Hôm nay,  

Đêm Nhạc Họp Mặt Thân Hữu "Lệ Đá Xanh"

02/01/202011:17:00(Xem: 6653)
Dem Le Da Xanh
Từ trái, Thu Vàng, Bích Liên và các ca sĩ trong Ban Hợp Ca Cát Trắng đang hát bài “Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.(Photo Trịnh Thanh Thủy)


Có những chốn ẩn dấu các kho tàng thiên nhiên quyến rũ những bước chân lãng tử say mê một náo nức lên đường. Có những nơi ấm cúng, gọi là nhà, đầy những vòng tay êm ả thương yêu, kêu gọi các người con tha phương, xa gia đình, trở về sum họp. Cũng có nơi chốn quy tụ những tâm hồn yêu chữ nghĩa, thích sống cuộc đời tri thức, dùng đầu óc và ngòi viết của mình phục vụ nhân quần xã hội. Đó là các toà soạn báo chí, là ngôi nhà thân yêu của những người trót chọn nơi ấy làm nơi gởi khối óc và trái tim.

Sau 28 năm ở trong ngôi nhà nhật báo, Việt Báo trong buổi chiều cuối năm đã nói lời chia tay với một nơi chốn thân quen, để sẽ mặc vào một manh áo mới nghiêng về văn học nghệ thuật, để khởi đi trên một con đường cam go mới ít người chọn dấn bước, trong một thời tiết truyền thông đổi mới từng giờ từng khắc. Sự thay đổi nào cũng có cái được, cái mất và cái còn. Tuy nhiên sức đề kháng, hoà nhập và đối đầu của con người trước sự thay đổi của vô thường rất mãnh liệt, và với kỷ lục 28 năm làm báo chuyên nghiệp của Việt Báo, tôi tin tưởng Việt báo sẽ kiên cường và thành công trên con đường mới dấn bước vào thập niên mới.

pic 1
Hàng ngồi từ trái, nhạc sĩ Cung Tiến và phu nhân, nữ tài tử Kiều Chinh, nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ. Hàng đứng từ trái, Bích Liên, Hòa Bình, Thúy Hằng.(photo Trịnh Thanh Thủy)


Tạ ơn những độc giả và bè bạn thương mến, và giã từ ngôi nhà “cũ”, đồng thời mừng đón nhạc sĩ Cung Tiến từ Minessota dọn về định cư ở miền nắng ấm California, Việt Báo đã tổ chức một đêm nhạc thính phòng với chủ đề "Lệ Đá Xanh" vào đêm thứ Sáu 27 tháng 12, 2019 vừa qua. Tôi đến thăm và được gặp rất nhiều những khuôn mặt thân quen trong giới văn nghệ, mọi người đến đông vui trong khi mọi thứ trong toà soạn đã được dọn dẹp sạch sẽ chuẩn bị cho hành trang mới.

Tâm thức người đi và người đưa đều bịn rịn như nhau. Những chiếc lá vào đông vàng úa trong nét hoạ, bay rải rác trên bờ tường, như những giọt lệ xanh, thầm rơi tựa những nốt "blues" trên phiếm dương cầm nhả chậm. Phòng hội được trang trí bởi HS Lê Hùng đã đưa khách thưởng ngoạn vào không gian một bức tranh tường bát ngát xanh. Lác đác quanh phòng hội, đây đó những tác phẩm hội hoạ của cố hoạ sĩ Duy Thanh được treo như một sự hiện diện vĩnh hằng của tác phẩm mà ban tổ chức đã trân trọng treo lên để tưởng nhớ người họa sĩ của nhóm Sáng Tạo vừa từ giã chúng ta.

pic 2 Khanh Ly
Ca sĩ Khánh Ly (photo Trịnh Thanh Thủy)



Khách mời ngồi chật cứng khán phòng, một số ca sĩ vì kẹt xe và đường bị đóng không tới được, nhưng buổi hoà nhạc vẫn tuyệt vời và đầy cảm xúc sâu lắng. Người dẫn chương trình chính là Bích Liên, chị trình bày về sự thiếu chu đáo vì khởi hứng tổ chức chương trình quá đột ngột nên chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Chị mong khán giả thông cảm và xem đó không phải là một buổi trình tấu vì chỉ có vài ngày chuẩn bị, ngay đến chị cũng không có thì giờ học thuộc bài hát, kể cả tập dợt với người đàn.

