Hôm nay,  

Tưởng Nhớ Nhà Thơ Du Tử Lê

22/12/201907:51:00(Xem: 116618)

Tưởng Nhớ Nhà Thơ Du Tử Lê

 

Phan Tấn Hải

 

Tôi có cơ duyên kết thân với nhà thơ Du Tử Lê là qua nhà văn Mai Thảo, ước chừng gần ba thập niên rồi. Tuy nói là thân thiết, nhưng không đúng như thế, bởi vì cả hai là một thế hệ thành danh từ trước 1975, và như vậy, tôi chỉ là một đàn em trong làng văn nghệ Quận Cam của những người cầm bút như Nghiêm Xuân Hồng, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Công Thiện, Mai Thảo, Du Tử Lê… Trong đó, gặp thường xuyên nhất là với anh Mai Thảo, vì nhà văn này cư ngụ nơi một chung cư người già trên phố Bolsa, nơi đi bộ khoảng một phút là tới tòa soạn của ba nhật báo cùng trên đường Moran, và đi bộ khoảng hai phút là tới thương xá Phước Lộc Thọ, trung tâm của hầu hết sinh hoạt lễ hội của cộng đồng người Việt Quận Cam.

 

Chỉ tới khi nhà thơ Du Tử Lê ấn hành các tác phẩm trên mạng Amazon, tôi có cơ hội gần nhà thơ Du Tử Lê hơn, từ cương vị một phóng viên phỏng vấn, cho tới vai trò điểm sách, và người viết bản tin cho các sự kiện liên hệ. Nói về tình thân, đúng ra anh Du Tử Lê (DTL) rất mực thân thiết hơn với nhạc sĩ Trần Duy Đức, nhà thơ Lê Giang Trần… Nhưng tôi thường được anh DTL tặng sách trước, là để tôi phỏng vấn anh, viết bản tin về sách của anh, và viết giới thiệu sách trên Nhật báo Việt Báo, và trên các mạng văn học liên hệ. Để tưởng nhớ nhà thơ Du Tử Lê, nơi đây xin trích, với hiệu đính và cập nhật, một số đoạn văn tôi từng viết về anh.

.

Chúng ta thường nghĩ tới Du Tử Lê như một nhà thơ. Vì ông xuất hiện như một nhà thơ trong mắt của người phê bình văn học, trong các hội thảo về văn chương, trong các tổng kết về tự hào văn học. Chúng ta cũng nghĩ về Du Tử Lê như một người biên khảo về văn học, về mỹ thuật... Vì ông cũng ghi lại về các dòng văn học mà ông đã trải qua trong hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhận định về những người quanh ông sáng tác bằng ngôn ngữ văn học, mỹ thuật, phim ảnh, âm nhạc...

 

Thời gian đã trôi qua, và chúng ta tưởng như quên mất một khoảng đời Du Tử Lê, khi ông ngồi viết truyện dài. Ông đã ghi lại về mối tình của 2 nhân vật Phiến và Hãn giữa một bối cảnh lớn, đầy dằn vặt của những ngang trái trong áp lực gia đình -- ba mẹ, anh chị, bạn hữu… Mối tình đó, được kể lại qua phong cách truyện của Du Tử Lê. Hình như viết xong truyện dài này, Du Tử Lê đã vắt cạn tim máu phong cách truyện, và ông không muốn viết truyện dài nào khác nữa. Đó là lời anh DTL tâm sự, khi cho in lại truyện dài "Với Nhau, Một Ngày Nào" vào tháng 3-2015, tức là 41 năm sau lần ấn hành đầu tiên.

.

Du Tử Lê cũng là một nhà biên khảo rất mực công phu. Như khi anh ấn hành tác phẩm “Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật (1975-2015)” vào tháng 6/2015. Dấu mốc 40 năm rất quan trọng, vì Miền Nam VN sụp đổ năm 1975, và vì anh DTL không thể chờ tới 50 năm. Ai trong thế hệ nhà văn của anh DTL có thể đủ sức khỏe chờ tới năm 2025 để in sách tổng kết văn học nghệ thuật?

 

Tuy nhiên, 40 năm là một dấu mốc tốt, dấu mốc quan trọng, vì Du Tử Lê đã trải qua dài hơn 40 năm cầm bút, nơi đây ông ngắt khoảng ra để nói về những người sinh hoạt văn nghệ ông quan sát, trong và ngoài nước -- những người có tác phẩm mà ông đã đọc, có sáng tác âm nhạc mà ông đã nghe, có phim hoặc biên đạo vũ mà ông đã thưởng thức, có triển lãm tranh mà ông đã xem, có những thành công khi hòa nhập vào dòng chính văn học tiếng Anh hay tiếng Pháp mà ông chứng kiến, có thơ và truyện mà ông đã trân trọng theo dõi.

