Hôm nay,  

Tưởng Nhớ Mục Sư King, Đọc Lại Bài Diễn Văn Lịch Sử ‘Tôi Có Một Ước Mơ’

17/01/202000:00:00(Xem: 5076)
Muc Su Martin Luther King Jr _Getty Images
Mục Sư Martin Luther King Jr. đang đọc bài diễn văn lịch sử “Tôi Có Một Ước Mơ” trước đám đông trước Đài Tưởng Niệm TT Lincoln trong cuộc Biểu Tình Đòi Tự Do tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 28 tháng 8 năm 1963.(Photo Getty Images)


Thứ Hai, ngày 20 tháng 1 năm 2020, nước Mỹ ăn mừng sinh nhật lần thứ 91 của Mục Sư Martin Luther King, Jr., nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào nhân quyền và dân quyền Mỹ trong 2 thập niên 1950s và 1960s.

Mục Sư Martin Luther King, Jr. sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929 tại thủ phủ Atlanta của tiểu bang Georgia, là con thứ 2 của Mục Sư Martin Luther King Sr. và phu nhân Alberta Williams King, cựu nữ giáo viên.

Vào chiều tối ngày 4 tháng 4 năm 1968, Mục Sư Martin Luther King đã bị ám sát. Ông đã bị bắn chết trong lúc đứng trên ban công của một nhà trọ tại thành phố Memphis, nơi ông đến để ủng hộ cuộc đình công của các công nhân vệ sinh. Sau cái chết của ông, một làn sóng bạo loạn lan rộng qua nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ, trong khi đó Tổng Thống Johnson tuyên bố ngày quốc táng.

Người ám sát Mục Sư King là Kames Earl Ray, người bị kết án vượt ngục và kỳ thị chủng tộc, đã nhận tội giết người và bị kêu án tù 99 năm.

Mục Sư King là nhà đấu tranh bất bạo động cho nhân quyền và dân quyền ở Mỹ. Điều làm cho chúng ta suy nghĩ và liên tưởng rằng là dường như có một điều kỳ lạ nào đó xảy ra với 2 nhà đấu tranh bất bạo động nổi tiếng nhất trên thế giới trong thế kỷ 20 là lãnh tụ đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ Gandhi và nhà đấu tranh nhân quyền và dân quyền Mục Sư King. Cả hai đều bị ám sát chết. Cả hai đều bị chết bởi những người cực kỳ bạo động.

Mục Sư King đã nhận Giải Nobel Hòa Bình vào năm 1964 lúc ông 35 tuổi, là người đoạt Giải Nobel Hòa Bình trẻ nhất lúc bấy giờ. Vào tháng 1 năm 1967, ông đã đề cử Thầy Thích Nhất Hạnh cho Giải Nobel Hòa Bình.

Nhưng nổi bật hơn tất cả và có lẽ là di sản vô giá mà Mục Sư King để lại cho hậu thế đó chính là ước mơ của ông về một ngày toàn dân Mỹ đều được bình đẳng và không còn ai bị đối xử phân biệt hay bị kỳ thị. Ước mơ này đã được ông diễn bày trong một bài diễn văn xuất thần mà ông đã ứng khẩu nói lên vào ngày 28 tháng 8 năm 1963 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Bài diễn văn đó có tên là “I Have a Dream” [Tôi Có Một Ước Mơ].

Bài diễn văn này kêu gọi sự bình đẳng và tự do cho mọi người Mỹ đã trở thành một trong những khoảnh khắc xác lập của phong trào dân quyền và cũng là một trong những bài diễn văn tiêu biểu nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Hôm đó, 28 tháng 8 năm 1963, khoảng 250,000 người tụ tập tại Đài Tưởng Niệm Lincoln ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn để biểu tình chống kỳ thị chủng tộc và khuyến khích việc thông qua dự luật dân quyền Civil Rights Act đã được thảo luận tại Quốc Hội. Trong ngày hôm đó có nhiều nhân vật lên phát biểu và trình diễn văn nghệ trước khi Mục Sư King, nhà hùng biện, xuất hiện để phát biểu kết thúc.

Lúc đầu, trong bài diễn văn được chuẩn bị sẵn, Mục Sư King viện dẫn bài Diễn Văn Gettysburg của Tổng Thống Abraham Lincoln 100 năm trước về Tuyên Ngôn Giải Phóng chấm dứt đêm dài nô lệ. Nhưng, Mục Sư King đã ý thức rằng người Mỹ gốc Phi Châu vẫn chưa được tự do và họ vẫn còn bị phân biệt đối xử bởi hệ thống kỳ thị chủng tộc.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, khi Mục Sư King gần kết thúc, bài phát biểu đã không đạt được sự cộng hưởng của các bài phát biểu giá trị khác của ông. Như nhà hoạt động John Lewis đã cho biết, chính Mục Sư King có thể cảm nhận được rằng ông ấy đang bị hụt hẫng. Có lẽ điều đó đã buộc ca sĩ Mahalia Jackson có mặt tại chỗ phải kêu gọi, cầu xin ông ấy nói với đám đông về ước mơ. Đây là một chủ đề ông ấy đã sử dụng trong các sự kiện trước đó nhưng đã được khuyên không nên dùng trong dịp này ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, bởi vì một phụ tá gọi nó là “cũ rích.” Tuy nhiên, chính sự thúc giục của ca sĩ Jackson, Mục Sư King đã bỏ văn bản chuẩn bị sẵn của mình và làm theo cách giảng đạo của một nhà truyền giáo ứng khẩu nói về ước mơ của mình.

Sự ứng biến của ông dường như đã đánh động được sự đồng điệu của đám đông người biểu tình, nhiều người đã hứng khởi. Bài diễn văn đã tạo ra được kết cuộc đầy cảm xúc. Sự ứng khẩu xuất thần của Mục Sư King đã làm cho bài diễn văn được xem như là bài diễn văn vĩ đại nhất của thế kỷ 20, vì sức mạnh và sự cộng hưởng của nó. Với sự ứng dụng phổ quát của nó, bài diễn văn “I have a dream” đã trở thành một cụm từ vĩnh cửu tại Hoa Kỳ và những nơi khác. Nhiều người tin rằng bài diễn văn đã giúp đảm bảo cho việc thông qua Đạo Luật Dân Quyền (Civil Rights Act) vào năm 1964.

Sau đây xin dịch sang tiếng Việt bài diễn văn “I have a dream” của Mục Sư King nhân kỷ niệm sinh nhật 91 của ông. Bản Anh ngữ này được lấy từ trang mạng www.huffpost.com

Tôi thật là hạnh phúc để tham gia cùng các bạn hôm nay trong sự kiện mà sau này lịch sử sẽ ghi là cuộc biểu tình vĩ đại nhất cho tự do trong lịch sử của đất nước chúng ta.

Một trăm năm trước đây, một người Mỹ vĩ đại, dưới cái bóng biểu tượng mà chúng ta đang đứng hôm nay, đã ký Tuyên Ngôn Giải Phóng. Sắc lệnh quan trọng này đến như là ngọn đèn hiệu vĩ đại của hy vọng cho hàng triệu người nô lệ da đen là những người bị nướng trên ngọn lửa của héo tàn bất công. Nó đến như một bình minh hoan lạc để chấm dứt đêm dài bắt bớ tù đày.

Nhưng một trăm năm sau, người Da Đen vẫn chưa được tự do. Một trăm năm sau, đời sống của người Da Đen vẫn bị tê liệt đau thương bởi xiềng xích phân ly và hệ thống phân biệt đối xử. Một trăm năm sau, cuộc sống của người Da Đen vẫn còn trên hải đảo cô độc của nghèo đói giữa đại dương mênh mông của phồn thịnh vật chất. Một trăm năm sau, người Da Đen vẫn mòn mỏi nơi những góc đường của xã hội Mỹ và tự thấy mình là kẻ lưu đày ngay trên chính mảnh đất của mình. Vì thế chúng ta đến đây hôm nay để viết lên bi kịch một tình cảnh đáng xấu hổ.

