Hôm nay,  

Cao Mỵ Nhân – Người “Đi Xé Thiên Đàng”

13/11/202015:27:00(Xem: 4425)

A person in a uniform

Description automatically generated

Cao Mỵ Nhân, nhà thơ gốc lính, hình chụp 1975


Trong bài trước, khi viết cảm nhận cho thi tập “Xướng Họa Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ,” vì thời gian có hạn, nên tôi chưa kể hết về Cao Mỵ Nhân (CMN) nhà thơ tiền bối mà tôi hằng kính trọng và khâm phục.  Sau khi gửi bài đăng, đọc lại tôi cứ cảm thấy còn thiêu thiếu chút gì.  Nhưng rồi dịp may đã đến. Chỉ sau 6 tháng phát hành, thi tập “Xướng Họa Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ” đã được độc giả khắp nơi đón nhận, và hiện đang được tái bản vào tháng 11, 2020 này.  Giữa thời buổi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, ngày càng có ít người thích cầm một quyển sách in “bằng xương bằng thịt…giấy” để đọc, thì chuyện tái bản tập thơ trong một thời gian ngắn-rất-ngắn như thế này có thể nói là một “kỳ tích” của hai nhà thơ Cao Mỵ Nhân &
Trịnh Cơ.  Nhờ vậy tôi lại được dịp viết tiếp để bổ sung thêm cho những gì còn thiếu của lần trước.

Lần đó, vì là tập thơ chung của hai tác giả, nên tôi chưa có dịp giới thiệu kỹ riêng về một bài thơ của thi sĩ Cao Mỵ Nhân, bài thơ tôi thích nhất trong những bài thơ của chị trong toàn tuyển tập.  Đó là bài “Mảnh Trăng Thơ.”  

Mảnh Trăng Thơ

Từ lâu, để mực đọng nghiên vàng

Bút cũng âm thầm ngại điểm trang

Một nét ngọc phai thành lạc điệu

Bao lời châu nhạt lỡ tan hàng

Dẫu xuân còn đứng chờ hoa nở

Hay hạ đang ngồi đợi nắng sang

Thì cứ cùng thơ vui đối bóng

Theo trăng đi xé nửa thiên đàng.


Cao Mỵ Nhân (Thơ Xướng Họa - Trịnh Cơ & Cao Mỵ Nhân, Tr.72)


blank

Nhà thơ Cao Mỵ Nhân – (ảnh mới nhất)

Ở đây tôi không dám lạm bàn về luật lệ của bài Đường thi này, vì sẽ bị thừa, vì tất nhiên là luật lệ bài thơ rất chỉnh đốn rồi. Tôi chỉ nói đến cái hồn và chữ nghĩa của bài thơ. Cái hồn thơ man mác quyện theo từng dòng thơ chứa đựng từ ngữ mượt mà như lụa, óng ánh như tơ, long lanh như sương mai đã khiến cho tôi như bị… hớp hồn khi đọc. Kính mời quý vị hãy cùng thưởng thức hai câu mở đầu :

“Từ lâu, để mực đọng nghiên vàng

Bút cũng âm thầm ngại điểm trang”


Cái hớp hồn, cái tuyệt mỹ ở đây, là nhà thơ đã nhân cách hóa, cho ẩn dụ một cách tài tình, bút là mỹ nhân, vì âu sầu, vì cô đơn, mà không chịu điểm trang để cho hoa dung tàn tạ. Và người ta có thể… đổ thừa ngay, thủ phạm đã khiến cho nàng “ngại điểm trang” là cái kẻ đã nhẫn tâm bỏ mực đọng bơ vơ trong nghiên vàng. 


Khi tôi hỏi ý tưởng từ đâu mà chị hình thành hai câu mở của bài thơ đặc sắc này, chị CMN cười cười, “Chị lấy ý từ câu thơ của một người bạn (ngập ngừng)…chí thiết.”  Là một “chàng guy” sao? Tôi hỏi đùa. Chị cười lớn hơn, nhưng không xác nhận cũng không phủ nhận.  Quả là một sự ví von tuyệt hảo trong hai câu thơ mở đầu. Ý lời thanh tao, thâm thúy, làm cho người đọc cảm nhận ngay, nghe ra ngay, đâu đây tiếng than xé lòng của kẻ đợi chờ trong nỗi cô đơn. 


