Hôm nay,  

Vi Khuẩn Đội Vương Miện

02/04/202010:06:00(Xem: 2462)

Cách đây hai hôm (Chủ Nhật 28/9/2020), trang mạng Diễn Đàn Thế Kỷ có đăng hai bài viết đặc biệt liên quan đến Đại Dịch, bài Nguyễn Du – Homère và Bệnh Dịch của Phạm Trọng Chánh, và Đại Dịch COVID – 19 của Trịnh Y Thư.

Trong bài của Phạm Trọng Chánh, phần sau có nhắc đến trận dịch tể xẩy ra từ thời cổ đại qua sử thi của thi hào Homère trong trường ca Iliad. Cả 1100 chiến thuyền và 100,000 quân sĩ vây quanh thành Troie bị thiệt mạng  vì trận dịch kinh hồn. Phần trước chỉ ngắn ngủi mấy câu lại gây xúc động nơi tôi hơn khi nói đến trận dịch gây nên cái chết của thi hào Nguyễn Du của chúng ta. 

Năm 1820, cuối đời Gia Long, đầu đời Minh Mạng, Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Du được cử làm chánh sứ qua Tàu lần thứ hai. Chưa kịp lên đường thì thi hào qua đời vì dịch tễ khi đang ở trên đỉnh vinh quang của sự nghiệp văn chương cũng như trên đường công danh, hoạn lộ.  Lúc ấy Nguyễn Du mới 54 tuổi. Đó là một trận dịch khủng khiếp lan toả từ Á sang Âu có nguồn gốc ở Ấn Độ.

Tiếp theo là bài của Trịnh Y Thư. Đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới khiến tác giả giở đọc lại La Peste của Albert Camus. Nhà văn bỗng “giật mình vì những gì đang xẩy ra quanh tôi ngày nay đã được Camus miêu tả thật chính xác cách đây trên 70 năm.”

Trong một đoạn khác Trịnh Y Thư viết: “...một trận dịch hạch khủng khiếp tàn phá tan hoang cả thị trấn, và khi trận dịch chấm dứt thì không một ai trong thị trấn không bị ảnh hưởng, nặng là cái chết, nhẹ tuy may mắn sống sót nhưng cả thể xác lẫn tâm hồn chẳng còn như cũ nữa. Cuốn sách hiển nhiên hàm chứa nhiều tư tưởng Hiện sinh, nhiều ẩn dụ, thậm chí có những câu văn đa nghĩa, và tất cả hình như quy chiếu vào tính cách, định mệnh và thân phận con người trong một thế giới phi lý ... Camus thuật tiếp, nhà chức trách của thị trấn Oran đã chần chừ, không thấy sự khẩn trương của trận dịch đang lan trànmột cách khiếp hãi, lại còn cãi vã nhau ỏm tỏi về những biện pháp thích nghi để đối phó... Trong tình huống ấy con người cảm thấy như bị tù hãm, trở nên trầm cảm, thậm chí hoảng loạn, và bắt đầu có những ý nghĩ, hành động bất thường ... ”

Vậy là trong 200 năm nay, cứ đúng 100 năm xẩy ra một trận đại dịch (pandemic):  Đại dịch thời Nguyễn Du mất năm 1820; đại dịch Tây Ban Nha năm 1920; và nay, đại dịch Coronavirus năm 2020. Tình cờ chăng hay do một mệnh lệnh siêu nhiên nào?  Sở dĩ câu hỏi này được nêu lên là vì có sự tin tưởng rằng những cơn đại dịch bắt nguồn từ sự sắp xếp của Đấng Tối Cao muốn thay đổi diện mạo của thế giới, của loài người. Dù sao chăng nữa, sau trận Đại Dịch này, nếp sống cũ có lẽ không tồn tại nữa.