Trong ý nghĩa nào đó, chúng ta đến thủ đô của đất nước chúng ta để lấy tiền mặt ngân phiếu. Khi những kiến trúc sư của cộng hòa viết những lời tuyệt vời của Hiến Pháp và Tuyên Ngôn Độc Lập, họ đã ký một khế ước mà trong đó mọi người Mỹ đều là kẻ kế thừa. Khế ước này là một cam kết rằng tất cả mọi người, vâng, người da đen cũng như người da trắng, đều được bảo đảm các quyền bất khả tương nhượng về sinh mạng, tự do, và mưu cầu hạnh phúc.

Rõ ràng là hôm nay nước Mỹ đã thất hứa trên khế ước này đối với những công dân da màu. Thay vì tôn trọng trách nhiệm thiêng liêng này, nước Mỹ đã trao cho người dân Da Đen một ngân phiếu thủng, một ngân phiếu bị trả trở lại được ghi là “không có tiền.” Nhưng chúng ta không tin rằng ngân hàng công lý bị phá sản. Chúng ta không tin rằng không còn đủ tiền trong kho bạc lớn của cơ hội của quốc gia này. Vì thế chúng ta đến để lấy tiền trong ngân phiếu -- một ngân phiếu sẽ trao cho chúng ta dựa trên nhu cầu giàu có của tự do và bảo đảm công lý. Chúng ta cũng đến nơi thiêng liêng này để nhắc nhở nước Mỹ về sự khẩn bách khốc liệt hiện nay. Bây giờ không phải là lúc tham gia vào cuộc chơi xa xỉ của việc hạ nhiệt hay dùng liều thuốc an thần của chính sách cải tổ từ từ. Bây giờ là lúc làm cho những lời cam kết dân chủ thành hiện thực. Bây giờ là lúc để đứng dậy từ thung lũng đen tối và hoang vắng của sự kỳ thị để đi tới con đường quang đãng của công bằng chủng tộc. Bây giờ là lúc để nâng đất nước chúng ta lên khỏi bãi cát mềm của bất công chủng tộc để đến tảng đá vững chắc của tình nghĩa anh em. Bây giờ là lúc để biến công lý thành hiện thực cho tất cả những người con của Thượng Đế.

Quốc gia sẽ lịm chết nếu bỏ qua sự khẩn cấp của khoảnh khắc này. Mùa hè ngột ngạt của sự bất mãn chính đáng của người Da Đen sẽ không qua đi cho đến khi có một mùa thu đầy sinh khí của tự do và bình đẳng. Mười chín sáu mươi ba không phải là kết thúc, mà là khởi đầu. Đối với những người hy vọng rằng người Da Đen cần xả bực tức và bây giờ sẽ hài lòng sẽ có một sự bừng tỉnh mạnh mẽ nếu quốc gia trở lại như bình thường. Sẽ không có sự an ổn cũng như sự yên tĩnh ở Mỹ cho đến khi người Da Đen được cấp quyền công dân. Cơn lốc của cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục làm rung chuyển nền tảng của đất nước chúng ta cho đến khi ngày công lý tươi sáng trỗi dậy.

Nhưng có điều tôi phải nói với đồng bào của tôi là những người đang đứng trước ngưỡng cửa dẫn vào cung điện công lý. Trong tiến trình giành được vị trí xứng đáng của mình, chúng ta không được phạm tội sai trái. Xin đừng tìm cách thỏa mãn cơn khát tự do bằng cách uống chén đắng cay và hận thù.

