Hôm nay,  

Xung Quanh Việc Xuất Bản Thơ và Đá

20/12/201910:02:00(Xem: 4568)

 blank

Từ trái qua phải. HS Đào Nguyên Dạ Thảo, Thầy Tuệ Sỹ, GS Bùi Chí Trung. 
  

Lời tòa soạn: Được biết tập thơ Thơ và Đá của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn là nỗ lực của NXB Văn Học Press và tổ chức Culture Art Education Exchange Resource liên kết thực hiện. Đây là tập thơ của một nhà thơ vốn được xem là một trong những thi sĩ lớn nhất của văn học miền Nam Việt Nam, giai đoạn 54-75. Tập thơ quy tụ những bài thơ chưa bao giờ được công bố cho đến ngày hôm nay. Nhân dịp này Việt Báo hân hạnh được tiếp chuyện cô Đào Nguyên Dạ Thảo, người đã bỏ ra rất nhiều công sức cho đề án này.

 

Việt Báo (VB): Thân mến chào chị Đào Nguyên Dạ Thảo. Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi chị là do cơ duyên hay hạnh duyên nào mà chị xuất bản tập thơ Thơ và Đá của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn?

 

Đào Nguyên Dạ Thảo (ĐNDT): Mặc dầu quen biết vợ chồng Nguyễn Đức Sơn từ năm 2000, mười chín năm rồi, nhưng mãi đến bây giờ mới thuận duyên để thực hiện tập thơ này của ông.

 

Dù quen biết đã lâu, nhưng bẵng một thời gian hơn 10 năm không liên lạc, tình cờ tôi đọc một bản tin online hôm 27/07/2019, “… Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn hiện vừa nhập viện với nghi vấn xuất huyết não, do lúc sức khỏe suy yếu, bị té. Tình trạng được coi là nguy hiểm. Gia đình đã chuyển từ bệnh viện ở Bảo Lộc qua Đà Lạt. Xin thông báo cho quý thân hữu văn nghệ gần xa được hay.” Ngay lúc đang ở Đà Lạt, tôi vội vàng chạy đến bệnh viện vào thẳng phòng cấp cứu hồi sức thăm ông, nhìn thấy ông nằm mê man đang thở bằng bình dưỡng khí và có một đường khâu vết thương còn chỉ trên trán. Cầm tay ông, tôi cảm được cái bắt tay choàng vai thân mật mỗi khi ông gặp tôi thay cho câu hỏi thăm sức khỏe nhau. 

 

Một tuần sau quay trở lại thăm ông, gặp Nguyễn Đức Yên, Phương Bối, và Tiểu Khê. Trên đường Yên tiễn tôi đi ra từ giường bệnh đến cổng bệnh viện, Yên đã nhắc đến tác phẩm Cái Chuồng Khỉ của Nguyễn Đức Sơn đã được tái bản ở Mỹ. Chỉ có thế thôi mà trên suốt chặng

đường bay dài về đến Houston, trong đầu tôi cứ lảng vảng ý nghĩ  làm sao đây để có thể in được tập thơ cho Sơn Núi, làm món quà cuối tặng ông khi ông còn có thể nghe và cầm được quyển sách của ông, là đứa con tinh thần mà ông đã ước nguyện làm từ 50 năm trước.

   Chỉ bằng linh cảm tôi thấy mình có thể xuất bản và phát hành tập thơ Nguyễn Đức Sơn. Sau khi trăn trở, suy nghĩ và xác định sẽ làm gì, và phải làm như thế nào, tôi gọi điện thoại về cho Nguyễn Đức Lão nói ý định, thì Lão cho biết khi cha còn mạnh khỏe, ông đã viết di chúc và ủy quyền lại toàn bộ những tác phẩm bao gồm thơ văn và nhật ký, cũng như số tác phẩm được công bố hay chưa từng công bố, cho con gái là Nguyễn Đức Phương Bối. Tôi liền gọi ngay cho Phương Bối. Sau khi cùng bàn thảo và định hướng về hình thức, nội dung tập thơ, tôi muốn làm ngay như một món quà tặng ông khi còn có thể, để sau này mình không phải hối tiếc nói: “Phải chi hồi đó!”

   Trong khi ngồi đánh máy lại từng bài thơ trong nhật ký của Nguyễn Đức Sơn, nhìn lại ngày ghi 18/11/69 (trùng ngày sinh của ông 18/11/1937), tính cho đến ngày hôm nay, là đúng 50 năm. Hay nói cách khác, nửa thế kỷ đã trôi qua, những kỳ nhân như Nguyễn Đức Sơn của thế kỷ 20 còn sót lại qua đến thế kỷ 21 này còn có được bao nhiêu người?

   Là thế hệ ở giữa các bậc tiền bối và thế hệ trẻ đi sau, tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ ghi chép lại để lưu giữ và phổ biến những thi phẩm, văn chương quý giá của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn để lại cho hậu thế. Tập thơ Nguyễn Đức Sơn, Thơ và Đá, xuất bản lần nầy, chỉ mới là một phần trong nhật ký của ông, được cất giữ hơn 50 năm qua, và chưa từng công bố.

 

VB: Tiến trình thực hiện tập thơ có gặp phải những khó khăn, trở ngại nào không?

 

ĐNDT: Trước nhất là tôi phải xem hết những giấy tờ hợp pháp để được phép xuất bản thơ của Nguyễn Đức Sơn. Sau khi Phương Bối gửi cho tôi xem di chúc và giấy ủy quyền có người làm chứng, có chữ ký cũng như dấu tay của Nguyễn Đức Sơn thì tôi và Phương Bối bắt tay vào làm việc ngay.

   Tiến trình thực hiện thì đầu tiên tôi nhận được ngay hơn 600 files ảnh do Phương Bối chụp từ nhật ký thơ của Nguyễn Đức Sơn bằng điện thoại gửi qua tin nhắn. Phải mất hơn ba ngày tải hình xuống, sau đó phải chỉnh sửa vì cái lộn ngược cái lộn xuôi rồi mới đọc được. Thêm hơn một tuần ngồi đánh máy lại, mà Phương Bối dặn rất kỹ là cha không cho phép sửa bất kỳ một câu, một chữ nào, cho dù là một dấu phẩy, dấu chấm, chữ viết hoa hay không viết hoa trong thơ; mà chỉ được phép sửa lỗi chính tả thôi, cũng như bài nào đọc không rõ hay không phù hợp thì không in. Phải đọc thơ Sơn Núi như thế nào đây để cảm được tình tiết, thời gian, không gian mà phân loại, sắp xếp chia dàn bài có trình tự để in một tập thơ theo đúng tiêu chuẩn quy định. Đến đây xin thưa là lần đầu tiên tôi in sách. Nên tôi phải áp dụng phương pháp vẽ một bức tranh bằng thơ Nguyễn Đức Sơn. 

   Nên cứ tưởng tượng trước mặt là khung bố trống không vô hình hay là quyển sách chỉ có những trang giấy trắng. Bố cục tổng thể của bức tranh được phác thảo bằng bút chì như thế nào thì tập thơ hiện ra dàn bài của từng chương như thế ấy. Chi tiết và sử dụng gam màu sao cho hài hòa phù hợp với nội dung thể hiện biểu cảm từng nhân vật trong tranh, chính là những chuỗi thơ, bài thơ, câu thơ, mẫu chữ, cỡ chữ sẽ được dàn dựng sắp đặt ra sao lên trang giấy. Với tính cách khác người của Sơn Núi thì tôi cũng có những ý tưởng thiết kế trình bày để không nằm trong những khuôn mẫu bình thường.

