Hôm nay,  

Chuyện đời thường

20/03/202000:00:00(Xem: 3477)
2.-Chuyen-Doi-Thuong
Minh họa: Tâm Cảnh - Tranh Sơn Dầu Nguyễn Việt Hùng

Xin giới thiệu, tôi tên là Thừa. Tất nhiên, tôi không tự chọn tên cho mình. Đây là tên do ba tôi đặt. Ở đời, cái gì không cần thiết, người ta gọi là thừa. Khi đến Mỹ, buồn cảnh xất bất xang bang, chữ nghĩa cũng chán cảnh mang râu đội mũ, tôi được gọi là Thua. Từ ấy, tôi đâm ra không thích tên mình.

Khi có trí khôn hiểu ra được mọi việc, chưa kịp thắc mắc tên mình với ba tôi thì ông đã chết. Ông chết vì lỡ sinh ra làm đàn ông trong thời chiến. Chế độ ngày ấy gọi ông là tử sĩ. Người ta phát cho mẹ tôi tấm bằng Tổ Quốc Ghi Ơn. Mẹ nói, nếu nhà có tiền đút lót, ba tôi đã không phải đi lính. Và bà cứ nhất định, ba tôi chết vì nghèo. Tôi tin, ông không đơn độc, số người chết vì nghèo trên trái đất này nhiều không kể xiết.

Như bất cứ đứa trẻ nào sinh ra trong chiến tranh, ký ức tôi gắn liền với những lần chạy nạn. Quê tôi nằm ở vùng xôi đậu. Mỗi khi nghe tiếng súng hai phía bắn nhau, mẹ lại đặt tôi ngồi vào một chiếc thúng. Chiếc còn lại chứa lỉnh khỉnh bao nhiêu là thứ, từ thức ăn, gạo muối đến quần áo. Mẹ gánh tất cả mọi thứ lên vai, theo dân làng tản cư ra đồng. Hồi bé, tôi mơ lớn lên sẽ đi lính. Tôi nghĩ, nếu có súng trong tay sẽ không bị ai ăn hiếp. Lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy thường chặt nhánh cây gòn đẽo làm súng, chia phe đánh nhau. Lúc đầu chúng tôi đánh bằng miệng, khi bất phân thắng bại mới dùng đến tay chân. Ngày nào cũng đánh nhau đến u đầu, bướu trán. Chúng tôi không hiểu tại sao lại thích đánh như thế. Mãi sau này tôi mới biết người lớn cũng thích đánh nhau. Các nhà tâm lý học đã nhầm khi bảo ý thích bạo lực, trò chơi động tay động chân là sản phẩm của kẻ vị thành niên chưa trưởng thành. Có thể chúng tôi mang gen di truyền của tổ tông, sinh ra trong một đất nước có lịch sử mấy ngàn năm chuyên đánh nhau.

Lúc Sài Gòn sắp sụp đổ, nghe tin ông Thiệu lên máy bay dông ra nước ngoài, mẹ chửi đổng: Quân khốn kiếp! Từ đó, mẹ cũng thôi bảo tôi lớn lên nhớ trả thù cha. Năm ấy tôi tròn mười tuổi. Mẹ làm bà góa, khó nhọc nuôi tôi lớn. Hồi nhỏ, mẹ chỉ học biết chữ thì ở nhà làm ruộng. Mẹ xem mọi thứ sách vở đều thiêng liêng nên khuyên tôi học. Học để thoát nghèo, mẹ nói thế. Có nhiều người cả đời chưa từng đọc hết một quyển sách, nhưng rất giàu. Mãi sau này tôi mới biết, họ giàu vì cướp của người khác, không phải vì học.   