Suốt hơn hai tuần nay, vợ tôi và tôi đều lớn tuổi, ở quá lâu trong nhà đến chán chê. May có hai đứa con ở gần thường mang thức ăn đến “tiếp tế”, hoặc chúng hội họp lại mời tới nhà chúng bày biện những  món ăn của quê hương mà chúng nhớ lắm nhưng không có thì giờ lo việc nấu nướng. Chẳng hạn bánh căng, bánh khọt, bánh khoai mì, bột chiên, hoặc sang hơn một chút, mì Quảng, bún bò, hủ tíu, bánh bột lọc, bánh khoái ... Sum họp, ăn uống, chuyện trò, vui quá. Nhưng trong nỗi vui chen lẫn tiếng thở dài kín đáo, ánh mắt thoáng lo âu. Chẳng biết cái vui này kéo dài được bao lâu. Chuyện lạ gì sẽ xẩy ra. 

Có lần một đứa bảo: “Có lẽ suốt một đời người mới gặp được một dịp như thế này. Ai nấy ở nhà ráo trọi. Ông bà đã già ở nhà đã đành; cha mẹ đem việc sở về nhà làm; con cái thì nghỉ học. Sum họp vui vầy. Những bé nhỏ nhất sung sướng nhất. Sáng ngủ dậy có mẹ nằm bên cạnh tha hồ làm nũng.” Nó còn nói thêm: “Con gái của con học giỏi nhất lớp, nhưng bất ngờ được nghỉ hơn một tuần rồi, nó thích quá trời.” Tôi nói dồn thêm: “Con nít hồn nhiên, cho nó vui được ngày nào hay ngày ấy.” Tôi hơi lẩn thẩn, nói lạc đề chăng? Vì tôi nhớ trong cuộc của mình, đã bỏ lỡ biết bao nhiêu ngày vui. Khi con tôi trong chuyến du lịch qua Canada tiện thể  ghé thăm một người bạn thân của tôi, bạn tôi khuyên nó: “Cháu đang làm việc cũng phải luôn luôn nhớ điều này. Khi thấy về hưu được, về ngay. Hơn 70 tuổi bác vẫn còn ham công tiếc việc. Nay già có chút tiền ngồi một đống thu lù không đi đâu nổi.”  

Mấy hôm trước, ở nhà nhiều, quẫn chân, tôi đi quanh một vòng trên những con đường đi bộ quen thuộc trong khu phố. Đường vắng teo, hai bên đường xe đậu san sát. Là vì có lời khuyến cáo Stay home (Ở nhà nghe), Safer at home (Ở nhà an toàn hơn),  thì xe cũng phải ở nhà theo chủ xe. Đi gần nửa tiếng chỉ gặp hai người. Thấy người thứ nhất đằng xa trên lề đường đi ngược chiều, tôi vội đi lãng xuống lòng đường để tránh. Tôi ngại người ta nghĩ  mình là Ba Tàu về quê ăn Tết, xong không quên mang cúm Vũ Hán trở lại Mỹ. Có thể họ có những cử chỉ khó chịu hoặc lời nói khó nghe. May quá, người đó cười thân thiện và gật đầu chào trước. Gặp người thứ hai tôi không bước xuống  đường nữa, lại hấp tấp đưa tay vẫy chào ngay. Thì người này quắt mắt nhìn tôi một cách dữ dội, miệng lầm bầm những gì tôi không nghe rõ, và bước nhanh khỏi lề đường. Để tự an ủi, tôi ngẫm nghĩ có lẽ bà này có chồng hay con bị Vũ Hán Corona tấn công dữ dội. Mình phải thông cảm.

Sáng sớm mở mắt ra là mở ngay TV theo dõi tình hình Coronavirus khắp mọi nơi. Mỹ, rồi Việt Nam, rồi Ý, Tây Ban Nha... Rồi trở lại Vũ Hán. Lại xoay qua Computer bấm lia chia. Mỏi mắt quá, nghe radio. Cho đến tối trước khi đi ngủ vẫn bám riết những  tin tức về Coronavirus dù không biết nó hiện ngao du nơi nào hay đang nằm lù lù trước mặt mà mình không biết. Chỉ biết nó đã tấn công trên 100,000 người tại Mỹ, và trong tương lai không xa hàng triệu người có thể bị “dính”, hàng trăm ngàn người có thể “tiêu tùng”. Chữ “tiêu tùng” là tiếng cờ bạc may rủi sao lại mang vào đây? Nhưng ai sẽ dính vào, tại đâu, lúc nào, toàn là chuyện rủi may. Nghe nói Mỹ sắp huy động cả triệu quân sĩ phản công. Nhưng đánh vào đâu khi đối phương là kẻ thù vô hình vô tướng, mà lại đông vô số kể.

