoa Kỳ mà còn cho độc giả tại Châu Âu và Châu Mỹ La Tinh. Nhiều bài viết của ông đã lan truyền sang Pháp, Ý, Liên Bang Xô Viết, Cuba, Mexico, Chile, Nicaragua, và Cộng Hòa Tiệp.

Ferlinghetti đã bắt đầu vẽ tại Paris vào năm 1948. Tại San Fracisco, ông có một phòng vẽ tọa lạc tại 9 Mission Street trên Embarcadero vào thập niên 1950s mà ông thừa hưởng từ Hassel Smith. Ông hâm mộ những người theo trường phái biểu hiện trừu tượng tại New York, và họa phẩm đầu tiên của ông thể hiện ảnh hưởng của họ. Phong cách tượng hình hơn càng rõ rệt trong tác phẩm về sau này của ông. Các tranh vẽ của Ferlinghetti được trưng bày tại nhiều bảo tàng viện khác nhau trên thế giới, từ Butler Museum of American Painting tới Il Palazzo delle Esposizioni tại Rome. Ông đã liên kết với phong trào Fluxus quốc tế thông qua Archivio Francesco Conz tại Verona. Tại San Francisco, họa phẩm của ông có thể được xem tại Phòng Triển Lãm Nghệ Thuật George Krevsky Gallery.

Doc Tho Cua Lawrence Ferlinghetti 03

Nhà thơ Ferlinghetti (trái) cùng với nhà thơ Allen Ginsburg, trong cuộc biểu tình vào năm 1971 chống lại những bắt bớ ở Brazil. (Photograph: Sal Veder/AP -  www.theguardian.com)


Trong năm 2019, thành phố San Francisco đã công bố ngày 24 tháng 3, sinh nhật của ông, là Ngày Lawrence Ferlinghetti Day để đánh dấu 100 năm tuổi của ông, với những lễ hội kéo dài cả tháng.

Trong dịp này, báo The Guardian đã phỏng vấn ông. Khi được hỏi rằng ông có tự hào về những thành tựu của mình không, Ferlinghetti trả lời rằng, “Tôi không biết, chữ đó, ‘tự hào’, là quá ngã mạn. Hạnh phúc thì có lẽ tốt hơn. Ngoại trừ khi bạn cố gắng định nghĩa chữ hạnh phúc, thì bạn thực sự rắc rối.”
Để tưởng niệm nhà thơ Lawrence Ferlinghetti, xin dịch bài thơ “Wild Dreams Of A New Beginning” [Giác Mơ Hoang Vu Về Một Bắt Đầu Mới].
 
Giác Mơ Hoang Vu Về Một Bắt Đầu Mới
 
Xa lộ tối nay im lặng nín thở
Vượt ra ngoài rìa bê tông
những nhà hàng chìm vào giấc mơ
với những cặp nến sáng
Alexandria mất rồi mà vẫn cháy
trong một tỉ ngọn đèn
Những cuộc đời đi qua những cuộc đời
đang dừng lại ở ngọn đèn đỏ
Vượt qua vòng quay giao lộ
‘Những linh hồn nuốt những linh hồn trong rỗng không’
Bản hòa tấu piano phát ra từ cửa sổ nhà bếp
Một nhà du già nói chuyện tại Ojai
‘Tất cả đều diễn ra trong một tâm’
Trên vườn cỏ dưới tàn cây
những người yêu nhau đang lắng nghe
vị đạo sư nói họ là nhất thể
với vũ trụ
Những con mắt phát hiện những đóa hoa và hóa thành chúng
Sự im lặng nín thở
trên xa lộ tối nay
khi sóng triều Thái Bình Dương cao một dặm
quét vào
Los Angeles trút hơi thở cuối cùng
và chìm xuống biển như tất cả đèn chiếc tàu Titanic sáng
Chín phút sau đó tới Willa Cather ở Nebraska
cũng chìm theo nó
Nước biển dâng lên tới Utah
Những nhà thờ Mormon bị cuốn đi như những ngôi nhà nhỏ
Những con chó sói bối rối và không biết bơi đi đâu
Một dàn nhạc trên sân khấu ở Omaha
tiếp tục chơi nhạc Water Music của Handel
nước ngập những cây kèn
những người thổi kèn trôi đi theo nhạc cụ của họ
nắm chặt chúng như những người yêu ở chân trời
Loop của Chicago trở thành nơi tàu lượn siêu tốc
Những tòa nhà chọc trời giống như những ly nước đầy
Đại Hồ trộn với nước mắt Nhà Phật
Những Cuốn Sách Vĩ Đại ngập dưới nước ở Evanston
Bia của Milwaukee được chồng lên với bọt nước biển
Dòng Sông Đẹp của Buffalo đột nhiên biến thành muối
Đảo Manhattan bị quét sạch trong mười sáu giây
Cột buồm bị chôn của Amsterdam nhô lên
Khi ngọn sóng dữ ập vào phía Đông
để tẩy xóa món phô mát Camembert lâu đời của Châu Âu
nhà hàng Manhatta bị hấp trong cây nho biển
vùng đất đã được rửa sạch thức tỉnh trở lại hoang vu
chỉ còn lại tiếng dế kêu vang
tiếng kêu gào của những con chim biển trên cao
trong vô tận rỗng không
khi Hudson lấy lại sự rậm rạp của nó
và người Thổ Dân đòi lại những chiếc thuyền độc mộc của họ. 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian. Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu. Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên,