Hôm nay,  

Xuân và Lịch Sử

24/01/202000:00:00(Xem: 4055)
Hinh chinh

   Ngày Tết nghĩ gì về lịch sử?

   Gần thì nghĩ về nỗi niềm tha hương của thân phận vong quốc.

   Chấn động hơn thì sự kiện Mậu Thân 1968.

   Xa hơn thì các sự kiện lịch sử như vua Quang Trung tiến ra Bắc ngay trong dịp Tết để chống lại sự can thiệp của Đại Thanh.

   Tết là thời khắc chuyển giao giữa cũ và mới. Thành ra Tết cũng đánh dấu sự ra đi của rất nhiều người, đặc biệt của thế hệ ông bà cha mẹ. Với mỗi một trang lịch mới thì họ lại già thêm một ngày, một tuổi, yếu hơn và trí nhớ cũng theo đó mà giảm. Rồi một ngày không xa họ cũng ra đi. Ra đi biền biệt. Từ đó, lịch sử, tức những kinh nghiệm cuộc đời họ đã trải qua, từ những năm tháng chiến tranh đến những mặn nồng chua cay trong hành trình tìm tự do hoặc những khó khăn phải đối mặt với cuộc đời tị nạn, cũng đều tiêu tan.

   Với sự tiêu tan đó để lại những thế hệ xuân, trẻ đầy tiềm năng trong việc thích nghi, bươn chải và thành công trên mảnh đất đã sinh ra và nuôi nấng họ. Tuy nhiên, sự ra đi của thế hệ trước, của ông bà cha mẹ và những gì họ đã sống và chứng kiến, cuối cùng chỉ để lại một trang sử trắng. Hậu quả là những thế hệ sau phải sống trong một sự lơ lửng về lịch sử của chính họ. Họ không biết làm sao định hình chính mình. Họ không rõ mình đến từ đâu và vì sao lại hiện diện trên mảnh đất này. Họ có thể biết họ là người gốc Việt, nhưng đa số sẽ không biết cha mẹ ông bà mình tên gì hoặc những người ấy đến từ làng xã nào, và đã phải trải qua những gì để họ có được cái hiện tại mà họ đang có. Rồi với thời gian, những người trẻ ấy phải chấp nhận câu chuyện lịch sử cũng như những định nghĩa về danh tính và bản sắc của họ từ những người vốn không hiểu và không cảm thông gì với quá khứ của họ. Thật tình mà nói, đó là hiện trạng và tương lại của thế hệ con em người Mỹ gốc Việt.

   Vậy, ngày Tết ta nên nghĩ gì?

   Trong cương vị của một cá nhân, một người học sử và hiểu rõ tầm quan trọng của lịch sử, ngày Tết tôi nghĩ về sự mất mát của lịch sử, của kinh nghiệm, của trí ức. Thành vậy nên dịp Tết này tôi thành tâm kêu gọi mọi người quan tâm đến lịch sử và hãy kể hoặc viết lại lịch sử của mình hầu góp phần duy trì lịch sử cho thế hệ mai sau cũng như góp phần dệt nên một bức tranh lịch sử Việt Nam và con người Việt Nam đa dạng và phong phú hơn những gì đang có trong sách sử.

 

BOAT PEOPLE 

Tầm Quan Trọng Của Lịch Sử và Việc Duy Trì Lịch Sử

 

   Lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam, đặc biệt lịch sử người Việt Nam tại Hoa Kỳ trong cái nhìn của người Mỹ, dù muốn hay không, chỉ đơn thuần là lịch sử chiến tranh Việt Nam. Nếu có đầy đủ hơn một tí thì nó bao hàm một ít về câu chuyện người Việt tị nạn nhưng đơn giản nó cũng chỉ là lịch sử về cuộc chiến, nhìn từ góc độ của người Mỹ.

