Hôm nay,  

Nguyễn Đức Phương Bối Nói Về Nguyễn Đức Sơn

20/12/201910:05:00(Xem: 4287)

 

NDS_ son dau DC 1989

 

Lời tòa soạn: Những câu thơ dị thường viết bởi một thi sĩ dị thường! Đó là lời giới thiệu cho tập thơ Thơ và Đá của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, do NXB Văn Học Press phối hợp với tổ chức Culture Art Education Resource xuất bản và phát hành tháng 12 năm 2019.  Nhân dịp này Việt Báo hân hạnh được trao đổi đôi lời với cô Nguyễn Đức Phương Bối, ái nữ của nhà thơ. (Hiện nay chị Phương Bối vẫn sinh sống tại Việt Nam, trên mảnh đất do chính nhà thơ gầy dựng từ sau cuộc đổi đời 1975.) Dưới đây là nội dung cuộc nói chuyện.

 

Việt Báo (VB): Trước hết xin chị cho độc giả cùng các bằng hữu xa gần biết vài thông tin về tình trạng sức khỏe hiện nay (cuối 2019) của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn.

 

Nguyễn Đức Phương Bối (NĐPB): Đầu tiên xin gởi lời biết ơn vô vàn đến Văn Học Press và tổ chức Cultre Art Education Resource đã phối hợp cho xuất bản và phát hành tập thơ Thơ và Đá nhân dịp Tết đến Xuân về. Và hơn hết là Thơ và Đá ra đời vào lúc nhà thơ Nguyễn Đức Sơn  đang còn tại thế. Ngoài ra nó đánh dấu sự trở lại của Sơn Núi sau hơn 50 năm im lặng. Hiện tại vì tuổi già sức yếu khiến ông không thể  đi lại, khó khăn trong giao tiếp, và ông không nhìn thấy gì nữa. Tuy nhiên, sức khỏe ông bây giờ không có gì nguy hiểm sau những cơn bạo bệnh. Ông luôn được vợ và các con chăm sóc chu đáo. Có lẽ, ngoài nghị lực sống phi thường của ông, cùng với sự quan tâm thăm hỏi của bạn bè gần xa, trong và ngoài giới văn chương, cũng là một sức mạnh tinh thần cho ông và gia đình. Nên hiện giờ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn vẫn đang tịnh dưỡng  trên núi đồi Phương Bối.

 

VB: Cuộc đời của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn được nhìn bởi nhiều người – trong cũng như ngoài giới văn chương – như một huyền thoại. Khốc liệt và dị thường. Chị có thể nói gì thêm về tính cách và con người của nhà thơ? Có thể nói Nguyễn Đức Sơn là con người lập dị được không? Chính xác nhất là gì?

 

NĐPB: Cá nhân Phương Bối nghĩ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không lập dị. Thiết nghĩ ông sống quá đỗi bình thường trong cái tự nhiên bao la của đất trời. Cái lập dị mà anh đưa ra có chăng là ông sống quá thật. Thật như chính con người ông vậy!

   Chính xác là ông sống rất thực.

   Theo Phương Bối, để có suy nghĩ như thế thì chính đời sống khốc liệt và hạnh phúc tràn bờ mà ông từng nếm trải đã làm nên tính cách và con người của ông. Vâng, có thể nói thơ ông khốc liệt và dị thường, nhưng với Phương Bối như vậy vẫn chưa đủ vì trong cái khốc liệt và dị thường nó vẫn ẩn chứa những nỗi niềm trăn trở của kiếp sống nhân sinh, niềm hạnh phúc, nhưng tuyệt đối không bi lụy. Điều đó được thể hiện trong những câu thơ sau:

 

Ngày mai núi cũ tôi về
Dĩ nhiên hạnh phúc tràn trề em ơi
Thơ bay tự cổ ngút trời
Quanh năm đảm bảo một trời tuyết mây
Cớ sao đãng tử bậc thầy
Hỏi ra từ đá tới cây lắc đầu…

 

