Hôm nay,  

Vì Chúng Ta Là Tuổi Trẻ

10/04/202022:47:00(Xem: 3659)
VI-CHUNG-TA-LA-TUOI-TRE_DINH-TRUONG-CHINH-rev

Hình minh họa: Đinh Trường Chinh.


Chỉ cần lão bước thêm một bước nữa, hay nói chính xác hơn là lão đụng vào mẹ hắn, một cú bàn long cước sẽ tung thẳng vào cuống họng của lão, và tiếp đó là một cú cắm thiết chõ vào ngay giữa trán lão. Cú đòn này hắn đã luyện suốt hơn hai mươi năm nay, từ thời ngăn sông cấm chợ, cái thời mà các lò võ phải lén lút tập luyện lúc ba giờ sáng, các võ đài do nhà nước mở ra chỉ để đánh cuội mang tính trình diễn và những võ sĩ thực thụ không bao giờ bước lên võ đài ấy.

Hắn luôn sống trong hối hận và ăn năn. Bởi hắn đã luyện đúng hai cú đòn này và vô đối. Bởi đã có không dưới hai mươi võ sĩ đã gục khi hắn ra đòn. Nhưng người ta vẫn không biết hắn là ai, đơn giản, hắn chỉ đi đánh độ giữa các lò võ, và hắn cũng không biết vì sao hắn phải đánh, bởi  nếu thắng độ thì thầy của hắn cũng gom toàn bộ số tiền này, ông làm gì thì hắn không rõ. Thầy của hắn là một võ sư sống sót sau 1975, và trưởng tràng của những lò võ khác cũng là những võ sư sống sót sau 1975, họ từng thượng đài trên đất Sài Gòn, từng đánh gục những học trò Lý Tiểu Long ở Chợ Lớn.

Thời đó, thầy hắn kể, những võ sĩ người Việt bị ghẻ lạnh ngay trên quê nhà, dường như người ta chỉ biết tới Hồng Kông, biết tới Lý Tiểu Long và khi các học trò của ông này sang thách đấu tại Sài Gòn, các võ sư Việt Nam phải lên xin phép Tổng Cục Quyền Thuật quốc gia để họ cho phép thi đấu, vé bán trước cả hơn tháng. Đa số người dân Chợ Lớn, mà nói chính xác hơn là người Hoa ở Chợ Lớn đến sân đấu để cổ vũ cho các võ sĩ Hồng Kông, khi các võ sĩ này bước lên sàn đài thì tiếng vỗ tay dậy trời, nhưng võ sĩ Việt bước lên sàn đài với lác đác vài tiếng vỗ tay của các thầy võ, không hơn không kém. Thầy của hắn cũng là một võ sĩ tham gia đánh trận lần đó.

Thầy của hắn nhớ lại, hồi đó, đầu tiên là võ sĩ Trần Cường lên đánh với một võ sĩ người Hồng Kông mà ông không thể nhớ tên, gần như hiệp đầu Trần Cường chỉ chống đỡ vì rất kiêng nể võ sĩ kia, bù vào đó, võ sĩ kia tung đòn liên tục và biến Trần Cường thành chiếc bao đấm trong tiếng vỗ tay, cổ vũ ngợp trời. Đến hiệp hai, Trần Cường lấy lại bình tĩnh và dò đòn, sau đó bằng một cú nhập nội, Cường tung một cú Thôi Sơn vào mặt đối thủ, võ sĩ người Hồng Kông đổ xuống sàn đài, trọng tài chỉ mới đếm tới năm thì tiếng chuông dứt hiệp gióng lên, các săn sóc viên ra dìu võ sĩ của họ vào góc đài chăm sóc. Và bên phía Hồng Kông lại yêu cầu Tổng Cục Quyền Thuật đổi găng tay, dùng loại găng tay quyền Anh để giảm độ sát thương thay vì găng 78, loại găng đeo sát da tay dùng để tỉ thí sống chết của những năm trước đó (mà lẽ ra, ngay từ đầu đã dùng găng quyền Anh nhưng các võ sĩ người Hồng Kông yêu cầu dùng găng 78 để đánh sát thương mới thú vị). Đến hiệp ba, Trần Cường hoàn toàn làm chủ thế trận. Nhưng cuối trận đấu, ban trọng tài chấm Trần Cường thua. Các võ sĩ Việt Nam la ó bất bình, còn khán giả thì vỗ tay reo mừng kết quả.

Có vẻ như người Việt đã quên mất họ đang ngồi coi các võ sĩ cùng giọng nói với mình thi đấu, điều này khiến các võ sĩ Việt tức giận và quyết đánh sống chết, không còn sợ hãi như trước. Liên tục bảy trận sau đó, các võ sĩ Việt đánh thắng võ sĩ Hồng Kông. Đến trận đấu của thầy hắn, thời đó, ông là một võ sĩ khá nổi trội, ông đã nhìn đòn thế của các đối thủ và nhận ra dường như giữa phim và đời thực có một khoảng cách quá xa, các đòn đánh của đối phương không hiểm nhưng họ quá độc đòn, nghĩa là mỗi khi tung đòn, có vẻ như họ dùng hết lực để đoạt mạng đối phương. Vậy là ông chọn đánh gục đối phương để kết thúc buổi đấu. Đương nhiên đây là một việc chẳng khác nào đội đá vá trời, bởi đối phương của ông, võ sĩ Vưu Kim Úc là nhà đương kim vô địch Hồng Kông và là sư đệ của Lý Tiểu Long, là môn đồ của Diệp Vấn sư phụ. Muốn hạ anh ta không phải chuyện dễ.

Bước vào hiệp một là một trận mưa cước và chõ của đối phương nhả vào ông, cảm giác tấm lưng và hai gò má của ông đang vỡ vụn. Ông chỉ biết duy trì sức để tìm kẽ hở, và dò đòn của đối phương. Trong lơ mơ nhận đòn đau và cố trụ để đừng ngã quỵ, ông nhận ra đối phương luôn hở trung lộ. Bởi quá hãnh tiến và quá coi thường đối thủ nên Vưu Kim Úc không còn phòng thủ mà chỉ chủ động tấn công, cước pháp và quyền pháp của Úc rất đẹp, nhanh như tia chớp. Nhưng bù vào đó, lực của nó không đủ sâu để hạ một người mệnh danh bức tượng đồng như ông. Hết hiệp một, mọi thứ chịu đựng đã đủ và không thể chịu thêm, bởi ông biết sang hiệp hai, nếu ông dính đòn thì ông sẽ đổ gục, không thể gượng dậy được.

