Hôm nay,  

Tiếng hát Lệ Thu – Ký Ức Một Thời (Để tưởng nhớ 100 ngày mất của danh ca Lệ Thu)

21/04/202116:17:00(Xem: 3906)

Nghệ sĩ thương tiếc danh ca Lệ Thu! - Báo Người lao động


Tôi lặng người bàng hoàng khi nghe tin cô Lệ Thu ra đi vào lúc 7 giờ tối, ngày 15 tháng 1 năm 2021. Lần này thì cô đi thật. Vậy là chúng ta sẽ không còn được thưởng thức giọng hát “vàng ròng” hay “vàng mười”, một danh xưng có một không hai đã gắn liền với cuộc đời của cô. Trước đó, khi một số báo trong nước đưa tin nhầm về chuyện cô mất, Jimmy (người diều khiển chương trình The Jimmy Show) đẫ làm một video ngắn phỏng vấn người con gái lớn nhất của cô để cải chính về nguồn tin thất thiệt này. Khi ấy tôi và nhiều người thân trong gia đình, những người vốn yêu thích giọng hát của cô, cảm thấy vui mừng và hy vọng cô sẽ có thể vượt qua cơn hoạn nạn vì đã có rất nhiều người hồi phục sau khi mắc Covid-19. Nhưng rồi cô đã không chống cự nổi và vĩnh viễn từ giã chúng ta. Chỉ hai tháng sau, chính người con gái ấy của cô cũng từ bỏ cõi đời này để đoàn tụ với mẹ ở cõi vĩnh hằng. 

Sau khi cô mất, rất nhiều video thu lại những lần trình diễn của cô trước đây trên nhiều sân khấu lớn ở hải ngoại và trong nước cũng xuất hiện liên tục trên Youtube để người xem có dịp thưởng thức lại tiếng hát của cô và tưởng nhớ cô. Các mạng xã hội tràn ngập những lời chia buồn và thương tiếc của giới văn nghệ sĩ và những người hâm mộ về sự ra đi của cô. Rất nhiều ca sĩ ở hải ngoại cũng như trong nước đã viết status về những kỷ niệm đẹp của họ với cô trên Facebook, Twitter, Instagram…. Riêng bản thân tôi, tôi chỉ xin chia sẻ với bạn đọc những cảm nhận của riêng tôi về giọng hát của người nữ danh ca này. 

Tôi biết đến cô lúc tôi chỉ mới khoảng mười hai tuổi khi xem một chương trình nhạc đặc biệt do Đài Truyền Hình Sài Gòn thu hình để tặng cho Đài Truyền Hình Huế nhân ngày phát hình ra mắt của đài. Trong chương trình nhạc đó, có rất nhiều ca sĩ tên tuổi của Sài Gòn trình diễn nhưng không hiểu sao tôi chỉ nhớ ba người: Lệ Thu hát bài Tuổi đá buồn của Trịnh Công Sơn, Hồng Hạnh hát bài Thế rồi một mùa hè của Phạm Mạnh Cương, và Thu Hương hát bài Tình nghệ sĩ của Đoàn Chuẩn và Từ Linh. Hồi ấy tôi chưa hề biết ba giọng hát này vì trên các đài phát thanh, tôi thường nghe giọng hát của các nữ ca sĩ Thái Thanh, Kim Tước, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Phương Dung, Lệ Thanh, Hà Thanh….Bên nam ca sĩ thì có Anh Ngọc, Phượng Bằng, Duy Khánh….Ba tôi biết mẹ tôi rất thích nghe nhạc nên ông thường hay mở nhạc trên radio cho mẹ tôi nghe và vậy là chúng tôi được nghe theo. Đến khi ba tôi mua một cái ti-vi cho gia đình tôi, chúng tôi vô cùng thích thú, cứ mong đến 6 giờ chiều để coi các chương trình trên ti-vi cho tới giờ học bài.
 