Riêng về Phương Bối, trong suốt thời gian sống với cha, ngoài một con người nhạy cảm với tình thương sâu sắc, ông còn là hiện thân của một tâm hồn cô độc mênh mông mà nó được thể hiện ít nhiều qua những câu thơ:

 

Mai sau này chỗ tôi nằm
Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru…

 

Kế đến:

 

Nếu mai kia có người hiểu nổi
Cõi hồn ta chừng một phần trăm
Chắc khi đó mây cũng thôi bay
Gió mù khơi cũng ngừng thổi
Và đất trời cũng hết lạnh căm
Đời dẫu vui ta cũng kiếm chỗ nằm…

 

Vâng, biết bao giờ mây mới thôi bay, gió mới ngừng thổi? Hiểu rõ vậy nên ông đã chọn cách chấp nhận sống lặng lẽ trong thế giới của mình.

 

VB: Phải chăng những bài thơ in trong tập Thơ và Đá chưa được phổ biến ở bất cứ đâu,và ước nguyện của nhà thơ là sẽ có ngày những bài thơ đó đến tay người đọc, dù muộn màng. Chị có thể nói gì về nỗi niềm của nhà thơ trăn trở suốt bấy nhiêu năm, từ sau 1975 đến nay, với một ước nguyện mãi không thành cho đến bây giờ.

 

NĐPB: Có thể nói hầu hết những bài thơ in trong tập Thơ và Đá chưa từng được in bất cứ  đâu, duy chỉ có vài bài được phổ biến trên mạng đây đó. Phương Bối muốn nói thêm một chút về phần “Thơ và Đá” trong tập thơ, sáng tác lúc ông ở Quân cảnh Tư pháp Blao, và để viết những bài này thì mẹ của Phương Bối đã phải bất chấp nguy hiểm bằng cách giấu từng ngòi bút, từng mẩu giấy vào lai quần để đưa vào lúc thăm nuôi, sau đó về tự tay mẹ chép lại vô nhật ký. Phương Bối xin trích một đoạn ngắn nhật ký những ngày mới vào tù: “Quân Cảnh Tư Pháp Blao, ngày 26 tháng 8 năm 1972: Giữa trưa tôi lại rơi vào cơn khủng hoảng mạnh mẽ, chỉ muốn tự tử, chiều xuống lòng tôi dịu lại. Nhưng giữa lúc bấn loạn, tôi cũng có đọc bài Đêm Nghe Ma Hú cho Ngụy Ngữ và Vy Văn Cơ nghe... tôi nói nhiều về tập Du Sỹ Ca. Tôi thấy cần phải viết một thứ văn chương gì đó có thể say mê đọc trong những lúc tuyệt vọng nhất đời người, dù những lúc này chiếm một số thời gian khiêm tốn đối với một đời người. Tôi nghĩ tôi đã làm được, nhưng chưa tới đâu, thực sự chưa tới đâu. Với những cái tôi đã viết, đã in và chưa in, thực ra văn chương kim cổ cũng không vượt qua được rồi. Nhưng chưa tới đâu, còn chờ.”

   Vậy nên Phương Bối nghĩ những gì muốn viết, muốn nói trong giai đoạn này ông đã làm được, và sự chờ đợi của ông thật xứng đáng, vì hôm nay đứa con tinh thần, Thơ và Đá, đã ra đời. Không muộn màng! Ngần đó năm, tập thơ là bản thảo, có khi nào ông không thể nhớ nổi mình đã viết gì, và đã gồng mình như thế nào để sáng tạo nên nó. Như một đứa con yêu thương bị thất lạc, nay được gặp lại... Phải chăng hạnh phúc đang vỡ òa trong ông?

 

VB: Giữa cuộc sống đời thường và thi ca, Nguyễn Đức Sơn ở đâu? Ông có những gì mà người khác không có, hay không thể có?

 

NĐPB: Để trả lời câu này Phương Bối xin mạn phép nhắc lại câu trả lời đài BBC năm 2007, do ông Trần Tiến Dũng phỏng vấn:

   Trần Tiến Dũng: Thưa thi sĩ Sơn Núi, bây giờ ông đang ở đâu, đi đâu, đến đâu?

