Hôm nay,  

Nguyễn Đức Phương Bối Nói Về Nguyễn Đức Sơn

20/12/201910:05:00(Xem: 4285)

 

NDS_ son dau DC 1989

 

Lời tòa soạn: Những câu thơ dị thường viết bởi một thi sĩ dị thường! Đó là lời giới thiệu cho tập thơ Thơ và Đá của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, do NXB Văn Học Press phối hợp với tổ chức Culture Art Education Resource xuất bản và phát hành tháng 12 năm 2019.  Nhân dịp này Việt Báo hân hạnh được trao đổi đôi lời với cô Nguyễn Đức Phương Bối, ái nữ của nhà thơ. (Hiện nay chị Phương Bối vẫn sinh sống tại Việt Nam, trên mảnh đất do chính nhà thơ gầy dựng từ sau cuộc đổi đời 1975.) Dưới đây là nội dung cuộc nói chuyện.

 

Việt Báo (VB): Trước hết xin chị cho độc giả cùng các bằng hữu xa gần biết vài thông tin về tình trạng sức khỏe hiện nay (cuối 2019) của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn.

 

Nguyễn Đức Phương Bối (NĐPB): Đầu tiên xin gởi lời biết ơn vô vàn đến Văn Học Press và tổ chức Cultre Art Education Resource đã phối hợp cho xuất bản và phát hành tập thơ Thơ và Đá nhân dịp Tết đến Xuân về. Và hơn hết là Thơ và Đá ra đời vào lúc nhà thơ Nguyễn Đức Sơn  đang còn tại thế. Ngoài ra nó đánh dấu sự trở lại của Sơn Núi sau hơn 50 năm im lặng. Hiện tại vì tuổi già sức yếu khiến ông không thể  đi lại, khó khăn trong giao tiếp, và ông không nhìn thấy gì nữa. Tuy nhiên, sức khỏe ông bây giờ không có gì nguy hiểm sau những cơn bạo bệnh. Ông luôn được vợ và các con chăm sóc chu đáo. Có lẽ, ngoài nghị lực sống phi thường của ông, cùng với sự quan tâm thăm hỏi của bạn bè gần xa, trong và ngoài giới văn chương, cũng là một sức mạnh tinh thần cho ông và gia đình. Nên hiện giờ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn vẫn đang tịnh dưỡng  trên núi đồi Phương Bối.

 

VB: Cuộc đời của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn được nhìn bởi nhiều người – trong cũng như ngoài giới văn chương – như một huyền thoại. Khốc liệt và dị thường. Chị có thể nói gì thêm về tính cách và con người của nhà thơ? Có thể nói Nguyễn Đức Sơn là con người lập dị được không? Chính xác nhất là gì?

 

NĐPB: Cá nhân Phương Bối nghĩ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không lập dị. Thiết nghĩ ông sống quá đỗi bình thường trong cái tự nhiên bao la của đất trời. Cái lập dị mà anh đưa ra có chăng là ông sống quá thật. Thật như chính con người ông vậy!

   Chính xác là ông sống rất thực.

   Theo Phương Bối, để có suy nghĩ như thế thì chính đời sống khốc liệt và hạnh phúc tràn bờ mà ông từng nếm trải đã làm nên tính cách và con người của ông. Vâng, có thể nói thơ ông khốc liệt và dị thường, nhưng với Phương Bối như vậy vẫn chưa đủ vì trong cái khốc liệt và dị thường nó vẫn ẩn chứa những nỗi niềm trăn trở của kiếp sống nhân sinh, niềm hạnh phúc, nhưng tuyệt đối không bi lụy. Điều đó được thể hiện trong những câu thơ sau:

 

Ngày mai núi cũ tôi về
Dĩ nhiên hạnh phúc tràn trề em ơi
Thơ bay tự cổ ngút trời
Quanh năm đảm bảo một trời tuyết mây
Cớ sao đãng tử bậc thầy
Hỏi ra từ đá tới cây lắc đầu…

 