Chúng ta phải mãi mãi tiến hành cuộc đấu tranh của mình trên bình diện cao của phẩm giá và kỷ luật. Chúng ta không được cho phép sự phản kháng sáng tạo của chúng ta thoái hóa thành bạo lực thể xác. Một lần nữa và một lần nữa, chúng ta phải vươn lên tầm cao hùng vĩ của việc gặp gỡ thế lực vật chất với thế lực tâm linh. Sự tranh đấu mới tuyệt vời đã tràn ngập cộng đồng người Da Đen không được đưa chúng ta đến sự mất lòng tin của tất cả người da trắng, vì nhiều anh em da trắng của chúng ta, bằng chứng là sự hiện diện của họ ở đây ngày hôm nay, đã nhận ra rằng số phận của họ gắn liền với số phận của chúng ta. Họ đã nhận ra rằng tự do của họ gắn chặt với tự do của chúng ta. Chúng ta không thể đi một mình.

Khi chúng ta đi, chúng ta phải cam kết rằng chúng ta sẽ luôn luôn tiến về phía trước. Chúng ta không thể quay lại. Có người đang hỏi những người cống hiến cho dân quyền, “Khi nào bạn sẽ thỏa mãn?” Chúng ta có thể không bao giờ thỏa mãn bao lâu người Da Đen còn là nạn nhân của những nỗi kinh hoàng không kể xiết của sự tàn bạo của cảnh sát. Chúng ta có thể không bao giờ thỏa mãn bao lâu cơ thể của chúng ta, trĩu nặng với sự mệt mỏi vì đi lại, không thể có được chỗ ở trong các nhà nghỉ của những xa lộ và khách sạn của các thành phố. Chúng ta không thể thỏa mãn bao lâu hoạt động cơ bản của người Da Đen, từ một khu ổ chuột nhỏ đến một khu vực lớn hơn. Chúng ta không bao giờ có thể thỏa mãn bao lâu những đứa trẻ của chúng ta bị tước đi lòng tự ái và bị cướp đi phẩm giá của chúng bằng những dấu hiệu ghi rõ “Chỉ Cho Người Da Trắng.” Chúng ta không thể thỏa mãn bao lâu người Da Đen ở Mississippi không thể bỏ phiếu và người Da Đen ở New York tin rằng họ không có gì để bầu. Không, không, chúng ta không thỏa mãn, và chúng ta sẽ không thỏa mãn cho đến khi công lý chảy xuống như nước và chính nghĩa như một dòng suối cuồn cuộn.

Tôi không vô tình rằng một số bạn đã đến đây trong những thử thách và khổ nạn lớn. Một số bạn mới đến từ các nhà tù chật hẹp. Một số bạn đã đến từ những khu vực nơi mà đòi hỏi tự do của bạn đã khiến cho bạn bị vùi dập bởi những cơn bão áp bức và lảo đảo bởi những cơn gió tàn bạo của cảnh sát. Các bạn đã là cựu chiến binh của đau khổ vô tận. Tiếp tục làm việc với niềm tin rằng đau khổ không đáng có là cứu chuộc.

Hãy trở về Mississippi, hãy trở về Atlanta, hãy trở về South Carolina, hãy trở về Georgia, hãy trở về Louisiana, hãy trở về các khu ổ chuột và khu người Da Đen của những thành phố phía bắc, nên biết rằng cách nào đó tình cảnh này có thể và sẽ được thay đổi. Chúng ta đừng đắm mình trong thung lũng tuyệt vọng.

Hỡi các bạn, hôm nay tôi nói với các bạn rằng cho dù chúng ta đang đối diện với muôn vàn khó khăn hiện tại và ngày mai, tôi vẫn có một ước mơ. Đó là ước mơ có cội nguồn sâu thẳm trong ước mơ của người Mỹ.

Tôi có một ước mơ rằng một ngày nào đó đất nước này sẽ vươn lên và sống theo ý nghĩa thực sự của tín điều: “Chúng ta giữ lấy những sự thật này làm bằng chứng: rằng tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng.”

