Hôm nay,  

Nguyễn Lương Vy., đụng cái mịt mù

25/02/202114:50:00(Xem: 2013)
pic 1 NguyenLuongVy-01
Chân dung Nguyễn Lương Vỵ (Ảnh Trần Triết)

(Tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Lương Vy.)

Có nỗi buồn man mác, có nỗi buồn hay lây, có nỗi buồn chảy máu. Tuy nhiên, nỗi buồn mất mát người thân và bạn bè là nỗi buồn xoáy chiếm tâm hồn tôi sâu thẳm nhất. Liên tiếp quanh tôi những nỗi buồn rụng xuống rồi chồng chất lên nhau chín đỏ thành những tấu khúc biệt ly. Chỉ trong 4 ngày mà hai người bạn tôi từng gặp gỡ trò chuyện đã rủ nhau đi về một nơi nào đó xa thật xa, không bao giờ trở lại. Nhà báo Phí Ích Bành là em ruột của nhà văn Dương Nghiễm Mậu-(Phí Ích Nghiễm) và nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ  cùng qua đời. Tôi hay gặp anh Bành ở nhà hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần và từng trò chuyện cùng anh vài lần. Nơi đó những ngày cuối tuần là chốn bạn bè văn nghệ họp mặt, nói cười, tán gẫu, đàn hát rất vui. Căn Mobile Home của anh Thuần tuy nhỏ nhưng rất ấm cúng đã lưu rất nhiều dấu chân của những người bạn trong đó anh Bành là người bạn thường trực mỗi tuần.

pic 2 . NDG NLV
Từ trái qua phải : HS Nguyễn Đại Giang, TS Ngô Tịnh Yên, TS Lê Giang Trần, TS Nguyễn Lương Vỵ, Trịnh Thanh Thủy

Tôi gặp anh Vỵ nhiều hơn. Lần đầu tôi gặp anh Vỵ cách đây khoảng 8 năm nhân ngày hoạ sĩ Nguyễn Đại Giang qua Cali chơi. Nhà anh Lê Giang Trần, là nơi gặp gỡ, sau đó mọi người rủ nhau ra cà phê Gypsy uống nước. Quán cơm chay là nơi anh Phan Tấn Hải, và anh Vỵ thường gặp tôi trò chuyện và đàm đạo về Phật Pháp vô cùng thú vị. Tôi và anh Vỵ có cùng một địa phương để nhớ về và nhắc nhở khi tôi còn sống ở Sài Gòn trước 1975.

Có lần tình cờ tôi đọc được những bài thơ của anh trên Da Màu, chúng đã gây ấn tượng trong tôi. Thơ của anh là một cánh rừng xao xác tiếng lá rụng khi âm trầm, lúc xé lòng đau đớn, thỉnh thoảng vang động những vũng tối bập bềnh thống khổ. Đọc anh, tôi đọc được những tâm, những huyết, những âm, những chữ... và tất cả anh hoà trộn vào nhau thành một khối đặc quánh, rất Nguyễn Lương Vỵ. Bạn đọc không cần sống, thở, nghe, nhìn hay cảm xúc. Dường như tác giả đã làm dùm bạn việc này rồi.

nhìn trong thơ thấy đạo

nhìn trong đạo thấy thơ

nhìn trong thơ thấy gạo

nhìn trong gạo thấy mình

có-không thiệt rốt ráo...

 

nhìn trong em thấy mệnh

nhìn trong mệnh thấy đời

nhìn trong đời thấy bệnh

nhìn trong bệnh thấy lời

lời lôi âm rù quếnh...

 

nhìn trong hạt thấy mầm

nhìn trong mầm thấy mộ

nhìn trong mộ thấy âm

nhìn trong âm thấy số

ôi tượng số điếc câm...