Tiếng chuông báo hiệp vừa gióng lên thì ông mở ngay một sê-ri đòn về phía đối phương, ban đầu ông dùng cú Thần Công Xạ Tiễn để đấm thẳng trán đối phương khiến Úc bất ngờ và ngạc nhiên tột độ, tâm lý chuyển từ chỗ tự mãn sang lúng túng. Tiếp theo là gối và chõ theo lối đánh Muay Thái, và khi vừa đủ mệt, nghĩa là đối phương vừa đủ ngấm đòn, ông lùi ra, thả hở quyền và di chuyển theo lối quyền Anh để nhử đối phương vào. Nhưng Úc rất tỉnh táo và khôn đòn, chỉ thủ và chờ ông vào tiếp. Ông bắt đầu chần chừ bởi chưa biết nên tiếp tục bằng sê-ri đòn gì.

Lúc này, Úc bắt đầu lấy lại bỉnh tĩnh và nhả đòn. Úc chồm tới nửa bước và chuẩn bị tung đòn Bình Sa Lạc Nhạn, ông nghiêng người, dùng ngay cú Xuyên Bạt Cước nương theo cú đòn của Úc, cách này chưa ai từng làm bởi nó đòi hỏi độ chính xác và tính liều lĩnh quá cao, triệt đòn đối phương xong, ông thả tiếp một sê-ri liên tục năm cú cắm chõ vào Úc. Mặc dù các cú chõ không làm Úc lâm đòn bởi Úc tránh được nhưng hình như Úc rơi vào hoang mang. Ông tiếp tục hạ người đánh thẳng vào trung lộ của Úc, và đánh theo lối nhập nội bằng mấy cú chõ rước, sau đó bất ngờ lùi nửa bước, hạ thấp và xoay người tung cú Ngịch Lân và ngay cổ của Úc. Úc đổ xuống sàn đấu và trào nước bọt. Úc không thể gượng dậy được khi trọng tài đếm tới 10.

“Lúc đó, nhìn đối phương phều nước bọt, tự dưng ta nhớ đến bãi nước bọt mà ta đã bị nhổ vào mặt…” Thầy nói với hắn.

“Ai đã nhổ nước bọt vào thầy?”

“Mẹ ta.”

“…”

“Con muốn biết vì sao bà làm vậy không? Bà đã dạy cho ta bài học về làm người, bởi lúc còn nhỏ, ta không chấp nhận thua bất kỳ một ai, ta chỉ biết có thắng và nếu không thắng được một ai đó, ta sẽ không ăn được cơm. Trong một lần chơi với đứa bạn thân, ta đã quyết không thua nó để lấy cho được một củ khoai mà đó là bữa ăn của mấy đứa em nó. Hai đứa cùng đi mót khoai, toàn những củ nhỏ xíu, chúng ta đã chia nhau thật tình cảm. Nhưng đụng củ to, cả hai đứa đều muốn nó thuộc về mình, và ta đã đánh bạn ta chảy máu cam vì củ khoai đó. Lần đó mẹ đã nhổ nước bọt vào mặt ta. Mẹ đã khóc suốt nhiều đêm vì điều này…”

“Nhưng sao bà không đánh đòn mà làm vậy, con vẫn không hiểu?”

“Bà cũng là một võ sĩ, bà chưa đánh ta một roi nào. Và có lẽ, đó là lần duy nhất bà nổi giận với ta. Sau này, mọi thứ dường như quay ngược.”

“Nghĩa là sao hả thầy?”

“Thằng bạn bị ta làm chảy máu cam trong lần giành khoai ấy đã cùng ta đi học võ, và cũng được mẹ ta dạy cho, thương hắn như ta. Nhưng hắn có chí hướng khác ta, hắn im lặng, chịu đựng và đã làm gì thì không từ nan, hắn rất khác ta. Vì con biết rồi đó, tính ta bốc đồng, dễ xúc động và đôi khi cũng dễ mủi lòng. Ta chỉ có thể làm một võ sĩ, đánh những kẻ hùng mạnh, đánh những đối thủ cũng giống như ta nhưng ta lại không thể dùng đá để ném một con gà hay dùng ná để bắn chim. Số phận ta là vậy, nó không cho ta bước qua nhiều thứ. Ta là một võ sĩ hạng nặng thời đó nhưng lại ưa chơi đàn, ưa nghe nhạc và chơi với các nghệ sĩ nhiều hơn là nhà võ. Còn bạn ta nhảy núi, lên bưng, sau này đôi lần ta và hắn gặp nhau trong bối cảnh thật là tệ.”

“…”

“Hắn trở thành sát thủ của những người nhảy núi, hễ cứ nơi nào tề gian diệt ngụy thì có hắn. Mà con biết đó, tề gian diệt ngụy là một câu khẩu hiệu của những người Cộng sản nhảy núi quay về nằm vùng ở những địa bàn mà họ được cấp trên đặc cách, chỉ định. Họ có thể đào hầm hoặc trốn đâu đó trong rừng gần thành phố suốt nhiều tháng liền để ám sát một ai đó hoặc đánh bom khủng bố một khu vực nào đó. Mức độ sát thương của họ đã chạm ngưỡng tàn sát, ta nghĩ là vậy, họ xuống tay không từ nan. Họ hoạt động rất bí mật, ví như cấp dưới tới nhận chỉ thị của cấp trên thì chỉ đứng bên kia vách hoặc bên kia cái nong, gần một bụi chuối để ra mật khẩu, khớp mật khẩu thì ban và nhận lệnh, họ không bao giờ biết mặt nhau và có thể nói, họ dùng những chiêu trò khủng bố rất thành thục.”

“Dạ… Thầy gặp lại người bạn trong hoàn cảnh như thế nào vậy thầy?”