   Thật, câu chuyện lịch sử về Việt Nam và con người Việt Nam là câu chuyện của người Mỹ về người Mỹ dưới bối cảnh của một Việt Nam trong binh đao khói lửa, nếu không muốn nói Việt Nam trong thế chiến lược của Chiến Tranh Lạnh. Nó là câu chuyện tại sao người Mỹ đến Việt Nam, người Mỹ nghĩ gì về sự hiện diện của họ tại Việt Nam, và vì sao người Mỹ rời Việt Nam. Nó cũng là câu chuyện về sự thành công của bên thắng cuộc, về những lãnh đạo được họ cho là “tài giỏi” như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn, hoặc gương kiên trì và hy sinh của người lính cộng sản. Và thiên kiến hơn, nó là câu chuyện của một đồng minh thua cuộc, với những vị lãnh đạo bất tài chuyên chế và những người lính thiếu dũng cảm, không thiện chiến nên đã góp phần đưa đến sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam.

   Những câu chuyện đó được tường thuật lại trong một thời gian dài hơn nữa thế kỷ, từ thời còn chiến tranh đến bây giờ. Nó được thuật lại trên truyền thông báo chí, trên phim ảnh và trong các tác phẩm văn chương, cũng như trong sách sử và đặc biệt là bên trong những giảng đường. Khi những câu chuyện ấy được lặp đi lặp lại thì vô hình trung nó là yếu tố định hình lịch sử người Việt Nam, tức lịch sử của chính chúng ta và con em chúng ta.

   Năm lớp 7, sau khi người thầy dạy sử chiếu một tập trong bộ phim Vietnam: A Television History (1983), một cậu học sinh hỏi tôi: “Nhà mày ở bên phe nào?” Sau khi tôi trả lời “miền Nam”, cậu ấy chĩa tay vào mặt tôi, cười và nói: “À, vậy gia đình mày thua là đáng!” Năm học đại học ở Berkeley, trong một lớp gọi “Hoà Bình và Xung Đột”, tôi viết một bài luận phản ảnh những sự thiên lệch trong cách giảng dạy và tài liệu dùng trong lớp. Thay vì tìm hiểu và trao đổi, vị giáo sư của lớp cho tôi điểm F- cùng với một trang giải thích rằng tôi được điểm ấy vì tôi không theo nguyên tắc của một bài luận và rằng tôi có những phản ảnh như vậy vì tôi chưa vứt bỏ được cái đắng cay của một kẻ thuộc bên thua cuộc.

   Câu chuyên tuy nhỏ và có tính cá nhân nhưng phần nào phản ảnh thực tế một điều rất quan trọng, rằng bài học và nhận định về lịch sử chiến tranh Việt Nam và những người có liên hệ đến nó mà con cháu của chính chúng ta đã, đang, và sẽ học trong nhà trường Hoa Kỳ đa phần là như vậy. Vậy ta nghĩ gì về lịch sử, tầm quan trọng của nó, cũng như vai trò của ta trong việc duy trì và lưu giữ lịch sử?

   Lịch sử, đặc biệt là lịch sử cuộc chiến Việt Nam, luôn là vấn đề quan trọng vì đặc tính của nó là ở sự bất diện và bền vững. Lịch sử là nguồn gốc của hiện tại và tương lai. Thu nhỏ lại thì nó là hồi ký của từng cá nhân, là gia phả của mỗi gia đình, nhưng gom chung lại thì là gia phả của một đất nước, của loài người. Lịch sử giải thích quá khứ, định hình hiện tại, và định hướng tương lai nên việc thông hiểu lịch sử luôn là điều cần thiết. Căn bản của mỗi thể chế chính trị khi lên cầm quyền là củng cố lịch sử theo định hướng của mình; ai nắm được lịch sử sẽ nắm được cái đầu của người dân. Sự hình thành của các cường quốc trong lịch sử không phải chỉ ở sức mạnh kinh tế hoặc quân sự mà ở việc họ tạo dựng lên được một nền tảng lịch sử vững vàng, dựa trên sự thật hay được kiến tạo.

