Hôm nay,  

Giã Biệt Nhạc Sĩ Lam Phương Giai Điệu Lời Ca Lóng Lánh Nắng Đẹp Miền Nam

24/12/202016:14:00(Xem: 3155)

 

lam phuong sinh nhat
Nhạc Sĩ Lam Phương. (Hình do Trần Chí Phúc cung cấp)

 

                                                                   

Tin nhạc sĩ Lam Phương từ giã giới yêu nhạc chiều ngày 22-12-2020 tại Quận Cam California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi ( 1937-2020) lan truyền thật mau từ hải ngoại về tới quê nhà Việt Nam trên các báo chí truyền thông.

Ông tên thật Lâm Đình Phùng, sinh tại Rạch Giá Kiên Giang, là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam với sự nghiệp khoảng 200 ca khúc đặc sắc đi vào lòng người. Ở tuổi đôi mươi, nhạc sĩ Lam Phương đã nổi danh với những nhạc phẩm Khúc Ca Ngày Mùa , Kiếp Nghèo, Bức Tâm Thư, Nhạc Rừng Khuya, Chuyến Đò Vỹ Tuyến, Lá Thư Miền Trung, Nắng Đẹp Miền Nam, Tình Anh Lính Chiến… trong thập niên 1950.

Sự sáng tác sung mãn của ông tiếp tục với cả trăm ca khúc quyến rũ người nghe thập niên 1960, những năm đầu thập niên 1970 và Lam Phương trở thành cái tên quen thuộc của giới thưởng thức ca nhạc. Tạm kể ra một số bài hát còn nhớ như Đèn Khuya, Duyên Kiếp, Ngày Hạnh Phúc, Ngày Tạm Biệt, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Thu Sầu, Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi, Phút Cuối…

Đặc biệt bản Thành Phố Buồn năm 1970, viết về mối tình phố thơ mộng Đà Lạt   “Thành phố nào nhớ không em nơi chúng mình tìm phút êm đềm” rất ăn khách- theo tác giả kể- tiền bản quyền bài hát mua được một căn nhà lớn.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, Lam Phương là nhạc sĩ thành công với nhiều bài hát được công chúng ưa thích và đời sống khá sung túc. Nhưng 30-4-1975 Sài Gòn thất thủ và ông cùng hàng triệu người sống kiếp lưu vong xứ người.

Qua hải ngoại, có lúc sống tại Paris Pháp và sau cùng tại Quận Cam Hoa Kỳ, Lam Phương vẫn tiếp tục sáng tác. Bản Lầm (1978)” Anh đã lầm đưa em sang đây, để đêm trường nghe tiếng thở dài “ được đón nhận nồng nhiệt. Bản Chiều Tây Đô  (1984) “Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương, Tây Đô sẽ sống lại yêu thương” là một trong những nhạc phẩm thành công của ông viết ở hải ngoại.

 Bản Cho Em Quên Tuổi Ngọc viết lúc ở Pháp, ông đắc ý khi tâm tình cùng bằng hữu “ Cho em trao một lần cuối ăn năn quê hương tội tìnhEm xin được khóc cô đơn ôi thân phận mình”.

 Bản Em Đi Rồi “ Em đi rồi từ đây tiếng hát cô đơn biết chia cùng ai nỗi buồn trên xứ người” viết tặng ca sĩ Họa Mi được ưa thích.

Nhạc sĩ Lam Phương vẫn đều đều gởi đến giới yêu nhạc nhiều ca khúc quyến rũ đễ hát dễ nghe như Cỏ Úa  “Còn nhớ tên nhau xin gọi trong giấc mộng, còn chút thương yêu xin đưa vào dư âm…”, Tình Đẹp Như Mơ “ Tình yêu từ đâu mà tình yêu vội vã chiếm tim ta, chỉ một lần qua mà đêm đêm hình bóng mãi bên ta” .

Khi ông bị đột quị vào năm 1999 và tay chân bị liệt, giọng nói không được lưu loát và điều quan trọng là đầu óc không còn năng lực để tiếp tục sáng tác nữa. Ông kể rằng mỗi lần suy nghĩ tìm câu nhạc, lời ca thì nhức đầu nên đành từ bỏ công việc viết ca khúc. Đây là một điều đáng tiếc cho ông và cho giới yêu nhạc.

LAMPHUONGTRANCHIPHUC2
Nhạc sĩ Lam Phương (phải) và nhạc sĩ Trần Chí Phúc.(hình do Trần Chí Phúc cung cấp)



Tạm chia cuộc đời sáng tác Lam Phương thành 3 phần. Phần 1 là thời Việt Nam Cộng Hòa viết một trăm mấy chục ca khúc. Phần 2 là thời lưu vong viết được mấy chục ca khúc. Phần 3 là thời gian bị bệnh năm 1999 đến cuối đời, ngưng sáng tác.