 

Trong sách này, nhà thơ Du Tử Lê khiêm tốn, không tự nhận là nhà biên khảo văn học. Tuy nhiên, anh nói rằng anh “không hề có tham vọng” nhưng tác phẩm đã rất mực công phu, chưa ai vượt qua được khi nói về thời kỳ 40 năm văn học nghệ thuật này. Anh nói rằng không đóng vai nhà phê bình văn học, nhưng ngay việc lựa chọn tác giả để đưa vào bộ sách văn học nghệ thuật – thí dụ, chọn người làm thơ để đưa vào sách, không chọn người làm vè – cũng là một tiến trình sàng lọc của nhà phê bình. Việc chọn người đưa vào sách cũng không dựa theo đám đông, mà chọn vì, theo anh, “họ đã vượt được chính họ về nội dung hay hình thức” cũng là một phê bình công phu rồi vậy.

 

Nhìn tổng quan, hơn 700 trang sách nhìn về 40 năm văn học nghệ thuật 1975-2015, nhà thơ Du Tử Lê đã làm một việc rất là cực nhọc, công phu, hy hữu. Hoàn toàn không dễ để ghi lại như thế, công việc vừa là của nhà biên khảo văn học sử, vừa là giữ vai trò của người thưởng thức nghệ thuật, đánh giá và phê bình. Trong bốn thập niên qua, đây là tác phẩm công phu nhất để giữ vị trí gần như một Tự Điển Bách Khoa về Các Tác Giả Văn Học Nghệ Thuật.

 

Một tác phẩm biên khảo công phu khác của DTL có nhan đề là “Phác họa toàn cảnh sinh hoạt 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam (1954-1975)” – dày 650 trang, nhưng văn phong của anh nơi đây đúng là phác họa, ít đánh giá và phê bình, vì thời kỳ hai thập niên này có quá nhiều văn nghệ sĩ và tác phẩm xuất sắc.

.

Nhưng tuyệt vời đỉnh cao của nhà thơ Du Tử Lê là “Tuyển Tập Thơ 1957-2015” – dày 720 trang. Trong tuyển tập thơ này, chữ của Du Tử Lê biến đổi đa dạng, có khi dòng thơ trôi dịu dàng như nước sông Nhuệ, sông Đáy nơi cố hương của anh, có khi biến đổi dựng lên các dấu móc, dấu ngang mọc giữa dòng thơ hệt như các lũy tre xanh thời nhỏ trong làng quê của anh, nơi huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

 

Khi tuyển tập thơ này ấn hành, tôi đã viết rằng… Tôi có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Du Tử Lê. Nhưng nơi đây không nói chi về chuyện đời thường. Cũng không nói chi về tình thân trong đời văn. Tôi muốn nói về một mối tình bí mật (khoan, xin anh Du Tử Lê chớ giựt mình...) Với Du Tử Lê, bây giờ tôi mới nói thật, nói thẳng. Xin nói về một mối tình câm, một mối tình lặng lẽ, một mối tình “yêu ngay lần đầu biết nhau”...

 

Đúng vậy... Sau một năm ở đảo Galang, tôi đặt chân tới Virginia. Lúc đó, khoảng giữa thập niên 1980s. Và một đêm, nghe được ca khúc “Đêm, nhớ trăng Sài Gòn”... Tôi lặng người. Nghe từng chữ, từng câu. Thơ Du Tử Lê được Phạm Đình Chương phổ nhạc. Giọng ca Thái Thanh -- tôi cũng không ngờ trần gian này có một giọng ca hay như giọng ca sĩ Thái Thanh, một giọng ca như của cõi trời, giọng ca của một devata (nếu nói theo Kinh Phật). Bài thơ được phổ nhạc gần như giữ 99%, chỉ thêm vào hai chữ (hình như) để biến đổi làn điệu.

 

Xin mời đọc bốn dòng dầu của bài thơ “Đêm, nhớ trăng Sài Gòn” – trích:

 

Đêm về theo vết xe lăn

Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng

Tìm tôi đèn thắp hai hàng

Lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây…

 

Tôi đã tự hỏi, làm thế nào Du Tử Lê có thể làm thơ như thế. Bài thơ đơn giản, nhưng từng lời đều chạm vào tâm hồn người xa xứ. Tôi sinh ở Sài Gòn, hẳn cũng là một yếu tố thiên vị (có thể). Cũng nên nói rằng, trước kia, tôi thường bị đám bạn Chu Văn An, hầu hết là Bắc Kỳ, giễu về cách phát âm Nam Kỳ: tôi không đọc được chính xác chữ “Giảng” trong “Trương Minh Giảng”... Người ta cứ nghe ra là “Giản” với chữ “g” biến mất. Đó là chưa kể, chữ “Gi” tôi phát âm nghe hao hao nhữ “Dản”... Trời ạ, viết thì đúng, nhưng tôi đã đọc từ thời thơ ấu là “Trương Minh Dản”...

