Hôm nay,  

Ký Ức Bị Cấm: Cách Mạng Văn Hóa Ở Tây Tạng

13/10/202017:19:00(Xem: 2708)

 

Woeser
Nhà văn, nhà thơ Tsering Woeser.(www.rfa.org)

 

Giới Thiệu

 

Dường như mỗi việc có thời của nó và phải chờ đến ngày giờ đã định thì mới tới, không thể thúc hối sớm hơn được. Ta có một thời để yêu và một thời để chết, và đầu thế kỷ này là thời mà một biến cố của thế kỷ trước tưởng đã bị chôn vùi khuất lấp, tình cờ hồi sinh mạnh mẽ, sự thật được lộ ra ánh sáng mặt trời và không sao bị che dấu được nữa.

Từ trước tới nay gần như  không có hình ảnh nào về cuộc Cách Mạng Văn Hóa ở Tây Tạng được trưng ra, do tình cờ, cô Tsering Woeser, con gái một quân nhân trong quân đội Giải Phóng Nhân Dân của Trung Cộng ở Tây Tạng, tìm thấy nhiều hình ảnh về biến cố này do cha cô chụp, cất dưới đáy một hộp, nằm đó bao năm chờ được cô khám phá, và dùng chúng như là manh mối để hiểu về lịch sử Tây Tạng, sinh ra kết quả là sách tên Forbidden Memory: The Cultural Revolution in Tibet phát hành lần đầu năm 2006 và có ấn bản mới năm 2016.

Kết quả khác là tuy trưởng thành trong hệ thống giáo dục của CS Trung Hoa, nói tiếng Hoa và không biết nói Tạng ngữ, những tấm hình này khiến cô bị thúc đẩy quay về gốc của mình và trở thành nhà tranh đấu cho Tây Tạng bên trong Hoa Lục. Hệ quả là cô bị mất việc làm, bị công an theo dõi, gây khó khăn mà không nản chí. Giới truyền thông tây phương gọi cô và những người đồng chí hướng là ‘sử gia lén lút - secret historians’ của Trung Hoa, cố gắng đi tìm sự thật và giữ gìn lịch sử hoặc là văn bản, phim ảnh, tranh vẽ, hay khẩu truyền trước khi nó bị mai một, thủ tiêu, che dấu; giản dị chỉ vì đây là sự thật và lịch sử bị cấm ở Trung Cộng.  Thí dụ gần đây nhất là biến cố Thiên An Môn.

Sự tranh đấu kiên trì nhiều năm của cô khiến Đệ nhất Phu Nhân Michelle Obama của Hoa Kỳ và Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry trao tặng cô giải International Women of Courage Award ngày 8 tháng Ba năm 2013, mà khiếm diện. Cô đang bị quản thúc tại gia lúc ấy ở Beijing, và chính quyền không cấp sổ thông hành cho cô để sang Hoa Kỳ nhận giải. Chuyện không có gì lạ, vì chính quyền Trung Cộng có chính sách không cấp sổ thông hành cho người Tây Tạng, để ngăn cầm họ ra ngoại quốc và gặp đức Dalai Lama. Sự kỳ thị cho hệ quả còn hơn thế nữa. Trong khi người Hoa được phép du lịch, con cái họ du học ở tây phương và khi trở về có được việc làm tốt, người Tây Tạng không được ra khỏi nước, con cái không thể du học và phải bị thua kém trong xã hội.

Khi sách của cô Woeser ra ấn bản thứ hai, tờ  New York Times có bài phỏng vấn  cô đăng trên báo ngày 4 tháng Mười năm 2016. Những câu hỏi làm cô tiếp tục suy nghĩ về cuộc Cách Mạng Văn Hóa ở Tây Tạng, nên sau đó cô viết loạt bài tám kỳ bằng Hoa ngữ về những câu hỏi này. Trang web High Peaks Pure Earth

         https://highpeakspureearth.com/tag/tsering-dorje/


cho dịch loạt bài sang Anh ngữ. Đây là trang web cho thông tin và nhận định về Tây Tạng, cũng như dịch những bài viết bằng Tạng ngữ và Hoa ngữ ở Tây Tạng và Hoa Lục sang Anh văn. Trang cũng có nhiều hình ảnh của ba cô chụp về cuộc Cách Mạng Văn Hóa ở Tây Tạng.

 

Bài dưới đây gồm hai phần, phần đầu là bài phỏng vấn cô Tsering Woeser, nhà tranh đấu cho Tây Tạng hiện đang ở tại Trung Cộng, và phần hai là bài cô viết thêm về những câu hỏi trong cuộc phỏng vấn.

….

 

Phần I. Bài Phỏng Vấn cô Tsering Woeser với ký giả Luo Siling, đăng trên báo New York Times ngày 4 tháng Tám, 2016. Cuộc phỏng vấn diễn ra bằng tiếng Hoa và được ký giả Luo Siling dịch sang Anh văn.

Nguồn: https://www.nytimes.com/2016/10/04/world/asia/tibet-china-cultural-revolution-photographs.html

 

Năm 1999 văn, thi sĩ Tsering Woeser bắt gặp quyển sách tên “Sky Burial: The Fate of Tibet”, tác giả Wang Lixiong. Khi đọc xong, cô gửi ông Wang những hình mà ba cô chụp trong các năm đầu tiên của cuộc Cách Mạng Văn Hóa ở Tây Tạng trong thập niên 1960; ông ở trong quân đội Trung Cộng khi họ tiến vào Tây Tạng hồi thập niên 1950.

Ông Wang viết trả lời, ghi rằng ‘Tôi không là dân Tây Tạng, nên không phải là người dùng những hình chụp này để phơi bầy lịch sử. Đó chỉ có thể là phần việc của cô.’

Cô Woeser bắt đầu đi tìm và phỏng vấn những người có mặt trong các bức hình. Kết quả là hai quyển sách được nhà xuất bản Locus tại Đài Loan ấn hành năm 2006.

 – Forbidden Memory: Tibet During the Cultural Revolution, dựa trên những hình mà ba cô chụp, và

Tibet Remembered, lịch sử khẩu truyền của 23 người có mặt trong hình.

Trong lúc đó cô bắt đầu chụp hình, dùng máy ảnh  của ba cô, ở những nơi mà ông đã chụp. Nhiều hình này được đem vào ấn bản mới quyển Forbidden Memory, phát hành năm 2016, đánh dấu 50 năm ngày phát động cuộc Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Cộng.

 

Cô Woeser sinh tại Lhasa năm 1966, có mẹ là người Tây Tạng, ba cô có cha là người Hán và mẹ ông là người Tây Tạng. Năm 1970 ba cô được đổi tới tỉnh Tứ Xuyên, cô lớn lên nói tiếng Hoa và không biết nói tiếng Tây Tạng. Mãi tới năm 1990 cô mới quay lại Lhasa, làm chủ bút tạp chí ‘Tibetan Literature’. Năm 2003 cô ra sách tên ‘Notes on Tibet’, gồm các bài viết và chuyện ngắn mà không lâu sau đó bị chính quyền  Trung Cộng cấm. Nay cô là văn, thi sĩ hành nghề tự do, và là ký mục gia tại Beijing. Cô thành hôn với anh Wang năm 2004. Trong bài phỏng vấn sau bằng tiếng Hoa, cô thảo luận về những gì đã học được từ các tấm hình ba cô đã chụp ở Tây Tạng.