Nhân loại chẳng khác gì người khổng lồ ngờ nghệch, dị dạng, bất túc. Thân hình to lớn, phì nộn, nhưng mắt thì mù, tay chân thì không cân xứng chút nào với cái bụng -- chúng bé nhỏ, yếu ớt, cụt ngủn, quờ quạng. Hàng triệu mũi tên nhỏ do một địch thủ vô hình không biết đứng ở đâu bắn vào. Trúng mắt, trúng mũi, trúng tai, trúng miệng, rồi còn chui vô bụng, vô phổi trúng đủ thứ khác. Chàng khổng lồ mù vung tay, múa chân đánh, đỡ, đá.  Không biết đánh vào đâu, cũng không biết mũi tên nào bay đến để đỡ. Chỉ được cái đổ lỗi cho nhau. Tay trái đấm vào tay phải và mắng: “Sao mày ngu thế, còn chờ gì mà không thụi ngay một cái cho nó nốc ao.” Chân phải dộng chân trái một đạp và la: “Đồ chết tiệt. Phí sức quá đi, trời ơi. Phải rình chờ nó vô ý mới tung cước chứ.” Cứ thế lãnh đòn ngoài, đòn trong, tới tấp. Đau đớn. Kiệt lực. Máu tuôn ra mãi, cạn dần. Chàng khổng lồ gục ngã mà trong lòng  vẫn nuôi giấc mộng vàng rằng kẻ thù trước sau gì cũng hết tên khi ta còn có thể loi ngoi đứng dậy. 


Hôm nay chủ nhật, con tôi bảo mình đi xa xa một chút nhé. Ở nhà hoài tù túng lắm. Chúng tôi đồng ý không đi xuống phố Bolsa, chật chội, nhiều xe.  Chúng tôi theo đường xa lộ ven bờ Thái Bình Dương (Pacific Coast Highway) hướng về phía Nam, qua những thị trấn như Newport Beach, Laguna Beach, San Juan Capistrano, San Clemente.  Xe hơi ngoài xa lộ vẫn chạy nhiều. Trên lề đường lác đác người đi bộ, chạy bộ. Nhiều bảng cấm vào các bãi biển. Những tiệm buôn, quán ăn đều “cửa đóng then cài”. Bên trong các nhà hàng, không một bóng người, ghế được đặt ngược lên bàn, trông như những càng cua khô cứng lâu ngày chỉa lên không. Đến Laguna Beach, thường đông nghẹt vào ngày chủ nhật, nay bị rào lại bằng những lớp dây nhựa to bảng màu hồng. Biển vắng, không ra đó được. Chúng tôi đi tiếp. Qua nhiều thị trấn khác, cũng đều trông giống như những thành phố ma nếu không có những dòng xe chạy nhanh trên đường.

Người Mỹ vốn tôn trọng pháp luật. Không được xuống biển, không được tụm nhau trên 10 người để tránh con cúm truyền nhiễm, thì họ túa ra xa lộ chạy vèo vèo bằng xe hơi. Họ có thể nghĩ rằng con Corona hẳn không đuổi kịp xe chạy nhanh?  

Bên phải biển mênh mông xanh biếc thỉnh thoảng hiện ra sau những phố phường đìu hiu; bên trái, núi lầm lì và nhà thấp thoáng. Nắng mênh mông chan hoà. Nhưng lạnh. Vì già yếu hay vì sợ Corona từ biển bay tới, từ núi đáp xuống, từ ánh mặt trời soi vào.  Coi bộ “Ở nhà đi” như nhà nước khuyến cáo thì an toàn hơn, vì Cô Rô có thể có mặt khắp nơi. Nghĩ tới đó, tay đang vịn chỗ tựa trên cánh cửa xe bỗng len lén rụt lại, để trên đùi. Biết đâu Cô Rô không chỉ ở ngoài chợ, ngoài tiệm, ngoài công viên, ngoài trời, mà đã nằm chờ từ bao giờ bên trong cánh cửa xe này. Ô, mà biết đâu Cô ta đã đậu lên đùi mình rồi. Thì chỉ có cách là về tới nhà thay áo quần ngay, xịt thuốc sát trùng từ đầu đến chân. 

