Hôm nay,  

Doãn Dân và Bàn Tay Cho Yến

10/07/202000:00:00(Xem: 3240)

HINH DOAN DAN
Nhà văn Doãn Dân


Doãn Dân (1938 – 1972) 

Nhà văn Doãn Dân tên thật Trần Doãn Dân, sinh ngày 11/7/1938 tại Nam Định, di cư vào Nam năm 1954. Truyện ngắn đầu tiên của ông (Cái Vòng) được đăng trên tờ Chỉ Đạo số tháng 8 năm 1959. Ông viết truyện ngắn đăng trên các tạp chí Chỉ Đạo, Văn, Bách Khoa, Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong... và có hai tác phẩm đã xuất bản: Chỗ Của Huệ (Nhân Văn Xã, 1968), Tiếng Gọi Thầm (Tân Văn, 1972).

Năm 34 tuổi, nhà văn Doãn Dân tử trận tại chiến trường Quảng Trị vào ngày 29/4/1972 với tư cách một sĩ quan QL/VNCH.

Để tưởng niệm nhà văn quá cố, kính mời quý độc giả đọc lại truyện ngắn của Doãn Dân đã đăng trên tạp chí Văn số 120 năm 1968: 

 

Bàn Tay Cho Yến

 

Nguyên ngồi lặng yên nhìn Yến. Nỗi thắc mắc về người đàn ông đứng nói chuyện với nàng vẫn còn là một ám ảnh dằng dai, ấm ức. Chàng thấy khó hỏi thẳng. Giá hắn ta cùng trạc tuổi chàng (hoặc lớn hơn, hoặc nhỏ hơn đôi chút) nhìn cách nói nói chuyện, chàng còn có thể đo lường được mức độ thân mật giữa hai người. Lại giá hắn ta cứ già như thế, nhưng có một bề ngoài bảnh bao, lịch thiệp, cử chỉ chững chạc, đàng hoàng, dầu sao cũng vẫn còn là một điều dễ chịu cho chàng trong việc ước đoán mối liên hệ tình cảm giữa nàng và hắn (nếu hắn thuộc hạng người như thế, Nguyên có đủ lý do để tỏ lộ mối nghi ngờ một cách thẳng thắn mà không ngại làm Yến phật lòng). Đằng này hắn không giống bất cứ người đàn ông nào vào loại đó để có thể nghi được là người tình của Yến. Mái tóc đã lấm tấm ít sợi bạc, bôi dầu bóng nhẫy, hai bên ép sát vào da đầu, lượn một cách rất khéo về phía sau. Nước da xanh mét như một người nghiện thiếu thuốc lâu ngày. Cặp kính trắng gọng đen quá to trên khuôn mặt teo tóp. Lại còn bộ ria mép! Bộ ria đen, rậm và dài gạch những nét thật mạnh, thật đậm trên hai bờ môi, dưới hai lỗ mũi hếch lên chút xíu, nom chúng y hệt hai con sâu róm. Tất cả những cái đó tạo cho hắn một vẻ lẳng lơ, đỏm dáng muộn màng, lố bịch. Rõ ràng là hắn ta đang cố tình níu kéo, giằng co với tuổi trẻ; đang cố gắng túm lấy, vớt vát đôi chút hơi hướm tuổi trẻ của mình. Và quả thật, tất cả cái hơi hướm ấy nó nằm ngay nơi bộ ria hắn. Cho nên, dù đã cố tránh, Nguyên vẫn không thể không lưu tâm đến nó. Lúc hắn ta nói, bộ ria, ồ không, hai con sâu róm giãy giụa, bực tức muốn tới cắn lộn. Chúng gây cho chàng cảm giác xốn xang, rờn rợn. Chúng nẩy lên, bật bật, nhích tới, lùi ra, lại đâm nhào tới… Ghê quá! Chàng hồi hộp. Thế nhưng, thình lình hắn ta bật lên cười. Tiếng cười hô hố phát ra từ cái mồm há hốc trưng ra hai hàm răng mọc lổn nhổn không trắng, nhưng lại ngả sang vàng khè. Tiếng cười đó không ngờ lại hiệu nghiệm: chàng thực sự yên tâm. Hai con sâu róm đang kình chống, gây gổ nhau dường ấy, lập tức dãn ra xa, rung rung vui vẻ…

Về sau, trong lúc nói chuyện với Yến, thỉnh thoảng hai con vật đó lại ngọ nguậy nhột nhạt trong đầu làm vẩn đục ý nghĩ chàng. Nguyên khó chịu. Nhưng chàng cảm thấy bất lực trước nỗi khó chịu của mình: chàng không có cách gì để xua gạt nó, ngoài cách nói toạc ra với Yến. Nhưng nói cách nào? Dù nói cách nào để tỏ ý nghi ngờ cũng có thể làm buồn lòng Yến; cũng là xúc phạm tới nàng. Nguyên không nỡ. Một người đàn ông cỡ đó không thể được gán cho là người thân của Yến. Càng không thể được nghĩ bậy cho là người tình của Yến. Không! Hắn không thể là người tình của Yến dù Yến bây giờ đã mặc jupe hàng tẹc-gan đen, cao trên đầu gối; áo sơ-mi nin-phăng trắng; dù Yến đã có những móng tay bôi đỏ. Hồi chiều, nhìn hai người nói chuyện với nhau một lúc khá lâu, Nguyên vẫn còn nghi hoặc: người con gái kia là Yến hay không phải Yến? Trông từ phía chàng chỉ thấy một phần má bên phải bị mái tóc dài phủ xuống che gần kín, và thấp thoáng chút đầu mũi. Nàng đứng gần như quay lưng lại phía Nguyên. Người đàn ông cao hơn Yến cả cái đầu. Mặt hắn ta nhô lên khỏi mái tóc đen của Yến, đối diện với Nguyên, cách chàng chừng mười thước. Chàng không dám nhìn lâu, sợ hắn để ý, hiểu lầm. Chàng vừa làm bộ quan sát những ngôi nhà đổ của cơ quan quân sự bị Việt Cộng tấn công đêm qua, vừa kín đáo theo dõi. Hai người hình như đang bàn tán về vụ tấn công bất ngờ của địch vào thành phố. Nguyên đưa mắt nhìn quanh. Người đến xem mỗi lúc mỗi đông. Một số người vào hẳn những ngôi nhà đổ, bước trên đống gạch vụn, vừa đi vừa cúi nhìn, chăm chú như tìm kiếm vật gì đã bị vùi sâu, lấp kín. Đâu đó, bên hàng rào, trong hốc tường, ngay giữa sân, hàng chục xác chết của địch nằm tênh hênh, mình trần trụi, mặc mỗi cái quần xà lỏn. Có cái mất đầu, cái cụt cả hai chân đến bẹn; lại có xác mất cả đầu, lẫn hai chân hai tay, còn mỗi khúc mình. Chúng giống nhau một điểm: cùng cháy đen thui, không còn hình thù là những con người.