Đến hai vế đối của hai câu thực (3-4) cũng quá đẹp. Đối rất chỉnh, điều mà nhóm xướng họa chúng tôi thường nói vui là “đối sát rạt,” nhưng cái đẹp ở đây là cách dùng chữ rất ư khéo léo, nếu không nói là tinh xảo, “Một nét ngọc phai” đã hòa hiệp với “Bao lời châu nhạt” tạo cho người đọc cái cảm giác rưng rưng, tiếc ngọc thương hương khi tưởng tượng ra cái cảnh nàng thơ đang héo úa, nhỏ lệ đợi chờ hình bóng tha nhân.


“Một nét ngọc phai thành lạc điệu

Bao lời châu nhạt lỡ tan hàng”


Độc đáo hơn, ở hai câu luận (5-6) nữ sĩ đã dùng phép đối “Lưu Thủy” - ý câu sau tiếp nối cùng câu trước như nước chảy- để bày tỏ tấm lòng “kiên gan cùng tuế nguyệt” của sự đợi chờ, chờ đợi từ lúc xuân còn đứng chờ hoa nở mãi tới khi hạ ngồi đợi nắng sang, nghĩa là chờ đợi trường kỳ.


“Dẫu xuân còn đứng chờ hoa nở

Hay hạ đang ngồi đợi nắng sang”

Viết tới đây, tôi phải…nín thở một chút, vì sắp đọc tới hai câu kết. Sự độc đáo của hai câu thơ

 kết đã khiến cho tôi “mê mẩn tâm thần” khi lần đầu tiên được đọc, và hiện tại chúng vẫn còn …bảng lảng trong tôi.  Xin trích lại vài câu trong bài viết trước, “Hai câu kết này đã làm tăng thêm phần đặc sắc cho bài thơ. Bơ vơ thì mặc bơ vơ, tác giả tự nhủ, ta hãy cứ vui, cứ đối bóng với thơ, để rồi còn tìm cách bay theo trăng đi xé nửa cái thiên đàng đã mất. Tự cổ chí kim, chỉ mới có Thi Tiên Lý Bạch đời Đường bên Tàu nhảy xuống sông để vớt trăng lên, giờ đây lại có thi nữ Việt là Cao Mỵ Nhân đòi theo trăng đi xé nửa thiên đàng, lại càng là chuyện “không tưởng” hơn ngài Lý Bạch nữa. Những suy nghĩ lý thú và ngoạn mục như vậy chỉ có những nhà thơ “siêu việt” mới tính làm, hoặc nghĩ ra mà thôi.”(Trích trong bài “Thi tập Thơ Xướng Họa Cao Mỵ Nhân &Trịnh Cơ.”VB). Hai câu kết này đã khiến người đọc phải ngẩn ngơ:


“Thì cứ cùng thơ vui đối bóng

Theo trăng đi xé nửa thiên đàng.”


Do cảm xúc trào dâng không kềm nén được, tôi ráng ngồi “nặn óc bứt tai” mày mò họa lại bài “Mảnh Trăng Thơ.” Dù vẫn biết “Gà đâu thể nào sánh với phụng,” hay “Cóc làm sao dám đọ thiên nga,” nhưng nếu không họa bài thơ này thì có lẽ tôi sẽ… ngủ không yên. Và đã họa rồi thì cũng xin mạo muội đưa ra đây trình làng, kính mong nữ thi sĩ CMN và quý vị thi sĩ trưởng bối lượng thứ cho sự “bạo phổi” và “múa rìu qua mắt thợ” này, nếu bài họa có chỗ nào không ổn. Kính xin đa tạ.


