Hôm nay,  

Nguyễn Du - Homère Và Bệnh Dịch

25/03/202011:09:00(Xem: 3544)


Nguyễn Du mất năm 1820, lúc 54 tuổi, giữa cơn dịch khủng kiếp từ Á sang Âu. Dịch tả  phát xuất từ Ấ́n Độ sang nước ta cuối triều vua Gia Long, đầu triều vua Minh Mạng, có khoảng trên hai trăm ngàn người chết từ Bắc chí Nam, cơn dịch theo một người lính đi tàu từ Ấn Độ về cảng về đến Toulon nước Pháp gây truyền nhiễm làm tiêu hao phân nửa dân số Âu Châu thời bấy giờ.


Quan Cần Chánh học sĩ Nguyễn Du vừa được cử làm Chánh sứ đi sứ lần thứ hai, chưa kịp đi thì mất. Ngô Thời Vị được cử đi thay. Nguyễn Du đang ở Phú Xuân, bên cạnh ông chỉ có người cháu Nguyễn Thắng con Nguyễn Ức. Nguyễn Du không kịp để lại một di chúc gì, ông chỉ bảo người nhà sờ tay chân xem lạnh chưa, người nhà bảo : lạnh và nhà thơ nhắm mắt ra đi.


Phải đến năm 1892 bác sí̃  Robert Koch (1843-1910) người Đức sang Ấ́n Độ điều tra, mới tìm ra vi trùng bệnh dịch tả, nguyên do ô nhiểm nguồn nước, người Ấn Độ tiêu tiểu, vất tro, vất xác người đốt chưa hết và thú vật chết, thải rác   và tắm rửa uống nước cùng một dòng sông. Tôi có đi Ấn Độ năm 2007 đi thuyền trên sông Hằng, xem cảnh đốt xác bên bờ sông, nhìn dòng sông, tôi than sông Hằng sao dơ bẩn quá, người hướng dẫn du lịch chạm tự ái, ông vốc ngay một vốc nước rửa mặt, ông nói sông Hằng thiêng liêng luôn luôn trong sạch.

 

Tại Việt Nam, ngay tại Sài Gòn ngày trước cùng có những dòng sông như Rạch Cầu Bông nước sông đen ngòm, nhà chồ trên bờ sông, tiêu tiểu vứt rác xuống sông, trẻ em bơi tắm trong sông. Sống trong cảnh ấy có lẽ người Ấn Độ, người Ấn Độ  có nhiều kháng thể hơn các dân tộc khác ?


Tôi có đi Trung Quốc năm 2009 , có đi thăm các chợ vùng Quảng Tây, người Trung Quốc con gì cũng ăn, làm thuốc, từ sừng tê giác giá đắt hơn vàng trị cả bệnh ung thư,  đến các con tê tê cho bữa ăn sang trọng, dơi phơi khô chất từng giỏ cần xé, chó mèo quay treo lủng lẳng.. nào ai nói đến những con vi khuẩn từ động vật hoang dã. Nào ai biết chuyện một ngày nào đó có thể xãy ra.


Louis Pasteur (1822-1895) tìm ra vi khuẩn và sự lên men năm 1861 chấm dứt lý thuyết  các thế hệ ngẫu sinh từ Aristote tồn tại từ hơn hai ngàn năm năm qua. Viện Pasteur một cơ sở tư nhân do ông thành lập vẫn tiếp tục công việc mang đến cho nước Pháp 10 giải Nobel khám phá về Y học.


Hai nhà bác học Louis Pasteur ( 1822-1895)  Pháp) và Robert Koch (Đức) hai nhà sáng lập ngành vi trùng học, cùng các môn đồ nối nghiệp , đã đóng góp phần quan trọng cho nhân loại đẩy lùi các trận dịch ;  dịch bệnh than, dịch chó dại, dịch tả, bệnh lao, bệnh cùi, bệnh phù thủng, bệnh sưng phổi, bệnh nhiệt đới... Koch phát minh ra kính hiển vi và máy chụp hình các vi trùng, nhưng vẫn còn bó tay trước các siêu vi khuẩn cực nhỏ không nhìn thấy, món thuốc tuberculine của Koch thất bại không trị được bệnh lao. 

