Hôm nay,  

Lấy Nhạc Trị Dịch

22/10/202110:30:00(Xem: 1807)

Bài & hình: Trangđài Glassey-Trầnguyễn


Special thanks to Mr. Laszlo Mezo, Award-winning Cellist

( https://www.facebook.com/laszlomezo.cellist/ ) 


Mùa đại dịch. Làm gì cho đầu óc thư giãn, bớt căng thẳng, tìm được niềm vui? 


Ai cũng có những cách riêng, nhưng có một cách chung là… nghe nhạc! Nhạc là ngôn ngữ quốc tế, là linh dược vô hình. Ai cũng biết, âm nhạc làm cho người ta yêu đời, hạnh phúc, khỏe mạnh, và thông minh hơn. Nhiều phụ nữ ngay từ khi cấn thai đã mở nhạc Mozart cho con nghe. Trẻ em học nhạc trong nhiều năm sẽ có chỉ số thông minh cao. Đại học Harvard đã có nhiều cuộc nghiên cứu (https://www.health.harvard.edu/newsletter_article/music-and-health) cho thấy những lợi ích thiết thực của âm nhạc đối với sức khỏe. Những dòng nhạc nhẹ nhàng và truyền cảm hứng mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho đời sống. Một giai điệu quen thuộc có thể gợi lại những kỷ niệm đẹp và làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc. Nghe nhạc thu âm đã tốt, nhưng nghe nhạc được trình diễn tại chỗ lại càng tốt hơn, nhất là khi người xem được trực tiếp tham gia vào phần trình diễn. Lấy Nhạc trị Dịch ư? Đêm nhạc “Beethoven's Eroica" do dàn nhạc giao hưởng Pacific Symphony Orchestra (https://www.pacificsymphony.org/) với Nhạc trưởng Carl St. Clair và phần độc tấu cello của Gabriel Martins tại Segerstrom Concert Hall là một chọn lựa thích hợp. Để giữ gìn sức khoẻ cộng đồng, mọi người tham dự đều cần phải chích ngừa và mang khẩu trang.


Beethoven

Beethoven (Nguồn: Pacific Symphony)


Một dàn nhạc giao hưởng. Vậy chỉ trình diễn nhạc cổ điển thôi sao? Không đâu! Đêm nhạc thính phòng “Eroica” được trình diễn trong ba đêm trung tuần tháng Mười 14, 15, 16 kết hợp nhạc xưa và nay. Nếu miếng trầu là đầu câu chuyện, thì Nhạc trưởng Clark St. Clair têm trầu thật khéo, và mời trầu cũng thật duyên. Ông đã điều khiển dàn nhạc suốt 32 năm qua, và ông luôn nói chuyện với khán giả như trò chuyện với những người bạn thân. Ông vừa xuất hiện trên sân khấu thì khán giả đã nồng nhiệt vỗ tay chào đón. Nhạc trưởng St. Clair hóm hỉnh nói, “Hôm nay quý vị có vẻ hào hứng quá!” Mọi người lại vỗ tay và cười vui vẻ. Ông hỏi khán giả, “Quý vị có từng muốn được ngồi chung với dàn nhạc và trình diễn trên sân khấu này không?” Nhiều người thay nhau đưa tay lên. Ông lại hỏi, “Ai cũng muốn làm nhạc công, nhưng có ai muốn làm nhạc trưởng không?” Ông chỉ lên bục gỗ dành cho nhạc trưởng và lắc đầu, “Ít ai chịu lên đó lắm! Nhưng hôm nay, quý vị sẽ được làm nhạc trưởng!”


Nhạc trưởng St. Clair duyên dáng kể lại chuyện ông mời Nhạc sĩ Frank Ticheli sáng tác một tác phẩm dành riêng cho dàn nhạc VÀ KHÁN GIẢ để kỷ niệm 30 năm ông làm Giám đốc âm nhạc cho Pacific Symphony. Ông kể, “Khi tôi mời Frank Ticheli viết một bài kỷ niệm 30 năm thì Frank chịu ngay, nhưng khi nói dành cho dàn nhạc VÀ KHÁN GIẢ thì phản ứng của anh thay đổi liền!” Ông mời nhạc sĩ Ticheli lên sân khấu. Nhạc sĩ Tichelli chia sẻ, “Khi mới nghe đề nghị của Nhạc trưởng thì tôi hơi sợ, nhưng càng suy nghĩ, tôi càng có hứng thú để sáng tác.” Trong nhạc phẩm mở đầu đêm hòa nhạc này, ông Ticheli viết một đoạn nhạc cho khán giả hát mà ông cảm tác từ câu nói bất hủ của văn hào Shakespeare. Hai câu được trích từ câu nói nổi tiếng nhất trong vở kịch “As You Like It” là đoạn “the Seven Ages of Man,” vốn bắt đầu với câu  “All the world's a stage, and all the men and women merely players” (Act 2, Scene 7). Nhạc sĩ Frank Ticheli đã viết lời hát như sau:


All the world's a stage

And all the men and women merely players

In this strange eventful history, each shall play a part

As we embrace this mystery. Let us start


blank

Tình bạn thắm thiết của Nhạc trưởng St. Clair (trái) và Nhạc sĩ Ticheli


Khán giả sẽ hát “All the world's a stage" rồi chuyển qua tiếng thì thầm. Nhạc trưởng St. Clair sẽ ra dấu để khán giả từ bên phải sân khấu sẽ bắt đầu hát và từ từ tiếng hát lan đi khắp một vòng  cả rạp. Rồi khán giả chuyển qua huýt gió. Nhạc trưởng khôi hài nói, “Tôi không nên dạy con gái tôi huýt gió. Tôi dạy lúc lên ba, bây giờ cô ấy đã hai mươi mà vẫn chưa ngưng huýt gió.” Nhạc sĩ Ticheli còn kết hợp thêm “whirlies” cho khán giả ở lầu hai. Có một đoạn, khán giả còn được mời búng tay hai lần, ôm vai một lần, đếm năm nhịp 1 2 3 4 5. Nhạc trưởng bật mí, “Trong bài chúng ta sẽ lập lại sequence này tới hai lần, nên xin quý vị để ý khi tôi ra hiệu.” Sau tất cả những phần tập dợt chuẩn bị với khán giả, đêm hòa nhạc bắt đầu.


Trước khi đánh nhịp, Nhạc trưởng quay lại, nói, “Tôi quên mất. Tôi muốn dùng buổi hòa nhạc này làm quà để cám ơn quý vị đã ưu ái ủng hộ Dàn nhạc Pacific Symphony trong suốt bao nhiêu năm qua.” Mọi người vỗ tay nhiệt liệt. Ông Clark St. Clair để tay lên ngực và cúi đầu thật sâu trước khán giả. Có ai đó kêu lên, "We love you!” Nhạc trưởng cười thật hạnh phúc. Đêm hòa nhạc được chính thức bắt đầu với khán giả. Nhạc trưởng ra hiệu, và khán giả bắt đầu trình diễn bằng tiếng thì thầm, rồi tiếng huýt gió hay trắc lưỡi tắc tắc cho những ai không quen huýt gió.


blank

Nhạc trưởng St. Clair và Nhạc sĩ Martins


Việc kết hợp phần trình diễn của khán giả được thực hiện thật trôi chảy. Mà hay nhất là vì được mời tham gia trình diễn nên khán giả không bị buồn chán hay ngủ gật, vì phải để ý tới phần trình diễn của mình. Hơn nữa, dòng nhạc của Ticheli đa dạng, nhiều màu sắc, chất giọng mỗi giai khúc đều đặc sắc, dẫn dắt người nghe đi từ thú vị này qua thú vị khác. Và quả  thật như câu nói của văn hào Shakespeare, cả thế giới là sân khấu, và mọi người nam nữ là những diễn viên. Nhạc trưởng St. Clair tài tình vừa điều khiển dàn nhạc, vừa dẫn dắt cả khán phòng trong một tác phẩm độc nhất vô nhị, giúp người tham dự quên đi những đau khổ của mùa đại dịch, dù mọi người vẫn mang khẩu trang và phải chích ngừa trước để được đến xem nhạc. Đi xem nhạc mà được luyện hơi và tập thể dục tay như vầy thì tuyệt quá!