Thỉnh thoảng tiếng nói của hai người lại lướt qua chỗ Nguyên. Chàng để ý, lắng nghe tiếng người con gái. Giọng nói thanh, hơi cao, lên xuống nhẹ nhàng đó, nhất định là của Yến. Cái cử chỉ lắc đầu, hất mái tóc ra phía sau, mặt hơi ngước lên nhìn người đối diện, vừa như tỏ ra lịch sự, chú tâm theo dõi câu chuyện, lại vừa có vẻ ngây thơ, cố ý mà vẫn duyên dáng: cái cử chỉ đó Nguyên cũng không lầm được. Nhưng còn hai bắp chân. Hai bắp chân thon, trắng với những sợi lông hơi dài và hơi đen hơn mức bình thường, bám sát vào da, xuôi xuống thật đều, thật mịn. Hai bắp chân đó là của Yến? Nguyên thấy xa lạ. Chúng gợi đến cảm giác kỳ cục, không thể dành cho Yến. Chúng kêu gọi ham muốn. Chúng khuyến khích, thúc giục người nhìn tưởng tượng ngược lên phía trên… Nguyên không tin chúng thuộc về Yến. Không! Đôi chân thò ra ngoài chiếc jupe đen không thể của Yến. Đôi chân nàng phải là đôi chân chàng vẫn chưa một lần trông thấy. Chúng phải được che khuất bí mật. Chúng để chàng mặc sức hình dung, tưởng tượng. Chúng không hợp với một sự phơi bày ra như thế. Đôi chân của Yến không thể bị đối xử sỗ sàng, thô tục.

Nguyên phân vân, ngờ vực. Chàng hơi ngạc nhiên: cảnh đổ nát trước mặt, đối với chàng đã quá quen thuộc và chàng đứng xem đã lâu, sao mãi lúc này Nguyên mới thấy bâng khuâng, xúc động. Chàng ngờ vực luôn cả mối xúc động của mình.

Một lúc lâu sau, khi hai người vừa chia tay, Nguyên vờ vô tình tạt ngang qua chỗ cô gái. Và chàng chưa kịp nhận ra, người con gái đã kêu lên thảng thốt: “Nguyên! Trời! Anh Nguyên…”

Bây giờ nhớ lại, Nguyên vẫn không dám tin chắc, lúc đó chàng đã mừng rỡ. Rõ ràng là chàng đã sửng sốt, bối rối khi thình lình nghe Yến gọi tên mình. Chàng quay lại và cũng thốt kêu “Yến!” rồi chàng đứng trân nhìn Yến; nhìn người con gái đang cuống cuồng, vồn vã nhào tới phía chàng. Ngay trong cái giây phút nhìn vào nàng như thế, hình như Nguyên đã mơ hồ cảm thấy niềm sung sướng của mình không còn được nguyên vẹn nữa rồi. Dường như nó chưa kịp thoát hẳn ra đã bị chặn ngang, cắt đứt. Và thật lạ lùng, ngay lúc ấy, Nguyên lại như ngượng ngùng, xấu hổ về một điều gì mơ hồ, phi lý. Vậy là thế nào? Có gì đã chặn ngang niềm vui của Nguyên? Cái gì gây cho chàng cảm giác ngượng ngùng? Vì người đàn ông vừa từ giã Yến? Vì nàng đã biểu lộ nỗi ngạc nhiên mừng rỡ quá ồn ào, nồng nhiệt ngay giữa đường phố, không hợp với bầu không khí nơi vừa xảy ra một cảnh tang tóc, điêu tàn?

Trong suốt quãng thời gian đi với Yến ngoài đường, Nguyên cứ loay hoay với những thắc mắc không đâu đó. Chàng loay hoay tìm nguyên nhân, tự giải thích. Nhưng dù giải thích sao đó, chàng nghe vẫn không ổn, vẫn không yên lòng.

Cuối cùng, Nguyên tự trách mình: mới ngày hôm qua đây, mới tuần rồi, tháng trước, mỗi khi có dịp nhớ đến Yến, chàng vẫn còn như đã tìm ra được một niềm an ủi ở đời. Buổi sáng gặp Yến trong quân trường mấy năm trước vẫn như một âm thanh êm dịu, ngân nga, trầm trầm, nhè nhẹ mà thật đậm đà, đằm thắm trong lòng. Trước đây, những đêm hành quân, nằm sâu trong rừng hay bên thềm một căn nhà tranh bỏ hoang nào đó, giữa một ngôi làng không tên, không cả một bóng con gà, con vịt, Nguyên vẫn âm thầm nhớ Yến; âm thầm nâng niu, trìu mến hình ảnh của nàng. Lâu dần, Yến đã như tất cả nghị lực của chàng, giúp chàng chịu đựng, vượt qua mọi khó khăn, vất vả ở đời.

Vậy mà giờ đây, một lần tình cờ gặp lại nhau, vô cớ, bao nhiêu nhớ nhung thầm kín trong mấy năm trời, phút chốc vụt trở nên bẽ bàng, dối gạt hết sao? Có lẽ nào bao nhiêu mộng ước đằm thắm sâu xa đã được nâng niu, chăm sóc từ bấy đến nay, không dưng bỗng bị tiêu tan, bôi xóa? Như trong một giấc mơ, chàng thấy mình có thật nhiều tiền, mua sắm tha hồ, thỏa thích những thứ mình ao ước từ lâu, đến khi giật mình tỉnh giấc, ngó lại bên mình, chàng bỗng bàng hoàng, tê điếng: tất cả đã tiêu tan đâu mất, chỉ còn để lại nơi chàng một nỗi ngao ngán bao la và hai bàn tay trắng. Có lẽ nào như thế? Nguyên không tin. Không thể nào tin được. Mầu son đỏ trên môi Yến; lớp phấn dày thoa trên mặt; những nét bút chì đen, đậm trên đôi lông mày, sao lại ảnh hưởng đến những tình cảm thầm kín của Nguyên? Chúng mà có lạ lẫm gì? Chúng đầy dẫy trên đường phố; trên khắp các đường phố. Những thứ tầm thường, quen thuộc đó lại có thể làm thay đổi được đến tận gốc rễ tình cảm của chàng? Chúng lại có thể bỗng dưng phá đổ, chối phắt ngay được những gì tốt đẹp chàng dành cho Yến đã cho chàng bấy lâu nay? Ai mà tin được!

Ai mà tin được? Ý nghĩ Nguyên tự nhiên dừng lại, vơ vẩn, chờn vờn quanh câu hỏi đó. Câu hỏi như một tiếng vang đều đều, chậm rãi, lập đi lập lại một cách buồn nản trong trí óc chàng, Nguyên như bị cuốn hút, lôi kéo bởi chính ý nghĩ của mình.

Đến khi chợt nhận ra, Nguyên không nhớ rõ, mình đã im lặng thế này bao lâu. Chàng nhìn sang Yến và hơi ngạc nhiên: nét mặt nàng vẫn thản nhiên, điềm tĩnh, không biểu lộ một mảy may bực dọc. Yến đang cúi nhìn mặt bàn. Ngón tay trỏ di chuyển hờ hững, vòng theo vệt nước tròn của đáy chiếc ly vừa được nhấc lên, đặt sang chỗ khác. Ly nước cam đã vơi quá nửa. Cục nước đá bên trong tan gần hết. Nguyên tự nhiên ân hận: từ nãy đến giờ, Yến ngồi lặng thinh như thế vì mãi suy nghĩ hay nàng đã phải cố gắng đè nén, không dám khua động, quấy phá ý nghĩ của chàng? Nguyên muốn lên tiếng, như một cách xin lỗi, để đem Yến ra khỏi sự im lặng; để tiếp tục câu chuyện bỏ dở mà không làm nàng sững sờ, ngơ ngác. Nhưng, sự im lặng đã kéo quá lâu đã khiến chàng thấy khó bắt đầu trở lại: bây giờ, chính chàng lại ngại làm phiền, khua rộn ý nghĩ của nàng. Chàng phân vân, e ngại. Và chàng loay hoay trong nỗi e ngại của mình. Nguyên nhận ra, từ ít lâu nay, chàng hay có thói quen dè dặt trước mọi suy tính. Nhiều khi, những sự việc tầm thường, nhỏ nhặt có thể giải quyết dễ dàng cũng làm chàng đắn đo, cân nhắc. Do thế, sự tính toán đôi lúc trở thành nhỏ nhen ti tiện, nhiều khi vô lý. Nguyên mất hẳn đi cái nét bồng bột, sôi nổi phóng khoáng đến lỡ lầm mà vẫn đáng được tha thứ, của tuổi trẻ. Chàng cảm thấy buồn: những dằn xóc của cuộc đời không ngờ lại đưa đến cho chàng cái hậu quả đáng phàn nàn như vậy.