Thời gian ông sức khỏe kém trong 21 năm thật buồn, nhưng đền bù lại giới yêu nhạc vẫn yêu mến ông và nhiều buổi ca nhạc chủ đề Lam Phương khắp nơi có đông khách tham dự. Hình ảnh nhạc sĩ Lam Phương ngồi trên xe lăn được đẩy ra sân khấu trong tiếng vỗ tay ngưỡng mộ, biểu hiện tình thương khán giả dành cho ông.



Đến ngày sinh nhật ông, mấy trăm người tụ họp chúc mừng và hát những nhạc phẩm Lam Phương rất cảm động. Đây là điều an ủi quí giá dành cho người nhạc sĩ tài hoa, tánh tình hiền hòa.

Trung tâm Thúy Nga thực hiện 3 cuốn DVD chủ đề Lam Phương. Trung tâm Asia thực hiện  một DVD chủ đề Anh Bằng Lam Phương. Mấy năm sau này, nhạc Lam Phương được nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước thu âm và trình diễn nên tên tuổi ông vẫn được đồng bào quê nhà mến mộ như thời Việt Nam Cộng Hòa.

Trong một đôi lần trò chuyện cùng nhạc sĩ Lam Phương, ông nói rằng sự nghiệp khoảng hai trăm ca khúc nhưng hầu hết được công chúng ưa thích. Khi cảm hứng dâng tràn thì ông viết thành bài hát thật mau lẹ. Còn bài nào mà bị vướng mắc cái gì đó thì ông bỏ luôn. Từ điều này, hiểu được lý do tại sao dòng nhạc của Lam Phương rất tự nhiên, đi thẳng vào hồn người nghe. Có vẻ như ông không bị gò bó bởi nhạc lý hòa âm; ông để cảm xúc hòa cùng lời ca mộc mạc chân tình với những nốt nhạc làm cho bài hát được đồng bào ưa thích và cùng hát với nhau.

 Ông nói là Lam Phương chưa bao giờ phổ thơ của ai với lý do khiêm tốn rằng mình khó diễn tả được cái hay của bài thơ. Dĩ nhiên, vì ông có tài đặt lời ca cùng cảm hứng dồi dào trong sáng tác nên không cần thơ người khác.

Thời thơ ấu, tôi từng nghe ông chú ôm đàn ghi ta vỗ thùng điệu Bolero hát bản Khúc Ca Ngày Mùa “ Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát”, các học trò với bộ áo nông dân thôn nữ cùng múa giã gạo với bài hát này trong những buổi liên hoan văn nghệ hàng năm ở trường trung học. Nhạc sĩ Lam Phương vẽ nên khung cảnh thanh bình của miền quê đồng bằng sông Cửu Long, giai điệu êm đềm, lời ca thi vị. Bản hát đó ghi mãi trong ký ức khi nghĩ về Lam Phương- nghệ danh nghe hay hay mà muốn hiểu nghĩa gì cũng được.

Bản Ngày Tạm Biệt “ Nhớ hàng phượng thắm ven đường mỗi lúc chiều buông tan tác rơi cài lên mái tóc xanh” vang lên lúc học trò bịn rịn chia tay mùa hè mãn khóa. Giai điệu da diết, hơi hướm dân ca Nam Bộ.  

Bản Chuyến Đò Vỹ Tuyến “Đêm nay trăng sáng quá anh ơi sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu” nói về dòng sông Bến Hải chia đôi đất nước 20-7-1954 là sự tưởng tượng phong phú của tác giả ở Miền Nam chưa đến tuổi đôi mươi. Nét nhạc bài này đặc biệt, gọi là nét nhạc Lam Phương.  

Sáng tác Lam Phương cảm hứng về quê hương và tình yêu đôi lứa- sự cân đối đẹp đẽ cần phải có đối với một nhạc sĩ lớn như ông. Giai điệu hay, lời ca hay, có cả trăm nhạc phẩm được công chúng ưa thích- điều này để người đời tôn vinh Lam Phương là một trong các nhạc sĩ hàng đầu tân nhạc Việt Nam.

Lúc sinh thời, ông từng tâm sự rằng ước nguyện khi qua đời muốn được an táng tại quê nhà; không biết là có thực hiện được hay không giữa mùa đại dịch cúm. Ngôi mộ của nhạc sĩ Lam Phương ở Việt Nam sẽ là một danh thắng thu hút khách muôn phương đến tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa của dân tộc.

Mở nghe bài hát Nắng Đẹp Miền Nam “ Khi người lính chiến đã đấu tranh hiến hòa bình cho Đồng Tháp Cà Mau. Đây quê hương thân yêu Miền Nam, nắng lên huy hoàng đẹp mùa vui sang” mà lòng bâng khuâng ngậm ngùi. Những nhạc phẩm của Lam Phương giai điệu vui tươi êm ái, lời ca mộc mạc, chân tình đi thẳng lòng người, đẹp như màu nắng lóng lánh trên cánh đồng màu mỡ Miền Nam, thuở thanh bình năm cũ trở thành kỷ niệm.