   Lịch sử và kiến thức về nó là điều tối quan trọng, vì như nhà hùng biện Marcus Garvey từng nói, “Một người không có kiến thức về lịch sử quá khứ của họ, nguồn gốc và văn hóa [thì cũng] giống như một cái cây không rễ.” Văn hào Hermann Hesse, Nobel Văn Chương năm 1946, nhận định về sử vật và lịch sử, “Không có từ ngữ, không có văn bản và không có sách sẽ không có lịch sử, [thành sẽ] không thể có khái niệm về nhân loại.” Không phải chỉ mất gốc hay không có khái niệm về chính mình. Triết gia George Santayana còn nhấn mạnh rằng, “Những người không nhớ về quá khứ ắt sẽ lặp lại nó.” Ở đây ông gợi ý về cái hố đen của lịch sử. Cái hố do bởi bàn tay con người và của những sự tranh giành, của hận thù đưa đến những chết chóc đau thương chồng chất lên nhau.

   Riêng về lịch sử chiến tranh Việt Nam, một số người nói: “Đề tài xưa như trái đất không phù hợp cho giới trẻ và thời cuộc hiện nay. Đã thua rồi thì không còn gì để nói [và nên] chỉ để cho lịch sử phán xét mà thôi.” Câu nói khi nghe thoáng qua thì thấy bình thường nhưng thể hiện một vấn đề khá nghiêm trọng trong nhận thức của nhiều người Việt Nam về lịch sử, cụ thể là lịch sử cuộc chiến Việt Nam. Đó là sự thụ động dị ứng đối với lịch sử, đặc biệt là lịch sử chiến tranh Việt Nam – tức quá khứ tạo nên mình.

   Trước hết, lịch sử là gì, từ đâu mà có, mà ta hiển nhiên cho rằng nó có khả năng phán xét? Lịch sử tự nó làm sao phán xét? Lịch sử đâu phải là một thực thể tự nó có thể tìm tòi, so sánh, suy luận và nhận định để rồi phán xét. Đúng, đến nay cuộc chiến chấm dứt đã 44 năm và đã có không biết bao nhiêu sách vở viết về nó, nhưng sự thật cần nhìn nhận là đến nay thì chúng ta vẫn chưa biết và chưa hiểu hết về nó. Đặc biệt là những khía cạnh xã hội, kinh tế và văn hóa, hoặc từ quan điểm và cái nhìn của người thua cuộc hoặc những “người nhỏ”, những thường dân, hay những hậu quả của cuộc chiến. Và vì chưa hiểu biết một cách tường tận và trung thực nên hệ quả là những sự ngộ nhận và cáo trạng đầy phiến diện đập lên đầu chúng ta và con em chúng ta, như những gì đã xảy ra đối với cá nhân tôi ở lớp 7 và ở đại học, vốn cũng đã và sẽ tiếp tục xảy ra đối với các thế hệ con cháu nếu chúng ta không có những nổ lực hầu quân bình lại cái nhìn về lịch sử chiến tranh Việt Nam.

   Một trong những lý do chính là, như Thủ Tướng Winston Churchill của Anh đã từng nói, “Lịch sử đã/và sẽ được viết bởi những người chiến thắng.” Chiến thắng ở đây có nghĩa là những người có quyền lực và khả năng [về tài chánh, thông tin và truyền thông, v.v…] để họ có thể tường thuật và định hình lịch sử sẽ và phải được nên viết như thế nào. Nếu lịch sử đã và sẽ được viết bởi những người thắng cuộc, những người có quyền hành nhằm biện minh cho cái lý của họ và riêng họ mà thôi, vậy những người thua cuộc hoặc những người ở vị thế yếu không có quyền lực thì sao? Có phải vô hình trung tiếng nói của họ đã và sẽ tiếp tục bị vùi giập qua các hình thức kiểm duyệt hay bị loại bỏ khỏi sách sử cũng như các cuộc bàn luận? Vậy lịch sử cuộc chiến trong học đường Việt Nam hoặc kể cả nhà trường ở Hoa Kỳ có thật sự đầy đủ và trung thực không? Câu trả lời chắc chắn là không thì tại sao ta phải dị ứng lịch sử, kể cả lịch sử chiến tranh, tức giai đoạn lịch sử đã đưa đẩy chúng ta đến cái hiện tại hôm nay – là người Việt vong quốc –một hiện tại luôn bị bóp méo ngay trên mảnh đất tự do dân chủ mà chúng ta nhận là quê hương thứ hai.