Và ngay lúc này, Nguyên lại cũng có một điều để tự phàn nàn, phiền trách: tại sao chàng không xô đổ ngay cái im lặng  đang chia cách Yến với chàng. Nguyên thầm hiểu, nếu bây giờ chàng nói lên bất cứ điều gì bằng một thái độ hồn nhiên, cởi mở và cười với nàng, là hai người đã lại có thể xích lại gần nhau; có thể biến sự im lặng quá lâu vừa rồi thành như một dấu chấm, cắt đứt cái không khí e dè, bỡ ngỡ giữa hai người từ lúc gặp nhau; cắt đứt mọi lời nói giữ gìn, do dự gây ra bởi sự xa cách lâu ngày và nhất là, bởi sự đổi thay nơi Yến. Nếu làm như thế, chàng cũng có thể hướng dẫn câu chuyện sang một giai đoạn mới, theo một chiều hướng hồn nhiên, vui vẻ…

Thế nhưng, khi Nguyên nói với Yến câu nói đầu tiên thì lại không là một lời vui vẻ, mà chỉ là một tiếng gọi nhỏ, gọn, nghiêm trang và thật buồn:

- Yến.

Như đã biết trước, sẽ có lúc Nguyên gọi mình, Yến vẫn điềm nhiên nhìn theo ngón tay hờ hững của mình, nét mặt không thay đổi. Đầu Yến hơi nghiêng, mái tóc buông lơi, vài sợi vắt ngang qua mặt, bay bay nhè nhẹ trên đôi môi ngậm kín.

Lát sau, Yến ngẩng nhìn Nguyên. Ánh mắt nàng thẳng thắn mà dịu dàng. Nguyên trông rõ bóng mình thu nhỏ lại, nằm gọn trong đôi mắt to, đen và sáng. Yến hỏi:

- Anh bảo gì em?

- Anh định nói với em một điều. Đôi mắt em làm anh quên mất… Hồi này, đầu óc anh thật tệ.

Yến hơi mỉm cười. Sắc mặt nàng thoáng tươi lên, nhưng lại buồn ngay. Ngẫm nghĩ một chút, Yến nói:

- Lâu lâu anh mới “định” nói với em một điều. Anh lại quên mất… Sau mấy năm gặp lại anh, em thấy anh lạ hẳn.

Trong khi nói vậy, tâm trí nàng vẫn quanh quẩn bên lời nói của Nguyên, “đôi mắt em…” Lời nói đó nhắc nàng một kỷ niệm. Hồi còn nhỏ - Yến không nhớ rõ năm ấy nàng lên bảy hay tám tuổi - một buổi chiều, đang ngồi trên xe với Nguyên, bất ngờ nàng nghe Nguyên nói “Yến có đôi mắt đẹp ghê.” Ngay lúc ấy, Yến không để ý. Rồi sau đó nàng cũng quên luôn, quên bẵng hẳn đi. Nhưng ít năm sau, khi gia đình Nguyên đã dời đi mãi đâu nàng không hay biết, không hiểu vào lúc nào, trong dịp nào, Yến tự nhiên nhớ đến buổi chiều hôm đó. Và câu nói của Nguyên bỗng hiện ra thật đậm, thật rõ trong tâm trí nàng. Nó rõ ràng đến nỗi, đã làm mờ đi tất cả những gì xảy ra trước và sau giây phút đó. Nàng nhớ rõ ràng cả đến cái khung cảnh khi Nguyên thốt ra lời nói ấy: lúc đó trời đã sẫm tối, chiếc xe đạp chở hai người đi vừa đến gốc cây soan to nhất trên đoạn đường ngắn nối từ đường cái về nhà.

Từ đó, Yến không thể nào quên được câu nói của Nguyên: nó tự cho phép trà trộn lẫn lộn vào giữa mớ kỷ niệm nhỏ nhoi, thân thiết của nàng. Lâu lâu nó ló ra nhắc nàng lưu tâm, chăm sóc. Như một chiếc mụn nốt ruồi xinh xinh, bé mọn nằm đâu đó trên cổ tay, mình không để ý. Đến khi giơ tay lên chải đầu, tháo chiếc đồng hồ, rửa mặt, tình cờ trông thấy mới sực nhớ ra, nó vẫn có đó, vẫn nằm yên khiêm tốn, dính chặt trên da thịt mình. Nó gợi đến một cảm giác thương mến dịu dàng. Nó xin được nâng niu, quý báu. Đối với kỷ niệm giữa nàng và Nguyên, mỗi lần nhớ đến, Yến lại bâng khuâng tiếc khoảng thời gian hồi gia đình Nguyên còn sống trong trại định cư cùng gia đình nàng. Hồi đó, thường thường, sau bữa cơm chiều, Yến hay nô giỡn với mấy đứa trẻ cùng xóm trên khoảng sân trước cửa nhà Nguyên. Tại sao lại ở trước cửa nhà Nguyên? Nàng không biết. Tuy vậy, trong lúc nô đùa (hoặc chơi bịt mắt bắt dê; hoặc chơi đánh chuyền; chơi ô…) hình như Yến cứ thắc thỏm chờ đợi một điều gì. Đến khi Nguyên từ trong nhà bước ra, nói “Nào! Yến có đi chơi một vòng với anh cho tiêu cơm không?” Yến như bừng hiểu. Cô bé vội vàng vứt bỏ trò chơi, bỏ mặc bạn bè, chạy đến với Nguyên. Có lần, Nguyên đem xe ra trước rồi mới hỏi Yến. Nhưng cũng có lần, sau khi hỏi xong, Nguyên còn đủng đỉnh soi gương, sửa lại áo quần, vuốt vuốt mái tóc một cách hết sức thản nhiên, lơ đãng như thể Nguyên đã quên mình vừa rủ Yến đi chơi và Yến đang đợi. Những lần như thế, Yến bực tức, khó chịu vô cùng. Yến muốn chạy tuốt về nhà, không “thèm” đi chơi với Nguyên nữa. Thế nhưng lần nào cũng vậy, cứ đúng vào lúc Yến định bỏ về thì Nguyên đã lại thong thả dắt chiếc xe đạp ra sân và cười với Yến. Cô bé lại quên hết mọi giận hờn, vui vẻ để Nguyên bế lên tay, đặt ngồi phía trước. Yến chỉ thích ngồi phía trước. Có lần Nguyên hỏi, Yến nói “Em không thích ngồi sau lưng anh; đằng sau em không có anh lỡ em ngã, anh đâu biết mà đỡ em,…”

Hồi đó Yến không biết Nguyên bao nhiêu tuổi, nhưng thấy chàng thật lớn, thật đứng đắn, chững chạc: Nguyên đã học Đệ thất, còn Yến mới học lớp Ba. Yến thấy mình đủ bé nhỏ, trẻ con để có thể vòi vĩnh Nguyên; để không cần phải nhớ những lời Nguyên nói, dù là khen nàng có đôi mắt đẹp.