Pasteur chưa nhìn thấy được con siêu vi khuẩn nhưng thành công trong việc chế ra thuốc tiêm chủng bằng cách lấy vi khuẩn trong bệnh nhân nuôi trong ống nghiệm, làm cho vi khuẩn yếu đi mười lần và tiêm vào bệnh nhân, tạo cho bệnh nhân kháng thể chống vi trùng.  Louis Pateur đã thành công năm mươi con cừu có vắc cin không chết trong khi năm mươi con khác chết vì dịch bệnh than, chú bé Joseph Meister 9 tuổi bị chó dại cắn khỏi bệnh, vi trùng bệnh chó dại chỉ phát triển sau 12 ngày, ông dùng vắc cin tiêm vào da bụng bệnh nhân  13 lần trong 13 ngày, đã trị được lành bệnh.


Thời Nguyễn Du để đối phó với dịch bệnh,  ở nước ta, trước các thảm họa thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, hoàng trùng..  nhà vua ăn chay nằm đất thành khẩn cầu xin Trời Phật, các làng xóm cầu đảo tại đình chùa, tôn miếu với các đám rước chiêng trống xua đuổi Thần Dịch, nhà nhà đóng cửa im ỉm cho đến khi qua cơn dịch.


Thánh Kinh Cựu Ước còn ghi chép một trận dịch ghê gớm làm chết trẻ em, tại Ai Cập , tiếp theo nạn châu chấu, nũi lửa Santorin nổ,  thiên tai, mất mùa.. đã khiến Moise dẫn dân Do Thái về vùng đất hứa...


Sử Thi Iliade của thi hào Homère, chương mở đầu đã tả một trận dịch ghê gớm làm tiêu hao   đoàn quân ( trên 1100 chiến thuyền và 100000 quân) vây thành Troie. Hy Lạp thời Cổ Đại cho rằng  nguyên do của Dịch là do Thần Apollon nổi giận bắn tên, Quân Hy Lạp trong lúc vây thành đã đem quân đi đánh các vùng lân cận để cướp lương thực và bắt các cô gái đẹp, Họ đã bắt cô Chryséis tiến cung lên vua Agamemnon, nhưng Chrésiès là con gái của Chrysès người Tế Tự đền thờ Apollon. Chrysès đã mang trượng vàng khăn trắng và phẩm vật hậu hĩ đến chuộc con gái. Các tướng Hy Lạp đều đồng ý trao trả, nhưng vua Agamemnon vì say mê sắc đẹp của nàng nên ngược đãi, đuổi người tế tự đền Apollon đi. Người tế tự ra bờ biển vắng cầu Thần Apollon. Thần chứng giám lời cầu nữa đêm đến giữa binh thuyền Hy Lạp bắn tên vung vãi. Từ chó, ngựa đến người chết dịch suốt chín ngày đêm, cũi giàn thiêu xác ngút cao khói mù.


Hội đồng tướng lĩnh họp bàn nguy cấp cầu Tiên tri Calchas Thestor đến giải điềm vì sao có nạn dịch,  Calchas, tiên đoán nguyên do vua Agamemnon ngược đãi người tế tự Apollon. Agamemnon chịu nhưng bắt Briséis của Achille để thay thế. Thế là một trận cải vả với Achille,  Achille giận không thèm chiến đấu mặc cho quân Hy Lạp nguy khốn bị đánh tận chiến thuyền, Hội đồng tướng lĩnh cầu khẩn Achille cứu nguy nhưng Achille vẫn bất động, Patrocle bạn thân Achille mượn vũ khí Achille ra cứu nguy bị chết, lúc đó Achille mới ra trận giết chết Hector con vua Priam thủ lãnh quân thành Troie..

Trong bài này tôi xin trích lại  chương I Sử thi Iliade của Thi hào Homère nói về trận dịch, tôi chuyển ngữ thơ lục bát.


Hát lên, Thần nữ Thi Ca,

An Sinh dũng tướng bất hoà gát gươm,(Achille)

Mặc bao thảm hại vô cùng,

Xuống hàng quân tướng vây thành, An Kinh.(Achéens)

Hồn tử sĩ về cõi âm,

Xác thân chó xé diều ăn chiến trường.

