Hôm nay,  

Bùi Mai Hạnh, Người Hát

19/03/202516:02:00(Xem: 1535)
Nguoi Hat
Người Hát là tập thơ đầu tiên của Bùi Mai Hạnh. Một tập thơ đặc sắc. Một trong những chủ đề là những quan tâm xã hội được nhìn dưới khía cạnh trữ tình, sự bình đẳng, tự do, và các mối quan hệ giữa người và người. 


Cảm nhận nhiều ánh sáng. Nhắm mắt lại và bạn nhìn thấy ánh sáng xuyên qua hiện hữu của mình, qua mọi hiện hữu. Bạn chấp nhận đời sống, những niềm vui và những nghịch cảnh của nó. Bạn thừa nhận sự yếu đuối của bạn. Bạn nhìn thấy sự nguy hiểm, sự không an toàn của đời sống. Bạn nhìn thấy sự chọn lựa của mình, buông bỏ và bắt đầu, tin vào sự chọn lựa ấy, sống với nó, và bạn được tưởng thưởng. Và giờ đây bạn ca ngợi sự chọn lựa ấy.

tôi yêu tôi lại từ đầu

tôi cởi tôi khỏi nút đau giả vờ

 

tôi ăn nằm với tự do

thiếu thừa trần truồng đen đỏ một tôi

 

tôi uống một tôi sương rơi

nhau êm bụng mẹ ma chơi bụng trời

Người Hát là tập thơ đầu tiên của Bùi Mai Hạnh. Một tập thơ đặc sắc. Một trong những chủ đề là những quan tâm xã hội được nhìn dưới khía cạnh trữ tình, sự bình đẳng, tự do, và các mối quan hệ giữa người và người. Thơ chị không trừu tượng, không có những ý tưởng tổng quát, mà chứa đầy sự kiện, các chi tiết. Có một truyền thống văn hóa và tinh thần ở đó, trong những bài thơ có tính hiện đại và đương đại của chị. Thơ Bùi Mai Hạnh trực tiếp mô tả, trong khi hàm chứa những yếu tố triết lý lặng lẽ. Mối quan hệ của chị với người khác, trong tình bạn, trong tình yêu, là những mối quan hệ sâu đậm, mạnh, khó khăn. Tất cả các đề tài đều có thể có mặt: sự chống trả quyết liệt đối với số phận, sự đề kháng xã hội, sự sợ hãi và hèn yếu, tất cả có mặt trong thơ Hạnh.

nói bất kỳ khi nào ta muốn

nói đến khi đứt hơi khản tiếng

nói đến khi chọc thủng tai trời

nói đến khi đập vỡ tim người

 

đến khi người đi đường dừng lại lắng nghe

lắng nghe không suy diễn, phán xét, bỏ tù

Thơ ấy rền vang những đớn đau.

Và dũng cảm. Chị chuyển giọng điệu từ châm biếm, hài hước, thành thân mật, thuyết phục. Chị là một trong những nhà thơ nữ hiếm hoi chọn một giọng điệu không có tính thương cảm. Một người phụ nữ có bi kịch nhưng không để mình rơi xuống cảm xúc bi lụy. Bùi Mai Hạnh là giọng nói nữ quyền, từ phương Đông. Dù chị lập gia đình và định cư ở Úc. Một tiếng nói văn hóa trong thơ, sự đòi hỏi bình đẳng nhưng đó là một đòi hỏi tự nhiên, không nặng lý thuyết. Cũng có những bài thơ rất gần với văn xuôi, tựa như lời kể. Những bài thơ xuất sắc chọn con đường khác: chúng đi từ sự hiểu biết đến sự không hiểu biết. Nếu một điều gì tạo ra chú ý ở người đọc, sự thích thú của họ, thì điều ấy phải có khả năng mở ra những lớp ý nghĩa khác nhau và tạo ra những bất ngờ trong diễn dịch. Đối với một bài thơ như vậy, người đọc có thể trở lại nhiều lần, mỗi lần một lý thú mới, vì đó là phát hiện mới, cái sướng mới và sự đau khổ mới.

ta không cần ai nói hộ mình

không cần nhân danh ai để nói

 

nói đến khi hiểu nhau

nói đến khi yêu nhau trở lại

Thơ Bùi Mai Hạnh là thơ đương đại, ngôn ngữ của chị là ngôn ngữ của chúng ta và của phụ nữ hôm nay. Những bài thơ ấy không cần chờ thời gian để xác định giá trị. Giá trị của chúng được xác lập ngay lập tức. Sự náo loạn, hỗn độn, là khởi đầu của mọi sự, nhân sinh, vũ trụ, động vật và thực vật, trời và đất, đàn bà và đàn ông và chuyển giới và đồng tính và nhị trùng bản ngã. Chúng ta thức dậy mỗi ngày chỉ để nhìn thấy các giá trị bị đảo lộn, hết các khái niệm về gia đình bị thách thức, lại đến tương lai trở nên bất định. Thơ Hạnh chạm được điều ấy. Mặc dù chị không hoàn toàn đứng tách ra khỏi các nhà thơ cùng thời, chưa vượt ra khỏi họ hoàn toàn, chị thử sức và tôi tin rằng chị đã làm được trong những bài thơ xuất sắc nhất. Hoang dại:

tối trong lòng ý nghĩ yêu ma

nhốt vào đêm chật nêm cuồng vọng

ngày khép mắt nhặt tia ký ức

ai là người biết tự ru mình?

 

nghe trái tim rỗng hoác

nôn nao điều gì?

mơ hồ vọng tiếng thú hoang chín ngả

ngả nào không chạm cõi âm?

Có sự thách thức trí tuệ không che giấu, tình cảm bồi hồi nhẫn nại, chiều sâu của cảm xúc, sự hồn hậu, kết hợp ở Bùi Mai Hạnh. Một điều gì ở giữa thế giới chúng ta và thế giới tưởng tượng, đó là hình ảnh. Hình ảnh là nơi mà các sự kiện xảy ra, các nhân vật gặp gỡ, yêu nhau, ly biệt, và do đó có một mối liên hệ, tuy khó nhìn thấy nhưng bao giờ cũng tồn tại, giữa hình ảnh và cái đẹp.

thức dậy sau cơn ác mộng
tôi thấy mình ngồi một mình
không xa lắm nơi tôi đang sống
tôi thực hành bài thiền

Tình trạng thân mật. Thân mật là gì? Là khoảng cách ở giữa chúng ta; công việc tạo ra khoảng cách bởi một nhà thơ ít được nhận ra nhưng đó là một quyết định thẩm mỹ, vì nó điều chỉnh cách nhìn và cách nghĩ của người đọc. Thơ chị là ý thức về cộng đồng: chị có một cái nhìn đối với sự mong manh của các bảng giá trị, sự nghi ngờ đối với người khác và sự nghi ngờ đối với chính mình. Bên cạnh một ngôn ngữ có khi quá trực tiếp và mộc mạc, những hình ảnh chưa hoàn toàn thuyết phục, thơ chị là tiếng nói của tự do và sự tìm kiếm nó, tiếng nói của sự hiểu biết và không hiểu biết, tính xác định và tính bất định. Bùi Mai Hạnh không quan tâm lắm đến các huyền thoại bí ẩn. Đó là sự phơi mở táo tợn, tiếng nói đề kháng cao đối với các truyền thống trấn áp. Lời của nạn nhân:

Hết rồi ư vội vã thanh tân

Hồn chưa kịp đâm cành kết trái

Xác đã nếm muôn vàn khổ ải

Thơ như thế là cũ hay là mới? Chữ của chị không mới, lối đặt câu không mới, sự hợp vần khá cổ điển, thế nhưng cách nói ấy là rất mới. Thơ ấy là một thứ thơ nhân chứng, ghi chép lại đời sống hôm nay, hoan lạc và đau đớn, những vùi dập phũ phàng và những hy vọng nhỏ bé.