“Ờ, đầu tiên là năm đó ta đi theo làm vệ sĩ cho một bà vợ của một ông nghị viên trong một chuyến từ Sài Gòn về Thủ Đức. Thời đó lính tráng nhiều, nhưng thỉnh thoảng, các nghị viên và những bà vợ lại chọn một số võ sĩ mà họ thấy rằng có thể bảo vệ họ tốt trong tình huống quá ngặt nghèo để mướn làm vệ sĩ. Ta cũng nằm trong số được chọn ấy. Ta nhớ, xe chạy đến ngã ba Thủ Đức thì ta linh cảm thấy điều gì đó không bình thường, hơi bất ổn. Khi xe chạy ngang qua làng đại học thì có tiếng súng nổ xa xa, ta cho xe quay lui nhưng không kịp rồi, vì có một xe phía trước bị tập kích, còn xe của ta cũng bị bọc hậu. Người trong rừng cao su túa ra chĩa súng vây quanh và mọi người đã đưa tay đầu hàng, ta cũng vậy. Khi bị trùm kín đầu đưa vào bưng, ta gặp lại thằng bạn ta trong đó. Trong chuyến đó, có mỗi mình ta được quay ra. Và đương nhiên ta không còn cơ hội trở vào thành phố vì đi đường nào cũng chết. Thầy của ta hình như biết được điều này từ trước nên ông dắt ta đi trốn. Chúng ta bặt vô âm tín từ đó, và câu chuyện này, ta cũng chỉ kể với con.”

“Nhưng con vẫn thắc mắc một điều?”

“Chuyện gì vậy con?”

“Không hiểu sao các thầy lại ưa cá độ và đem sức khỏe tụi con ra để chơi?”

“Ta biết, việc đưa học trò đi đấu với nhau giữa các lò võ như thế này rất nguy hiểm, vừa nguy hiểm cho bản thân của các trò, vừa nguy hiểm cho bọn ta, vì chính quyền… nếu phát hiện ra thì bọn ta sẽ tù mọt gông!”

“Nhưng sao các thầy vẫn cứ làm!”

“Ừ… Từ từ rồi con sẽ hiểu.”

Hắn lấy làm buồn vì câu trả lời nhát gừng nhưng chẳng cho ra kết quả nào của thầy. Bởi từ lâu, bộ chõ và cú bàn long cước của hắn luyện tập chẳng bao giờ dành để thi đấu, trong thâm tâm hắn luôn nghĩ vậy. Hắn không muốn sát thương ai ngoài kẻ đã từng dùng báng súng nện vào lưng mẹ hắn, và cả nện vào bụng và hai đùi mẹ thằng Tí bầm đen trong lúc bà mang bầu, lão làm vậy để cho bà sẩy thai, nhưng bà đã không bị sẩy thai như lão mong muốn. Và hắn cũng đã chứng kiến thắng Tí phải bỏ nhà đi vì mẹ nó sinh thêm đứa em.

Đôi lần hắn đã viết trong cuốn tập học trò rằng nếu mẹ đẻ thêm đứa em nữa, hắn sẽ tự tử. Dường như cái thời kế hoạch hóa gia đình ấy đã làm rất nhiều đứa trẻ phải bỏ nhà ra đường, trở thành bụi đời. Cái thời mà đi đâu cũng bắt gặp tấm bảng “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ” hoặc “Gái mà chi trai mà chi/ Con nào có nghĩa có nghì là hơn”… ấy. Hắn chỉ muốn dùng cú đòn khổ luyện trong một lần duy nhất. Nhưng thầy hắn lại biến các đối thủ thành cái bao tập của hắn. Càng lúc, hắn càng lún sâu vào sự thù hận của những đối thủ từng bị hắn hạ.

Những trận đấu cứ diễn ra vào lúc ba giờ sáng hoặc mười hai giờ đêm, dưới ánh trăng hoặc trong ánh đèn dầu tù mù. Sáng ra, xóm làng vẫn bình yên, mọi người chào nhau và không ai hay biết gì về chuyện đêm qua. Những buổi ăn đêm (cách hắn gọi các trận đấu lén lút) như vậy làm hắn thấy đời sống chung quanh có chút gì đó không thật, cứ ảo ảo làm sao.

***

“Vì chúng ta là tuổi trẻ, chúng ta phải chấp nhận mọi khó khăn trong cơn hoạn nạn này.” Nàng đã nói như vậy với y và quyết định đi vào vùng dịch, nàng, một tình nguyện viên trẻ tuổi nhất, có gương mặt thanh tú và thông minh, nàng không thuộc diện chân dài, mông ưỡn hay vú to. Nàng đẹp như một lõi trầm, vừa đủ để y thấy rằng mọi thứ trên thân thể nàng đều là kho tàng bí ẩn mà Thượng Đế đã khéo tay cất giấu. Nhưng rõ ràng là không khéo cho lắm đâu, thế nên y may mắn cầm được chiếc chìa khóa.

“Chúng ta sẽ gặp nhau chiều nay.”

“Ở đâu?”

“Ở nơi nào để làm tình cho thật thỏa thích, em có thể kêu là như một con voi cái.”

“Ui chao ơi, chỉ mới có mấy ngày dịch mà sao em… Em bị nhiễm dịch rồi hay sao mà ăn nói kinh khủng thế?!”

“Thôi, em không nói tục hay vòng vo nữa, nói thật nha! Em muốn đụ anh, chiều nay! Vậy nghe!”

Nói xong, nàng đi và y cũng không bao giờ gặp lại nàng để làm chuyện ấy, nhưng không hiểu sao cái tiếng ấy nghe có gì đó xao xuyến, rưng rưng chứ không tục tằn, thô lỗ như có lần một ả vợ thầy giáo cũ của y đã gọi hắn lúc ba giờ sáng. Hắn vừa ngái ngủ vừa kinh hoảng, nhưng cũng sợ vì ả là vợ của thầy. Y hẹn thôi có gì sáng mai gặp. Sáng mai, ả tới và vờ ngồi chồm hổm vừa nói chuyện vừa ngắm hoa, chủ ý quay lưng về phía y. Mà chính xác hơn là quay cái lưng quần trễ lòi ra cái quần lót đỏ khiêu gợi y. Đương nhiên y bị xem là thằng hèn sau khi nhờ ả mua cho một ly cà phê đen, sau đó ngồi uống cà phê và viết nhăng viết cuội một thứ gì đó và cáo lỗi bận. Cuộc sống là vậy, có những thứ quái quỷ luôn bám lấy con người, như ả vợ thầy giáo, ả cũng là cô giáo, dạy rất hay, thương người, hay giúp học sinh nghèo. Nhưng nghiệt nỗi ả không thể chịu nổi nếu như ả không ngủ được với học trò của chồng. Quái gở là vậy. Nó cũng giống như sự quái gở nàng mới gieo rắc. Bởi nàng chưa bao giờ dùng lời nào quá đà. Nàng nồng nhiệt với y nhưng không bao giờ thô lậu và chẳng bao giờ trễ hẹn.

