Hôm nay,  

Ngọc Minh và Trái Khổ Qua

19/06/202000:00:00(Xem: 3560)
NGOC MINH

Kịch tác gia Ngọc Minh.

 

Ngọc Minh tên thật Nguyễn Thị Minh Ngọc, sinh năm 1953 tại Bà Rịa, thuở nhỏ sống với gia đình tại Phan Thiết, Pleiku, Huế. Bà có truyện ngắn đăng trên các tạp chí Tuổi Ngọc, Văn, Thời Tập... trong lúc đang học Trung học Phan Bội Châu (Phan Thiết), Dự bị Y khoa (Huế) và khoa Điện ảnh & Kịch nghệ trường Đại học Tri Hành Sài Gòn.

Sau 1975, Nguyễn Thị Minh Ngọc tốt nghiệp đạo diễn sân khấu (1980), tham gia giảng dạy tại một số trường nghệ thuật ở Sài Gòn. Bà viết rất nhiều kịch bản (70) và dựng khoảng 30 vở kịch trên sân khấu trong nước, cũng như tham dự nhiều liên hoan, hội thảo sáng tác và nghiên cứu về sân khấu tại nước ngoài. Bà cũng là phụ nữ Việt Nam đầu tiên đưa tác phẩm vào sân khấu off-off Broadway tại New York vào năm 2008 và 2011 với cương vị tác giả, đạo diễn và diễn viên.

Năm 2005, Nguyễn Thị Minh Ngọc lập gia đình và định cư tại tiểu bang North Dakota, Hoa Kỳ.

Kính mời quý độc giả đọc lại sáng tác đầu tiên của Ngọc Minh được đăng trên Tạp chi Văn trước 1975:

 

Trái Khổ Qua

 

Tôi ngồi trong bóng tối trên một băng đá xa lạ của sân quần vợt. Gió thổi lồng lộng từ cửa biển. Tôi mân mê mảng thịt bong sau lưng. Xót như ai xát ớt chanh vào nơi thịt hở. Mãi đến bây giờ mới thấy đau. Nhớ đến một câu Kiều: “Dặm ngàn nước thẳm non xa, biết đâu thân phận con ra thế này.” Còn ai thèm đến thân phận mày mà than thở hả Phi. Tía tôi chết rồi. Một chuyến ra khơi. Bão dậy. Không ai về. Còn má tôi, đó là một người đàn bà hiếm có. Hơn năm mươi tuổi mà trông vẫn còn có nét lắm. Tiếc rằng lưỡng quyền bà hơi nhô. Người ta bảo đó là tướng sát phu. Chẳng thế mà bà đã có đến nửa chục ông chồng rồi. Người chồng đầu nghe kể là dân Huế, gặp má tôi ở Quảng Nam, cưới nhau chưa đủ một tuần ông đã giao vợ cho má, theo bạn bè đi tập kết. Người thứ hai là bạn thân của ông chồng đầu, mang được má tôi đến xứ này rồi cặp luôn, sanh được anh Hào, chị Hiền rồi bị giết trong một chuyến tải hàng đi ngang rừng lá. Kế đến tía tôi mà tôi là đứa con độc nhất. Cái gia sản đồ sộ ngày nay phần lớn là của người chồng thứ tư. Hình như ông vẫn còn sống. Má tôi không kể nhưng bà quán Móm thì rành rọt lắm:

“Gặp người khác lù khù thì chắc êm rồi, nhưng trúng nhằm chị Hai thì không chạy đâu cho thoát được hết. Chỉ buộc lão phải ký giấy nhường thuyền bè lại cho chỉ. Cho lão ôm bạc mặt với thằng Hồ đi thôi. Chỉ cũng không thương yêu chi lão. Chỉ tội con Hiên. Sau lần đó dở điên dở khùng.”

Có lẽ nhờ tiền bạc của ông ta tôi mới được đi học. Tám tuổi vào lớp Tư, trễ mất hai năm. Nhưng trễ còn hơn anh Hào, chị Hiên thất học. Còn con nhỏ Phước - con của ông chồng bây giờ - thiệt là chướng. Rớt kỳ thi vào Đệ Thất năm kia, nó tuyên bố:

“Tui ở nhà phụ tá má để sau này lớn lên làm nghề của bả luôn.”

“Nghề của bả” là nghề làm đầu nậu cá, có thuyền cho thuê, có lưới cho mướn, có giếng nước ngọt cho gánh từng đôi, có bạc cho vay trả góp từng ngày bằng tiền hay bằng những gánh cá tươi chong mới lưới lên từ mặt biển để bọn làm công trút vô thùng lều làm nước mắm. Đó là cái nghề mép giải mồm loa, giàu đến đâu cũng không tin ai, đích thân xắn quần móng lợn xuống bãi đếm cá, mắt sắc như ngạnh cá kim kiềm đừng hòng ai thò tay mặt đặt tay trái rút bớt cá đi. Cái nghề cần nhiều gan lì, bản lãnh đến mức tàn nhẫn, phi nhân. “Một cắc cũng không bỏ qua.” Đó là châm ngôn của má tôi. Không phải để giàu có gì hơn cái sản nghiệp mấy dãy nhà chứa thùng lều (mỗi thùng độ năm, sáu triệu), mà vì bà không muốn ai qua mặt bà hết.

Rõ ràng là Phước rất có khiếu về nghề này. Thuở trước tôi là con mồi tốt để nó tập sư: “Mụ Phi nghe tui hỏi nè. Trái ổi tui cột xí phần rồi sao mụ dám hái cho thằng quỷ sứ tinh len nào chớ? Gan quá vậy ta!” Đó là em, “bà em” thua tôi sáu tuổi. Má tôi tin tưởng nhờ sanh nó ra nên từ đó làm ăn phát đạt. Cũng vì vậy, nước mắm do nhà tôi sản xuất mang nhãn hiệu Phuớc Hương. (Ở cái xứ nước mắm này thiệt lạ, xác mắm thì thúi ói nồng nặc cả đường xá mà nhà nào làm nước mắm cũng chọn chữ Hương trong tên như Hồng Hương, Mậu Hương. Liên Hương, Thiên Hương, Hoàng Hương...) Bây giờ nạn nhân của nó là những bạn chài nghèo khổ mà có người bằng tuổi nội nó. Phước còn một ông nội. Ngày xưa ổng xin một góc nhà chứa lều nước mắm để ngủ. Về sau chịu không nổi “bà dâu” và “bà cháu” nên ông chạy ra ngoài bãi che chòi ở tạm. Đôi khi sóng vẫn thường lên, lấp xấp chân giường, chiết giường tre nát nan, gãy mấu.

Trong mấy chị em tôi, tội nghiệp nhứt là chị Hiền, chị ngơ ngơ lầm lầm như kẻ mất hồn. Suốt ngày ngậm miệng làm lụng như một con trâu già. Má tôi ít khi cho chị xuống bãi. Để tránh tình trạng chọc phá của lũ tiểu yêu trong xóm, tay vỗ, chân nện, miệng hô: “Bà khùng bà điên, ăn cắp chuối chiên ở tù ba tháng, ăn cắp bánh tráng ở tù ba năm.”

Mấy lúc đó, chị Hiền thường đứng khựng lại, giương đôi mắt đục lờ nhìn chăm chăm tụi nhỏ. Không phải ở tù chi ba tháng, ba năm mà xem như là suốt đời chị bị đày đọa trong ngục tối từ một tai ương mà chị chỉ là nạn nhân.