Mùa yêu trốn chồng ra ngõ

Em chờ một thoáng hư vong

Tôi đọc đi đọc lại bài thơ Đáy mộng, để hiểu thêm về chị, những khổ ải của một người phụ nữ. Tôi không biết gì về đời sống riêng của chị, nhưng tôi tin rằng thơ chị là những khổ đau đã được hóa thân:

Con tàu hối hả nghiến xuống đường ray tóe máu

Em cũng hối hả đi đỡ đẻ cho đàn bướm mới sinh

Thơ mở ra những cảm xúc và những ý nghĩa siêu hình học trong hoàn cảnh văn hóa của người đọc. Để làm được như vậy, bài thơ cần có một  cân bằng của các xung đột, vừa là sự mất cân bằng của chúng. Năng lượng của bài thơ sinh ra từ sự mất cân bằng. Chị chống lại lý tưởng hóa, chống lại sự kết thúc có hậu. Một bài thơ của Bùi Mai Hạnh có thể tan ra và vô nghĩa, chị tháo tung các cấu trúc và trong khi làm cho một số bài thơ của chị mất đi động lực ban đầu, rơi lả tả, thì một số bài khác lại vượt lên, chạm đích, thể hiện chiều kích cảm xúc mà người viết đã trải qua.

Nổi loạn

Vượt ngục

Phạm tội

Xin đấng tối cao một cơn điên

Một lần phản bội

Hãy thành thật lúc này

Thơ chị phát hiện và để lại những vệt máu trên tường, những giọt lệ đã khô trong tay áo người phụ nữ. Thơ ấy cô độc, buồn rầu, phẫn nộ, nhưng lay động chúng ta. Đọc thơ Bùi Mai Hạnh cần phải đọc lại, đọc lại lần nữa, và bạn sẽ tìm thấy ở đó một điều gì tựa như tia sáng, tựa như dấu vết của thời gian, của tình thương ấm lạnh, lời tự bạch trong đêm. Thơ chị trong sáng nhưng không dễ hiểu, không phải vì ngôn ngữ của chị khó hiểu, mà vì chị tiếp cận rất lạ đối với đời sống, và thứ cọ xát ấy kỳ lạ thay mang lại cảm hứng thơ ca, mà tôi tin rằng ít gặp hôm nay. Thơ hay cần sự kiểm soát, cần sự dâng hiến, nghệ thuật là một điều gì ở giữa tính thiêng liêng và thân xác trần tục, sự thật là một điều gì ở ngoài các diễn ngôn. Thơ Bùi Mai Hạnh có những bài thành công, làm lóe sáng các va chạm ấy của niềm tin và các ảo tưởng, âm mưu và ngây thơ, giả dối và sự thật. Ở chị, sau tất cả những tao phùng đau đớn, sự tra vấn ác liệt, những xấu xa tàn tệ của nhân gian, vẫn là lòng tin cuối cùng vào con người.

hạnh phúc nhỏ nhoi đến từ bóng tối hỗn mang, nỗi đau chôn kín của anh và em, của bố mẹ tổ tiên...

niềm vui giản đơn bên bếp lửa gia đình, thắp lên từ triệu triệu kiếp trước,

bữa tối, và những câu chuyện cổ, khép lại một ngày ngọt ngào thấm mệt,

bay vào giấc mơ chúng mình, lời ca dao buồn vui mưa nắng tái sinh...

này anh,

chẳng nơi đâu ấm bằng nhà mình

Thơ Bùi Mai Hạnh có lẽ chưa được nhiều người biết, có lẽ chị ít phổ biến, hay vì một lý do nào khác mà tôi không rõ. Tập thơ của chị có nhiều bài cần được chú ý, mỗi bài một khía cạnh riêng. Bùi Mai Hạnh còn là một người viết văn xuôi, vì vậy ngôn ngữ của chị sắc bén; sự mô tả giàu có. Tình yêu mãnh liệt:

Anh, em muốn làm cho tất cả đàn ông trên thế gian này đêm nay mệt

Nhoài, ngủ vùi

Trong ngọt ngào hạnh phúc

Trong ngày mai thức dậy

Không còn sợ hãi

Tôi nghĩ đó là những câu thơ tuyệt hay, bừng bừng hoan lạc, gởi gắm sâu xa. Thơ Hạnh thường bị đẩy đến cực đoan, trước cánh cửa khóa chặt. Có những bóng tối mà chị không tìm cách chiếu sáng, có những cánh cửa mà chị không muốn mở. Chị muốn chúng ta dừng lại trước n ó, chiêm nghiệm về nó. Thơ không phải là các giải pháp mà là những dấu hỏi. Tôi cũng thích những câu mộc mạc này:

anh và em cùng bạn bè ào đến,

bạt ngàn ruộng nho vàng, nâu, xanh, đỏ

bừng lên lộng lẫy ráng chiều

quả mùa trước đã thu hoạch hết

những cây nho nghỉ ngơi chờ sinh quả mùa sau

Thơ Bùi Mai Hạnh có chất thời sự, như khi chị viết về người tử tù, viết về một chung cư bị cháy, những sự kiện khác. Chị nhẫn nha trò chuyện với các sự vật nhỏ bé, các đồ vật, chim chóc, thú vật. Chị yêu thiên nhiên nh ư một cõi tâm linh, và sống hạnh phúc trong thiên nhiên, bây giờ. Đó là một người hạnh phúc, với đầy đủ ý thức. Bùi Mai Hạnh sống ở nước ngoài, làm thơ bằng tiếng Việt, thuộc về thế hệ những người phụ nữ lấy quê hương thứ hai làm nơi chốn, cũng như Quỳnh Iris de Prelle, Dạ Thảo Phương, thực sự có một cuộc đời ở đó, đầy đủ ý nghĩa, nhưng khi viết, họ trở về với tiếng Việt, không phải như một cuộc hồi hương hay hoài niệm, mà sử dụng ngôn ngữ ấy như một cách nghĩ, cách sống. Đó là những người Việt có hai đời sống, và Bùi Mai Hạnh yêu cả hai, một cách khác nhau, một bên dịu dàng tử tế, một bên bạo liệt xót thương, cả hai đều trong tim yêu dấu.

Tôi yêu tôi lại từ đầu

Tôi cởi tôi khỏi nút đau giả vờ

Tôi ăn nằm với tự do

Thiếu thừa trần truồng đen đỏ một tôi

Có một bạo liệt gần như liều lĩnh trong thơ Bùi Mai Hạnh. Đó là sự dũng cảm tự nhiên, nguyên thủy, hoang dã, vì vậy mà thật. Tôi nghiệm thấy những người có tính cách ấy thường hài hước. Những kẻ sợ hãi không bao giờ vượt qua các ngưỡng cửa và chỉ lẩn quẩn trong vòng vây của kiến thức. Sự hiểu biết, sự quen thuộc làm bạn thanh thản, nhưng sẽ làm bạn thụ động trước đời sống. Chỉ những người nào vượt qua tình trạng điều kiện hóa mới có thể thách thức sự ràng buộc đối với cá nhân, với tình yêu. Đó là sức mạnh của cái không biết. Thơ Bùi Mai Hạnh đầy những cái không biết, tức là những thăm dò, xô cửa, dự báo. Thơ chị còn mới lắm, và chị sẽ còn thay đổi. Chị sống một cuộc đời nén lại, mỗi giây phút là sự tập trung của hiện hữu. Thơ Hạnh sinh ra từ những giây phút như thế. Tôi xin chúc mừng chị và các bạn yêu thơ.