 

1. Làm sao ba cô chụp được những hình này?

Năm 1950 Mao Trạch Đông ra lệnh cho quân đội  tiến vào Tây Tạng và trên đường đi, đoàn quân ngang qua Derge là quê quán của ba tôi, ngày nay là vùng tự trị Garze ở Tứ Xuyên. Lúc ấy ba mới 13 tuổi, ông nội tôi là người Hán cho ba đi theo đoàn quân. Bà nội là người Tây Tạng trong vùng. Trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, ba tôi là sĩ quan thuộc ban chính trị của Khu Quân Sự Tây Tạng. Tôi nghĩ ông có thể chụp được hình vì là sĩ quan trong quân đội và có đặc quyền.

Dầu vậy, chuyện lạ là với tất cả những hình mà ông chụp, ông có thể giữ được cả hình và âm bản. Chắc chắn điều này không thể làm được nếu quân đội chỉ định ông chụp hình. Sự kiện muốn nói việc làm của ba tôi không phải là do quân đội giao phó.

Lúc ấy rất ít người có máy ảnh, và lại càng ít hơn nữa những ai có cơ hội chụp hình các biến cố trong công chúng. Bấy giờ có vài cơ quan truyền thông hoạt động ở Tây Tạng. Họ cho ra nhiều phim tài liệu, hình chụp và bài tường trình. Thế nhưng trên các nhật báo và bích chương thời đó, bạn không thể thấy tấm hình chụp nào về đền, chùa bị đập phá, hủy hoại hay cuộc đấu tố nào chống lại ‘quái vật và quỷ ma (monster and demons) phản động ’. Tôi tìm đọc hết tất cả những số báo Tibet Daily từ 1966 đến 1970 mà không thấy một tấm hình nào như thế.

 

2. Những hình ba cô chụp cho thấy gì?

Đa số là những cuộc biểu tình đông đảo và các biến cố. Tôi muốn nói đó là những cuộc tụ họp trên qui mô lớn, như hàng chục ngàn người chào mừng việc Mao chủ tịch phát động cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Biến cố thì như việc tàn phá đền chùa, và những cuộc đấu tố ‘quái vật và quỷ ma’. Hình có nhiều nhân vật xác định được trong đó có cấp lãnh đạo CS ở Tây Tạng, người thành lập Hồng Vệ Binh Tây Tạng, các Hồng Vệ Binh riêng rẽ, cũng như các nhà quý tộc, hàng tăng sĩ và viên chức của xã hội Tây Tạng cũ, bị đem ra làm mục tiêu cho các ‘buổi đấu tố’. Trong cuộc tra cứu của tôi, phần lớn nỗ lực hướng về những người này, vì qua họ mà hình có giá trị lớn nhất. Trong hơn sáu năm, tôi phỏng vấn khoảng 70 người có mặt trong hình.

 

3. Hình của cô và hình của ba cô, chụp ở cùng một nơi, khác nhau ra sao?

Năm 1966 và 1967, ba tôi chụp hình những cuộc biểu tình đông đảo và tập hợp của Hồng Vệ Binh và quân đội Trung Cộng ở trước điện Potala (tại Lhasa). Năm 2012 khi tôi đến cùng chỗ ấy để chụp hình, có hai cuộc tự thiêu của người Tây Tạng xẩy ra vào tháng năm. Hệ quả là chính quyền siết chặt chính sách phân rẽ sắc tộc, và áp đặt nhiều biện pháp an ninh hơn cho người Tây Tạng, nhất là cho những ai ở bên ngoài thủ đô Lhasa. Các biện pháp được áp dụng đầu tiên vào tháng ba 2008, khi có những cuộc biểu tình phản đối xẩy ra trong khắp Tây Tạng, và hóa nghiêm nhặt hơn năm 2012. Khi chụp hình, tôi để ý thấy một chuyện lạ: công trường ở trước điện có đông người mặc y phục đen. Họ che dù sau lưng, dùng nó để chặn không cho người ta chụp hình nếu có việc gì xẩy ra. Họ xếp thành hàng và theo dõi người đi qua lại. Họ cấm không cho ai ngồi ở công trường.

Một thí dụ khác là năm 2014 tôi đứng ở chỗ ba tôi đã đứng chụp hình đằng trước điện Jokhang. Hồi ấy ba thấy chuyện chi ? Hồng Vệ Binh đang lo treo hình Mao chủ tịch trên nóc điện, chỗ cũng để cắm cờ Trung Cộng. Tuy tôi không thấy hình nào của Mao ở đó, lá cờ vẫn đang phất phơ cùng chỗ. Ngoài ra, cũng có không ít tín đồ quì gối và cầu kinh, cũng như là một đám du khách bỡ ngỡ với hành vi của những người này. Trên mái ngôi nhà chéo góc với điện có lính bắn sẻ của cảnh sát vũ trang. Kể từ năm 2008, lính bắn sẻ được bố trí trên mái các cao ốc chung quanh đền.

So sánh ngày nay với cuộc Cách Mạng Văn Hóa thì khi ấy không có tín đồ quì gối và đền thờ bị tàn phá, còn bây giờ đền thờ cho cảnh tấp nập, là nơi mà tín đồ có thể tự do thờ phượng. Nhưng đó chỉ là những khác biệt ngoài mặt. Tự do tín ngưỡng vẫn còn bị kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa, nay có việc thương mại hóa ngành du lịch, với du khách nhìn xoi mói, xem dân Tây Tạng như là sự trang hoàng lạ lùng và Lhasa như là khu giải trí có chủ đề - theme park.

 

4. Ai là người thành lập Hồng Vệ Binh ở Lhasa?

Tao Changsong, sinh ở Dương Châu thuộc tỉnh Giang Tô. Năm 1960 ông tốt nghiệp East China Normal University và tình nguyện đi Tây Tạng, thành giáo sư Hoa ngữ tại trường Trung Học Lhasa. Ông là chủ lực đứng sau việc thành lập Hồng Vệ Binh ở Lhasa, cũng như là chỉ huy trướng Bộ Chỉ Huy Quân Cách Mạng Lhasa. Ông đi Beijing nhiều lần gặp Chu Ân Lai, Giang Thanh và những nhân vật then chốt của Ủy Ban Cách Mạng Trung Ương. Tôi phỏng vấn ông hai lần năm 2001. Tôi không đưa ông coi hình ba tôi chụp, nghĩ rằng ông có thể không kể tôi nghe chuyện nếu thấy hình, vì ông có mặt trong một tấm. Hình cho thấy ở điện mùa hè của Đức Dalai Lama, điện Norbulingka, ông chỉ huy một toán Hồng Vệ Binh treo tấm bích chương ghi ‘Công Viên Nhân Dân’.

… Ông Tào là người ăn nói sống động với ký ức sắc bén. Ông cũng tỏ ra dè dặt, khi bắt đầu gặp khó khăn với việc trả lời những câu hỏi của tôi về chiến dịch của Hồng Vệ Binh ở điện Jokhang. Câu nói gây ấn tượng nhất cho tôi trong bài phỏng vấn của ông là về việc quân đội Trung Cộng càn quét cuộc ‘nổi loạn thứ hai’ (người Tây Tạng nổi dậy năm 1969). Ông nói:

– Người Tây Tạng chất phác quá. Nếu ta hành quyết họ, họ nói ‘Cám ơn’. Nếu cho họ 200 đồng nhân dân tệ, họ cũng nói ‘Cám ơn’.

Tây Tạng là ngoại lệ cho việc thực hành thông thường là thanh trừng ‘ba loại người’ sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Ở Tây Tạng ít có những cuộc thanh trừng loại đó. Khi Hồ Diệu Bang tới Lhasa năm 1980, ông cho chấm dứt việc thanh trừng ‘ba loại’. Tại sao ? Vì có nhiều người Tây Tạng trong số những người ấy. Họ Hồ nghĩ nếu thanh trừng họ thì đảng sẽ chẳng thể kiếm được ai khác đáng tin trong số người Tây Tạng trong vùng. Nên đảng không thể thanh trừng họ. và vài người trong bọn không những được che chở khỏi bị thanh trừng, mà lại còn được thăng thưởng. Kết quả là ai thăng quan tiến chức có quyền hạn trong thời Cách Mạng Văn Hóa vẫn chế ngự Tây Tạng, dù là người Hán hay Tây Tạng.

