Hôm nay,  

Lan Man Về “Tình Khúc Từ Công Phụng”

21/02/202500:00:00(Xem: 1659)

TCP
Nói tới tình khúc Từ Công Phụng phải nói ngay về “Bây Giờ Tháng Mấy”. Đó là ca khúc đầu tay của anh từ khi còn ngồi ghế trường trung học. Cú đầu là coup de maitre. Vậy mà chút xíu nữa ca khúc này không được nhìn thấy mặt trời. Trong bài viết “Mãi Mãi Bên Em” của nhà văn Hồng Thủy, có đoạn kể lại như sau: “Sáng tác bài “Bây Giờ Tháng Mấy” xong, anh Phụng chỉ định để hát chơi chứ không có ý muốn phổ biến. Một buổi chiều anh mang đàn ra ngồi ở hành lang đại học xá, vừa đàn vừa hát bài “Bây Giờ Tháng Mấy”. Tiếng hát theo gió, lọt vào phòng của một anh bạn gần đấy. Anh bạn nghe hay quá bèn nhất định đòi mang bản nhạc đi bán cho nhà xuất bản. Sau khi mua lại bản quyền, nhà xuất bản cho phổ biến ngay và bản nhạc được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Chỉ một thời gian ngắn, bản nhạc được xếp vào danh sách những bản nhạc nổi tiếng. Nhà xuất bản yêu cầu anh Phụng sáng tác thêm và trả bản quyền rất hậu. Vô tình người bạn ở đại học xá đã mang tặng cho đời, cho người một nhạc sĩ tài hoa, đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam những bản tình ca thật hay”.

Tôi biết tới “Bây Giờ Tháng Mấy” từ sân trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn khi đó còn nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, góc đường Gia Long và Lê Thánh Tôn. Gọi là sân trường nghe có vẻ cao sang nhưng thực ra nơi đó chỉ là một bãi cỏ dại, hầu như không được chăm sóc, nằm bên phía đường Lê Thánh Tôn. Đầu thập niên 1960, sân trường mọc lên mấy căn nhà tiền chế dùng làm trụ sở hội Họa Sĩ Trẻ và là nơi tụ tập của nhóm văn nghệ sinh viên trong đó những Trịnh Công Sơn, Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Xuân Giang và nhiều người khác chiếm làm chỗ ăn ở luôn. Nơi đây cũng là nơi thường có những buổi văn nghệ với những đêm nhạc của Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Nguyễn Đức Quang, Lê Uyên Phương. Các tác giả tự hát với những người nữ của họ. Sân khấu không ánh đèn, âm thanh là vài chiếc loa nghèo nàn nhưng hứng khởi và nhiệt tình của các nhạc sĩ đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật. Khán giả là giới trẻ, chẳng cần vé, ngồi bệt giữa tăm tối của sân cỏ. Đó là những đêm văn nghệ đích thực, không vụ lợi, không làm dáng, chỉ có những đam mê của những người trẻ đứng trên sân khấu hay ngồi dưới bãi cỏ. Ngày đó, Từ Công Phụng đứng trên sân khấu và tôi ngồi dưới bãi cỏ, cùng thả hồn vào “Bây Giờ Tháng Mấy”.

“Bây Giờ Tháng Mấy” đã hớp hồn giới trẻ ngày đó. Nhà văn Hồng Thủy viết: “Mỗi khi nghe Bây Giờ Tháng Mấy tôi như được thấy lại cả quãng đời thơ mộng của thời trung học. Cái thuở “em hồn nhiên bước đến bờ yêu đương”. Đẹp nhất là cái tuổi yêu đương, nũng nịu, giận hờn và dỗ dành nhau. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà tất cả mọi người đều yêu bản nhạc Bây Giờ Tháng Mấy  bởi vì ai cũng tìm thấy hình ảnh mình trong lời nhạc đó, của những ngày tháng đẹp nhất đời người”.

