Hôm nay,  

Nhớ Trần Quang Lộc, Người Nhạc Sĩ Lãng Du

08/06/202015:44:00(Xem: 6353)
tran quang loc
Ảnh: Youtube


Sáng nay, vừa thức dậy, nghe tin từ nhạc sĩ Tuấn Khanh trong nước: “Nhạc sĩ Trần Quang Lộc từ trần. Được biết nhạc sĩ Trần Quang Lộc, tác giả nhiều bài hát quen thuộc với khán giả Việt Nam, đã ra đi vào lúc 5g40 chiều, ngày 7-6-2020, tại bệnh viện, bên cạnh người thân. Con trai của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, là anh Trần Quang Phương Nam, trước đó cho biết rằng nhạc sĩ bị ung thư bàng quang và ung thư phổi, bệnh đã ở giai đoạn cuối, khối u đã di căn…”.

Thằng bạn văn nghệ còn ở trong nước của tôi viết như để tưởng niệm: “…Lại thêm người "tái ngộ" cùng tiền nhân. ‘Nghìn năm sau ta níu bóng quay về’...”. Đây là một câu hát trong ca khúc Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội.

Vào trước năm 1975, nhạc sĩ Trần Quang Lộc được xếp vào nhóm nhạc sĩ trong phong trào sinh viên, du ca. Ông là nhạc sĩ mà chỉ với một ca khúc “Về Đây Nghe Em” cũng đủ để trở thành bất tử:

Về đây nghe em về đây nghe em

Về đây mặc áo the đi guốc mộc

Kể chuyện tình bằng lời ca dao Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới

Và về đây nghe gọi tiếng xưa Để nhớ trong tiếng vỡ bờ…

Cả giai điệu và lời đều đẹp, lãng mạng như một bài thơ… Không thấy dấu ấn của một ca sĩ du tử…

Sau 1975, đến khoảng thập niên 1990s, nhạc của Trần Quang Lộc mới được phổ biến lại. Hầu hết là những tình khúc mà ông sáng tác sau 1975. Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của ông trong giai đoạn này là Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội. Cùng với “Nhớ Mùa Thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” là hai nhạc phẩm viết về Hà Nội được yêu thích vào bậc nhất trong nước, cho dù cả hai  tác giả đều là những nhạc sĩ của Miền Nam…

Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa?

Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chợt ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay…

Một lần nữa, giai điệu và lời lại đẹp như một bài thơ. Hẳn là Trần Quang Lộc phải là nhạc sĩ của những tình ca lãng mạn?...

Cũng theo thông tin từ nhạc sĩ Tuấn Khanh, Trần Quang Lộc đã để lại cho đời khoảng 600 ca khúc. Nhiều người hâm mộ sẽ ngạc nhiên: người nhạc sĩ này sáng tác nhiều đến thế sao?

Riêng chúng tôi- những người trong nhóm thân hữu “Hội Ca Cầm”- thì  không bất ngờ trước sự sung mãn trong sáng tác của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 1984, anh Lộc (nhóm chúng tôi vẫn gọi như thế) hay đến “hát chui” tại những buổi văn nghệ bỏ túi tại tư gia  của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, của ca sĩ Duy Trác, của nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Chúng tôi đã nghe rất nhiều sáng tác của anh Lộc sau 1975 trong khoảng thời gian này, mà không phải tất cả đều được phổ biến chính thức tại Việt Nam. Đối với chúng tôi, điểm đặc trưng nhất của nhạc Trần Quang Lộc là giai điệu của một kẻ lãng du, như bài hát Lãng Du Ca mà anh đã sáng tác từ trước 1975:

Về ngồi lại hát hát cho quên đời
Về tìm lại kiếp kiếp lãng du này
Đàn tình tang cho ta lòa xòa mộng dối ha ...
Về làm người rong chơi chín cõi đời
Về chào mừng cuộc đời mới

Bởi vì người cũng biết xót thương người
Và vì lòng vẫn cứ vấn vương lòng
Thì làm sao hay biết cuộc đời như mơ ...ha ...
Về nực cười vung gươm giết hết sầu
Về tìm lại chút duyên đầu…

Lãng du có lẽ cũng là nét đặc trưng của cuộc đời Trần Quang Lộc. Từ Đà Nẵng vào Sài Gòn để học hành từ trước 1975. Sau ngày Miền Nam mất, anh xuống sinh sống tại Rạch Giá, rồi trở lên lại Sài Gòn, và rồi sống những ngày cuối đời tại Bà Rịa Vũng Tàu.