Tôi bỏ quê ra đi lúc trưởng thành. Tôi sống ở một chỗ, gọi là thành phố, nơi con người thích chui rúc vào những dãy nhà cao tầng, với các tiện nghi sinh hoạt vây quanh. Cuộc sống nơi đô hội mê hoặc tôi cũng ngang bằng sự quyến rũ của các cô gái. Ở đó, tôi bỏ công học hỏi đủ thứ, từ cách đi đứng nói năng tới việc cầm nĩa sao cho đúng khi được mời tham dự các bữa tiệc. Tôi tập ăn bánh mì kẹp thay cơm. Như người ta, tôi thích tranh Vincent Van Gogh và cũng hỏi tại sao nàng Mona Lisa lại mỉm cười. Tôi không muốn làm bạn những cô gái cùng màu da tiếng nói với mình, chỉ thích mấy cô nàng tóc vàng. Và tôi thường thất tình triền miên. Tôi bỏ ngoài tai lời khuyên của mẹ, mặc kệ cái gọi là giữ gìn nòi giống nguồn cội. Để phủ nhận và gột rửa xuất thân quê mùa của mình, tôi nhất định con người không sinh ra từ loài khỉ. Tôi chẳng coi thuyết tiến hóa ra gì. Có lần tôi đi nghe một vị tự xưng là Phật sống, rao giảng về thế giới sau cõi chết. Bà nói tự tin đến nỗi, ai cũng tưởng bà vừa từ nơi ấy bước ra. Con người cứ thích lừa dối nhau, và cũng mãi tự dối lừa mình. Căn phòng chật cứng người. Tôi có cảm giác mọi người đang tự thôi miên mình, lòng trầm xuống như thể chuẩn bị thoát xác. Riêng tôi lại thích nhìn quanh quẩn. Những chiếc váy của các cô gái bao giờ cũng khiến tôi bận tâm hơn những đề tài có tính hàn lâm cao xa. Đã có thời tôi nhầm lẫn, cứ tưởng cái đẹp và cái thiện là một.


Mỗi sáng, mẹ nhìn tôi lo lắng. Gần đây mắt mẹ mờ dần. Mẹ bắt đầu có thói quen muốn tôi ngồi lại một bên để bà rờ mặt. Mẹ nghĩ, mỗi ngày tôi thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Biết đâu, vào một lúc nào đó, tôi sẽ không còn là con của bà nữa. Không hiểu sao càng lúc tôi càng thấy mệt mỏi, đầu óc hoang mang cứ như người đi lạc. Có lẽ, tôi đã nhiễm quá nhiều, thứ người ta thường gọi là những thói hư tật xấu mặt trái của thành thị.  

Ngày nào mẹ cũng mở tivi xem tin tức Việt Nam. Bây giờ là mùa đông. Quê mình đang vào mùa mưa. Chắc nước đã ngập hết cánh đồng làng. Cây lúa sẽ chết. Nhà nông rồi sống khổ. Nói chán, mẹ thở dài một mình. Nỗi ám ảnh về những ngày tháng cơ cực xa xưa cứ bám lấy bà. Bữa cơm nào, mẹ cũng nhắc tôi lo kiếm vợ Việt Nam. Mày không biết chọc gái à, thằng dài lưng? Hỏi tôi xong, bà lại chép miệng. Không trách được. Lũ con gái bây giờ, Tây cũng không mà Ta cũng không, người ngợm cứ nửa xanh nửa đỏ như đười ươi! Tôi vừa nghe bà, vừa nhai bánh mì. Lần nào cũng thế, mẹ chỉ có mỗi một chuyện để ca cẩm. Sao mày không chịu ăn cơm, cứ đi nhai mãi cái thứ bánh nhạt thếch ấy, hả trời! Tôi nghĩ mẹ sắp lẩn thẩn. Bà không gọi tôi bằng con nữa, chỉ kêu mày. Có lẽ tôi sống hèn. Tôi cứ mãi bận rộn theo chuyện cơm áo đời thường, cũng không dám trả các hóa đơn trễ đến một lần.

Rồi mẹ kể chuyện xưa. Một chiều, mẹ ngồi chải tóc bên thềm nhà, thấy ba tôi đi ngang qua. Ba mày ba trợn lắm. Mới biết nhau, ổng đã đòi hôn tao. Không hiểu sao, tao lại thích để cho ổng ôm như vậy. Ba tháng sau, không trầu cau cưới hỏi gì, tao bỏ nhà trốn theo ổng. Mắt mẹ long lanh sau câu nói. Các nếp nhăn trên mặt bà như giãn ra. Đột nhiên tôi thấy mẹ trẻ lại. Tôi nhìn bà, quên luôn cả nhai cơm.

