Hôm nay,  

Nhà Thơ Nguyễn Đức Sơn Đã Từ Trần Tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, Việt Nam Ngày 11 Tháng 6 Năm 2020

10/06/202017:45:00(Xem: 3284)

Nha tho Nguyen Duc Son
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường.

GARDEN GOVE (VB) – Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã từ trần tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam vào lúc 3 sáng ngày 11 tháng 6 năm 2020 (giờ VN), theo Thi Viện cho biết.

Theo Thi Viện, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18/11/1937 tại làng Dư Khánh, huyện Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận, quê gốc ở Thừa Thiên Huế.

Ông bắt đầu làm thơ rất sớm với với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông được coi là một người có cá tính đặc biệt. Từ khi tuổi trẻ thơ ông đã chớm hoài nghi, đã thắc mắc về những câu hỏi đầy tính siêu hình. Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng và Phạm Công Thiện được coi là ba kỳ nhân nổi danh về tài năng và sự quái dị trong làng văn nghệ miền Nam trước 1975. Ông cũng được xem là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam, ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên.

Nguyễn Đức Sơn đã từng theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học. Trong lý lịch trích ngang trong tập thơ Những Bài Tình Đầu, ông viết: “Sống vô gia cư, chết vô địa táng” và tuyên bố: “Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu.”

Ông ở nhiều nơi như Phan Rang, Sài Gòn, Bình Dương – Thủ Dầu Một, Blao – Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học ngoại ngữ.

Năm 1967 ông lấy bà Nguyễn Thị Phượng. Đám cưới được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một – Bình Dương. Ông bà sinh được 9 người con.

Năm 1979, ông đưa gia đình rời bỏ chốn phồn hoa đô thị chuyển lên ngọn núi Phương Bối, Lâm Đồng để sống một cuộc sống thanh tịnh. Đến nay gia đình ông vẫn sống ở đó.

Nguyễn Đức Sơn nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông do ông đã trồng tới hàng vạn cây thông trên ngọn đồi Phương Bối rộng tới hàng chục hec-ta. Ông còn có biệt danh Sơn Núi.

Theo Bách Khoa Từ Điển Tiếng Việt, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã ấn hành các thi phẩm sau đây:

 

-         Bọt nước (thơ, 1965),

-         Hoa cô độc (thơ, 1965),

-         Lời ru (thơ, 1966),

-         Đêm nguyệt động (thơ, 1967),

-         Cát Bụi Mệt Mỏi (truyện ngắn, 1968),

-         Cái chuồng khỉ (truyện ngắn, 1969),

-         Xóm chuồng ngựa (truyện ngắn, 1971),

-         Tịnh khẩu (1973).

-         Thơ và Đá (2019).

Ngoài ra, vào tháng 12 năm 2019, Văn Học Press phối hợp với tổ chức Culture Art Education Resource xuấn bản thi phẩm “Thơ và Đá” của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn lúc ông còn sinh tiền và đây là thi phẩm cuối cùng của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn.

Để tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, Việt Báo xin đăng lại bài giới thiệu thi phẩm “Thơ và Đá” của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã được đăng trên Tuần Báo Việt Báo vào cuối năm 2019.

 

NGUYEN DUC SON
Thi phẩm “Thơ và Đá” của Nguyễn Đức Sơn do NXB Văn Học Press xuất bản tại Hoa Kỳ tháng 12 năm 2019.

 

Thơ và Đá, Thay Lời Tựa

 

Trong buổi sơ ngộ, Sơn tự giới thiệu, hay một người khác, là Sao Trên Rừng; tôi đã biết anh, một người làm thơ. Một con người đang sống thì phải làm một việc gì đó để sống. Nhưng làm thơ, là làm gì?

Suốt buổi sáng hôm ấy, anh nói liên tục. Và tôi thì đang làm một việc, như mọi người đang làm. Anh làm những gì anh đang nói. Tôi làm những gì tôi đang nghĩ.

Năm mươi năm sau, lang thang độc hành trên đoạn đường thiên lý, tôi ghé thăm Sơn Núi, bước nhầm nhà; được xua đuổi như một kẻ bán nhang lường gạt. Tôi nhầm nhà, bởi vì đi tìm một Sơn Núi chưa từng hiện hữu; bị xua đuổi như một kẻ lường gạt, bởi đi tìm đâu đó một ngôi sao vọng tưởng như vẫn còn lấp lánh trên rừng già âm u ma quái.