Chương trình được chia làm 3 phần với các ca khúc của 3 nhạc sĩ Phạm Đình Chương,  Trần Dạ Từ và Cung Tiến. Trong cung cách một buổi nhạc thính phòng dành cho thân hữu nên các chi tiết của phần giới thiệu đơn giản, không rườm rà và trịnh trọng. Không khí thân mật khiến mối giao cảm giữa người hát và người nghe gần gũi và lắng đọng hơn.

pic 7 Bich Lien va Anica Sherry
Ca sĩ Bích Liên và nhạc sĩ Anica Sherry. (Photo: Trịnh Thanh Thủy)



Những ca khúc sống mãi trong lòng người của Phạm Đình Chương như các khúc dạo đầu của cơn mưa phùn rải lộc thơm vào không gian buổi sáng. Những "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội, Đợi chờ, Xóm đêm, Dạ tâm khúc, Nửa hồn thương đau, Đêm nhớ trăng Sài Gòn" đã đi qua không gian và thời gian mấy mươi năm, vẫn thẩm thấu rồi đọng lại trong tâm tưởng những người yêu mến nhạc của ông. Các tiếng hát, Bích Liên, Thu Vàng, Jimmy Nhựt Hà, Nathan Đặng, và ban hợp ca Cát Trắng đã chuyển tải được tất cả thật sâu sắc cả ý lẫn lời. Ca khúc bất hủ của NS Phạm Đình Chương "Đất lành" trong cuốn phim đoạt giải danh dự của Đại Hội điện ảnh ngày xưa đã được ban hợp ca Cát Trắng trình bày thật xuất sắc. Mối tình yêu quê hương đất nước và con người bỗng dậy lên trong tôi như men rượu nếp thơm vào mùa lúa chín. "Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa, Em đất Thanh Nghệ, anh nhà Cà Mau". Tất cả được PĐC "Se duyên Nam Bắc ngọt ngào tình yêu, ngọt ngào tình yêu." Hình ảnh một ban Thăng Long ngày cũ bỗng sống lại trong lòng người nghe. Khán giả vỗ tay ào ạt không dứt.

Khánh Ly, nữ hoàng chân đất của thập niên 60, đêm này dù bị bệnh cảm nặng vẫn đến hát và cảm ơn Việt Báo đã có ân tình sâu nặng với bà. Bà đặc biệt trình bày những ca khúc của thi/nhạc sĩ Trần Dạ Từ cho phần kế tiếp. Sài Gòn Blues của ông đã chinh phục hồn tôi và bao khán giả.



Thành phố oan trái.

Ngọn lửa đỏ cháy mãi

Thời trẻ trung rồ dại của ta

Thành phố yêu ma

Còn nhớ ta

Con thiêu thân rụng cánh đêm nào

Chút hơi tàn, vẫn không ngừng kêu người

..............................................

 

Em yêu, em có nghe

Thành phố ấy vẫn thở

Thành phố ấy vẫn gọi

Thành phố ấy em có nghe

Vẫn thì thầm những hẹn hò trong ta

 

Pic 4 Thu Vang
Ca Sĩ Thu Vàng (Trịnh Thanh Thủy)


Sài Gòn đối với tôi và nhiều người tha hương lúc nào cũng là một vết thương chưa lành, bỗng nhoi nhói đau khi có người chạm đến. Sài Gòn của Trần Dạ Từ, của tôi, của chúng ta, bất giác trồi lên khi nghe tiếng gọi yêu thương, tiếng gọi thì thầm của những hẹn hò, tiếng gọi của nụ hôn ngày mới lớn. Giọng hát Khánh Ly vì bị cảm nên khàn hơn, buồn hơn, làm cung điệu chùng xuống. Tiếng đàn dương cầm, những khuôn mặt bạn bè thân quen xung quanh chăm chú lắng nghe, ngọn lửa đỏ cháy mãi, chất giọng bà khàn đục, tất cả như dìm tôi sâu hơn vào cảm xúc. Bà than vãn bạn bè bảo sao chỉ có mình bà hát nhạc TDT. Có lẽ không phải vì nó quá khó hát, mà có lẽ vì không ai có thể hát nó đạt hơn bà.