   Thú thật, câu chuyện lịch sử đó nó không xưa lắm đâu, đơn thuần vì nó luôn được tái tạo qua nhiều hình thức và mục đích khác nhau và vẫn còn ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Cứ vậy, mỗi một, hai năm là có một quyển sách sử về cuộc chiến, ba đến bốn năm là một tiểu thuyết, một truyện ngắn, và năm hoặc mười năm là một bộ phim. Ở Việt Nam thì nó có cái giới hạn một chiều của nó, ở Mỹ thì đa số để đáp ứng bối cảnh xã hội và cái nhìn của người Mỹ. Người Việt Nam, nhất là thân phận người miền Nam Việt Nam, đa phần bị đặt ra ngoài lề.

   Điển hình rõ nét và gần đây nhất về sự bóp méo đó là bộ phim The Vietnam War của Ken Burns và Lynn Novick. Một bộ phim tốn mười năm và hơn $30 triệu đô để làm nên. Bộ phim tự xưng là công bằng, trung thực, nói lên tiếng nói của nhiều người nhiều khía cạnh với sự tham dự của gần 100 chứng nhân lịch sử. Bộ phim ấy tạo cho người xem cảm giác mới lạ nhưng trên thực tế chỉ là một màn ảo, nhai lại những định kiến của 40, 50 năm qua. Hậu quả nguy hiểm là chỉ với một bộ phim, nó đã xoá hầu hết những khám phá mới và công bằng hơn mà các sử gia đã dầy công xây dựng trong 15-20 năm qua.

   Vậy, nếu lịch sử của chính chúng ta mà chúng ta không tìm hiểu, không viết, không trân quý để duy trì thì đừng trách tại sao lịch sử người khác viết lại có những sai lệch, những định kiến và phiến diện về ta.

 

Vietnamese Americans  

Hãy Kể Lại Câu Chuyện Lịch Sử Của Mình

 

Chiến tranh tại Việt Nam, từ giai đoạn 1945 đến 1975, đặc biệt Cuộc Chiến Đông Dương Lần II, là sự kiện lịch sử phức tạp đã được tường thuật, nghiên cứu, và phân tích theo nhiều chiều hướng và quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, đến nay thì cuộc chiến và những hậu quả của nó vẫn chưa được hiểu tường tận và do đó vẫn là một trong những sự kiện gây nhiều tranh cãi.

   Để góp phần vào việc tạo nên một bức tranh lịch sử đa dạng và phong phú hơn và để duy trì lịch sử cho những thế hệ mai sau, mọi người trong chúng ta cần phải, nếu không muốn nó là có trách nhiệm, kể lại câu chuyện lịch sử của chính mình trong bối cảnh của cuộc chiến và thời hậu chiến. Đặc biệt nhất là những thế hệ đã sống qua giai đoạn chiến tranh cũng những ảnh hưởng của nó trong thời hậu chiến, như những sử kiện sau: đánh tư sản, tù cải tạo, kinh tế mới, vượt biên, đoàn tụ gia đình, H.O., và cuộc sống tị nạn cũng như những khó khăn trong việc thích nghi và hội nhập vào một xã hội mới.

   Tất cả, từ một vị tướng đến một người mẹ, một người vợ, từ một trí thức đến một nhà nông, đều có câu chuyện lịch sử đáng được lưu truyền. Người tướng kể về thời binh đao, những quyết định cũng như những khó khăn ngoài chiến trận. Người vợ kể về cuộc sống trong thời chiến và thời hậu chiến khi chồng bị tù tội thì những khổ cực phải trải qua để nuôi dạy con hoặc phụng sự ba mẹ. Nhà nông kể về sự ảnh hưởng của chiến tranh đối với cuộc sống ở nông thôn. Người khác có thể kể về kinh nghiệm vượt biển khi phải đối diện với sống chết, với hải tặc, hoặc với những đợi chờ mòn mỏi trên những trại tị nạn ở Hồng Kông, Phi Luật Tân, hay Pilau Bidong. Những anh chị em trẻ hơn có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi phải hội nhập với một xã hội mới như trên nước Mỹ, từ việc đi học đến đi làm. Những bạn khác có thể kể về cuộc sống ở tuổi thiếu niên khi phải đối diện với băng đảng hoặc những kỳ thị từ xã hội.