Tôi đã hư cấu một huyền thoại hoang đường từ một con người quái dị, trải qua những thăng trầm bi kịch sinh tồn. Mỗi một con người tự đắm mình, chìm nổi, trong dòng sông sử tính của bi kịch sinh tồn. Nhìn lên quãng không gian hư vô bàng bạc, nó tự gán định mệnh của mình vào một ngôi sao bất thực. Sao Trên Rừng, lẻ loi, cô độc, soi bóng trong giọt sương mong manh trên đầu ngọn cỏ, tìm đâu ý nghĩa tồn tại của nhân sinh:

 

Mai sau tắt lửa mặt trời,

Chuyện linh hồn với luân hồi có không?

 

Suốt buổi sáng hôm ấy, anh vẫn nói liên tục, và tôi vẫn lang thang với những ý tưởng mơ hồ trong hai câu thơ mà không biết ai đã đọc cho nghe.

Rồi 50 năm sau, tôi từ bóng tối tử tù bước ra, để cùng anh lang thang trên các đường phố Sài Gòn đầy rác và bụi bằng chiếc xe thổ mộ từ thời tiền sử của anh; nó sẵn sàng vứt tôi xuống đường như một định mệnh mù quáng nào đó đã ném tôi và anh vào giữa cuộc tồn sinh mà anh nguyền rủa bằng những ngôn từ phạm thánh. Anh tự gọi mình là Sao Trên Rừng, trong buổi đầu, với những thắc mắc siêu hình, như một ngôi sao lẻ loi, cô tịch, in dấu tồn sinh mà loài người vừa mới ra khỏi bóng tối tịch mịch man dại của sử tính, từng bước đấu tranh sinh tồn, tâm tính hồn nhiên như giọt sương mai trên nụ hoa hồng trong nắng sớm. Chỉ trong thoáng chốc, sử tính tàn bạo trong tia nắng, giọt sương mai chảy tan, nước mắt và máu nhuộm màu gót chân lịch sử, từng dấu ấn khổ lụy nhân sinh.



Không phải tôi đang huyền thoại hóa một con người, thăng hoa những lời thơ phạm thánh. Nhưng bởi, gần 50 năm hòa bình mà những giọt máu hận thù chưa đóng vảy trên vết thương dân tộc. Những người làm thơ đang làm gì trên vết thương nhức nhối ấy? Làm cái không làm, nói những lời không nói; mỗi người trong góc tối đơn độc của mình, như từng viên sỏi bị vất bỏ lăn lóc bên vệ đường bởi những bóng ma được khoác cho màu áo thánh nhân, hiền sĩ, những bóng ma oan ức được vinh danh anh hùng dân tộc.

Mọi lời thơ, mượt mà như hơi thở của tình yêu đầu đời, hoặc gay gắt cuồng nộ của gã lang thang vô lại, hay âm thầm theo bước chân của tên tử tội đi lần đến pháp trường, hoặc được nghe từ nắng trưa rực cháy vinh quang bởi những ngọn lửa tham tàn điên đảo, hay từ trong bóng tối lao tù, đâu đó, vẫn còn ngưng đọng trong quãng lặng chuỗi giai điệu phạm thánh. Ánh sao lấp lánh phút chốc tan vỡ thành những viên sỏi.

Tôi đã cách điệu hóa chuỗi tương tục sử tính từ thơ của Sơn là như vậy. Không ghi dấu ấn nơi đó thành những tâm tình thời đại, những âm vang của lịch sử một thời, hay bất cứ ý nghĩa nào.  Chỉ là một cái nhìn phiến diện.  Bởi vì, mặc dù tôi đã biết anh từ thời những người yêu thơ gọi anh, hay anh tự gọi, là Sao Trên Rừng, tôi có rất ít thơ của anh để đọc. Thỉnh thoảng anh chỉ cho tôi nghe một vài bài, đã chỉ đủ cho tôi viết một đoạn ngắn, không phải cá biệt về Sơn, mà từ thơ Sơn quay lại suy nghĩ về chính mình: làm thơ là làm gì, thơ là gì, là sự lựa chọn ngẫu hứng, hay định mệnh quái ác đã ném ta vào thế giới điên đảo vọng tưởng, quái tượng ma quái nhảy múa trên những đám côn trùng sâu bọ bê bết máu lăn lóc trong bóng tối âm thầm?

Từ buổi bình minh của nhân loại, thơ là những bản tình ca trong cuộc tình hôn phối chư thiên và nhân loại, từ những nhớ nhung trằn trọc bởi yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Tôi cũng đã đọc thơ Sơn từ những buổi đầu như vậy.  Nhưng rồi, cùng với những bước leo thang của chiến tranh tàn bạo; những ngôi sao trên bầu trời thanh bình bỗng chuyển mình thành những cụm hỏa châu, soi sáng hố hầm bom đạn dẫy đầy xác chết. Làm thơ, là làm gì? trong ánh hỏa châu, trong tiếng khóc của bà mẹ mất con, của người vợ mất chồng? Thơ Sơn, Sao Trên Rừng, biến dạng thành những viên sỏi, những tảng đá vô tri vô cảm, để phạm thánh, để nguyền rủa cả một xã hội mà anh xem là cái chuồng khỉ. Anh xách cái chuồng khỉ ấy, trên những tờ giấy báo nhăn nhó, ném cho tôi mà không nói một lời. Và ra đi.