Tôi có một ước mơ rằng một ngày nào đó trên những ngọn đồi đỏ của Georgia những người con của các nô lệ và những người con của những ông chủ của cựu nô lệ sẽ có thể ngồi xuống bên nhau quanh chiếc bàn tình nghĩa anh em.

Tôi có một ước mơ rằng một ngày nào đó tiểu bang Mississippi, một tiểu bang ngột ngạt với sức nóng của bất công, ngột ngạt với sức nóng của áp bức, sẽ được chuyển hóa thành ốc đảo của tự do và công bằng.

Tôi có một ước mơ rằng 4 đứa con thơ của tôi rồi sẽ có một ngày sống trong đất nước nơi mà chúng sẽ không bị đánh giá bởi màu da nhưng bằng nội hàm cá tính của chúng.

Hôm nay tôi có một ước mơ.

Tôi có một ước mơ rằng một ngày nào đó, ở Alabama, với những kẻ phân biệt chủng tộc độc ác, với thống đốc có đôi môi thốt ra những lời nói can thiệp và vô hiệu hóa; một ngày nào đó ở Alabama, những cậu bé và cô bé da đen sẽ có thể chung tay với những cậu bé da trắng và những cô bé da trắng như anh chị em.

Hôm nay tôi có một ước mơ.

Tôi có một ước mơ rằng một ngày nào đó mọi thung lũng sẽ được đắp cao, mọi núi đồi sẽ được làm thấp xuống, những nơi gồ ghề sẽ trở nên bằng phẳng, và những nơi quanh co sẽ được làm thẳng thớm, và vinh quang của Chúa sẽ được biểu hiện, và tất cả loài người sẽ nhìn nhau.

Đây là hy vọng của chúng ta. Đây là niềm tin mà tôi trở lại miền Nam. Với niềm tin này, chúng ta sẽ có thể đẽo ra từ ngọn núi tuyệt vọng một hòn đá hy vọng. Với niềm tin này, chúng tôi sẽ có thể biến những bất hòa lởm chởm của quốc gia chúng ta thành một bản giao hưởng tuyệt vời của tình nghĩa anh em. Với niềm tin này, chúng ta sẽ có thể làm việc với nhau, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau đấu tranh, cùng nhau vào tù, cùng nhau đứng lên cho tự do, biết rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ được tự do.

Đây sẽ là ngày mà tất cả những người con của Thượng Đế sẽ có thể hát với một ý nghĩa mới, “Đất nước tôi, nó là của bạn, vùng đất tự do ngọt ngào, vì bạn tôi hát. Vùng đất nơi cha tôi qua đời, vùng đất của niềm tự hào của những người hành hương đầu tiên, từ mọi sườn núi, hãy để tự do reo vang.”

Và nếu nước Mỹ là quốc gia vĩ đại thì điều này phải trở thành sự thật. Vì thế hãy để tự do reo vang từ những đỉnh đồi kỳ diệu của New Hampshire. Hãy để tự do reo vang từ những dãy núi hùng vĩ của New York. Hãy để tự do reo vang từ Ngọn Núi Alleghenies cao vót của Pennsylvania!

Hãy để tự do reo vang từ Dãy Rockies tuyết phủ của Colorado!

Hãy để tự do reo vang từ những sườn dốc uốn cong của California!

Nhưng không chỉ có chừng đó; hãy để tự do reo vang từ Dãy Núi Đá của Georgia!

Hãy để tự do reo vang từ Dãy Núi Lookout của Tennessee!

Hãy để tự do reo vang từ mọi ngọn đồi và gò nổng của Mississippi. Từ mọi sườn núi, hãy để tự do reo vang.

Và khi điều này xảy ra, khi chúng ta để cho tự do reo vang, khi chúng ta để cho nó reo vang từ mọi ngôi làng và mọi xóm nhỏ, từ mọi tiểu bang và mọi thành phố, chúng ta sẽ có thể tăng tốc ngày đó khi tất cả con cháu của Thượng Đế, da đen và da trắng, Dó Thái và không Do Thái, Tin Lành và Công Giáo, sẽ có thể cùng nắm tay nhau và hát vang những lời của bài thánh ca cổ của người Da Đen, “Tự do cuối cùng! Tự do cuối cùng! Thượng Đế Toàn Năng, cuối cùng chúng ta tự do!”