 

VB: Tập thơ còn được dịch sang tiếng Anh và tiếng Nhật, thiết tưởng đây là một nỗ lực ngoại khổ, rất đáng ca ngợi, khiến thơ của một thi sĩ lớn của Việt Nam mình có cơ hội đến tay người đọc nước ngoài. Chị có thể cho biết điều gì đã khiến chị và các bạn trong nhóm có quyết định đó?

 

ĐNDT: Vừa nhìn thoáng qua thủ bút những bài thơ của Nguyễn Đức Sơn, mặc dù ông không làm thơ Haiku, nhưng lối viết một câu hai ba chữ rồi xuống hàng, làm tôi liên tưởng ngay đến thể loại thơ Haiku. Vậy là nảy ra ý dịch thơ Nguyễn Đức Sơn sang tiếng Nhật. Chia sẻ ý tưởng và hội ý với giáo sư Bùi Chí Trung – hiện đang là trưởng Phân khoa Cao học Giao lưu Văn hóa Quốc tế tại trường Đại học Aichi Shukutoku thuộc thành phố Nagoya, Nhật Bản – tuy chưa từng đọc thơ Nguyễn Đức Sơn bao giờ, nhưng sau khi đọc xong bản đánh máy mà tôi gửi sang, anh đã nhận lời dịch ngay và còn nói: “Nếu thơ Nguyễn Đức Sơn được tự do phổ biến trong thời gian 50 năm qua thì ông đã đóng góp giá trị rất lớn cho nền thi ca Việt Nam. Với lối sống tự cô lập mình với xã hội, nên thơ của ông không bị ảnh hưởng bởi trào lưu thế giới bên ngoài mà vẫn giữ được chất thơ nguyên thủy của Sơn Núi từ xưa đến giờ.”

   Để chuyển ngữ sao cho gần giống thể loại Haiku, là những vần thơ có 17 âm tiết nối kết, anh Bùi Chí Trung đã cố tìm chữ áp theo 5 âm, 7 âm, rồi 5 âm để bài thơ khi đọc có âm điệu nghe quen thuộc với ngôn ngữ Nhật trong thơ Haiku, giống như thơ lục bát trong ca dao Việt Nam, mà vẫn giữ được hồn thơ của Sơn Núi toát ra. Có những câu chữ anh phải chuyển qua tiếng Hán rồi từ đó mới dịch sang tiếng Nhật, mà còn thêm phần phiên âm ra chữ Latin để người ngoại quốc có thể phát âm được tiếng Nhật. Phần của tôi chỉ có mỗi việc là cắt dán font chữ Nhật vào thôi, vậy mà vẫn có những sai sót, anh đã xem lại, chỉnh sửa từng lỗi nhỏ, cũng như thay đổi những câu chữ để rõ và sát nghĩa hơn. Cám ơn giáo sư Bùi Chí Trung đã tham gia và giới thiệu thơ của Nguyễn Đức Sơn đến sinh viên Nhật và giới yêu thơ ở Nhật.

 

VB: Vậy phần dịch sang tiếng Anh thì như thế nào?

 

ĐNDT: Đã dịch sang tiếng Nhật thì không có lý do gì mà không làm thêm phiên bản tiếng Anh, vì dù sao chăng nữa thì tập thơ Nguyễn Đức Sơn được xuất bản ở Mỹ. Người trong tầm ngắm của tôi là Nguyễn Phước Nguyên. Sang Mỹ từ năm 1975 khi vừa 12 tuổi, anh là một trong những