 

5. Xin cô nói nghe về những ai trong hình là nạn nhân của việc đấu tố.

Có khoảng 40 người như thế. Họ thuộc về nhiều ngành nghề ở Tây Tạng xưa: tăng lữ, quan lại, thương nhân, y sĩ, quân nhân, chủ đất v.v. Khung cảnh gồm có những buổi đấu tố có đông đảo những tham dự, ngoài đường phố và ở những ủy ban khu phố thay phiên nhau tổ chức. Thời gian là từ tháng tám đến tháng chín 1966. Sau đó, sư chia rẽ giữa các phe phái khiến mỗi nhóm tổ chức các buổi đấu tố cho riêng mình. Ai bị tấn công trong những buổi đó bị xếp vào đơn vị ‘quái vật và quỷ ma’, phải đi lao động dài hạn, học kiểm thảo tại ủy ban khu phố.

Chuyện đáng chú ý nhất về các nạn nhân này là đa số thuộc thành phần thượng lưu mà đảng CS từ thập niên 1950 tới trước cuộc Cách Mạng Văn Hóa xem là ‘mục tiêu để thu phục’. Và bởi họ không theo đức Dalai Lama bỏ nước đi trong cuộc nổi dậy năm 1959, đảng thưởng cho họ nhiều đặc ân. Nói khác đi, họ là người hợp tác với đảng. Một trong những người này, một Lama cao cấp, còn là ăng ten cho quân đội.

Nhưng sau khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa bắt đầu, họ bị dán nhãn là ‘quái vật và quỷ ma’, và bị tấn công làm nhục. Sự trở mặt này làm cho tới cuối họ hóa điên dại, hay đau ốm rồi chết. Vài kẻ chết trong lúc có cuộc Cách Mạng Văn Hóa, số khác chết sau đó. Một số dầu vậy ở lại Tây Tạng, chấp nhận đề nghị của đảng và gia nhập hệ thống để có lại địa vị cao của mình. Ngày nay những người này thấy trong các tổ chức chính quyền như quốc hội, hội Phật giáo, làm tròn những vai trò có tính nghi lễ mà đảng cần.

Vì số phận của đa số nạn nhân là vậy, phần lớn những người tôi phỏng vấn là thân nhân của họ, hay trong vài trường hợp là đệ tử của các tăng sĩ bị hại. Họ kể tôi nghe rất nhiều chuyện.

 

6. Cô có phỏng vấn Hồng Vệ Binh trong hình không?

Một trong những hình ba tôi chụp có một cô rất dữ dằn trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Có lần cô dẫn một toán lục soát nhà và không những chiếm đoạt tài sản của chủ nhân, mà còn nổi lửa đốt trụi bản thảo mà học giả Tây Tạng nổi tiếng Gendun Choephel để lại cho chủ nhà. Một học giả Tây Tạng gọi đây là tội ác lớn lao cho lịch sử và văn hóa Tây Tạng. Về sau cô làm bí thư đảng trong ủy ban khu phố Wabaling. Khi tôi gặp cô ở đó, trông cô không có gì đáng kể. Tôi vừa nhắc đến cuộc Cách Mạng Văn Hóa thì nét mặt cô lập tức thay đổi. Cô từ chối không cho phỏng vấn hay cho chụp hình cô.

Rồi tôi cũng phỏng vấn có một người trước kia là tăng sĩ, ông đập vỡ tháp thờ Phật và đốt kinh sách trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Sau đó, ông tình nguyện làm người giữ đền tại đền Jokhang và giữ việc này 17 năm. Ông bảo tôi:

– Nếu không có cuộc Cách Mạng Văn Hóa, tôi nghĩ hẳn tôi sẽ sống trọn đời như là tu sĩ tốt lành, sẽ mặc tăng bào. Đền chùa hẳn sẽ vẫn còn đây. Bên trong đền chùa hẳn tôi sẽ chuyên tâm đọc kinh sách. Nhưng cuộc Cách Mạng Văn Hóa đến. Tăng bào không còn được mặc nữa. Tuy tôi không hề nhìn ngắm một phụ nữ nào hay bỏ đời tu hành, tôi không còn đáng mặc pháp y nữa. Đây là chuyện đau lòng nhất trong đời tôi.

 

Phần II lược dịch loạt tám kỳ bài viết từ tháng Năm năm 2018 của cô Woeser về một bài của hãng thông tấn AP và cuộc phỏng vấn trên.

Cô Woeser viết bằng Hoa ngữ và bài được dịch sang Anh ngữ đăng trên trang web:

https://highpeakspureearth.com/category/woeser/ 

Trong loạt bài này, cô nhắc đến vài câu hỏi ký giả Luo Siling nêu ra trong cuộc phỏng vấn nhưng sau đó không đưa lên báo.

 

Kỳ I. Hình Ảnh Gìn Giữ Ký Ức về cuộc Cách Mạng Văn Hóa ở Tây Tạng

Bài Phỏng Vấn Làm Tôi Tiếp Tục Nghĩ về cuộc Cách Mạng Văn Hóa ở Tây Tạng

 

Ngày 11 tháng Ba năm 2015, với tựa đề “Secret Historians Preserve Past in China Amid State Amnesia - Sử Gia Lén Lút Giữ Gìn Quá Khứ tại Trung Hoa Giữa Cơn Mất Trí Nhớ của Nhà Nước”, hãng thông tấn Associated Press AP ghi lại chuyện về ba người sống ở Beijing, trong đó có tôi, đã làm việc khó nhọc nhiều năm để ghi chép, kể lại và trưng ra cho công chúng phần lịch sử đen tối của đảng CS Trung Hoa.

Nguồn: https://apnews.com/article/2a43b75f50884204b9ffb6dfe743798a

 

Bài báo viết:

- Đảng CS đang nắm quyền mạnh mẽ áp đặt phiên bản của họ về lịch sử Trung Hoa… Chính quyền đã thành công phần lớn trong việc tẩy xóa hay giảm thiểu trọn những phần lịch sử thời CS, bằng cách kiểm soát điều gì được phát biểu ở lớp học trong nước, viện bảo tàng và sách vở, cũng như là trong các mặt khác của đời sống công chúng. Dầu vậy, một số người được gọi là ‘sử gia lén lút’  đã ‘tự đặt cho mình việc giữ gìn hình ảnh, phỏng vấn nhân chứng và làm việc lưu trữ thư khố mà chính quyền Trung Cộng đã cấm đa số sử gia trong nước làm.

Ký giả của hãng AP đến gặp tôi tại nhà ở ngoại ô phía đông Beijing, và xem hơn một trăm hình chụp làm đúng như vậy, là chúng ‘giữ gìn quá khứ’. Ba tôi chụp những ảnh này, nay ông đã mất. Chúng ghi lại cảnh tàn phá ở Lhasa và các nơi khác trong Tây Tạng khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa CMVH diễn ra khắp nước. Những hình này được chồng tôi Wang Lixiong bí mật rửa thành ảnh năm 2000.