   Sơ qua, những câu chuyện này nghe nhỏ bé nhưng trên bình diện của lịch sử một đất nước, một cộng đồng người, tất cả đều là những câu chuyện vô giá mà hầu như không bao nhiêu sách sử về Việt Nam nói chung và cuộc chiến Việt Nam nói riêng đề cập đến. Lịch sử Việt Nam không thể nào chỉ dừng lại ở những câu chuyện về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Gia Long, hay Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Ngô Đình Diệm,  Nguyễn Văn Thiệu, hoặc những Lyndon Johnson, Richard Nixon và Henry Kissinger, mà thực chất nó phải là câu chuyện của từng cá nhân, vì tất cả đều có công tạo dựng nên đất nước và con người Việt Nam. Vì lý do chính đáng đó nên tất cả chúng ta cần nỗ lực góp nhặt và lưu giữ lịch sử để không một tiếng nói nào bị bỏ rơi ngoài lề của lịch sử. Những tiếng nói sẽ góp phần tạo nên một nền tảng lịch sử, tuy có thể phức tạp nhưng lại đa dạng và phong phú hơn.

 

 

Phương Cách Lưu Lại Lịch Sử

 

Để kể và lưu lại lịch sử của mình, chúng ta có thể làm theo ba phương cách sau: 1) Kể qua việc thu âm lại câu chuyện của mình (lịch sử truyền khẩu) bằng cách dùng những thiết bị ghi âm như điện thoại, máy chụp hình, máy quay phim, hoặc máy vi tính; 2) Kể qua việc viết lại câu chuyện của mình như viết hồi ký hay nhật ký; và 3) Bối cảnh hoá những tư liệu lịch sử đang có mà cảm thấy không cần nữa và tương lai có thể sẽ bỏ.

   Trong ba phương cách này, phương cách thứ ba nhằm bổ sung cho hai phương cách đầu bằng nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc lưu giữ và bối cảnh hoá tài liệu lịch sử cũng như sử vật. Có nghĩa ngoài việc kể lại câu chuyện về cuộc đời của một cá nhân trong bối cảnh của cuộc chiến cũng như những ảnh hưởng và hệ luỵ của nó thì mọi người nên thu gom lại và lưu giữ những sử vật cho thế hệ sau. Tuy nhiên, việc quan trọng hơn nữa là bối cảnh hoá những sử vật đó, vì đây là cách chúng ta có thể phục hồi lại ý nghĩa lịch sử cho sử vật ấy. Điển hình: với những sử vật như giấy ra trại, thư tù trong hoặc sau thời chiến, những hình ảnh trước năm 1975 hay ở những trại tị nạn, hoặc hồ sơ định cư Hoa Kỳ, đều là những sử vật đáng trân quý và lưu giữ. Tuy nhiên, tính cách sử vật chỉ có thể nổi bật và trở nên quan trọng nếu chúng ta có thể bối cảnh hoá nó, tức đi kèm với nó chúng ta có thể viết một vài thông tin về nó, như giấy ra trại tù được cấp năm nào, vì sao ở tù, ở đâu, và ảnh hưởng của tờ giấy đó đối với cá nhân và gia đình. Đó là cách chúng ta có thể bối cảnh hoá sử vật, qua việc kể một câu chuyện về nó. Từ đó chúng ta giữ lại cho con cháu hoặc có thể trao tặng cho những trung tâm và chương trình lưu giữ lịch sử để họ bảo tồn nó cho những thế hệ mai sau, như chương trình: Vietnam War Oral History Project (www.vietnamwarohp.com, email: vnlichsutruyenkhau@gmail.com hoặc vietnamwaroralhistoryproject@gmail.com) hoặc tổ chức Vietnamese American Heritage Foundation (www.vietnameseamerican.org, email: VAHF_info@yahoo.com).