(Năm chữ năm câu-NLV)

Hồn âm cứ nhấn

 Xác chữ cứ nhai

 Sai cái không sai

 Đúng cái không đúng

 Sống không để bụng

Chết không mang theo

Huyết âm trong veo…

(Huyết âm 62--NLV)

Huyết âm, âm huyết...Phút lâm bồn của người phụ nữ như đóa sen tinh tuyền khai hoa, nở nhụy trong vũng bùn tối ám. Mẹ và huyết, toàn những huyết, rực đỏ trong đớn đau, đỏ loe tiếng khóc. Càn khôn vũ trụ hoà âm vang rền toàn những ca từ A A A, U U U....Bàn tay tạo hoá hô biến..nặn ra một con giống gói tròn một bọc, ngáp một cái, khóc một tiếng... con đã trào đời.

U U U

A A A

Gió bạt tai

Âm rền máu

Mẹ đẻ đỏ hoe tiếng khóc

Càn khôn tìm về ngay chóc

Vũ trụ đùn ngay một bọc !

Âm âm âm

A A A

U U U

Câm câm câm

Chỉ biết tri âm là đây

Ngáp dài một cái tròn đầy

Xương tàn cốt lụi òa bay

(Hòa Âm Âm Âm Âm...-NLV)

 

Có bài thơ nào miêu tả được phút giây lịch sử đầu đời một con người tuyệt vời được như thế?

Rồi bóng ai như bóng anh đi qua và gục xuống ở bãi cát tuổi thơ xưa, vọng hời những quá khứ cháy vàng tro bụi.

 

Chiều nay

Ngồi nhớ chiều xa

Nhớ lắm ngực chiều Nam Ô Liên Chiểu

Mười lăm năm nghẹn thở

Mười lăm năm nhói tim

Đà Nẵng một thời côi cút bụi đời

Một mình lang thang đầu trần khét nắng

Bến sông Hàn những năm Sáu Mươi

Ta bắt đầu hiểu

Tuổi thơ của mình

Như chiếc lục bình

Trôi đi thất thểu

Trôi đi trôi đi

Ta bắt đầu thấy

Tuổi thơ của mình

Có một chiếc đinh

Rung rinh giữa trán

Rung rinh rung rinh…

 (MỘT THOÁNG ĐÀ NẴNG-NLV)

Anh sống mất cha từ nhỏ nên thanh âm người nữ tràn ngập trong cõi đi về của anh. Thơ anh làm ào ạt, ồn ã, ngùn ngụt, ngún cả một nùi, lạnh mát cả thịt da, chập chùng những tóc dài mù tối.

Lạy em đẹp mãi cho ta mừng

Mần thơ ào ạt như chưa từng

Cái chi cũng đẹp cũng ứng mộng

Cỏ áy hừng đông mượt quá chừng…

Lạy em đẹp mãi cho ta vui

Mần thơ ngùn ngụt ngún một nùi

Chẳng sợ hồn tan hay vía nát

Rất vô tư nhậu với ngậm ngùi…

Lạy em đẹp mãi cho ta sướng

Mần thơ cộng hưởng với âm u

Chẳng sợ đầu non hay cuối vực

Rất hồn nhiên đụng cái mịt mù…


Câu thơ cuối đối với tôi là câu thơ hay nhất "Rất hồn nhiên đụng cái mịt mù…" . Bỗng dưng làm tôi nhớ câu thơ hóm hỉnh của Mai Thảo "Đặt tay vào chỗ không thể đặt... Cười tủm còn thương chỗ đặt nào".

Hay thơ mộng hơn với mối tình đầu

Người con gái mang tên Hoa Vàng

Cho hồn ta như mây lang thang

Bay thấp xuống bên ngoài cửa sổ

Mắt phố nâu dương cầm vang vang

Vang ý biếc tờ thư sương khói

Gởi giùm ta vài hạt nắng gầy

Màu thương cảm trên đường chẳng nói

Đứng một mình câm lặng khoanh tay

Người con gái che nghiêng chiếc nón

Cho hồn ta nghiêng hết biển dâu

Thở rất gấp giữa chiều thu muộn

Lá hiên ngoài đang bay đi đâu?!

