Hôm nay,  

TỰA Tập thơ ba nhà thơ nữ duyên – lê chiều giang – nguyễn thị khánh minh

14/03/202521:10:00(Xem: 1512)
Tho3nguoi

Một ngày đầu thu, ngồi viết đôi trang về thơ của ba nữ lưu thời nay, sao bỗng thấy lòng xúc cảm lạ thường. Như ngày nào khi dạo chơi trong khu vườn Gitanjali bỗng gặp lại bông siêu ly thuở còn mơ mộng. Như ngày nào khi hoàng hôn xuống lái xe qua cây cầu cao ở Baton Rouge bỗng thấy vầng trăng lồng lộng trên sông. Hay như cách đây hơn mười năm, khi đi chơi vùng biển Laguna bỗng gặp lại người xưa - đầu đội nón rộng vành, mang kính đen, ngồi dưới bóng dù, tay lật xem thơ Tôi Cùng Gió Mùa. Vậy đó. Xin mời bạn đọc theo dõi những trang sau đây viết về ba nhà thơ nữ: duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh. Ô, lần đầu tiên ba nhà thơ nữ họp mặt nhau trong cùng một tập thơ. Một cuộc hội ngộ tuyệt đẹp.
 
Xin được mở đầu với thơ duyên.
 
Thơ duyên ít xuất hiện trên sách báo nhưng bạn bè biết nhiều về duyên qua những Blogs thân quen của Phạm Cao Hoàng, Trần Thị Nguyệt Mai, và Phố Văn, hay qua emails khi chuyện trò trao đổi. Duyên thường thực hiện những bookmarks và vẽ những bức tranh nhỏ gợi cảm gởi tặng bạn bè có khi kèm theo những bài thơ ngắn dễ thương. Chúng ta có thể đọc, nhìn thấy qua phần Thơ Duyên trong tuyển tập. Riêng tôi rất thích hai bức Mùa Thu Chết và Lá Đỏ cùng những mảnh tình duyên gởi trong thơ.
 
Đọc thơ duyên ta gặp một hồn thơ mở ra với thiên nhiên, nhân hậu, hòa ái với người, với đời. Duyên yêu mến thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ duyên như tranh của họa sĩ hiện ra với đường nét bay múa, sắc màu rực rỡ, như trong bài: Về. Với Mùa Thu
 
sau chuyến bay dài
đêm thâu. không ngủ
chờ. mặt trời
đợi. sáng, nắng bình minh.
dễ thương chi, khi
mùa thu. vẫn… đó
đợi. chờ.
kìa, cây ginko nhỏ
vàng tươi.
trong nắng sớm.
lá nhu mì. vẫy. gọi
bước chân ai, về
lãng đãng. mù sương.
 
Duyên yêu mùa thu. Mùa thu hiện ra với nhiều dáng vẻ trong thơ duyên:
 
lại kể nhé
chuyện vườn xưa. khi mùa thu tới
ba cây đào, đổi lá vàng. ngập cả lối đi
cây redwood, lá màu hổ hoàng. tuyệt đẹp
mỏng manh trên cành, đâu sợ mùa đông
 
Thiên nhiên chuyển màu rất đẹp từ thu sang đông với ý tình cảm xúc:
 
rồi ngày lập đông. tuyết rơi. rơi. mãi…
cành, trụi lá. màu chì. ảm đạm
nhìn ra trời. trời. đất, quá bao la
mùa đông lê thê…
nhớ. Zhivago trên cánh đồng tuyết trắng
tản cư về. về lại, mái nhà xưa
nơi. thi sĩ kể thơ. tình mê đắm
vẫn lạc loài, hình bóng Lara…
 
Thiên nhiên trong thơ duyên hiện ra với vẻ rực rỡ dù trong cảnh mùa đông. Thiên nhiên hay mùa thu còn làm nền cho cái chết của người thi sĩ. Những chiếc lá khô rụng xuống, chất chồng đủ nhóm lên lửa ngọn. thi sĩ về trong những chiếc lá khô:
 
gió đã đổi mùa
không gian. lạnh
trong mênh mông
đấttrời
gió cuốn. lá rơi...
đủ. để đốt thành lửa ngọn.
 
ngọn lửa. bập bùng
đêm trăng, khuyết
người thi sĩ
đã về. trong
những chiếc lá khô...
 
Lá đỏ của mùa đông còn là cái chết của người bạn nhỏ, tên Ch.
 
Em
chiếc lá nhỏ, thật đỏ, quá đẹp của mùa thu
sao lìa cành vội vã. sớm đông
chiều qua. có lẽ là em
con chim nhỏ
về...đậu lại trên cành cây trụi lá
trong tuyết trắng mênh mông
chim buồn, nên không hót.
 