Vậy có cách nào khác thoát khỏi Corona? Nó sợ quyền cao chức trọng được vệ sĩ trang bị súng ống đến tận răng chăng? Không, nó không sợ một mảy may nào cả. Thủ tướng Anh, thái tử Charles của Hoàng Gia Anh bị nhiễm độc Corona.  Một Bộ trưởng Pháp thiệt mạng, một bộ trưởng Kinh Tế Đức tự sát trước viễn ảnh kinh tế suy sụp. Cũng vì Corona. Danh vọng, giàu có như vợ chồng siêu sao Tom Hanks vẫn dính phải Cô Rô như thường, may chữa khỏi. Bắp thịt cứng như đá là mấy cầu thủ Bóng Rỗ Lakers thuộc của NBA Mỹ cũng xin chào thua con cúm này. Vân vân. 

Thế mà ông Hoàng Prospero của Edgar Allan Poe lại nhất định gạt bỏ Tử Thần Màu Đỏ (The Masque of the Red Death- Vở Ca Kịch Nhảy Múa của Tử Thần Màu Đỏ) ra khỏi lâu đài lộng lẫy bao quanh bởi bức trường thành kiên cố.  Ông đâu có biết rằng anh chàng Tử Thần này cũng là đồng chí của Cô Rô, cho dù, nói cho công bằng, Tử Thần Màu Đỏ tuy đáng gờm, nhưng chưa chắc được sắp ngang hàng với Cô Rô của chúng ta bây giờ. 

Tử Thần Màu Đỏ đã giết chết một nửa thần dân của ông Hoàng. Trông nó kinh khiếp, gớm ghiếc. Nó gây nên những cơn đau tột cùng nơi nạn nhân, nó để lại trên thân thể, nhất là trên mặt nạn nhân một lớp màu máu đỏ tía, ngăn không cho thứ thuốc nào có thể chữa khỏi, đồng thời gây nên sự tởm lợm cùng cực cho người nào nhìn thấy. Chỉ trong vòng nửa giờ, nạn nhân qua đời.

Nhưng ông Hoàng Prospero không ngán chút nào, tự thấy mình vừa sung sướng, vừa khôn ngoan, sáng suốt.  Sau khi biết một nửa dân của mình đã thiệt mạng, ông lựa trong triều đình một nghìn hiệp sĩ và công nương đẹp đẽ, tráng kiện rồi cùng nhau rút về một tu viện kiến trúc theo lối lâu đài cổ kiên cố và lộng lẫy. Bên trong lâu đài còn có dãy tường thành khác cao chót vót bao quanh khu cấm cung, với cổng ra vào bằng sắt. Cận thần đã mang theo lò bệ, búa đe để hàn cứng cái cổng sắt lại. Họ, theo ý ông Hoàng, không muốn cho ai vào ra – nội bất xuất, ngoại bất nhập. Lương thực tích trữ thừa mứa. 

Mọi người bên trong không phải lo lắng gì cả, có quyền thách đố sự lan truyền của trận dịch bên ngoài. Thế giới bên ngoài thì ráng mà lo liệu lấy. 

Ông Hoàng cũng đã chuẩn bị đầy đủ các thú vui. Những tên hề, những trò vui sáng chế, những vũ nữ ba lê, những nhạc sỹ, nhạc công. Có cả Hoa Khôi và rượu. Tất cả các thứ đó được  an ninh tối ưu bảo đảm. Chỉ “Tử Thần Màu Đỏ” là bị tuyệt đối loại bỏ. 

Vào khoảng cuối tháng thứ năm hoặc thứ sáu của cuộc sống biệt lập này, trong khi bên ngoài trận dịch hoành hành dữ dội, ông Hoàng Prospero tổ chức liên hoan với một nghìn bè bạn của mình bằng một buổi dạ vũ hoá trang công phu, sang trọng chưa từng thấy từ trước đến giờ.  