Thế nhưng lần này, mọi thứ nàng nói toạc móng heo và bù vào đó, nàng thất hứa. Y lấy làm buồn cười khi nghĩ đến gương mặt đầy ương ngạnh và bất chấp một cách gắng gượng khi nàng thốt ra câu này. Nhưng hiện tại, không phải là thời gian để soi vào mọi câu nói của con người dành cho nhau. Con số người chết đã lên hàng chục ngàn và có nguy cơ sẽ nhân lên gấp vài chục lần trong tuần tới, số người bị cách ly đang bị nhiễm cũng bước vào hàng triệu, còn số người cách ly thì có lẽ, chỉ có Chúa mới thống kê nổi.

Y phải lên đường, trách nhiệm và lương tri của một thầy thuốc sống trong chế độ độc tài và từng chứng kiến không biết bao nhiêu số phận chấm dứt vĩnh viễn bởi không có tiền, không có quyền hành đã thôi thúc y phải làm điều gì đó. Nàng đã đi, có lẽ nàng đã đến nơi ấy. Và y cũng phải đi. Mọi khu cách ly đều thiếu thốn, mọi khu điều trị cho đến lúc này không còn mang hơi hướm sự sống con người cho mấy. Bởi sau quá nhiều vất vả, mệt nhọc và thiếu thốn, dường như người ta chấp nhận với một dạng tồn tại, được ngày nào hay ngày đó và cho đến khi nào hoặc là vĩnh viễn biến mất hoặc là trở về. Y nghĩ vậy và tìm một phương cách nào khả dĩ được hơn. Nhưng làm sao có thể như vậy!
 
***

Khu học xá được dùng làm khu cách ly, đương nhiên, số lượng người cách ly không thể nhiều như những quốc gia tiên tiến và các siêu cường. Đôi khi mi tự hỏi vì sao có chuyện trái ngược như vậy và thấy câu hỏi của mình bằng thừa. Bởi có một thứ mà mi dễ hiểu, dễ nhìn thấy nhất, đó là người Mỹ, người dân của siêu cường về kinh tế và dân chủ này sẽ không bao giờ sống nổi trong bối cảnh mất tự do, hoặc bắt những người Mỹ đi cày sâu cuốc bẩm và ăn mắm cáy chấm rau luộc giống người Việt chừng ba năm, nếu y/thị không điên thì cũng tìm cách tự tử hoặc làm việc gì đó na ná như thế. Nhưng nếu bắt một người Việt vào đất Mỹ để sống thì coi như Thượng Đế đang bị đãng trí, họ sẵn sàng dắt theo cả họ hàng sang Mỹ. Hay nói khác đi, người dân những nước khó khăn có thể tồn tại trong khắc nghiệt nhưng không bao giờ được sống trọn vẹn trong đời sống bình thường. Ngược lại, người dân các siêu cường sống trọn vẹn và không bận tâm cho mấy đến những rủi ro, nên họ dễ bị sa lầy trong đại dịch. Mi nghĩ vậy!

Điều đó cũng giống như con đường, đôi khi mi lan man nhận ra thế giới chung quanh mi là một điều gì đó lan man, không định dạng. Mới ngày hôm qua người ta còn tung tẩy với chữ nghĩa hay bột màu hay sơn nước để vẽ một con đường nào đó trong thành phố, có những hàng cây vặn mình trút lá, và hôm nay, chính họ vặn mình trút những hơi thở cuối cùng. Cũng như thành phố hôm qua xám xịt mây, khói bụi và tiếng ồn, người ta làm thơ hay vẽ về một thành phố có mây trong, ít tiếng ồn và thơ mộng thì sáng hôm nay, những đám mây ánh xà cừ ngoài cửa thành phố cách ly, im lặng và đông cứng, làm người ta nhớ đến sự ồn ào như một lỗi lầm.

Và có những người vĩnh viễn bỏ dở bài thơ hay bức vẽ. Không biết lúc ấy, họ có nhớ căn nhà, nhớ những con đường và mỗi bước chân họ đi qua có ngân nga màu sắc như họ đã từng.

Mi nhớ như in cái con đường từ khu học xá dẫn sang trường đại học. Đó là một rừng cao su non, thời mi học đại học là thời mà mọi xung động của thế giới bắt đầu thâm nhập vào giới sinh viên, họ bung hết mọi khả năng để đón nhận nó. Cái thời internet chính thức có mặt tại Việt Nam, năm 1998. Cái năm mà bao cao su cũng được sử dụng một cách phổ biến. Có những buổi sáng đi học hơi sớm so với bạn bè, mi cố gắng đi sớm để cảm nhận rừng cây đang trút lá sau Tết, đâu đó giữa hàng triệu lá khô, có vài cái bao cao su nằm chỏng chơ và có khi có cả quần lót phụ nữ bị xé rách. Không hiểu sao lúc đó mi có cảm giác sợ thế giới quanh mi và đầu óc mi ong ong tiếng kêu của những cô sinh viên quê với thân hình uốn ẹo cố thoát, và có thể là kêu gào, nhưng bất lực, cuộc đời và tuổi trẻ đôi khi thay đổi, chấm dứt hoặc rẽ lối chỉ vì một ly chè kem hoặc ly cà phê buổi tối, tệ hơn, có thể là một dĩa cơm sinh viên lúc chạng vạng. Bởi cái đói đã lấp mất lòng tự trọng hay thứ gì đó na ná giống vậy. Và mọi thứ đôi khi có gì đó như hồn ma bóng quế, sống ở xứ sở này, ước mơ càng nhiều thì càng đau khổ. Điều này làm mi nghĩ đến cha của nàng, người đã từng trò chuyện với bóng ma trần truồng nơi trại giam.