thành viên sáng lập và biên tập trang Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng vào những năm 1995, khi công nghệ thông tin ở Mỹ vừa bắt đầu có email phổ biến ra đại chúng.  Khi dịch sang tiếng Anh, Nguyễn Phước Nguyên tâm nguyện: Dịch trọn ý, nhưng phải ngoạn mục trong ngôn ngữ thơ tiếng Anh, như bài thơ gốc tiếng Việt của Nguyễn Đức Sơn. Xin chú ý phần dịch sang tiếng Anh của Nguyễn Phước Nguyên trong Chương II, mà Nguyễn Đức Sơn đã đặt tựa đề “Gái Con, Con Gái.” Đây là một chuỗi thơ gồm 18 bài thơ. Mặc dù hai câu đầu của 18 bài thơ đều bắt đầu bằng bốn chữ “Gái Con, Con Gái,” với những ngôn từ tiếp theo sau bốn từ đó, ông diễn đạt những thay đổi chuyển tiếp của người con gái qua từng thời kỳ trưởng thành – từ một Con Gái thơ ngây, đến Con Gái tuổi dậy thì sang Con Gái tuổi biết yêu, rồi Con Gái đi lấy chồng, và cuối cùng Con Gái làm vợ, làm mẹ. Nguyễn Phước Nguyên đã dùng những cụm từ như “Girl Puerile,” đến “Girl Pubescent,” sang “Blossomed Maiden,” rồi “Young Woman” và cuối cùng là “Young Wife.” Thật chính xác, và toát ý, để thể hiện trọn vẹn ý thơ “Gái Con, Con Gái” mà Nguyễn Đức Sơn đã cẩn mật diễn đạt trong chuỗi thơ này.

   Đó cũng là điều mà tôi tâm đắc nhất trong cách dùng chữ tiếng Anh của Nguyễn Phước Nguyên khi chuyển ngữ. Viết sao cho người nước ngoài đọc hiểu và thấm được thơ Nguyễn Đức Sơn theo văn hóa và ngôn ngữ của họ, mà vẫn giữ được ý nghĩa và cốt cách riêng của thơ Nguyễn Đức Sơn. Cám ơn lòng ái mộ Nguyễn Đức Sơn và sự nhiệt tình hết mình của

Nguyễn Phước Nguyên cho tập thơ nầy.

Hoa si Dinh Cuong dang ve chan dung Nguyen Duc Son tren doi Phuong Boi (2013)
Họa sĩ Đinh Cường đang vẽ chân dung Nguyễn Đức Sơn trên đồi Phương Bối (2013)

VB: Thân thiết rất lâu với gia đình Nguyễn Đức Sơn, trong mắt chị thì thi sĩ là người như thế nào? Bởi vì đối với phần đông chúng ta đứng từ xa nhìn vào thì nếp sống của ông gần như là một huyền thoại.

 

ĐNDT: Sơn Núi có hai thứ bất di bất dịch trên người ông là cái nón bê-rê (mũ nồi) màu đen; và cái túi vải màu xám, đáy hình tròn, có hai sợi dây dù thắt lại mà cũng có thể dùng sợi dây quảy túi lên vai. Khi rút dây túi lại, miệng túi xòe ra, đặt dưới đất trông rất giống cái hồ lô đựng rượu của mấy đạo sĩ ngày xưa. tôi đặt tên cho cái túi đựng thơ của Sơn Núi là hồ lô thơ, hay bị cái bang. Vì bất kỳ lúc nào trong túi đó, ông cũng có thể rút ra một xấp giấy chi chít thơ, hay bản nháp, hay bản copy thơ, tạp chí. Chưa kể nào là áo quần, võng, đồ ăn, v.v... giống như một cái tủ di động.

   Nếu có gặp Sơn Núi bất cứ lúc nào, ở đâu, cũng như xem lại ảnh chụp của ông từ hồi còn rất

trẻ, đến ngay cả những bức ký họa vài nét, hay trong tranh sơn dầu của họa sĩ Đinh Cường, thì

một trong hai món vật bất ly thân này luôn luôn có mặt cùng với ông suốt mấy chục năm qua. Đối với tôi, có thể nói hai hiện vật này chính là biểu tượng độc đáo nhất mỗi khi nhắc đến nhà thơ Sơn Núi, Sao Trên Rừng, hoặc Nguyễn Đức Sơn.