   Nguyễn Đức Sơn: Trịnh trọng quá nhưng được quá. Tôi đang ở đây, không phải Nga,Tàu, Mỹ, Pháp gì cả. Vui vẻ. Trong chảo lửa.  Nhưng chưa ca... bài ca con cá nó sống vì nước. Tuy vậy, thỉnh thoảng... điên đầu nghe đài RFA hay BBC gì gì đó của ông giới thiệu cái bản gì gì đó “đường tới vinh quang” với câu mở “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi... để ta khắc tên mình lên trời” của cái thằng xuẩn trí nào đó. Nhưng không sao, trước 75, tôi đã có một bài ngắn trong thi phẩm Tịnh Khẩu: “Tôi định một ngày nào đó thật thảnh thơi / Leo lên trời / Ỉa.”

   Phương Bối nghĩ ông không bao giờ tách biệt giữa cuộc sống đời thường và thi ca, cũng giống như ông không có sự phân biệt giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Với ông chỉ đơn giản nghệ thuật là nghệ thuật. Ông từng viết:

 

Nhờ sống giữa hai lằn đạn
Ta mạnh dạn hơn bao giờ hết
Vì ở đó sống và chết giao nhau
Cũng như sướng và đau các em ạ.

 

VB: Chị muốn nói gì thêm với độc giả và các bằng hữu Sơn Núi?

 

NĐPB: Lời cuối, Phương Bối xin cúi đầu cám ơn tất cả mọi người đã dành nhiều ưu ái, cũng như dành nhiều tình thương yêu đến với cha của Phương Bối trong lúc này. Hy vọng sự đột phá, đánh dấu này sẽ là động lực để mọi người giúp Phương Bối hoàn thành tiếp những gì còn sót lại. Đặc biệt là cái nắm tay của cô Dạ Thảo với Nguyễn Đức Sơn, lúc cha Phương Bối đang cơn thập tử nhất sinh, với một niềm tin mãnh liệt Sơn Núi sẽ tỉnh lại. Rồi bắt tay vào làm sách cho Sơn Núi với ngổn ngang câu chữ cho đến lúc thành sách. Thật nghẹt thở và sung sướng phải không cô Dạ Thảo? Kính chúc tất cả một mùa Xuân viên mãn.

 

