Hôm nay,  

Trần Thị Ngh. và Nhà Có Cửa Khóa Trái

12/06/202000:00:00(Xem: 3739)
TRAN THI NGH
Nhà văn Trần Thị Ngh.


Trần Thị Ngh.

 

Tên thật Trần Thị Nguyệt Hồng, sinh năm 1948 tại An Xuyên, Cà Mau. Học đại học Luật và Văn khoa. Bắt đầu viết văn khi 15 tuổi, có truyện ngắn đầu tiên đăng báo khi 18 tuổi. Sau biến cố 1975, bà dạy Anh ngữ ở một số trung tâm ở Sài Gòn.

Ở miền Nam, các sáng tác của bà đăng trên các tạp chí Văn, Vấn Đề, Thời Tập… được tuyển chọn thành một tập truyện mang tựa đề “Những Ngày Rất Thong Thả” đã in vào năm 1975 nhưng chưa kịp phát hành. Các sáng tác sau này của bà được đăng trên các tạp chí Hợp Lưu, Văn, Người Việt, dutule.com, damau.org, Thư Quán… sau đó xuất bản ở Mỹ, Canada và Pháp. Được biết bà còn vẽ tranh và viết nhạc.

Mời quý độc giả đọc lại một trong những truyện ngắn vào thuở ban đầu làm nên tên tuổi của Trần Thị NgH.

 

Nhà Có Cửa Khóa Trái

 

Thử tưởng tượng một người đàn ông đứng tuổi, đứng đắn. Một người đàn ông sắp sửa 40 tuổi, có vợ, có địa vị tiền bạc. Không lý tưởng sao, tuyệt vời nữa. Một hôm chàng nói với tôi:

- Em dám bỏ trốn với anh không?

Tôi nhìn chàng nghi ngờ:

- Chưa có cuộc ngoại tình nào thành công cả.

Chàng hỏi :

- Ngoại tình là gì?

- Là một cố gắng tuyệt vọng.

Chàng có vẻ tâm sự :

- Có khi chung thủy cũng là một cố gắng tuyệt vọng.

Tôi kêu lên :

- Vậy chứ ngoại tình là gì?

- Là yêu một lần nữa mà không cần phải cố gắng.

Tôi chịu chàng có lý. Hôm đó chúng tôi đi chơi xa lần đầu. Xe qua khỏi Đập Đá vào Vỹ Dạ. Chàng ngâm nga, giọng ấm:

Lâu quá không về thăm thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên...

Nắng thật. Nắng lướt trên những tàu cau xanh mượt, rộn rã chói chang. Mặt sông Hương như có trăm ngìn mảnh chai vỡ lóng lánh, những ngôi nhà rải rác đọc đường tường cổng im lìm trong cái vẻ quan liêu rơi sót, những bụi tre xanh mát, những con đường nhỏ um tùm cây lá dẫn xuống bờ sông, thềm đá dưới mé nước... Tôi đã nghĩ thầm chàng thật thi sĩ, chàng vẫn có cách nói chuyện ví von rất duyên dáng và khả năng liên tưởng của chàng thật bén nhạy bất ngờ. Chàng thuộc nhiều thơ tiền chiến, biết nhiều về địa lý nước nhà cũng như nguồn gốc các di tích lịch sử, chàng thực tế trong công việc, nhạy cảm trước mọi hoàn cảnh và mơ mộng trong tình yêu. Đó là một người đàn ông có tâm hồn và biết liều lĩnh, biết ngoại tình. Sau đó, như cao hứng bởi cảnh trí thanh bình và tươi mát trước mắt, chàng luôn miệng ngâm thơ.

Xe ra cửa Thuận. Trời vẫn trong sáng cho tới hai giờ rưỡi rồi đột nhiên đổ mưa. Cơn mưa mịn màng làm trời đất trắng xóa như được phủ một lượt tơ mỏng. Ở một đoạn đồng trống chàng dừng xe lại, sát mé ruộng. Chúng tôi hôn nhau. Cái hôn đầu tiên chưa kịp đoán trước hay chuẩn bị dù sao cũng đã làm tôi thất vọng chút ít. Tôi quệt nước bọt trong tay áo và chàng có vẻ bồn chồn khi nhìn thấy cử chỉ đó. Tôi không biết, lúc ấy tôi khinh chàng. Tôi nói: “À, thì ra!” Chàng tỏ vẻ không hiểu. Tuy nhiên sau đó chàng vẫn hôn tôi hoài.