 

Bài hát thứ nhì "Gội đầu" nghe ra thì quái dị như một bức tranh hiện thực miêu tả trần trụi hành động "gội cái đầu chua lè, bê bết". Tuy nhiên nó lại ẩn tàng một nhắn nhủ, một cương quyết tẩy trần trí não dơ bẩn, tham sân si, ăm ắp bể dâu. Gội đầu đi. Hãy gội đầu để ngày sau còn nhìn ra nhau.

 

FB_IMG_1578008299826
Nathan Dang, với bài Đợi Chờ của NS Phạm Đình Chương.


“Gội đầu mà gội đầu. Gội cái đầu chua lè / Gội cái đầu cay sè / Gội sạch nhé / Gội cho ngày sau nhìn ra nhau.”  và  “Bê bết lâu rồi. Ơi cái đầu xấu xí/Cay cú, cuồng si./Gội đầu.Gội đầu đi. Tử biệt. Sinh ly./Gội đầu bằng bão tố. /Gội đầu bằng nắng lửa/ Ôi cái đầu bể dâu…”

 

Có ngồi nghe Khánh Ly hát, xem cách nhả chữ, từng câu, từng câu một của bà, hoà cùng tiếng đàn dương cầm của Hoàng Công Luận nhấp mạnh theo, chắc nịch từng nhịp một, mới thấy các thứ ấy quyện vào nhau làm nên một bài hát sâu sắc lạ lùng. 60 năm ca hát đã trui rèn một Khánh Ly hát được những bài hát dưới dạng thơ ca một cách lão luyện. Nhất là cái loại thơ không lãng mạn, không âu yếm, ướt át mà lại chua lè, cay sè, ẩn dấu những ý tưởng thâm sâu, đắng ngắt. Năm 2015 tôi từng nghe bà hát bài này, nhưng tôi thích cái giọng khàn bệnh, tông thấp, chín mùi của bà hôm nay hơn. Có lẽ vì càng ngày bà càng cúi xuống để gần hơn với ý nghĩa của bài hát, của câu "gội cái đầu tuyết sương". Rồi có 1 ngày cái đầu tuyết sương không cần gội, mà thời gian cũng tự nhiên xoá đi trí nhớ, để cái đầu chỉ còn một khoảng trống thênh thang của bệnh mất trí nhớ. Ôi làm sao khi ấy còn nhìn ra nhau !!!

Hai bài tình ca nữa của TDT được Khánh Ly diễn đạt cho tình yêu đôi lứa là "Anh yêu em vậy thôi" và "Trời đất biết ta".

pic 5 Jimmy Nhut Ha
Ca sĩ Jimmy Nhựt Hà (Trịnh Thanh Thủy)



Phần cuối chương trình dành cho dòng nhạc Cung Tiến với những ca khúc mới và cũ. Sự hiện diện của ông bà Cung Tiến cùng gia đình thể hiện thân tình giữa họ và Việt Báo. Bên cạnh đó là sự hiện diện của nữ tài tử Kiều Chinh, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà thơ Đỗ Quý Toàn, nhà báo Phan Tấn Hải, họa sĩ Nguyên Khai, họa sĩ Ann Phong,  nhà văn Cung Tích Biền, nhà thơ Thành Tôn,  nt Đặng Phú Phong, Trương Ngọc Bảo Xuân, Phùng Annie Kim, và nhiều văn thi hữu khác. 