 

VB: Theo chỗ chúng tôi biết thì hiện nay nhà thơ không phát âm thành tiếng nói được nữa…

 

ĐNDT: Đúng vậy. Ông không nói, không thấy, nhưng vẫn có thể nghe và hiểu được. Từ hôm bắt tay vào làm tập thơ, gần như ngày nào tôi cũng gọi về nói chuyện với Phương Bối, việc đầu tiên là hỏi thăm tình hình sức khỏe của Nguyễn Đức Sơn như thế nào? và nghe Phương Bối kể những mẩu chuyện về cuộc đời, gia đình, bạn bè sinh hoạt văn thơ của ông. Có hôm Lão đưa điện thoại sát tai ông để tôi đọc thơ trong tập thơ cho ông nghe. Lão nói nét mặt của ông lúc đó tươi vui hẳn lên, ông nghe và cảm nhận được. Nói chuyện với chị Phượng, vợ của Nguyễn Đức Sơn, chị nói: “Mình rất vui khi nghe tin cô Dạ Thảo đang chuẩn bị in tập thơ cho Sơn Núi, ổng mà biết được là mừng lắm đó.” Rồi Phương Bối đưa điện thoại qua cho Sơn Núi, “Cha ơi! Cô Dạ Thảo gọi về nói chuyện với cha nè.” Bên kia đầu dây Sơn Núi “Ừmmm...” thật lớn. Phương Bối hỏi tiếp: “Cha ơi! Cha còn nhớ cô Dạ Thảo không?” Sơn Núi lại “Ừmmm...” thêm một lần nữa.

   Một tiếng “Ừmmm...” của Sơn Núi trên điện thoại lại chính là động lực, tiếp trợ cho tôi làm việc, không quản ngại bất kỳ khó khăn nào, mặc dù phải chạy đua với thời gian, với sức khỏe cạn kiệt từng ngày của Sơn Núi, cũng như công việc và múi giờ trái ngược nhau.

 

VB: Chị có kỷ niệm không quên nào với thi sĩ?

 

ĐNDT: Cách đây chừng 17 năm, lúc đó tôi đang có mặt tại xưởng vẽ của họa sĩ Hồ Hữu Thủ thì Sơn Núi chạy đến bằng chiếc xe mà thầy Tuệ Sỹ đặt cho cái tên là “chiếc xe thổ mộ thời tiền sử.” Khi biết Sơn Núi lái nó từ đồi Phương Bối, Bảo Lộc xuống tới Sài Gòn thì tôi không thể tin nổi. Đang trố mắt nhìn thì bị Sơn Núi thách, “Dám ngồi lên cho Sơn Núi chở đi không?” Tôi nói, “Dám chớ sao không!” Vừa mới leo lên ngồi, chân chưa kịp mang dép thì Sơn Núi đã rồ ga chạy một cái vèo ra cổng đi một vòng khu chợ Đa-Kao.

 

Vui gì đâu! Cũng chiếc xe này Sơn Núi đã chở Phương Bối và Tiểu Khê, thêm cái bị cái bang lên Đà Lạt dự triển lãm của tôi ở Hotel Palace năm 2003.

   Còn nhớ hôm đó, Sơn Núi có làm một bài thơ đưa cho tôi đọc, vừa đọc xong thì Sơn Núi đòi lại cho bằng được, còn mắng tôi là đồ gà vịt giun dế làm gì có trình độ đọc được thơ Nguyễn Đức Sơn. (Cám ơn Phương Bối đã tìm được trong cái hồ lô thơ của Sơn Núi bài thơ viết cho Dạ Thảo.) Tuy miệng thì chửi nhưng vẫn đi tìm giấy làm thơ cho tiếp mà vừa kể: “Có lần ở trên núi giữa cánh rừng cháy khô, ý thơ ra mà không có giấy để viết xuống, Sơn Núi bèn đi bẻ cây viết thơ xuống đất, rồi chạy xuống núi tìm được giấy viết trở lên thì, hỡi ôi! gió đã xóa hết chữ rồi.  Sơn Núi chỉ còn biết đứng khóc.”