Trên đường về chúng tôi ngừng lại một quán lá, gọi bia và khô mực nướng thay cơm trưa. Chàng nhìn mưa lướt trên mặt đường nhựa bên ngoài, dáng đăm chiêu. Tôi bày tỏ thiện chí :

- Thú quá nhỉ!

Chàng chỉ gật đầu. Hai người vì thế không nói gì thêm với nhau cho đến lúc xe trở về phố. Chàng không nhắc gì về ý định rủ tôi đi trốn nhưng có vẻ muốn hẹn với tôi một lần gặp khác. Để cho không khí đừng căng thẳng quá, tôi làm bộ bắt chước giọng ngâm thơ rên rĩ của chàng:

Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé!...

Chàng cười lớn, gượng vui thích thú trước bộ tịch tôi. Chàng không biết thật ra trong thâm tâm tôi cũng đã muốn như vậy hết sức. Tôi không muốn gặp lại chàng.

Buổi đi chơi đầu tiên như vậy không có dấu hiệu gì tốt. Những lần sau gặp nhau, tình cảm của mỗi người có phần khả quan. Tôi tỏ ra sẵn sàng hơn, chuẩn bị hơn trong những lúc đón nhận chàng. Trong khi đó chàng cũng có cái vẻ chu đáo không kém. Nếu dan díu với đàn ông có vợ là tội lỗi thì đó là một thứ tội lỗi rất quyến rũ. Tôi bị lôi cuốn lúc nào không biết. Ít lâu sau chàng đưa tôi về nhà.

Đó là một căn phòng thuê, thuộc phần chái của một tòa nhà lớn gồm nhiều gian cho thuê. Căn phòng dẹp lép tối thui, diện tích khoảng 2m50 x 10m50, trang trí theo chiều dọc. Chàng ít khi có ở nhà nên cửa trước luôn khóa trái, và vì vậy đi từ cửa sau sẽ nhìn thấy theo thứ tự: bàn rửa mặt, nhà vệ sinh chung với nhà tắm, giường ngủ cỡ lớn, kệ sách ngay trên đầu giường, tủ đứng nằm ngang đâu lưng với kệ sách ngăn chỗ ngủ với gian trước, một chiếc tủ khác mới hơn kê sát tường tiếp theo đó, bàn viết, tủ lạnh. Tất cả những thứ này đều nằm hẳn phía bên trái; bên mặt là lối đi, hẹp khoảng 4 tấc, dọc theo tường có giăng dây thép để vắt quần áo, khăn lông. Riêng gian trước đối diện với bàn viết và tủ lạnh là một bộ ghế thấp, gồm 4 cái bọc đệm kê xoay quanh một cái bàn nhỏ, làm nơi tiếp khách, uống trà, đọc báo, nghe nhạc... Ngoài cùng là cửa trước, khóa trái. Nguyên dãy cửa sổ dọc theo thành tường bên phải đều được đóng kín mít, che thêm giấy bồi bên ngoài. Phòng phải để đèn luôn vì không có ánh sáng.

Cửa sau bước xuống mấy bậc tam cấp, rồi cách một khoảng sân xi-măng là nhà bếp. Trên bếp những cái lò dầu ám khói nguội lạnh. Chị giúp việc còn nhỏ tuổi kẹp tóc, mặt rỗ hoa mè, da đen xám, răng sún. Chị không phải nấu ăn thường nên suốt ngày nằm chèo queo trên cái giường sắt cũ trong góc bếp, hoặc giặt ủi lờ lững như phim quay chậm. Chỗ ở của chàng nhìn chung có vẻ gì cẩu thả tạm bợ, dù thế đã được chàng giới thiệu như một tổ ấm thâm niên.