Anh Wang Lixiong cũng đem hình cho đức Dalai Lama coi và viết trong sách của anh tên ‘Dialogue with The Dalai Lama - Đối thoại với đức Dalai Lama’ xuất bản năm 2002, như sau:

– Có thu xếp cho tôi gặp ngài sang ngày thứ hai, … Trước khi chào từ biệt, tôi kính tặng ngài một xấp hình chụp trong lúc có cuộc CMVH ở Tây Tạng. Người chụp những hình này đã qua đời. Tôi thưa với ngài ‘Chắc chắn kinh nghiệm về cuộc CMVH là ký ức rất đau lòng cho Tây Tạng, nhưng lịch sử là lịch sử và ta không thể và không nên quên nó. Tây Tạng có thật ít chứng tích để lại từ thời CMVH. Thành ra những hình chụp này rất có giá trị.’

 Đức Dalai Lama vui vẻ nhìn mỗi tấm. Trong một hình ngài nhận ra một người đội mũ cao, vẽ mặt, đang bị tố cáo. Đó là một nhà quí tộc mà ngài biết rất rõ. Thỉnh thoảng ngài cười nhưng không phản ứng gì khi thấy hình một nữ Hồng Vệ Binh có gương mặt Tây Tạng rõ nét, đang dùng rìu đập phá mái vàng óng của đền thờ. Người Tây Tạng phá nát đền thờ mà họ đã thờ phượng bao thế kỷ qua - giai đoạn lịch sử này luôn luôn là thắc mắc không giải thích được, ngay cả cho vị Dalai Lama.’

Tôi nói với ký giả của AP là trong hơn sáu năm qua, tôi đã mở cuộc nghiên cứu và phỏng vấn tại Lhasa ra sao, và tôi bắt đầu viết dựa trên những tấm hình này. Tôi phỏng vấn hơn 70 người, đa số là Tây Tạng nhưng cũng có vài người Hoa và người Hồi, họ gồm có cán bộ đảng đã về hưu, quân nhân, công nhân, dân thường, một số viên chức, vài học giả vẫn còn làm việc bên trong hệ thống, và các tu sĩ sùng đạo. Vài người trong bọn từng là Hồng Vệ Binh, một số bị tố cáo là ‘quái vật và quỷ ma’ … Tôi mang theo những hình này trên đường phố, ngõ ngách của Lhasa, lén lút gợi chuyện với người khác. Dần dần, một thời bị xóa sạch hiện ra trở lại, và một quá khứ của Tây Tạng đã chìm vào quên lãng chậm chạp hồi sinh.

‘Chống đối lại quyền lực cũng có nghĩa là chống đối lại sự mất trí nhớ’. ‘Nhiều người đã chết’, tôi nói, ‘cho nên tôi nghĩ đây là việc rất khẩn thiết. Vì ký ức quan trọng cho con người, và nếu con người có đó thì ký ức có đó. Nếu con người không còn đó thì ký ức bị mất đi.’ Bộ sưu tập những hình ảnh này và tài liệu liên hệ được phát hành năm 2006 ở Đài Loan thành sách có tên: Forbidden Memory: Tibet During the Cultural Revolution. Năm 2016 ấn bản thứ hai được phát hành có thêm hình ảnh và bài viết.

 

Kỳ II. Những Người Chụp Hình cuộc CMVH ở Tây Tạng.

 

Ở đây, tôi muốn thêm một câu chuyện nhỏ, nó mới được thêm vào ấn bản tiếng Anh quyển Forbidden Memory: Tibet During the Cultural Revolution.

Ta hãy bắt đầu bằng cách lùi về mười năm trước, khi tôi khởi sự làm cuộc nghiên cứu và phỏng vấn dựa trên những hình ba tôi chụp trong thời CMVH ở Tây Tạng. Để có thể cho tôi mang hình theo người và che chở những tấm ảnh lịch sử quí giá này, anh Wang Lixiong khi đó sống ở Beijing, tráng lại âm bản lần nữa để rửa hình và rồi chụp chúng bằng cỡ trang A4 trước khi gửi cho tôi. Nhưng vấn đề là theo cách ấy, hình không rõ đủ và tôi bỏ lỡ vài chi tiết trọng yếu mà chỉ biết ra một cách chậm chạp khi hình được in thành sách. Thí dụ hình chụp một vị nữ hóa thân tên Samding Dorje Phagmo Chokyi Dronma đang bị tố cáo và phê bình hồi tháng Tám 1966; chỉ vài tháng trước đó, phiên dịch viên cho ấn bản Anh ngữ của sách cẩn thận hỏi tôi:

– Cái hộp vuông trong tay người đứng phía sau có thể là cái gì ? Cô có thể xác định được nó trong hình có độ phân giải cao không ?

Và chỉ khi ấy tôi mới để ý một điều quan trọng mà trước đây tôi đã hoàn toàn bỏ qua. Thật đáng tiếc là trong ấn bản Hoa ngữ của sách ra năm 2006 tôi không để ý tới nhân vật này đứng bên trái, đằng sau Dorje Phagmo, mặc thường phục, đội mũ kết, cầm máy ảnh giơ cao trên không. Nhìn kỹ thì tôi nhận ra đây là người  mà truyền thông chính thức của Trung Hoa gọi là ‘Một người quan trọng trong lịch sử nhiếp ảnh của tân Trung Hoa, một người bắt giữ hình ảnh dân chúng  ở Tây Tạng từ thập niên 1950 đến 1970, một bậc thầy về nhiếp ảnh đã cho ra một số hình ảnh cổ điển của Tây Tạng trong khoảng thời gian này.’ Tên ông là Lan Zhigui, trong sự nghiệp của mình ông được thưởng huy chương hạng ba của Ban Chính Trị của Khu Quân Sự Tây Tạng

… Thực tế là ba tôi và Lan Zhigui biết nhau rất rõ, cả hai đều là cán bộ trong vùng quân sự Tây Tạng. Họ cùng chụp hình người Lhoba năm 1956, trận chiến Ấn - Hoa năm 1962 và đại hội thành lập Vùng Tự Trị Tây Tạng năm 1965 v.v. Trong cuộc CMVH, Lan Zhigui, như cha tôi, chụp nhiều hình và lại còn là ký giả chuyên nghiệp cho ban chính trị của khu quân sự Tây Tạng, nên có lẽ ông còn chụp nhiều hình hơn cha tôi về cuộc CMVH. Giống như hình về vị nữ hóa thân Samding Dorje Phagmo của cha tôi cho thấy, Lan Zhigui cũng có mặt tại chỗ, giơ cao máy ảnh 120 Rolleiflex của ông.

Cho tới khi ông qua đời năm 2016, tôi chỉ thấy rất ít hình của ông trên internet về cuộc CMVH, và chỉ trong những năm gần đây. Chúng đều cho thấy các nhóm người, mà không có cảnh rõ ràng; thêm nữa, ít nhất lời ghi của ba hình dùng đoạn văn mà tôi viết trong sách Forbidden Memory: Tibet During the Cultural Revolution ấn bản 2006 (nói tách bạch thì đảng CS trộm văn người khác). Thí dụ chúng viết:

– Năm 1966 cuộc CMVH bùng nổ và Tây Tạng không có cách nào lẩn trốn được nó. Giống như các nơi khác, cũng có Hồng Vệ Binh nổi loạn, tố cáo ‘quái vật và quỷ ma’, và cảnh người bị dẫn đi trên đường phố đội mũ giấy cao chóp nhọn v.v.

… Cũng trong sách đã nói trang 97, ở lời ghi tôi vạch ra rằng có nhiều người chụp cảnh đấu tố ‘quái vật và quỷ ma’, trong đó có ký giả nhiếp ảnh tờ Tibet Daily và phân bộ của Tân Hoa Xã ở Tây Tạng. Dầu vậy, tới cuối sau cuộc nghiên cứu và đi tới nơi tìm hiểu về cuộc CMVH ở Tây Tạng, tôi kết luận:

– Ta không thấy một hình chụp nào về cuộc đấu tố chống ‘quái vật và quỷ ma’ trong bất cứ tờ báo nào lúc ấy.