Nhạc sĩ Nguyên Bích tâm sự: “Tôi mê nhạc Từ Công Phụng từ thuở còn là cậu học trò trung học, với cây đàn guitar thùng, tôi nghêu ngao không biết chán những ca khúc mượt mà của anh vào thuở những năm 1963-1964. Nhạc của anh có những lôi cuốn thật đậm đà, làm cho những thanh niên tuổi tôi thuở đó mê say. Tôi đã lê la hết quán này tới quán khác nghe nhạc của anh, kể cả những quán có anh hát thường trực”.

TCP3

Trên sân khấu tại Toronto, Canada (Toronto, 5/2006)


Sau này, khi Từ Công Phụng qua Montreal hát cho đêm kỷ niệm 35 năm nhạc của anh, tôi được cử ra giới thiệu. Giao tình của chúng tôi bắt đầu từ đây. Anh có vẻ khoái bài viết của tôi về nhạc của anh. Khi được ký giả Nguyễn Thanh Trúc của nguyệt san Hồn Quê phỏng vấn vào năm 2010, anh còn nhắc tới bài giới thiệu này. Trả lời câu hỏi của ký giả về những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời ca hát, Từ Công Phụng nói: “Tôi có nhiều kỷ niệm ghi nhớ mãi trong đời ở nhiều nơi khác nhau. Thí dụ như ở Montreal, Canada, nhà văn Song Thao đã kể cho khán giả nghe một giai thoại về bản Bây Giờ Tháng Mấy. Trước ngày tôi đến Canada, anh đã đi một vòng để làm một cuộc survey nhỏ về tôi. Anh hỏi 10 người tuổi cũng trạc thế hệ tôi là “Có biết Từ Công Phụng là ai không?”. Có 9 người lắc đầu là không biết. Nhưng khi anh hỏi “Có biết bài hát Bây Giờ Tháng Mấy không? thì 10 cái đầu cùng gật gù và tán thưởng: “Đây là một bài hát hay, để lại nhiều kỷ niệm trong đời tôi”. Nhà văn Song Thao nhìn tôi mỉm cười và nói: “Anh là một người có phúc vì anh sinh ra một đứa con mà quần chúng biết đến con anh nhiều hơn anh. Con hơn cha là nhà có phúc!”.

Tôi chơi khá thân với hai ông nhạc sĩ viết tình ca, chỉ tình ca. Từ Công Phụng và Lê Uyên Phương. Nhạc của hai ông đều hay. Hay như thế nào, tôi chịu vì tôi chẳng biết tí gì về nhạc. Tôi chỉ cảm nhận. Nhưng tôi hạnh phúc vì tôi là người hay y ỷ hát vài câu nhạc khi vui cũng như khi buồn. Chỉ nhạc tình. Nhạc tình của ông Lê Uyên Phương trần tục hơn, sôi nổi hơn, xác thịt hơn. Nhạc của ông Từ Công Phụng nghe vời vợi hơn, bâng khuâng hơn.

Ông nhà thơ Hà Huyền Chi cũng chẳng hơn tôi mấy. Ông viết trong bài: “Từ Công Phụng Với Cõi Đam Mê Âm Nhạc, Với Đời Sống Dung Dị, Thủy Chung”: “Bàn về âm nhạc Từ Công Phụng, thực tình mà nói, tôi chưa đủ khả năng. Chút năng khiếu thẩm âm riêng tư, hạn hẹp của một thính giả trung bình như tôi, chưa đủ. Dù lắng nghe nghiêm chỉnh, thận trọng, vẫn chỉ là hình thái của dục mã khán hoa, xem hoa trên lưng ngựa. Cũng bằng những cảm nhận riêng tư ấy, nhạc Từ Công Phụng đã âm thầm chiếm một chỗ trang trọng trong ngăn riêng thưởng ngoạn của tôi. Với không nhiều lắm, những dòng nhạc khác đã thăng hoa ở một cõi riêng. Từ thập niên 1960, Bây Giờ Tháng Mấy đã tàng ẩn trong kỷ niệm xanh, đã là một phần của kỷ niệm tôi, của chúng ta, đã không còn là của riêng Từ Công Phụng”.