Ông là người đầu tiên tổ chức vượt biên bằng cách liên kết mua súng của bộ đội biên phòng, trang bị vũ khí và lương thực. Ông nghĩ rằng đã mua súng và mua được đường thì chắc mẩm sẽ đi được. Và ông không ngờ rằng bản án tù chung thân điển hình đã dành cho ông khi thuyền vừa chạm vùng biển quốc tế. Công việc mới của ông là giữ bò, gánh gạch xây dựng lán trại và nuôi heo, tắm heo. Nhiều khi mệt và buồn quá, không biết làm gì, ông tranh thủ giờ rảnh hiếm hoi chạy ra đứng vái lạy những nấm mộ tù nhân. Họ không có thân nhân, có thể người thân của họ cũng đã vùi mình trên biển trong cuộc chạy trốn trước ông, họ chạy ngay trong những ngày tháng Ba năm 1975. Và có rất nhiều con thuyền nằm sâu trong lòng biển mà lúc đó, ông chỉ nghĩ được rằng vài trăm năm sau, con cháu sẽ khai quật nó lên và sẽ viết lại một trang sử khác về lòng biển, lòng người Việt Nam.

***

Người con gái đó dường như ít khi nào mặc quần áo, cô đến với ông một cách tự nhiên và không ngần ngại, những khi ông mệt quá, tranh thủ chợp mắt ngoài bìa rừng lúc đang giữ bò thì cô xuất hiện, không mảnh vải che thân. Lần đầu ông hãi hùng vì điều này, ông rất sợ. Nhưng dần dần, ông hiểu được rằng cô là một hồn ma tỉnh táo hơn bất kỳ hồn ma nào khác, cô là một thanh niên xung phong, nếu xét về biên kiến chính trị thì rõ ràng giữa cô và ông có một khoảng cách rất xa. Nhưng cô đã trò chuyện với ông rất nhiều, cô cũng không ngần ngại cho ông làm tình nếu thấy thích. Đương nhiên những giờ chạng vạng hiếm hoi ấy, ông đã làm tình với cô một cách nồng nàn, không ngại ngần.
“Em từng bị hiếp tập thể.” Cô nói.

“Ai đã làm điều đó?”

“Bọn lính Trung Quốc.”

“Ở đâu?”

“Ngoài chiến trường Lạng Sơn.”

"Nhưng đây là miền Trung, làm sao em lưu lạc tận đây?”
 
“Em không muốn ở lại quốc độ đó, bởi cả ma và người đều giống nhau ở chỗ kỳ thị, họ xem thường em mặc dù không nói ra.”

“Ai xem thường?”

“Những đồng đội thanh sạch. Em đã chạy đến đây, có lẽ là sau khi em chết, em đã đến đây và ở lại nơi này, em sống lẩn khuất, cũng có nhiều con mắt thèm thuồng, từ những tử tù, nhưng họ không khi dễ em, họ chỉ muốn làm tình…”

“Làm tình có làm em bị ảnh hưởng gì về tương lai hóa kiếp hay siêu thoát gì không?”

“Làm tình chính là một cách siêu thoát tốt nhất. Em chưa trông đợi vào sự siêu thoát nào khác. Em chỉ sợ đến một lúc nào đó, xương da khô khốc, à mà không, linh hồn khô khốc thì mọi chuyện đã khác đi. Thôi lúc đó tính sau.”

Hồn ma nói đến đây và không nói gì nữa, cô chồm lên người ông và phả hơi ấm lên má ông, sau đó cổ, lưng, ngực và cô đã làm cho ông thấy rằng thân thể cô thơm một mùi hoa dại, một mùi  thơm thuần khiết của hoa hồng thi thoảng pha thêm mùi rượu nặng. Rất lạ, và đó cũng là buổi chạng vạng cuối cùng để ông được tha bổng sau khi cứu được trại trưởng thoát chết. Ông được xét cải tạo tốt và được đưa lên đầu danh sách đặc xá.

Mi đã nhiều lần tiếp xúc với ông, qua ông, mi hiểu được thêm rằng ông cũng là đồng môn của thầy mi. Và kẻ mà mi rắp tâm dụng bàn long cước cũng như cú thiết chõ cũng là đồng môn của ông. Chỉ có chí hướng mỗi người khác nhau, trước đây thầy của mi và lão ấy (tức người đàn ông mi muốn trả thù) vốn bạn với nhau từ nhỏ, nhưng lão ấy nhảy núi và từng làm những chuyện động trời. Năm 1972, lão đã tấn công một Trung úy Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào ban đêm. Trung úy này đã dẫn quân truy lùng Việt Cộng nằm vùng và ngay trong đêm đó, lão đã về, đột nhập vào nhà, lão giết và mang thủ cấp của vị Trung úy treo ngoài rừng cao su, nơi mỗi sáng các chuyến xe chở công nhân từ thành phố lên hãng dệt Sicovina Thủ Đức để làm việc. Sáng hôm đó, không có công nhân nào là không nhìn thấy cảnh tượng này. Một cái chết man rợ và hãi hùng. Có lẽ người miền Nam từng chứng kiến nhiều cái chết như vậy nên họ quyết định bỏ nước ra đi khi Cộng sản vào miền Nam, điều đó có vẻ dễ hiểu…

***

Khu cách ly ngày càng trở nên ngột ngạt, các bác sĩ bắt đầu mệt mỏi, thi thoảng có người than phiền bởi chứng ngứa râm ran khắp thân thể, do mặc đồ bảo hộ suốt ngày, toàn bằng nilon nên có nhiều bác sĩ không ngần ngại gãi chỗ kín sột soạt trước mặt đồng nghiệp. Bởi ai cũng bị ngứa và mệt mỏi như nhau nên việc ấy có khi lại được hưởng ứng và dễ cảm thông. Có vẻ như trong khu cách ly chỉ có bệnh nhân và người đang theo dõi sức khỏe là được nhiều quyền nhất, quyền được đi lại trong hạn chế, quyền nhận suất ăn, quyền tắm rửa tự do, giờ nào cũng được, quyền chửi thề khi thấy bực tức trong người. Còn các bác sĩ và y tá, họ chỉ được ưu tiên một quyền duy nhất là các bữa ăn của họ có thêm nhiều trứng và dinh dưỡng để đảm bảo họ không bị đổ gục, quyền tắm tự do thì chắc chắn là không có rồi, vì mặc áo quần bảo hộ cả ngày, ba lớp áo quần nilon khiến cho họ có thể điên lên bất cứ lúc nào. Nhưng họ không được quyền cho phép mình điên hay đi tắm tùy tiện.