Má tôi gọi anh Hào là thằng “phá gia”. Hồi đó, mỗi lần anh Hào chọc má giận như kéo bạn bè về bắt gà vịt nhậu, tôi vẫn rút xuống chỗ ông nội con Phước để yên tĩnh học bài. Tiếng má tôi vẫn lồng lộng vọng xuống. Nội con Phước cũng lẩm bẩm theo: “Ờ, phá gia chi tử thì khổ vạn niên. Như thằng Bảy của tui đó. Nhà cửa tôi nó đốt vô mâm đèn hết, bây giờ hút bám của vợ, chiều chiều nó chửi cho mà nghe.”

Không phải một mà còn rất nhiều chuyện xảy ra trong nhà này thiên hạ rành rẽ gấp mười lần tôi. Chẳng hạn, một tháng dượng Bảy đốt của má bao nhiêu chỉ thuốc. Chẳng hạn, anh Hào mới đớp được của má vài chục ngàn để cho con Chín Lim bán hột vịt lộn đầu ngõ phá thai. Chẳng hạn, con Phước mới đi xé mười cái áo xoa Pháp mười màu khác nhau nhưng cũng may một kiểu có hàng nút đóng hai chục hột chạy từ cổ xuống ngang lổ rún.

“Còn con, bác có nghe họ đồn đại gì con không?”

Bà quán cười móm mém:

“Cô hả, cô là tiên sa, phụng đọa xuống cái nhà đó. Cả cái xóm này nữa, có ai được đi học tới Đệ Nhị như cô đâu. Thằng Tám Tàng theo cô quá trời đất. Nó gạ con Chín Lim, em nó ưng thằng Hào là để thằng Hào nhận nó làm em rể đó mà.”

A, Tám Tàng, cái anh chàng thợ sửa Honda cho cái tiệm nào ngoài đường Gia Long thì phải. Bộ đồ dầu mỡ tứ thời. Khuôn mặt tròn xoay với hai cái răng cửa vàng như con thỏ. Sáng nào đi ngang nhà tôi cũng nghe tiếng hát đãi đạn mà con Phước vẫn khen khá giống Minh Cảnh, Minh Phụng gì đó: “Tôi với em là hai người cùng một xóm. Nhà của em có trồng đám khổ qua. Buổi bình minh còn nặng hạn sương sa. Tôi nhìn mãi cánh tay ngà của em tưới nước. Hỡi ơi, dây khổ qua nhụy vàng bông trắng, trái khổ qua tuy đắng nhưng đượm thắm hương ơ ơ tình!” Phải chi không sợ trễ học, nán lại vài mươi phút, chắc chắn anh ta sẽ làm trọn sáu câu. Tiếc quá, đường xa không cho phép tôi đứng lại nghe tiếp. Có lần tôi định dừng lại hỏi thăm:

“Bộ anh chỉ biết một bài Khổ Qua đó thôi sao?”

Có lẽ trước khi trả lời, anh ta sẽ phải cười, nụ cười với những chiếc răng vàng tóe lửa sẽ làm khuôn mặt anh bớt lừ đừ, thảm hại.

Bà quán Móm nói có phần quá đáng. Tôi không là tiên sa, phụng đọa. Tôi tên là Phi. Phi là không gì cả. Ở lớp tôi lãng đãng lơ đơ, về nhà tôi lơ đơ lãng đãng.

“Lúc nào cũng như ở một cõi xa lạc tới.”

 Đó là lời trách âu yếm của Tụ. Tụ nói:

“Đó cũng là lý do khiến tôi muốn dang tay bảo bọc lấy em...”

Ngay cả Tụ, với tôi, đôi khi cũng như một người nào rất lạ. Anh chàng người Huế, giáo sư Sử Địa của tôi năm ngoái. Đệ Tam. Buổi học đầu, tụi bạn tôi cho Tụ hai mươi mốt điểm trên hai mươi về dáng dấp cao lớn, hơi ốm và khuôn mặt khá nghinh nghinh. Là người Huế bị trừ hết hai điểm vì ngay cả mấy ông thầy người Huế cũng khuyên nhủ lũ nữ sinh nên đề cao cảnh giác đối với những tên “ngoài nớ”. Và giáo sư, cái nghề bán cháo phổi, nhọc công. chỉ số kém còn bị trừ thêm ba điểm. Vậy là Tụ còn mười sáu điểm, vẫn hơn mấy ông thầy Toán Lý Hóa bị trừ đến năm điểm vì thiếu thước tấc.

Ở Tụ toát ra một vẻ gì bao dung, bất phàm. Nhất là khi ngủ. Những chiều những trưa rong chơi trên đồi cát, nấp dưới một vòm keo êm ả nào đó, tôi vẫn thích quỳ ngồi, ngậm một cọng cỏ chong chong, ngắm Tụ an nhiên (hay giả vờ) ngủ. Thân hình thẳng, bàn tay những ngón vàng nâu màu nhựa khói xếp chéo trên ngực trông hao hao giống Jesus lúc bới hạ thập tự xuống. Có lần, giữ không được, tôi nói rất nhỏ vào tai Tụ ý nghĩ này. Chàng điềm đạm cười:

“Như vậy em phải là Maria.”

Tôi kêu lên:

“Maria là mẹ của Jesus mà.”

“Thử tập làm mẹ anh đi, em nhỏ!”

Tụ làm tôi xúc động. Tía tôi chết hồi tôi nhỏ xíu. Quên mất mặt mày rồi. Những lúc vòng tay ngang người Tú đứng trên đồi gió lộng, tôi vừa sung sướng vừa đau đớn nghĩ rằng chàng vừa là phụ thân, vừa là mẫu thân, vừa là anh em bè bạn của tôi. Bạn trên trường là những con mọt sách. Hai ba đứa chụm lại là moi móc đời riêng để cười cợt một cách dã man. Gia đình tôi thì như thế đó. Còn làng xóm, những con mắt bực tức khi tôi đi ngang áo trắng phơi phới, huy hiệu Phan Bội Châu chói chang đỏ rực, những cái miệng chửi đổng, những bản mặt kênh kênh. Tất cã là những vùng nước xoáy. Tôi như khúc củi rêu lạc tự rừng rậm nguồn cao lêu bêu lêu bêu chóng mặt. Tôi tin tôi không đến nỗi bị rã tan trong chúng nhưng củi khô ngâm hoài ngâm mãi như vậy, thế nào cũng có ngày rã mục. Và Tụ, có phải là chiếc lưới đến rất đúng lúc? Mà tôi, có phải lúc bấy giờ chấp nhận, mừng tủi vẫy chào với bất cứ cái lưới nào giong mở?

Bắt đầu từ những câu thơ nho nhỏ chép dưới mỗi bài soạn, trao cho tôi:

“O ni! O ni! Lơ láo nhìn chi. Đọc cho cả lớp chép bài này giùm tôi.”