Dưới đây là đoạn cuối của cuộc dạ vũ.

“Nhưng những căn phòng kia cũng đầy đặc cả người và người, nhip đập của con tim nghe thật say sưa dồn dập. Cuộc hoan lạc cứ thế tiếp diễn cho đến khi tiếng chuông đồng hồ bắt đầu điểm nửa khuya. Giàn nhạc ngừng tấu; những cặp nhảy luân vũ ngừng quay; có một cái gì ngập ngừng khó chịu. Bây giờ chuông đầng hồ điểm 12 tiếng; cùng với thời gian đang trôi qua, những người đang hoan lạc bỗng thảng thốt cảm thấy có một cái gì quái lạ. Có lẽ trước khi tiếng điểm cuối cùng của hồi chuông âm vang, mọi người đang mải miết vui chơi bỗng nhận ra sự có mặt của một người mang mặt nạ mà trước đó không ai biết. Tiếng bàn tán thì thầm lan ra, và cuối cùng là những tiếng xì xầm từ khó chịu, ngạc nhiên đến kinh hoàng và ghê tởm.

Có lẽ không có sự xuất hiện bình thường nào gây được mối xúc động như thế trong cái không khí đầy ảo tưởng này. Thật ra đêm dạ vũ cho phép tha hồ hóa trang, nhưng hình ảnh nhân vật đó đã vượt quá giới hạn rất rộng rãi mà ông Hoàng cho phép. Có những dây cung trong lòng người táo bạo nhất một khi bị chạm vào cũng phát thành tiếng.

Ngay cả đối với những người hoàn toàn tuyệt vọng, coi sống và chết như những trò đùa như nhau, cũng có chuyện không thể đùa với họ được. Thật vậy, mọi người đều cảm thấy rằng cách phục sức và cử chỉ của người lạ mặt đó không sắc sảo cũng không thích đáng. Hắn ta cao lớn, gầy guộc, trùm lên từ đầu tới chân loại áo choàng lên nấm mộ. Cái mặt nạ che kín trông như dính liền với thây ma cứng nhắt khéo đến nỗi ta nhìn kỹ cũng khó có thể thấy dấu vết cho biết đó là cái mặt nạ. Vậy mà đám người hoan lạc điên cuồng quanh đấy phải chịu đựng, nếu không muốn nói chấp thuận kẻ lạ lùng đó. Đã thế, tên câm nín ấy còn tiến xa hơn nữa, hoá trang thành  Tử Thần Màu Đỏ. Áo quần của hắn nhúng vào máu – và cái trán rộng, ăn với vẻ mặt, lấm tấm màu tím trông ớn lạnh. 

Khi hai con mắt của ông Hoàng Prospero chạm vào hình ảnh ma quái ấy (nó di chuyển một cách chậm chạp và trịnh trọng như muốn làm nổi vai trò của mình, lui lui tới tới ngang nhiên giữa những cặp nam nữ nhảy luân vũ ), ông co quắp người lại, mới đầu run rẩy vì sợ sệt hoặc tởm lợm, sau đó trán ông đỏ rần vì giận dữ.

“Tên nào dám” – ông khản giọng la hét với những cận thần đứng gần – “tên nào đây mà lại dám giở trò hổn láo, đùa cợt, báng bổ như thế? Bắt nó lại, lột mặt nạ nó đi – ta xem nó là ai để chờ lúc mặt trời mọc ngày mai đem treo cổ nó trên trường thành!”

Ông Hoàng đứng trong phòng phía đông hay phòng màu xanh khi ban mệnh lệnh ấy. Cận thần khắp cả bảy căn phòng chạy ào ào tới, vì ông hoàng vừa to lớn vừa bạo tàn. Và ông vẩy tay ra lệnh ban nhạc ngừng chơi. 