Sự thực là chuyện vẫn còn như vậy tới ngày nay.

Ba tôi không phải là ký giả nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Ông mua máy hình 120 Zeiss Ikon hồi thập niên 1950 tại một cửa hàng của người Nepal ở Lhasa khu Barkhor , bằng tiền lương trung úy dành dụm trong hai năm. Lại nữa, tuy vào lúc đó cha tôi không phải là người duy nhất chụp hình cuộc CMVH ở Tây Tạng, ông lại còn không chụp hết mọi biến cố, nhưng cho tới hôm nay gần ba trăm tấm hình ông chụp và in ra trong sách của tôi, vẫn tượng trưng cho tài liệu đầy đủ nhất bằng hình ảnh về cuộc CMVH ở Tây Tạng.

Điều lý thú là một ‘sử gia về khoa nhiếp ảnh Tây Tạng đương thời’ viết trên internet Trung Cộng rằng:

– Hồi tháng Bẩy 1951 khi quân đội Trung Cộng ôn hòa tiến vào Tây Tạng, có hơn 20 nhiếp ảnh gia và ký giả nhiếp ảnh tháp tùng đoàn quân; họ thuộc về nhóm nhiếp ảnh viên đầu tiên chụp hình Tây Tạng sau khi có sự thành lập tân Trung Hoa.

Sau đó tên các nhiếp ảnh gia này được liệt kê từng người một. Thế nhưng ba tôi, người đã cho xuất bản hằng trăm hình về cuộc CMVH ở Tây Tạng, không được nhắc tới. Tôi tin đây không phải vì tác giả bài viết không biết, mà là một sơ sót rất cố tình. Tôi biết điều này bởi nếu chỉ vì không biết, hẳn họ sẽ không dùng lời ghi của tôi về hình trong sách Forbidden Memory: Tibet During the Cultural Revolution, khi giới thiệu những hình về cuộc CMVH của Lan Zhigui.

 

Kỳ III. Về Những Hình mà Ba Tôi Chụp và Xuất Bản

 

Sách Forbidden Memory: Tibet During the Cultural Revolution do Locus ở Taiwan phát hành ấn bản đầu năm 2006, và ấn bản mới năm 2016 gồm gần ba trăm hình đen trắng do ba tôi, Tsering Dorje, chụp, mô tả cuộc CMVH ở Tây Tạng, chủ yếu trong những năm từ 1960 đến 1970, từ khởi đầu tới cao điểm của cuộc CMVH; cũng có một số hình chụp về sau và những năm bớt bạo động hơn một chút. Ba tôi dùng chính yếu máy ảnh 120 Zeiss Ikon của ông. … Ông bắt đầu ưa thích nhiếp ảnh từ lúc rất trẻ, và nay việc có máy ảnh riêng cho mình càng nuôi dưỡng thêm sở thích này; ông để dành tiền mua phim và lập phòng tối của mình để rửa ảnh. Nói giản dị là ông say mê với nhiếp ảnh.

Tháng Tám năm 2016  ấn bản tiếng Hoa của tờ New York Times có đăng loạt bài phỏng vấn tôi. Người phỏng vấn là ký giả Luo Siling hỏi một câu mà nhiều người cũng muốn biết: Làm sao ba cô chụp được những hình này ?

Tôi đoán ông có thể chụp được hình do đặc quyền là một sĩ quan trong quân đội. Ba tôi là quân nhân chuyên nghiệp, rất có kỷ luật và tuân lệnh. Họ hết sức nghiêm nhặt về những chuyện này, ngay cả cuốn sổ tay của ông cũng phải giao cho cấp trên duyệt, mỗi trang có số và không được mất trang nào. Ba chụp rất nhiều hình thành ra nếu là nhiếp ảnh viên được chính thức chỉ định, gần như chắc chắn là ông sẽ phải nộp hình và âm bản cho thượng cấp. Nhưng ông giữ lại cả hai, có nghĩa ông không có lệnh bắt buộc phải làm vậy.

Vào thời điểm ấy chỉ có ít ký giả nhiếp ảnh ở Tây Tạng thuộc Tân Hoa Xã, tờ Tibet Daily, đài phát thanh Tây Tạng v.v. Tất cả rất tích cực trong thời CMVH, nhưng xem lại sách báo, tạp chí lúc bấy giờ, ta sẽ không thấy một tấm hình nào cho thấy việc đập phá tu viện hay tố cáo ‘quái vật và quỷ ma’… Thực vậy, bây giờ ta cũng không thấy hình nào của truyền thông. Ngày nay có vài hình của cuộc CMVH được đưa ra, nhưng chúng chỉ cho thấy những cảnh tụ họp đông đảo, mà không có gì về sự hủy hoại hay các buổi nêu tội ác.

Trong sách Forbidden Memory: Tibet During the Cultural Revolution, có một hình của ba tôi chụp cảnh tố giác một nhà quý tộc Tây Tạng và nhà sư ở Barkhor, trong ảnh ta thấy ba người khác cũng đang chụp hình. Hai trong số những người này đã được xác định danh tánh, một là ký giả tờ Tibet Daily và người kia thuộc phân bộ Tây Tạng của Tân Hoa Xã. Nó cho ta biết là ngoài ba tôi còn có nhiều người khác chụp hình cuộc CMVH ở Tây Tạng, chỉ có điều là những hình này không hề được công bố.

Hiện nay có bốn hay năm nhiếp ảnh viên được chính thức xem là người có thẩm quyền nhất, họ chụp nhiều hình ảnh về các biến cố quan trọng ở Tây Tạng, như việc quân đội Trung Cộng tiến vào nơi đây, cái gọi là ‘cải cách dân chủ’, trận chiến Ấn - Hoa v.v., luôn cả cuộc CMVH. Mỗi tấm hình của họ lần lượt được công bố, nhưng không có tấm nào chụp cảnh đập phá tu viện hay cáo giác ‘quái vật và quỷ ma’. Những chuyện này được giải thích  với vài chữ thêm vào, mà không hề có hình được chụp để thực sự mô tả.

Trong quyển Tibet Remembered cũng được Locus xuất bản ở Đài Loan năm 2006, tôi đặc biệt đem vô đó một cuộc phỏng vấn mẹ tôi. Bà sinh ra gia đình ‘có nông nô’ thuộc ‘Tây Tạng lạc hậu’, nên là thành phần bị gạt ngoài lề trong cuộc CMVH. Bà giải thích sự việc với tôi như vầy:

– Khi cuộc CMVH mới bắt đầu, ba con … luôn luôn xách máy hình chạy ra để chụp, nhưng không phải là để cho việc làm của ba, vì ba là trưởng phòng liên lạc tiền tuyến mà không phải là ký giả nhiếp ảnh, nhưng ba thích nhiếp ảnh lắm… Có lần ba về nhà nói với mẹ rằng hôm nay Hồng Vệ Binh đập phá điện Jokhang (ở thủ đô Lhasa). Ba cũng nói dù có người Hoa trong đám, nhiều kẻ dùng liềm đập mái ngói và đập vỡ tượng Phật là thanh niên Tây Tạng ở Lhasa; họ hết sức hăng hái, la hét cho đến khản giọng. Mẹ nhớ nét mặt của ba không vui chi hết’.

… Người phỏng vấn cũng hỏi làm sao nhiểu hình của ba tôi được gìn giữ lại ? Theo tôi nhớ, hình của ba tôi về cuộc CMVH có thể được chia làm hai giai đoạn:

–  Giai đoạn thứ nhất tập trung chính yếu vào thủ đô Lhasa và gồm khoảng ba trăm hình.