 

Vậy đó, nhưng không hề gì: đã có Du Tử Lê viết giùm những cảm xúc của tôi, và đã có Thái Thanh phát âm chính xác và diễn âm tuyệt vời cho những người con yêu Sài Gòn. Kể cả, tôi xin thú thật, tôi không hiểu nghĩa chữ “khíu” -- một chữ rất Bắc Kỳ. Và tôi không muôn tra từ điển. Có sao đâu... Có những chữ mình không hiểu nghĩa, nhưng vào thơ vẫn hay, nghe trên nhạc lại càng lạ lùng... Thơ Du Tử Lê với tôi rất mực dị thường là thế. Bây giờ, tôi đã vào tự điển xem nghĩa chữ khíu… và biết ơn nhà thơ vô cùng tận.

 

Sáng tác là việc gian nan. Người nghệ sĩ nào cũng có nỗi đau riêng, niềm vui riêng, chuyện đời tư riêng, những ước mơ riêng. Khi đặt bút xuống để làm thơ, khi nối các âm thanh cho thành một ca khúc... tất cả không thuần là chữ, không thuần là tiếng vang. Đó là những mảnh tình ném vào bầu trời.

 

Để nói cho đơn giản: với tôi, Du Tử Lê là một nhà thơ lớn, và anh là một ngọn núi. Riêng Tuyển Tập Thơ này, tôi có thể đọc nhiều năm chưa hết, vì có nhiều bài thơ sẽ được đọc đi, đọc lại...

 

GHI CHÚ:

 

 

Sau đây là Thư Mời từ một nhóm văn nghệ sĩ trong Ban tổ chức một đêm nhạc và ra mắt tuyển tập tưởng nhớ Du Tử Lê.

.

Người Về Như Bụi: Đêm Nhạc, và Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê

 .
blank

Kính mời đồng hương tham dự Đêm nhạc tưởng niệm thi sĩ Du Tử Lê (1942-2019) --- trong đêm nhạc cũng sẽ ra mắt tuyển tập “Người Về Như Bụi” gồm 39 văn nghệ sĩ góp bài văn, thơ, họa để tưởng nhớ nhà thơ DTL.

 

Trong đêm nhạc, thơ Du Tử Lê được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc sẽ được các ca sĩ hát trong buổi tưởng niệm và ra mắt sách. Trong đó có các bài thơ Du Tử Lê được phổ nhạc bởi Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Đăng Khánh, Trần Duy Đức, Hoàng Quốc Bảo… qua các giọng ca của các ca sĩ Nguyên Khang, Thu Vàng, Nam Trân, Thái Hoàng, Thúy An, Nguyễn Hoan … vào lúc 5:30 chiều ngày Thứ Ba 14-1-2020 tại:

 

 

Hạt Ngò Bistro Restaurant

10752 Westminster Ave., Garden Grove, CA 92843

Telephone: 714-260-5872

 

Để chia sẻ, chi phí in sách, tiền thuê dụng cụ âm nhạc và nhà hàng phục vụ là 50 USD cho một thiệp mời một người. Các bạn sẽ được tặng một quyển sách tưởng niệm nhà thơ Du Tử Lê “Người Về Như Bụi” gồm nhiều bài viết của các văn, thi sĩ cùng bữa ăn chiều ba món trong khi thưởng thức các giọng hát, ngâm thơ của những ca sĩ nổi tiếng về những bản tình ca như “Trên ngọn tình sầu”, “Khúc thụy du”, “Đêm nhớ trăng Sài gòn”, “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”, “Dòng suối trăm năm”, “Tan theo ngày nắng vội”, “Người về như bụi”….

 

Để có thiệp mời, xin liên lạc qua điện thoại Kim Hương 714-260-5872, Tô Đăng Khoa: 949-232-7089, Huỳnh Duy Thuận: 956-489-1598. Sẽ tới nhà trao thiệp mời tận tay nếu người đặt thiệp mời ở trong khu vực Little Saigon.

Ban tổ chức trân trọng kính mời.

.