Khởi đi từ Bây Giờ Tháng Mấy với air nhạc tung tăng, nhẹ nhàng, dễ nghe, nhạc của Từ Công Phụng sau này thăng hoa hơn, sang cả hơn, rõ nét hơn. Tôi nghe vẫn thích nhưng chới với. Nhạc họ Từ hay ở chỗ nào. Đành vịn vào mấy đấng sành nhạc.

Một ông bạn khác của tôi, ông Ngu Yên, một nhà thơ kiêm nhạc sĩ, bàn về cái hay của nhạc Từ Công Phụng như sau: “Có lẽ, sức mẫn cảm nhạy tính của Từ Công Phụng gần gũi với các nghệ sĩ thuộc trường phái Lãng Mạn… Anh lại yêu nghệ thuật hoàn mỹ của thời Cổ Điển. Cách viết nhạc của anh cũng như của các nhạc sĩ thành danh khác, rễ bám Bán Cổ Điển. Anh thành tựu ở những đoạn chỉ viết vài câu ngắn rồi dồn dập những chi câu dài hoặc ngược lại khiến sự diễn đạt biến hóa hơn, thích hợp với biến chuyển của tâm tình hơn…Dấu lặng nghỉ, lặng nghỉ, nghỉ rồi đi liên tục một hơi dồn dập bằng đa số dấu móc, gây sự chú ý và tạo hấp lực lôi cuốn người nghe. Riêng về phần lời, nhờ sự mất cân bằng mà câu dài chuyên chở ý và cảm da diết, ngậm ngùi hơn. Khía cạnh này là chứng cớ của một bài hát giá trị, nhạc và lời hầu như phải thành hình cùng một lúc theo cảm xúc diễn đạt”.


Nhạc sĩ Đăng Khánh ngắn gọn hơn: “Âm nhạc Từ Công Phụng vô cùng biến dạng, thể cách của giai điệu dài ngắn bất hạn kỳ, lên xuống không báo trước, quả là độc đáo, phá chiêu! Chỉ riêng một mặt này trong làng nhạc Việt Nam cũng ít người sánh kịp”.

Nhạc sĩ Nguyễn Phụng bàn sâu hơn về nét nhạc của Từ Công Phụng: “Viết nhạc dựa vào nét nhạc nào đó chợt đến với nhạc sĩ đem đến sự cá biệt cho mỗi sáng tác vì nét nhạc đến với nhiều dáng vẻ khác nhau, trong nhiều tâm trạng và hoàn cảnh khác nhau. Lý do đó giải thích tại sao nhạc Từ Công Phụng rất biến đổi, đa dạng, mỗi bài mang một màu sắc riêng biệt; và từ đó nhạc Từ Công Phụng rất riêng biệt, không lẫn lộn với sáng tác của các tác giả khác. Chen vài âm chói tai (như âm trắc trong thơ) vào câu nhạc và biến đổi dòng nhạc (modulation) để bản nhạc không đơn điệu, nhàm chán, lôi cuốn người nghe, gây hứng thú cho người hát hay người đàn là một tài năng của nhạc sĩ sáng tác. Về điểm này Từ Công Phụng là một tay sành điệu. Trong nhạc có thơ, thơ là melody của bản nhạc; Từ Công Phụng làm thơ với các melody buồn man mác, nhẹ nhàng, trầm bổng, xa xôi và với nhiều biến đổi thích thú… Như một nhà văn hay nhà thơ điêu luyện, viết lời ca cho tình khúc, Từ Công Phụng không kể lể bằng những lời khuôn sáo ước lệ, mà thường diễn đạt bằng nhiều hình ảnh và hành động mới lạ trong câu chuyện tình. Luận lý nội tại của câu chuyện tình là sự tiếp nối khéo léo của các bức tranh và hành động; nội dung của câu chuyện tình là màu sắc của các bức tranh và ý nghĩa thầm kín chôn giấu trong các hành động của người đang yêu, nhung nhớ, mong chờ, thương tiếc. Bức tranh và hành động đó mời gọi người nghe, xâm chiếm ngay tâm hồn họ, đi sâu vào ký ức họ, và giúp nhạc Từ Công Phụng sống mãi với người thưởng ngoạn qua nhiều năm tháng”.