 

VB: Thi sĩ và Thầy Tuệ Sỹ có một mối giao tình thâm sâu từ nhiều năm nay, chị có thể nói gì về hai con người xuất chúng ấy?

 

ĐNDT: Theo lời Phương Bối kể lại, có lần Thầy Tuệ Sỹ lên đồi Phương Bối thăm Sơn Núi.  Ông hào hứng đưa Thầy ra chỉ lên đồi thông, nói: “Sơn Núi sẽ làm nơi này thành một bãi thơ đá chỉ để khắc thơ mà Đông Tây Kim Cổ chưa ai làm.” Thầy Tuệ Sỹ cười cười nói: “Ông cứ làm đi. Khi nào làm nhớ cho tôi gửi vài bài thơ vào đó.”

   Ý tưởng của Sơn Núi khắc Thơ trên Đá chưa thực hiện được nhưng hôm nay Sơn Núi hân hạnh được Thầy Tuệ Sỹ viết lời Tựa cho Thơ và Đá, với tất cả tâm tư, tình cảm thâm tình giữa Thầy và Sơn Núi, trải suốt 50 năm qua với không biết bao nhiêu biến cố thăng trầm.

   Sơn Núi ráng chờ nhé! Xin dành lời cám ơn trang trọng nhất đến Thầy Tuệ Sỹ, thầy đã viết với một tâm thức sâu lắng, qua ngôn ngữ, Thầy dẫn dắt người đọc như cùng đi với Nguyễn Đức Sơn

xuyên suốt cõi thơ, cõi đời, và luôn cả một kiếp người.

 

VB: Thành thật cảm ơn chị Đào Nguyên Dạ Thảo đã cho độc giả Việt Báo những chi tiết thú vị xung quanh con người huyền thoại Nguyễn Đức Sơn, và không quên cảm ơn chị đã bỏ nhiều công sức thực hiện tập thơ này để người đọc được thưởng thức một thi tài trác tuyệt.

 