Những ngón tay nhựa thuốc vàng nâu gí vào những dòng chữ xiêu vẹo. Tụ viết chữ như con rắn, những con rắn cứ làm vướng tầm nhìn của tôi! “Một cõi xa nào trong mắt nai!” Đại khái những câu như vậy. Lúc đó tôi vẫn không nghĩ Tụ viết cho tôi. Nên chưa thấy rung động mà nghe kính phục cái dáng cô đơn, tách bạch riêng rẽ của Tụ khi phải đứng chung với những người thầy khác. Đó là chuyện năm ngoái. Dần dà, tưởng chừng như Tụ là người ruột thịt độc nhất trên cõi đời này, với tôi. Nhà tôi bên này sông. Bến cá tanh tao nhớp nhúa, bùn lúc mun nhão nhoẹt xuống bến, gọi một con đò hay ngoắt thằng nhỏ chèo thúng qua cửa biển. Chúng tôi không hẹn trước. Nhưng Tụ thường ngồi trên gốc đá đen chạy dài trại Hải Quan đâm thẳng ra biển. Như một kiếp nào đã thân nhau, Tụ nắm tay tôi, chạy thênh thênh trên những đụn cát chảy nhiễu dưới chân. Một cuốn sách rơi. Hai cuốn vở rớt. Cuối cùng là tim tôi tan hẫng khi Tụ nâng mặt tôi lên, hái những nụ hôn ngọt lịm.

Tôi ghét cái bộ loay hoay đốt thuốc sau mỗi khi hôn tôi của Tụ. Tôi ghét luôn cái giọng nồng nhiệt:

“Phi Phi, anh phải cưới em, bằng bất cứ giá nào.”

Hôn nhân! Tôi nghe chờm chờm muốn mửa khi nhắc tới hai chữ đó, nhất là khi liên tưởng đến những đụng chạm xác thịt. Mẹ tôi đó, năm bảy đời chồng, những đứa con khác biệt hẳn nhau vì không cùng dòng máu. Thuở tía tôi mới mất, nghe kể là phải đong từng lít nước mắm của ba thằng Hồ đi bán lẻ. Chiều chiều còn bế tôi xuống bãi chờ tía về. Vài năm sau, cơ sở đó lọt hết vào tay bà, thêm hai đứa con của hai người khác nhau. Một anh tủi nhục bế con đi. Một anh chết dở bên mâm đèn. Cuộc đời mẹ tôi - mà không khi nào bà thèm kể lể với con cái - vẫn là những đề tài bàn tán rất hấp dẫn cho cái xóm Cồn Chà này mà đa số xem bà vừa là ân nhân vừa là kẻ oán. Và chị Hiên, nỗi nhục nhằn hiển hiện sờ sờ với tháng năm, là nạn nhân của tên dượng ghẻ thú vật hay chỉ là một con vật ly sinh trong hằng muôn thủ đoạn mà người ta vẫn gán cho má.

Có lần, tôi đã xoay lưng lại với Tụ để dấu nước mắt ứa nhưng giọng nói thì ướt sũng:

“Đừng mạnh bạo với em bất cứ chuyện gì, không sợ em bị tan hẫng như sương sao?”

Tụ xoay đầu tôi lại, hôn dịu dàng lên đôi mắt long lanh nhểu giọt. Đôi môi đó, chắc chắn đã hôn nhiều, rất nhiều những đôi môi khác sành sõi, nồng nhiệt hơn tôi.

“Nhỏ không biết hôn chút nào hết. Trông nhỏ run lập cập như con chim ướt trông đền mà thương.” Tôi sung sướng với ý nghĩ bao dung của chàng nhưng bao giờ cũng giả vờ nói lẫy:

"Em biết chắc anh đã hôn nhiều. Làm sao em so được với những người đó.”

Tụ nhìn thẳng vào mắt tôi, mũi cọ vào nhau, kêu lên vui thú:

“Trời ơi Phi Phi, em hay động lòng giống như một nhân vật miền núi của Hesse. Em là đàn bà. Thơm như trái chín. Nhưng trái sẽ úng thối. Em là lá cây. Tinh khiết chát non. Trái cây gợi ta thèm cắn. Nhưng lá cây mong manh buộc ai cũng phải nâng niu.”

Lá cây là tôi? Tôi là cây lá? Không lời ví von nào làm tôi cảm động hơn. Lá sẽ khô ròn, vàng võ, nứt thịt, trơ xương. Lá mỏng mảnh tầm thường. Phải thánh thiện bao dung lắm mới can đảm sống một đời bên lá.

“Gạt đi những hoa hồng, trái thơm chỉ để ngắt một cọng lá, hỡi kẻ ngu muội tên Tụ, đã suy nghĩ chín chắn chưa?”
“Em không tin là em đẹp sao, Phi Phi?”
“Em không tin tôi thật tình yêu em à?”

Tôi cười mỉm, lắc đầu.

 “Em không yêu tôi chút nà hết sao, Phi Phi?”

Vẫn lắc đầu, lắc đầu.

Lắc đầu. Lắc đầu. Tụ kêu tôi bương bỉnh như loài chim cát thường ăn trưa trên mặt biển. Những trưa đứng bóng, vạn vật sững im, những con chim lạ trắng toát vẫn thường xuất hiện chờn chờn ngoài biển nắng và gan dạ đứng trên vai chúng tôi nhưng đừng hòng ai tóm được chúng. Tôi buột miệng:

“Không phải bướng mà là chướng. Má em vẫn gán cho em chữ chướng, chướng khí kỳ đời.”

Tim tôi bỗng đánh thót. Tôi vừa nhắc tới má tôi đó sao. má tôi với những đức ông chồng xếp hàng sau lưng và cái xóm Cồn Cỏ, những anh “ba-đờ-ghe” pyjama sọc ba túi, tắm rửa sạch sẽ, dầu thơm xa tám thước còn nghe nhưng bao giờ cũng đi chân đất, áo phành phành để lộ những sợi dây chuyền đỏ ối tòn ten một quả tim vàng khá nặng ký. Từng nhóm, từng nhóm. Những vụ thanh toán nhầy nhụa quanh những sòng bài mập mờ tranh tối tranh sáng. Những chị “be” trạc tuổi tôi, dữ và hỗn như tinh leng. Nghề dạy nghề mà. Biết chửi tục và cấu xé là những điều kiện tối thiểu cho nghề bán cá. Cái xóm chi mà dữ dằn suốt ngày ơi ới tiếng chửi nhau (trừ khi má tôi cất tiếng thì chỉ mỗi bà độc diễn). Nhưng đến khi đêm phủ, cũng như bao sinh vật khác, rải dài hẻm tối, áo bà ba phủ đít, quần chật bó, tóc búi cao đá lông nheo với pyjama sọc, chân không. Cửa sổ trên gác của tôi trông ra một gốc cây mã đề. Đó là một chỗ hẹn hò lý tưởng. Những tối chong đèn ngồi học, tôi vẫn cười một mình khi nghe vẳng lên những lời tâm sự của đôi bạn nào đó:

“Anh Khương Đại Vệ ảnh chết thật thảm. Tui khóc ướt đầm cái mu-xoa hồng.”
“Sau này, anh có phụ mình, cho anh bị năm con ngựa phân thây như ảnh, mình nha!”
“Em mà có con dao chặt cá lúc đó, em chém nát mặt con mẹ Cao Bả Thu với thằng cha Trần Hồng Liệt.”

Tôi không ghét không thương họ, cũng như với cái gia đình tạp nhạp của tôi. Tôi sống lửng lơ như cọng rong xanh nhờ giữa vũng nước loi nhoi đá ốc. Nhưng còn Tụ. Chàng là cá ngạc, cá ngừ quẫy đuôi biển lớn. Cái quê hương chàng lớn, những ông chú, mụ o, những mệ ôn quan liêu đài các, ngôn ngữ thơm tho mùi trầm hương của một triều đại cũ liệu có thở nổi không ngôn ngữ tục tằn tanh nồng mùi cá mắm...