Riêng về Phương Bối, trong suốt thời gian sống với cha, ngoài một con người nhạy cảm với tình thương sâu sắc, ông còn là hiện thân của một tâm hồn cô độc mênh mông mà nó được thể hiện ít nhiều qua những câu thơ:

 

Mai sau này chỗ tôi nằm
Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru…

 

Kế đến:

 

Nếu mai kia có người hiểu nổi
Cõi hồn ta chừng một phần trăm
Chắc khi đó mây cũng thôi bay
Gió mù khơi cũng ngừng thổi
Và đất trời cũng hết lạnh căm
Đời dẫu vui ta cũng kiếm chỗ nằm…

 

Vâng, biết bao giờ mây mới thôi bay, gió mới ngừng thổi? Hiểu rõ vậy nên ông đã chọn cách chấp nhận sống lặng lẽ trong thế giới của mình.

 

VB: Phải chăng những bài thơ in trong tập Thơ và Đá chưa được phổ biến ở bất cứ đâu,và ước nguyện của nhà thơ là sẽ có ngày những bài thơ đó đến tay người đọc, dù muộn màng. Chị có thể nói gì về nỗi niềm của nhà thơ trăn trở suốt bấy nhiêu năm, từ sau 1975 đến nay, với một ước nguyện mãi không thành cho đến bây giờ.

 

NĐPB: Có thể nói hầu hết những bài thơ in trong tập Thơ và Đá chưa từng được in bất cứ  đâu, duy chỉ có vài bài được phổ biến trên mạng đây đó. Phương Bối muốn nói thêm một chút về phần “Thơ và Đá” trong tập thơ, sáng tác lúc ông ở Quân cảnh Tư pháp Blao, và để viết những bài này thì mẹ của Phương Bối đã phải bất chấp nguy hiểm bằng cách giấu từng ngòi bút, từng mẩu giấy vào lai quần để đưa vào lúc thăm nuôi, sau đó về tự tay mẹ chép lại vô nhật ký. Phương Bối xin trích một đoạn ngắn nhật ký những ngày mới vào tù: “Quân Cảnh Tư Pháp Blao, ngày 26 tháng 8 năm 1972: Giữa trưa tôi lại rơi vào cơn khủng hoảng mạnh mẽ, chỉ muốn tự tử, chiều xuống lòng tôi dịu lại. Nhưng giữa lúc bấn loạn, tôi cũng có đọc bài Đêm Nghe Ma Hú cho Ngụy Ngữ và Vy Văn Cơ nghe... tôi nói nhiều về tập Du Sỹ Ca. Tôi thấy cần phải viết một thứ văn chương gì đó có thể say mê đọc trong những lúc tuyệt vọng nhất đời người, dù những lúc này chiếm một số thời gian khiêm tốn đối với một đời người. Tôi nghĩ tôi đã làm được, nhưng chưa tới đâu, thực sự chưa tới đâu. Với những cái tôi đã viết, đã in và chưa in, thực ra văn chương kim cổ cũng không vượt qua được rồi. Nhưng chưa tới đâu, còn chờ.”

   Vậy nên Phương Bối nghĩ những gì muốn viết, muốn nói trong giai đoạn này ông đã làm được, và sự chờ đợi của ông thật xứng đáng, vì hôm nay đứa con tinh thần, Thơ và Đá, đã ra đời. Không muộn màng! Ngần đó năm, tập thơ là bản thảo, có khi nào ông không thể nhớ nổi mình đã viết gì, và đã gồng mình như thế nào để sáng tạo nên nó. Như một đứa con yêu thương bị thất lạc, nay được gặp lại... Phải chăng hạnh phúc đang vỡ òa trong ông?

 

VB: Giữa cuộc sống đời thường và thi ca, Nguyễn Đức Sơn ở đâu? Ông có những gì mà người khác không có, hay không thể có?

 

NĐPB: Để trả lời câu này Phương Bối xin mạn phép nhắc lại câu trả lời đài BBC năm 2007, do ông Trần Tiến Dũng phỏng vấn:

   Trần Tiến Dũng: Thưa thi sĩ Sơn Núi, bây giờ ông đang ở đâu, đi đâu, đến đâu?