Ông Hoàng đứng trong phòng màu xanh giữa đám cận thần. Thoạt tiên, khi ông nói, đám người đứng đấy từ từ tiến tới tên xâm nhập. Hắn lúc ấy cũng đứng gần đó, liền thong thả tiến tới phía ông Hoàng. Nhưng vì một nỗi sợ hãi không tên gây nên bởi hình ảnh lặng câm của tên đó, không một ai dám vung tay túm lấy nó; do đó, không bị cản trở, hắn bước qua độ nửa thước cách ông Hoàng; và, trong khi tất cả mọi người như bị một sức đẩy nào đó, tấp vào tường, hắn đi khoan thai, trịnh trọng đi từng bước một, khác với lần cất bước trước, xuyên qua phòng màu xanh đến phòng màu tím – xuyên qua phòng màu tím đến phòng màu lục –xuyên qua phòng màu lục đến phòng màu cam – lại xuyên qua phòng này đến phòng màu trắng—và lại từ đó qua phòng màu tím nhạt, trước khi mọi người dám đánh bạo túm lấy hắn. Tuy nhiên ông Hoàng Prospero cũng biết nổi giận và cảm thấy nhục nhã về cái hèn nhát của mình, đã  phóng nhanh qua suốt sáu căn phòng dù không một ai chạy theo ông vì một nỗi kinh hoàng bỗng trùm lên tất cả mọi người. Ông ta giương cao một con dao găm tuốt trần, và liều chạy đến gần, chỉ còn cách tên kia khoảng hơn một thước bỗng hắn ta, khi vừa tới căn phòng có treo màn nhung, bất thình lình quay lại mặt đối mặt với ông Hoàng. Một tiếng rú vang lên – con dao găm rơi xuống tấm thảm xám xịt trên đấy, ngay sau đó, ông Hoàng Prospero ngã gục chết tươi. Tiếp theo, đám người ăn chơi hoan lạc kia, lấy hết can đảm, chạy nhào vô phòng màu đen, muốn ôm chầm lấy tên thầm lặng đó trong khi hắn đứng thẳng người bất động dưới bóng đen của chiếc đồng hồ vành gỗ mun, họ thở dốc trong nỗi sợ hãi nói không ra lời khi thấy những tấm áo liệm và cái mặt nạ trông giống như cái mặt của thây ma mà họ cầm lấy vày vò điên loạn.

Và bây giờ sự hiện diện của Tử Thần Màu Đỏ đã được mọi người nhận ra. Hắn đã đến như một tên trộm ban đêm. Và những người tham dự liên hoan từng người một ngã gục trong những căn phòng nhuốm máu, và chết trong tư thế tuyệt vọng. Và cuộc sống của chiếc đồng hồ gỗ mun cũng chấm dứt theo người liên hoan cuối cùng. Những ngọn lửa trên mấy cái giá ba chân cũng tắt nốt. Đêm Tối và Tan Rã và Tử Thần Màu Đỏ chiếm ngự tất cả mọi thứ trên đời.”


Truyện The Masque of The Red Death là hư cấu, vẽ ra một bức tranh hết sức đen tối nhằm gieo kinh hoàng trong lòng người đọc. Edgar Allan Poe vốn là nhà thơ Mỹ nổi tiếng, và cũng là nhà văn viết truyện ngắn, đặc biệt là tuyện trinh thám và truyện kinh dị. Chẳng hạn The Gold-Bug (Con Bọ Vàng), The Murders in the Rue Morgue (Những Án Mạng tại Đường Nhà Xác) ... Và có lẽ tác giả cũng muốn nói thêm rằng những kẻ có quyền trong tay cùng bọn thủ hạ thân tín và xu nịnh thường  chỉ muốn mưu cầu hạnh phúc cho chính họ mà thôi, phó mặc đám dân đen “sống chết mặc bay.” Nhưng liệu ý đồ đó có đạt được hay không? Hay ngược lại, như truyện đã mô tả, những kẻ quyền thế sống phè phỡn trong những bức thành tưởng là kiên cố nhất,  không một ai có thể lẻn vào quấy rầy, nhưng tất cả đều mạng vong khi chạm trán với Tử Thần Màu Đỏ. Dù tác giả không đề cập gì đến đám dân đen man mác ngoài kia, người đọc vẫn hiểu rằng sau cơn đại nạn, họ sẽ dần dà trở lại cuộc sống hàng ngày dù đã mất mát đến mấy đi nữa, để tiếp nối sự có mặt bền bĩ của loài người trên hành tinh này qua bao nhiêu nghìn năm dâu biển.  