(Ghi chú: Tất cả hình ảnh trong bài nói chuyện là tư liệu của Đào Nguyên Dạ Thảo.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhớ lại năm 1407, quân Minh xâm lược Đại Việt ta, cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải sang Kim Lăng, nước Tàu. Nguyễn Trãi khóc tiễn cha đến tận ải Nam Quan thì Nguyễn Phi Khanh khuyên ông trở về mưu đồ phục thù và rửa hận cho cha bằng con đường cứu nước. Nói tới Nguyễn Trãi mà tiếc cho nước mắt của ông. Ngày xưa, khi tiễn cha bị đày qua Tàu nước mắt Nguyễn Trãi đã thấm ướt cửa ải nước Việt. Ngày nay Ải Nam Quan đã thuộc phần đất của Tàu, thế thì nước mắt ngày xưa của Nguyễn Trãi nay đã trở thành giọt lệ khô trên đất Tàu vậy.
Bây giờ, mỗi lần đi coi hát, nhìn thấy những diễn viên thủ những vai phụ, tôi lại chợt nhớ đến Liêm. Tôi nhìn lên những diễn viên đó (những diễn viên mà suốt một vở tuồng chỉ xuất hiện vào khoảng độ mười phút trở lại) lòng se sắt một nỗi buồn. Hình ảnh của họ là hình ảnh của Liêm mười năm về trước. Cũng những vai trò tầm thường ấy, cũng những câu nói ngắn ngủi ấy, có khi là một vai lính hầu suốt buổi hát chỉ chờ để “Dạ” một tiếng thật lớn, có khi là một vai tướng cướp, một tên côn đồ hung dữ mà vở tuồng chưa qua khỏi màn đầu đã bị giết chết. Tôi nhìn họ, nghĩ đến những chiếc tàu nằm ở những ga hẻo lánh, suốt đời chỉ giữ có mỗi một nhiệm vụ là đẩy giúp những con tàu chính lên khỏi một đoạn đèo dốc. Ngày xưa, đã có lần tôi ví Liêm là chiếc đầu tàu xe lửa đó.Liêm với tôi quen nhau hết sức tình cờ. Ngày ấy tôi đi theo một đoàn hát cải lương lưu diễn quanh năm tại các tỉnh miền Bắc. Tôi giữ vai trò cũng không lấy gì làm quan trọng lắm trong đoàn hát này. Suốt ngày, tôi chỉ có một nhiệm vụ
Một buổi sáng nọ giữa tháng ba như mọi ngày người đàn ông gốc Việt cư ngụ nơi một thành phố miền Nam California ra khỏi nhà để đi bộ. Ông nhìn thấy một thế giới khác. Con đường không một bóng người qua lại. Xe cộ chỉ vài ba chiếc vụt qua rồi để lại một khoảng không trống rỗng. Thường ngày vào lúc đó con đường này đầy xe cộ và người đi bộ đưa trẻ em đến trường đi học. Hôm đó, ngay sau ngày, 19 tháng 3 năm 2020, Thống Đốc California ra lệnh người dân ở trong nhà và đóng cửa tất cả cơ sở kinh doanh không quan trọng, con đường này vắng hoe, im lặng, trống trải dị thường! Rồi những ngày sau đó, nhiều thành phố, nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ tuyên bố đóng cửa các cơ sở kinh doanh không quan trọng và những ai không có việc cần đi thì ở trong nhà. Nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện cùng những biện pháp để chận đứng đà lây lan nhanh chóng không thể tả của đại dịch COVID-19, vốn phát xuất từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ tháng 11 năm 2019. Cả thế giới chìm sâu vào kho
Chết tuy xa mà gần. Xa, vì chúng ta nghĩ rằng nó chỉ đến sau nầy mà thôi; gần vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chết là điều cầm chắc, nhưng lúc nào là điều không ai có thể tiên liệu trước được. Khi giờ ra đi đã đến rồi thì không một lời lẽ nào có thể thuyết phục bắt nó phải chờ được, không một quyền lực nào đẩy lùi được nó, không có tiền của nào mua chuộc được, cũng như không có một sắc đẹp nào có thể rù quến nó được hết.
Bước vào năm con chuột, tìm đề tài liên quan đến con giáp nầy trong văn chương cho Giai Phẩm Xuân Canh Tý 2020 báo Saigon Nhỏ, mỗi năm tìm đề tài con giáp thích ứng cho giai phẩm hơi khó vì cứ 12 năm lại xoay vần, có nhiều bài viết trong quá khứ nên khó nhất là tránh sự trùng hợp.