Ngay ngày đầu tiên tôi bắt gặp trong tủ đứng những chiếc áo dài cũ, máng chung với những bộ đồ lạnh của chàng, đồ ngủ và nịt vú xếp ngăn nắp ở ngăn trên cùng. Trên bàn viết , lẫn với mớ sách báo bừa bãi những bức thư nét chữ mềm mại quấn quít. Chàng không giấu giếm nhưng ghét giải thích, tôi quan sát im lặng. Không phải tôi tò mò hay muốn xông xáo ngay vào đời tư của chàng, tôi chỉ muốn biết rõ cái chỗ tôi sẽ chung sống với chàng dù tạm bợ hay lâu dài, một căn phòng và chàng, dù thế nào, không đáng gọi là chốn mơ ước sao? Nhưng trong đó, trời đất, còn quanh quẩn một bóng dáng khác, người đàn bà mà chàng chẳng bao giờ nhắc nhở nói tới dù chính đó là điều khó khăn duy nhất trong cuộc ngoại tình của chàng. Tôi im lặng và chàng im lặng kình địch. Hay chàng sợ mọi cách giải thích của chàng sẽ làm tôi khổ tâm? Hay trong sự im lặng, chàng muốn nói rằng sự có mặt của tôi trong nhà này đã là một cách giải thích rõ ràng sự lựa chọn của chàng? Dù sao, mọi lý luận của tôi lúc bấy giờ không có gì chắc chắn; tôi không muốn nói là tôi đang lo âu, như thế tôi có vẻ thất thế ngay từ phút đầu.

Đêm đó chúng tôi yêu nhau. Chàng không ngạc nhiên khi biết tôi còn ngây thơ. Chàng nói không phải sự trong trắng của tôi quyến rũ chàng. Chàng mê sự sòng phẳng của tôi. Trong hơi thở nóng ấm tình ái, tôi nghe chàng nói nhỏ:

- Em...
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là em yêu anh chứ sao!
- Vì sao khi yêu nhau người ta dày vò nhau?
- Để nhớ.

Tôi bấu tay trên lưng chàng. Thật không còn thứ đau đớn nào hơn. Thứ đau đớn để nhớ lại bùi ngùi về sau trong những tình cảm ơn nghĩa. Đêm nóng và mùi mồ hôi trộn lẫn giữa hai người làm tôi bứt rứt cảm động. Chàng khen:

- Em can đảm lắm.

Tự nhiên tôi nói lớn giọng hờn mát:

- Rồi sao nữa, trời đất!
- Nằm yên...

Tôi thì thầm :

- Nàng sẽ trở lại.

Hai người im lặng sau câu nói đó. Chàng có vẻ khổ tâm. Bây giờ chính tôi là người lên tiếng trước. Sợi dây căng thẳng tự nhiên bị đứt một đầu...

Gần sáng tôi khóc. Chàng dỗ, nín đi em. Chàng nói nhỏ, nín đi em.

Những ngày sau chúng tôi bình tĩnh hơn. Tôi bắt đầu làm quen với các thói quen của chàng. Buổi sáng thức dậy chàng nghe tin tức đài BBC trong khi tôi còn ngủ nán trong giường. Sau đó cả hai cùng uống cà phê ở cái bàn nhỏ ngoài gian trước (chàng không ưa ăn sáng, dù một lát bánh mì mỏng, tôi nhịn đói theo). Chàng đi tắm và hắt hơi khoảng 6, 7 cái trong lúc xối nước. Chàng thường ra khỏi phòng tắm với cái khăn lông màu xanh quấn quanh cái bụng phệ, người nhễ nhại thơm ngát. Chàng vừa tiếp tục hắt hơi vừa loay hoay với lọ thuốc cạo râu The Hot One, có lúc hôn tôi khi mồm miệng đầy bọt nóng bỏng. Chàng mặc quần áo, chải tóc, mái tóc ướt chải sát sởn sơ làm khuôn mặt chàng trơ trụi bóng nhẫy. Đôi mắt cận thị không mang kính có những tia máu đỏ mệt mỏi, nụ cười sáng, những hạt tàn nhang phập phồng trên hai cánh mũi. Chàng đi làm lúc 8 giờ rưỡi sau khi đã để lại một nụ hôn thơm kem đánh răng.