Tìm Nẻo Địa Đàng

(Kính họa nguyên vận bài Mảnh Trăng Thơ)


Mỹ tửu hương bay nhạt chén vàng

Bên lầu dã dượi nét đài trang

Bờ vai gió tạt sương chườm tóc 

Ánh mắt sầu vương lệ đẫm hàng

Bởi khóm phượng tàn xua hạ trưởng 

Nên vườn cúc rũ đuổi thu sang

Thương manh hồn lạc đang tìm lối

Thơ cõng trăng soi nẻo địa đàng

Phương Hoa – Tháng 11/2020

Đâu phải chỉ có mình người viết chủ quan khen ngợi thơ chị CMN và anh Trịnh Cơ. Khi Thi tập “THƠ XƯỚNG HỌA - CAO MỴ NHÂN & TRỊNH CƠ” xuất bản lần đầu, các diễn đàn thơ văn bằng hữu chúng tôi như nhộn nhịp hẳn lên.  Bài cảm nhận lần trước tôi viết sau khi đăng trên Việt Báo, rồi chia sẻ link và bài lên các diễn đàn Đường Thi xướng họa, Minh Châu Trời Đông, FaceBook, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại VĐB Hoa Kỳ, và bạn bè thân hữu, thì tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Sau khi mua và đọc Thi Tập nhiều người đã làm thơ, viết nhận xét, và những đoản văn ngợi khen ủng hộ hai tác giả, cùng nhiều lời chúc mừng gửi tới nhờ tôi chuyển đến hai thi nhân, nhiều đến nỗi tôi chuyển không kịp.  

Thực ra thì Cao Mỵ Nhân, vị nữ sĩ gốc quân nhân của quân đội VNCH, không phải chỉ có tài làm thơ. Văn tài của chị đã lộ rõ từ rất sớm, khi chị còn là “cô bé Bắc Kỳ” sống cùng gia đình ở Hải Phòng. Có lần, tôi hỏi tác phẩm đầu tiên của chị là gì, chị bật cười vẻ đầy thích thú:

  • Trời đất! Sao em lại hỏi cái câu y chang như câu hỏi của Thiếu Tướng Hoàng Văn Lạc ngày xưa quá vậy! Đó là lần đầu tiên chị lên trình diện, ông tướng đã hỏi chị bài viết đầu tiên là gì và bài cuối cùng là gì.

Tôi cũng cười vui vì tôi có đọc biết về tướng Hoàng Văn Lạc là vị tướng nổi tiếng, là Tư Lệnh phó lãnh thổ Quân đoàn I, Quân khu 1, VNCH xưa. Chị CMN kể, khi chị trả lời bài viết đầu tiên là bài “Sự Tích Trời Cao,” còn bài cuối thì chị không thể trả lời, ông thiếu tướng đã trợn mắt nhìn, tưởng chị dám “giỡn mặt” với ông.  Và khi chị giải thích, vì vẫn đang còn mãi tiếp tục viết nên không biết bài cuối cùng là bài nào để trả lời ông, thì ông cười xòa.

Mà đúng thật vậy. Chị Cao Mỵ nhân làm sao trả lời ông tướng bài viết cuối là bài nào, vì hiện tại sau hơn năm mươi năm kể từ ngày ông tướng hỏi, chị vẫn còn tiếp tục viết văn và làm thơ, hồn thơ vẫn còn lai láng.  Chị có mặt trong vườn thơ xướng họa hầu như mỗi ngày, đăng thơ lên các trang web liền tay, và xuất bản sách liên tục.  Câu hỏi vui của ông tướng, và câu trả lời dí dỏm của chị đã làm tôi thích thú, và vui suốt buổi vì cuộc trò chuyện tiếp theo sau đó với chị.