***

Lão ấy sấn đến mẹ hắn, lão nhiều lần đay nghiến vì mẹ hắn mà cả làng bị cách ly, vì mẹ hắn mà lão cũng dính phải virsus đáng chết này. Hắn vừa buồn, vừa giận, vừa muốn giết lão nhưng lại vừa không thể làm gì. Bởi dù sao, trong mỗi hột cơm hắn ăn hằng ngày thuở nhỏ cũng có ít nhiều bàn tay của lão. Bởi những năm sau 1975, cha không kịp mang mẹ con hắn theo trong cuộc trốn chạy. Lúc đó mẹ đang ở cữ, hắn mới ba ngày tuổi, mẹ và hắn đang ở nhà ngoại. Cha chỉ kịp dắt anh chị của hắn lên thuyền, với hi vọng ra đến hải phận quốc tế sẽ được một con tàu nào đó cứu hộ và bằng cách nào đó để đón mẹ con hắn đi tiếp. Cha đã nói vậy với bà ngoại. Thế rồi cha đi không về nữa, bặt vô âm tín từ đó. Hắn nghĩ, có lẽ cuộc đời của cha và anh, chị hắn đã vùi sâu lòng biển. Nhiều lúc hắn cố gắng mường tượng mùi mồ hôi trên lưng cha nhưng không thể. Và lúc đó, nếu không có lão thì mẹ con hắn sẽ không còn gì, chế độ mới với chính sách đồn điền tập thể, mảnh vườn nhà hắn chia năm xẻ bảy bởi nhiều người. Bà ngoại hắn bứt tóc kêu trời. Lão, lúc đó là một cán bộ xã đầy quyền uy, đã cứu gia đình hắn. Đương nhiên, lão không vô tư, lão cuối cùng cũng trở thành cha dượng của hắn. Và hình như mọi thứ có được từ chiến tranh lão đều dành cho mẹ con hắn, từ miếng ăn và đòn roi, lão không từ thứ gì. Hắn phải chứng kiến rất sớm cảnh lão đánh mẹ hắn nằm dài trên sàn nhà chỉ vì chưa kịp mua thuốc lá cho lão.

Cuộc đời mẹ con hắn trôi qua trong sự tủi nhục, hắn nghĩ là vậy, giá như mẹ hắn có vài đứa con với lão thì câu chuyện đã khác. Nhưng không, lão không có khả năng đó. Và mọi thứ cứ trôi qua, hắn cứ phải lớn, phải học hành và cuối cũng hắn cũng thành một bác sĩ, và còn một thứ khác, chỉ có mẹ hắn và thầy hắn biết, hắn là võ sĩ thuộc hàng sát thủ, hắn từng tung bàng long cước vào cổ và cắm chõ vào đầu nhiều đối phương. Nhưng kẻ mà hắn muốn cắm chõ và tung bàn long cước nhất thì hắn không bao giờ làm được. Bởi những lúc căng thẳng nhất, hắn định ra tay thì hình như cha và các anh chị hắn từ di ảnh trên bàn thờ nhìn hắn rất lạ. Bàn thờ do lão dã thiết trí và nhang khói. Hắn chùng tay.

Sở dĩ hôm nay lão trở nên giận dữ bởi vì hôm đó, hắn thấy nhớ mẹ, hắn tranh thủ lúc xe cứu thương chạy qua phố, hắn xuống xe, đứng nhìn vào nhà.  Mẹ đã chạy ra, mang cho hắn một bát mì Phú Chiêm. Hắn đã dặn mẹ ngồi thật xa. Mẹ nhìn hắn, hình như bà chảy nước mắt. Ăn xong, hắn vẫy tay chào tạm biệt mẹ và cố đứng dậy đi cho thật nhanh, đi như chạy trốn cái dáng nhỏ  thó, cam chịu của mẹ. Hắn quên dặn mẹ bỏ luôn cái bát hoặc phải đeo khẩu trang, phải bảo hộ thật kỹ trước khi mang bát đi bỏ sọt rác hoặc khử trùng.

Và lão đã tức giận, cay cú với mẹ khi biết mẹ bị nhiễm do chuyện này, đương nhiên lão cũng bị nhiễm. Và cả làng bị cách ly chỉ vì bát mì hôm đó. Khi lão và mẹ cùng vài người trong làng đến đây điều trị, hắn đã lén ra ngoài đứng khóc. Nhưng rồi, hắn chưa kịp thương lão thì chính lão đã khiến hắn nhiều lần muốn dùng đến một thứ gì đó thuộc về y học để tìm cho mẹ một sự yên tĩnh. Nhưng lương tâm thầy thuốc mãi mãi không tha thứ cho hắn nếu hắn xuống tay với lão. Hắn càng phải chữa trị cho lão thật tốt, để mẹ hắn được yên.
 
***

Nàng nói rằng chưa bao giờ nàng thấy mệt mỏi, rã rời khắp thân thể và tối đến, khi nhắm mắt ngủ, nàng chỉ muốn ngủ một giấc thật dài, ngủ cho đến bao giờ thế giới trở nên yên tĩnh và mọi người lại đi chợ, đến trường, uống cà phê… Lúc đó, hắn đến đánh thức nàng dậy cùng đi dạo phố. Bởi hiện giờ, tình hình mỗi lúc một căng, bệnh nhân mới hôm qua còn viết giấy kể cho nàng biết về những dự tính mà họ sẽ làm sau khi ra viện, sau khi chính phủ dập dịch thì hôm nay, chính tay nàng phải ký giấy xác nhận lý lịch để đưa họ đi lò thiêu. Nàng đôi khi không thể đứng vững trên đôi chân của mình nữa. Nhưng hình như, nàng vẫn muốn nói với y rằng giá như có y bây giờ, nàng sẽ làm một thứ khác, cái điều mà mỗi con người phải chạm vào nó như được chết bằng sự căng cứng của máu huyết và hơi thở. Hắn cũng vậy.