Có phải lâu nay tôi là chiếc lá buồn thiu, ẩn nhẫn cuộn gan trong bóng tối không dám phơi mở bạo dạn tự nhiên như những nụ hoa nhuận thắm nằm tênh hênh chờ kết tinh thành những trái no đầy. Lũ bạn chê tôi dấu nhà kỹ như mèo dấu cứt. Trong lớp thiếu gì đứa con nhà nghèo. Má đổ bánh căn. Cha kéo xe thuê. Nhưng bạn bè vẫn có thể tụ đến để đùa vui. Còn tôi? Còn tôi! Một lần năm lớp Nhứt, tụi bạn kéo đến vựa tre ven sông mua về làm lồng đèn rồi ghé qua nhà tôi xin nước uống. Thiệt tình tôi muốn chạy thẳng xuống biển cho sóng cuốn hút để đỡ mắc cỡ khi má tôi đang chửi một người khất nợ bằng những lời tục tằn dơ dáy nhất của bà. Con Kim Khuê bấm con Lài, con Lệ Liễu bấm con Sinh cười rích rích:

“Về tụi, về tụi, kẻo bả chửi luôn mình.”

Môi tôi cắn giữa răng, nước mắt ứa giữa mi, nước mũi tràn xuống miệng, tôi đứng nấc âm thầm ở một góc nhà chứa lều... Hiện nay trong trường có vài chú nhóc theo tôi (đồ ngốc, bộ chúng không biết chuyện của Tụ và tôi sao). Cũng may là có Tám Tàng thường cà kịa với mấy cậu nơi đầu ngõ nên chưa ai biết được nhà tôi. (Đa tạ anh, anh Tám!)

“Phi Phi, anh phải cưới em, bằng bất cứ giá nào.”

Trời ơi, tội quá ông ơi, làm ơn tắt giùm cái dĩa cũ cà lăm hoài cái điệp khúc lợm giọng đó. Mỗi lúc chia tay, Tụ cứ lập lại câu nói cũ mèm này hoài, tuồng như để an ủi những nụ hôn mỗi ngày mỗi mạnh bạo hơn mà tôi phải chịu đựng.

“Lầm rồi ông ơi, tui đâu có ham.”

Sao vậy Tụ, bộ anh quên anh đã từng ví em như lá cây. Trái và hoa ra sức làm đẹp cho ngon… nó sẽ chín sớm hơn một chút nhưng chắc không cảm thấy vui thú bằng tụi kia. Phải chi Tụ biết nói như anh chàng xốc nổi nào đó trong bóng tối gốc mã đề có lẽ vui tai hơn:

“Sau này, anh có phụ mình, cho anh bị năm con ngựa phân thây như ảnh, mình nha!”       

Thôi, đừng ngắt sớm lá cây non chát. Nha Tụ. Tội nghiệp nó. Tội nghiệp em!

Tụ không nói đùa cợt qua đường. Hôm Tết, về Huế, chàng lẳng lặng thưa với bà cụ rồi lẳng lặng dắt bà cụ ra đây xem mắt con dâu. Buổi trưa, tôi đi học về ghé quán bà Móm, uống bát nước chè như thường lệ. Bà già đon đả:

“Chèn ơi, cô có bà má chồng thiệt ngộ mà lâu nay giấu tui há. bà già mà còn diện đẹp mê hồn vậy đó. Lông mày sắc như dao cạo. Lỗ mũi thanh nhọn. Đôi môi thoa son đỏ chét, má dồi phấn trắng chạch y chang mấy cô đào thương của ôn Bang Bạnh. Bận áo dài nhung màu xanh lá cây, cổ đeo tràng cẩm thạch, tay có chiếc lắc vàng cầm dù, tay kia xách bóp trắng. Bà già tốt tướng, phúc hậu lắm. Ở đâu xui khiến hai bà sui gia với nhau đẹp hết. Mà ngó thẩy cũng đẹp.”

Bát nước trong tay tôi rung rinh... Bộ Tụ cũng đến nữa sao.

“… Hai người đẹp đôi lắm đó nha. Vậy mà cả xóm lâu nay có ai biết chi đâu có. Cô giấu tài ghê. Chắc trên trường cũng có người biết chớ. Nghe nói thẩy là thầy của cô?”

Tôi hỏi dập dồn:

“Rồi sao? Rồi sao? Làm sao họ biết nhà con? Họ đã về chưa? Bao lâu rồi bác?”

“Thầy nói thầy xem học bạ kiếm địa chỉ của cô rồi ghé đây hỏi đường đi. Tui có mời vô uống nước. Ngồi đâu độ vài tiếng đồng hồ, hai mẹ con mới dắt vô đó. Bây giờ cô về nhà là gặp liền.”

Thiên địa ơi! Uống nước gì mà tới vài tiếng đồng hồ. Trúng nhằm bà già thổ công, chắc hai mẹ con Tụ đã thuộc nhàu tiểu sử mẹ tôi, một tay bản lãnh, ác đức bất nhân, dượng tôi, hút sách nhu nhược, anh tôi, chàng “ba-đờ-ghe” trốn lính ép gái phá thai, chị tôi, đầy đọa khật khùng làm việc như thú vật, em gái tôi, hỗn như tinh gấu, còn tôi, là cái giống gì đây... Bà quán, thổ công đất này mà còn công nhận tôi giấu tài. Nhưng mà công trình giấu che đó đã được xây trên cát, và bây giờ đang lúc lắc lung lay. Tội nghiệp tôi mà sóng biển. Tiếng móm mém của bà quán vẫn phấp phỏm bên tai:

“Chỉ tội thằng Tám Tàng. Tha hồ cho nó rầu rĩ. Đây rồi coi, nó dám phá làng lắm chớ có chơi đâu. Còn cô, yên chí đi, tôi ca tụng cô không tiếc lời.”

Chắc lại tiên sa, chắc lại phụng đọa nữa chớ gì...

Dáng Tụ lêu nghêu lầm lũi với bà cụ dù nâu. Tôi tái mặt, năn nỉ bà quán:

“Cho con vô trong buồng một chút. Đừng có nói con ở đây, con lạy bác.”

Cái miệng đang ngoáy ngon trớn, bà quán khựng lại, ngạc nhiên:

"Cô Phi, chi mà dị òm rứa, ra mà chào người ta, tội nghiệp bà lặn lội thân già từ Huế vào đây...”
 
Qua kẻ hở của phên tre tôi thấy lưng áo nhung xanh của bà cụ và một phần tóc của Tụ lúc lắc:

“Mạ sao cố chấp quá, bà ta dữ tợn với ai nhưng lúc nói chuyện với mạ con mình thấy nhỏ nhẹ quá mức.”

Bà cụ xỉ ngón tay vào trán con:

“Thằng ni ngu dốt quá. Con mẹ dỏ dẹ nhưng là xóc óc xóc đầu tao.”

Rồi quay qua bà quán:

“Tui sợ quá mụ ơi. Nhà tui vọng tộc danh giá. Chồng tui dầu chi cũng quan quyền, răng đi làm sui đặng ví con mụ lái cá, chửi ông chồng nghiện hút xoen xoét như chửi con.”

“Uớ, bà nghe sao?”