Hôm nay, Nguyên lại nhắc đến đôi mắt Yến. Chàng vô tình hay cố ý gợi một cách xa xôi, kín đáo đến kỷ niệm giữa hai người? Yến không biết. Nhưng dù thế nào thì lời nói của Nguyên cũng làm Yến buồn. Một nỗi buồn khác hẳn với mọi nỗi buồn nàng đã gặp phải từ lúc ra đời, từ ngày xa Nguyên. Một nỗi buồn thật xa vời mà cũng thật êm đềm, thân ái. Nỗi buồn gợi đến cái phần tình cảm mà Yến tưởng đã mất tiêu, biến hẳn trong nàng từ rất lâu rồi. Nỗi buồn khiến nàng vừa sung sướng, bùi ngùi, vừa tủi thân muốn khóc. Nó cho nàng cái cảm tưởng gần Nguyên. Nhưng đồng thời cũng bắt nàng phải nhận rằng nàng đã xa Nguyên, thật cách xa Nguyên.

Tiếng Nguyên:

- Có lẽ anh già đi nhiều.

Yến quay nhìn Nguyên, ngơ ngác:

- Anh nói gì cơ?

- Anh muốn nói về điều Yến bảo anh “lạ hẳn”.

Yến hiểu ra. Nàng mỉm cười trong lúc mắt nàng hoe đỏ.

Giọng nàng chùng hẳn xuống:

- Ai mà không già. Nếu chỉ có thế, đâu làm em ngạc nhiên. Nhưng ở anh…

Yến ngừng lại. Nguyên đã hiểu lờ mờ ý nàng muốn nói, nhưng vẫn hỏi:

- Ở anh thì sao?

Yến lắc đầu, hất những sợi tóc xõa xuống mặt ra phía sau. Nàng nâng ly nước cam lên nhấp một hớp nhỏ. Bàn tay trắng có những ngón dài, thon, móng bôi đỏ, xoay xoay chiếc ly một cách chậm chạp. Yến nhìn đăm đăm chiếc ly.

Một lát, nàng nói:

- Chẳng hạn, trước kia anh không biết uống la-de. Chẳng hạn trước kia anh vui vẻ, hồn nhiên. Chẳng hạn… nhiều lắm, em chỉ cảm thấy mà không nói được.

Nguyên cười:

- Sao em biết trước đây anh không uống được la-de? Người lính nào lại không biết uống la-de?

- Hôm ở trong quân trường, anh Hùng gọi la-de cho anh, anh “giẫy nẩy” lên, anh quên rồi sao?

Nguyên lại cười:

- Hồi đó anh chưa là lính. Anh mới là lính một nửa.

Yến cũng hơi nhếch miệng cười với điều gì riêng tư thầm kín trong lòng chỉ riêng mình hay biết. Nguyên nhìn Yến và chàng thốt nhiên cảm động. “Anh quên rồi sao?” Câu nói như một lời phiền trách nhẹ nhàng. Một lời phiền trách không dám bảo thẳng. Chàng để ý, từ lúc gặp nhau, đây là lần đầu tiên, Yến gợi nhắc đến kỷ niệm của hai người. Sự gợi nhắc lại cũng e dè, ngần ngại. Nàng như chỉ dám lượn quanh, thăm dò, ngượng ngập. Thái độ đó làm Nguyên cảm động. Giá Yến cứ một mực bắt chàng phải nhớ lại những ngày êm đẹp trước kia, có lẽ Nguyên đã cho là nàng sỗ sàng, đáng ghét: bây giờ nàng không còn xứng đáng. Đàng này Yến chỉ dám lướt qua, rụt rè, sợ sệt. Nàng không dám nói thẳng với Nguyên những lời tình tứ. Nàng mượn một hình ảnh tầm thường, nhỏ nhặt để nhắc nhở mối tình. Làm sao Yến lại có thể nhớ rõ hôm ấy chàng đã từ chối chai la-de Hùng gọi cho chàng? Cái chi tiết thoáng qua, vơ vẩn đó không ngờ lại cũng làm nàng quan tâm, lưu giữ. Nguyên cảm thấy mủi lòng, tội nghiệp. Như thế là Yến đã tự phơi bầy, thú nhận cái phần xấu xa, lầm lỗi của mình. Nàng không cần che đậy, giấu diếm. Nàng không nói ra mà Nguyên hiểu hết cả, cảm thông hết cả.


Có lẽ anh khác đi nhiều thật. Nhưng, em thử nghĩ xem, từ bấy đến nay, bao lâu rồi, đã xảy ra biết bao nhiêu thay đổi. Quanh chúng ta, sự đổi thay diễn biến, lú lít không ngừng. Bộ mặt chung quanh chúng ta đổi thay từng ngày, từng giờ, có khi từng phút. Mới chiều qua, chúng ta còn bao nhiêu bạn bè, bà con thân thuộc, chỉ qua một đêm quên mất, sáng ra đã nghe thấy họ bị tàn sát tơi bời: chúng ta bỗng dưng mất hết. Nơi chúng ta vừa đi qua, phút trước, phút sau, thoắt đã trờ thành bình địa. Nỗi bàng hoàng chưa kịp làm cho chúng ta đau đớn, tâm hồn chúng ta đã lại tức thì phải nhận những thay đổi mới (mà toàn là những thay đổi khiến cho chúng ta đau lòng). Cứ thế dồn dập, liên tiếp, tới tấp không ngừng. Chúng ta không dám tin tưởng vào một cái gì nhất định. Chúng ta không tìm thấy cái gì có tính cách lâu dài, vĩnh cửu để chúng ta hướng tới. Chúng ta trở nên hoang mang thường xuyên lo sợ… Em bảo, sống trong một xã hội như thế, làm sao những diễn biến liên tiếp chung quanh không ảnh hưởng đến tính tình, tư tưởng, quan niệm đời sống chúng ta…

Nguyên ngừng lại. Chàng chợt nhận ra, chỉ vì một mối xúc động, muốn làm vui lòng Yến, chàng đã đi quá xa; vô tình đưa dẫn câu chuyện sang một hướng mới.

Để làm nhẹ bớt sự nặng nề của lời mình vừa nói, Nguyên mỉm cười, tiếp:

- “Chẳng hạn” bây giờ anh còn ngồi đây, trong tiệm nước này với em. Ngày mai, biết đâu em lại chẳng được tin anh chết trong một cuộc hành quân, ở một chốn xa xôi nào.

- Anh nói nghe ghê quá.

- Không sao? Ngày nay, sự sống, chết đâu có báo trước cho ai? Người ta chết thình lình trong khi đang ngồi coi hát. Chết giữa lúc thong thả dạo chơi ngoài đường. Chết vô lý ngay cả trong lúc đang ăn, đang ngủ… Vậy thì, nếu anh chết ngoài mặt trận tức là được chết trong một hoàn cảnh hợp thời, hợp lý, sao lại không thể xảy ra?

Nét mặt Yến tự nhiên nhuốm vẻ buồn. Nàng nhìn ra ngoài cửa tiệm, ánh mắt hững hờ, lơ đãng. Nàng vẫn nhìn như thế, nói:

- Em sợ nghe những chuyện đó.

Yến muốn thêm: “Em sợ như khi xưa em sợ phải ngồi phía sau lưng anh mỗi lần anh đèo em trên xe đạp.” Nhưng cổ nàng nghẹn lại.