***

Gần ba tháng trôi qua, khác với dự tính ban đầu, mọi thứ ngày càng trở nên rã rời, lạnh lẽo. Đôi khi, y cảm nhận được âm khí đã tràn qua đất nước y, mọi sự thân thiện và tin yêu đã dần xóa dấu nơi mỗi con đường, có một thứ gì đó còn ghê gớm hơn cả bệnh dịch đang lang thang đi trên các con đường vắng mỗi đêm và chúng tìm ăn, chúng kêu đói, chúng uất hận một thứ gì đó…

Nàng và y đã không gặp nhau suốt ba tháng. Nàng luôn nhắn tin hoặc gọi webchat với y mỗi đêm, trước khi đi ngủ. Không biết nàng có cảm giác không thể tin được người hiện ra trên webchat là người yêu của mình giống y hay không. Nàng tiều tụy, xanh xao. Nhiều lần y khuyên nàng hãy nghỉ ngơi, dưỡng sức một tuần rồi trở lại công việc nhưng nàng nói y hãy yên tâm, nàng vẫn ổn. “Xong dịch, mình sẽ làm đám cưới!” Câu này nhắc đi nhắc lại giữa y và nàng sau mỗi lần trò chuyện.
 
***

Hắn mãi mãi không đá được cú bàn long vào cổ lão, vì điều đó sẽ làm mẹ hắn đau lòng, nếu lão còn sống, và mặc dù lão đối đãi với mẹ hắn đầy bạo lực nhưng bà luôn biết ơn lão vì chí ít, con của bà cũng được học hành tới nơi tới chốn và tiền học phí của con bà có một phần của lão, thậm chí, đất đai, nhà cửa có được, không bị mất vào tay kẻ khác cũng nhờ vào lão. Cuộc đời là một bi kịch và đôi khi người ta phải sống chung với những mâu thuẫn chỉ có thể giải quyết bằng cái chết nhưng cái chết lại không bao giờ đến và người ta cứ phải tiếp tục sống. Và nó bi kịch đến độ sống mãi với nó, khi nó chết đi, người ta cảm thấy hụt hẫng. Cũng như hắn bây giờ, hắn cảm thấy trống vắng và thèm được nghe lão già chết tiệt kia rủa sả, thèm được đứng run tay run chân mà kiềm chế cú bàn long cước giữa cổ và cú thiết chõ cắm ngay đỉnh đầu chỉ dành cho lão, nhưng suốt mấy mươi năm, lão không hề hấn gì, chỉ có những người không hề thù oán, không hề chửi hắn nửa lời phải nhận những thứ đó.

Điều đó cũng giống như nhiều lần nàng nói “em muốn đụ anh!” trên webchat, hắn đâm ra giận mặc dù điều ấy từng diễn ra, vì hắn nghĩ rằng nàng coi thường hắn hay có một thứ gì đó vượt ngoài những giới hạn về ngôn ngữ, về ứng xử mà nàng dành cho hắn. Thế rồi bây giờ, khi nàng nhắn một câu rất nghiêm túc, mà hắn biết rằng đây cũng là câu cuối cùng nàng dành cho hắn rằng “Vì chúng ta là tuổi trẻ…” với ba dấu chấm bỏ lửng. Hắn òa khóc vì giá như lúc này, nàng cứ nhắn những gì nàng từng nhắn. Nhưng chuyện ấy đã quá muộn màng. Lúc này, hắn chỉ cầu mong ai đó thật bình tĩnh, nhớ ghi lý lịch của nàng thật kỹ và chịu khó ghi thêm câu này “vì chúng ta là tuổi trẻ” hoặc giả đọc câu này trước khi đưa thi hài của nàng vào lò thiêu.