Tôi thường ngồi thừ người sau đó, trên cái ghế thấp chàng ngồi uống cà phê khi nãy, hoặc chỗ bàn viết, hoặc ở mép giường, lắng tai nghe tiếng giày chàng đi ngoài hè, tiếng chàng mở cửa xe, đóng lại, tiếng chàng nổ máy xe, chờ máy đủ nóng để lùi ra cổng. Tiếng xe hù hụ ồn ào như động cơ trực thăng lát sau nhỏ dần, lẫn lộn trong các tiếng động khác của phố xá. Tôi tự nhiên thở dài, bắt đầu dọn dẹp những thứ chàng vất bừa bãi (tờ báo, ly nước, chiếc khăn tay, bộ đồ ngủ, đôi dép....). Tôi tắt đèn, tắt quạt, tắt nhạc, bắt đầu chờ đợi chàng, trong giấc ngủ gà gật lười biếng, trong những dòng chữ vô nghĩa lơ đãng, quyển sách thờ ơ trên tay như để trám một việc làm, một sự trống vắng buồn tẻ đến ngao ngán. Tôi làm bộ tắm gội cho lâu, săn sóc cái cổ, cái gáy, lưng ngực, tay chân như sửa soạn trang trọng cho chàng một món quà tặng. Tôi uống nước, xuống bếp lóng ngóng xem chị giúp việc lo bữa ăn trưa hoặc tự tay nấu lấy những món chàng thích. Trở lên phòng xem đồng hồ, lắng nghe tiếng xe chàng về, tiếng chàng tắt máy đóng cửa, tiếng giày chàng nghiến trên cát, bước lên bậc tam cấp phía sau, tiếng chìa khóa tra vào ổ mở cửa. Tôi đã làm bộ chăm chú viết một cái thư, đọc một trang sách, theo dõi một tin chiến sự, trong tờ báo cũ, để lắng nghe bước chân chàng nhẹ nhàng đến gần, chàng hôn tôi chào hỏi, mừng rỡ.

Chúng tôi ăn trưa ở cái bàn vuông dưới bếp. Những bữa ăn trưa thường có rượu ngọt, hoặc tệ lắm là bia hộp. Trong lúc ăn chàng hỏi thăm tôi về buổi sáng ở nhà em làm gì, buồn không, em mới gội đầu hả, em có làm yaourt thêm không... vân vân... Tuyệt nhiên chàng không đề cập gì tới công việc của chàng ở sở hay về bạn bè chàng. Thỉnh thoảng chàng nhận được thư của nàng, nét chữ trên bì thư mềm mại quấn quít, những hôm đó chàng lộ vẻ tư lự, ít nói (chàng ghét giải thích, tâm sự, than thở). Chàng có cách ăn uống hồn nhiên, tôi thường cảm động một cách đột ngột khi nhìn thấy chàng vò vặn đôi đũa kẹp nhúm rau xanh chấm trong đĩa nước kho, hoặc khi chàng cầm ly rượu tu một hơi cạn tới đáy. Chàng đưa chén xới thêm hoặc ăn canh không ở cuối bữa. Tất cả những động tác chàng làm, những thói quen của chàng đối vơí tôi như một thứ rượu làm nghiện. Tôi muốn hớp cạn cả đời sống chàng. Chàng không biết thế, chàng ghét tỉ tê tỉ mỉ. Chàng chỉ thích nhìn tôi và khen em đẹp, mắt em buồn, môi em đa tình, anh thích em mặc cái áo đó... vân vân…

Sau bữa ăn chàng đứng dậy cầm cái chìa khóa cửa đi lên nhà trên, hai vai chàng tròn trịa khỏe mạnh, hai cánh tay bỏ trần, những hạt tàn nhang trên ngực, cổ, gáy, chiếc áo may-ô trắng mới nhét trong cái quần tây chưa thay. Chàng đánh răng, ra nằm ở cái ghế nylon mở dài, tờ báo banh trước mặt lật phật hơi gió từ cái quạt điện Westinghouse vặn số 2, chàng nghe nhạc FM, trở mình làm các thanh sắt cứa nhau cút kít, chàng ngủ với tờ báo đắp trên ngực, cái đầu ngoẻo một bên vai, chân gác lên chiếc ghế thấp. Tôi yêu cái bộ say sưa của chàng khi ngủ, giống hệt giấc ngủ thẳng thớm của một nông dân mệt nhọc sau công việc đồng áng. Trông chẳng có vẻ trí thức chút nào nhưng được cái vô tư lành mạnh. Tôi thường bỏ ngủ ngồi ngắm nghía chàng, chờ giờ chàng đi làm buổi chiều. Chàng thức dậy lúc hai giờ rưỡi hay sớm hơn, rửa mặt, uống nước, tìm cái gì ăn, khen yaourt tôi làm khéo, hôn tôi trong lúc cài nút áo sơ-mi hay lúc sửa lại cà vạt, thắt lưng. Chàng nói, anh đi nhé!