Tôi ngồi, nhớ về một vùng quê xa vời, nơi có ngôi làng mái tôn lụp xụp nằm bên cạnh một đầm nước tên Ô Loan. Tôi không biết tên đầm có tự bao giờ, và do ai đặt cho. Người ta bảo, vào mùa hè đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, đầm Ô Loan nằm trải mình bình lặng trông giống như đôi cánh chim loan đang thong thả bay. Tôi nghi ngờ đây là sản phẩm của mấy tay nhà thơ. Ở xứ tôi, tỉ lệ nhà thơ tính trên đầu người nhiều nhất thế giới. Mà không riêng gì cái đầm, ở đó địa danh nào cũng có tên gọi rất đẹp, chỉ có con người là cứ mãi cực khổ, nhếch nhác. Hồi ấy, tôi chỉ thích mùa mưa để được dầm mình trong nước lũ. Có năm, nước từ sông Cái và các con sông nhỏ đổ về, làm ngập trắng cả một vùng. Cả đầm nước yên bình bỗng trở nên hung dữ lạ thường. Cảnh người chết trôi, nhà cửa hư hại, mùa màng thất bát cứ xảy ra vài năm một lần. Cũng chính nơi ấy, tôi đã bỏ lại mối tình học trò của mình. Tôi không được như ba tôi, chỉ mới nắm bàn tay người ta. Nhưng rồi em cũng bỏ tôi đi lấy chồng.

Mẹ bảo khi mẹ mất phải hỏa thiêu, đem tro về rải lên mặt đầm xưa. Ruộng đất bị chính quyền lấy hết rồi, không còn chỗ để chôn. Nói xong, mẹ lắc đầu thở dài. Thật ra, từ lâu dân đen làm gì còn chỗ trên cái mảnh đất mà chúng ta thường gọi là quê hương? Một xứ sở ngày càng nhiều tượng đài và lăng tẩm, nơi chỉ dành riêng cho những kẻ có quyền, khi sống lẫn lúc chết dành nhau để được phong thánh.