Trong thơ Duyên còn có tình bạn. Duyên cảm thông những mất mát đau đớn của bạn bè nên chia sẻ cùng bạn những tình cảm chân thật. Đinh Cường, Trần Hoài Thư, Nguyễn Bắc Sơn, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Xuân Thiệp… và nhiều người nữa được nhắc tới trong thơ duyên. Đây là những người bạn của cõi văn chương ở những năm tháng lãng đãng của cuộc đời. Với Đinh Cường, một tình bạn của hội họa và văn thơ. Đinh Cường là người hiền hòa dễ mến, bạn bè ai cũng yêu quý. Sinh thời, Đinh Cường từng vẽ chân dung cho duyên và làm thơ tặng. Những câu thơ, bức tranh luôn nhắc tới một tình bạn như vầng trăng đầu núi. Trên chuyến tàu nào, lần cuối trở về, có giọt lệ trên mi mắt…
 
Với Trần Hoài Thư là qua thông cảm từ trang sách đề tặng với nét chữ run run và cơn bệnh đột quỵ của nhà văn hiền hòa. Ôi những tình cảm thân thương quý biết nhường bao.
 
Nguyễn Bắc Sơn, người đã ra đi còn để lại bóng hình và những câu thơ như Thương tiếc đám mây bay. Cuộc chiến khốc liệt đã để lại nhiều mất mát. duyên đã cảm thông sâu xa với phận con người trong chiến tranh.
 
Đỗ Hồng Ngọc và Nguyễn Xuân Thiệp, hai người bạn văn chương khác, duyên nhớ đến, khi lần giở những trang thơ: về thu xếp lại (ĐHN) cô bé đi vớt mặt trời (NXT) bức tranh thơ (NXT) Duyên với tấm lòng nhân hậu đã cùng hai bạn tìm về những kỷ niệm đầm ấm, cả những đổ vỡ trong đời, để cảm thông, chia sẻ.
 
Với Nguyễn Tất Nhiên, nhà thơ đã một thời đơn phương yêu duyên với mối tình cuồng si, yêu như thiên tai không bờ cõi – duyên nhắc về Nhiên bằng trích dẫn thơ. Và rồi như cánh buồm la paloma xa xưa trôi đi không về lại. Còn nhiều, còn nhiều bạn bè nữa, được gọi tên trong thơ duyên.
 
Tình yêu gia đình trong thơ duyên thật thắm thiết. Nó được thể hiện qua bốn đứa cháu. Oliver, Millie, ViVi, Larkin. Tôi biết các cháu qua hình ảnh duyên gởi. Duyên sang thăm ViVi khi cháu đầy tháng tuổi, về lại nhà ở bên kia hồ Michigan. Chiều xuống bà ở bên đây hồ Michigan nhìn sang bên kia, Chicago gởi những nụ hôn cho cháu. Thiệt là dễ thương. Với các cháu khác, duyên đều rất thương yêu. Hãy nghe duyên trò chuyện với Oliver: Đóa hoa đỗ quyên nở ấm áp khi nghe tin cháu ngoại Oliver nhắn qua điện thoại: cuối tuần sẽ về thăm bà. Oliver sẽ đem soup (wonton soup) nấu cho bà vì nghe bà đang bệnh. Đọc thơ duyên xem đối thoại giữa ba bà cháu, với ViVi và Larkin, dễ thương quá.
 
Bằng Iối viết tự nhiên, thơ duyên mang đến cho người đọc lòng tin yêu. Ta thấy ở đó một hồn thơ nhân hậu và hòa ái.
 
Bây giờ xin nói về Lê Chiều Giang.
 