Buổi chiều như thế tôi lại chờ đợi nữa, trong những tình cảm rũ rượi, ủ ê hơn, bởi thời tiết oi bức nóng nảy, gian phòng chật hẹp lúng túng. Tôi sẽ tắm nữa, hoặc ngồi hàng giờ săm soi mặt mũi trước tấm gương lớn của chiếc tủ đứng. Có khi tôi bật khóc nức nở không vì lý do gì rõ rệt, rồi thử kẻ chì đen lên hai mí mắt sưng. Tôi trầm trồ say đắm vẻ hoang tàn trên mặt mình, những lúc ấy coi tôi giống hệt một góa phụ. Một góa phụ còn trẻ và xinh đẹp. Tôi sẽ tủi thân với ý nghĩ ấy hoặc tôi sẽ tỉ mẩn so sánh, tưởng tượng về người đàn bà của chàng- nàng là một người như thế nào, tại sao nàng bỏ đi rồi viết những lá thư hứa hẹn ngày trở về, tại sao chàng yêu tôi mà vẫn có vẻ như đang dốc lòng mong ngóng nàng, tại sao tôi ở đây chia sẻ may mắn, đánh cắp hạnh phúc nàng? Cũng có khi tôi rón rén một mình, mở hé cánh cửa tủ nhìn lại những chiếc áo dài của nàng máng trong đó bên cạnh những bộ đồ lạnh của chàng, rón rén và bắt gặp mình vụng trộm nhỏ mọn, một cách tội nghiệp. Sau những giây phút như thế, tôi chờ đợi chàng bứt rứt ân hận, đôi khi quyết liệt hăm hở trong những dự tính mới về những ngày dây dưa tạm bợ với chàng, đôi khi tôi eo sèo tìm cách an ủi mình.

Như thường lệ những ý tưởng của tôi phần nhiều ít khi ngã ngũ hay được sắp xếp thứ tự, minh bạch. Chàng sẽ về trước khi tôi kịp hấp tấp tìm ra một giải pháp nào đó. Chúng tôi ăn cơm tối, và chàng - như thường lệ - không nói gì về một ngày vừa qua của chàng. Có thể chàng để ý nhìn thấy đôi nét hốt hoảng bất thường trên mặt tôi, chàng sẽ hỏi: Em giống như mới khóc?

Buổi tối là thời gian tôi yên tâm nhất, với những tình cảm hoàn toàn về chàng. Và vì vậy tôi sẽ quên hết lo lắng phiền muộn. Chúng tôi thường ngồi ở gian trước uống trà, đọc báo, bàn về thời cuộc, hoặc vui miệng chàng kể cho tôi nghe về tuổi nhỏ của chàng bằng cái giọng chàng cố làm ra vẻ khách quan (chàng ghét tâm sự), nhưng đã có lúc chàng không giấu được những cảm xúc chất phác chân thật. Có đêm chàng mời tôi uống rượu rồi mang thơ cổ ra đọc. Giọng chàng ngất ngưởng, cao hứng. Lúc ấy chàng trẻ hẳn lại, đôi mắt cận thị bỗng lãng mạn và đôi môi mềm yếu của chàng như kích thích hết mọi giác quan của tôi. Còi hụ giới nghiêm và chúng tôi nấn ná kéo dài những buổi tối như thế với những xúc động đằm thắm. Đêm, sau đó đẹp như một cơn mưa, chàng xối lên tôi cơn mưa nồng nhiệt hạnh phúc.