“Nghe chi, tui thấy, tui thấy rõ ràng đến nỗi muốn nổ mắt tui ra luôn. Con mẹ giận chồng chuyện chi nớ mà mạ con tui mới bước vô đã thấy vừa phành bài tứ sắc vừa phành phạch chửi chồng. Cũng thì chửi, mà xứ tui họ chửi dẹ dàng như ca hát, chửi thanh tao, có mô mà tục tằn, hàm hồ hàm chứa như con mụ nớ. Mình tới con mụ bình tĩnh lắm, ngồi im nghe tui nói hết rồi xua tay lắc đầu. Thiệt bẽ mày bẽ mặt. Con mụ chê người Huế. Dứt định không cho con về làm dâu người Huế. Tại ông chồng đầu của mụ cũng dân Huế nên mụ có làm dâu một thời gian sau khi chồng đi tập kết. Mụ cũng kể như chịu không nổi nên một tên bạn chồng bá vơ mô đến chọc ghẹo, mụ cuốn gói trốn vô đây liền. Lạy thiên địa, đàn bà tai ngược, ngụy tặc, trốn chúa lộn chồng như mụ xưa nay có một. lại còn một lũ con. Mô Phật! Một thằng du côn túm gà với Vĩnh Sanh Hòa nơi nhà mấy con nợ của mạ nó về bắt con ranh con làm. Con ranh bắt con chị khùng làm rồi đỏng đảnh rủa xả mấy thằng bạn của anh nó kéo đến dậu dẹt một đã. Mình ngồi nói chuyện với mẹ nó mà bọn nó có kiêng nể chi mô có. Rùm beng dậy xóm. Thôi Tụ ơi, con có thương mạ thì con từ con nớ ra. Đời ni con gái thiếu chi con. Ở Huế còn biết bao nhiêu đứa nhu mì, nề nếp.”

“Nhưng mạ chưa thấy Phi. Con cưới Phi chớ con có cưới gia đình Phi đâu.”

Bà cụ lồng lộn:

“Ai hỏi cho mi mà mi dám cưới. Mụ mạ nó không thèm gả, mi nghe rồi mà. Con chi mà chướng khí kỳ đời nà.”

Sau tấm phên tre, tôi cười một mình. Lưng xoay lại, không nhìn nữa nên không biết Tụ có cười hay không khi nghe bà cụ gán cho chàng bốn chữ

“Chướng Khí Kỳ Đời” mà má tôi vẫn thường xài trong trường hợp tôi. Ít ra giữa bà và má tôi xũng có điểm giống nhau đó. Bà cụ coi bộ cũng khá nhiều lời. Ngồi láp dáp nói hoài. Chê bai. Mắng mỏ. Khuyên lơn. Thỉnh thoảng Tụ định chêm vào vài câu đã bị át giọng. Còn tôi, sao lại bình thản thế này. Chỉ cảm thấy hơi phiền khi phải đứng nấp lâu, chân tê rần, khó chịu. Có phải khi cảm thấy vô phương tuyệt cách vớt vát được gì nữa giữa vực xoáy thì sinh vật nào cũng hóa rong rêu, lì lầm trơ trơ như khúc củi rền mặc sóng nước đưa đến đâu thì đến. Trước khi hai mẹ con Tụ về tôi còn nghe câu chót:

“... Giàu bạc vạn rồi cũng không còn. Còn chi nổi trong cái gia đình đủ hết tứ đổ tường như rứa.”

Tôi ứa nước mắt, tức giận. Chưa mà cụ, má tôi đánh bài, dượng tôi hút sách, anh tôi nhậu nhẹt... nhưng vẫn còn vững một bức tường mà. Hay cụ định suy ra từ đó tôi sẽ là người húc đổ bức tường thứ tư.

Tôi nhìn theo dáng hai mẹ con Tụ ra ngỏ. Tụ cao hơn bà cụ cái đầu, tôi dưng không bỗng thấy anh quá nhỏ nhít lủi thủi bên mạ,

“Anh là con một.”

Tụ chỉ nói như vậy rồi thôi. Chúng tôi đã không hỏi cũng như không kể gì về gia đình nhau. Để bây giờ...

Tụ cúi xuống. Cột lại sợi dây giày. Tôi nghĩ chàng hẳn sẽ thấy tôi. Nhưng như chưa hề quen. Đứng lên. Chạy theo cho kịp bà cụ. Cám ơn Tụ. Nếu anh quay lại tôi sẽ có thêm một cái cớ để ghét anh. Quay đi là đẹp nhất. Kệ cha tôi. Kệ cha cái gia đình hỗn độn và xóm chài tanh tưởi của tôi. Làm ơn đi nhanh thêm giùm chút đi. Cám ơn anh lần nữa. Tụ, cám ơn và tội nghiệp anh...

Bà già Móm hỏi nhỏ:

“Chắc cô nghe hết?”

Tôi lừng khừng lập lại hai chữ cuối:

“Nghe hết.”

Có tiếng thở dài đằng sau lưng. Thôi thở dài giùm con chi bác. Con ghét cái âm hưởng não ruột đó. Bây giờ người khuyên: “Yên chí đi” chẳng lẽ lại là con hay sao. Ừ, yên chí đi, bác sẽ được một đề tài mới về con rồi đó. Phổ biến đi, gõ vào những cái loa, đánh thức những lỗ tai ngóng đợi, bạn tôi, trường tôi và tỉnh nhỏ, nào những ai ai... tôi đang chờ, đừng để tôi thất vọng.

Nắng lổ đổ trên lưng tôi, tóc dài khô rốc tê vàng đuôi nọn. Cái nóng rát trên gan bàn chân. Đôi guốc đen này Tụ vẫn khen nó làm đôi gót em đỏ hồng thêm, muốn cắn. Tội quá, cắn em chi anh. Em là lá cây, là đà trong bóng tối mù mờ. Bỗng dưng nghe thương má, thương cái gia đình “tứ đổ tường” của tôi quá đi. Hẻm nhỏ và sâu, không một bóng cây nhưng hình như tôi nghe có tiếng lá cây rơi đâu đó giữa trưa, lạnh lùng chao chác...

Mâm cơm đậy gọn trên bàn. Phước cười cười:

“Má để phần cho chị đó. Đi đâu mà giờ này mới lết về. Chắc gặp ảnh giữa đường? Cũng khá đẹp trai đó chớ. Giống thằng Lý Tiểu Long trong Tinh Võ Môn. Giấu kỹ quá ta. Qua mặt được con này là khá lắm. bà lịch lịch mà chín mà mười như ai...”

Có phải nó mắng tôi đâu. Em tôi khen tôi đó. Tôi giở lồng bàn. Cá nục kho măng, canh cá vò viên nấu rau bù ngót. Chả cá chiên rồi kho quánh lại với thịt ba chỉ. Đó là tài nấu nướng của chị Hiên và con Phước. Nhiều lúc tôi thèm được như hai người đó, biết nấu được những món ăn ngọt ngào như vậy. Dầu sao cũng cám ơn má tôi. Nếu bà không cương quyết ngó bộ tôi khó có hạnh phúc sau này, với Tụ, nếu về cái xứ đó, lọt vào cái gia đình quan liêu của chàng với một bà già như vậy, bằng đôi tay vụng về này.