Đại dịch COVID-19 phát xuất từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ cuối năm 2019 đang hoành hành khắp thế giới gây khủng hoảng và lo sợ cho toàn thể nhân loại, với số lượng người bị lây và thiệt mạng vì vi khuẩn corona mỗi ngày mỗi gia tăng. Nhưng trong lịch sử của loài người đây không phải là cơn đại dịch đầu tiên mà đã nhiều lần xảy ra. Đặc biệt dấu vết và ấn tượng của những trận đại dịch kinh hoàng này vẫn còn nằm trong những tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới từ thi hào Hy Lạp Homer thời cổ đại cho đến nhà văn Stephen King thời hiện đại. Trong nền văn học Tây Phương, từ sử thi Iliad của thi hào Homer trong thời cổ đại Hy Lạp và tuyển tập truyện Decameron của văn hào người Ý Giovanni Boccaccio trong thế kỷ 14 đến cuốn tiểu thuyết The Stand được xuất bản năm 1978 của nhà văn người Mỹ Stephen King và tiểu thuyết khoa học giả tưởng Severance được xuất bản năm 2018 của nữ văn sĩ người Mỹ gốc Tàu Ling Ma, tất cả đều có nói đến các trận đại dịch toàn cầu,
Chiếc áo đầu tiên quý giá nhất trong gia đình tôi là một chiếc “áo Vua ban.” Hồi ấy, ba tôi làm nghề cạo giấy và mẹ tôi buôn bán theo lối tài tử. Bà làm nghề mách mối mua bán đồ cổ. Ngoài ra, bà còn vác máy ảnh đi chụp cho các bà Hoàng, bà Chúa, bà Phi, bà Tần trong cung cấm. Nghề mách mối đồ cổ là một nghề rất nhàn. Bà chỉ việc diện bảnh, rẽ đường ngôi cho thẳng, bôi dầu dừa bóng loáng và thơm nức lên; chiếc quần cũng được là thẳng và xếp thành nếp, gọi là “xếp con”, năm con, bảy con gì đấy cho ra vẻ quý phái. Ăn mặc tề chỉnh như thế, bà chỉ việc đến nhà các mệnh phụ, công nương, ngồi lê đôi mách một vài buổi. Thế là “mệ” nào muốn bán cái gì, cụ nào muốn mua cái gì, mẹ tôi biết rõ cả. Bà chỉ việc vắt vẻo ngồi lên chiếc xe tay nhà, chạy đi chạy lại một vài lần, là kẻ mua người bán đều vui vẻ. Nghề chụp ảnh mấy chục năm về trước còn là một nghề rất mới mẻ, nhất là đối với các mệ, các bà Phi, Tần không thể ra ngoài phố tự do như người thường. Mẹ tôi: được các bà hoan nghênh vô cùng.
Giống như biến cố sụp đổ Bức Tường Bá Linh hay sự sụp đổ của công ty tài chánh toàn cầu Lehman Brothers, đại dịch vi khuẩn corona là sự kiện làm tan nát thế giới mà các hậu quả lâu dài của nó chúng ta chỉ có thể bắt đầu hình dung hôm nay, theo bài bình luận của nhiều nhân vật được đăng trên trang mạng www.foreignpolicy.com vào ngày 20 tháng 3 năm 2020 cho thấy. Điều rất chắc chắn rằng là cơn đại dịch này ngoài việc làm đổ vỡ cuộc sống, làm gián đoạn các thị trường và phô lộ ra năng lực của các chính phủ, nó còn dẫn tới nhiều thay đổi vĩnh viễn trong quyền lực chính trị và kinh tế theo những cách sẽ hiển nhiên về sau này. Sau đây là một số nhận định và tiên đoán từ những nhà chiến lược hàng đầu trên thế giới đối với trật tự toàn cầu sau đại dịch corona. Một thế giới ít cởi mở, ít thịnh vượng và ít tự do hơn. Theo Stephen M. Walt, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại Học Harvard, cho rằng đại dịch corona sẽ củng cố chủ nghiã quốc gia và chủ nghĩa dân tộc.
Cách đây hai hôm (Chủ Nhật 28/9/2020), trang mạng Diễn Đàn Thế Kỷ có đăng hai bài viết đặc biệt liên quan đến Đại Dịch, bài Nguyễn Du – Homère và Bệnh Dịch của Phạm Trọng Chánh, và Đại Dịch COVID – 19 của Trịnh Y Thư. Trong bài của Phạm Trọng Chánh, phần sau có nhắc đến trận dịch tể xẩy ra từ thời cổ đại qua sử thi của thi hào Homère trong trường ca Iliad. Cả 1100 chiến thuyền và 100,000 quân sĩ vây quanh thành Troie bị thiệt mạng vì trận dịch kinh hồn. Phần trước chỉ ngắn ngủi mấy câu lại gây xúc động nơi tôi hơn khi nói đến trận dịch gây nên cái chết của thi hào Nguyễn Du của chúng ta.
Sáng tạo nghệ thuật trong suốt tập thơ dầy 338 trang gồm 123 bài, Trần Yên Hòa đã hình dung được hình tượng, phác họa ra chữ nghĩa vọng âm như một tiếng thở dài. Bài thơ Khúc Tôi mở đầu trang thơ cho tới bài Tạ ở cuối tập, đã là một tiếng thở dài.