Đi dự nhạc như vầy cũng giúp con người ta tăng hệ miễn dịch, sống vui hơn và lâu hơn. Âm nhạc luôn là ngôn ngữ quốc tế của mọi thời đại, và giữa cơn chiến chống COVID này, âm nhạc có thể là một trong những linh dược phi vật thể (dù được tạo nên từ những nhạc cụ thực thể) để giúp con người tìm thấy hy vọng khi vẫn còn quá nhiều những mảng tối hình cầu đang bay quanh thế giới. Từ phong cách bình dị, thân thiện, khiêm nhu của vị nhạc trưởng tài năng St. Clair cho đến từng nốt nhạc được chải chuốt, từng chi tiết được sắp xếp, đêm nhạc “Eroica" tạo ra một khoảng trời trong lành cho người thưởng ngoạn. Nhạc trưởng St. Clair nhỏ con, người mảnh khảnh, nhưng khi ông điều khiển dàn nhạc, thì cả con người ông cuộn chảy theo dòng nhạc, toả ra một sức mạnh lạ thường. Người ta thường nói, khó phân biệt được giữa điệu nhảy và vũ công. Ở đây, người xem sẽ khó phân biệt được nhạc trưởng và dòng nhạc, vì ông St. Clair đã hoá thân vào dòng nhạc trong mọi phút giây.


blank

Standing ovation


Tiếp theo chương trình là bản concerto “bán chính thức" dành cho cello “Variations on a Rococo Theme, Op. 33" của Tchaikovsky với cả kỹ thuật và mỹ thuật, với phần trình diễn cello độc tấu của Gabriel Martins. Nhạc sĩ Martins còn rất trẻ. Anh sinh năm 1998, đoạt quán quân của Concert Artists Guild – Young Classical Artists Trust Grand Prize năm 2020 và giải 2020 Sphinx Competition, cùng nhiều giải thưởng danh tiếng khác. Phần hai của chương trình là bản giao hưởng “Eroica," một tác phẩm khai phóng và có ảnh hưởng lớn đến nỗi nó đã thay đổi dòng chảy của lịch sử âm nhạc. Bản giao hưởng Thứ Ba này đánh dấu chương thứ hai trong sự nghiệp âm nhạc của Beethoven, và tuy ông đã manh nha ý tưởng để viết nó từ giai đoạn thăng trầm "Heiligenstadt Testament" nhưng mãi đến tháng Năm năm 1803 thì ông mới tập trung viết. 


Xu hướng kết hợp nhạc đương đại và nhạc cổ điển của dàn nhạc giao hưởng Pacific Symphony mang đến sự mới mẻ và hào hứng cho khán giả. Một thiếu niên 11 tuổi đã nói, “Con rất thích đêm nhạc này, vì được nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau!” Và một chương trình sắp tới, ngày 24 tháng Mười, xuất matinee và xuất duy nhất lúc 3 giờ chiều, mang chủ đề “From Past to Present,” cũng kết hợp tân cổ. Buổi hoà nhạc cũng diễn ra tại Segerstrom Center for the Arts, trong Samueli Theater, đặc biệt có sự góp mặt của Nhạc sĩ Việt Cường, một nhạc sĩ gốc Việt rất trẻ. Anh sinh năm 1990 tại California. Bài “Wax and Wire" được anh viết cho clarinet, violin, cello, và piano. Một số danh tài Việt Nam đã góp mặt trong sáng tác và trình diễn nhạc giao hưởng tại hải ngoại, như Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, Nhạc sĩ Trần Chúc, đưa âm hưởng Việt vào nhạc thính phòng. Và hôm nay, những thế hệ mới như nhạc sĩ Việt Cường tiếp tục làm công việc sáng tạo này, và được sự tán thưởng của dòng chính. Báo The New York Times gọi nhạc của anh là “alluring and wildly inventive,” và báo San Francisco Chronile nhận định, “irresitible.” Tác phẩm của anh đã được trình diễn bởi nhiều nhạc sĩ và dàn nhạc danh tiếng, như the New York Philharmonic, Eighth Blackbird, Saint Paul Chamber Orchestra, So Percurssion, Alarm Will Sound, Atlanta Symphony, Sandbox Percussion, Albany Symphony, PRISM Quartet, Orchestra of St. Luke's, và Dallas Winds. Nhạc của anh được trình diễn tại Carnegie Hall, Lincolhn Center, the Kennedy Center, National Gallery fo Art, và Thư viện Quốc Hội. Nhạc sĩ Việt Cường sáng tác “Wax and Wire" vào năm 2014, lấy cảm hứng từ những tác phẩm điêu khắc bằng wire của Michael Gard. Với những danh tài như Việt Cường, người Việt hải ngoại sẽ có được niềm vui được thưởng thức nhạc của các thế hệ trẻ tại những thính phòng và với dàn nhạc danh tiếng của Mỹ.