TCP2

Trước cửa nhà Từ Công Phụng (Portland, 03/2023)


Một bản nhạc có hai yếu tố: nhạc và lời. Giới thưởng ngoạn nhạc Việt chưa quen với chuyện thưởng thức nhạc không lời nên lời bản nhạc là một yếu tố quan trọng ngang với nhạc. Lời tình trong nhạc Từ Công Phụng là thứ tình tha thiết, lãng mạn pha chút trí thức và đôi khi triết lý. Nhạc sĩ Nguyên Bích nhận xét: “Dòng nhạc Từ Công Phụng hay và lôi cuốn như những giải lụa đào, thế nhưng lời ca lại là điều tôi mến phục gấp bội. Lời ca trong nhạc Từ Công Phụng không khó hiểu, kín đáo, đầy triết lý như của Trịnh Công Sơn. Nó cũng không đơn giản, vô nghĩa, bâng quơ như nhiều tác giả khác, mà nó chí tình, nồng nàn, thắm thiết không kịch tính, không hoa mỹ bề ngoài”.

Từ Công Phụng là nhạc sĩ hiếm hoi tự hát nhạc của mình không thua chi các ca sĩ chuyên nghiệp. Anh có chất giọng trầm rất quyến rũ, hợp với nét nhạc của anh. Tôi đã được nghe nhạc sĩ gốc Chăm này hát cho chỉ mình tôi nghe nhiều lần. Tại nhà anh, trên xe khi anh qua Vancouver hay Montreal hoặc tôi qua Portland. Từ khá lâu tôi có thói quen nghe nhạc của anh do chính anh hát, càng chốn riêng tư càng phê. Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn như đồng ý với tôi: “Nghe nhạc Từ Công Phụng phải nghe chính ông hát mới thấy hết được cái chất thơ mộng, lãng mạn, chứa giấu trong từng mỗi âm thanh. Vì, ngoài sáng tác, Từ Công Phụng còn là một ca sĩ hát tình ca đích thực, hiếm hoi chúng ta có được”.

Tôi lan man về tình ca Từ Công Phụng vì mới nhận được cuốn sách quý, trình bày rất trang nhã và mỹ thuật “Tình Khúc Từ Công Phụng”. Đây là cuốn sách bìa cứng khổ lớn 21x26 phân, tôi nghĩ là bằng với khuôn khổ của những tờ nhạc rời tại Sài Gòn trước năm 1975. Sách gồm hai phần. Phần I: Tình Khúc Từ Công Phụng in lại 64 bản nhạc chọn lọc được xếp theo vần mẫu tự trong số vài trăm bản nhạc đã hoặc chưa phổ biến của anh. Phần II: Từ Công Phụng và Bằng Hữu gồm nhiều bài viết của nhiều tác giả. Những đoạn trích của các tác giả tôi trích ở trên đều được rút từ phần này.

Tôi vẫn cứ thích Bây Giờ Tháng Mấy, đứa con so của Từ Công Phụng. Đó là điểm khởi đầu của một dòng nhạc sang cả và trí thức của một nhạc sĩ hình như trời cho sinh ra chỉ để làm nhạc cho đời sống thêm phong phú. Dĩ nhiên trong số nhạc in lại trong sách có bản Bây Giờ Tháng Mấy. Bản nhạc này còn có đứa em hầu như song sanh: Bây Giờ Tháng Mấy 2. Trong một buổi ăn tối thân mật tại nhà một thân hữu mến mộ nhạc của họ Từ tại Vancouver, anh đã hát bản này. Lần đầu nghe Bây Giờ Tháng Mấy 2, tôi bàng hoàng thích thú. Cái air nhạc như lập lại bài 1 nhưng nghe như tinh nghịch, đùa giỡn với bản 1. “Bây giờ là tháng mấy? / Mình xa nhau đây em / chiều nay trời mây đầy / cho lạnh buốt vai gầy / Ngày cũ mình còn đôi / mà nay em hờn dỗi / thất hẹn một lần thôi / mà mộng vỡ tan rồi. / Bây giờ là tháng mấy?/ Chiều nay sao mưa bay / nhớ em mấy cho vừa / đàn lạc phím ru hờ / Chiều rơi nhẹ vào mắt / trời chớm đông lạnh ngắt / gió lay nhẹ hàng cây / dáng em mờ trên mây. / Mai đây em đi về / có ai đưa chân mềm / hôn làn tóc lưng thềm / mà từng đêm anh đã trót. / Ngày đó có anh chờ / mà nay biết ai đợi / để đưa em đi về /khi cuộc vui đã tan?”