Ông cụ thân sinh chị CMN ngày xưa là kỹ sư công chánh, cụ làm giám đốc sở điện nước Chapa, nay là Sapa, “điểm nóng” du lịch của Việt Nam, nên chị được sinh ra ở Chapa. Có lẽ nhờ vùng đất “địa linh” phong cảnh đẹp xinh, non nước hữu tình nên đã tạo ra một “nhân kiệt” là người nữ anh hùng với hồn thơ lai láng.  Tuổi thiếu niên, chị học tại trường Tiểu Học Lệ Hải ở thành phố Hải Phòng. 13 tuổi, chị CMN đã là một cây bút cổ tích của Hải Phòng.  Như người viết vẫn thường nhắc đến trong các bài khác, theo những nhà nghiên cứu giáo dục nhi đồng, sự rèn luyện dạy dỗ các em trong tuổi ấu thơ của phụ huynh rất là quan trọng. Nếu người lớn thường xuyên kể chuyện và đọc sách cho bé nghe, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vốn liếng chữ nghĩa và sở thích viết văn của các em về sau khi lớn lên. Điều này xem ra rất đúng trong trường hợp nữ sĩ CMN. Chị kể, người chị cả của chị là Cao Thy Nhân rất có tài kể chuyện đời xưa. Chị ấy thường kể mỗi đêm cho các em nghe những chuyện cổ tích do chính chị ấy nghĩ ra. Nên nhờ đó cái thú yêu thích văn chương, yêu truyện đã hình thành trong chị CMN ngay từ nhỏ. 

Tôi càng nghe càng thán phục. Bài viết đầu tiên “Sự Tích Trời Cao” của chị CMN được báo Liên Hiệp tại Hà Nội đăng ngày 27 tháng 3 năm 1953. Một cô bé mới học Đệ Thất (lớp 6 bây giờ), mà đã biết viết tay câu chuyện cổ tích do chính mình nghĩ ra, rồi ghi địa chỉ tòa soạn đọc được trong tờ tạp chí và một mình đến bưu điện gửi bài đi. Sau đó thì nhiều bài viết của chị xuất hiện trên báo Tia Sáng, và ông chủ bút tờ báo Giang Sơn Hà Nội là Mộc Đình Nhân liên lạc mời chị tham gia coi mục Trang Nhi Đồng cho tờ báo. Mỗi thứ Tư hàng tuần chị đều có bài đăng ở mục này. Đây quả là một kỷ lục thành công trong văn nghiệp rất hiếm hoi cho giới cầm bút… “nhí” mà từ trước tới giờ tôi mới được nghe.

  • Vậy thì, chị bắt đầu “khởi nghiệp” viết lách là viết văn xuôi, tôi thích thú hỏi.  – nhưng vì nguyên do đặc biệt nào mà từ viết văn chị chuyển sang làm thơ và trở thành một nhà thơ độc đáo như bây giờ?


  • Chị bắt đầu viết văn là khi còn ở ngoài Hà Nội. Sau này di cư  vô Nam, chị đọc tờ báo Phụ Nữ Diễn Đàn và yêu thích những bài thơ hay trong đó, thế là chị bắt đầu làm thơ.  Chị CMN nhớ lại.  – Tập thơ tình đầu tiên của chị, “Thơ Mỵ” do nhà văn Thế Phong chủ trương, Nhà Xuất Bản và Phát Hành Đại Nam Văn Hiến, Sài Gòn, in năm 1961.  Rồi chị cười: – Mà thời đó làm gì có máy in “ngon lành” như bây giờ, nên họ “in” bằng cách quay roneo, vậy là tập “Thơ Mỵ” của chị được xuất bản theo cách đó. Và tuy chữ nghĩa quay roneo…mờ mờ ảo ảo như vậy, mà nó cũng được đón nhận thật nhiệt tình, với 200 cuốn, không biếu, tặng, chi cả, và đã bán hết sạch trong hai tuần lễ đầu.  Sau 30/04/1975, chị tình cờ gặp một tập “Thơ Mỵ” của chị bán “son” ở lề đường Sài Gòn, trên trang đầu có dòng chữ viết lớn bằng mực tím: “Dùng làm sính lễ” và dưới ký tên thật rõ ràng: THÀNH TÔN.


  • Chao ơi! Tôi thích thú kêu lên. Tuyệt quá! Người tân lang này quả là một chàng trai lãng mạn! Dùng một tập thơ tình để làm sính lễ! Dễ thương chi lạ. Đúng là chuyện rất hiếm khi nghe, nhưng có thể đoán được thơ của chị Mỵ hay và lãng mạn tới cỡ nào! 

