Hôm nay,  

Văn Học Press Giới Thiệu "Nụ Cười Buồn Mùa Hè" Của Nhà Văn Lê Lạc Giao

04/12/202009:26:00(Xem: 2760)


Văn Học
Press

22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978

email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press

 

PR 12/01/2020

SÁCH MỚI

Trân trọng giới thiệu:

 

Le Lac Giao

 

Nụ cười buồn mùa hè

Tập truyện của nhà văn Lê Lạc Giao

 

Thiết kế bìa @ Lê Giang Trần

Văn Học Press xuất bản, 12/2020

Ấn phí: US$22.00

 

 

 

 

Tìm mua trên:

BARNES & NOBLE: https://bn.com/s/9781663590435 

 

  

Đọc “Nụ Cười Buồn Mùa Hè” của Lê Lạc Giao

Sự khuếch tán của âm bản truyền thống trong định mệnh đời thường

Tô Đăng Khoa
  

Tác Phẩm “Nụ Cười Buồn Mùa Hè” là tác phẩm thứ tư của nhà văn Lê Lạc Giao do Nhà Xuất Bản Văn Học phát hành vào cuối năm 2020.  Ba tác phẩm trước là “Một Thời Điêu Linh” (2013), “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” (2016), và “Có Một Thời Nhân Chứng” (2018).
 

Tuyển tập truyện ngắn “Nụ Cười Buồn Mùa Hè” bao gồm 18 truyện ghi lại những chuyện đời thường, rất thật và đa dạng của những nhân vật đã trải qua cuộc chiến Việt Nam.  Tập truyện phác họa những mảnh đời muôn màu muôn vẻ, nhưng vẫn mang tính hợp nhất, và cũng là một sự tiếp nối của dòng tư tưởng triết văn của nhà văn Lê Lạc Giao, một dòng tư tưởng triết học vừa uyên thâm vừa thực dụng: nó có tính chất soi sáng mối liên hệ sâu kín giữa truyền thống và định mệnh trên mọi cấp độ, từ cá nhân đến tập thể và thậm chí cho tới cả vận mệnh của một dân tộc. 
 

Có thể nói “Nụ Cười Buồn Mùa Hè” là “cái-còn-lại” sau những trải nghiệm đau thương qua “Một Thời Điêu Linh”, là “cái-còn-lại” sau những hồi tưởng về tình yêu và chiến tranh khi bạn bè khắp nơi cùng nhìn về “Nửa Vầng Trăng Ký Ức”, là “cái-còn-lại” của “Một Thời Nhân Chứng”: tức là một Nụ Cười Buồn. Để có thể cười (cho dù là cười buồn chăng nữa) sau khi đi xuyên qua những nỗi thống khổ của “Một Thời Điêu Linh”, con người phải rất từng trải.  Từng trải luôn đòi hỏi yếu tố thời gian trong đó. Nhưng thời gian không có lẽ cũng chưa đủ, nó còn cần có sự trầm tĩnh, sự sáng suốt, và quyết định trong sự lựa chọn cho chính mình: Sự lựa chọn làm nạn nhân của Lịch Sử hay nhân chứng Lịch Sử. Trong một bài viết trước về tác phẩm  “Có Một Thời Nhân Chứng” (2018), tôi có viết về ý nghĩa của sự lựa chọn này như sau:
 

“Bốn mươi ba năm chiêm nghiệm, ba tác phẩm, một chủ đề canh cánh, Chiến Tranh và Tình Yêu, Lê Lạc Giao với đức tánh cẩn trọng và thẩm sát của một nhân chứng cho chiến tranh và tình yêu, cùng với những chiêm nghiệm thậm thâm của Ông, chắc chắn sẽ đưa độc giả nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam từ một góc nhìn rất khác, từ trước tới nay.  Đó là góc nhìn độc lập, không chống đối, không hệ lụy của một Nhân Chứng sống sót sau cuộc chiến tàn khốc.  Khi bị ném vào bối cảnh của chiến tranh, thì sự chọn lựa quyết liệt nhất chính là sự lựa chọn làm nhân chứng hay nạn nhân của lịch sử.  Chính sự lựa chọn một cách dứt khoát này sẽ mang đến cho chúng ta một thái độ sống thích hợp trong chiến tranh. Vì sao? – Vì chỉ có làm nhân chứng của chiến tranh thì mới thấu hiểu được chiến tranh và có cơ hội vượt qua được những hệ lụy lâu dài của chiến tranh mang lại. Về mặt tác dụng và thái độ sống của từng con người, sự lựa chọn đó mang ý nghĩa rất to lớn:  Đó chính là sự lựa chọn giữa Tự Do và Nô Lệ!”
 