Nguyên cười:

- … Vậy em còn ngạc nhiên thấy anh “lạ hẳn” không?

Yến quay nhìn Nguyên:

- Càng ngạc nhiên hơn. Mỗi lúc em mỗi thấy anh “lạ hẳn”. Ngồi với anh lát nữa, không khéo em không dám nhận anh là anh Nguyên nữa.

Nguyên hỏi:

- Nhận xét đó em có ý khen hay chê anh?

Yến chống khuỷu tay lên mặt bàn, tỳ cằm vào bàn tay nắm lại, lặng lẽ nhìn Nguyên. Nét mặt nàng rầu rầu, một vẻ rầu rầu dịu dàng, trìu mến. Nàng nhìn Nguyên không chớp mắt. Yến như tự cho phép mình có một cử chỉ thân mật, gần gũi với chàng.

Lát sau, vẫn giữ dáng điệu đó, nàng nhẹ lắc đầu, trả lời:

- Em cũng không biết. Dù anh thế nào thì với thâm tâm em, anh vẫn vậy. Lẽ ra, em không nên và không có quyền đề cập đến điều đó. Nhưng anh đã gợi nhắc, mở đầu cho em. Bây giờ, cho phép em hỏi một điều: nếu anh cũng có nhận xét như thế về em thì là anh có ý khen hay chê em?

Câu hỏi của Yến, thật ra, không có gì bất ngờ, vậy mà làm chàng bối rối. Từ lúc gặp nhau, Nguyên đã cố tránh, không đề cập đến những phần đổi thay của Yến. Bởi vì chính Nguyên, chàng cũng không biết nên nghĩ thế nào; nên có thái độ ra sao trước cái phần thay đổi đó.

Từ sau ngày gặp Yến trong quân trường, chưa một lần nào chàng gặp lại, hoặc nghe tin tức về nàng. Như vậy, trong mấy năm gần đây, những gì xảy đến với nàng, với gia đình nàng; những gì đã diễn ra chung quanh cuộc đời của Yến, Nguyên hoàn toàn không biết. Trong những năm trời đó, hình ảnh Yến nơi tâm trí chàng vẫn là hình ảnh một con bé con hay vòi vĩnh Nguyên hồi còn nhỏ; rồi hình ảnh một người con gái mới lớn, dịu dàng khép nép trong tấm áo dài màu xanh nhạt, điểm những bông hoa vàng cũng nhạt. Hình ảnh một Yến bước những bước rụt rè, e lệ bên chàng trên những lối đi nhỏ, vòng theo những căn trại của quân trường. Hình ảnh một Yến chưa có một vết son, vết phấn đã lặng lẽ khóc trên thảm cỏ ở phía sau túp lều dùng làm chỗ tiếp tân, khi chàng cầm tay, lần đầu tiên nói yêu nàng… Một hình ảnh như thế đã “sống” trong tâm hồn chàng từ ngày nọ qua ngày kia; tháng nọ qua tháng kia; từ năm này sang năm khác, làm sao có thể bỗng  dưng đổi thay, mất dạng. Cho nên, Nguyên chưa từng ngờ đến một hình ảnh Yến khác đi. Chàng đinh ninh, yên chí, Yến của chàng vẫn vậy, vẫn là Yến của buổi sáng trong quân trường.

Đến nay, bất thần gặp lại, Yến đã thành ra như thế; Yến đã thế này. Nguyên lấy làm lạ: chàng không đau khổ, không cảm thấy buồn. Hình như nó vượt quá đi những tình cảm ấy: Chàng thấy bâng khuâng, sững sờ, ngơ ngác. Như một người dời bỏ quê nhà đã lâu, lê gót thập phương chán chê, mê mải hàng chục năm trời. Một hôm trở về làng cũ, tìm lại quê cha đất tổ, trong lòng xiết bao phập phồng, hồi hộp, tâm trí mường tượng, hình dung đến từng khóm tre, bụi trúc; từ mái đình, bờ ao, hàng giậu… Đến khi tới nơi, dừng chân đứng lại: làng xưa đã tiêu đâu mất. Nơi đó bây giờ mọc lên hàng trăm, hàng ngàn bin-đinh cao nghệu, những con đường trải nhựa bóng loáng thênh thang; xe pháo qua lại rộn ràng, tấp nập… Không còn thể tìm đâu ra chỗ nào trước kia là nhà thằng cu Tý; không còn thể hình dung được nơi nào ngày trước là nhà của bác xã Tèo; nhà cái Hĩm con, Hĩm lớn. Và không còn thể nhìn ra cho được cả đến cái chỗ khi xưa là căn nhà nhỏ của ông bà cha mẹ mình, nơi mình đã được sinh ra, lớn lên và đã sống qua những ngày thơ ấu… Một quê hương như thế. Một quê hương dù đã trở thành giàu sang, đồ sộ liệu có còn là một quê hương? Một quê hương, chao ôi, quê hương mà lại không có bác xã Tèo!...

Thì ra, trong những năm mình vắng mặt, ở phía sau lưng, những xê xích, biến đổi; những mất đi, thay thế vẫn cứ diễn ra liên tiếp, không ngừng. Nhưng nó diễn biến thế nào, thay đổi cách sao để đưa tới cái trạng huống hiện thời thì mình không hề hay biết. Như thế, làm sao Nguyên dám suy bì, phán xét để đưa ra lời kết luận về trường hợp Yến; làm sao chàng dám trách hoặc khen nàng. Chàng căn cứ vào đâu, dựa vào cái gì để ấn định mức khen, chê trong lúc giờ đây, quanh chàng, những lề thói, những giá trị cổ truyền đang nối tiếp nhau lung lay, sụp đổ. Những điều xưa kia ta coi là thiêng liêng, cao quý thì nay có thể bị hắt hủi, xem thường. Những cái ngày trước ta ghét bỏ, tránh xa thì nay lại dám được ta nâng niu, ôm ấp. Sự dở, hay, phải, quấy đang biến đổi, đảo lộn rối rít, lung tung, làm sao có thể tìm thấy cái giá trị đích thực của ta trong cái mung lung, hỗn loạn đó.

Vậy thì giờ đây, dù Yến có trở thành thế nào, thay đổi ra sao, cũng chỉ có nghĩa là nàng đã bị lôi cuốn, hút theo cái vòng biến chuyển thường tình nơi chốn thế gian. Nhìn vào cái vòng biến chuyển tối tăm mù mịt đó, khó lòng kiếm ra đâu là điều hay, nết dở của nàng: Yến đã hóa thành “con người thời đại”. Nàng đã hòa tan, trộn lẫn vào với “thời đại” mất rồi.

Thế nên, dù Yến là gái bán bar, dù Yến đã từng lấy cả Mỹ đen, Mỹ trắng? Có sao! Điều đó có gì quan trọng! Có gì mà phải ngạc nhiên, sửng sốt! Sao lại ngạc nhiên một khi hầu hết con gái bây giờ đều “làm” như vậy? Nếu cất tiếng lên chê trách hoặc kết tội nàng thì tức là đã vô tình xúc phạm, động chạm đến cả cái xã hội, đến cả cái thế hệ này rồi…

Thế là, bỗng dưng, Yến đã đẩy Nguyên đến chỗ mung lung, lúng túng, chàng không dám xúc phạm tới cái thành phần đông đảo, mỗi lúc mỗi thêm đông đảo vây bủa quanh chàng. Không! Nhất định là chàng không dám.