Việt Báo

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bây giờ, mỗi lần đi coi hát, nhìn thấy những diễn viên thủ những vai phụ, tôi lại chợt nhớ đến Liêm. Tôi nhìn lên những diễn viên đó (những diễn viên mà suốt một vở tuồng chỉ xuất hiện vào khoảng độ mười phút trở lại) lòng se sắt một nỗi buồn. Hình ảnh của họ là hình ảnh của Liêm mười năm về trước. Cũng những vai trò tầm thường ấy, cũng những câu nói ngắn ngủi ấy, có khi là một vai lính hầu suốt buổi hát chỉ chờ để “Dạ” một tiếng thật lớn, có khi là một vai tướng cướp, một tên côn đồ hung dữ mà vở tuồng chưa qua khỏi màn đầu đã bị giết chết. Tôi nhìn họ, nghĩ đến những chiếc tàu nằm ở những ga hẻo lánh, suốt đời chỉ giữ có mỗi một nhiệm vụ là đẩy giúp những con tàu chính lên khỏi một đoạn đèo dốc. Ngày xưa, đã có lần tôi ví Liêm là chiếc đầu tàu xe lửa đó.Liêm với tôi quen nhau hết sức tình cờ. Ngày ấy tôi đi theo một đoàn hát cải lương lưu diễn quanh năm tại các tỉnh miền Bắc. Tôi giữ vai trò cũng không lấy gì làm quan trọng lắm trong đoàn hát này. Suốt ngày, tôi chỉ có một nhiệm vụ
Một buổi sáng nọ giữa tháng ba như mọi ngày người đàn ông gốc Việt cư ngụ nơi một thành phố miền Nam California ra khỏi nhà để đi bộ. Ông nhìn thấy một thế giới khác. Con đường không một bóng người qua lại. Xe cộ chỉ vài ba chiếc vụt qua rồi để lại một khoảng không trống rỗng. Thường ngày vào lúc đó con đường này đầy xe cộ và người đi bộ đưa trẻ em đến trường đi học. Hôm đó, ngay sau ngày, 19 tháng 3 năm 2020, Thống Đốc California ra lệnh người dân ở trong nhà và đóng cửa tất cả cơ sở kinh doanh không quan trọng, con đường này vắng hoe, im lặng, trống trải dị thường! Rồi những ngày sau đó, nhiều thành phố, nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ tuyên bố đóng cửa các cơ sở kinh doanh không quan trọng và những ai không có việc cần đi thì ở trong nhà. Nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện cùng những biện pháp để chận đứng đà lây lan nhanh chóng không thể tả của đại dịch COVID-19, vốn phát xuất từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ tháng 11 năm 2019. Cả thế giới chìm sâu vào kho
Chết tuy xa mà gần. Xa, vì chúng ta nghĩ rằng nó chỉ đến sau nầy mà thôi; gần vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chết là điều cầm chắc, nhưng lúc nào là điều không ai có thể tiên liệu trước được. Khi giờ ra đi đã đến rồi thì không một lời lẽ nào có thể thuyết phục bắt nó phải chờ được, không một quyền lực nào đẩy lùi được nó, không có tiền của nào mua chuộc được, cũng như không có một sắc đẹp nào có thể rù quến nó được hết.
Bước vào năm con chuột, tìm đề tài liên quan đến con giáp nầy trong văn chương cho Giai Phẩm Xuân Canh Tý 2020 báo Saigon Nhỏ, mỗi năm tìm đề tài con giáp thích ứng cho giai phẩm hơi khó vì cứ 12 năm lại xoay vần, có nhiều bài viết trong quá khứ nên khó nhất là tránh sự trùng hợp.
Đại dịch COVID-19 phát xuất từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ cuối năm 2019 đang hoành hành khắp thế giới gây khủng hoảng và lo sợ cho toàn thể nhân loại, với số lượng người bị lây và thiệt mạng vì vi khuẩn corona mỗi ngày mỗi gia tăng. Nhưng trong lịch sử của loài người đây không phải là cơn đại dịch đầu tiên mà đã nhiều lần xảy ra. Đặc biệt dấu vết và ấn tượng của những trận đại dịch kinh hoàng này vẫn còn nằm trong những tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới từ thi hào Hy Lạp Homer thời cổ đại cho đến nhà văn Stephen King thời hiện đại. Trong nền văn học Tây Phương, từ sử thi Iliad của thi hào Homer trong thời cổ đại Hy Lạp và tuyển tập truyện Decameron của văn hào người Ý Giovanni Boccaccio trong thế kỷ 14 đến cuốn tiểu thuyết The Stand được xuất bản năm 1978 của nhà văn người Mỹ Stephen King và tiểu thuyết khoa học giả tưởng Severance được xuất bản năm 2018 của nữ văn sĩ người Mỹ gốc Tàu Ling Ma, tất cả đều có nói đến các trận đại dịch toàn cầu,