–  Trong giai đoạn sau, ba tôi đổi nhiệm sở và chúng tôi sang ở phía đông vùng Kham, ở đó ông cũng chụp mấy trăm bức hình hay hơn nữa.

Trong sách Forbidden Memory tôi chia hình làm năm loại:

1. Việc đập phá Tây Tạng xưa, kể cả chiến dịch hủy diệt ‘Tứ Hủ - Four Olds’, việc hủy hoại các tu viện, tố giác ‘quái vật và quỷ ma’ và việc đổi tên.

2. Tranh chấp nội bộ của Hồng Vệ Binh, nói về hai phe phái chính tranh dành quyền lực.

3. Rồng trên đất Tuyết, nói về quân đội trung ương, quyền lực mạnh nhất ở Tây Tạng; thành phố, làng xã và thảo nguyên đều bị đặt dưới sự giám thị của quân đội; việc khởi giết các phe nổi loạn.

4. Tây Tạng mới của Mao, gồm việc thành lập các ủy ban cách mạng và công xã nhân dân cũng như là việc tôn sùng Mao.

5. Hậu đề, bàn về kết thúc của cuộc CMVH.

Sau rốt, người phỏng vấn hỏi một câu khác rất thiết yếu: Ba tôi có mục tiêu gì khi chụp những hình ấy ?

Câu này không dễ trả lời. Thực vậy, tôi đã bàn với mẹ tôi về nó trong nhiều dịp. Khi soạn bài viết cho cuốn Forbidden Memory, tôi thường tự hỏi: Tại sao ba chụp các hình này ? Ông là người rất tỉ mỉ, cất mỗi âm bản phim vào một phong bì đặc biệt, ghi chú rõ ràng. Ông cất riêng rẽ những âm bản mô tả cuộc CMVH và lịch sử liên hệ của Tây Tạng vào một hộp đặc biệt. Tôi xem những hình này lúc còn rất nhỏ và chúng để lại cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Mẹ tôi tin là ba chỉ giản dị yêu thích nhiếp ảnh, và chụp lại bất cứ cái gì ba gặp.

Nhưng tôi nghĩ không chỉ có thế, vì tại sao ba lại giữ chúng riêng biệt ? Tôi được 25 tuổi khi ba qua đời, lúc ấy mê say thi phú và văn chương, tôi chưa để ý gì tới đề tài này và chưa hề nói chuyện với ba về nó, một điều mà tôi rất buồn là không còn có thể chữa lại được nữa. Nhiều năm về sau, tôi dùng máy ảnh của ba và quay lại những nơi mà ba đã chụp hình, tôi cảm thấy như ba đứng cạnh bên tôi và nghĩ rằng khi ba chụp cuộc CMVH, hẳn ba phải có lý do của mình. Ba chỉ không nói to lên thôi.

Ba không phải là ký giả nhiếp ảnh chuyên nghiệp, ba chụp các ảnh này vì chính ba muốn vậy. Ba hẳn phải có ý muốn ghi lại các biến cố và khung cảnh đó với máy ảnh của mình. Ba muốn ghi lại cho ai thì tôi không nói được. Ba là quân nhân thuộc quân đội Trung Cộng, là đảng viên đảng cộng sản Trung Hoa, và trước khi qua đời ba là một chi khu phó quân sự ở Lhasa, nên tôi thực sự không thể nói ý định của ba là gì. Nhưng tôi luôn tin rằng ba có lý do và ý nghĩ của mình khi chụp các ảnh đó, rồi cẩn thận gìn giữ chúng.

 

Kỳ IV. Sự Kết Nối Nội Tại Giữa Các Hình Chụp Cùng Chỗ Vào Lúc Khác Nhau

 

Người phỏng vấn của tờ New York Times, ký giả Luo Siling hỏi tôi: Hình chụp của ba cô và của cô về cùng một chỗ, khác nhau ra sao ?

Đây là câu hỏi đáng được nói về vì thoạt nhìn thì các ảnh ấy quả có khác biệt đáng kể. Tôi dùng cùng máy ảnh để chụp hình ở cùng một chỗ, nhưng có khoảng cách 40 năm giữa các hình và do không có khung cảnh CMVH, hình tôi chụp xem ra đơn điệu nhiều hơn. Dầu vậy, chúng vẫn đầy những chuyện không thấy được và có một kết nối bên trong giữa hình ba tôi chụp và hình tôi chụp, như đã ghi trong câu trả lời của tôi ở phần I.

… Trên thực tế, ý nghĩa của những cảnh ngày nay thì có nhiều lớp và phức tạp hơn, nhưng chúng rõ ràng là sự nối dài của những cảnh mà ba tôi đã bắt giữ được. Đặc biệt khi có lần đi bộ ở thủ đô Lhasa, ta nghe lời hát và âm thanh những bài hát CMVH phát ra to tiếng. Sự kỳ quặc và không hợp thời của việc này thật quá hiển nhiên. Khi chụp hình, tôi có cảm giác thật mạnh là cuộc CMVH vẫn chưa kết thúc, điều chi ta thấy hôm nay ở Lhasa là một loại hậu CMVH Tây Tạng.

Người phỏng vấn hỏi tiếp: Thế thì, bài bản của chính quyền Trung Cộng về cuộc CMVH ở Tây Tạng là gì ?

Sự thực là ta chỉ cần hiểu lịch sử ấy để biết rằng nó chỉ là một khoảng trống không. Thí dụ là đoạn của Wang Lixiong ghi trong lời bạt sách Forbidden Memory ấn bản 2006.

–  Khi đối mặt với thế giới, cuộc CMVH tượng trưng cho sự ngượng ngùng bối rối của đảng CS Trung Hoa; Tây Tạng là một ngượng nghịu loại khác. Ấy là tại sao cuộc CMVH ở Tây Tạng thành đề tài không nên nhắc tới gấp đôi mà người ta chớ nên bén mảng đụng vào. Sách hình 100 Years of Tibet in Pictures do Bộ Mặt Trận Thống Nhất Công Tác Trung Ương soạn năm 1999 có hằng trăm tấm hình, mà không có tấm nào về cuộc CMVH. Làm như mười năm từ 1966 đến 1976 không hề hiện hữu trong lịch sử của Tây Tạng !

Nhưng cuộc CMVH ở Tây Tạng không phải chỉ là một khoảng trắng trơn trong cuộc thảo luận chính trị, nó cũng là một khoảng trống hoác về nghiên cứu. Năm 2002 Chinese University of Hong Kong phát hành bộ sưu tập tài liệu đầy đủ nhất tới lúc đó về CMVH mang tựa ‘Cultural Revolution Library Disc - Đĩa Thư Viện về CMVH’, chứa đựng ngàn này rồi ngàn kia bao văn kiện, diễn từ và các tài liệu khác, mà chỉ có bẩy tài liệu về Tây Tạng. Hơn thế nữa,  “A New Collection of Red Guard Publications” do Center for Chinese Research Materials tại Washington D.C ấn hành, có 3100 báo Hồng Vệ Binh, mà chỉ có bốn trong số đó là từ Tây Tạng.