   Với những câu chuyện lịch sử được chia sẻ và những sử vật được lưu giữ lại, tôi ước vọng nó sẽ góp phần tạo nên một văn khố mở nhằm lưu trữ sử liệu của người Việt và người Mỹ gốc Việt cho nhiều thế hệ sau. Văn khố này sẽ trở thành trung tâm tài liệu và nghiên cứu cho mọi giới và tầng lớp, từ những học sinh sinh viên trẻ đến các nhà nghiên cứu. Qua đó, câu chuyện lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam cũng như người Mỹ gốc Việt sẽ trở nên đầy đủ và phong phú hơn, bổ sung cho những thiếu sót hiện nay.

 

 

Lịch SKhông Chờ Không Đợi Một Ai

 

Vì trân quý lịch sử và hiểu rõ tầm quan trọng của nó, tôi mong rằng những ngày Tết là dịp để tất cả hãy dành ít thời gian nghĩ về tầm quan trọng của lịch sử và từ đó hãy viết, hãy ghi âm lại những câu chuyện của mình hầu lưu truyền lại cho con cháu mai sau được cơ hội biết và hiểu hơn về mình cũng như nguồn gốc của chính các em. Những câu chuyện của từng cá nhân, dù là một vị tướng hay một phụ nữ nông dân, sẽ góp phần dựng lại bức màn lịch sử Việt Nam thêm đa dạng và đầy thú vị – từ những biến động về chính trị và quân sự đến những sinh hoạt kinh tế, xã hội, cũng như văn hóa, phong tục và cuộc sống thường ngày. Những câu chuyện muôn mầu muôn vẻ ấy sẽ làm phong phú và sáng tỏ thêm lịch sử và đời sống con người Việt Nam, nhất là dưới thời Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) – một mảng lịch sử gần như vắng bóng trong lịch sử hiện đại Việt Nam.

   Và bởi vì lịch sử không chờ không đợi nên xin đừng hẹn. Một ví dụ điển hình nhất là vào năm 2016, ở một hội thảo về Việt Nam Cộng Hoà tại Đại Học University of California, Berkeley, tôi có duyên được gặp một chính khách và trí thức lớn của thời VNCH khi ông là một diễn giả. Tháng 10 vừa qua, cũng ở một hội thảo khác về VNCH ở Đại Học University of Oregon, Eugene, tôi lại gặp lại ông. Khi ấy tôi chưa kịp đến chào thì ông đã đến vỗ vai tôi với câu nói thân thiện: “Anh Thái, anh khoẻ không?” rồi chúng tôi trò chuyện và từ đó tôi mới biết ông từ Việt Nam bay qua để dự hội thảo, dù ông không có tham dự trong một thuyết trình nào. Ở tuổi 92 nhưng trong hai ngày hội thảo, ngày nào ông cũng đến dự, lắng nghe với nhiều thích thú. Cuối hội thảo tôi và ông cùng “làm” một tấm selfie và hẹn là hè năm 2020 tôi sẽ về Saigon gặp và làm một chương trình lịch sử truyền khẩu cùng ông... Hôm thứ Ba, ngày 17 tháng 12, 2019, hai ngày sau khi tôi về đến California để ra mắt chương trình Lịch Sử Truyền Khẩu và nói về tầm quan trọng của việc duy trì và lưu giữ lịch sử như tôi ân cần chia sẻ ở trên, ba tôi báo cho tôi tin buồn rằng, “Tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc đã qua đời.”

   Thưa quý vị, hôm nay ông bà cha mẹ chúng ta có thể còn sống và mạnh khoẻ đó nhưng không ai biết được ngày mai sẽ ra sao và họ sẽ còn đó để kể lại câu chuyện của họ cho mình nghe không. Hay ngày mai và những ngày sau cái duy nhất chúng ta còn là tấm hình của ba mẹ trên bàn thờ gia đình và rồi hối hận rằng sao mình chưa biết hết về ông bà cha mẹ mình.