Một thứ hạnh phúc mỏng manh, bùi ngùi. Một sự yên tĩnh đầy đe dọa. Những buổi trưa buổi chiều chờ đợi chàng khốn khổ một mình. Những giấc ngủ sảng hoàng, cánh tay chàng ghì siết dớn dác giữa khuya, tiếng chàng gọi tức tưởi em. Em. Chàng la lớn: Không! Chàng đau đớn như đang bị hối thúc trong những ý nghĩ ráo riết. Tôi đắm đuối hơn trong hơi hướm chàng, thèm nhớ các thói quen chàng, thương xót tâm tình chàng. Không có những ngày Chủ nhật, ngày lễ, không còn những buổi đi chơi xa, những bữa ăn sang trọng ở hiệu, không còn liên hệ bạn bè gia đình. Bên cạnh chàng tôi quên hết ngày tháng, sở thích. Tôi sống như thách thức với sự dị nghị, phân bua với mọi bất trắc khả dĩ.

Một hôm chúng tôi đồng ý xa nhau. Nàng sẽ về trong tháng tới giữa lúc cả tôi lẫn chàng đều gần như kiệt quệ. Tình ái là cái gì thật kinh khủng. Cuộc ngoại tình của chàng dần dần chỉ là những cố gắng tuyệt vọng, chàng thú thật. Đêm cuối chúng tôi say rượu ngất ngư. Tôi ngả ngớn hát ca dao:

Đồng hồ sai vì bởi dây thiều...
Em xa anh vì bởi sợi chỉ điều xe lơi...

Chàng, mặt mũi đỏ ké đỡ tôi vào phòng trong. Chàng dụi mặt vào cổ tôi phụ họa:

Đứt dây nên gỗ mới chìm...
Bởi anh ở bạc em tìm nơi xa.

Chàng hỏi:

- Ngoại tình là gì?
- Vừa thôi, cha nội!

Đêm túy lúy, ngây ngất.

Sáng sớm tôi xếp quần áo vào va-li. Chàng ngồi cạnh mép giường nhìn tôi đi tới đi lui thu dọn những thứ lặt vặt (bàn chải đánh răng, khăn mặt, kính soi, kẹp tóc, thuốc gội đầu, thuốc ho...). Tôi mang đi hết, không để sót một món. Tôi ghét di tích, kỷ niệm. Chàng ngồi tằn mằn mớ quần áo lót tôi còn để bừa ở ngoài, hỏi xin:

- Cho anh một cái.
- Cái nào?
- Cái này. Chàng chọn.
- Cái đẹp nhất của em đó.
- Anh sẽ đền cho em hai cái mới.

Chàng sẽ quên, hoặc chàng sẽ nhớ tôi trong sự lẫn lộn của thời khắc, kỷ niệm. Chàng sẽ... Không hề gì. Chúng tôi hôn nhau chỗ tủ lạnh. Chàng thoa vòng lên môi tôi một chút nước thơm trong cái lọ con màu xanh hiệu Old Spice, loại nước hoa chàng hay dùng sau mỗi lần cạo râu, nụ hôn nóng rát như muối ớt. Tôi hít lấy hít để ngực áo chàng, cánh tay chàng, cổ chàng. Tôi nói:

- Để nhớ.

Cuộc chia tay coi bộ bịn rịn. Trước khi đi tôi nhìn lại một lượt căn phòng. Những sợi tóc còn sót trong chăn gối chàng, chiếc khăn ướt vắt cẩu thả trên sợi dây thép, ly sữa uống giữa khuya còn một chút cặn dưới đáy, tờ báo tơi tả nhàu nhượi, mùi xà phòng chàng tắm buổi sáng, mùi Parazol quen thuộc trong nhà cầu, ống kem đánh răng vặn vẹo... Tôi nhìn lần cuối và nghĩ thầm, không hề gì, đâu sẽ lại vào đấy khi tôi đã đi, chàng sẽ tiếp tục những thói quen cũ, sẽ chờ đợi nàng. Phải không anh? Cái ly bôi mình nhấp cạn rồi mà, còn một chút cặn chứ mấy? Thôi để dành.
 

TRẦN THỊ NGH.

(Đà Nẵng, tháng Năm, 1972) 

Ý kiến bạn đọc
13/06/202014:23:02
Khách
Chuyện hay ! Có vẻ là thật ...
13/06/202010:10:57
Khách
Ngoại tình mà nồng đậm . Hay . Giống tôi .
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong hàng đệ tử của Đức Phật, có một vị tăng hình dung xấu xí, lùn thấp, không chút nào hảo tướng, nên người mới gặp tự nhiên khó tôn kính. Đó là Trưởng lão Bhaddiya. Cũng chính vì nhận ra nhiều vị tăng đã khởi tâm bất kính khi thấy nhà sư lùn thấp Bhaddiya, Đức Phật đã nói lên hai bài kệ làm giựt mình đại chúng, rằng chính nhà sư Bhaddiya đã giết cha, giết mẹ, giết vua, giết cả triều đình… Bài này sẽ nhìn về cách Đức Phật nói lên các ẩn dụ như thế. Để rồi dẫn tới ý nghĩa về hạnh sống một mình. Các sai sót có thể có, người viết xin được sám hối.
Bước vào rừng, khách thơ sẽ thấy thân nhiệt hạ xuống ngay lập tức. Cái nóng rát bỏng trên da không còn nữa. Và mùi hương rừng thoang thoảng vây quanh. Rừng có hương thơm sao? Có chứ! Bạn chẳng từng nghe nhà văn Sơn Nam với tập truyện nổi tiếng “Hương Rừng Cà Mau” đó sao. A! Có thể mùi cây tràm cây đước chỉ là mùi hương tượng trưng, nghiêng về tinh thần hơn là vật chất, nhưng ở đây, New Jersey, hương rừng có thể được nhận thức bằng khứu giác.
Thời văn học miền Nam trước năm 1975 đã chứng kiến mối lương duyên thơ văn thành đôi phối ngẫu Trần Dạ Từ-Trần Thy Nhã Ca bền chặt cho đến nay đã trên 60 năm. Đôi tình nhân hình như đến với nhau với thi ca (và báo-chí) xe duyên và cả hai đã có những bài thơ tình đi vào văn học sử. Nhà thơ Nhã Ca sau này kể lại chuyện lần đầu gặp nhằm ngày Mùng Một Tết năm 1958 trong “Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng (Thương Yêu, 1991): "Buổi trưa. Bao nhiêu người qua đường, biết ai là anh. Run quá. Coi tề, cái người nhìn mình một cái rồi quay đi, bước nhanh hơn. Anh? Anh vậy há? Mỏng như tờ giấy. Còn mặt mũi? Kịp thấy chi mô. Mới nghĩ chắc anh đó, mắt con bé đã hoa lên rồi. Nhát”. Gặp người thật sau những trao đổi thư từ: “Những lá thư xuôi ngược cả năm Sàigòn-Huế-Sàigòn. Những bài thơ tình đầu. Anh ngồi đó ốm nhom…”. Hôm sau, khi đến gặp từ giã anh ở khách sạn đã thấy trên bàn có bài thơ “Thủa Làm Thơ Yêu Em”, ký tên Trần Dạ Từ - bài sẽ đăng trên Sáng Tạo số Xuân Kỷ Hợi 1959.
Một cõi mênh mông các cảnh giới. Cũng là một chiếc kén bé nhỏ gói bí ẩn về giấc mơ một ngày kia sẽ tung ra muôn trùng tơ quấn quít hiện thực. Một khung cửa khép với chờ đợi, với cô lẻ số phận. Một bầu trời cao rộng với những đường bay mạnh mẽ hoan lạc của cánh chim tự do. Một mặt biển bị xao động bởi những con sóng ngầm làm ngạc nhiên thinh lặng của vực sâu. Là cánh cửa được mở tung bởi ngôn ngữ như những tiếng gõ dồn dập. Là bức tường bức phá bởi sức mạnh của ý tưởng. Là con đường hiểm hóc hay mượt cỏ, những bước chân vẫn đi tới đi tới. Ở đó bạn nghe được khát vọng tìm hạnh phúc chân thực như trở về cội nguồn tâm sâu thẳm. Ở đó bạn sẽ thấy cảm xúc mình bung ra như sắc mầu của chiếc kính vạn hoa. Ở đó, những con chữ như nam châm hút cảm xúc người đọc. Ở đó, từ trường say đắm thơ mộng của Đinh Thị Như Thúy, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thùy Song Thanh, Vũ Quỳnh Hương.