Chị lặng thinh một lúc, có lẽ đang nhớ về thời cũ. Rồi chị kể tiếp, khi thấy tập thơ đó chị rất xúc động nên mua về và đem cất giấu kỹ, sau đó quên luôn. Và rồi tập thơ tình huyền thoại “Thơ Mỵ,” món quà sính lễ dễ thương đó, không biết nhân duyên đưa đẩy, lưu lạc thế nào, lại được một người bạn thân của chị mua lại, rồi về sau mang qua Mỹ tặng cho chị. Chị kể với giọng đầy xúc động.

Tôi cũng rất cảm động, nếu tôi là chị chắc tôi sẽ…khóc, khi thấy tập thơ đầu tay của mình, một tập thơ quay roneo, được dùng làm quà sính lễ, mà trải qua bao bể dâu dời đổi, cuối cùng mấy chục năm sau lại có thể đi tới nửa vòng trái đất để “hiệp phố” cùng tác giả, mà vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chợt lẩn thẩn nghĩ, không biết sau năm, sáu, chục năm từ ngày ấy, mối lương duyên của chàng tân lang tên Thành Tôn lãng mạn đã nộp sính lễ cho tân nương bằng tập thơ tình này, có còn keo sơn vững chắc như tập thơ không nhỉ. Và tôi cũng thầm nghĩ, một ngày nào đó tôi sẽ “xúi” chị CMN tái bản tập thơ “có lịch sử oai hùng” và đầy kỷ niệm này mới được. 

Hỏi chị về chuyện bắt đầu làm thơ từ năm nào, tôi thực sự…hết hồn khi biết thời gian làm thơ của chị cũng “ngang ngửa” bằng với tuổi đời của tôi, với trên mười mấy nghìn bài thơ các loại.  Vậy mà mỗi lần tôi gọi là tiền bối đều bị chị la, bắt gọi là “chị Mỵ” để cho thêm phần thân mật.  Tôi nghĩ có gọi chị là tiền bối cũng xứng thôi.  Bởi vì chị cùng thời và là bạn với các nhà văn nhà thơ tiền bối trước kia, như Viên Linh, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Du Tử Lê, và nhiều nhà văn nổi tiếng khác… họ đã là nhà thơ nhà văn thành danh từ khi tôi còn…núp tận đẩu đâu trong bụng mẹ. Chị CMN còn quen biết, hay là biết rõ, hầu hết các vị văn thi sĩ nổi danh thời trước 1975, và trước xa hơn nữa, như gia đình và những hậu duệ còn lại của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Trong những câu chuyện đổi trao, chị thường nói với tôi, “Là người làm văn học, em phải biết hết những nhà văn nhà thơ tiếng tăm trong giới văn học Việt, đọc các tác phẩm của họ, để học hỏi những cái hay cái đẹp của họ để học hỏi, và cả những cái “không hay” để tránh phải giẫm chân theo. Đây là những lời khuyên rất chí tình mà tôi ghi tâm khắc cốt.

Về nguyên do nào một nhà văn nhà thơ ủy mị, ướt át, diễm tình, như chị lại vào lính, chị CMN đã kể tôi nghe nhiều chuyện về cuộc đời chị thật ly kỳ. Chị từng là một Hướng Đạo sinh được đào tạo lòng yêu nước mạnh mẽ, luôn tuân thủ những kỷ luật sắc bén của Hướng Đạo, cộng thêm những năm học Trưng Vương thường đi tiền đồn ủy lạo chiến sĩ, từng học chuyên nghiệp Cán sự Xã Hội tại Centre Caritas Saigon…và thường thực hiện nhiều công tác nhân đạo xã hội. Nhưng điều hấp dẫn chị sau cùng là cái oai phong của bà Đại Tá Trần Cẩm Hương, Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân Quân Lực VNCH, là vợ ông kỹ sư Mai Thanh Tòng bạn của ba chị. 