   Nguyễn Đức Sơn: Trịnh trọng quá nhưng được quá. Tôi đang ở đây, không phải Nga,Tàu, Mỹ, Pháp gì cả. Vui vẻ. Trong chảo lửa.  Nhưng chưa ca... bài ca con cá nó sống vì nước. Tuy vậy, thỉnh thoảng... điên đầu nghe đài RFA hay BBC gì gì đó của ông giới thiệu cái bản gì gì đó “đường tới vinh quang” với câu mở “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi... để ta khắc tên mình lên trời” của cái thằng xuẩn trí nào đó. Nhưng không sao, trước 75, tôi đã có một bài ngắn trong thi phẩm Tịnh Khẩu: “Tôi định một ngày nào đó thật thảnh thơi / Leo lên trời / Ỉa.”

   Phương Bối nghĩ ông không bao giờ tách biệt giữa cuộc sống đời thường và thi ca, cũng giống như ông không có sự phân biệt giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Với ông chỉ đơn giản nghệ thuật là nghệ thuật. Ông từng viết:

 

Nhờ sống giữa hai lằn đạn
Ta mạnh dạn hơn bao giờ hết
Vì ở đó sống và chết giao nhau
Cũng như sướng và đau các em ạ.

 

VB: Chị muốn nói gì thêm với độc giả và các bằng hữu Sơn Núi?

 

NĐPB: Lời cuối, Phương Bối xin cúi đầu cám ơn tất cả mọi người đã dành nhiều ưu ái, cũng như dành nhiều tình thương yêu đến với cha của Phương Bối trong lúc này. Hy vọng sự đột phá, đánh dấu này sẽ là động lực để mọi người giúp Phương Bối hoàn thành tiếp những gì còn sót lại. Đặc biệt là cái nắm tay của cô Dạ Thảo với Nguyễn Đức Sơn, lúc cha Phương Bối đang cơn thập tử nhất sinh, với một niềm tin mãnh liệt Sơn Núi sẽ tỉnh lại. Rồi bắt tay vào làm sách cho Sơn Núi với ngổn ngang câu chữ cho đến lúc thành sách. Thật nghẹt thở và sung sướng phải không cô Dạ Thảo? Kính chúc tất cả một mùa Xuân viên mãn.

 