Ngày ấy khi xem cô Lệ thu hát bài Tuổi đá buồn, tôi đã bị cuốn hút bởi giọng hát trầm ấm, thanh thoát, và u buồn nhưng không quá bi lụy, sầu não của cô. Tôi nhớ cô mặc một chiếc áo dài màu sẫm, tay cầm một đóa hồng vừa hé nở. Đặc biêt, mái tóc “đờ-mi gạc-xông” (demi- garcon) của cô tưởng chừng như không phù hợp với chiếc áo dài, ấy vậy mà mái tóc ấy lại rất hợp khuôn mặt thanh tú của cô với đôi mắt to và đẹp, khiến cô có một vẻ quý phái riêng biệt. Tất cả những thứ đó đã hút hồn một con bé như tôi và khiến tôi nhớ mãi hình ảnh ấy. Sau đó, tôi có dịp coi cô hát trong những chương trình nhạc trên ti-vi do các nhạc sĩ khác thực hiện như Hoàng Trọng, Phạm Mạnh Cương, Văn Phụng, Jo Marcel …. Nhiều bài hát của cô đã tạo cho tôi những ấn tượng mạnh mẽ cùng những rung cảm mà cho đến bấy giờ, sau mấy chục năm, những rung cảm đó vẫn còn mãi trong tôi. 

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của cô khi hát bài Nha Trang ngày về của nhạc sĩ Phạm Duy. Trên màn hình ti-vi đen trắng, có đoạn khuôn mặt cô được chiếu lồng với những đợt sóng biển vỗ vào bờ tráng xóa thật đẹp trong khi tiếng hát của cô cất lên thật u uẩn, chậm rãi và tiếc nuối, như kể lể với người yêu về một mối tình trắc trở. Một lần khác, khi cô hát bài Nắng thủy tinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người quay phim cố ý chiếu cận cảnh khuôn mặt của cô, một khuôn mặt đẹp rạng rỡ, với ánh mắt long lanh như có ánh nắng chiếu sáng ngời trong đôi mắt ấy. Hình ảnh của cô trong chiếc áo dài gấm và chiếc khăn vành khi hát bài Hương xưa của nhạc sĩ Cung Tiến với tiếng đàn piano của một nhạc sĩ mà tôi không nhớ rõ tên làm tôi liên tưởng tới khu Đại Nội cổ kính, dấu tích của một vương triều cũ nơi thành phố Huế yêu dấu của tôi. 

Ngoài những chương trình nhạc trên ti-vi, tôi còn nghe rất nhiều những bài hát của cô trong các cuốn băng nhạc magnétophone do Shotguns, Phạm Mạnh Cương hay Jo Marcel…… phát hành vì mẹ tôi và chị lớn của tôi rất thích nghe nhạc, và cô là một trong những ca sĩ được yêu thích trong gia đình tôi. Không hiểu sao, tuy hồi ấy tôi chỉ độ mười ba, mười bốn tuổi nhưng mỗi lần nghe một bài hát của cô, trí tưởng tượng của tôi lại vẽ nên những hình ảnh mà nội dung của bài hát đang chuyển tải. Ví dụ khi nghe cô hát bài Mùa thu trong mưa của nhạc sĩ Trường Sa, tôi cứ tưởng tượng một chàng trai đang ngồi nhớ người yêu trên chiếc ghế đá trong công viên Thương Bạc bên dòng sông Hương vào một buổi chiều mưa buồn ở Huế. Tôi cũng thường nhìn lên bầu trời huyền bí đầy sao khi nghe cô hát Sao Đêm của Lê Trọng Nguyễn mà mơ đến chốn thiên thai với những nàng tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần. Nhạc phẩm Mưa Hồng của Trịnh Công Sơn với câu “Đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau” cũng làm tôi thương Huế vô cùng. Tôi không rõ “đường phượng bay” của nhạc sĩ họ Trịnh là con đường nào nhưng tiếng hát thênh thang của cô làm tôi bỗng cảm thấy yêu mến hơn con đường bên hông Đại Nội với hai hàng phượng giao nhau mà vào đầu mùa hè, nhiều lần đi học về từ trường Nữ Trung học Thành Nội, tôi và mấy cô bạn nhỏ đã lang thang trên con đường này, lượm những cách hoa phương đỏ xinh xắn để ép vào những trang vở học trò trắng tinh. Trí tưởng tượng của tôi lại ngao du qua tận nước Pháp thơ mộng xa xôi khi nghe cô hát bài Mùa thu chết do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ L’Adieu nổi tiếng của thi sĩ người Pháp Guillaume Apollinaire, và ước mong một lần được ngắm những chiếc lá thu vàng ở đâu đó trong thành phố Paris tráng lệ hay cầm trên tay một cành hoa thạch thảo (bruyère) dù khi ấy tôi chưa hề biết hoa thạch thảo là hoa gì. 