Năm 1975, trước khi miền Nam bị mất, nhà thơ CMN đã là một thiếu tá trưởng phòng xã hội, thuộc Quân đoàn I, Quân khu I, dưới quyền của Trung tướng Ngô Quang Trưởng. Chị rất kính nể và khâm phục tướng Trưởng, khâm phục cái tính cương trực, ngay thẳng, và rất thanh liêm của ông. “Tại vì là cấp dưới của tướng Trưởng mà chị…nghèo đó em,” chị đùa như thế. Tôi hỏi nguyên do chị mới kể, tướng Trưởng thường dặn chị, tiêu chuẩn chính phủ cho thứ gì thì dùng thứ ấy, đừng nên chèo kéo, xin xỏ hay “mánh mung” chỗ này chỗ kia để kiếm thêm. 

Tôi nghe mà cũng khâm phục đức thanh liêm của Tướng NQ Trưởng vô cùng, bèn kể với chị, hồi tháng Ba năm ngoái, 2019, tôi bay qua Washington DC dự đại hội Văn Bút VNHN VĐBHK, tôi có gặp và chào hỏi vị phu nhân xinh đẹp và hiền thục của cố Trung tướng NQ Tưởng tại đại hội Văn Bút, và hỏi chị có từng gặp lại tướng Trưởng ở Hoa kỳ hay không.

A group of people posing for the camera

Description automatically generated

Từ trái: Bà Nguyễn Tường Nhung, phu nhân tướng Trưởng, nhà thơ Cao Mỵ Nhân, tướng Ngô Quang Trưởng, đại tá Nguyễn Hữu Bầu, cựu chánh văn phòng của đại tướng Cao Văn Viên (hình do nhà thơ CMN cung cấp)

Chị cho biết, sau khi Qua Mỹ chị có gặp lại tướng Trưởng cùng phu nhân, bà Nguyễn Tường Nhung, ái nữ của cố văn sĩ Thạch Lam của Tự Lực Văn Đoàn, năm 2003, khi chị qua Virginia dự họp mặt cựu học sinh Trưng Vương, và sau đó ra mắt sách “Chốn Bụi Hồng” của chị. “Thầy trò” mừng rỡ, vui vẻ chuyện trò, nhưng giờ thì người đã đi rồi, chị CMN nói với vẻ buồn buồn.

Cũng vì cái “gốc lính,” cũng vì là một nữ sĩ quan cấp Tá của VNCH, mà sau 1975 chị Cao Mỵ Nhân dù thân nhi nữ cũng phải ở tù 3 năm, cộng thêm 2 năm làm việc ở nông trường. Nhưng nhờ vào tinh thần kiên cường do quân đội tôi luyện mà chị đã tồn tại, và hồn thơ của chị lại tiếp tục vươn cao bay xa.

Sau cùng, tôi xin phép được trở lại với tuyển tập “Thơ Xướng Họa Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ.” Lần tái bản này, tập thơ đã được sửa chữa rất kỹ càng, rất hoàn hảo. Ngoài việc bổ sung thêm nhiều thông tin, hiệu đính lại, đặc biệt hơn, tập thơ còn có thêm nhiều họa phẩm tuyệt đẹp của họa sĩ Đinh Trường Chinh, quý tử của “lão họa sĩ” nổi tiếng Đinh Cường. Thêm vào đó, thi tập còn in thêm những bài cảm nhận đầy thú vị của các nhà thơ trẻ thuộc “thế hệ đàn em” của nhị vị thi sĩ Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ mà quý độc giả sẽ được đọc trong lần tái bản này.

Kính chúc mừng sự thành công của nhị vị thi sĩ Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ.