Ý Thần Vương Dớt định phần,(Zeus)

Gây nên chia rẽ tương tàn vua, tôi

An Trích, vua cõi người,(Atride)

Gây hờn dũng tướng thần trời An Sinh. 10


Thần nào gieo nỗi bất bình,

An Long con Dớt và nàng Lã Tiên.(Apollon, Latone)

Cung vàng tên rãi trận tiền,

Dịch Thần gieo bóng thê lương tội tình.

Vì vua An Trích lỗi lầm,

Mắng Sĩ Tiết tế tự Thần An Long.(Chrysès)

Sĩ Tiết tìm đến van xin,

Anh em An Trích, quần hùng An Kinh:

Tôi người tế tự An Long,

Trượng vàng, khăn trắng, xin dâng vật quà. 20

Thiên Đình chứng giám lòng ta,

Giúp Ngài phá được thành vua Biam này, (Priam)

Chiến công phúc lộc cao dày,

Tạ Ngài nhận lễ, tỏ bày cầu xin.

Tha con tôi chẳng tội tình,

Chiến tranh loạn lạc, lỡ lầm sắc hương,

Bị người bắt giải tiến cung,

Xin Ngài kính Dớt,  An Long tha giùm.


Quần hùng dưới trướng sẵn sàng,

Nhận quà hậu hĩ, tha nàng cho cha. 30

An Gia Vương mặt tối sa,

Mất nàng Sĩ Tuyết  phần quà chiến công.

Chẳng vui đuổi kẻ tế thần : 

Lão già chớ dọa trượng vàng tối cao,

Lễ người ta chẳng nhận đâu,

Con người ta chẳng khi nào thả ra,

Nàng hầu ta mãi đến già,

Về Đại Gô Lịch xa nhà quê hương,(Argolide)

Bên ta cung phụng chiếu giường,

Bên ta dệt vải, sớm hôm cung phòng. 40

Về đi nếu muốn yên thân,

Từ đây chớ đến lăng nhăng quấy rầy.


Cụ già sợ hãi ra đi,

Bên bờ biển vắng, sầu bi ngàn trùng.

Khẩn cầu xin Thần An Long :

Xót thương cho kẻ ngày đêm phụng thờ.

Giữ đền tế tự chăm lo,

Tế bao đùi béo dê bò lễ nghi,

Hãy ban ơn, hiển linh vì,

Oán thù giọt nước mắt đầy đớn đau. 50

Tên vàng trừng trị tiêu hao,

Người An Kinh trả nhục nào hôm nay.

Thần An Long lắng nghe lời.

Thiên Đình nghe tiếng bề tôi đùng đùng,

Vác cung vàng, đội mũ đồng.

Nửa đêm đến giữa binh thuyền An Kinh.

Nhắm đoàn binh bắn vãi tên,

Chó lừa gục ngã, chẳng màng vì đâu.

Đến người dịch rụng rơi mau,

Lửa giàn thiêu xác  ngút cao khói mù. 60

Chín ngày trận dịch thương đau,

An Sinh mời tướng quân mau họp bàn.

Hạ Cơ Bạch Thủ Nữ Thần,(Héra)

Lo âu, mặc khải Hội Đồng Quân Trung.

An Sinh đứng dậy lời rằng :

Tình hình nguy cấp nếu không giải tìm.

Một bên chiến trận triền miên,

Một bên nạn dịch đảo điên hoành hành.

Chỉ còn bỏ trận vây thành,

Rút quân lìa bến, tay không trở về. 70

Mời tiên tri đến lắng nghe,

Bói cho điềm mộng giải bề thần trao.

An Long gieo dịch vì sao ?

Lễ nghi, tế tự thế nào hỏi tra.

Ý Thần từ đó tìm ra, 

Lễ Thần cúng tế cho qua nạn này.

Cát Sĩ Thế Tô tiên tri,(Calchas Thestor)

Hiện tại quá khứ vị lai tinh tường

Thần An Long dạy bói điềm,

Đứng lên ngỏ với quần hùng thiết tha : 80

An Sinh có ý mời ta, 

Giải điềm Thần Dớt, dịch là vì đâu ?

An Long gieo rắc thương đau,

Nhưng điều tôi nói trước sau mất lòng

Tướng quân suy nghĩ cho cùng,

Mệnh tôi bảo đảm mới hòng nói ra.

Tướng quân thề với Dớt là,

Sẵn sàng cứu mệnh can qua vì lời

Một lời đụng chạm đến người,

Quyền hành thù ghét, ắt thời họa mang. 90

Căm thù để giữa tim gan,

Có ngày rồi sẽ quay sang giết người.

An Sinh trước Dớt thề bồi :

Yên tâm Cát Sĩ bói lời tiên tri,

Nói ra sự thật dẫu vì,

Dù lời đụng chạm bất kỳ đến ai.

Ngày ta còn sống trên đời,

Quyết tâm ta bảo vệ người chẳng nan

Dẫu đụng An Gia Đại Vương,

Dẫu chạm bất cứ cấp trên quyền hành. 100


Tiên tri Cát Sĩ yên tâm,

Ngỏ lời nói với Hội Đồng quân nghi :

Các Thần chẳng giận ta vì,

Lễ Thần hiến tế hội kỳ hằng năm,

Hay điều cấm kỵ thiêng liêng,

Chúng ta chẳng phạm những điềm Thần răn.

Họa tai là bởi vị Thần,

Có cây cung bạc An Long giận vì :

An Gia nhục mạ khinh khi,

Môn đồ Sĩ Tiết nơi này cầu xin. 110

Cụ dâng phẩm vật chuộc con,

Nhà vua lăng nhục lại còn đuổi đi.

Cho nên Thần đã ra tay, 

Chỉ còn một cách : thả ngay, tha nàng.

Dâng cụ lễ vật tế Thần,

Cầu xin tạ tội, mới hòng thoát nguy,


An Gia  sa mặt tức thì,

Quắc nhìn sang vị tiên tri dằn lời :

Người tiên tri thiệt ta thôi,

Chẳng bao giờ nói được lời dễ thương. 120

Âm mưu hắc ám trong lòng,

Bói điều thiệt hại rõ ràng cho ta.

Nàng Sĩ Tuyết phần đã chia,

Ta đà từ chối nhận quà đổi trao.

Vì ta quyến luyến biết bao,

Yêu nàng lòng chẳng muốn sao xa lìa.

Xa Ly Tâm Khánh vợ nhà,(Clytemnestre)

Thì nàng chẳng kém mặn mà sắc hương,

Bây giờ trả phải bồi thường,

Lẽ nào chịu thiệt đêm không lạnh lùng. 130

Bồi thường tương xứng giai nhân,

Mình ta chịu thiệt ta không thể nào.

An Sinh khuyên nhủ trước sau:


Đại Vương An Trích chớ nào xót xa,

Kho tảng, mỹ nữ đã chia,

Chẳng còn chi nữa để mà thay chân.

Hứa rằng mai mốt chiến công,

Đền bù xứng đáng được phần nhiều hơn.

An Gia Vương đáp giận hờn:

An Sinh bày kế mưu toan dối lừa. 140

Thả nàng Sĩ Tuyết về nhà,

Cùng đàn súc vật cho cha tế thần,

Song ta chịu thiệt rầng không, !

Thì ta sẽ đoạt lấy phần của ngươi

Phần nàng mỹ nữ đẹp tươi,

Hay cùa Uy Lĩnh, An Bắc mới thời chẳng thua,

Thế là một trận bất hoà…


Con người luôn luôn tìm một nguyên cớ để đổ lỗi, người chết trên một khúc sông thì phải tế Thần Hà Bá bằng cách cưới vợ cho Hà Bá ném các cô gái xuống sông hằng năm, tại Trung Quốc thời Cổ Đại, tại Do Thái  Jésus bị đóng đinh mang tội danh xúi dục các nhóm chống La Mã đương thời. 