Giã biệt nhạc sĩ Lam Phương, lòng kính mến, vẫn nhớ nụ cười hiền hòa, giọng nói từ tốn của tác giả Khúc Ca Ngày Mùa.

                                                                   Quận Cam, Giáng Sinh 2020

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có lẽ đã đến lúc cần đặt câu hỏi về sự dễ dãi của khán giả Việt? Như vấn đề đã nhiều lần được đặt ra trong lãnh vực âm nhạc, với các cô ca sĩ trong nước gầm rú phô diễn kỹ thuật mà không chuyển tải được nội dung, cảm xúc của bài hát, phim Việt còn nặng tính phô trương kỹ thuật, nhét tất cả mọi chiêu, mọi nước bước, đường đi, ý tưởng vào cùng một vở kịch, rồi nhấn hết cỡ âm lượng, dung lượng trấn áp khán giả - hệt như việc đãi ăn một bữa buffet quá no nê, để khách hài lòng với số lượng mà quên để ý đến phẩm lượng.
Nếu nói một cách ngắn gọn nhất, thì tui sẽ nói như thế này: Hình như Mai là cuốn phim Việt Nam hay nhất với tui từ trước đến giờ thì phải. Còn nếu nói dài thì nói luôn là tui coi phim Việt Nam không nhiều. Hồi nhỏ không có gì coi thì tivi chiếu gì coi đó, trong đó có phim VN. Sao mà nó cứ chầm chậm, lây lất. Ngột ngạt. Nặng nề. Đến lúc diễn viên có thể nói nhanh hơn một chút, cuộc sống chuyển động lẹ hơn một chút, thì tui lại thấy sao những gì mà người ta nói, người ta làm, người ta sống cứ như ở một thế giới nào đó mà tui không tồn tại, nó cứ giả giả gượng gượng như "plastic". Rồi thì cũng đến lúc tui được xem nhiều cuốn phim Việt Nam hay ho hơn, tử tế hơn trong các lần VAALA tổ chức Đại hội điện ảnh Việt Film Fest. Nhưng bàng bạc trong đó, vẫn cứ thấy lẩn quẩn một nỗi gì khó diễn tả lắm. ‘Bi ơi, đừng sợ!’ (mặc dù tui coi tui sợ muốn chết), ‘Trăng nơi đáy giếng’, ‘Song Lang’,… nhiều quá không nhớ hết tựa… ‘Mai’ thu hút tui từ cảnh đầu tiên...
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Hơn 60 năm sau khi phát hành đĩa đơn đầu tay, nhóm nhạc huyền thoại The Beatles đã phát hành ca khúc cuối cùng: “Now and Then.” Bài hát được ra mắt hôm thứ Năm (2/11), dựa trên bản demo cũ của John Lennon. Trong một tuyên bố trên trang web của ban nhạc, tay trống Ringo Starr cho biết: “Đó là cách duy nhất chúng tôi có thể đưa anh ấy trở lại phòng thu âm, tất cả chúng tôi đều rất xúc động.”
Tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy 14 Tháng Mười năm 2023 Nhóm Sắc Màu Kỷ Niệm đã tổ chức thành công Chiều Nhạc “Quê Hương Tình Thu Muôn Thuở”.
Vào ngày Chủ Nhật 24/09/2023, trong một cuộc họp mặt thường niên của Hội Ái Hữu Linh Sơn Lĩnh, một nhóm thân hữu trong bộ đồ màu đen đã lên sân khấu hát lại một số ca khúc sinh hoạt của Phòng Trào Xây Dựng Nông Thôn (XDNT) trước 1975.
Nhạc sĩ Y Vũ vừa qua đời tại Sài Gòn ngày 28-9-2023 hưởng thọ 83 tuổi (1940-2023); báo chí lại đặt vấn đề ai là tác giả thật sự của ca khúc nổi tiếng Tôi Đưa Em Sang Sông...
Trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật 16 & 17/09/2023, Đài Truyền Hình SBTN đã tổ chức vòng chung kết của của cuộc thi hát dành cho người cao niên “Tiếng Hạc Vàng” lần thứ nhì. Cuộc thi thu hút được sự hưởng ứng và khen ngợi của cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới
Các bạn yêu thời trang người Việt ở Hoa Kỳ, đặc biệt là tại Nam California, hẳn không xa lạ mấy với thời trang của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, nhà thiết kế thời trang Việt từng được biết đến với những show trình diễn thời trang trong nhiều năm qua tại Beverly Hills, Newport Beach, Paris, Sydney… và nóng hổi nhất là show vừa diễn ra Chủ Nhật qua tại Tuần Lễ Thời Trang New York Xuân-Hè 2024, với sự xuất hiện của Đỗ Mạnh Cường, cùng thương hiệu SIXDO, và một dàn khách mời hùng hậu từ Việt Nam cũng như quốc tế đến tham dự trên sàn thời trang New York.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.