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một hình bóng, suốt cả cuộc đời trôi nổi với hệ lụy khổ đau, một nhân tài không bao giờ có được mùa xuân nhưng với tâm hồn thanh thoát, ông không quan tâm mọi người nhìn ông với đầu tóc bù xù, áo quần tả tơi, kỳ quái trên đường phố… mà tự bản thân ông cho mình rong chơi trong cõi ta bà mộng mị với “Ngày Tháng Ngao Du”...
Thi sĩ Khet Thi chỉ mới 45 tuổi, dựa theo thông tin từ trang Facebook của ông. Vợ của Khet Thi nói rằng cả hai vợ chồng bị phỏng vấn hôm Thứ Bảy 8/5/2021 bởi cảnh sát và quân đội tại thị trấn Shwebo, trong khu vực Sagaing – trung tâm của cuộc kháng chiến chống lại cuộc đảo chánh quân sự mà trong đó lãnh tụ dân cử Aung San Suu Kyi bị bắt.Chaw Su, vợ của nhà thơ Khet Thi, nói trong tiếng khóc với BBC chương trình tiếng Miến Điện từ Monywa, rằng hai vợ chồng cùng bị thẩm vấn, “Họ nói chồng tôi ở trung tâm thẩm vấn. Nhưng anh không trở về, chỉ có xác của anh. Họ gọi tôi vào buối sáng và bảo tôi lên đón chồng tôi ở bệnh viện tại Monywa. Tôi nghĩ có thể là gãy tay hay gì đó… Nhưng khi tôi tới, anh nằm ở nhà xác, nội tạng bị lấy đi rồi.”Tổ chức có tên là Assistance Association for Political Prisoners nói rằnh nhà thơ Khet Thi chết ở bệnh viện sau khi bị tra tấn ở trung tâm thẩm vấn, và nói rằng số người dân bị giết từ khi đảo chánh xảy ra là 780 người.Khet Thi là nhà thơ thứ ba chết
Nội dung chủ yếu mà tác giả muốn nói rõ chính là bản chất cố tủy của Phật Giáo, đó là nhận rõ bản tâm (Original Mind) của mình, tức là Thấy Tánh. Thấy Tánh là thấy tâm nơi không một pháp nào dính vào, nhìn thấy tâm nơi chỗ rỗng rang tịch lặng, thấy sanh diệt huyễn hóa, thấy duyên khởi tánh không, thấy các pháp đều không hư, nhìn thấy tâm nơi khởi lên và biến diệt, nhìn thấy tâm vô tác, vô tướng... Thấy được tánh các pháp như thế, là giải thoát.
Ba mươi tháng tư của bốn mươi sáu năm trước đối với hàng triệu người Việt không chỉ đơn thuần là thời điểm xảy ra trên diễn trình của thời gian vận hành liên lỉ bất tận. Ba mươi tháng tư đối với hàng triệu người Việt là điểm tụ của ký ức khó phai. Đừng tưởng ký ức là cái gì đã qua thì dễ phai nhạt và không hiện thực. Khi ký ức với những vết hằn khổ lụy sâu hoắc của một quãng đời nào đó có cơ hội tái hiện thì nó còn thật hơn gấp triệu lần cái hiện tại mà con người đang sống,
Là vì không ai vào lúc ấy có thể trải được cái tâm trạng bất đắc chí, hụt hẫng, dở khóc dở cười của mình... một cách thấu đáo, ý nhị, hào hùng, cảm động mà lại lạc quan tếu kiểu như ông. Tửng tửng, tếu, tự biếm, mà thâm sâu làm sao. Đọc thơ ông, người ta vừa cười, vừa khóc.