Coronavirus đang tung hoành, lũ chúng ta đang là nạn nhân, chuyện gì sẽ xẩy ra? 

                                                                                                                  

                                                                                                                           30/03/2020                                             

Ý kiến bạn đọc
02/04/202019:27:02
Khách
Spanish flu xaỷ ra January 1918 – December 1920. Như vậy, thì không thể nói 1920, rồi 2020.
Và rõ ràng vú-hán-virus là man-made, khác hẳn Spanish flu.
Tàu+ đánh bùn sang ao. Họ đổ cho nước này, nước kia. Thậm chí họ còn nói nước thứ 3 nào đó, bí mật dấu tay, đổ lỗi cho tàu+ với mục dích làm xấu mối "quan hệ" giữa Mỹ và tàu+.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ly dị, thông thường, bắt đầu bằng vết thương lòng. Những vết thương sâu đậm, máu chảy dai dẳng sẽ từ từ ẩn vào tiềm thức và ảnh hưởng vô thức hoạt động đưa ra những ý nghĩ về khuynh hướng ly hôn. Trong một số trường hợp, vết thương nhẹ, rướm máu sơ sài, nhưng bỗng dưng lớn chuyện, vì tự ái, vì tiếp tục tranh cãi, vì giận quá lỡ lời, vì bạo hành thiếu suy nghĩ. Từ đó, ly nước đã đổ xuống đất, làm sao để hốt lên? Trong một số trường hợp khác, có kẻ muốn ly dị vì nhiều lý do, từ tài chánh cho đến người thứ ba; từ xung đột trong đại gia đình đến thành công hoặc thất bại trên đường đời. Những trường hợp này vô cùng phức tạp, khó có thể giải thích cặn kẽ. Khó phân định lỗi phải. Tuy nhiên, có thể kết luận: Nếu yêu nhau đủ thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Nhà nhân loại học Paul Bohannan đưa ra lý thuyết về ly dị, trình bày sáu giai đoạn riêng biệt mà một cá nhân sẽ trải qua trên đường ly hôn. Bohannan xác nhận: sáu giai đoạn có thể xảy ra theo thứ tự khác nhau và với cường độ khác nhau
Buổi ra mắt tập thơ “Tháng năm là mộng đang đi” của Nguyễn Thị Khánh Minh đã hoàn tất, nhưng nhiều câu hỏi vẫn lơ lửng sau khi nhà thơ nổi tiếng này nói rằng ấn phẩm này có lẽ là tập thơ cuối cùng của chị. Không có lời giải thích rõ ràng vì sao tập thơ thứ 12 này có thể là ấn phẩm cuối cùng của chị, nhưng buổi ra mắt sách hôm 25/2/2023 tại một quán cà phê giữa Little Saigon đã để lại nhiều kỷ niệm trong những người yêu thơ tham dự.
Đã năm mươi năm trôi qua, nguyên nhân thực sự về cái chết của nhà thơ Pablo Neruda vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với nhiều người trên thế giới. Ông đột ngột lìa đời sau cuộc đảo chánh năm 1973 của Chile. Pablo Neruda không chỉ là nhà thơ từng đoạt giải Nobel danh giá, mà còn là một trong những nhà hoạt động chính trị có ảnh hưởng nhất ở Chile. Pablo Neruda công khai theo chủ nghĩa cộng sản, thẳng thắn ủng hộ và làm việc trong chính quyền của Salvador Allende, vị tổng thống cánh tả của Chile, cầm quyền từ năm 1970 đến năm 1973.