Đời nhạc từ Công Phụng khởi đi từ Bây Giờ Tháng Mấy 1, một lên đường viên mãn, bắt được nhịp tim của những tình nhân. Tôi tưởng Bây Giờ Tháng Mấy 2 là một kết thúc nhưng không phải. Anh đã sáng tác ca khúc này từ năm 1964. Đời nhạc của anh từ đó đến nay vẫn khỏe khoắn với hàng trăm tình khúc khác, những tình khúc đã ru êm nhiều thế hệ tình nhân. Và tôi tin khi đời còn những người yêu nhau thì nhạc Từ Công Phụng vẫn là những tình khúc gối đầu của mọi thế hệ người tình, mãi mãi.
                                                                                                        
02/2025                                                                                      
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vũ Xuân Thông sinh ngày 9 tháng 12 năm 1939 tại Hà Nội. Là gia đình có đạo dòng, Thông theo học trường Puginier, là một ngôi trường cổ xưa được xây cất từ năm 1897 tại Hà Nội. Năm 1954, khi gia đình di cư vào Nam, ở tuổi 15 Thông là con trai cả trong một gia đình lúc đó có 4 anh em: Vũ Xuân Thông, Vũ Văn Thanh, Vũ Văn Phượng, Vũ Thị Bích, sau này trên vùng đất mới, gia đình Thông có thêm 2 người em nữa là Vũ Hồng Vân, Vũ Văn Dũng.
Chưa có bao giờ vào những ngày đầu năm mà tôi phải nằm nhà suốt như năm nay. Năm 2025, năm của con rắn, năm Ất Tỵ. Ở tuổi già bước vào tuổi tám bó, cực chẳng đã bị cái bệnh khiến mệt rề rề mới nằm nhà, nếu khỏe ra cà phê tán gẫu. Chuyện tầm phào từ thuở xa xưa, thời khai thiên lập địa, có một phái đoàn có cả con người và muôn loài động vật, chuyện không nhắc đến dùng phương tiện gì, mà tất cả đã mò lên trình diện được cùng Thượng Đế. Việc trước tiên là… vấn an Ngài, thứ đến là xin Ngài ban phước lành cho trần thế. Không hiểu từ một sự sắp xếp theo một tuần tự ngẫu nhiên nào mà cặp đôi trùng phùng đến quì trước mặt Thượng Đế là một lão già lẩm cẩm, chừng đâu đó tuổi bằng tuổi tôi hiện giờ (83) và một con rắn lượn mình hớn hở.
Hà Nội của một thời “36 phố phường” cũng không hiểu vì sao, thời còn đi học nơi phố cổ Hội An, ngoài thơ, văn… vài ca khúc từ thời tiền chiến đã chiếm trong tâm hồn tôi. Nơi chốn đó khi xa cách với nỗi buồn, tiếc như như ca khúc Hướng Về Hà Nọi của nhạc sĩ Hoàng Dương
“Để có thể nối kết đồng cảm ý nghĩa và tình tự của một ca khúc với người nghe, người hát cần hiểu ca từ sâu sắc và rung động với tâm tình trong lời và nhạc.”
Và đêm qua, chân dung ấy đã mang bao tâm hồn, bao thế hệ cùng trở lại bên nhau. Anh biết không, trong khuôn viên rộng lớn của Bowers Museum, em đã nhận ra, và tìm về với bao nhiêu gương mặt thân quen mà đã từ lâu em không gặp. Họ là những tên tuổi lớn của mọi lĩnh vực từ văn chương, âm nhạc cho đến điện ảnh... Họ là những vị đã bước qua tuổi tám mươi, đến những em nhỏ chưa tròn đôi mươi. Họ là những nhân chứng của cuộc chiến tranh. Như một định mệnh, những tâm hồn ấy lại ngồi bên nhau để cùng nghe tiếng hát vang lên: “Tình ngỡ chết trong nhau, nhưng tình vẫn rộn ràng, Người ngỡ đã quên lâu, nhưng người vẫn bâng khuâng” (Trịnh Công Sơn)