Trong phần nhạc Cung Tiến, Nữ ca sĩ Bích Liên trình bày một cách xuất sắc những nhạc khúc mới rất khó hát của Cung Tiến dù chưa tập dợt, chứng tỏ bà có một kỹ năng phi thường. Đó là các bản rất hiếm người hát: "Mắt biếc, Đêm, Khói hồ bay". Hòa với tiếng đàn dương cầm cổ điển của nhạc sĩ Đỗ Bằng Lăng, Bích Liên đã hát hết mình, hát không ngần ngại, như không giữ lại chút gì, để khán thính giả ngồi xung quanh đã có lúc cảm giác “tưởng chừng như nhói vào tim.”

pic 6 Ban Hop ca Cat trang
Ban hợp ca Cát Trắng (Trịnh Thanh Thủy)

 

Ca sĩ Thu Vàng đưa người nghe trở về khung trời xưa ngời ngời men nhớ của "Nguyệt Cầm, Hoài cảm". Riêng "Lệ đá xanh", phổ thơ Thanh Tâm Tuyền là một bài rất khó hát, mà Thu Vàng vẫn làm người nghe say đắm đến những câu cuối. Hai bài mở đầu và kết thúc phần ba "Thu Vàng và Hương xưa", qua tiếng đàn của Doãn Hưng và Ngô Diễm Uyên, đã được ban Cát Trắng hợp ca như một lối trình bày khác đi đem lại cho khán thính giả một sự kinh ngạc lý thú.

Chương trình ngắn gọn, kết thúc chỉ sau 9 giờ tối. Tôi nhìn một vòng, khán phòng còn ngồi lại đông đủ, còn đầy đủ những khuôn mặt thân quen, như thể không ai muốn ra về. Dưới mái nhà Việt Báo Gallery này, tôi đã tham dự không biết bao nhiêu cuộc triển lãm nghệ thuật, bao nhiêu chương trình ca nhạc, ra mắt sách, hội họp, tiệc tùng.  Tôi bước ra ngoài, hẹn với Việt Báo sẽ trở lại, sẽ có mặt đều đặn hơn trên tờ tuần báo văn học nghệ thuật Việt Báo.