   Lịch sử không chờ đợi một ai nếu ta không tự gìn giữ nó, nhưng làm được thì đòi hỏi sự góp tay của nhiều người, bắt đầu ở từng mỗi cá nhân.

   Ngày Tết, nghĩ về lịch sử và tương lai của con em mình, xin đừng đánh mất lịch sử!

 

Ngày 13 tháng 1, 2020

Mùa đông Ithaca, New York

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“nụ cười buồn mùa hè” là một tập truyện gồm 18 truyện ngắn, tuy các truyện hư cấu, nhưng nội dung phản ánh từ bao hoàn cảnh cuộc đời mà người viết đã trải qua. Là những giấc mơ đời dở dang nhưng được trình bày như những kinh nghiệm đã hoàn tất dù ước vọng vẫn cứ tiếp tục
Ngày 11 tháng 11 năm 2020 là sinh nhật thứ 199 năm của nhà văn và triết gia người Nga Fyodor Dostoevsky [sinh ngày 11 tháng 11 năm 1821]. Các tác phẩm văn học của ông đã khám phá tâm lý con người trong bầu không khí chính trị, xã hội và tâm linh bất an của xã hội Nga vào thế kỷ thứ 19, và liên hệ tới nhiều chủ đề triết học và tôn giáo, theo www.en.wikipedia.org Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông gồm “Crime and Punishment” [Tội Ác và Hình Phạt – xuất bản năm 1866], “The Idiot” [Người Ngốc – xuất bản năm 1869], “Demons” [Ma Quỷ - xuất bản năm 1872], và “The Brothers Karamazov” [Anh Em Karamazov – xuất bản năm 1880]. Các tác phẩm của ông đã được đọc không những tại Nga mà còn khắp nơi trên thế giới và đã ảnh hưởng rất nhiều nhà văn và triết gia về sau như các nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn và Anton Chekhov, các triết gia Friedrich Nietzsche của Đức và Jean-Paul Sartre của Pháp và sự trỗi dậy của Chủ Nghĩa Hiện Sinh và Trường Phái Tâm Phân Học Freud. Các tác phẩm của ông đã được dịch
Ngày 21 tháng 11 năm 1620 hơn 130 di dân từ Anh Quốc đã vượt Đại Tây Dương đến Tân Thế Giới bằng chiếc thuyền Mayflower. Từ ngày đó đến nay, năm 2020, đã 400 năm. Trước đó, vào năm 1607, những người thực dân Anh cũng đã đến Tân Thế Giới và thành lập thuộc địa tại thành phố cổ Jamestown thuộc tiểu bang Virginia ngày nay.Đó là chưa kể đến làn sóng di dân trước đó khoảng 30,000 năm, khi những người ở cực đông bắc Châu Á đi bằng đường bộ qua ngả Alaska -- lúc đó hai đại lục Mỹ Châu và Á Châu vẫn chưa tách rời nhau vì nước biển cạn -- để rồi tràn xuống phía nam hình thành các cộng đồng người bản xứ, mà khi Columbus lần đầu tiên gặp họ ở Tân Thế Giới cứ tưởng là mình đã đến lục địa Nam và Đông Nam Á (Indies) nên gọi họ là người Indian. Vì vậy, nước Mỹ là vùng đất di dân. Không có di dân thì không có nước Mỹ. Chính di dân đã tạo ra nước Mỹ và nền văn hóa Mỹ. Nhưng ngày Lễ Tạ Ơn [Thanksgiving] có liên quan mật thiết đến những người di dân Anh đến Plymouth của Massachusetts bằng chiếc thuyền
Ni giới Việt Nam có một lịch sử truyền thừa lâu dài và đó là sự truyền thừa mang tính chính thống. Phật giáo Đại Thừa và tinh thần Bồ Tát đạo cũng thấm nhuần trong mỗi vị Ni trong bước chân hoằng hóa.
Cuốn sách ngôn từ đẹp và mạnh mẽ này thể hiện niềm tin của Barack Obama rằng, dân chủ không phải là một món quà từ trên cao rơi xuống mà là điều được hình thành dựa trên sự đồng cảm, thấu hiểu và chung tay xây dựng mỗi ngày.