Chiếc áo đầu tiên quý giá nhất trong gia đình tôi là một chiếc “áo Vua ban.” Hồi ấy, ba tôi làm nghề cạo giấy và mẹ tôi buôn bán theo lối tài tử. Bà làm nghề mách mối mua bán đồ cổ. Ngoài ra, bà còn vác máy ảnh đi chụp cho các bà Hoàng, bà Chúa, bà Phi, bà Tần trong cung cấm. Nghề mách mối đồ cổ là một nghề rất nhàn. Bà chỉ việc diện bảnh, rẽ đường ngôi cho thẳng, bôi dầu dừa bóng loáng và thơm nức lên; chiếc quần cũng được là thẳng và xếp thành nếp, gọi là “xếp con”, năm con, bảy con gì đấy cho ra vẻ quý phái. Ăn mặc tề chỉnh như thế, bà chỉ việc đến nhà các mệnh phụ, công nương, ngồi lê đôi mách một vài buổi. Thế là “mệ” nào muốn bán cái gì, cụ nào muốn mua cái gì, mẹ tôi biết rõ cả. Bà chỉ việc vắt vẻo ngồi lên chiếc xe tay nhà, chạy đi chạy lại một vài lần, là kẻ mua người bán đều vui vẻ. Nghề chụp ảnh mấy chục năm về trước còn là một nghề rất mới mẻ, nhất là đối với các mệ, các bà Phi, Tần không thể ra ngoài phố tự do như người thường. Mẹ tôi: được các bà hoan nghênh vô cùng.
Giống như biến cố sụp đổ Bức Tường Bá Linh hay sự sụp đổ của công ty tài chánh toàn cầu Lehman Brothers, đại dịch vi khuẩn corona là sự kiện làm tan nát thế giới mà các hậu quả lâu dài của nó chúng ta chỉ có thể bắt đầu hình dung hôm nay, theo bài bình luận của nhiều nhân vật được đăng trên trang mạng www.foreignpolicy.com vào ngày 20 tháng 3 năm 2020 cho thấy. Điều rất chắc chắn rằng là cơn đại dịch này ngoài việc làm đổ vỡ cuộc sống, làm gián đoạn các thị trường và phô lộ ra năng lực của các chính phủ, nó còn dẫn tới nhiều thay đổi vĩnh viễn trong quyền lực chính trị và kinh tế theo những cách sẽ hiển nhiên về sau này. Sau đây là một số nhận định và tiên đoán từ những nhà chiến lược hàng đầu trên thế giới đối với trật tự toàn cầu sau đại dịch corona. Một thế giới ít cởi mở, ít thịnh vượng và ít tự do hơn. Theo Stephen M. Walt, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại Học Harvard, cho rằng đại dịch corona sẽ củng cố chủ nghiã quốc gia và chủ nghĩa dân tộc.
Cách đây hai hôm (Chủ Nhật 28/9/2020), trang mạng Diễn Đàn Thế Kỷ có đăng hai bài viết đặc biệt liên quan đến Đại Dịch, bài Nguyễn Du – Homère và Bệnh Dịch của Phạm Trọng Chánh, và Đại Dịch COVID – 19 của Trịnh Y Thư. Trong bài của Phạm Trọng Chánh, phần sau có nhắc đến trận dịch tể xẩy ra từ thời cổ đại qua sử thi của thi hào Homère trong trường ca Iliad. Cả 1100 chiến thuyền và 100,000 quân sĩ vây quanh thành Troie bị thiệt mạng vì trận dịch kinh hồn. Phần trước chỉ ngắn ngủi mấy câu lại gây xúc động nơi tôi hơn khi nói đến trận dịch gây nên cái chết của thi hào Nguyễn Du của chúng ta.
Sáng tạo nghệ thuật trong suốt tập thơ dầy 338 trang gồm 123 bài, Trần Yên Hòa đã hình dung được hình tượng, phác họa ra chữ nghĩa vọng âm như một tiếng thở dài. Bài thơ Khúc Tôi mở đầu trang thơ cho tới bài Tạ ở cuối tập, đã là một tiếng thở dài.
Nhà văn Ngô Thế Vinh sinh năm 1941 tại Thanh Hoá, nguyên quán Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1968, từng là tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh viên “Tình Thương” của trường Y khoa Sài Gòn từ 1964 tới 1967. Khi gia nhập quân đội VNCH, ban đầu Ngô Thế Vinh làm bác sĩ quân y của Liên đoàn 81 Biệt cách Dù. Sau đó ông đi tu nghiệp ngành Y khoa Phục hồi tại Hoa Kỳ, về nước ông làm việc tại Trường Quân Y Sài Gòn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.