Tự dưng, hắn chỉ muốn gào thật to, hắn chỉ muốn đạp tung thế giới này và cuối cùng, hắn chỉ muốn nổ tung. Nhưng hắn sực nhớ, các bệnh nhân đang đợi hắn vào đo nhiệt và chăm sóc. Hắn lại khoác bộ áo quần bảo hộ ba lớp bằng nilon, hắn lại chuẩn bị mọi thứ, khẩu trang và khử trùng. Hắn lại bắt đầu một ngày mới! Và trước khi bắt đầu ngày mới, hắn không quên cầu nguyện cho mẹ, cho lão và cho nàng được siêu thoát, những người đã chạy trốn, đã ham chơi, đã bỏ hắn một mình!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong buổi tiếp kiến ban biên tập nguyệt san “Phụ nữ Giáo hội Thế giới” của báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh, trong tuần qua, dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người và nói: “Phụ nữ có khả năng nói ba ngôn ngữ: lý trí, trái tim và đôi tay”. Có phải Đức Thánh Cha muốn nói: Đối với phụ nữ ba điều này là một: Một người phụ nữ thông minh họ có thể dùng đầu óc mình để thành đạt trong học vấn, trong nghề nghiệp nhưng đồng thời với trí óc thông minh, trái tim mẫn cảm, họ cũng dùng thêm đôi tay của mình để tạo ra những sản phẩm đẹp đẽ và đầy trí tuệ, đầy tình yêu.
Trên Văn Việt ngày 16 tháng 2 vừa qua, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (University of New South Wales, Sydney, Úc) cho biết một số độc giả trên mạng đã hiểu một cách sai lầm rằng câu “Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” là thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Từ chuyện ngộ nhận ấy, nhiều vị viết lời bình luận rằng Vũ Hoàng Chương là một người sắt máu, chẳng khác gì Tố Hữu ngoài Bắc. Cũng qua câu trên, có người cho rằng thơ văn miền Nam thời Việt Nam Cộng Hoà cũng “máu me” lắm chứ chẳng nhân bản, nhân văn gì. Theo Giáo sư Tuấn, “Sự thật có lẽ không phải vậy, mà chỉ là một sự bịa đặt trong một cuốn tiểu thuyết, cuốn Ván Bài Lật Ngửa của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý” (tức nhà văn, nhà biên khảo, Ủy viên Tuyên huấn Trung ương Trần Bạch Đằng). Giáo sư Tuấn cho biết là câu ấy không có trong bài “Lửa từ bi” của Vũ Hoàng Chương, và chụp lại bài thơ “Từ đây” trong tập thơ Hoa Đăng của thi nhân họ Vũ (Sài Gòn : Văn Hữu Á Châu, 1959) để chứng minh rằng câu thơ ghê gớm ấy cũng không có trong đó:
Trong tiểu thuyết HIỆP KHÁCH HÀNH, nhà văn Kim Dung kể chuyện về cuộc phiêu lưu của chàng trai trẻ Thạch Phá Thiên từ năm 12 tuổi, không cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn hữu, không học hành chữ nghĩa, không võ công, không tiền của, mà tình cờ lạc vào giữa chốn võ lâm giang hồ. Đọc xong bộ truyện, tôi tò mò muốn tìm hiểu bài thơ HIỆP KHÁCH HÀNH của thi hào Lý Bạch...
Ngày Xuân Phân là ngày chính giữa của mùa Xuân theo âm lịch và cũng là ngày đầu tiên của mùa Xuân ở Bắc bán cầu theo dương lịch (Vernal Equinox). Trong ngày này, thời gian của ban ngày và ban đêm bằng nhau, nói cách khác là âm dương cân bằng. Nhờ thế vạn vật bắt đầu sinh sôi nảy nở, hoa sẽ dâng hương cho niệm xuân tình. Trong một ngày lập xuân nhiều thế kỷ trước, Sư Huyền Quang [?] ngẫu nhiên bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ bên song liền viết bài “Xuân Nhật Tức Sự”. Bài thơ tả người thiếu nữ đang thêu thùa, bỗng chim hoàng oanh líu lo từ lùm tử kinh bên ngoài khiến nàng ngừng mũi kim. Không tiếng lời vì xuân tràn trong ngỏ ý, ngoại cảnh cũng như tâm tư. Nói lời gì cũng bằng thừa khi mạch mới tràn dâng. Nụ đang chúm, không chỉ hoa, nụ còn là môi bung cánh sen, đỏ hường xuân thắm. Bởi vì bây giờ đã sang xuân. Xuân đang thì...
Ly dị, thông thường, bắt đầu bằng vết thương lòng. Những vết thương sâu đậm, máu chảy dai dẳng sẽ từ từ ẩn vào tiềm thức và ảnh hưởng vô thức hoạt động đưa ra những ý nghĩ về khuynh hướng ly hôn. Trong một số trường hợp, vết thương nhẹ, rướm máu sơ sài, nhưng bỗng dưng lớn chuyện, vì tự ái, vì tiếp tục tranh cãi, vì giận quá lỡ lời, vì bạo hành thiếu suy nghĩ. Từ đó, ly nước đã đổ xuống đất, làm sao để hốt lên? Trong một số trường hợp khác, có kẻ muốn ly dị vì nhiều lý do, từ tài chánh cho đến người thứ ba; từ xung đột trong đại gia đình đến thành công hoặc thất bại trên đường đời. Những trường hợp này vô cùng phức tạp, khó có thể giải thích cặn kẽ. Khó phân định lỗi phải. Tuy nhiên, có thể kết luận: Nếu yêu nhau đủ thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Nhà nhân loại học Paul Bohannan đưa ra lý thuyết về ly dị, trình bày sáu giai đoạn riêng biệt mà một cá nhân sẽ trải qua trên đường ly hôn. Bohannan xác nhận: sáu giai đoạn có thể xảy ra theo thứ tự khác nhau và với cường độ khác nhau
Buổi ra mắt tập thơ “Tháng năm là mộng đang đi” của Nguyễn Thị Khánh Minh đã hoàn tất, nhưng nhiều câu hỏi vẫn lơ lửng sau khi nhà thơ nổi tiếng này nói rằng ấn phẩm này có lẽ là tập thơ cuối cùng của chị. Không có lời giải thích rõ ràng vì sao tập thơ thứ 12 này có thể là ấn phẩm cuối cùng của chị, nhưng buổi ra mắt sách hôm 25/2/2023 tại một quán cà phê giữa Little Saigon đã để lại nhiều kỷ niệm trong những người yêu thơ tham dự.
Đã năm mươi năm trôi qua, nguyên nhân thực sự về cái chết của nhà thơ Pablo Neruda vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với nhiều người trên thế giới. Ông đột ngột lìa đời sau cuộc đảo chánh năm 1973 của Chile. Pablo Neruda không chỉ là nhà thơ từng đoạt giải Nobel danh giá, mà còn là một trong những nhà hoạt động chính trị có ảnh hưởng nhất ở Chile. Pablo Neruda công khai theo chủ nghĩa cộng sản, thẳng thắn ủng hộ và làm việc trong chính quyền của Salvador Allende, vị tổng thống cánh tả của Chile, cầm quyền từ năm 1970 đến năm 1973.
Tôi viết về Nhạc sĩ Phạm Duy, một bài khá dài, nhiều chương, với một tình cảm thân thiết, rõ ràng, đơn giản, như ta nói thân hình ông ta chia làm ba phần đầu mình và tay chân, trong đầu có bộ não, vầy thôi, nhưng/ hẳn sẽ làm rất nhiều người không đồng tình. Thậm chí cay đắng, “Thằng này đã ca ngợi thằng kia”.Đây là những người vốn không thích, chẳng ưa, rất ghét Phạm Duy. Tôi không có quyền bình phẩm đúng sai. Tôi vẫn tôn trọng những người này. Vì tôi hiểu, Tự do phải cần được tôn trọng.
Ngày 11 tháng 2 năm 2023, vài tờ báo và trang mạng trong nước đưa tin: Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Giải Nobel Văn Chương (The Nobel Prize in Literature). Danh sách được Ủy Ban Nobel công bố trong tháng 2, năm 2023, sau 50 năm giữ kín theo quy định của giải này. Theo đó, Vũ Hoàng Chương là một trong 100 tác giả tên tuổi được đề cử giải Nobel Văn Chương năm 1972...
Vì "một lần mãi mãi", tôi xin được tỏ bày lòng biết ơn đối với nhà văn Nhã Ca và những người cầm bút biết nâng niu bảo bọc chân-thiện-mỹ cho nhân loại như bà. Vì những tác phẩm của họ, sẽ có thêm những niềm hạnh phúc tiếp theo cho người đọc.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.