“Nếu không có tiếng hát Khánh Ly thì chúng ta có những gì, còn gì?” Nếu chỉ được chọn một câu để nói về người ca sĩ đã cống hiến gần cả cuộc đời cho âm nhạc, thì tôi xin chọn câu nói trên của MC Lê Đình Ysa trong “Đêm mừng Khánh Ly 80 tuổi” được nhóm bạn trẻ Nina Hòa Bình Lê, Ann Phong, Lê Đình Ysa, Nguyễn Lập Hậu & Jimmy Nhựt Hà... tổ chức vào tối thứ Sáu 7/3/2025 tại quận Cam, Nam California.
Người ta thường gói ghém một cuộc đời trong dăm ba trang giấy để gọi là hồi ký. Người ta cũng thường dùng thước đo của 10 năm, 20 năm, 30 năm… để hoài niệm một điều gì đó, cho dù là hạnh phúc hay mất mát. Nhưng không dễ gì để tái hiện cả một cuộc đời dài 80 năm, trong đó có lịch sử, có tình yêu, có nhân quả, có triết lý sống, có ân tình, có nghệ thuật, có tài năng… chỉ trong một đêm. Vậy mà, Đêm-Khánh-Ly-80-Tuổi, đã làm được điều đó.
Không hiểu sao, khi những giòng nhạc trong bài Tuổi Đá Buồn của TCS qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly vang lên từ máy phát thanh ở rạp hát của Bowers Museum, lòng tôi bỗng nhiên rưng rưng. Cho dù lúc ấy, nhân vật chính là nữ ca sĩ Khánh Ly chưa xuất hiện trên sân khấu trong buổi tối kỷ niệm Sinh Nhật 80 tuổi của bà hôm thứ sáu tuần trước. Cho dù tôi đã nghe rất nhiều lần tiếng hát Khánh Ly từ lúc rất trẻ khi còn ở trong nước, hay những năm sau này ở Mỹ khi về già. Có lẽ tôi xúc động vì ý nghĩa của buổi tối kỷ niệm ngày sinh nhât của môt người nghệ sĩ đã hơn 60 năm ca hát cho đời và tạo cho mình môt chỗ đứng riêng với giọng hát đặc biệt của mình.
Tôi thường gọi bạn tôi “nghệ sĩ trầm lặng” vì biết bản tính anh từ ngày ở quân trường trên Đà Lạt, cách nay gần sáu thập niên. Khi anh bước vào con đường văn học nghệ thuật coi như “người bạn tri kỷ” và sự giải trí thanh tao trong cuộc sống nơi xứ người. Đức tính khiêm nhường và trầm lặng của anh, với tôi, rất quý vì phù hợp với tâm hồn. Câu nói của triết gia Pháp cho rằng những người thường khoe khoang, khoác lác thường với tâm hồn rỗng tuếch vì đầu óc họ chỉ có vậy. Và câu nói nhà bác học Blaise Pascal từ thế kỷ XVII “Le moi est haïssable” (Cái tôi đáng ghét) chứng minh cho điều đó. Vì tình trạng sức khỏe không cho phép nên Dương Viết Điền không tiếp tục những tác phẩm còn dang dở như nỗi niểm của anh trong tập cuối Nhật Ký Lúc Chiều Tà!
Vào năm 1998, lần đầu tiên tôi được đi Pháp, đến kinh đô ánh sáng Paris mà thuở bé chỉ dám nghĩ đến trong mơ. Đến Paris, người bạn Pháp hỏi tôi muốn đi viếng những danh lam thắng cảnh nào. Bên cạnh tháp Effeil, tôi nói muốn đến Ga Lyon, và thăm vườn Lục Xâm Bảo.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.