Giá trị của 18 tuyển tập truyện ngắn “Nụ Cười Buồn Mùa Hè” không nằm ở tình tiết éo le gay cấn của truyện kể mà ở những diễn biến nội tâm phức tạp và vô cùng sâu sắc của nhân vật chính. Cốt truyện chỉ là cái nền, nhưng chính trên cái nền của những mảng đời bình thường đó, những tư tưởng thâm sâu, những nhận định rất sắc bén về những vấn đề quan trọng nhất của kiếp nhân sinh được nhà văn Lê Lạc Giao đề cập đến một cách vô cùng khéo léo và tài tình. Bị ném vào bối cảnh lịch sử, bị thế lực vô hình của truyền thống xô giạt vào những định mệnh đời thường, những nhân vật chính trong các truyện ngắn đều có những tư duy trăn trở để tìm ra lối thoát riêng cho chính mình: Có khi là hội họa, là sáng tạo, là rượu, là bạn bè, hay tìm về nguồn cội của gia phả v.v...   
 

Xin dẫn ra đây một vài chủ đề chính mà tôi cảm nhận được khi đọc qua 18 truyện ngắn của anh Lê Lạc Giao:

(1)   Vấn đề của Tự Do và và Nô Lệ trong từng tư tưởng và vai trò thiết yếu của Tự Do trong sáng tác nghệ thuật.

(2)   Những hệ lụy lâu dài và đau xót của chiến tranh và phế tích của ký ức vẫn còn đè nặng trên tâm thức của người tham chiến.

(3)   Sự cô đơn và bất lực của con người qua những bối cảnh lịch sử khác nhau, cho dù là chiến tranh hay hòa bình với một nền công nghệ kỹ thuật phát triển vượt bực.

(4)   Quan niệm của sáng tác nghệ thuật và vai trò của người nghệ sĩ, trong từng bối cảnh lịch sử khác nhau.

(5)   Mối liên hệ sâu kín giữa Truyền Thống và Định Mệnh và sự khuếch tán của âm bản truyền thống trong định mệnh đời thường.

  

Những truyện ngắn của Lê Lạc Giao không những là những nét chấm phá nội tâm rất súc tích, gần gũi với đời thường mà còn mang nặng tính triết học và nhân văn rất cao.  Nhà văn Lê Lạc Giao cũng là một trong những sáng lập viên của nhóm nghiên cứu Triết Văn (với trang mạng tại địa chỉ: www.trietvan.com) quy tụ các nhà nghiên cứu Triết Học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và các thân hữu. 
 

Xuyên suốt trong các tác phẩm của nhà văn Lê Lạc Giao, chúng ta nhận thấy Lê Lạc Giao luôn canh cánh trong lòng những tư duy về ý nghĩa của cuộc chiến tranh và hệ lụy lâu dài của nó trong lịch sử dân tộc.  Và hơn thế nữa, với tâm trạng định tĩnh của một nhân chứng, Lê Lạc Giao còn cho chúng ta một “nhãn quan” mới mang đậm tính triết học thực dụng, một thứ triết học không qua sách vở giáo điều mà qua sự cẩn trọng thẩm sát và kinh nghiệm của tự thân. Chính triết học thực dụng này đã nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa truyền thống và định mệnh.  


 

Theo nhà văn Lê Lạc Giao thì: “Trên sân khấu đời, người ta có thể vừa tung hô truyền thống vừa nguyền rủa định mệnh mà không nhận ra định mệnh chỉ là hóa thân của truyền thống, cũng như nạn nhân cũng là một thứ âm bản của truyền thống.”
 