Sự xuất hiện của Lê Chiều Giang mặt nào đó có thể nói như vầng trăng trong đêm nguyệt thực. Nói đến thơ Lê Chiều Giang không thể không nhắc đến Nghiêu Đề, họa sĩ là chồng nhưng cứ như là người tình mãi mãi. Tôi gặp Nghiêu Đề lần đầu tiên ở Đà Lạt trước 1975 ở nhà một người bạn gái. Nghiêu Đề nói chuyện rất vui và có duyên. Sau 1975, tôi gặp lại Nghiêu Đề và Giang ở một quán cà phê bên chợ Thanh Đa. Tôi ở Lô J và Nghiêu Đề ở lô G của cư xá. Sau này đọc những bài viết của Chiều Giang, tôi biết thêm thời đó Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Quang Lộc, Duy Trác, thường họp mặt hát hò ở căn nhà của Nghiêu Đề hoặc trên chiếc thuyền nhỏ trên sông Thanh Đa. Sang Mỹ, trong một cuộc hội ngộ Văn Học ở hội báo Người Việt do Khánh Trường tổ chức, có Thái Thanh, Mai Thảo, Lê Uyên Phương và nhiều người nữa. Nghiêu Đề nói đùa với tôi: “Tôi đã đọc nhiều thơ của ông trên Văn Học, ông phải trả tiền cho tôi đó nghe.” Thời gian trôi qua, Nghiêu Đề đã ra đi vào năm 1998. Tôi đọc được những bài thơ ngắn của Giang trên Văn Học. (Bút hiệu Lê Chiều Giang chỉ bắt đầu có khi Giang tham dự bài trong “Nguyễn Xuân Hoàng trong và ngoài văn chương” do Da Màu thực hiện năm 2014).
 
Trong một dịp gặp lại Lê Chiều Giang sau đó tại nhà Nguyễn Mộng Giác, tôi xin Giang đăng lại một số bài thơ đó trên Phố Văn, và cho Giang biết tôi đã viết bài tiễn đưa Nghiêu Đề trên tạp chí Phố Văn. Từ đó không có dịp gặp lại Chiều Giang nữa. Mấy năm sau, tôi được đọc thơ Giang và cảm thấy yêu thích. Thơ của Giang thường là ngắn, như một tiếng kêu đau đớn biến thành uất hận, như một cơn đồng thiếp của cảm xúc và chữ nghĩa. Qua những gì đọc được, ta biết tình yêu của Giang và Nghiêu Đề gần như một huyền thoại giữa đời thường. Từ lúc còn là học trò dưới bóng mẹ cha, Giang đã thường xuyên bỏ học, trốn nhà thờ, đến với giới họa sĩ chỉ vì mê mùi sơn dầu của những bức tranh. Cuối cùng đã mê luôn chàng họa sĩ tài hoa. Mối tình đó theo Trịnh Cung là một tình yêu đẹp, mê muội và dữ dội. Dù không đưa Chiều Giang đến chỗ phải tự tử theo chồng như nàng Hebuterne của họa sĩ Modigliani. Giang vẫn tiếp tục sống trong cơn mê loạn, và Thơ đã cứu rỗi nàng cũng như đã làm thăng hoa mối tình khiến nó trở thành vĩnh cửu. Cũng như Hebuterne, Giang là người mẫu của Nghiêu Đề trong nhiều bức tranh. Bức tranh cuối Nghiêu Đề vẽ Giang. “Vệt màu đỏ mỏng chàng vẽ dưới mi mắt nàng như sợi máu rỉ ra từ tình yêu dành cho nàng mà chàng sắp phải từ biệt.” Trịnh Cung đã nhận xét như thế.
 
Ta phủ xác người bằng bức tranh xưa
Nét vẽ sắc
Như ngàn dao cắt
Vẽ mắt ta từ ngày mới gặp
Mắt tàn phai. Mắt của tàn phai. (Một chín chín tám)
 
Thơ của Giang đúng là một thiên tình sử đầy giông gió thỉnh thoảng ẩn hiện một vầng trăng ảo. Tôi gọi nó là Thiên Tình Sử của Trái Tim Điên. Theo bước chân thơ của Chiều Giang ta đi vào cuộc lữ hành của cõi mê hoang, nghe ra tiếng thét, tiếng cười khan, và cả tiếng khóc.
 
Ta chôn chồng ta
Một lần.
Duy nhất.
Ở giữa rừng gai không hoa trái mọc
Đất.
Đá.
Rực cháy những lửa điêu tàn
Ta đứng giữa trời
Lặng thinh.
Không khóc. (Một chín chín tám)
 
Ta ngồi một mình
Trên nóc nhà
Buổi sáng
Trước ngày bỏ đi
Khói thuốc tan trong mây
Rượu.
Đổ đầy máng xối (Lên đồng)
 
Chiều Giang ngồi trên nóc nhà và la hét, thấy những hồn ma cũ vật vờ bay, nghe những tiếng xưa vang vọng và hát như điên trong cơn đồng thiếp. Và có lúc đành phải đốt nhà…
 
Bới tung.
Từng góc nhà
Xó bếp
Tay nâng niu những tháng ngày xưa
Có bao năm?
Mà như thiên cổ
Nhà ơi.
Giữ lại dùm ta những gió mưa
Giữ lại dùm ta ngàn tiếng nói ...
 