Ơi môi người tươi quá sắc hương

Ơi Hoàng Hoa lạ lẫm trên đường

Mắt choáng ngợp nụ cười răng khểnh

Dạ khúc xanh trong những giọt sương…

(Kỷ Niệm-NLV)

Anh sống nhiều, từng trải nhiều, chiêm nghiệm cuộc đời hỉ, nộ, ái, ố, cũng nhiều, để yêu và thở với thơ.  Cõi thơ, ngôn từ của anh tuôn tràn những máu, nước mắt của cuộc đời. Đầy ăm ắp những biệt ly và chập chùng phút chớp tắt của người đi, kẻ ở.

Cuối cùng rồi anh cũng cười khinh khoái một tiếng, dứt áo để trôi chảy ra khỏi cuộc chơi, lên đường quảy gói về miền Phương Ngoại. Anh ra đi để lại một sự nghiệp thơ ca rất lớn với nhiều tập thơ được xuất bản trong nước từ trước 75 và cả ở hải ngoại. Giờ anh mới thật sự yên nghỉ, thôi đau đớn vì bệnh tật để thư thái làm thơ và uống Âm Huyết Hoa hay những Lục Huyết Âm ở một cõi tịnh. Chúc anh ngủ giấc yên bình, thanh thản. Tôi xin thắp nén hương lòng theo gió gởi đến anh nỗi buồn sâu xa nhất.

pic 3Thuy voi Nguyen Luong Vy
Trịnh Thanh Thủy và Nguyễn Lương Vỵ



Thế rồi

anh cũng vào sương

đạp khói

đụng cái mịt mù

để tan loãng

như thơ

TTT

Trịnh Thanh Thủy

 

Tiểu sử

Sinh năm 1952, mất 2021. Quê quán: Quán Rường, Tam Kỳ, Quảng Nam. Tốt nghiệp Cử Nhân Triết Đại Học Vạn Hạnh. Đã có thơ đăng báo (Văn, Khởi Hành, Thời Tập, Văn Chương) từ 1969 tại Sài Gòn.
Đã in:

Âm vang và Sắc Màu

Phương Ý

Hòa Âm Âm Âm Âm…

Huyết Âm

Năm Chữ Năm Câu

Tám câu Lục huyết âm

Nếp gấp thời gian

Tuyển tập thơ 45 năm

Năm chữ ngàn câu

Tiếu ngạo giang hồ

Tuyển tập thơ 50 năm

Âm tiết đỏ thời gian

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mở đầu cho sê-ri bài viết về phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm thập niên 50 tại Bắc Việt Nam, là một tư liệu hiếm quý về/của nhà thơ Phùng Quán. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Nước Mỹ thế kỷ XX cống hiến cho nhân loại sự phong phú và đa dạng của các trào lưu, chủ đề và tiếng nói trong văn học. Một số tác giả và tác phẩm kinh điển đã xuất hiện trong thời kỳ này, góp phần phát triển truyền thống văn học có từ những thế kỷ trước. Riêng trong lĩnh vực tiểu thuyết, văn học hiện đại, thịnh hành vào đầu thế kỷ XX ở Châu Âu với kỹ thuật “dòng ý thức” trong tiểu thuyết của James Joyce và Virginia Woolf, lan rộng sang Mỹ, tìm cách tách rời các hình thức truyền thống thế kỷ XIX để cách tân và hình thành một dòng văn học mới với phong cách độc đáo, táo bạo và mở ra những cánh cửa thú vị bất ngờ cho người đọc đi vào ngôi nhà nghệ thuật. Kỷ nguyên văn học hiện đại phương Tây bắt đầu từ hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX và, không thể nghi ngờ, Mỹ là quốc gia có những đóng góp to tát. Các tiểu thuyết gia lớn trong thời kỳ này, ta có thể nhắc đến F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway và William Faulkner.
Bước đi như vậy rõ ràng là không cần lưu dấu; nhưng chính là bước đi siêu tuyệt của bậc đại nhân, đại sĩ: không dấu tích mà lại tràn đầy công đức, lợi ích cho dân tộc, đạo pháp và nhân loại nhiều thế kỷ sau.
Một chương trong tiểu thuyết Đường Về Thủy Phủ của nhà văn Trịnh Y Thư...
Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn của nước Việt trong thế kỷ 20. Ộng có địa vi cao cả trên thì văn đàn miền Nam và là người duy nhất được tôn xưng là thi bá...
Những phân đoạn này thuộc vào phần có tựa là “Dưới những gốc nho biển,” nằm trong tiểu thuyết “Đường về thủy phủ.” Tuy nhiên, cũng như phân đoạn [1-3] tôi đã nói ở trên, nó vẫn mang đủ những yếu tố của một truyện ngắn. Hẳn nhiên người đọc sẽ thấy rõ đây là dụng ý của tác giả. Và chỉ đến lúc đọc xong trọn “Đường về thủy phủ,” thì mới có một suy nghiệm tổng thể, và có thể bật ra cách ráp nối những mảnh hình, những sự kiện, và lóe sáng một sợi dây xuyên suốt tác phẩm qua bản chất của các nhân vật, để từ đó hiểu rõ hơn chủ đề của nhà văn Trịnh Y Thư...
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi viết những cảm nhận ở đây căn cứ vào những trích đoạn đã phổ biến, không đặt nó vào bối cảnh toàn diện của cuốn tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”, vì cuốn sách chưa ra đời, nhưng cũng có được cái nhìn về thủ pháp bố cục truyện và văn phong của nhà văn Trịnh Y Thư...
Có cách nào để tìm hòa bình cho vùng Trung Đông? Hãy hình dung về một phép thần nào đó, làm cho quân Israel và quân Hamas buông súng, cùng bước tới bắt tay nhau bùi ngùi, nước mắt ràn rụa, cùng nói rằng tất cả chúng ta hãy sống như một trẻ em mới sinh ra, rằng hãy quên hết tất cả những ngày đau đớn cũ, và cùng trải bản đồ ra vẽ lại, sao cho các thế hệ tương lai không bao giờ nghĩ tới chuyện cầm súng giết nhau nữa. Hình như là bất khả. Đúng là có vẻ bất khả, để có thể sống như một trẻ em mới sinh ra đời. Chỉ trừ, vài thiền sư và nhà thơ. Tôi có một giấc mơ. Vua Trần Nhân Tông bay từ đỉnh núi Yên Tử tới vùng Gaza, ngay nơi cửa khẩu đang mịt mù khói súng. Bên ngoài cửa khẩu là hàng ngàn xe tăng Israel đang chờ tiến vào, bên trong là nhiều đường hầm và hố chiến hào nơi chiến binh Hamas thò mắt nhìn ra để chờ trận chiến cuối đời của họ. Ngay nơi cửa khẩu là một giáo sĩ Đạo Do Thái ngồi đối diện, nói chuyện với một giáo sĩ Đạo Hồi, trước khi họ có thể nhìn thấy đồng bào của họ xông vào nhau.
Tiểu thuyết gia, thi sĩ và kịch tác gia người Na Uy Jon Fosse – người ngày càng thấy số lượng độc giả trong thế giới nói tiếng Anh càng tăng vì những cuốn tiểu thuyết viết về những đề tài tuổi già, cái chết, tình yêu và nghệ thuật – đã được trao Giải Nobel Văn Chương hôm Thứ Năm, 5 tháng 10 năm 2023, “vì những vở kịch và văn xuôi đầy sáng tạo giúp tiếng nói cho những điều không thể nói,” theo bản tin của báo The New York Times cho biết hôm 5 tháng 10 năm 2023. Điều này đã làm cho Fosse trở thành người đầu tiên lãnh giải thưởng Nobel Văn Chương viết bằng tiếng Nynorsk. Ông là người Na Uy thứ tư đoạt giải này và là người đầu tiên kể từ Sigrid Undset trúng giải vào năm 1928. Là tác giả đã xuất bản khoảng 40 vở kịch, cũng như tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và nhiều tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng, Fosse đã từ lâu được quý trọng vì ngôn ngữ bao dung, siêu việt và thử nghiệm chính thức của ông.