Có những điều chúng ta chưa biết, chưa chắc chắn ở tương lai và đời sau, nhưng nguyên lý nhân-quả là lẽ tự nhiên, tất định, không thể sai khác; ai cũng có thể suy nghiệm, hiểu biết và tin vào. Vì vậy, khi một người chỉ tâm tâm niệm niệm tránh xa các điều ác, tận tụy làm những điều lành, sẽ nắm chắc hạnh phúc an vui trong hiện tại, trong tương lai gần, tương lai xa, mà không cần phải tìm hiểu cảnh giới nào sẽ chờ đón mình.
Cuộc chiến tranh của Ukraine và Nga gợi trong tôi nhiều suy nghĩ. Khi người Ukraine bị mất đảo Rắn vào tay Nga, tôi nghĩ đến Trường Sa. Tôi lo sợ cho người Ukraine bị một nước láng giềng khổng lồ xâm lăng như tôi lo sợ cho người Việt trước hiểm họa Trung quốc. Cả triệu người Ukraine đi tị nạn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi cảm thông với họ vì tôi cũng từng là người tị nạn. Tôi xót xa cho họ bị tước đoạt ngôn ngữ vì tôi là người bị mất ngôn ngữ Việt khi lưu lạc ở xứ người. Đi ngược dòng lịch sử, tôi “tìm ra” Gogol là nhà văn Nga gốc Ukraine. Tôi dùng chữ “tìm ra” là để nhấn mạnh sự thiếu sót “ai cũng biết chỉ có mình không biết” của tôi. Nghe tên Gogol đã lâu, tôi biết ông là nhà văn Nga, nổi tiếng với “Dead Souls - Những Linh Hồn Chết” và “The Overcoat – Chiếc Áo Khoác” nhưng tôi chưa đọc và cũng không để ý đến nguồn gốc Ukraine của ông. Như thế nào là người của một quốc gia nhưng có nguồn gốc của một nước khác?
Đỗ Gia- một gia đình thân hữu lâu đời với nhà văn Doãn Quốc Sỹ - đã thực hiện audio book và bắt đầu đưa lên youtube, để người Việt khắp nơi trên thế giới có thể nghe đọc một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn lão thành này.
Đối mặt với viễn cảnh phải điều quân đi tham chiến dưới lòng đất, tổng thống Nga Vladimir Putin đã khá là dè dặt. “Không cần phải chui nhủi trong mấy hầm mộ hoặc lây lất bò xuống lòng đất.” Ông nói với Bộ trưởng Quốc phòng khi ra lệnh hủy bỏ kế hoạch tấn công nhà máy thép ở thành phố cảng Mariupol của Ukraine vào ngày 21 tháng 4 năm 2022. Dù có kế hoạch dự phòng không kém phần tàn bạo là vây nhốt các lực lượng Ukraine và chờ đợi, hoặc cũng có thể tiến hành những cuộc tấn công trên mặt đất trong khu vực, sự do dự của Putin trong việc điều động quân lính tiến vào một mạng lưới rộng lớn của các đường hầm dưới lòng đất cho thấy một điều: Đường hầm có thể là công cụ hiệu quả trong chiến tranh.
Tôi không lo rằng tác phẩm nghệ thuật thực sự có giá trị sẽ bị hủy hoại. Các tác phẩm văn học có thể trường tồn một phần là vì chúng đủ sức nặng để được đọc và ngẫm trước những thăng trầm của hiện tại. Lập luận này có thể được đưa ra với bất kỳ tác phẩm vĩ đại nào trong văn học Nga, nhưng với tư cách là học giả chuyên nghiên cứu về các tác phẩm của Leo Tolstoy và Fyodor Dostoevsky, tôi sẽ nói về những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của họ.
Thực hành đạo lý từ bi giác ngộ, người con Phật nếu im lặng không lên án tham-sân-si thì cũng không cổ võ ủng hộ lòng tham, hận thù và vọng tưởng độc tài, độc tôn; không lên án chiến tranh, chiếm đoạt thì cũng không ca tụng ngợi khen sự khích động chiến tranh, giết người, tổn hại sinh mệnh và tài sản của kẻ khác.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.