Theo chỗ tôi hiểu về ý nghĩa của nhận định rất sâu sắc của nhà văn Lê Lạc Giao một cách rộng rãi như sau:  Âm bản là một thứ phim có tác dụng “đổi trắng thành đen”, tác dụng của truyền thống trong xã hội cũng vậy, tuy bề mặt cạn cợt có vẻ thiện lành, nhưng tác dụng của nó phần nhiều chỉ làm con người đau khổ.  Khi âm bản truyền thống khuếch tán thành những định mệnh đời thường, nó diễn tiến một cách thầm lặng: nó len lỏi trong từng ngóc ngách của đời sống, từng suy nghĩ, từng hành vi của mỗi cá nhân. Truyền thống chảy vào tư duy của chúng ta dưới hình thức “sự thật hiển nhiên” nên nó ngăn cản tư duy đặt lại vấn đề từ đầu nguồn, và thế hệ này qua thế hệ khác con người làm khổ nhau nhân danh truyền thống.
 

Khi truyền thống không được cẩn trọng thẩm sát, không bị sàng lọc, hậu quả thật khôn lường. Áp lực của truyền thống phối hợp với thói quen kiêng nể, thói quen chịu đựng, thói quen nhẫn nhịn để tránh xung đột, để được yên thân, sẽ làm cho cá nhân tự đánh mất chính mình.  Nó biến người thành nộm, biến tự do thành nô lệ.
 

Nhìn từ khía cạnh này, truyền thống nếu được chấp nhận vô điều kiện và không bị cật vấn hay thẩm sát sẽ trở nên một thế lực vô hình, sẽ khuếch tán “âm bản” của nó vào những định mệnh đời thường.
 

Mười tám truyện ngắn trong tác phẩm “Nụ Cười Buồn Mùa Hè” là mười tám họa phẩm của những tâm hồn, những mảng đời bị xô giạt sau cuộc chiến của “Một Thời Điêu Linh”, là mười tám “âm bản” của truyền thống đã phân thân thành định mệnh đời thường, là mười tám nỗ lực của từng cá nhân để tìm lại chính mình, tìm lại ý nghĩa của đời sống. Tất cả chỉ nhắm tới MỘT mục đích duy nhất, tức là Tự Do.
 

Tự Do vừa là mục đích nhắm tới, vừa là điều kiện tiên quyết để cá nhân có thể tìm lại chính mình, vừa là một sự lựa chọn luôn luôn mở ra trong tâm thức con người trong từng phút từng giây.  Có khi Tự Do phải trả giá rất đắt: bằng sự cô độc tận cùng ngay trong đời sống này, hay là sự cô độc rốt ráo tuyệt đối của cái chết.  Bàng bạc trong các truyện ngắn của Anh Lê Lạc Giao, tôi nhận ra cái giá phải trả cho sự Tự Do của một cá nhân còn sống, còn hít thở: Sự Cô Đơn tận cùng dù là đang ở kề cạnh một cô gái đẹp mang tên Marcela, cùng với rượu và nhạc Jazz trong nightclub:
 

Rượu, nhạc và Marcela làm anh ngây ngất. Tiếng kèn như gào khóc một thời quá vãng. Những cảm xúc đột ngột hồi sinh, anh nghe trong vòng tay một hình thể yêu dấu một thời. Đó là thể xác, là khối vật chất nóng bỏng và khi anh siết vòng tay, khuôn mặt từ từ hiện ra trong vòm sáng. Từ đôi mắt nâu to thăm thẳm, anh thấy hiện lên cả nỗi tuyệt vọng và niềm hy vọng của mình. Anh còn thấy cả vũng tối khủng hoảng điên dại, câm nín, giam hãm mình trong bức tường cô quạnh thời gian. Có một nụ cười rạng rỡ, đằm thắm vực dậy cả một quê hương mà anh tưởng đã tan rã từ lâu. Anh thì thầm, “Marcela, anh thấy thiên đường trong đôi mắt em.” Nàng cười bằng ánh mắt và nói vào tai anh, “Em tin như thế, vì mắt anh đã mọc cánh.” (Marcela)
 

Hay là:

Anh nhìn góc phố tối đi vì một vầng mây đang trôi qua trên cao. Cuộc sống của anh cũng tối sáng như thế. Nỗi cô đơn không phút giây rời anh, cả trong lúc anh nghĩ rằng mình đang vui vẻ nhất. Xúc cảm trong tâm hồn như dòng sông xa nguồn không bao giờ trở lại, thì nỗi cô đơn kia dựng lên bao chướng ngại cản ngăn mọi ước muốn cần thiết cho một tương lai! (Quê Nhà của Kẻ Tha Hương)
 

Tự Do hay Nô Lệ, Tự Do hay là Chết, Nạn Nhân hay Nhân Chứng, Cô Đơn để là chính mình hay là hòa nhập để đánh mất chính mình.  Đó là những chọn lựa rất khó mà các nhân vật chính, sau khi bị ném vào bối cảnh lịch sử của cuộc chiến Việt Nam bị buộc phải chọn lựa cho chính mình.  Chính sự lựa chọn này mang lại ý nghĩa cuộc sống.
 