Những ca khúc theo thể loại giang hồ lãng tử, Trần Quang Lộc viết nhiều đến độ chính anh có khi cũng không nhớ hết. Hồi năm 2010, anh Lộc có dịp sang Hoa Kỳ, có buổi hát hò hội ngộ với nhóm Hội Ca Cầm. Chúng tôi chào đón anh bằng bài hát “Có Phải Xuân Về Không Em”, ca khúc mà ở Việt Nam, mỗi lần họp mặt hát hò trong dịp tết, chúng tôi đều hát ngay sau bài mở màn Ly Rượu Mừng:

Em ơi mai nở, có tiếng nói cười, mùa xuân đã về rồi sao
Đi qua phố chợ, mua dăm ly rượu, mừng xuân uống cho say đời…
Lô nhô bóng người, thấp thóang giữa đời, chào nhau chén rượu đầu môi
Quen thân lưu lạc, hát giữa phố người, bài ca ấm êm cho đời…

Nghe lại ca khúc “lãng tử” này, anh Lộc nói rằng anh quên mất, đã từ lâu không hát lại. Việt Báo đã từng đăng một bài viết nói về dòng nhạc lãng du của Trần Quang Lộc cũng trong dịp này. Mới đó mà đã 10 năm… https://vietbao.com/a161765/chieu-nhac-tran-quang-loc

Hầu hết mọi người đều biết đến anh Trần Quang Lộc như một nhạc sĩ. Nhưng không phải ai cũng biết anh Lộc là một người có giọng hát độc đáo không kém gì nhạc của anh. Bác sĩ Bích Liên của Ca Đoàn Ngàn Khơi còn nhớ giọng hát của anh Lộc trước 1975: “…Nhớ năm 1974 thì phải, lần đầu tiên gặp anh Lộc từ trường Nông Lâm Súc sang hát ở Dược Khoa. Anh hát Lá Đổ Muôn Chiều thật hay, giọng thật ấm và truyền cảm. Rồi anh hát Về Đây Nghe Em anh vừa sáng tác. Sau đó theo anh tham dự những buổi văn nghệ Thanh Sinh Công.  Mấy chục năm rồi không được gặp anh…”

Tôi còn nhớ trong những buổi văn nghệ bỏ túi “chui” sau 1975 ở tư gia nhà văn Doãn Quốc Sỹ, mỗi khi có anh Lộc, tụi tôi đều phải kéo nhau xuống nhà bếp để hát, chứ không ngồi ở phòng khách như thường lệ. Bởi vì giọng của anh rền vang, có khi cả cái xóm lao động trong con hẻm đều nghe, chắc chắn sẽ phiền hà với anh công an khu vực! Anh Lộc tự đàn guitar cho mình hát, theo phong cách đàn rất du ca. Tụi tôi vẫn ví giọng hát của anh với tiếng kèn saxophone. Anh có đặc điểm là càng uống rượu, anh hát càng hay. Tiếng hát của anh có khi sang sảng, phóng khoáng khi hát những ca khúc lãng du. Có khi mượt mà, nỉ non khi hát những tình khúc. Khi rền rỉ, kể lể, thống thiết lên bổng xuống trầm trong những ca khúc của anh kể về cuộc đời thăng trầm của chính mình, như bài hát Chỉ Còn Bóng Đổ Dài:

Làm sao em hiểu thấu, trong lòng anh điêu tàn,

Trong lòng anh mới đổ, một bóng dài lẻ loi…

Anh hát bằng con tim, với tất cả hơi thở.  Một giọng hát cũng đầy cá tính như nhạc của Trần Quang Lộc.