Tôi viết về Nhạc sĩ Phạm Duy, một bài khá dài, nhiều chương, với một tình cảm thân thiết, rõ ràng, đơn giản, như ta nói thân hình ông ta chia làm ba phần đầu mình và tay chân, trong đầu có bộ não, vầy thôi, nhưng/ hẳn sẽ làm rất nhiều người không đồng tình. Thậm chí cay đắng, “Thằng này đã ca ngợi thằng kia”.Đây là những người vốn không thích, chẳng ưa, rất ghét Phạm Duy. Tôi không có quyền bình phẩm đúng sai. Tôi vẫn tôn trọng những người này. Vì tôi hiểu, Tự do phải cần được tôn trọng.
Ngày 11 tháng 2 năm 2023, vài tờ báo và trang mạng trong nước đưa tin: Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Giải Nobel Văn Chương (The Nobel Prize in Literature). Danh sách được Ủy Ban Nobel công bố trong tháng 2, năm 2023, sau 50 năm giữ kín theo quy định của giải này. Theo đó, Vũ Hoàng Chương là một trong 100 tác giả tên tuổi được đề cử giải Nobel Văn Chương năm 1972...
Vì "một lần mãi mãi", tôi xin được tỏ bày lòng biết ơn đối với nhà văn Nhã Ca và những người cầm bút biết nâng niu bảo bọc chân-thiện-mỹ cho nhân loại như bà. Vì những tác phẩm của họ, sẽ có thêm những niềm hạnh phúc tiếp theo cho người đọc.
LTS: Chiều Thơ Nhạc Ra Mắt Sách O Xưa | Nhã Ca đã được tổ chức vào chiều thứ Sáu, 10 tháng 2 cuối tuần qua. Gia đình Nhã Ca/Trần Dạ Từ và Việt Báo xin cảm ơn quý bạn hữu gần xa đã đến tham dự sinh hoạt cùng chúng tôi. Cũng xin cảm ơn các thân hữu, độc giả, khách tham dự đã gửi bài viết đến tòa soạn. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng các bài quý vị gửi đến.
Nhã Ca làm thơ trước khi viết văn, chị làm thơ từ Huế và khi vào trong Nam chị mới bắt đầu viết văn cùng anh Trần Dạ Từ – cũng là một thi sĩ nổi tiếng với những bài “thơ Tình”. Không biết hai anh chị yêu thơ của nhau trước rồi mới yêu người hay yêu người rồi mới bật ra thơ. Nhưng phải nói là cả hai người làm thơ này đã là hai tác giả nổi tiếng về “thơ Tình” cho những người đang yêu nhau từ thời 1964 cho đến bây giờ. (Nếu người ta còn thích đọc “thơ Tình” như tôi.)
Phạm Duy từng là một anh bộ đội. Phạm Duy từng là một văn nghệ sĩ, một cán bộ văn hóa, phục vụ khắp các chiến trường những năm đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp, từ 1945 đến 1951. Chỉ sau hai năm đầu toàn dân cùng một lòng chung nhau chống Pháp đã bắt đầu có sự phân rã, vì lý do ý thức hệ tư tưởng chính trị. Những thành phần Quốc gia hiểu ra họ cần một môi trường chống Pháp không cùng hàng ngũ với Mặt trận Việt Minh. Từ 1947, đã có phong trào dinh tê [rentrer, trở về]. Người Quốc gia cùng nhau rời bỏ hàng ngũ kháng chiến để trở về thành phố, những vùng có quân Pháp chiếm đóng. Năm 1948 đã hình thành Lực lượng Quốc gia Việt Nam, có chính phủ và quân đội riêng, nằm trong khối Liên Hiệp Pháp. Vua Bảo Đại đứng đầu.
Chúng tôi chào đời vào buổi không mấy vui. Cái vui chưa đúng là vui, không đáng nhớ. Cái buồn đi lố cái gọi là buồn, phải kèm thêm từ “thảm”. Trốn đi đâu cũng chẳng thể ra ngoái nỗi nhớ. Cuộc đời thì dài dặc, niềm vui biến đâu mất tiêu. Cứ nghe cha đêm khuya thở dài. Mẹ ru con toàn nỗi nhớ // Chiều chiều ra đứng ngõ sau / nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều // Nhớ ai không nhớ, nhớ người thất thế sa cơ // Chiều chiều én liệng truông mây / cảm thương chú Lía bị vây trong thành //
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.