Nhà văn Lê Lạc Giao, với tinh thần tận tụy cống hiến cho nền triết văn, cho sự sáng tạo bền bỉ, đã tự mình lựa chọn cho chính mình.  Anh Lê Lạc Giao đã nhập vào vai chính của sân khấu đời này với vai diễn của một nhà văn, một người cầm bút chân chính, anh đã chọn làm Nhân Chứng của Lịch Sử, anh đã soi sáng mối liên hệ sâu kín giữa truyền thống và định mệnh, đã mô tả làm thế nào những âm bản truyền thống đã tự sao chép chính nó thành những định mệnh đời thường. Và hơn thế nữa anh đã cho chúng ta thấy cuộc chiến quan trọng nhất mà chúng ta ai cũng phải đối diện: Cuộc chiến chống lại các áp lực từ bên ngoài để được tự do là chính mình.  Cuộc chiến này phải dành được chiến thắng bằng mọi giá, thất bại sẽ là một đời sống nô lệ, cuộc chiến này phải trả giá đôi khi bằng trăm năm cô đơn vì nếu không thắng cuộc chiến nội tâm này, thì đời sống không có ý nghĩa gì. 

Xin trân trọng ghi lại đôi dòng cảm nhận này thay cho lòng tri ân của tôi đối với một người anh, một người bạn vong niên mà tôi rất kính trọng, một nhân cách tuyệt vời và những lựa chọn rất quyết liệt mà anh đã can đảm thực hiện bao nhiêu năm qua, để sáng tạo bền bỉ và cống hiến cho người đọc. Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Nụ Cười Buồn Mùa Hè” của nhà văn Lê Lạc Giao đến quý độc giả gần xa.