Thế còn khen Yến? Khen đôi chân thon, có những sợi lông bám sát vào da, mịn màng, đều đặn, thò ra ngoài chiếc jupe đen của Yến? Khen màu son đỏ chót trên môi, lớp phấn thoa dày trên mặt? Khen nét bút kẻ đậm trên hai chân mày? Khen… Nguyên lại tự trách mình: chàng đã để cho một hình ảnh Yến với tấm áo dài, chiếc quần lĩnh đen; với nước da để trần mộc mạc, bước đi e lệ bên chàng, “sống” trong lòng chàng lâu quá. Trong những năm qua, Nguyên đã mải mê nuôi dưỡng một hình ảnh nàng như vậy mà quên bẵng đi, không tự dàn xếp một khoảng thời gian soạn sửa, chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ hôm nay.

Cho nên, bây giờ Nguyên bỗng ngỡ ngàng, chới với, không thu nhận kịp một Yến thế này. Tâm hồn chàng xa lạ, chối từ một sự đổi thay bất chợt.

Vậy là Yến đã tự ý bôi xóa, triệt tiêu hình ảnh chính nàng trong tâm trí Nguyên. Nàng đã tự ý tách rời ra khỏi đời Nguyên. Nàng để mặc cho chàng lẻ loi, cô độc: Yến đã thình lình xô đổ, phá vỡ tan tành cái nguồn an ủi to tát, lớn lao của một đời người…

Như thế, lần này, tình cờ gặp lại nhau, Yến nghiễm nhiên lại như một thêm thắt, nối liền vào những cơn đau, đổ vỡ trong cuộc đời chàng. Có điều, sự đổ vỡ kỳ này có phần tan nát, điêu tàn hơn; đem đến cho chàng nhiều đắng cay, thấm thía hơn bất cứ lần đổ vỡ nào trước đó. Trước đây, mỗi khi gặp một chuyện buồn, mỗi lần chàng bị lao đao khốn đốn vì những rắc rối, phức tạp ở đời, Nguyên còn có thể, cầu cứu, kêu gọi đến nàng: mọi nỗi muộn phiền rồi sẽ tiêu tan. Yến đã như một pháo đài kiên cố, che đỡ, bất chấp tất cả mũi tên, hòn đạn từ mọi nơi lao tới phía chàng. Đến nay, pháo đài bỗng dưng sụp đổ, quanh chàng vụt trở nên trống trải bao la. Nơi tâm hồn Nguyên bỗng trải dài ra một nỗi chán chường, một niềm ngao ngán không sao khuây lấp được.

Trong cái tan tác rã rời, đìu hiu, cô quạnh đó, Nguyên vẫn thấy thương Yến, thương mình, thương đến xót xa, đau khổ.

***

Lúc hai người ra khỏi tiệm nước thì đã đúng giờ giới nghiêm. Rạp chiếu bóng nhìn ra công viên trước mặt, đứng sừng sững, im lìm. Những ngọn đèn, xanh, đỏ viền trên nóc rạp đã tắt ngấm tự lúc nào. Cánh cửa sắt màu xám tro đã khép kín, lạnh lùng. Trên khoảng đất rộng ngay trước rạp, hồi chập tối, đầy hàng quà bánh, nước ngọt, trái cây, thuốc lá… bây giờ vắng hoe, rác rưởi vương tung, bẩn thỉu.

Nguyên đứng trước cửa tiệm, đưa mắt nhìn hai bên đầu đường: không còn một bóng người. Một anh cảnh sát đi đi, lại lại ở một ngả tư gần đó, tay lăm lăm cầm khẩu súng, dáng lầm lì, thận trọng. Từ phía xa, một chiếc xe nhà binh chợt vút ngang qua chỗ trạm xăng, hai ngọn đèn pha lóa lên, mất hút. Bầu không khí tỉnh nhỏ bắt đầu nặng nề, ngột ngạt: chiến tranh rình rập đâu đây, sẵn sàng nổ ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đầu đường, góc phố nào.

Hai cánh cửa sắt của tiệm nước rít lên nặng nhọc phía sau lưng Nguyên. Tiếng bàn ghế xô vào nhau, tiếng những bước chân qua lại vội vàng, bên trong cánh cửa, làm thành những âm thanh xô bồ, đáng ghét. Đầu óc Nguyên rỗng không. Chàng lần trong túi áo treillis, lấy ra một điếu thuốc, bật diêm châm hút. Chấm lửa đỏ lóe lên, soi rõ mặt chàng.

Tiếng Yến lo sợ:

- Có sao không anh?

Nguyên quay lại:

- Em muốn nói gì?

-Em sợ giới nghiêm…

Nguyên mỉm cười:

- Đi với lính, em sợ gì.

Yến cũng mỉm cười. Nàng bỉu môi:

- Oai nhỉ!

Hai người rẽ sang phía tay phải, Yến bước sau Nguyên. Nàng nói:

- Ở đây giới nghiêm sợ lắm, anh. Em không bao giờ ló mặt ra khỏi cửa. Chỉ có một lần, tụi em – em ở chung với ba con bạn - bị cảnh sát xét sổ gia đình, dẫn về bót. Lúc đó đã mười một giờ khuya, đường sá vắng hoe. Dọc đường, em gặp hai ông cảnh sát đánh một thanh niên thâm tím mình mấy, hộc cả máu mũi, máu mồm. Tụi em hỏi thì họ bảo, anh này đi trong giờ giới nghiêm, họ kêu không đứng lại… Nghĩ đến, em vẫn còn thấy sợ.

Nguyên vẫn lặng thinh, lầm lũi bước. Chàng nghe rõ tiếng gót giầy của Yến gõ xuống mặt đường, bật lên những âm thanh thô, gọn và giòn, xen lẫn bước chân chàng. Ý nghĩ chàng tan rồi, đứt đoạn. Mới hơn chín giờ, nhưng phố sá vắng tanh, Nguyên có cảm tưởng đêm đã khuya lắm. Con đường trước mặt hai người hun hút dưới những ngọn đèn điện thưa thớt, vàng khè. Trời bắt đầu lạnh. Không biết từ bao lâu rồi, hôm nay Nguyên mới có dịp đi bên một người con gái ngoài đường, lúc về khuya – Không! Lúc bắt đầu tối - đặc biệt là trong giờ giới nghiêm. Bầu không khí tĩnh mịch mang một vẻ đợi chờ, trọng đại. Và Nguyên cũng có cảm giác đang mang trong lòng một nỗi đợi chờ, trọng đại, mặc dầu, chàng không biết rõ, chờ đợi điều gì.

Tiếng Yến nho nhỏ:

- Anh Nguyên…

Chàng ngoái đầu nhìn Yến:

- Gì, em?

Yến lại im lặng. Nàng giơ tay hất một lọn tóc ra phía sau. Những âm thanh vẫn bật lên đều đều từ đôi giầy cao gót.

Một lúc lâu sau, giọng Yến ngập ngừng:

- Anh Nguyên… Anh có tin, em ra tỉnh này là vì hy vọng sẽ được gặp anh?

Câu hỏi của Yến làm bước chân Nguyên chìm lại. Chàng thực sự không hiểu. Yến ngụ ý gì khi nàng hỏi vậy. Nguyên không trả lời. Đốm lửa đỏ trên môi chàng lóe sáng liên tiếp giữa vùng bóng tối của lùm cây bên đường.