Lúc ấy tôi làm việc ở Tibet Literature Editorial Department và đi sang văn khố của vùng tự trị Tây Tạng tìm thông tin. Nhưng người phụ trách cho hay là có một khoảng trống về tài liệu trong khoảng từ 1966 đến 1971 và chỉ có ba tài liệu trong giai đoạn ấy:

1. Một bản báo cáo về việc sản xuất canh nông ở Tây Tạng từ năm 1966.

2. Biên bản của Ủy ban Thường trực ở Tây Tạng từ năm 1968.

2. Một bản báo cáo về việc làm ở Tây Tạng của Ren Rong, bí thư đảng ở Tây Tạng năm 1971.

Lại nữa, chỉ có ủy viên đảng cấp vùng mới được phép tham khảo ba văn kiện này. Sau đó tôi nhờ một người bạn giúp cho tôi vào phòng lưu trữ báo Tibet Daily, và mượn những số báo đóng bộ từ 1966 đến 1970. Tôi đọc kỹ lưỡng hết tất cả, lại còn chụp bản sao những phần nào quan trọng. Thí dụ từ 26 đến 31 tháng Tám 1966, trong sáu ngày liên tiếp, báo có tựa đề đập vào mắt về Hồng Vệ Binh ‘Tàn Phá Tứ Hủ’ ngay trên trang nhất. Báo gồm luôn vài bức hình, nhưng không có hình nào thực sự cho thấy cảnh ‘Tứ Hủ’ bi phá hủy ra sao.

Nói khác đi, những bài báo này cho ta bức tranh lớn về khởi đầu của cuộc CMVH ở Tây Tạng. Nhưng thảm kịch do cơn khủng hoảng đỏ và sự rối loạn, thâm nhập và lan vào mọi chuyện, gây ra, đã biến mất hoàn toàn trong bài bản chính thức. Chỉ còn ký ức của nhân chứng thành nhận thực cho việc gì xẩy ra vào lúc ấy. Thành ra các hình của ba tôi chính là điều mà sau này hai cuốn sách Forbidden MemoryTibet Remembered được hoan nghênh: chúng cho thấy hình trực tiếp chưa hề có trước đây về cuộc CMVH dưới sự cai trị của Trung Cộng. Chúng cũng được nhắc tới như là ‘bộ sưu tập đầy đủ nhất tới nay về hình ảnh dân chúng trong cuộc CMVH ở Tây Tạng’ và ‘do vậy cho biết phần của Tây Tạng, và lấp đi khoảng trống trong việc nghiên cứu về cuộc CMVH’.

Dầu vậy, điều tôi cần nhắc là hai quyển này được xuất bản đầu tiên năm 2006 thực ra chỉ là khởi đầu khiêm tốn, việc làm của tôi vẫn chỉ mới chạm vào bề mặt mà thôi.

 

Kỳ V. Hình Chụp Những Cảnh Kinh Hoàng trong cuộc CMVH

 

Trong buổi phỏng vấn cho tờ New York Time, Luo Siling hỏi tôi: Khi đi phỏng vấn và chụp hình cho quyển Forbidden Memory cô có bao giờ bị chính quyền cản trở ?

Đây là câu hỏi thú vị, ngay cả cho tôi, nó không hề là diễn biến lý thú mà thật là chuyện nguy hiểm. Việc nghiên cứu, phỏng vấn và viết bài về cuộc CMVH xẩy ra trong khoảng từ 1999 đến 2006. Trong những năm đầu, tôi vẫn còn làm việc như là một chủ biên bên tron hệ thống, với lại tôi rất cẩn thận và không có mấy người biết các sự kiện hồi đó, nên hoạt động của tôi không bị ngăn trở cho lắm. Năm 2003 tập hợp bài viết của tôi tên ‘Notes on Tibet - Bút Ký về Tây Tạng’ được nhà xuất bản Huacheng phát hành, và bị xem là có chứa đựng ‘lỗi lầm chính trị nghiêm trọng’. Vì tôi từ chối không nhìn nhận bất cứ lỗi nào này, tôi bị trục xuất khỏi chỗ làm là Tibetan China Federation of Literary and Arts Circles (CFLAC) Tổng Hội Văn Học Nghệ Thuật Hoa - Tạng, và sách bị cấm. Sau đó tôi dời về Beijing, và dành trọn năng lực và chú tâm của mình vào việc thu thập lịch sử khẩu truyền của người Tây Tạng sống trong thời CMVH, cho hai quyển sách Forbidden MemoryTibet Remembered được phát hành năm 2006 ở Đài Loan, vào dịp kỷ niệm 40 năm có CMVH. Trọn diễn tiến này xẩy ra thật suông sẻ.

Một thời gian ngắn sau đó, vì có những cuộc phản đối nổ bùng khắp Tây Tạng vào tháng Ba 2008, tôi bắt đầu viết nhiều bài liên quan đến tình hình hiện tại của nơi đây, công việc biến tôi thành người bị chính quyền thù ghét. Về sau, khi quay lại Tây Tạng, tôi cũng bắt đầu gặp càng lúc càng nhiều khó khăn, bị canh chừng, kêu lên hạch sách, khám xét, đe dọa, theo dõi, quản thúc tại gia v.v. Tuy vậy, vào mùa hè và mùa thu những năm 2012 tới 2014 tôi đi Tây Tạng, dùng hình ba tôi chụp về cuộc CMVH ở Tây Tạng để làm một dự án tựa như nghệ thuật trình diễn. Đặc biệt tôi dùng máy ảnh cũ của ba tôi, và lại một lần nữa chụp hình ở cùng những nơi. Ý tưởng nằm sau chuyện đó là như vầy:

–   Forbidden Memory chỉ chứa khoảng 300 hình chụp, cho dù chúng là bộ sưu tập hình ảnh đầy đủ nhất và trọn vẹn nhất được chụp về cuộc CMVH ở Tây Tạng, là sách duy nhất được phát hành với hình ảnh và tài liệu, thì chưa đủ, cần phải có nhiều hơn để thực sự mang phần lịch sử ấy của Tây Tạng ra ánh sáng, và cung cấp bằng chứng cho giai đoạn đã bị thế lực chính trị che dấu.

Vào mùa hè năm 2012, tôi đem theo hơn một trăm cuộn phim reversal hiệu Fuji mua ở Beijing về Tây Tạng. Máy ảnh cũ Zeiss Ikon của ba tôi cất sâu trong ngăn kéo nhiều năm vẫn dùng được, và còn rất tốt. Tôi dành hai tháng chạy đó đây dưới ánh nắng gay gắt dùng hết 19 cuộn phim. Vì chưa định rời Tây Tạng, và bởi một anh bạn người Hoa đến nhà tôi thăm ở Lhasa, tôi quyết định trao cho anh mấy cuộn phim đó để mang về, in ra càng sớm càng tốt. Nhưng ngày hôm sau, khi bạn tôi đi qua chỗ xét ở phi trường Gongkar, anh bị cáo buộc là dấu con dao gọt trái cây trong túi đeo lưng có cất mấy cuộn phim.

Bạn tôi chưa hề thấy con dao này. Nhưng cảnh sát không giải thích gì thêm, lấy đi túi đeo lưng để ‘xét tiếp’. Họ chỉ đưa trả lại khi phi cơ sắp bay, và bạn tôi nhận ra là họ đã lén thay những cuộn phim bằng phim không có hình. Tôi đoán là họ làm vậy vì hình tôi chụp cho thấy đường phố đầy quân cảnh. Vì chỉ chụp ở những nơi ba tôi đã chụp nên không có gì nhậy cảm cho lắm. Tôi cho rằng họ in ra hình và nhận thấy hình không có chứa bí mật gì, nên khi về sau tiếp tục dùng máy ảnh của ba tôi để chụp hình, họ không cản trở, chỉ tiếp tục theo đuôi tôi.