Nói về nhạc của Trần Quang Lộc, ca sĩ Duy Trác đã từng nói rằng: “… Trần Quang Lộc là một hiện tượng, một quái kiệt. Nhạc của Lộc qua giọng hát của chính Lộc là độc nhất vô nhị, nghe hay không chịu được!”. Còn nhà văn Nguyễn Đình Toàn- người cũng hay có mặt trong những buổi văn nghệ “chui” của Hội Ca Cầm- nhận xét: “… Nếu có một nhạc sĩ thuộc thế hệ sau mà tài năng đến gần với Phạm Duy nhất, thì đó sẽ là Trần Quang Lộc…”. Có lẽ một cái giống trong cuộc đời của anh Lộc với nhạc sĩ Phạm Duy là anh sống hết mình, sống trọn vẹn với tất cả vui buồn của một kiếp người.

Cách đây vài năm, tôi đã từng hứa là sẽ tập cho nhóm văn nghệ thân hữu Việt Báo hợp ca bài “Có Phải Xuân Về Không Em” trong mỗi dịp cùng đón năm mới tại vùng Little Saigon. Vậy mà tới nay vẫn chưa làm được. Thôi thì năm nay nhất định phải làm. Cũng là một cách để tưởng nhớ anh Trần Quang Lộc, người nhạc sĩ lãng tử của nền tân nhạc Việt Nam…