Yến tiếp, giọng bây giờ trầm tĩnh như đã suy nghĩ từ lâu:

- Hồi đầu năm ngoái, một tháng trước khi chết trong trận đánh vùng Cần Thơ, anh Hùng em về phép, em hỏi thì anh ấy cho biết anh đóng ở ngoài này. Mặc dầu không biết rõ đơn vị của anh, em vẫn nghĩ em phải ra đây. Em tin và mong sẽ được gặp anh. Kể ra, như thế là… kỳ cục, là em tự đập nát hình ảnh em trong anh - nếu quả thật anh còn giữ hình ảnh em – nhưng em muốn dứt khoát. Sự thật thì ở đâu cũng là sự thật. Và sớm muộn gì rồi anh cũng biết. Đến trước với anh, em sẽ không có mặc cảm lừa đảo, gạt gẫm anh về mặt tình cảm…

Nguyên vẫn cúi nhìn mặt đường, lầm lũi bước. Chàng không quan tâm đến ý chính của lời nói Yến. Nguyên để ý tới một chi tiết bất ngờ: cái chết của Hùng. Trong một thoáng, hình ảnh người thanh niên vóc người nhỏ bé, nhanh nhẹn, gương mặt thông minh, hiện rõ trong tâm trí Nguyên. Hôm ở trong quân trường, chính Hùng đã đưa Yến đến với Nguyên khi nàng lên thăm hắn. Bây giờ, Hùng đã chết. Cái chết của người anh trai độc nhất trong gia đình có liên quan can dự gì đến sự thay đổi nơi Yến? Nguyên không biết, chàng cũng không buồn vì đã mất đi một người bạn. Nhưng chàng thấy xót xa: thêm một người nữa ngã xuống, đất nước vẫn chưa tới đâu, vẫn ỳ ra đó, thản nhiên, tàn nhẫn; vẫn chưa có gì khẳng định, phải cần dứt khoát bao nhiêu mạng người “đền xong nợ nước” nữa, đất nước này mới thanh bình; phải cần bao nhiêu người con gái nữa thành ra… như Yến, sự đổi thay theo cái chiều hướng hiện thời mới ngưng hẳn lại. Chàng không lường trước được. Chưa bao giờ tầm mắt và tư tưởng con người lại bị giới hạn như lúc này: không một ai biết trước điều gì sẽ đến trong cuộc đời mình, ngoại trừ một cái chết rình chờ, quanh quẩn…

Bất giác, Nguyên quay nhìn Yến. Chàng đi thong thả để được nhìn Yến rõ ràng. Nguyên bỗng nhận ra, từ lúc gặp nhau, đã rất nhiều lần chàng nhìn Yến và nhìn Yến thật lâu, nhưng chưa lần nào chàng chủ tâm quan sát Yến. Trong ánh sáng nhạt mờ của những ngọn đèn đường, nét mặt nàng trẻ lại: Nguyên không nom rõ màu son, lớp phấn và những lớp nhăn lờ mờ hiện ra trên da mặt nàng. Đôi mắt nàng long lanh sáng. Nguyên bỗng có cảm tưởng mình đang đi bên Yến trong buổi sáng ở quân trường. Chàng bùi ngùi, xúc động. Nhớ lại những ý nghĩ của chàng lúc còn ngồi trong tiệm nước, Nguyên như vừa thoát khỏi một bầu không khí nặng nề, u uất. Bây giờ, đi trong những làn gió lành lạnh về khuya, chung quanh hoàn toàn vắng vẻ, chàng thấy những ý nghĩ hồi chiều lại nhuốm vẻ gì vẩn vơ, phù phiếm: Nguyên đã quan trọng hóa một cách quá đáng mọi việc chăng?

Khi hai người rẽ sang con đường bên trái của một ngã tư, nhìn lên, Nguyên sực nhận ra, mình đã vô tình đưa Yến đi lại những con lộ hồi chiều: cảnh đổ nát hiện ra trước mặt. Tự nhiên, bước chân Nguyên chậm hẳn.

Chàng đến đứng sát bên hàng rào kẽm gai đã cháy đen, xiêu vẹo, có đoạn nằm bẹp gí xuống mặt đường. Nguyên rút một điếu thuốc châm tiếp. Bây giờ cảnh đổ nát bỗng dưng lại mang một hình thái mới. Dưới lớp ánh sáng thật mờ của những ngọn đèn từ xa hắt lại; trong sự tĩnh mịch mênh mông, cảnh điêu tàn mang vẻ chơ vơ, im lìm mà thâm trầm, bí hiểm. Nỗi đớn đau như đang lặng lẽ, âm thầm xao động dưới từng viên gạch, từng mẩu sắt xám đen chồi lên giữa đống cát vụn. Những dãy nhà chung quanh nơi bị nạn, cửa đóng kín mít, tối mò. Đứng giữa một vùng không gian u tịch, Nguyên như nghe rõ từng hơi thở của các linh hồn lẩn quất đâu đây, dưới những khe tường, trên những ngọn cỏ xác xơ, sót lại trong sân trại lính. Chàng đưa mắt nhìn quanh. Tầm mắt chàng tình cờ dừng lại chỗ gốc cây, nơi Yến và người đàn ông già đứng nói chuyện với nhau hồi chiều. Lúc này, chàng thấy những ấm ức, hằn học của mình trong những giờ đầu gặp Yến trở nên quá sức nhỏ nhen, ích kỷ. Cứ cho hắn là người tình của Yến thì cũng có sao; có nghĩa lý gì. Cả mối tình của chàng cũng có nghĩa lý gì. Và ngay đến cả đời sống của chàng cũng thật chẳng nghĩa lý gì trước nỗi đớn đau đang trải dài ra trước mặt. Nguyên lại trách mình đã quan trọng hóa một cách quá đáng những sự việc ảnh hưởng đến chính bản thân mình, mà xao lãng, quên đi cái phần quan trọng – thực sự đang nằm bề bộn, ngổn ngang khắp bốn chung quanh. Chàng ân hận.

Lúc bật que diêm, châm nốt điếu thuốc cuối cùng, Nguyên chợt nhớ ra một điều. Chàng thầm nghĩ “Thế là mình vẫn chưa trả lời một câu Yến hỏi… Cũng chẳng cần.” Chàng rít một hơi thuốc dài, thổi mạnh ra trước mặt. Làn khói đặc bị gió thổi ngược lại, mất hút ở phía sau.

Nhìn lại quang cảnh tiêu điều thêm một lần nữa, Nguyên tiếp tục bước đi. Những bước chân chàng hững hờ, thong thả, như những tiếng đệm trầm, buồn cho gót giầy vút cao của Yến.

Đi được một quãng, Nguyên chợt nhận ra, không biết từ lúc nào và do ai khởi xướng, bàn tay chàng đã nắm gọn bàn tay của Yến. Những ngón tay đan khít lấy nhau. Nguyên nghe rõ một làn hơi ấm kẹt giữa hai lòng bàn tay, không lối thoát. Chàng phân vân tự hỏi “Không hiểu, mình đã bảo Yến mình định đưa nàng đến chỗ nào chưa?” và chàng chậc lưỡi: “Cũng chẳng cần. Rồi nàng sẽ hiểu.”

Thốt nhiên, chàng quay nhìn Yến:

- Hồi nãy, đầu óc anh thật tệ. Phải không em?

Yến ngước nhìn Nguyên. Nàng bước nhanh hơn để theo kịp bước chân chàng.

Và đúng vào lúc Yến cảm thấy rõ ràng, Nguyên đang nắm chặt tay mình, kéo sát lại gần, nàng mỉm cười, nói một câu chính nàng cũng chưa hiểu rõ:
- Kể cũng hơi tệ thật. Không khéo rồi em đến lây anh mất.
 