  Cái thi vị trong thơ Homère cuộc chiến thành Troie là do sắc đẹp giai nhân,  nàng Hélène vợ vua Ménélas, bị Alexandre dùng chiếc thắt lưng thần Vệ Nữ quyến rũ bắt mang đi. Trận Dịch quân Hy Lạp bao vây thành Troie cũng do nàng Chrésiès con gái vị tế tự đền Apollon bị bắt tiến cung vua Agamemnon. Thời đó chưa có khoa Vệ sinh Dịch tể nên không nhìn thấy xác người trong trận chiến chết ngỗn ngang,, diều ăn, chó gậm, chuột tha, nguồn nước uống ô nhiễm là nguyên nhân dịch bệnh.


Trận dịch trong lịch sử nhân loại còn gây nên sự sụp đổ bao nền văn minh. Cái gì đã xãy ra khiến cho Đế Quốc Chân Lạp một thời hùng mạnh cùa các vua Dharaninaravarman II ,Harsavarmam III với kinh đô Angkor Vat bị sụp đổ chôn vùi nguyên vạn trong rừng thẳm trong 400 năm, cho đến khi người Pháp khám phá ra. Lịch sử Chân Lạp có một vị vua cùi, ảnh hưởng dịch bệnh cùi thế nào trong sự sụp đổ đế quốc hùng mạnh, với kinh thành Angkor gần một triệu dân này ?


Còn bao đền đài  kinh thành tại Mễ Tây Cơ, Pérou, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã .. ?  Chiến tranh, biến đổi khí hậu, khô kiệt tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước, nhưng trước sự lây nhiễm siêu vi khuẩn Vương miện 19, trước nguy cơ người lây nhiễm cứ bốn ngày tăng lên gấp đôi, mọi người đều sợ hãi vì chưa tìm ra thuốc trị bệnh dịch.. Ngày xưa khi người chết như rạ.. thời chưa có khoa học y khoa tiên tiến, người sống sót chỉ còn có cách bỏ chạy thật xa, không dám quay nhìn kinh thành cũ, qua bao thế hệ hàng trăm năm  cây cỏ mọc bao phủ hoang vu, chỉ còn vang danh rừng cấm, rừng thiêng ?