Đêm yên tĩnh. Nhìn ra khung kiếng cửa sổ chỉ thấy một màu đen, đậm đặc. Cây cối, hàng dậu, lẳng hoa, bồn cỏ, ghế đá, và con đường ngoằn ngoèo trong công viên, có thể sẽ khó cho khách bộ hành nhận ra vị trí và thực chất của chúng. Cây bên đường có thể bị nhầm là kẻ trộm đối với cảnh sát, và sẽ là cảnh sát đối với kẻ trộm (1). Giây thừng hay con rắn. Con chim hay con quạ. Con sóc hay con mèo. Người hay quỉ. Mọi vật đều một màu đen.
Nhà văn người Mỹ chuyên viết truyện thiếu nhi Beverly Cleary đã qua đời hôm 25 tháng 3 năm 2021 tại thành phố Carmel thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 104 tuổi, theo nhà xuất bản của bà là HarperCollins thông báo qua tường thuật của Đài NPR hôm 26 tháng 3 năm 2021. Cleary là người tạo ra một số nhân vật có thật nhất trong văn chương của tuổi trẻ -- Henry Huggins, Ralph S. Mouse và Ramona Quimby nóng tính. Các thế hệ độc giả giày xéo sân chơi, học viết chữ thảo, chống lại bánh sandwich với cá ngừ và có những vết xướt và vết bầm tím vinh quang của tuổi trả cùng với Ramona. “Tôi nghĩ trẻ em muốn đọc về những đứa trẻ bình thường mỗi ngày. Đó là những gì tôi muốn đọc khi tôi lớn khôn,” theo Claary nói với Linda Wertheimer của Đài NPR vào năm 1999. “Tôi muốn đọc về loại những đứa con trai và con gái mà tôi biết trong xóm làng của tôi và trong trường học của tôi. Và trong thời thơ ấu của tôi, nhiều năm về trước, sách thiếu nhi dường như là viết về trẻ em Anh Quốc,
Hai nhà thơ bị bắn chết, và chín nhà thơ bị bắt giam, trong đợt bố ráp vào tháng 3/2021 khi quân đội Miến Điện đàn áp những người biểu tình đòi tái lập chính phủ dân sự. Bản tin ngày 10/3/2021 của Reuters cũng ghi rằng Hội Văn Bút Quốc Tế PEN International cho biết một nhà thơ từng sang nghiên cứu tại đại học University of Iowa đã bị bắt, trong cùng ngày nhiều nhà văn bị kêu án một tháng tù. Hai nhà thơ MYINT MYINT ZIN và K ZA WIN bị bắn chết. Họ chỉ có chữ khi họ đứng dậy lên án cuộc đảo chánh của quân đội Miến Điện nhằm lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi ngày 1/2/2021. Bản thông báo của PEN đưa ra, ký tên nhà văn Salil Tripathi, chủ tịch Ủy Ban Nhà Văn Trong Tù (Writers in Prison Committee), viết: “Nhà thơ có chữ; chính phủ có súng. Các nhà thơ đã làm những gì họ có thể làm với công cụ họ có – viết, bày tỏ, nói. Chính phủ đã làm một thứ duy nhất họ biết với công cụ họ có. Nổ súng.” Hàng chục nhà văn và nhà thơ bị lực lượng an ninh nhắm bố ráp
Hãy nuôi lớn ước mơ. Mọi giấc mơ tử tế đều sẽ thành sự thật. Ngay từ những bài viết đầu tiên, Nguyễn Trung Tây cho thấy niềm tin này. Không có chuyện giảng đạo. Cũng chẳng có chữ nghĩa hoa mỹ. Hình như nhà văn tu sĩ bình bát của chúng ta không viết bằng văn chương lý lẽ mà viết bằng tấm lòng và niềm tin tử tế. Từ hơn mười năm nay, mỗi lần được đọc ông tôi thấy lòng mình thư thái hơn. Kính mời cùng đọc Nguyễn Trung Tây. -- Nhã Ca
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.