Trịnh Thanh Thủy

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ (VAALA) trân trọng thông báo sự trở lại của chương trình lớn nhất hàng năm của hội: Viet Film Fest (Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế). Kỷ niệm 20 năm thành lập, Viet Film Fest 2023 sẽ diễn ra trực tuyến (online) từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10, và tại rạp Frida Cinema ở thành phố Santa Ana, vào hai ngày 6 và 7 tháng 10.
Disney Theatrical Productions, dưới sự chỉ đạo của Thomas Schumacher, hiện đang giới thiệu chuyến lưu diễn Bắc Mỹ của vở nhạc kịch Aladdin với hình ảnh mới mẻ, để mang vở nhạc kịch Broadway nổi tiếng này đến với các khán giả mới ở các thành phố và địa điểm mà chuyến lưu diễn trước chưa thể đi đến.
“Hát gì mà giống như trả bài.” “Hát như ăn cơm nguội.” “Hát nghe không phê gì hết.” … Ngụ ý là hát không có cảm xúc. “Hát gì mếu máo giống như khóc.” “Hát sao mà nhìn cái mặt ghê quá.” … Ngụ ý là quá nhiều cảm xúc khi diễn tả. Nhưng trước hết, cảm xúc là gì? Và cảm xúc ảnh hưởng tiếng hát như thế nào? Cảm xúc là trạng thái tinh thần do những thay đổi sinh lý thần kinh gây ra, có liên quan khác nhau đến suy nghĩ, cảm giác, phản ứng hành vi, mức độ thích thú hoặc không hài lòng. Hiện tại không có sự đồng thuận khoa học về một định nghĩa cho cảm xúc, vì vậy nó hay bị lẫn lộn với tâm trạng, tính khí, tình tình. (Wikipedia) Có lẽ, tạm đóng khung một cách đơn giản: “Cảm xúc là những phản ứng tinh thần có ý thức được trải nghiệm một cách chủ quan hướng đến đối tượng cụ thể, thường kèm theo những thay đổi sinh lý và hành vi.”
Trên Việt Báo cách đây mấy tuần có đăng bài viết so sánh hai ca khúc Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài (Phạm Duy) và Cô Hàng Xóm (Lê Minh Bằng), làm nhóm bạn mê nhạc bolero của tôi phấn chấn quá! Có người nói rằng còn nhiều trường hợp nữa để chứng minh rằng nhạc sến phổ biến hơn nhạc Phạm Duy. Một so sánh khác nữa về hai bài nhạc, một Phạm Duy- một bolero, còn thú vị hơn nữa, đó là Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà của Phạm Duy và Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh. Lời đề nghị này có lý! Bởi vì cả hai đều là ca khúc phổ từ cùng một bài thơ Màu Tím Hoa Sim của cố thi sĩ Hữu Loan. Và cả hai bài đều thuộc những ca khúc phổ biến vào bậc nhất của dòng nhạc bolero và nhạc Phạm Duy thời Miền Nam trước 1975.
Chiều Chủ Nhật 21/5 vừa qua chương trình nhạc “Tôi vẽ đời em: dòng nhạc Trần Hải Sâm” đã diễn ra trên sân khấu Elizabeth A. Hangs tại Santa Clara Convention Center với sự tham dự của gần 700 khán giả yêu thích văn nghệ vùng San Jose, trung tâm sinh hoạt văn hoá của người Việt ở miền bắc California...
Trong hai thập niên (1954-1975) về lãnh vực âm nhạc ở miền Nam Việt Nam rất nhiều ca khúc ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng và sự ngưỡng mộ, biết ơn người lính VNCH...
Trần Anh Hùng, đạo diễn gốc Việt nổi tiếng với phim "Mùa Đu Đủ Xanh" hay "Xích-lô" vừa đoạt giải Đạo Diễn Xuất Sắc Cannes thuộc về với cuốn phim “The Pot au Feu” tại Cannes Film Festival. Lấy bối cảnh thế giới ẩm thực Pháp năm 1885, bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết năm 1924 của Marcel Rouffe “The Passionate Epicure” kể về một nhân vật hư cấu sôi nổi, Dodin Bouffant, người được truyền cảm hứng từ nhà ẩm thực nổi tiếng người Pháp Jean Anthelme Brillat-Savarin.
Là một người có học nhạc, chơi đàn, từ thuở nhỏ tui đã thích nhạc Phạm Duy. Nhạc của ông “nhạc sĩ của thế kỷ” này thì đã có nhiều người phân tích tại sao hay, hay chỗ nào… Tui không dám hó hé giải thích tại sao mình thích. Chỉ thấy là khi mình đệm đàn cho người khác hát thì thấy phê. Vậy thôi! Rồi già thêm một chút, tự dưng tui bỗng thích thêm “nhạc sến.” Đặc biệt mỗi khi cảm thấy tủi thân vì thất tình, tui thấy nhạc bolero giống như tâm sự “đời tôi cô đơn” của chính tui. Thích quá, tui bèn thử suy nghĩ xem có điều gì chung giữa nhạc Phạm Duy và “nhạc sến” khiến tui phải mê cả hai.
Tối Thứ Bảy 29-4-2023 tại Phượng Mai Studio ở Quận Cam, một số bằng hữu đã đến dự đêm nhạc Trần Chí Phúc, chủ đề Tháng Tư – Sài Gòn – Vượt Biển – Đấu Tranh với những ca khúc anh đã sáng tác trong 44 năm qua kể từ năm 1979, mang niềm khắc khoải về quê nhà đã xa...
Tối Thứ Bảy 15-4-2023 nhiều đồng hương vùng Dallas tiểu bang Texas đã đến dự đêm nhạc Sài Gòn Mơ Ngày Hội Ngộ, diễn ra tại phòng sinh hoạt của thương xá Asia Square Times, thưởng thức những ca khúc thương nhớ Sài Gòn, Vượt Biển của nhạc sĩ Trần Chí Phúc đến từ Nam Cali...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.