Tôi đã nghe cô hát biết bao nhiêu là nhạc phẩm để đời của những nhạc sĩ nổi tiếng với giọng “nữ trung trầm” (mezzo-alto) ấm áp, mượt mà nhưng trong sáng, đầy đặn và phong phú. Cô Lệ Thu không hát riêng nhạc của một nhạc sĩ nào. Cô hát nhạc của rất nhiều tác giả khác nhau nhưng bài  nào cô hát cũng để lại những cảm xúc rất mạnh mẽ trong tôi. Giọng ca của cô thật khắc khoải trong Chiếc lá cuối cùng của Tuấn Khanh, bâng khuâng trong Bóng chiều tà của Nhật Bằng, xót xa trong Hoài cảm của Cung Tiến, tha thiết trong Tình khúc thứ nhất của Vũ Thành An và Nguyễn Đình Toàn, buồn tủi trong Nước mắt mùa thu của Phạm Duy, ray rứt trong Nửa hồn thương đau  của Phạm Đình Chương… Nhưng có lúc giọng ca ấy lại êm ái trong Chiều tím của Đan Thọ và Đinh Hùng, tươi mát trong Bến xuân xanh của Dương thiệu Tước, hay chơn chất mộc mạc trong Mai chị về của Hoài Linh…Và còn nhiều, rất nhiều bài hát nữa mà cô đã hát suốt cả đời mình như một lần cô bộc bạch rằng nghiệp cầm ca của cô là một định mệnh. 

Tuy yêu thích tiếng hát của cô nhưng tôi lại chưa bao giờ được trực tiếp nghe cô hát “sống” (live) vì tôi được sinh ra và lớn lên ở cố đô Huế là một thành phố nhỏ, nơi không có những phòng trà với chương trình ca nhạc được tổ chức hằng đêm như ở Sài Gòn. Lúc mới lên sáu hay bảy tuổi, mỗi khi có đại nhạc hội được tổ chức ở Huế, ba tôi luôn mua vé cho mẹ tôi, chị tôi, và tôi đi xem vì ông biết mẹ tôi rất thích ca nhạc. Nói là “đại nhạc hội’ nhưng vì hồi đó Huế chỉ có vài rạp nhỏ dể chiếu phim, chưa có các rạp hát lớn để trình diễn ca nhạc kịch nên người ta chỉ dựng tạm một cái nhà lớn bằng gỗ lợp tôn, không có tường hay cửa, ở công viên Thương Bạc để ca sĩ và kịch sĩ trình diễn. Khi ấy tôi chỉ nhớ là có ban hợp ca Thăng Long với những bài hát vui nhộn, cô Thanh Thúy với giọng ca trầm buồn và mái tóc bồng, cô Túy Phương với những bài hát điệu Twist, cô Mai Ly nhún nhảy điệu Swing trong chiếc váy đỏ rực, đứng dựa vào chiếc contrebasse thật to của một nhạc sĩ đang chơi… nhưng tôi không thấy cô Lệ Thu ngày ấy. Có lẽ khi ấy cô chưa nổi tiếng chăng? 

Khi sang định cư tại Mỹ, tôi không có dịp xem cô hát trong các chương trình ca nhạc lớn vì tôi hơi bân rộn với công việc và thường các chương trình này khá dài. Tuy nhiên, vào năm 2011, vợ chồng tôi lại may mắn được xem cô trình diễn trong một chương trình nhạc do tổ chức thiện nguyện VietKids thực hiện ở Trung Tâm Sangha tại thành phố Hungtinton Beach để gây quỹ giúp đỡ cho các em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Hôm ấy chỉ có ba ca sĩ, cô Lệ Thu, cô Thu Hà từ Việt Nam qua và một ca sĩ khác mà tôi quên tên. Theo ban tổ chức, tất cả các ca sĩ sẽ đóng góp toàn bộ số tiền thù lao vào quỹ để hổ trợ cho các em. Thật là một nghĩa cử cao đẹp! Được ngồi thưởng thức giọng ca của cô và diện kiến con người thật của cô lần đầu tiên trong một thính phòng nhỏ chỉ khoảng hơn 200 người, tôi cảm thấy mình thật may mắn vì không khí đêm nhạc thật ấm cúng và gần gũi chứ không xa cách như trong những khán phòng rộng lớn. Đêm ấy khán giả yêu cầu rất nhiều bài hát quen thuộc mà cô đã hát như Nước mắt mùa thu, Nửa hồn thương đau, Dạ khúc (Serenade)….Những tràng pháo tay vang dội sau mỗi bài hát khiến cô rất cảm động và hứng khởi. Sau buổi trình diễn, khi cô ra trước sảnh của thính phòng để ký tên vào CD cho khán giả, tôi đánh bạo đến xin chụp chung một tấm hình với cô. Tôi vốn rất ngại xin chụp chung với các ca sĩ vì quanh họ lúc nào cũng rất đông người, nhưng với cô thì khác. Cô là “idol” của tôi từ khi tôi chỉ là một con bé còn cột tóc đuôi gà ham chơi đánh thẻ và sẵn sàng xắn quần nhảy dây với chúng bạn. Nghe tôi nói giọng Huế, cô vui vẻ nói; “À vậy là em cùng quê với nhạc sĩ Diệu Hương rồi. Giọng Huế dễ thương quá nhỉ. Các cô người Huế cũng nhẹ nhàng lắm.” Tôi nghe cô nói mà lòng cảm thấy rất vui, và vui hơn là được thấy cô ngoài đời, lại được chụp hình chung với cô. 