Sự thực là mỗi một tấm hình chụp với máy hình cũ đó đều quan trọng vì biến cố CMVH; vì gần nửa thế kỷ trôi qua giữa hình ba tôi chụp và hình tôi chụp; vì nơi chốn vẫn còn đó: thủ đô Lhasa. Thế nên mỗi bức ảnh có ý nghĩa riêng của nó. Hình ba tôi chụp có tính chất ‘săn tin’ hay hình làm báo, vì ba ghi nhận hay bắt giữ lại nhiều biến cố xoay quanh cuộc CMVH ở Tây Tạng. Còn hình tôi chụp hơn 40 năm sau, dù không chụp một dọc, thì như kể chuyện bằng hình hơn. Làm như nếu chúng không thực sự bắt giữ một biến cố đặc biệt nào, mà có quá nhiều chuyện ẩn chứa trong đó, như tôi đã viết trước đây, thì cuộc CMVH vẫn chưa kết thúc; điều chi ta thấy ngày nay ở Lhasa là một loại hậu CMVH ở Tây Tạng.

Điều cần nhấn mạnh là cả hai ấn bản năm 2006 và 2016 của quyển Forbidden Memory đều bị cấm ở Hoa Lục, khó mà đem chúng từ Đài Loan vào Trung Hoa. Tôi mang ơn nhà xuất bản đã cho tôi thêm 50 quyển và hy vọng có thể mang trao cho mấy chục người được phỏng vấn. Lẽ ra mỗi người được nhận một quyển. Nhưng trọn 50 quyển bị quan thuế tịch thu giữa Hồng Kông và Thẩm Quyến (Shenzhen). Tôi hết sức tiếc về chuyện này, rất buồn cho mỗi người mà tôi phỏng vấn. Theo tôi biết, đến hôm này đã có 16 người trong số này qua đời. Thật đáng tiếc là họ không thể thấy lời chứng thực của họ trong sách in ra.

 

Kỳ VI. Cuộc Cách Mạng Văn Hóa chưa bị Thanh Trừng

 

Như đã ghi trong bài phỏng vấn ở trên với tờ New York Times, những người đạt thế lực trong cuộc CMVH vẫn còn chế ngự Tây Tạng, dù là người Hoa hay người Tây Tạng; đây là một lý do chính khiến ‘câu hỏi Tây Tạng’ vẫn quá khó khăn chưa giải quyết được… Tuy đã cho ra hai quyển sách và viết nhiều bài, tôi cảm thấy cuộc CMVH ở Tây Tạng quá phức tạp và tôi thực ra chỉ mới khơi nhẹ bề mặt mà thôi.

 

Kỳ VII. Thu Thập Chuyện của Nhân Chứng tại Lhasa

 

Ký giả Luo Siling của tờ New York Times, khi phỏng vấn nhân dịp phát hành ẩn bản mới quyển Forbidden Memory năm 2016, hỏi tôi có nói chuyện với những người bị tố giác thấy trong hình ba tôi chụp. Tôi đã làm vậy rất nhiều lần, và lại còn đặc biệt đi tìm họ.

… Những cuộc tố giác đều xẩy ra giữa tháng Tám và tháng Chín 1966. Nhưng thực tế là nó kéo dài đến ba hay bốn tháng; và ngay cả sau đó cuộc tranh chấp bạo động giữa hai phe Hồng Vệ Binh dẫn tới việc tiếp tục tranh dành, và những ai bị gán nhãn hiệu ‘quái vật và quỷ ma’ phải lao động và học tập tại ủy ban phường khóm một thời gian lâu hơn nữa.

Hệ quả là điên loạn, đau ốm và cái chết hoặc trong thời CMVH hoặc sau đó. Chỉ có ít người còn sống tới ngày nay, trong số này vài người đã rời Tây Tạng ra ngoại quốc, còn số khác ở lại làm việc với chính quyền, có địa vị tốt, lương khá như là ‘mục tiêu của Mặt Trận Thống Nhất’, chủ yếu là được dùng làm bình phong chính trị mà đảng CS Trung Hoa rất cần.

Do vậy, những người mà tôi phỏng vấn chính yếu là thân nhân của người thấy trong hình chụp, gồm con cái họ, chồng trước, hay đệ tử của các Lama bị tố giác. Ai được phỏng vấn không những biết người nhà họ đã trải qua chuyện gì, mà còn biết số phận của nhiều kẻ khác nữa, và đôi khi họ còn quen biết Hồng Vệ Binh và những kẻ hăng máu khác. Họ kể tôi nghe nhiều chuyện xúc động và thương tâm.

… Ký giả Luo Siling hỏi thêm làm sao tôi tìm được những ai bị tố cáo trong hình hay là thân nhân họ. Chuyện thưc ra không khó lắm đâu. Thủ đô Lhasa nhỏ thôi, chừng 20 hay 30 ngàn người sinh trong thập niên 1950. Tổng số dân là chừng vài trăm ngàn mà hơn phân nửa là dân mới nhập cư. Lhasa là quê tôi, nhiều bà con nội ngoại của tôi sống ở đó và tôi làm việc tại Lhasa hơn mười năm, thành ra tôi biết nhiều người. Tôi bắt đầu với nhóm nhỏ nhất là thân nhân và bạn đồng sự. Khi xem hình, họ nhận ra những người khác hồi đó, kể tôi nghe chuyện, và rồi giới thiệu tôi với mấy người này…

Tôi cũng muốn phỏng vấn ai đã tố giác người khác và ai đã cướp bóc, đập phá đền chùa, nhưng đây là chuyện khó… Đối với người Tây Tạng, phá sập tu viện hay đốt kinh sách là tội tày trời không tha thứ được. Thế nên khi nói chuyện với họ về các biến cố này, họ cảm thấy vô cùng xấu hổ và tội lỗi. Thực vậy, nhiều kẻ hăng máu thay đổi lạ lùng sau khi CMVH chấm dứt, thành Phật tử trở lại; nhiều kẻ mô tả diễn biến cũng mạnh mẽ như việc phá hủy chùa chiền trước đây.

 

Kỳ VIII. Ba Thực Tình Không Muốn Con Vào Quân Đội

 

Tới cuối cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Luo Siling hỏi một câu rất quan trọng với tôi: Nếu ba tôi còn sống, ông sẽ nghĩ gì khi đọc sách của tôi và biết việc tôi làm cho nhân quyền ở Tây Tạng ? Ông sẽ nghĩ gì về cuộc CMVH ở Tây Tạng ?

Ba tôi không hề trực tiếp nói chuyện với tôi về cuộc CMVH, nhưng theo tôi nhớ lại, ba không thích nó; có lẽ vì ông bị gạt qua bên. Như đã nói, có tranh chấp nội bộ giữa hai phe phái trong quân đội ở Tây Tạng. Hơn trăm người của một phe trong đó có ba tôi dần dần bị đẩy ra. Khoảng đầu năm 1970 ba tôi được chuyển về Tứ Xuyên, đem vợ con rời Lhasa tới nhiệm sở mới. Dầu vậy, ba không thể quên được Lhasa. 20 năm sau, ba lại mang gia đình về đó, nơi đã lôi cuốn ông quá nhiều. Chỉ hơn một năm sau ông lâm bệnh và chết sớm…

Tôi còn nhớ có lần ba nói với tôi;

– Ba thực tình không muốn con vào quân đội.

Nếu còn sống, chắc ba không vui với lịch sử Tây Tạng và tình hình hiện giờ ở đó; ông sẽ chỉ trích nó, nhưng liệu ông có tán thành quan điểm của tôi, chuyện viết văn hay con đường tôi đã chọn ? Tôi không thể nói chắc. Tôi nhớ khi còn sống ba hay nhắc nhở tôi là hãy ‘đi trên hai đường’; có nghĩa tôi có thể bước trên con đường đã chọn, mà cũng có thể đi trên đường mà xã hội và hoàn cảnh đã dọn sẵn; một chân trên đường của tôi, chân kia trên đường mà đa số người đi. Tôi hỏi ba lỡ một chân không chừng bị gẫy thì sao ? Nhưng ba không trả lời.

 

VÕ NGUYỄN tổng hợp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian. Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu. Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.