Trong bài trước, khi viết cảm nhận cho thi tập “Xướng Họa Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ,” vì thời gian có hạn, nên tôi chưa kể hết về Cao Mỵ Nhân (CMN) nhà thơ tiền bối mà tôi hằng kính trọng và khâm phục. Sau khi gửi bài đăng, đọc lại tôi cứ cảm thấy còn thiêu thiếu chút gì.
Nhân loại đã biết cách bay lên mặt trăng, tuy nhiên nhiều nơi trên địa cầu vẫn còn bị ràng buộc với những thói quen xưa cổ, trong đó một thành kiến khó rời bỏ là xem nhẹ phụ nữ. Hầu hết các tôn giáo cũng xem nhẹ phụ nữ. Riêng trong Phật Giáo, phụ nữ từ xưa vẫn có một vị trí đáng kính và bình đẳng trên đường học đạo, để tận cùng là thành tựu Niết Bàn. Khi vua Pasenadi nước Kosala không vui vì hoàng hậu Mallikà sinh một bé gái, Đức Phật trong Kinh SN 3.16 dạy vua rằng: "Này Nhân chủ, ở đời / Có một số thiếu nữ / Có thể tốt đẹp hơn / So sánh với con trai / Có trí tuệ, giới đức..." Hơn hai mươi thế kỷ sau, ý thức nữ quyền mới trở thành phong trào. Theo định nghĩa cô đọng và đơn giản, nữ quyền là niềm tin vào sự bình đẳng của nữ giới với nam giới về chính trị, kinh tế và văn hóa. Do vậy thường khi, nữ quyền gắn liền với dân quyền, vì bình quyền nam nữ dẫn tới ý thức bình quyền cho từng người dân, đặc biệt là nơi các dân tộc đang bị các nước thực dân thống trị, hay nơi các sắc tộc thiểu số
Daisetsu Teitaro Suzuki sinh ngày 11 tháng 11 năm 1870 và mất ngày 12 tháng 7 năm 1966 tại thành phố Kamakura, Nhật Bản, theo www.en.wikipedia.org. Có nơi nói ông sinh vào tháng 10, nhưng năm sinh của ông thì tất cả tài liệu đều giống nhau. Ông sinh ra tại Honda-machi, Kanazawa, Quận Ishikawa, Nhật Bản. Ông là người con trai thứ tư trong gia đình mà người cha là y sĩ Ryojun Suzuki. Pháp Danh Daisetsu của ông đã được Thầy Bổn Sư của ông là Thiền Sư Soyen Shaku [Thích Tông Diễn] ban cho. Thiền Sư Soyen Shaku cũng là người đầu tiên dạy Thiền ở Mỹ. Giai cấp võ sĩ đạo mà Suzuki được sinh ra đã suy tàn với sự sụp đổ của chế độ phong kiến, buộc mẹ của ông là nữ Phật tử Jōdo Shinshū đã nuôi dưỡng ông trong hoàn cảnh nghèo đói sau khi cha của ông qua đời. Khi ông đủ lớn khôn để suy nghĩ về số phận của mình được sinh trong bối cảnh này, ông bắt đầu tìm câu trả lời trong nhiều hình thức khác nhau của tôn giáo. Trí tuệ bén nhạy và sâu sắc tự nhiên của ông đã khó chấp nhận một số vũ trụ quan mà ông
Vâng. Tôi đã nhìn thấy chúng qua gương một dòng trong. Những viên cuội lấp lánh nắng mai. Những viên cuội lung linh trăng rằm. Phản chiếu mầu sắc tĩnh và động. Những viên cuội lắng vào thẳm sâu giấc mơ của dòng -dòng chữ long lanh- ánh lên những gửi gắm của thời gian.
Du Tử Lê: Nguyễn không chỉ có được cho mình một nội lực thi ca thâm hậu, một đam mê quyết liệt tới mức sẵn lòng đánh đổi mọi tiện nghi, may mắn (?) đời thường và, nhất là những thảm kịch, ngộ nhận mà Nguyễn đã trải qua tự những ngày thơ ấu tới hôm nay!...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.