Tôi không muốn giống mẹ, chỉ với ước mong được trở về bằng nhúm tro tàn rải xuống mặt đầm xưa sau khi chết. Nhưng tôi sẽ đi đâu, về đâu trên đất nước này? Ai nói cho tôi biết được. Có ai không?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Tập sách cái cười & sự lãng quên” tự gọi là một cuốn tiểu thuyết, mặc dù nó là một phần truyện thần tiên, một phần phê bình, một phần chính luận, một phần nhạc học, một phần tự truyện. Nó có thể gọi bất kỳ cái gì nó muốn, bởi tổng thể cuốn sách là một thiên tài. – John Leonard, New York Times
Nền văn hóa trí tuệ được đầu tư bởi nhiều chất xám, của nhiều cây bút gạo cội, của nhiều tấm lòng ưu tư về nhiều thế hệ mai sau, để nuôi lớn những gì đang cần nuôi lớn, để duy trì, tiếp nối cái truyền thống của Cha Ông. “Phật Việt” ở giữa lòng “Tộc Việt.”
Thực ra, thể thức “văn dĩ tải đạo” ấy, đến một mức độ nào đó sẽ phải đương đầu với tình trạng bế tắc không có lối thoát! Đó chính là sự bế tắc của ngôn ngữ như là phương tiện chuyên chở đạo lý. Bởi vì, đạo lý trong ý nghĩa bản thể luận hay siêu hình học có thể là chân lý cao siêu vi diệu vượt ngoài mọi diễn đạt của danh ngôn. Nếu phương tiện chuyên chở nó không phải là thứ phương tiện thiện xảo tối hảo có khả tính tự vượt mọi biên tế thì không thể nào làm tròn được sứ mệnh khó khăn tột cùng mà phương tiện bình thường có thể đảm đang.Thực tế, cũng giống như văn học tổng quát, người ta khó có thể đưa ra một định nghĩa chắc nịch hay một tiêu chuẩn cố định như thế nào đó về nghệ thuật ngôn ngữ. Nhưng có điều chắc chắn là bất cứ người nào đã từng kinh nghiệm qua việc thưởng lãm văn học cũng có thể cảm nhận ra được một cách minh nhiên hương vị của nghệ thuật ngôn ngữ khi thưởng thức một tác phẩm văn học mà trong đó ngôn ngữ đã thật sự trở thành nghệ thuật đúng nghĩa.
Thế giới giờ này người né người! / Ngồi trên xe bus gắn máy lạnh, hoặc xe bò cọc cạch lăn bánh, / người ngồi xa người, khoảng cách an toàn, một thước rưỡi. / Anh xa tôi! Tôi xa em! Ta xa nhau! Đúng 2 thước. / Giờ này đôi ta hôn nhau nụ hôn gió qua khẩu trang! / Ai đó lỡ miệng ách-xì một, hoặc hai tiếng, hoặc một tràng; / Hết rồi những ánh mắt ái ngại, / những lời nói cảm thông, “God bless,” hoặc “Trời, Phật, Chúa chữa!”
Nhà giáo và nhà văn Bill Martin Jr. nhìn thấy hình con tôm hùm đỏ mà Carle đã vẽ cho một quảng cáo và đề nghị ông ấy cộng tác trong cuốn sách có hình minh họa. Cuốn sách thiếu nhi có hình minh họa “Brown Bear, Brown Bear, What Do You See?” được công ty Henry Holt & Co. xuất bản vào năm 1967 và trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Sự nghiệp của Carle đã bắt đầu như thế như là một họa sĩ vẽ minh họa, và ngay sau đó ông đã viết và vẽ minh họa cho các câu chuyện của chính ông.
Bác sĩ Ngô Thế Vinh từ lâu đã quan tâm sâu xa tới các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ông đã thu thập một khối lượng dữ kiện quý giá liên quan tới con sông Mekong dài hơn 4.800 km bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng chảy ra tới Biển Đông. Rất nhiều bài viết tâm huyết của ông đã cung cấp cho bạn đọc trong nước Việt Nam cũng như ở hải ngoại những thông tin hữu ích về chuỗi các con đập thủy điện khổng lồ Vân Nam cùng với những ảnh hưởng tác hại ra sao trên đời sống của bao nhiêu triệu cư dân ven sông.
Đâu khoảng tám, chín tuổi, lần đầu tiên tôi thực sự "chạm mặt" với sương mù. Thủ Đức, thuở đó, tháng mười hai, sương mù bảng lảng không phải là chuyện hiếm, càng gợi hứng cho chúng tôi rủ nhau chơi năm-mười giữa vườn cây dầu, phân cách ngôi trường và khu đệ tử viện Lasan. Tìm, nhận ra nhau thật khó giữa những thân cây, bóng người mập mờ ẩn-hiện.
Thiên hạ mơ màng với tương lai, vật vã cùng hiện tại và triền miên nâng niu hàng tỉ điều của quá khứ. Dù là những buồn vui hay khổ đau, dịu dàng hay gay gắt.... Đọc Đặng Mai Lan, chị như đặt hết những nỗi niềm, những vương vấn của quá khứ trong tấm hình ngày xưa, mờ và nhỏ xíu. Đặng Mai Lan đã nhắc giùm chúng ta, độc giả, về những điều không thể lãng quên. – Lê Chiều Giang
Viết lách không là nghề mà là nghiệp, đã là nghiệp thì muốn cũng không được mà không muốn cũng không xong. Những kẻ mang nghiệp chữ, những tay du tử đam mê viết lách là những kẻ khổ dâm. Nếu bọn khổ dâm chỉ sướng khi bị mắng chửi, đánh đập, hành hạ… thì những kẻ viết lách cũng thế, ngày đêm suy nghĩ tìm ý, lao tâm khổ tứ, vắt lòng nặn óc, rị mọ viết lách. Bọn khổ dâm càng bị hành hạ càng sướng thì bọn viết lách càng cực thì viết mới hay, càng bị bức bách càng viết xuất thần. Nếu những kẻ mang nghiệp chữ mà có cuộc sống phong lưu hoan lạc, đời sống phủ phê êm ấm thì khó mà viết được, ấy là chưa nói khó có thể viết hay.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.