Tôi bò lên cái tổ tò vò của tôi trên gác, để nguyên cái áo đi học, như muốn thui chín người cùng với một nỗi mệt chán nào rất lạ. Thèm ngủ một giấc tới chiều. Tôi còn yêu Tụ hay không? Làm sao tôi biết trả lời! Điều chắc chắn là tôi chưa quên được anh. Hay nói đúng hơn, chưa quên được những nụ hôn vừa dịu vừa nồng, vừa rạt rào vừa mang mang một mầm mống chia lìa từ đó. Thấy rõ mình đang cần một thứ thuốc lú. Dẫu tạm thời, để quên lãng tạt qua chút xíu những sợi não rối beng. Với ý nghĩa đó, có lẽ là Tám Tàng đang giúp tôi, dưới gốc mã đề. Lần độc nhất tôi nghe trọn bài Trái Khổ Qua: “Đám cưới của em mời bà con lối xóm, nhưng một mình tôi là chẳng thấy ai... ơ... ờ mời. Tôi nghe tiếng cười vui mà gan ruột tơi bời. Mưa rớt vườn cau sương gió lạnh. Lạnh giang hà lạnh cả lòng anh. Em đi cạn chén rượu mừng. Anh về suốt mấy canh trường khổ đau. Người ta vui vẻ làm sao. Còn tôi mượn giấc chiêm bao để gặp nàng...”

Rồi anh bắt qua một bài nhạc của thiên hạ (hình như là bài Em là cô gái Bích La Thôn), lời của anh. Tôi chỉ nghe rõ một câu: “Có anh Tám Tàng làm Honda. Cô nàng đem lòng thương anh Tám...” Chữ Tám đó anh láy thành “Tam am tám...” nghe một tiếng rên dài, làm xốn xang đầu óc hơn.

Những ngày sau tôi nằm vùi trên gác. Lấy cớ nghỉ học để ôn bài thi. Má con tôi lâu nay đã ít nói chuyện với nhau lại càng như cấm khẩu khi đối mặt. Những bữa cơm lánh mặt nhau. Hình như bà tưởng tôi oán bà. Bà không hề hay rằng sau biến cố đó, tôi nghe yêu bà thêm chút chút. Có hôm anh Hào nhìn nói móc:

"Mầy có gì với thằng đó chưa?”

Tôi lừ đừ:

“Có gì là có gì?”
“Mấy con bạn mầy đồn mầy có thai với thằng cha giáo sư đó nên buộc chả cưới gấp. Rồi tại thằng chả thấy má chửi mắng dượng nên chả sợ quá, chả dông vô Sàigòn mất. Còn mầy thì không dám đi học nữa.”

Tôi cười khan:

“Trí tưởng tượng của tụi nó không có gì mới mẻ hết. Cái lối suy luận ngu xuẩn, tội nghiệp mà dở ẹt đó, anh cũng tin sao?”

Anh Hào rung đùi:

“Phải chớ, ít gì em tao cũng khôn hơn con Chín Lim. Hổm rày nó băng huyết tao lo quá. Thằng Tám Tàng dọa có chuyện gì, nó giết em nó, giết tao, giết mày, giết luôn thằng cha đó, rồi giết nó luôn. Thằng nói dóc tổ cho đỡ nhục chớ sức mấy nó dám làm. Mấy lần nhậu chung, biểu nó cắt cổ vịt nó còn làm chẳng nên thân, vịt mới đứt nửa cuống họng, vùng chạy ngời ngời khắp sân, máu nhểu ròng ròng. Hôm nào để nó cắt thì y chang mất món tiết canh.”

Con Phước ngoáy miệng, xía vô:

"Mấy ông mấy bà bày đặt yêu iếc rồi ghen tuông chém nhau như tiểu thuyết của Nghiêm Lệ Quân hay Người Khăn Trắng. Ở nhà phụ má kiếm tiền may áo, coi xi-nê với mướn chuyện coi không sướng ha...”
       
Sao mà tôi muốn hôn đôi má chót chét của em tôi quá, để nếm được chút hạnh phúc hồng hào của nó.
         
Hôm đi học lại, bắt gặp mình chọn cái áo lụa cũ với đường chít ben thật sát thay vì cái áo dài mini bằng soa Pháp rộng bụng, tôi lại bật cười. Thì ra mình cũng sợ bọn thối mồm, nhờ cái áo để chứng tỏ eo co còn thon dịu, chẳng thể có được sự thâm nhập của một giọt máu khác giống tanh hôi nào khác. Lũ con trai bây giờ có thêm cái mốt ngồi xếp hàng dài trên vệ đường thông qua cổng trường. Tụi nó vổ tay độp độp khi tôi bước qua:
         
“Con gái của Batwoman đó bây. Batwoman muôn năm!”
         
Kể ra tụi nó cũng khá, điều tra được tên má tôi: Nguyễn Thị Dơi để chế biến thành Batwoman. Tiếng tăm của má tôi như vậy là đã lẫy lừng tới trường học tôi...
         
“Phi Phi, bằng bất cứ giá nào, anh cũng phải cưới em.”
         
Có lẽ suốt đời tôi cũng không định rõ được rằng tôi có yêu Tụ không. Nhưng mà nhớ quá, những nụ hôn bao bọc của một Tụ ngày xưa nơi dãy đụn cát lồi lõm nồng nàn ven biển.
         
Chiều chiều tôi vẫn ra cửa sông, đi đò sang bãi Thương Chánh, mang sách theo học cho kịp kỳ thi tháng Tám. Thôi không còn chạy dài trên đồi, một cuốn sách rơi, hai cuốn vở rớt mà là những tảng đá đen. Ngồi cho đến khi bóng sáng rút và triều sóng dâng, những gốc bàng lá nâu đỏ đập xôn xao. Một vài tiếng súng lác đác của mấy anh Nhân dân Tự vệ làng Vĩnh Thủy sau dãy đụn cát. Nhiều khi trễ đò về, tôi phải vòng ngã cầu Mường Mán. Mỗi người trong gia đình tôi vẫn theo đuổi công việc của riêng mình, không ai để ý đến ai.
         
Cho đến chiều nay, con Phước đi coi phim “Mã Tố Trinh phục hận.” Con nhỏ có cái tật coi đi coi lại hai xuất mới chịu về. Má tôi ngồi chửi đổng trên bộ phản rồi kêu tôi thay con Phước đi lấy tiền hụi tháng này. Đây là một lối dặn dò của bà:
         
“Mẹ nó, thằng cha Mười Tài có tiền bao gái mà hụi không chịu góp, cứ lần lựa hoài. Con đĩ chó Chín Khanh mới lãnh tiền tử của chồng nên đi đánh sì suốt ngày, tới không bao giờ thấy mặt, để thằng Cu cho con ở coi, nó trét cứt đầy đầu. Chó nhà bà Bảy Bủng mới đẻ đó. Coi chừng nó táp đứt (...). Đừng kiếm cha Trùm Sáng ở nhà bà lớn, bả chửi cho mà nghe. Con mẹ nước mắm Diệu Hương hổm rày xuống chùa Liên Trì ăn chay để tụng mười lăm ngày kinh, nói với thằng chồng là Hai Dơi biểu phải đưa gấp không thôi tao đào bới xới vở bây giờ. Còn mấy chỗ đó nữa thôi, liệu mà về sớm nghe con đĩ ngựa! Còn con đĩ chó kia về biết tay tao! Quên nữa, lúc về, ghé chợ Gò mua mớ tần ô chấm nước cá ngừ.”
         
Con đĩ ngựa là tiếng gọi cưng đó. Chừng nào bà giận thì con đĩ chó. Tôi nhìn lén má tôi. Tóc bà lấm tấm đốm trắng. Gần sáu mươi tuổi rồi còn gì. Nói mà ai tin. Còn nghe bà chửi được là còn mừng. Mừng bà còn sức chửi. Má tôi bắt gặp ánh mắt tôi. Tôi ngoáy tóc, chạy phăng ra cửa. Hai mẹ con, chắc cũng có lúc nghĩ đến nhau, thương nhau, nhưng tôi dám cá cho tới chết cũng không ai mở miệng nói ra điều đó. Gia đình tôi là như vậy. Và tôi thấy đó là một điểm rất hay ho.