Qua các mạng xã hội, tôi có dịp đọc một số trích đoạn từ trong hồi ký của cô mới biết cuộc sống hôn nhân của cô không suôn sẻ may mắn lắm. Thật buồn! Tôi cũng xem những chương trình phỏng vấn cô do Việt Thảo (Tonight with Việt Thảo), Jimmy (The Jimmy Show) hay Giáng Ngọc (Giáng Ngọc Show) thực hiện. Qua đó, tôi được biết thêm rất nhiều điều thú vị về cuộc đời ca hát của cô mà trước đây những người hâm mộ cô khó lòng biết được. Tôi cũng rất thích cách nói chuyện của cô. Cô nói chuyện rất bình dị và tự nhiên, và có lẽ cách nói chuyện này có phản ánh một phần nào con người của cô.  

Bây giờ cô đã đi về một nơi thật xa, một nơi không có những giới hạn về không gian hay thời gian, không có những vội vã, lo toan, hay phiền muộn. Tuy từ nay chúng ta sẽ không còn được gặp cô, không còn được nghe trực tiếp “tiếng hát bay trên thành phố bâng khuâng” đã làm rung động lòng người nhạc sĩ năm nào, nhưng tôi chắc rằng chúng ta vẫn nhớ và yêu quý mãi giọng ca ấy, giọng ca thật xứng danh là giọng ca “vàng mười’. Nhân dịp 100 ngày mất của cô, tôi xin thành kính dâng cô một nén hương và chắc rằng ở nơi xa xôi ấy, cô đang thanh thản yên nghỉ bên người con gái thân yêu của mình.    