Anh chạy trốn chiến tranh, trong những hũ gạo, trong những vách tường hai lớp. Bị tống vào quân lao, bị đẩy ra chiến trường làm lao công tải đạn, có thể bị giết chết như một con chó lạc loài. Rồi với sự giúp đỡ của những người đồng cảm, những người hầu như chưa hề biết đến một câu thơ của anh, anh được ngụy trang trong chiếc áo thầy tu, trốn khỏi chiến trường chết chóc, và tiếp tục sống tạm bợ di chuyển từ chùa này sang chùa khác, để tránh những trận càn quét quân dịch.

Cho đến khi hòa bình được tuyên bố, anh lại lẩn trốn xã hội và vẫn tiếp tục nguyền rủa xã hội trong một thứ chủ nghĩa xã hội không có con người, nói như Trần Đức Thảo sau 20 năm im lặng. Cả gia đình anh sống bên ngoài xã hội như một bộ lạc tiền sử. Tôi không thể nói gì về thơ Sơn, cũng không thể nói gì về bi kịch tồn sinh ấy. Bởi, đời sống thực của Sơn là những chuỗi nghịch lý của thương và ghét, yêu và hận.

Đọc thơ Sơn, như người điên mất trí nhớ ném từng viên sỏi vào hồ nước để nhìn những đợt sóng lăn tăn. Tôi thật vô cảm với những chữ thơ khô khan như sỏi đá vô tri, tự bộc lộ thơ thành đá, đá thành thơ, hay thơ là đá, đá là thơ. Sỏi đá vô tri thì chìm xuống đáy nước, và những gợn sóng nhấp nhô trên mặt nước gợi hứng cho cảm xúc lãng mạn một cách phù phiếm.

Tôi đã hẹn sẽ đến thăm Sơn trên đồi Phương Bối. Thế rồi, những đoạn đường thiên lý độc hành của tôi lần lượt biến dạng; cọp, beo, chồn, cáo, cũng lần lượt biến mất. Chúng biến đi đâu? Sơn, một con người của nghịch lý, của những mâu thuẫn thiên thần và ác quỷ, bỗng chốc nghiêm nghị như một triết gia bản thể luận, tuyên bố một chân lý vừa khám phá: chúng tất cả đang lần lượt đầu thai trong thế giới loài người.

Trong những cái mâu thuẫn ấy, tôi đang chôn chân trong cát bụi bốc theo dấu vết xe ngựa thị thành, vẫn mơ về đỉnh đèo Đà Lạt, ngắm nhìn những đợt phù vân tan hợp trên đỉnh Trường Sơn, giữa rừng khuya nằm đợi một ngôi sao lẻ loi, cô độc và một câu hỏi mập mờ:

 

Mai sau tắt lửa mặt trời,

Chuyện linh hồn với luân hồi có không?

 

Bây giờ, tai và mắt anh không bận đến nghe và nhìn cái xã hội, cùng với bạn bè, mà anh nguyền rủa, và cũng không còn những câu hỏi vớ vẩn đã từng đè nặng lên thảm kịch nhân sinh.  Còn tôi thì vẫn lặng lẽ giữa những lớp khói bụi của văn minh, dồn dập bởi những đợt sóng nổi chìm, mơ hồ giữa hai bờ mộng thực, quanh quẩn trong thế giới mộng ảo, và vọng tưởng. Thỉnh thoảng, bắt gặp đâu đó giữa tập thơ, những bài thơ, đoạn thơ, cảm cái vô cảm:

 

Gò đống

Ngang qua

Ma

Một lũ

Đang ngồi cú rủ

Không thấy đứa nào hỏi

Trái đất

Mới hay cũ

 

Tuệ Sỹ

 

Ý kiến bạn đọc
11/06/202012:25:52
Khách
THƯỢNG LỘ BÌNH AN :

Từ Sao Trên Rừng đến Nguyễn Đức Sơn !


Lênh đênh thuyền giạt xa miền
Nửa đêm bừng tỉnh man thiên một trời
Trông lên thượng đế đi rồi
Hỏi mây thái cổ con người vân vi
Lối mòn cỏ mộ xanh rì
Ngoài ra kìa chẳng có gì nữa sao
Đảo buồn thổi gió lao xao
Ngàn xưa còn tiếng thì thào biển khuya

Sao Trên Rừng


anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước
miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi
ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
em chưa đái mà hồn anh đã ướt

Nguyễn Đức Sơn
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian. Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu. Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên,