Hôm nay,  

Nguyễn Đức Phương Bối Nói Về Nguyễn Đức Sơn

20/12/201910:05:00(Xem: 4288)

 

NDS_ son dau DC 1989

 

Lời tòa soạn: Những câu thơ dị thường viết bởi một thi sĩ dị thường! Đó là lời giới thiệu cho tập thơ Thơ và Đá của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, do NXB Văn Học Press phối hợp với tổ chức Culture Art Education Resource xuất bản và phát hành tháng 12 năm 2019.  Nhân dịp này Việt Báo hân hạnh được trao đổi đôi lời với cô Nguyễn Đức Phương Bối, ái nữ của nhà thơ. (Hiện nay chị Phương Bối vẫn sinh sống tại Việt Nam, trên mảnh đất do chính nhà thơ gầy dựng từ sau cuộc đổi đời 1975.) Dưới đây là nội dung cuộc nói chuyện.

 

Việt Báo (VB): Trước hết xin chị cho độc giả cùng các bằng hữu xa gần biết vài thông tin về tình trạng sức khỏe hiện nay (cuối 2019) của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn.

 

Nguyễn Đức Phương Bối (NĐPB): Đầu tiên xin gởi lời biết ơn vô vàn đến Văn Học Press và tổ chức Cultre Art Education Resource đã phối hợp cho xuất bản và phát hành tập thơ Thơ và Đá nhân dịp Tết đến Xuân về. Và hơn hết là Thơ và Đá ra đời vào lúc nhà thơ Nguyễn Đức Sơn  đang còn tại thế. Ngoài ra nó đánh dấu sự trở lại của Sơn Núi sau hơn 50 năm im lặng. Hiện tại vì tuổi già sức yếu khiến ông không thể  đi lại, khó khăn trong giao tiếp, và ông không nhìn thấy gì nữa. Tuy nhiên, sức khỏe ông bây giờ không có gì nguy hiểm sau những cơn bạo bệnh. Ông luôn được vợ và các con chăm sóc chu đáo. Có lẽ, ngoài nghị lực sống phi thường của ông, cùng với sự quan tâm thăm hỏi của bạn bè gần xa, trong và ngoài giới văn chương, cũng là một sức mạnh tinh thần cho ông và gia đình. Nên hiện giờ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn vẫn đang tịnh dưỡng  trên núi đồi Phương Bối.

 

VB: Cuộc đời của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn được nhìn bởi nhiều người – trong cũng như ngoài giới văn chương – như một huyền thoại. Khốc liệt và dị thường. Chị có thể nói gì thêm về tính cách và con người của nhà thơ? Có thể nói Nguyễn Đức Sơn là con người lập dị được không? Chính xác nhất là gì?

 

NĐPB: Cá nhân Phương Bối nghĩ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không lập dị. Thiết nghĩ ông sống quá đỗi bình thường trong cái tự nhiên bao la của đất trời. Cái lập dị mà anh đưa ra có chăng là ông sống quá thật. Thật như chính con người ông vậy!

   Chính xác là ông sống rất thực.

   Theo Phương Bối, để có suy nghĩ như thế thì chính đời sống khốc liệt và hạnh phúc tràn bờ mà ông từng nếm trải đã làm nên tính cách và con người của ông. Vâng, có thể nói thơ ông khốc liệt và dị thường, nhưng với Phương Bối như vậy vẫn chưa đủ vì trong cái khốc liệt và dị thường nó vẫn ẩn chứa những nỗi niềm trăn trở của kiếp sống nhân sinh, niềm hạnh phúc, nhưng tuyệt đối không bi lụy. Điều đó được thể hiện trong những câu thơ sau:

 

Ngày mai núi cũ tôi về
Dĩ nhiên hạnh phúc tràn trề em ơi
Thơ bay tự cổ ngút trời
Quanh năm đảm bảo một trời tuyết mây
Cớ sao đãng tử bậc thầy
Hỏi ra từ đá tới cây lắc đầu…

 

Riêng về Phương Bối, trong suốt thời gian sống với cha, ngoài một con người nhạy cảm với tình thương sâu sắc, ông còn là hiện thân của một tâm hồn cô độc mênh mông mà nó được thể hiện ít nhiều qua những câu thơ:

 

Mai sau này chỗ tôi nằm
Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru…

 

Kế đến:

 

Nếu mai kia có người hiểu nổi
Cõi hồn ta chừng một phần trăm
Chắc khi đó mây cũng thôi bay
Gió mù khơi cũng ngừng thổi
Và đất trời cũng hết lạnh căm
Đời dẫu vui ta cũng kiếm chỗ nằm…

 

Vâng, biết bao giờ mây mới thôi bay, gió mới ngừng thổi? Hiểu rõ vậy nên ông đã chọn cách chấp nhận sống lặng lẽ trong thế giới của mình.

 

VB: Phải chăng những bài thơ in trong tập Thơ và Đá chưa được phổ biến ở bất cứ đâu,và ước nguyện của nhà thơ là sẽ có ngày những bài thơ đó đến tay người đọc, dù muộn màng. Chị có thể nói gì về nỗi niềm của nhà thơ trăn trở suốt bấy nhiêu năm, từ sau 1975 đến nay, với một ước nguyện mãi không thành cho đến bây giờ.

 

NĐPB: Có thể nói hầu hết những bài thơ in trong tập Thơ và Đá chưa từng được in bất cứ  đâu, duy chỉ có vài bài được phổ biến trên mạng đây đó. Phương Bối muốn nói thêm một chút về phần “Thơ và Đá” trong tập thơ, sáng tác lúc ông ở Quân cảnh Tư pháp Blao, và để viết những bài này thì mẹ của Phương Bối đã phải bất chấp nguy hiểm bằng cách giấu từng ngòi bút, từng mẩu giấy vào lai quần để đưa vào lúc thăm nuôi, sau đó về tự tay mẹ chép lại vô nhật ký. Phương Bối xin trích một đoạn ngắn nhật ký những ngày mới vào tù: “Quân Cảnh Tư Pháp Blao, ngày 26 tháng 8 năm 1972: Giữa trưa tôi lại rơi vào cơn khủng hoảng mạnh mẽ, chỉ muốn tự tử, chiều xuống lòng tôi dịu lại. Nhưng giữa lúc bấn loạn, tôi cũng có đọc bài Đêm Nghe Ma Hú cho Ngụy Ngữ và Vy Văn Cơ nghe... tôi nói nhiều về tập Du Sỹ Ca. Tôi thấy cần phải viết một thứ văn chương gì đó có thể say mê đọc trong những lúc tuyệt vọng nhất đời người, dù những lúc này chiếm một số thời gian khiêm tốn đối với một đời người. Tôi nghĩ tôi đã làm được, nhưng chưa tới đâu, thực sự chưa tới đâu. Với những cái tôi đã viết, đã in và chưa in, thực ra văn chương kim cổ cũng không vượt qua được rồi. Nhưng chưa tới đâu, còn chờ.”

   Vậy nên Phương Bối nghĩ những gì muốn viết, muốn nói trong giai đoạn này ông đã làm được, và sự chờ đợi của ông thật xứng đáng, vì hôm nay đứa con tinh thần, Thơ và Đá, đã ra đời. Không muộn màng! Ngần đó năm, tập thơ là bản thảo, có khi nào ông không thể nhớ nổi mình đã viết gì, và đã gồng mình như thế nào để sáng tạo nên nó. Như một đứa con yêu thương bị thất lạc, nay được gặp lại... Phải chăng hạnh phúc đang vỡ òa trong ông?

 

VB: Giữa cuộc sống đời thường và thi ca, Nguyễn Đức Sơn ở đâu? Ông có những gì mà người khác không có, hay không thể có?

 

NĐPB: Để trả lời câu này Phương Bối xin mạn phép nhắc lại câu trả lời đài BBC năm 2007, do ông Trần Tiến Dũng phỏng vấn:

   Trần Tiến Dũng: Thưa thi sĩ Sơn Núi, bây giờ ông đang ở đâu, đi đâu, đến đâu?

   Nguyễn Đức Sơn: Trịnh trọng quá nhưng được quá. Tôi đang ở đây, không phải Nga,Tàu, Mỹ, Pháp gì cả. Vui vẻ. Trong chảo lửa.  Nhưng chưa ca... bài ca con cá nó sống vì nước. Tuy vậy, thỉnh thoảng... điên đầu nghe đài RFA hay BBC gì gì đó của ông giới thiệu cái bản gì gì đó “đường tới vinh quang” với câu mở “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi... để ta khắc tên mình lên trời” của cái thằng xuẩn trí nào đó. Nhưng không sao, trước 75, tôi đã có một bài ngắn trong thi phẩm Tịnh Khẩu: “Tôi định một ngày nào đó thật thảnh thơi / Leo lên trời / Ỉa.”

   Phương Bối nghĩ ông không bao giờ tách biệt giữa cuộc sống đời thường và thi ca, cũng giống như ông không có sự phân biệt giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Với ông chỉ đơn giản nghệ thuật là nghệ thuật. Ông từng viết:

 

Nhờ sống giữa hai lằn đạn
Ta mạnh dạn hơn bao giờ hết
Vì ở đó sống và chết giao nhau
Cũng như sướng và đau các em ạ.

 

VB: Chị muốn nói gì thêm với độc giả và các bằng hữu Sơn Núi?

 

NĐPB: Lời cuối, Phương Bối xin cúi đầu cám ơn tất cả mọi người đã dành nhiều ưu ái, cũng như dành nhiều tình thương yêu đến với cha của Phương Bối trong lúc này. Hy vọng sự đột phá, đánh dấu này sẽ là động lực để mọi người giúp Phương Bối hoàn thành tiếp những gì còn sót lại. Đặc biệt là cái nắm tay của cô Dạ Thảo với Nguyễn Đức Sơn, lúc cha Phương Bối đang cơn thập tử nhất sinh, với một niềm tin mãnh liệt Sơn Núi sẽ tỉnh lại. Rồi bắt tay vào làm sách cho Sơn Núi với ngổn ngang câu chữ cho đến lúc thành sách. Thật nghẹt thở và sung sướng phải không cô Dạ Thảo? Kính chúc tất cả một mùa Xuân viên mãn.

 

Việt Báo

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một nhà thơ khi sáng tác, thường là từ cảm xúc riêng. Có khi ngồi lặng lẽ nửa khuya, có khi lặng lẽ nhìn ra suối hay góc rừng, và có khi chợt thức dậy lúc rạng sáng và nhớ tới một vấn đề… Làm thơ là ngồi một mình với chữ nghĩa, đối diện trang giấy trắng và nhìn vào tâm hồn mình. Trên nguyên tắc, không ai làm thơ với “hai mình” hay nhiều người.
Bây giờ đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi.
Cô đơn có lẽ là chất liệu sung mãn nhất cho sự sáng tác của những ngưởi cầm bút. Khi viết, người cầm bút sống trọn vẹn trong thế giới của riêng mình. Họ không muốn bất cứ ai, bất cứ điều gì, bất cứ ngoại cảnh nào chi phối hay có thể lôi kéo họ ra khỏi cái thế giới sáng tạo đầy hứng thú mà họ đang bơi lội trong đó. Càng say mê viết họ càng lặn sâu vào cõi cô đơn. Nỗi cô đơn càng mãnh liệt bao nhiêu thì sự sáng tạo của người cầm bút càng độc đáo bấy nhiêu. Trong cô đơn cùng cực thì sự sáng tạo mới đủ sức để khai sinh ra được đứa con tinh thần độc đáo mang thể chất nguyên vẹn của chính nhà văn mà không phải là phó sản của bất cứ từ đâu khác. Ernest Hemingway là loại người như thế. Đặc biệt khi ông viết cuốn tiểu thuyết “The Old Man and The Sea” [Ông Lão và Biển Cả], mà ở VN trước năm 1975 hai nhà văn nữ Phùng Khánh và Phùng Thăng đã dịch sang tiếng Việt với tựa để “Ngư Ông và Biển Cả.” Ernest Miller Hemingway sinh ngày 21 tháng 7 năm 1899. Ông là ký giả, tiểu thuyết gia, người viết truyện
Nguyên ngồi lặng yên nhìn Yến. Nỗi thắc mắc về người đàn ông đứng nói chuyện với nàng vẫn còn là một ám ảnh dằng dai, ấm ức. Chàng thấy khó hỏi thẳng. Giá hắn ta cùng trạc tuổi chàng (hoặc lớn hơn, hoặc nhỏ hơn đôi chút) nhìn cách nói nói chuyện, chàng còn có thể đo lường được mức độ thân mật giữa hai người. Lại giá hắn ta cứ già như thế, nhưng có một bề ngoài bảnh bao, lịch thiệp, cử chỉ chững chạc, đàng hoàng, dầu sao cũng vẫn còn là một điều dễ chịu cho chàng trong việc ước đoán mối liên hệ tình cảm giữa nàng và hắn (nếu hắn thuộc hạng người như thế, Nguyên có đủ lý do để tỏ lộ mối nghi ngờ một cách thẳng thắn mà không ngại làm Yến phật lòng). Đằng này hắn không giống bất cứ người đàn ông nào vào loại đó để có thể nghi được là người tình của Yến. Mái tóc đã lấm tấm ít sợi bạc, bôi dầu bóng nhẫy, hai bên ép sát vào da đầu, lượn một cách rất khéo về phía sau. Nước da xanh mét như một người nghiện thiếu thuốc lâu ngày
Theo dòng thời gian, từ trước công nguyên cho đến nay, nhiều nước trên thế giới đã từng xảy ra nội chiến (civil war - chiến tranh trong nước), những cuộc nội chiến đó trong quá khứ thường được nhắc đến trong những bài học lịch sử. Lịch sử nước ta thời Đại Việt cũng trải qua vài giai đoạn như nội chiến Nam Bắc triều (1533-1677) giữa nhà Mạc và nhà Hậu Lê. Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1775) giữa chúa Trịnh ở phía Bắc sông Gianh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn ở miền Nam (Đàng Trong). Chiến tranh Tây Sơn - Chúa Nguyễn (1771-1785 và 1787-1802). Nguyễn Huệ (1753-1792) đánh Nam dẹp Bắc, lên ngôi Quang Trung Đại Đế nhưng chết khi còn trẻ, nhà Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820), tiến hành cuộc chiến, thống nhất sơn hà, năm 1802, lên ngôi Gia Long Hoàng Đế, quốc hiệu Việt Nam, chấm dứt cuộc nội chiến tranh kéo dài gần 270 năm.
Trăng 14 lẻn nhẹ vào thiền đường. Mắt khép hờ mà hành giả vẫn thấy rõ. Nhưng trăng ngây thơ, tưởng sẽ đùa như trẻ nhỏ khi vờn lên vạt áo tràng nâu làm hành giả giật mình, để trăng khúc khích cười. Thôi được, giả như không thấy mà tạo niềm vui thì có sao đâu, nhất là niềm vui này lại tặng ánh trăng, đối tượng tri kỷ thường cùng tọa thiền những đêm tĩnh lặng. Đêm nay 14 nên trăng tỏ. Vạt áo nâu loang loáng ánh trăng tưởng như đang muốn lao xao múa hát. Trăng và áo đồng lõa, lay động những ngón tay đang đặt lên nhau. Hương từ bụi dạ lý bên cửa sổ cũng nhập cuộc, cùng “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Tất cả chợt quyện vào nhau: Hành giả, trăng, hương dạ lý, cùng vỗ đôi cánh nâu, nhịp nhàng theo một cung bực.
Vì quen nếp sống thanh đạm, gia dĩ lại sống một mình nên ít lo sinh kế, hằng ngày thường hay đọc sách, da dẻ trắng trẻo xanh xao, mình gầy vóc hạc. Lại luôn luôn mục kích sự tàn bạo của đám phú nông mà tâm sự ủ ê lộ ra ở đôi mày hay nhíu, miệng có cười, cũng héo hắt không vui. Tính vốn ít nói, trong chốn giao du lại cố tình giữ trọn cái nghĩa nước nhạt của người nước Lỗ, cho nên lắm khi cả ngày không lên tiếng một câu, hàng tháng biếng bước chân ra khỏi cổng. Họa hoằn thao thao bất tuyệt, là lúc đối diện một người hiểu biết. Những lúc đó, Đỗ thường ngửa mặt lên trời mà than thời thế hoặc tác sắc đập bàn luận đàm quốc sự đến bỏ cả cơm. Tuổi đã lớn Đỗ vẫn sống một mình, không nghĩ tới việc vợ con. Con gái trong vùng có trêu ghẹo tỏ tình thì đỏ mặt ngoảnh đi. Người trong họ đôi khi gợi việc trăm năm mối lái, thì xốc áo, nghiêm nét mặt mà không tiếp chuyện.
Ngày 4 tháng 7 hằng năm là ngày Lễ Độc Lập của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Tài liệu lịch sử cho thấy, ngày 4 tháng 7 năm 1776, Quốc Hội Hoa Kỳ lúc đó có tên là Second Continental Congress đã họp tại tòa nhà Quốc Hội tại Pennsylvania mà ngày nay gọi là Independence Hall tại thành phố Philadelphia thuộc tiểu bang Pennsylvania đã công bố bản Tuyên Ngôn Độc Lập để chính thức tuyên bố Hoa Kỳ thoát khỏi chế độ thuộc địa của Anh Quốc, theo www.en.wikipedia.org. Qua việc công bố Tuyên Ngôn Độc Lập, 13 tiểu bang tại Hoa Kỳ tiến tới việc thành lập Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập được ký bởi các đại diện từ 13 tiểu bang, gồm New Hampshire, Massachusetts Bay, Rhode Island, Connecticut, New York, New Jersey, Pennsylvania, Maryland, Delaware, Virginia, North Carolina, South Carolina, và Georgia. Quốc Hội đã lập Ủy Ban 5 Người (Committee of Five) để viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập, gồm John Adams từ Massachusetts, Benjamin Franklin từ Pennsylvania, Roger Sherman từ Connecticut,