Lúc tôi về, ruột gan bỗng nóng như có một biến cố gì đã, đang hay sẽ xảy ra. Gặp Tám Tàng nơi cổng, tôi khoanh tay trước ngực, số tiền dày cộm nơi nịt vú:

“Anh Tám anh không đi coi phim Mã Tú Trinh sao?”
Lần đầu tiên tôi thấy một anh con trai khóc.
         
“Dạ không! Cô Phi ơi, con Chín em tui nó băng huyết nhiều quá chết rồi cô à.”
         
Cái gì? Chín Lim, Chín Hột Vịt Lộn, chết rồi sao? Mười mấy năm nghề cô ta luộc có đến cả triệu bào thai của tụi vịt. Mà bây giờ chỉ phá đi một cái bào thai trong bụng mình cũng đủ chết non. Tôi rùng mình khi nghĩ đến quả báo. Bóng tối trùm phủ ngôi nhà tôi, cả góc hẻm lẫn cái cổng mà tôi đang đứng với anh ta. Nhớ lời anh Hào:
         
“Nó dọa giết em nó, giết tao, giết mày, rồi giết thằng giáo sư luôn.”
         
Tôi cố nói to và bình tĩnh để ai đó đi ngang nghe thấy:
         
“Sao anh không về lo ma chay cho em gái, đứng đây làm gì?”
         
“Tôi kiếm anh Hào. Ảnh hứa có để ảnh lo. Ba má tui già, đàn con anh Hai tui để lại lâu nay sống nhờ thúng hột vịt lộn của con Chín. Tui sửa Honda đủ nhậu nhẹt một mình.”
         
“Mấy hôm nay anh Hào theo mấy cái xe chở xác ở nhà lên Ban-Mê-Thuột rồi. Tết ảnh mới về. Để tui thưa lại với má tui giúp được anh chút nào hay chút đó.”
         
Tám Tàng cười gằn:
         
“Má cô! Thôi đừng hòng moi được cắc nào của bà già bất nhân đó.”
         
Rồi bất thình lình, hắm ôm chầm lấy tôi. Những xấp bạc nơi ngực tôi cọ vào ngực gả. Mùi rượu mồng nặc trên đôi môi tìm kiếm. Tôi hét lớn:
         
“Má ơi!”
         
Gã co giò chạy biến vào bóng đêm. Tội nghiệp gã. Chắc gã định gỡ gạc đôi chút với cái chết của Chín Lim nhưng vẫn chưa hôn được môi tôi. Tội nghiệp gã thiệt tình.

Tôi bước những bước dọ dẫm vào nhà. Má tôi chắc đi rồi. Phước chắc chưa về. Dượng chắc còn ngủ. Chị Hiên bộ chưa nấu cơm sao mà nhà bếp cũng không có chút lửa. Tôi mần mò lên căn gác hy vọng thấy đốm lửa trên bàn đèn của dượng. Nhưng tôi bỗng khựng lại nơi lưng chừng cầu thang. Căn gác vẫn tối om lại có tiếng thở của hai người. Ai vậy? Vô lý. Căn gác ngăn ba. Trong tấm màn đó là giang sơn của dượng. Giữa là bàn thờ. Phần còn lại là của tôi. Mấy bữa thì có anh Hào lên thắp nhang. Chị Hiên một tuần mới lên lau quét một lần. Còn má tôi và con Phước thì chê gác dơ không bao giờ thèm đặt chân lên. Tiếng tằng hắng của dượng Bảy cùng tiếng lăn trở làm ngã một lọ thủy tinh nào đó:
         
“Ai vậy, phải con Phi không?”.
         
“Dạ, con lên mồi lửa”.
         
“Hột quẹt trên bàn thờ đó con.”
         
Chân tôi vẫn còn lóng cóng. Ruột gan tôi vẫn còn rối bời. Nhớ đến cái ôm khi nãy, tai ương đã qua chưa hở trời.
         
Que lửa rớt xuống nền gác ngay vùng dầu họng ai làm ngã khi nãy, bốc cao và lan rất lẹ. Tấm màn đỏ đẩm lửa, rớt xuống phủ chụp lên dượng Bảy và cái bàn đèn dọc tẩu lổn nhổn của dượng. Lửa bừng bừng bốc cao soi tỏ mọi vật. Lửa vặn răng rắc những cây trính vững vàng. Lửa lừng lẫy reo như tiếng cười đắc hắng của ai. Lửa bóp méo nhuộm hồng khuôn mặt lâu nay mét xanh vì thiếu ánh sáng của người dượng già. Lửa lột rõ thân thể trần truồng của một người. Cây đà ngang rớt lên trước khi tôi nhận rõ mặt. Tôi cảm phục sự gan dạ của người đó. Tôi nghe lửa giòn giã gọi tôi:
         
“Phi Phi! Không kiếm lối chạy hoát đi, còn đợi chừng nào?”
         
Chân tôi lí quíu trên những bực thang đi xuống. Lửa chụp táp vào lưng. Tôi lăn xuống nền cát đập lửa rồi cắm đầu chạy. Chạy thục mạng. Hình như có tiếng lốp bốp của những mảnh lá phủ thùng lều, tiếng răng rắc của những cây rui cột của dãy nhà lều gần giếng. Vẫn chạy. Có cái gì đó nâng tôi bay cao. Tôi chạy như bay. Không hề ngoái lại. Làm như những người dân thành Sodome. Quay lui sẽ hóa tương muối. Đâm ra bãi, ngược lên đường Ngư Ông, men bến Trưng Trắc, băng qua cầu Mường Mán và cuối cùng mệt mỏi trên cái băng đá của sân quần vợt này. Những bó bạc vẫn cồm cộm trong ngực. Bộ quần áo độc nhất đã sem sém sau lưng. Tôi xổ tung búi tóc để che chút lưng trần.