Được biết tập sách “Người Về Như Bụi” do Văn Học Press xuất bản, gồm thơ, văn, họa của 39 tác giả, 39 dòng cảm nhận về Du Tử Lê trong đó có bài viết của:

Cung Tích Biền  Nguyễn Thị Thanh Bình  Lê Phương Châu  Nhật Chiêu  Đinh Trường Chinh  Nguyễn Đức Cường  Võ Chân Cửu  Duyên  Khuất Đẩu  Lê Lạc Giao  Bùi Bích Hà  Lê Minh Hà  Phan Tấn Hải  Trần Yên Hòa  Tô Đăng Khoa  Đặng Mai Lan  Trần Vấn Lệ  Trần Thị Nguyệt Mai  Nguyễn Thị Khánh Minh  Đỗ Hồng Ngọc  Như Quỳnh de Prelle  Đỗ Quyên  Orchid Lâm Quỳnh  Hoàng Xuân Sơn  Phan Ni Tấn  Song Thao  Nguyễn Xuân Thiệp  Trịnh Thanh Thủy  Trịnh Y Thư  Vũ Hoàng Thư  Đỗ Quý Toàn  Xuyên Trà  Lê Giang Trần  Lý Kiến Trúc  Trần Mộng Tú  Nguyễn Đức Tùng  Hạnh Tuyền  Trần Dạ Từ  Nguyễn Lương Vỵ

 

Sách in đợt đầu không bán, chỉ để tặng. Muốn có sách tặng, xin tham dự đêm tưởng niệm thi sĩ tại:

 

Café Hạt Ngò Bistro
10752 Westminster Ave., Garden Grove, CA 92843
lúc 5:30 chiều ngày 14/1/2020.
714-260-5872

 

 



 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Văn hào John Steinbeck (1902-1968) là một nhà văn lớn của Mỹ quốc, tác giả nhiều cuốn tiểu thuyết kinh điển như Phía đông vườn địa đàng, Vườn nho nổi giận, Của chuột và người, v.v…
14 tháng 2 hàng năm là Ngày Lễ Valentine mà nhiều người gọi là Ngày Lễ Tình Nhân, là ngày Lễ Thánh Valentine mà cũng là ngày đặc biệt để những người yêu thương nhau biểu lộ tình cảm cho nhau.
Nhà văn Nguyễn Thị Vinh sinh ngày 15 tháng 7 năm 1924 tại Hà Nội. Hai cụ thân sinh mất sớm khi bà mới lên tám. Khởi đầu bà làm thơ sau đó viết văn từ những năm 1939-1940. Năm 1948-1951: bà và con gái sang Hồng Kông tị nạn chính trị cùng với chồng là dịch giả Trương Bảo Sơn.
Sáng Thứ Ba, ngày 11 tháng 2 năm 2020, văn phòng tòa soạn tuần báo Việt Báo, 10517 Garden Grove Blvd., thành phố Garden Grove, CA 92840 có nhân duyên lành đón tiếp nhà thơ Khế Iêm, Chủ Bút Tập San Thơ Tân Hình Thức, đến thăm và tặng sách.
Cứ mỗi tháng 2 dương lịch, Hoa Kỳ lại đón mừng Tháng Lịch Sử Da Đen (Black History Month), nhằm vinh danh thành quả của người da đen Hoa Kỳ, một truyền thống lần đầu tổ chức vào năm 1926 bởi sử gia Carter G. Woodson và kéo dài tới bây giờ.
Có những mùa khô nắng đổ trên thịt da bỏng rát. Đất nứt từng rãnh, chia thành những ô vuông bé nhỏ. Mỗi ô vuông nứt ra một mệnh đời. Mỗi mệnh đời rơi mãi vào trong những cơn mê sảng với cổ họng khô rang khát nước, loắn quắn tìm về suối nguồn tận non cao.
Một thập niên trước, nhiều người Nhật Bản vì rất xấu hổ khi bị bắt gặp đang ăn một mình tại trường hay tại nhà ăn nơi làm việc mà họ chọn ăn trong nhà vệ sinh. Từ sự xuất hiện không bạn bè được cho là điều không nên, dẫn tới điều được biết như là “benjo meshi” – “ăn trưa trong nhà vệ sinh.”
Đối với độc giả người Việt lớn lên từ thập niên 60 trở đi, có lẽ không mấy ai không biết đến Kim Dung với những bộ tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình của ông như Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký, v.v…
Văn giới Hoa Kỳ những ngày đầu năm 2020 xôn xao về cuốn tiểu thuyết American Dirt của nhà văn Jeanine Cummins. Lý do là vì cuốn sách vẽ ra những hình ảnh rất tiêu cực về vấn đề di dân lậu, mà chủ yếu là dân Mexico và châu Mỹ Latin.
Được tin buồn ngày đầu năm mới: Giáo sư, Cư sĩ Hồng Dương Nguyễn Văn Hai đã từ trần vào ngày 25-1-2020 (nhằm mùng 1 Tết Canh Tý), tại tư gia ở Yardley, Pennsylvania, Hoa Kỳ; hưởng thượng thọ 93 tuổi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.