Garden Grove, tháng 4, 2021

Trang Lê

  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo bản tin VOA, 23/11/2022, vở nhạc kịch “Miss Saigon” từng gây tiếng vang của hai biên kịch người Pháp là Claude-Michel Schönberg và Alain Boublil vừa bị huỷ diễn tại nhà hát Crucible ở trung tâm thành phố Sheffield của Anh vì bị chỉ trích có “những trò lố lăng và phân biệt chủng tộc”. Công ty New Earth Theatre, bao gồm một nhóm các nghệ sĩ người Anh gốc Đông và Đông Nam Á, ra thông báo nói rằng vở nhạc kịch “Miss Saigon” có chứa “những ẩn dụ tai hại, những trò lố lăng và phân biệt chủng tộc” nhằm vào người Việt Nam...
Lần đó, tôi nhận được cuốn sách “Lam Phương, Trăm Nhớ Ngàn Thương” từ bên quê nhà gửi qua. Nói thiệt, cầm cuốn sách mỏng dính trên tay, xem qua các mục lục, tôi bỗng thấy… giận hờn và chỉ biết thở dài...
Dòng nhạc thính phòng với hai trường phái Cổ Điển (1730-1820) và Lãng Mạn (1800-1910) của Tây Phương, các thể loại như Sonata, Concerto, Symphony… đã ảnh hưởng nhiều đến giới thưởng ngoạn ở Việt Nam về thể loại Sonata, Concerto...
Cải lương là một bộ môn nghệ thuật thuần túy Việt Nam, mang bản sắc của dân tộc. Nhiều tầng lớp trong xã hội ưa thích, nên cải lương phát triển rất nhanh. Cải lương và vọng cổ gắn bó chặt chẽ với nhau. Ông tổ cải lương là Tống Hữu Định. Ông tổ bản vọng cổ là ông Cao Văn Lầu. Cải lương phát triển rất nhanh, kéo theo một số lượng đông đảo nghệ sĩ, và các soạn giả...
Bộ phim điện ảnh Chìa Khoá Trăm Tỷ (A Hundred Billion Key) thành công vang dội tại Newport Beach Film Festival, sự kiện điện ảnh quốc tế lớn nhất vùng duyên hải Nam California, khi phim chính thức ra mắt khán giả Hoa Kỳ với tư cách là Phim Việt Tiêu Điểm năm 2022 của lễ hội. Phim sẽ mang phong cách hài hước và hành động quyến rũ đến các rạp chiếu ở Hoa Kỳ khắp toàn quốc bắt đầu từ ngày 28/10/2022.
Thử tưởng tượng nếu bạn có một bà vợ thông minh như Siri của iphone, một bà vợ hiểu biết như Alexa của Amazon, nhưng hơn thế nữa, một bà vợ bên cạnh bạn bằng hình hài, mỗi ngày đi làm về bạn có thể chuyện trò, và nàng thông minh hiểu biết nhưng không bao giờ cãi vã hay giận hờn. Thử tưởng tượng. Bạn là người yêu âm nhạc, nàng sẽ bên cạnh bạn gõ nhịp khảy đàn. Bạn là người yêu ăn uống, nàng sẽ bên cạnh nấu nướng bất kỳ món ngon vật lạ nào bạn yêu cầu. Bạn là người thích hội họa, nàng sẽ vẽ hình bạn sống động, điểm thêm chấm phá biểu lộ bạn là chủ nhân duy nhất sở hữu trái tim nàng. Thử tưởng tượng.
Lời bài hát Tình Ca Tình Người là lời tự bạch chính xác nhất về nhạc sĩ Trúc Hồ. Đối với Trúc Hồ, Tình Yêu không thể tách rời Tình người. Và Tình Người mới là thứ tình yêu vĩnh cửu, đem lại một thế giới bình an mà mọi người đều mơ ước…
Chữ có hình có dạng, nhưng ý nghĩa bên trong chữ như chất lỏng. Sáng tác không chỉ đặt chữ xuống trang giấy, lên màn ảnh, trong tâm tình và ý thức nghệ thuật, mà quan trọng hơn, là làm rách chữ để chất lỏng chảy ra, thấm sâu vào giấy, vào điện tử, bốc hương lên tác giả và truyền thơm cho độc giả.Ca từ có thể không chứa chất lỏng đặc sệt như chữ trong thi ca, hoặc đậm đen trong ngôn từ triết học, nhưng chất lỏng trong ca từ rất đặc thù: có thể hát, mỹ vị hóa tứ nhạc, đồng cảm với giai điệu, và có khả năng đặc biệt nhất: đi thẳng vào lòng người. Sự phức tạp này là trở ngại lớn nhất đối với người viết ca khúc, vì nói đến ca khúc là nói đến ca từ. Một bản nhạc không thể hay, không thể đạt được giá trị, nếu có ca từ dở.
Baltimore, nằm ngay trên bờ vịnh Chesapeake Bay thuộc bờ biển Đại Tây Dương, có dân số khoảng 700.000 người. Đó là thành phố, cũng là trung tâm công nghiệp và văn hóa lớn nhất của tiểu bang Maryland. Trong thời gian đầu lập quốc, Baltimore đã từng là một trong ba hải cảng lớn nhất của Hoa Kỳ và nó cũng đã từng đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong ngành ngoại thương và phát triển kinh tế cho xứ sở này.
Viện Việt Học tại trụ sở Westminster, California, hôm 3/9/2022 đã có buổi Hội thảo giới thiệu công trình chú giải sách Nôm nhan đề Quan Âm Tế Độ -- do GS Nguyễn Văn Sâm phiên âm và chú giải dựa vào bản khắc hơn một thế kỉ trước. Bản gốc là Quan Âm Diệu Thiện (Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Kinh), theo bản khắc năm Mậu Thân 1908 năm thứ 34 niên hiệu Quang Tự (nhà Thanh). Do Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Hiền Tâm phiên âm từ chữ Nôm ra quốc ngữ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.