Việt Báo

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Quán sát bản chất của thời gian là để giải thoát tri kiến, vượt khỏi những buộc ràng của vọng chấp si mê, đạt được niềm an vui tĩnh tại nội tâm giữa một thế giới biến động, bất an, bất toàn. Quán sát như thế không phải để lìa xa cuộc đời, mà chính là để có thể sống thật và an nhiên với cuộc đời không thật.
… Qua một tấm màn quá khứ của nhiều thập niên, bạn trở lại như một kẻ đang chơi trò cút bắt với tôi. Bạn đứng đâu đó tôi không thấy. Nhưng bạn đã vén cái bức màn sờn cũ ấy để tôi nhìn lại tôi xưa. Và thêm một tương quan giữa bạn với một người tôi cũng chưa hề gặp mặt, làm tôi nao lòng thao thiết nhớ về những ngày có thể nói với tôi là những ngày tươi đẹp nhất. Ngày biết mê đắm một tiếng nói, một câu văn. -- Đặng Mai Lan
Nhà văn Ngô Thế Vinh viết về Dohamide [1934-2021], một học giả uyên bác người Chàm, có công rất lớn trong việc tìm hiểu và đánh giá lại lịch sử, văn hóa dân tộc Chàm. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Sau gần 2 năm đại dịch với biết bao mất mát và đau thương cộng với những hạn chế sinh hoạt, Lễ Trao Giải VVNM năm nay trở thành cơ hội quý giá cho sự họp mặt, thăm hỏi, hàn huyên tâm sự trong không khí vui tươi, nhộn nhịp và thân tình.
Đại Tạng Kinh nói cho đủ là kho tàng chứa đựng Tam Tạng Giáo Điển Phật Giáo gồm Kinh, Luật và Luận, mà tiếng Bắc Phạn (Sanskrit) gọi là Tripiṭaka và tiếng Nam Phạn (Pali) gọi là Tipiṭaka. Kinh là những lời dạy của Đức Phật hay của các vị đệ tử của Đức Phật đã trùng tuyên lại lời Phật dạy và được Đức Phật xác chứng. Luật là những giới luật được Đức Phật đặt ra để giúp chúng đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài nhiếp thọ thân khẩu ý trong đời sống hàng ngày để làm tăng trưởng đạo lực giải thoát và giác ngộ. Luận là những giải thích để làm rõ hơn lời Phật dạy trong Kinh và các giới luật do Phật chế ra. Thời Đức Phật còn tại thế tất cả những lời Ngài dạy về Kinh và Luật (thời kỳ này chưa có Luận) đều được chúng đệ tử của Ngài ghi nhớ thuộc lòng mà chưa được viết thành văn. Vào mùa an cư kiết hạ đầu tiên sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn (544 năm trước tây lịch), Đệ tử lớn của Đức Phật là Tôn Giả Đại Ca Diếp (Mahākāśyapa) đã chủ trì một cuộc kết tập Kinh điển lần đầu tiên tại Thành Vương Xá
Hồ Xuân Hương tên thật là Hồ Phi Mai, đó là lý do khiến Tốn Phong trong 31 bài thơ tặng Xuân Hương, đã có 29 bài nhắc đến Mai, có bài nhắc đến hai ba lần. Hồ Phi Mai hiệu là Xuân Hương, hoa mai bay trên hồ nơi ngắm cảnh xuân, Mai là hương hoa mùa xuân.
Đôi khi, có người tự hỏi, mình có tài, tại sao không có danh vọng phù hợp? Có thể vì không gặp thời, chuyện này hiếm hoi. Có thể vì không phát huy tài năng đúng mức. Có thể vì tưởng lầm mình có tài. Từ một tài năng có thật, biến thành hiệu quả để có danh vọng xứng đáng, đòi hỏi một hành trình tuy ngắn ngủi từ trí não đến hai bàn tay, nhưng xa vời như đường đi từ trái đất lên đến mặt trời. Nhưng trước hết, làm sao biết mình có tài hay không? Hỏi mẹ vợ, mẹ chồng, thì rõ.
Đã có những cuộc tình sôi nổi, mặn nồng lúc ban đầu, thề sống chết bên nhau đời này đời sau, muôn đời sau, nhưng rồi sự cảm thụ và ý tưởng của mỗi người thay đổi dần theo thời gian, tuổi tác. Sắc tàn, chí hao, có người muốn tìm những gì mới lạ, khích động hơn; lại có người nhìn ra những phai tàn trong đời sống, chỉ muốn an thân tịnh dưỡng, buông bỏ tất cả, quay về với chính mình… “Có chút tình thoảng như gió vội, tôi chợt nhìn ra tôi”
Nổi tiếng quốc tế như một người viết tiểu thuyết, và cũng nổi tiếng như một Thiền sư, Ruth Ozeki có một văn phong riêng, trộn lẫn các pháp ấn khổ, vô thường, vô ngã vào các chuyện kể trên giấy. Độc đáo như thế: Ruth Ozeki là một nhà văn, một đạo diễn phim ảnh và là một Thiền sư dòng Tào Động. Xin mở ngoặc nhỏ nơi đây, nói bà là Thiền sư, chỉ có nghĩa rằng, bà là một cư sĩ được trao cương vị người dạy Thiền. Sách và phim của bà, kể cả nhiều tiểu thuyết, đan xen các chuyện kể cá nhân vào các vấn đề xã hội, và chạm vào các chủ đề liên hệ tới khoa học, kỹ thuật, chính trị, môi trường, sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh và văn hóa quần chúng.