***

Sương tản mạn từng chùm ngoài lùm cỏ hắt vào cơ thể tôi cùng cái vị lạnh mặn chan chát của biển sông trộn lên. Bây giờ tôi thèm ngủ quá chừng chừng. (Hình như sau một biến cố đổi thay nào đó, tôi vẫn thèm ngủ như thái độ đầu hàng tiêu cực của lũ đà điểu nhủi đầu trong cát.) Nhưng lần này thì không cần thuốc lú, tôi tin rằng tôi sẽ phải quên. Bởi vì tôi chợt nhớ ra những dấu vết quen thuộc của người con gái chết thui trên gác. (Tại sao đó không phải là tôi!?) Bởi vì tôi chợt thấy thèm một lần nữa. Không điều gì không thể xảy ra. Cho dù tôi có cuộn thân lá xanh xao của mình vào bóng tối thì những sợi nắng vàng hực của ngày hôm sau vẫn lo le liếm tôi...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trên Văn Việt ngày 16 tháng 2 vừa qua, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (University of New South Wales, Sydney, Úc) cho biết một số độc giả trên mạng đã hiểu một cách sai lầm rằng câu “Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” là thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Từ chuyện ngộ nhận ấy, nhiều vị viết lời bình luận rằng Vũ Hoàng Chương là một người sắt máu, chẳng khác gì Tố Hữu ngoài Bắc. Cũng qua câu trên, có người cho rằng thơ văn miền Nam thời Việt Nam Cộng Hoà cũng “máu me” lắm chứ chẳng nhân bản, nhân văn gì. Theo Giáo sư Tuấn, “Sự thật có lẽ không phải vậy, mà chỉ là một sự bịa đặt trong một cuốn tiểu thuyết, cuốn Ván Bài Lật Ngửa của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý” (tức nhà văn, nhà biên khảo, Ủy viên Tuyên huấn Trung ương Trần Bạch Đằng). Giáo sư Tuấn cho biết là câu ấy không có trong bài “Lửa từ bi” của Vũ Hoàng Chương, và chụp lại bài thơ “Từ đây” trong tập thơ Hoa Đăng của thi nhân họ Vũ (Sài Gòn : Văn Hữu Á Châu, 1959) để chứng minh rằng câu thơ ghê gớm ấy cũng không có trong đó:
Trong tiểu thuyết HIỆP KHÁCH HÀNH, nhà văn Kim Dung kể chuyện về cuộc phiêu lưu của chàng trai trẻ Thạch Phá Thiên từ năm 12 tuổi, không cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn hữu, không học hành chữ nghĩa, không võ công, không tiền của, mà tình cờ lạc vào giữa chốn võ lâm giang hồ. Đọc xong bộ truyện, tôi tò mò muốn tìm hiểu bài thơ HIỆP KHÁCH HÀNH của thi hào Lý Bạch...
Ngày Xuân Phân là ngày chính giữa của mùa Xuân theo âm lịch và cũng là ngày đầu tiên của mùa Xuân ở Bắc bán cầu theo dương lịch (Vernal Equinox). Trong ngày này, thời gian của ban ngày và ban đêm bằng nhau, nói cách khác là âm dương cân bằng. Nhờ thế vạn vật bắt đầu sinh sôi nảy nở, hoa sẽ dâng hương cho niệm xuân tình. Trong một ngày lập xuân nhiều thế kỷ trước, Sư Huyền Quang [?] ngẫu nhiên bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ bên song liền viết bài “Xuân Nhật Tức Sự”. Bài thơ tả người thiếu nữ đang thêu thùa, bỗng chim hoàng oanh líu lo từ lùm tử kinh bên ngoài khiến nàng ngừng mũi kim. Không tiếng lời vì xuân tràn trong ngỏ ý, ngoại cảnh cũng như tâm tư. Nói lời gì cũng bằng thừa khi mạch mới tràn dâng. Nụ đang chúm, không chỉ hoa, nụ còn là môi bung cánh sen, đỏ hường xuân thắm. Bởi vì bây giờ đã sang xuân. Xuân đang thì...
Ly dị, thông thường, bắt đầu bằng vết thương lòng. Những vết thương sâu đậm, máu chảy dai dẳng sẽ từ từ ẩn vào tiềm thức và ảnh hưởng vô thức hoạt động đưa ra những ý nghĩ về khuynh hướng ly hôn. Trong một số trường hợp, vết thương nhẹ, rướm máu sơ sài, nhưng bỗng dưng lớn chuyện, vì tự ái, vì tiếp tục tranh cãi, vì giận quá lỡ lời, vì bạo hành thiếu suy nghĩ. Từ đó, ly nước đã đổ xuống đất, làm sao để hốt lên? Trong một số trường hợp khác, có kẻ muốn ly dị vì nhiều lý do, từ tài chánh cho đến người thứ ba; từ xung đột trong đại gia đình đến thành công hoặc thất bại trên đường đời. Những trường hợp này vô cùng phức tạp, khó có thể giải thích cặn kẽ. Khó phân định lỗi phải. Tuy nhiên, có thể kết luận: Nếu yêu nhau đủ thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Nhà nhân loại học Paul Bohannan đưa ra lý thuyết về ly dị, trình bày sáu giai đoạn riêng biệt mà một cá nhân sẽ trải qua trên đường ly hôn. Bohannan xác nhận: sáu giai đoạn có thể xảy ra theo thứ tự khác nhau và với cường độ khác nhau
Buổi ra mắt tập thơ “Tháng năm là mộng đang đi” của Nguyễn Thị Khánh Minh đã hoàn tất, nhưng nhiều câu hỏi vẫn lơ lửng sau khi nhà thơ nổi tiếng này nói rằng ấn phẩm này có lẽ là tập thơ cuối cùng của chị. Không có lời giải thích rõ ràng vì sao tập thơ thứ 12 này có thể là ấn phẩm cuối cùng của chị, nhưng buổi ra mắt sách hôm 25/2/2023 tại một quán cà phê giữa Little Saigon đã để lại nhiều kỷ niệm trong những người yêu thơ tham dự.
Đã năm mươi năm trôi qua, nguyên nhân thực sự về cái chết của nhà thơ Pablo Neruda vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với nhiều người trên thế giới. Ông đột ngột lìa đời sau cuộc đảo chánh năm 1973 của Chile. Pablo Neruda không chỉ là nhà thơ từng đoạt giải Nobel danh giá, mà còn là một trong những nhà hoạt động chính trị có ảnh hưởng nhất ở Chile. Pablo Neruda công khai theo chủ nghĩa cộng sản, thẳng thắn ủng hộ và làm việc trong chính quyền của Salvador Allende, vị tổng thống cánh tả của Chile, cầm quyền từ năm 1970 đến năm 1973.
Tôi viết về Nhạc sĩ Phạm Duy, một bài khá dài, nhiều chương, với một tình cảm thân thiết, rõ ràng, đơn giản, như ta nói thân hình ông ta chia làm ba phần đầu mình và tay chân, trong đầu có bộ não, vầy thôi, nhưng/ hẳn sẽ làm rất nhiều người không đồng tình. Thậm chí cay đắng, “Thằng này đã ca ngợi thằng kia”.Đây là những người vốn không thích, chẳng ưa, rất ghét Phạm Duy. Tôi không có quyền bình phẩm đúng sai. Tôi vẫn tôn trọng những người này. Vì tôi hiểu, Tự do phải cần được tôn trọng.
Ngày 11 tháng 2 năm 2023, vài tờ báo và trang mạng trong nước đưa tin: Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Giải Nobel Văn Chương (The Nobel Prize in Literature). Danh sách được Ủy Ban Nobel công bố trong tháng 2, năm 2023, sau 50 năm giữ kín theo quy định của giải này. Theo đó, Vũ Hoàng Chương là một trong 100 tác giả tên tuổi được đề cử giải Nobel Văn Chương năm 1972...
Vì "một lần mãi mãi", tôi xin được tỏ bày lòng biết ơn đối với nhà văn Nhã Ca và những người cầm bút biết nâng niu bảo bọc chân-thiện-mỹ cho nhân loại như bà. Vì những tác phẩm của họ, sẽ có thêm những niềm hạnh phúc tiếp theo cho người đọc.
LTS: Chiều Thơ Nhạc Ra Mắt Sách O Xưa | Nhã Ca đã được tổ chức vào chiều thứ Sáu, 10 tháng 2 cuối tuần qua. Gia đình Nhã Ca/Trần Dạ Từ và Việt Báo xin cảm ơn quý bạn hữu gần xa đã đến tham dự sinh hoạt cùng chúng tôi. Cũng xin cảm ơn các thân hữu, độc giả, khách tham dự đã gửi bài viết đến tòa soạn. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng các bài quý vị gửi đến.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.