Doãn Dân 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi biết BS. Phạm Gia Cổn lúc tôi vừa tập tễnh bước vào đời lính, nhận trách nhiệm làm y sĩ trưởng cho Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù, cùng một tiểu đoàn mà BS. Cổn vốn là y sĩ tiền nhiệm 2 năm trước. Tôi lội bộ theo TĐ, Anh làm chỉ huy trưởng Bệnh Viện Dã Chiến Đỗ Vinh tại căn cứ Non Nước, Đà Nẵng. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau ở BV Dã Chiến khi tôi theo trực thăng chuyển thương binh. Tôi nhìn thấy anh cao lớn, rất phong độ, uy dũng, với 3 bông mai đen ở cổ áo hoa rừng và dấu hiệu 3 đấm tay của Đệ Tam Đẳng Huyền Đai Tae Kwon Do ở túi áo trước ngực bên trái. Nhìn vào Anh, tôi có cảm giác như một tảng đá mạnh bạo, có tinh chất võ biền mà mình có thể dựa lưng khi cần. Dù hình tướng có vẻ rất quân kỷ, nhưng thái độ anh lại hòa nhã, ăn nói nhẹ nhàng, cởi mở nhưng trực tính. Anh đã cho tôi sự tự tin và niềm vui trong tình huynh đệ. Về sau, tôi cũng biết tin anh được đề cử làm Y Sĩ Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù trong trận bảo vệ phòng truyến Phan Rang vào đầu tháng 4, 1975.
Hầu như mỗi cuối tuần, cô ấy và tôi đều đi đâu đó bằng tàu điện hoặc xe buýt. Ở Ukraine, có thể đi xa trong cuối tuần và trở về đúng thời hạn. Chỉ một lần chúng tôi về trễ, đi làm muộn hôm thứ hai. Đó là ngày chúng tôi đón xe đi nhờ từ Milove, vùng Luhansk, vào tháng Giêng. Đây là nơi cực điểm miền đông của đất nước. Đi đến bằng xe buýt, lúc quay về, chúng tôi cầm tay nhau đi bộ dọc con đường phủ đầy tuyết. Thuở đó chúng tôi say mê nhau. Những anh chàng ở nhà bốn cửa kiểu Liên Xô cho chúng tôi đi nhờ, không có vấn đề, ngoại trừ mỗi lần họ chỉ chở chúng tôi vài kilô mét, rồi thả xuống để rẽ vào làng của họ. Nhìn ánh sáng xanh ngát buổi hoàng hôn, chúng tôi rùng mình và cảm thấy hạnh phúc.
"Happening", ghi lại ca nạo phá thai bất hợp pháp mà bà đã trải qua, vào năm 1963 ở tuổi 23 và là nguồn cảm hứng cho bộ phim cùng tên của Audrey Diwan. Bộ phim đã được phát hành vào tháng 5 vừa qua, không lâu trước khi Tòa án tối cao pháp viện Hoa Kỳ kết thúc gần nửa thế kỷ Quyền bảo vệ sinh sản của liên bang bằng cách lật ngược Roe vs. Wade. Dù sau khi cải cách, Hàn Lâm Viên đã nỗ lực tuyên bố giải Nobel văn học đánh giá trên giá trị văn chương, nhưng câu hỏi vẫn được nêu ra: Giá trị văn chương và ảnh hưởng chính trị có biên giới ở đâu? Như trường hợp giải Nobel năm 2016, trao cho nhạc sĩ Bob Dyland. “Một nhạc sĩ kiêm nhà viết ca khúc, không phải tác giả. Mặc dù ông đã viết một hồi ký rất hay, một tập thơ dở và một bài diễn văn về The Eagles Woman.”* Việc này đưa đến nhiều dư luận phê phán, tạo ra tên gọi “kỷ nguyên hỗn loạn của giải Nobel.”
Trong quyển tiểu sử Gabriel García Márquez: A Life, Gerald Martin kể rằng García Márquez viết Trăm năm cô đơn chỉ trong vòng một năm, từ tháng 7 năm 1965 cho đến tháng 7 năm 1966, dù ông luôn nói rằng ông mất đến 18 tháng, hoặc có khi là 18 năm. “Trong một tia cảm hứng chớp nhoáng, ông đã nhận ra rằng thay vì viết một cuốn sách về thời thơ ấu của mình, ông nên viết một quyển sách về những kỷ niệm thời thơ ấu của mình. Thay vì một cuốn sách về hiện thực, nó nên là một cuốn sách về sự biểu thị của hiện thực […] Thay vì một cuốn sách về Aracataca và con người ở đó, nó sẽ là một quyển sách được thuật lại qua thế giới quan của họ.”….
Cuốn tiểu thuyết xoay quanh một cuộc giết người bí ẩn trên một hòn đảo Ottoman hư cấu nơi sinh sống của cả người Thổ Nhĩ Kỳ và người Hy Lạp, từ đó đưa ra các suy ngẫm về sức mạnh của các quốc gia hiện đại. Một số nhân vật quen thuộc của Pamuk: Abdulhamid II, một quốc vương đấu tranh để cứu đế chế Ottoman, có chung xu hướng chuyên quyền và Hồi giáo với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan. Một người khác hao giống người sáng lập đất nước, Kemal Ataturk. Đối với một cuốn tiểu thuyết lịch sử, "Nights of Plague" lại mang tính chất khá đương đại.
Annie Ernaux (tên khai sinh là Annie Duchesne; sinh ngày 1 tháng 9/1940) là một nhà văn và giáo sư văn học người Pháp. Ernaux lớn lên ở Yvetot ở Normandy. Xuất thân từ tầng lớp lao động, nhưng ba mẹ làm chủ một tiệm café-tạp hóa. Bà học ở Rouen và Bordeaux, dạy ở trường trung học và sau đó, trong 23 năm, làm việc cho một trường đại học đào tạo từ xa của Pháp, cned.
Khi mùa thu đến, những làn gió thu sẽ là nhân duyên đưa đẩy những chiếc lá, cả xanh lẫn vàng, rơi xuống cội, hoặc bay đi xa. Tâm không xao động. Vì đâu cũng là đất; đâu cũng là nơi chốn an ổn để trở về khi cuộc sống tương lai đã được chủ định sẽ như thế nào trong từng phút giây hiện tại.
Tôi có cơ hội đi dọc Việt nam sau hoà bình để kiếm sống chứ chẳng vì mục đích cao cả nào khác. Thời bao cấp đói nghèo thì ai cũng đã biết, nhưng không vì lý do thiếu thốn đủ thứ mà tô bún riêu mỗi nơi mỗi khác, nó mang đặc trưng vùng miền cũng không hẳn, vì trước năm 1975 thì tô bún riêu ở mỗi nơi đã mỗi khác trên đất nước có chiều dài như Việt nam ta.
Tác giả của bài thơ là Tamura Ryuichi (1923-1998). Ông họ Điền Thôn, tên Long Nhất. Tôi gọi ông là Thanh Tâm Tuyền của Nhật Bản vì mấy lý do khác nhau...
Ngoài trời gió nhè nhẹ thổi, những chiếc lá mùa thu đang lãng đãng rơi rơi. Cái lành lạnh của gió heo may bên ngoài như đang hòa nhịp thở với những điệu nhạc “tiền chiến” mà tôi đang thưởng thức trong phòng đọc sách, một căn phòng đầy ấm cúng thương yêu...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.