Paria 2-3-2020

PHẠM TRỌNG CHÁNH.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài này sẽ viết về một số huyền thoại liên hệ tới ngài Bồ Đề Đạt Ma, và về Tâm Kinh, bản văn được ngài chọn làm một trong 6 cửa vào đạo. Bài viết chỉ là những suy nghĩ riêng, vì tác giả không đại diện cho bất kỳ thẩm quyền nào. Những gì nơi đây nếu phù hợp với Chánh pháp, chỉ là chút cơ may trộm được ý của Đức Phật. Những gì sai sót có thể có, chỉ vì tác giả tu học chưa tới nơi khả dụng.
McMurtry sinh ngày 3 tháng 6 năm 1936 tại Thành Phố Archer, Texas, cách Wichita Falls của Texas 25 dặm, là con trai của Hazel Ruth và William Jefferson McMurtry, là một nông dân. Ông đã lớn lên tại một trang trại bên ngoài Thành Phố Archer. Thành phố này là một kiểu mẫu cho thị trấn Thalia mà được nói nhiều trong tiểu thuyết của ông. Ông tốt nghiệp Cử Nhân vào năm 1958 tại Đại Học North Texas và Cao Học vào năm 1960 tại Đại Học Rice University, theo Jeff Falk trong tác phẩm xuất bản tháng 9 năm 2015 “Rice Alum, Author Larry McMurtry Receives National Humanities Medal.” Trong hồi ký của mình, McMurtry cho biết trong khoảng thời gian năm tới sáu năm đầu tại trang trại của ông nội của ông, thì ông chưa có cuốn sách nào, nhưng đại gia đình của ông đã ngồi trước hiên nhà hàng đêm và kể nhiều chuyện. Vào năm 1942, khi người anh em họ của ông là Robert Hilburn đang trên đường nhập ngũ cho Thế Chiến Thứ II, ông này đã ghé qua trang trại và để lại một thùng chứa 19 cuốn sách.
Trong một lần đã tới thăm, điều vẫn còn lưu lại trong trí nhớ là câu trích dẫn của John Steinbeck được phóng lớn và trưng bày nơi sảnh đường của National Steinbeck Center Salinas, California. “Nhà văn phải tin tưởng rằng điều hắn đang làm là quan trọng nhất trên thế giới. Và hắn phải giữ ảo tưởng ấy cho dù khi biết được điều đó là không thực.” Dĩ nhiên đây không phải là câu văn hay nhất của Steinbeck nhưng có lẽ phản ánh đúng nhất về cuộc đời 66 năm đầy thăng trầm và cả nghịch lý của Steinbeck mà ông đã bướng bỉnh lựa chọn để đi tới vinh quang và cả đôi khi chống lại chính mình.
Giáo sư Peter Zinoman, trưởng khoa Sử của Đại học Berkeley: “Điều nổi bật về Nguyễn Huy Thiệp là hầu như mọi người đều đồng ý rằng ông đã tạo nguồn cảm hứng cho giới độc giả tinh tường nhận ra ông là một nhà văn xuất sắc mang tính khai phá của thời hậu thuộc điạ. Việt Nam vừa mất đi một bậc thầy văn học thực sự.”
Qua chữ và qua tranh, Thế Kỷ Của Những Vật Tế vẽ ra một thế giới đang sưng phồng từ những phân tranh và tan rã bởi những hoài nghi, nơi con người tìm mọi cách để trốn chạy sự nhìn nhận, để rồi lúc đứng bên bờ vực hệ lụy, khi lối thoát duy nhất là nắm lấy tay nhau, họ sẽ làm gì?
Nếu những điển tích, lời dạy của cổ nhân, thánh nhân, hiền giả Đông phương không thể mở được lòng bạn, hãy đọc thử một bài thơ của thi sĩ Tây phương hiện đại: “Bước đi với niềm bình an, bình an trở thành bạn. Nói với vẻ đẹp, vẻ đẹp bao quanh bạn. Hành động với lòng tốt, lòng tốt tìm đến bạn. Nói với tình yêu, tình yêu chuyển hóa bạn. Hành động với lòng thương, lòng thương tha thứ bạn. Sống với sự thật, sự thật sống trong bạn. Nhưng nếu chúng ta bước đi với lòng hận thù, hận thù trở thành chúng ta. Nếu chúng ta nói với sự tức giận, tức giận bao vây chúng ta. Nếu chúng ta hành động với đố kỵ, đố kỵ gặm nhấm chúng ta. Vì vậy, hãy cho đi với sự lịch thiệp, lịch thiệp tìm đến chúng ta. Chúng ta tìm kiếm sự kết nối, kết nối có thể chữa lành chúng ta. Và khi chúng ta sống với tiếng cười, tiếng cười có thể nâng chúng ta lên…” (1)
Với đại-bi-tâm không rời bỏ những chúng sanh khẩn cầu hướng vọng, Chư Bồ Tát sẽ đủ duyên thị hiện nơi vườn hoa xuân của những em bé mà người thi-sỹ-Phật-tử vừa về thăm, để ban vui thay tiếng nấc nghẹn ngào: “Vẫn chừng ấy, vẫn chừng ấy thôi! …”
Gần 100 năm về trước, nhà thơ người Pháp René Crayssac đã dịch Truyện Kiều ra thơ Pháp nhan đề KIM – VAN – KIÉOU[1] in năm 1926 tại Hà Nội. Trong phần Gởi Bạn Đọc (Au Lecteur) dài đến 86 trang, tác giả hết sức ca ngợi Truyện Kiều[2]. René Crayssac đã đề cập đến nhiều khía cạnh trong Truyện Kiều, và có nêu lên vấn đề Truyện Kiều không phải là bản dịch từ truyện Trung Quốc.[3]
Bài thơ như một tự truyện kể về mối tình của người con gái trong tuổi chớm yêu khi nàng tình cờ gặp chàng mà nàng nghĩ rằng nàng và chàng như đã có nhau từ trăm năm trước hay trong nhiều thế kỷ trước. Nàng như thấy rõ hình ảnh xa xưa trong tiềm thức của nàng là nàng đã từng nhận và cũng đã từng trả hết mối chân tình của chàng nơi đất xưa khi nàng còn là một cành hoa Nguyệt Quế.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.