Nguyễn Đức Tùng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà văn Phạm Quốc Bảo trong tuần qua vừa ấn hành tuyển tập Cuốn Lên Bức Mành. Một tác phẩm ghi lại những suy nghĩ của một người đang giữa lứa tuổi 80s từ hải ngoại về những gì còn lưu giữ sau một đời làm báo và viết truyện. Từng trang chữ của ông là cô đọng những cảm xúc của một người không tự cho mình sống một ngày nào mà không nghĩ tới quê nhà. Tuyển tập nhiều bài viết Cuốn Lên Bức Mành gồm ba phần: Hồi ức, Tản mạn, Thơ. Nơi đây, chúng ta gọi ấn phẩm này là cuốn sách sau 50 năm, vì Phần 2 còn được tác giả ghi là: Nửa Thế Kỷ Ngoái Lại. Thực tế, chiều dài của sách là hơn một thế kỷ rưỡi, vì có kể về ông ngoại tác giả là cụ Bùi Văn Giảng (1871-1934). Với chiều dài thời gian như thế, và với cảm xúc của thời điểm 50 năm, tác phẩm của Phạm Quốc Bảo có những trầm lắng rất là tịch mịch của lịch sử. Nơi đây chúng ta sẽ giới thiệu một số điểm trong tuyển tập.
Khi đọc được khoảng một phần ba quyển hồi ký “Việt Nam của con – Việt Nam của cha”, trong tôi thôi thúc mãnh liệt một suy nghĩ: đã đến lúc tôi cũng nên ngồi xuống để viết một quyển sách của chính mình trước khi quá trễ, hay nói đúng hơn là trước khi đầu óc tôi bắt đầu quên lãng nhiều cột mốc, nhiều câu chuyện, đặc biệt là nhiều cảm xúc đã từng có trong tôi, từng xảy ra trong đời tôi, kể từ lúc đặt chân đến đất nước này, nơi vừa gần gũi lại vừa lạ lẫm với tôi cho đến tận bây giờ.
“Việt Nam Của Con, Việt Nam Của Cha” (nguyên bản ‘My Vietnam, Your Vietnam’) không chỉ là tự truyện của cha và con, kể lại hành trình đi tìm nguồn cội của tác giả, Christina Võ, mà còn là cách cô “hòa giải” – chữa lành vết thương giữa hai thế hệ – giữa cô và người cha, ông Nghĩa Võ, một bác sĩ quân y VNCH, cũng là đồng tác giả.
Không rõ do một cơ duyên nào mà ba người ấy – ba nhà thơ nữ, ba tâm hồn, ba định mệnh, ba trải nghiệm, ba cuộc đời, ba ngọn suối nguồn thơ ca lại rủ nhau về hợp lưu tụ hội trong một tuyển thơ đặc sắc, hiếm có...
Tác giả của cuốn sách này, Bác sĩ Ngô Thế Vinh, là một trong những nhân vật hàng đầu trong đời sống văn học ở Nam Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, và đã từng quen biết với tất cả những nhân vật mà ông phác thảo. Bác sĩ Vinh là bác sĩ chuyên ngành nội khoa tại một Trung Tâm Y Khoa Long Beach, Nam California. Ông cũng là một tác giả không biết mỏi mệt, với các tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, các sách bình luận văn hóa (như cuốn này) và các bài tường trình khảo sát. Đặc biệt, ông đã đích thân thực hiện chuyến đi điền dã theo suốt chiều dài 4.800 km của sông Mekong và đã viết hai cuốn sách nói về sự tồn vong của con sông này, một con sông lớn của thế giới và là mạch sống của hơn 70 triệu người sống dọc theo hai bờ con sông và nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long.
"Bạt" của thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho tập thơ của ba người...
Một ngày đầu thu, ngồi viết đôi trang về thơ của ba nữ lưu thời nay, sao bỗng thấy lòng xúc cảm lạ thường. Như ngày nào khi dạo chơi trong khu vườn Gitanjali bỗng gặp lại bông siêu ly thuở còn mơ mộng. Như ngày nào khi hoàng hôn xuống lái xe qua cây cầu cao ở Baton Rouge bỗng thấy vầng trăng lồng lộng trên sông. Hay như cách đây hơn mười năm, khi đi chơi vùng biển Laguna bỗng gặp lại người xưa - đầu đội nón rộng vành, mang kính đen, ngồi dưới bóng dù, tay lật xem thơ Tôi Cùng Gió Mùa. Vậy đó. Xin mời bạn đọc theo dõi những trang sau đây viết về ba nhà thơ nữ: duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh. Ô, lần đầu tiên ba nhà thơ nữ họp mặt nhau trong cùng một tập thơ. Một cuộc hội ngộ tuyệt đẹp...
Những Ngày Thơ Ấu của Võ Phú là cánh cửa mở ra thế giới tuổi thơ, tựa một bản giao hưởng của nỗi nhớ, nhưng cùng lúc chính là tiếng vọng của văn học Việt Nam hải ngoại, vốn từ lâu vẫn luôn phải đối diện với những câu hỏi không dễ trả lời: Chúng ta viết gì? Viết cho ai? Và viết bằng ngôn ngữ nào?
Tạp chí Ngôn Ngữ, trong thời gian qua đã hân hạnh thực hiện được chín tuyển tập, tương đối đầy đủ về chín tác giả nhưng toàn là phái nam. Lần này là lần đầu tiên, một bàn tay hoa trong văn học nghệ thuật Việt Nam, dành cho Ngôn Ngữ vinh hạnh này: nữ sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh...
Tôi gấp sách lại ở “Phần IV – Thơ” quyển “Trịnh Y Thư – Văn chương Nghệ thuật và Những điều khác”. Dừng lại để ngẫm xem những gì còn đọng lại trong đầu kể từ chương I cho đến hết chương III...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.