Xin trân trọng kính giới thiệu một lần nữa tới quý độc giả, Thi Tập “THƠ XƯỚNG HỌA - CAO MỴ NHÂN & TRỊNH CƠ.


blank

Muốn mua sách Xin Liên lạc Tác giả:

Trịnh cơ - Cao Mỵ Nhân

trinhco@gmail.com

caomynhan91@yahoo.com


Liên lạc Nhà xuất bản:

Nhân Ảnh

han.le3359@gmail.com

(408) 722-5626


Phương Hoa



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng quốc tế với những tác phẩm văn học bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc thời Cộng sản đã khiến ông phải sống cuộc đời lưu vong từ năm 1975, vừa qua đời ở Paris. Ông thọ 94 tuổi...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với ông Hoàng Hưng, cựu giáo viên trung học môn Văn, nhà thơ, dịch giả từ miền Bắc, và ông Lê Nguyễn, nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, cựu Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách Phát triển Kinh tế dưới chế độ VNCH, từ miền Nam...
Anh tặng em mùi máu / Trên áo trận sa trường / Máu anh và máu địch / Xin em cùng xót thương... (Thơ TMT).
Lớp tuổi của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước, được cắp sách đi học đến bậc trung học, chắc có lẽ ai ai cũng biết đến ông, nhà văn Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, nhà hoạt động cách mạng và chính trị Nguyễn Tường Tam. Hình ảnh của ông là biểu tượng cho một ước vọng tuổi trẻ – tuổi thanh niên lúc bấy giờ:..
Kể từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, những vùng đất quân Nga xâm chiếm đã xảy ra những thảm cảnh vô cùng bi đát như cướp của, hãm hiếp phụ nữ rất man rợ! Những hình ảnh đó được loan tải trên hệ thống truyền thông, hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án sự tàn ác, vô luân của quân Nga. Nhân đây, đề cập đến tác phẩm Giờ Thứ 25, cách đây hơn bảy thập niên, nhà văn Virgil Gheorghiu đã mô tả thú tính xác thịt của bọn quân xâm lược hãm hiếp phụ nữ thời đó và hiện nay man rợ như nhau...
Sáng thứ bảy, 3 tháng 6, thành phố Santa Ana còn trong tinh sương, các thiện nguyện viên trẻ của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA đã lăng xăng bận rộn chuẩn bị cho chương trình hội luận khai mạc VietBookFest, Hội Chợ Sách đầu tiên giới thiệu sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả gốc Việt, và đây cũng là hội chợ sách Việt có tầm vóc đầu tiên tại Hoa Kỳ, một ngày "festive" với nhiều sinh hoạt chữ nghĩa từ sáng đến chiều, bao gồm hội luận buổi sáng, chợ sách buổi trưa, và chương trình đọc thơ và trình diễn nhạc buổi chiều.
Chúng ta hàng ngày đọc tin thời sự, dễ dàng nhìn về thế giới Hồi giáo dường như đầy những bạo lực, và nhìn về một quốc gia Iran như một tuyến đầu tua tủa những dàn phóng phi đạn hướng về thế giới tự do. Chúng ta cũng từng thấy các chính phủ Hồi giáo theo các hệ phái khác nhau đã kình nhau, thậm chí trong một nước, như Iraq, cùng từng sinh khởi nội chiến. Tuy nhiên, vẫn có một Hồi giáo khác, một Hồi giáo rất mực hòa bình, một hệ phái ít được báo chí hàng ngày tường thuật chỉ vì họ không gây ra các biến cố hung hăng nào. Đó là Hồi giáo Sufi, một khuynh hướng rất mực thần bí có từ nhiều thế kỷ qua, và là nơi rất mực thơ mộng của Hồi giáo: một nơi của những dòng chữ về vẻ đẹp của sa mạc, của tịch lặng, của yêu thương. Các tác phẩm văn học Sufi ghi trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nội dung tư tưởng thần bí của Hồi giáo Sufi. Khuynh hướng này trong tiếng Anh gọi tắt là Sufism
Nhiều năm trước, tôi có tham dự buổi ra mắt tác phẩm Mouring Headband For Hue của nhà văn Nhã Ca tại Toronto. Nghe danh Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã lâu từ trong nước mãi đến nay tôi mới gặp cả hai ông bà. Mouring Headband For Hue do giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học Texas A&M University chuyển ngữ từ tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, tập hồi ký của Nhã Ca in tại Sài Gòn 1969, được Giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970...
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.