Tô Đăng Khoa



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Rất là gian nan để có sách tiếng Anh lưu hành trên thị trường văn học tiếng Anh. Sẽ rất là gian nan khi được người sáng lập và điều hành mạng âm nhạc Spotify phỏng vấn và đón nhận một ca khúc đơn vào mạng này. Và giọng ca của cô Nguyệt Lãm, với nghệ danh là Milly Mercury, đã chinh phục bà Rebecca Cullen, Chủ Biên mạng âm nhạc Spotify, như một tài năng mới đầy hứa hẹn. Những thành công sơ khởi khi vượt qua gian nan đã là niềm vui cho cô bé Nguyệt Lãm, người liên tục trong 5 năm qua đã vừa đi học, vừa đi làm, vừa sáng tác nhạc, và vừa viết sách. Đó là chặng đường gian nan khi cô bé Nguyệt Lãm tự khám phá bản thân để trở thành Milly Mercury. Chỉ mới vài ngày trước, vào ngày 12/6/2021, vài ngày trước khi tiểu bang California gỡ nhiều hạn chế đại dịch, mạng Amazon bắt đầu lưu hành tác phẩm văn học thiếu nhi, nhan đề “Beethoven The Bear” của tác giả Milly Mercury, bút hiệu của cô Nguyệt Lãm, con gái của nhạc sĩ Trần Duy Đức và ca sĩ Nguyệt Hạnh. Chỗ này cũng nên mở ngoặc cho các độc giả
“Tập sách cái cười & sự lãng quên” tự gọi là một cuốn tiểu thuyết, mặc dù nó là một phần truyện thần tiên, một phần phê bình, một phần chính luận, một phần nhạc học, một phần tự truyện. Nó có thể gọi bất kỳ cái gì nó muốn, bởi tổng thể cuốn sách là một thiên tài. – John Leonard, New York Times
Nền văn hóa trí tuệ được đầu tư bởi nhiều chất xám, của nhiều cây bút gạo cội, của nhiều tấm lòng ưu tư về nhiều thế hệ mai sau, để nuôi lớn những gì đang cần nuôi lớn, để duy trì, tiếp nối cái truyền thống của Cha Ông. “Phật Việt” ở giữa lòng “Tộc Việt.”
Thực ra, thể thức “văn dĩ tải đạo” ấy, đến một mức độ nào đó sẽ phải đương đầu với tình trạng bế tắc không có lối thoát! Đó chính là sự bế tắc của ngôn ngữ như là phương tiện chuyên chở đạo lý. Bởi vì, đạo lý trong ý nghĩa bản thể luận hay siêu hình học có thể là chân lý cao siêu vi diệu vượt ngoài mọi diễn đạt của danh ngôn. Nếu phương tiện chuyên chở nó không phải là thứ phương tiện thiện xảo tối hảo có khả tính tự vượt mọi biên tế thì không thể nào làm tròn được sứ mệnh khó khăn tột cùng mà phương tiện bình thường có thể đảm đang.Thực tế, cũng giống như văn học tổng quát, người ta khó có thể đưa ra một định nghĩa chắc nịch hay một tiêu chuẩn cố định như thế nào đó về nghệ thuật ngôn ngữ. Nhưng có điều chắc chắn là bất cứ người nào đã từng kinh nghiệm qua việc thưởng lãm văn học cũng có thể cảm nhận ra được một cách minh nhiên hương vị của nghệ thuật ngôn ngữ khi thưởng thức một tác phẩm văn học mà trong đó ngôn ngữ đã thật sự trở thành nghệ thuật đúng nghĩa.
Thế giới giờ này người né người! / Ngồi trên xe bus gắn máy lạnh, hoặc xe bò cọc cạch lăn bánh, / người ngồi xa người, khoảng cách an toàn, một thước rưỡi. / Anh xa tôi! Tôi xa em! Ta xa nhau! Đúng 2 thước. / Giờ này đôi ta hôn nhau nụ hôn gió qua khẩu trang! / Ai đó lỡ miệng ách-xì một, hoặc hai tiếng, hoặc một tràng; / Hết rồi những ánh mắt ái ngại, / những lời nói cảm thông, “God bless,” hoặc “Trời, Phật, Chúa chữa!”
Nhà giáo và nhà văn Bill Martin Jr. nhìn thấy hình con tôm hùm đỏ mà Carle đã vẽ cho một quảng cáo và đề nghị ông ấy cộng tác trong cuốn sách có hình minh họa. Cuốn sách thiếu nhi có hình minh họa “Brown Bear, Brown Bear, What Do You See?” được công ty Henry Holt & Co. xuất bản vào năm 1967 và trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Sự nghiệp của Carle đã bắt đầu như thế như là một họa sĩ vẽ minh họa, và ngay sau đó ông đã viết và vẽ minh họa cho các câu chuyện của chính ông.
Bác sĩ Ngô Thế Vinh từ lâu đã quan tâm sâu xa tới các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ông đã thu thập một khối lượng dữ kiện quý giá liên quan tới con sông Mekong dài hơn 4.800 km bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng chảy ra tới Biển Đông. Rất nhiều bài viết tâm huyết của ông đã cung cấp cho bạn đọc trong nước Việt Nam cũng như ở hải ngoại những thông tin hữu ích về chuỗi các con đập thủy điện khổng lồ Vân Nam cùng với những ảnh hưởng tác hại ra sao trên đời sống của bao nhiêu triệu cư dân ven sông.
Đâu khoảng tám, chín tuổi, lần đầu tiên tôi thực sự "chạm mặt" với sương mù. Thủ Đức, thuở đó, tháng mười hai, sương mù bảng lảng không phải là chuyện hiếm, càng gợi hứng cho chúng tôi rủ nhau chơi năm-mười giữa vườn cây dầu, phân cách ngôi trường và khu đệ tử viện Lasan. Tìm, nhận ra nhau thật khó giữa những thân cây, bóng người mập mờ ẩn-hiện.
Thiên hạ mơ màng với tương lai, vật vã cùng hiện tại và triền miên nâng niu hàng tỉ điều của quá khứ. Dù là những buồn vui hay khổ đau, dịu dàng hay gay gắt.... Đọc Đặng Mai Lan, chị như đặt hết những nỗi niềm, những vương vấn của quá khứ trong tấm hình ngày xưa, mờ và nhỏ xíu. Đặng Mai Lan đã nhắc giùm chúng ta, độc giả, về những điều không thể lãng quên. – Lê Chiều Giang
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.