blank

Nhạc sĩ Việt Cường (Hình: vietcuongmusic.com)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có lẽ đã đến lúc cần đặt câu hỏi về sự dễ dãi của khán giả Việt? Như vấn đề đã nhiều lần được đặt ra trong lãnh vực âm nhạc, với các cô ca sĩ trong nước gầm rú phô diễn kỹ thuật mà không chuyển tải được nội dung, cảm xúc của bài hát, phim Việt còn nặng tính phô trương kỹ thuật, nhét tất cả mọi chiêu, mọi nước bước, đường đi, ý tưởng vào cùng một vở kịch, rồi nhấn hết cỡ âm lượng, dung lượng trấn áp khán giả - hệt như việc đãi ăn một bữa buffet quá no nê, để khách hài lòng với số lượng mà quên để ý đến phẩm lượng.
Nếu nói một cách ngắn gọn nhất, thì tui sẽ nói như thế này: Hình như Mai là cuốn phim Việt Nam hay nhất với tui từ trước đến giờ thì phải. Còn nếu nói dài thì nói luôn là tui coi phim Việt Nam không nhiều. Hồi nhỏ không có gì coi thì tivi chiếu gì coi đó, trong đó có phim VN. Sao mà nó cứ chầm chậm, lây lất. Ngột ngạt. Nặng nề. Đến lúc diễn viên có thể nói nhanh hơn một chút, cuộc sống chuyển động lẹ hơn một chút, thì tui lại thấy sao những gì mà người ta nói, người ta làm, người ta sống cứ như ở một thế giới nào đó mà tui không tồn tại, nó cứ giả giả gượng gượng như "plastic". Rồi thì cũng đến lúc tui được xem nhiều cuốn phim Việt Nam hay ho hơn, tử tế hơn trong các lần VAALA tổ chức Đại hội điện ảnh Việt Film Fest. Nhưng bàng bạc trong đó, vẫn cứ thấy lẩn quẩn một nỗi gì khó diễn tả lắm. ‘Bi ơi, đừng sợ!’ (mặc dù tui coi tui sợ muốn chết), ‘Trăng nơi đáy giếng’, ‘Song Lang’,… nhiều quá không nhớ hết tựa… ‘Mai’ thu hút tui từ cảnh đầu tiên...
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Hơn 60 năm sau khi phát hành đĩa đơn đầu tay, nhóm nhạc huyền thoại The Beatles đã phát hành ca khúc cuối cùng: “Now and Then.” Bài hát được ra mắt hôm thứ Năm (2/11), dựa trên bản demo cũ của John Lennon. Trong một tuyên bố trên trang web của ban nhạc, tay trống Ringo Starr cho biết: “Đó là cách duy nhất chúng tôi có thể đưa anh ấy trở lại phòng thu âm, tất cả chúng tôi đều rất xúc động.”
Tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy 14 Tháng Mười năm 2023 Nhóm Sắc Màu Kỷ Niệm đã tổ chức thành công Chiều Nhạc “Quê Hương Tình Thu Muôn Thuở”.
Vào ngày Chủ Nhật 24/09/2023, trong một cuộc họp mặt thường niên của Hội Ái Hữu Linh Sơn Lĩnh, một nhóm thân hữu trong bộ đồ màu đen đã lên sân khấu hát lại một số ca khúc sinh hoạt của Phòng Trào Xây Dựng Nông Thôn (XDNT) trước 1975.
Nhạc sĩ Y Vũ vừa qua đời tại Sài Gòn ngày 28-9-2023 hưởng thọ 83 tuổi (1940-2023); báo chí lại đặt vấn đề ai là tác giả thật sự của ca khúc nổi tiếng Tôi Đưa Em Sang Sông...
Trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật 16 & 17/09/2023, Đài Truyền Hình SBTN đã tổ chức vòng chung kết của của cuộc thi hát dành cho người cao niên “Tiếng Hạc Vàng” lần thứ nhì. Cuộc thi thu hút được sự hưởng ứng và khen ngợi của cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới
Các bạn yêu thời trang người Việt ở Hoa Kỳ, đặc biệt là tại Nam California, hẳn không xa lạ mấy với thời trang của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, nhà thiết kế thời trang Việt từng được biết đến với những show trình diễn thời trang trong nhiều năm qua tại Beverly Hills, Newport Beach, Paris, Sydney… và nóng hổi nhất là show vừa diễn ra Chủ Nhật qua tại Tuần Lễ Thời Trang New York Xuân-Hè 2024, với sự xuất hiện của Đỗ Mạnh Cường, cùng thương hiệu SIXDO, và một dàn khách mời hùng hậu từ Việt Nam cũng như quốc tế đến tham dự trên sàn thời trang New York.