Cung Mi

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trở lại đề tài Karaoke, “ca ra” thuộc về hát, “ô kê” thuộc về nghe. Có nghĩa, hát và nghe là giao tiếp. Người hát truyền dẫn cảm xúc hay, lôi cuốn, người nghe hưởng ứng nhiệt tình, gây cho người hát gia tăng cảm xúc, thêm hứng khởi, hát tận tình. Trong suốt khoảng thời gian trình bày ca khúc, sự hỗ tương giữa hát và nghe là động cơ làm cho bài trình diễn đó đạt được giá trị cao.
Sài gòn ơi đường phố vắng không người Vào những ngày cơn ác mộng khôn nguôi Tôi muốn nói về một niềm hy vọng Niềm tin yêu và hy vọng đời đời
Nói đến việc tập hát Karaoke, tôi nghĩ, có lẽ không có công việc gì mà một số lớn người Việt có thể tự nguyện tập luyện hăng say như vậy. Thời giờ dùng để tập hát, có lẽ, ngang ngửa với thời giờ xem phim bộ. Say mê. Tưởng tượng. Đi làm về, bật máy lên hát. Ngủ dậy, vừa thay đồ vừa hát lập đi lập lại kẻo quên giai điệu. Tắm hát. Lái xe hát. Vào sở làm, hát lén. Ăn trưa ngồi một mình, hát lẩm bẩm. Tôi có một anh bạn, ngày thường cũng như cuối tuần, ngoài những lúc đi họp hát, lúc nào cũng thấy anh ngồi thẳng thóm nơi ghế sa lông dài, nhìn chăm chăm vào máy truyền hình, miệng hát và tự làm duyên một mình, tay đưa lên diễn tả như đang đứng trên sân khấu. Vợ anh ta than phiền, Ổng không làm gì hết. Tối ngày ngồi một chỗ hát đến nổi lủng luôn ghế da. Năm xưa, vợ chờ chồng đi chinh chiến đến nổi hóa đá. Nay, vợ chờ chồng ca hát, lạnh lẽo gối giường. Khuya khoắt mới chịu vào ngủ. Bạn tôi đến nay đã thành ca sĩ đối với một số thân hữu có giới hạn.
Sài Gòn đại dịch, những con đường vắng ngắt, những con hẻm buồn tênh, những mặt người sầu lo. Quán xá hoang vu, chợ búa im lìm, thành phố phong tỏa rồi. Dòng người nghẹn ngào, lìa xa thành phố, tìm đường về quê, nương náu với người thân, ước mong trở lại khi dịch cúm không còn. Nhưng anh còn em, đôi ta còn nhau, ta yêu Sài Gòn bao mùa mưa nắng, ta thương Sài Gòn năm tháng vẫn hiên ngang. Vững tin quê hương lướt qua cơn đại dịch.
Có một sự kiện rất lý thú là trong Kinh Phật kể chuyện một hôm, lúc Đức Phật còn tại thế, các nhạc thần Càn Thát Bà (Gandharva) đã đến chỗ Đức Phật và tấu nhạc để cúng dường Ngài và Đại Chúng. Nhạc của những nhạc thần này hay và sống động đến độ nhiều vị đệ tử của đức Phật cũng bị lôi cuốn và đứng dậy nhảy múa theo tiếng nhạc dù chỉ là giây lát. Sự việc này cho thấy rằng từ thời Đức Phật vào thế kỷ thứ 6 trước tây lịch âm nhạc đã xuất hiện trong các pháp hội, các sinh hoạt của thất chúng đệ tử Phật.
Anh bạn thi sĩ, Nguyễn Bá Trạc, cho tôi một lời khuyên, khi mới vừa bước chân vào xóm văn chương. Anh nói: -“Ai khen mình, dù không đúng, cũng vui. Nếu khen đúng, lại càng vui hơn. Ai chê mình, dù không đúng, cũng buồn. Nếu chê đúng, lại càng buồn hơn.” Thật là chí lí. Tôi có hàng trăm kinh nghiệm về chuyện này. Trong các loại chê, lời vợ chê là đau đớn nhất, lưu trữ lâu dài nhất, thông thường là đúng nhất. Nếu biết sửa đổi những gì vợ chê, những người đàn ông đó đều trở thành thiên tài. Còn lời vợ khen thì sao? Đề phòng, sắp tốn tiền.
What the Horse Eats, tựa đề tiếng Việt là Trong Bụng Ngựa, là vở opera kể một câu chuyện có thật xảy ra thời Nhật chiếm đóng Việt Nam năm 1945. Ở những làng quê miền Bắc, những cái xác trơ xương nằm vất vưởng ngoài đường. Người ta, cũng là những bộ xương còn sống còn đi được, gom xác chết chất lên xe cun cút đem chôn tập thể. Cả làng tiêu điều như thành phố ma. Hơn hai triệu người Việt Nam đã chết đói. Dân số vào thời đó là 18 triệu. Chiến tranh, nạn đói, chế độ thực dân dồn ép con người ta phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết, giữa danh dự và tình thương cho con. Một anh chăn ngựa lo lắng cho gia đình, đặc biệt là đứa con mới chào đời. Anh phải nhận lời làm không công cho viên Đại Uý Nhật, chăm nom con Ngựa Trắng quý của ông ta, cùng lúc anh mang trong đầu một tính toán táo bạo. Người vợ của anh thì đang vật lộn với trách nhiệm và tình thương của người mẹ, chỉ biết gắng gượng nuốt rễ cây. Hai vợ chồng cố gắng sống mòn trong danh dự. Cuối cùng, cùng đường, họ đành chấp nhận
Trầm Tử Thiêng đã hiến trọn một đời cho âm nhạc, ông được hàng triệu người thương yêu mến mộ. Kho tàng nghệ thuật của ông là 200 ca khúc tình yêu, thân phận, quê hương và chiến chinh. Hành trình sáng tác cũng như tác phẩm của Trầm Tử Thiêng gắn liền với thời cuộc của đất nước và mối tình của chính cuộc đời ông…
Không hiểu vì lý do gì mà nhạc sĩ Lan Đài sáng tác nhiều ca khúc mang nỗi buồn man mác xa xôi trong khi nghề nghiệp và tình yêu với cuộc sống cũng là niềm ước mơ của nhiều người. Trong thời gian qua, tôi đã viết nhiều về thơ văn nơi phố cổ Hội An, càng về già càng nhớ nơi chốn với bao nhiêu kỷ niệm của thuở học trò. Hai đêm qua, tôi nghe lại những ca khúc của nhạc sĩ Lan Đài và viết những dòng nhạc về ông với niềm thương cảm.
Trong hồi ký, Bejarano kể rằng việc bà được cứu bởi các binh sĩ Hoa Kỳ là những người đã cho bà cây đàn accordion, mà bà đã chơi vào ngày binh sĩ Mỹ và những người sống sót của trại tập trung nhảy múa chung quanh tấm hình bị đốt cháy của Adolf Hitler để ăn mừng Đồng Minh chiến thắng Đức Quốc Xã. Bejarano đã di cư tới Do Thái sau chiến tranh và lập gia đình với Nissim Bejarano. Cặp vợ chồng này có 2 người con, Edna và Joram, trước khi trở về Đức vào năm 1960. Sau một lần nữa chống chủ nghĩa bài Do Thái công khai, Bejarano quyết định hoạt động chính trị, đồng sáng lập Ủy Ban Auschwitz vào năm 1986 để giúp những người sống sót nền tảng cho những câu chuyện của họ.