... Ra đi
Đốt lửa căn nhà trống
Vung vãi tàn tro
Khắp đất trời. Và
Xóa bàn đi làm lại hết
 
Ta thả đời ta. Giữa
gió bay. (Đốt nhà )
 
Ta biết Giang từng là người mẫu, nhưng đứng mãi trong tranh làm góa phụ cũng chán, nên phải bước ra với mặt trời. nhìn quanh đã chẳng thấy ai, cất tiếng gọi cũng không ai trả lời bèn bước trở lại trong tranh như bỏ một cuộc chơi. Muốn bỏ cuộc chơi nhưng không được nên lại bước ra, tiếp nối cuộc hành trình của mệnh số. Có khi muốn làm thiền giả, ngồi trong góc tối hay đi giữa trời lộng gió, làm sa di ôm bình bát đứng giữa trời mưa nắng cho đến khi ngày hết, bình bát chỉ còn chứa đầy bóng trăng. Cứ ngang ngang bương bướng để mơ thành họa sĩ, vẽ bức tranh siêu thực với màu đỏ trên tóc và xám xanh trong mắt. Tay không mà bày cuộc chơi vượt cả Lưu Linh, Tản Đà, Phạm Thái, Tử Kỳ.
 
Lưu Linh? Ờ, Lưu Linh
Tản Đà?  ...Ta chấp hết
 
Mắt sắc như kiếm dao
Chém chơi. Vài
Phạm Thái... (Bỏ nhà)
 
Thơ Chiều Giang là thế. Những bài thơ ngắn, ngôn ngữ trực tiếp, sắc bén, với lối ngắt dòng khác lạ, tạo hiệu ứng rung cảm nơi người đọc. Thơ Lê Chiều Giang là tiếng ca tiếng khóc trong cơn đồng thiếp của hiện sinh mê cuồng.
 
Thơ, như chưa từng bao giờ có thơ như thế.
 
Và đây thơ Nguyễn Thị Khánh Minh.
 
Trước hết, thơ ấu của NTKM đã là thơ. Đồng lúa, con sông, ngôi nhà ở làng Thuận Mỹ, Ninh Hòa, ánh trăng bên bờ giếng cũ, những bông hoa giấy trên sân nhà ở Nha Trang, tiếng còi tàu, bước chân của cha trở về… hồn thơ của NTKM nở ra từ đó. Khánh Minh làm thơ ở tuổi còn để tóc bum bê cắp sách đến trường. Ấy có lẽ do ảnh hưởng của cha mẹ. Song thân của NTKM đều là nhà thơ, chủ nhân của lầu thơ Minh Minh. Nơi đó thường có mặt Vũ Hoàng Chương, Hà Thượng Nhân, Hồ Điệp, Nguyễn Đức Quỳnh… Ở lầu thơ Minh Minh của cha mẹ, Khánh Minh đóng vai cô bé pha trà và rồi ngâm thơ theo chỉ dẫn của Hồ Điệp. Từ lầu thơ của cha mẹ, hồn thơ NTKM đã lớn dậy cùng với những tháng năm với hoa lá và mây trời. NTKM mang thơ qua sân trường Luật và những nẻo đường của phố xá Sài Gòn. Và, cho đến bây giờ.
 
Tôi xin an lành gom hết những lời kinh nguyện. Bầu trời no tin cậy. Mầu xanh phủ hết tai ương cho con người và trái đất chan hòa nương tựa. Tôi sẽ tìm về đêm bé thơ thỏ thẻ với cha điều ước mơ chưa từng nói. Nếu có tìm tôi. Xin chờ mảnh sáng sao băng.
 
Vậy xin nương theo ánh sao đến với thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Thơ NTKM, cũng như thơ Lê Chiều Giang, thơ duyên, không theo bất cứ khuôn khổ tiết tấu nào. Nó là nhịp đập của thời gian và hơi thở người. Thơ NTKM còn là thơ xuôi, thơ tản văn, mở ra một cõi trời hoang mơ. Đọc thơ NTKM ngay từ bài đầu tuyển chọn ở đây đã thấy tâm hồn nhà thơ mở rộng với đất trời và nhân gian. Cảm động là cô muốn đem chia sẻ cùng cha những tình ý ấy như thuở còn thơ.
 
Trong bài thơ Khoảnh Khắc Giấc Mơ, cô bé Khánh Minh muốn dâng hết lời kinh nguyện cho bầu trời bình yên với màu xanh phủ hết tai ương. Và cô sẽ tìm về một nơi với vạt đèn khuya ủ những ý thơ trong cơn mơ, vì “tất cả mọi cảm hứng thi ca đều là giải mã những giấc mơ”. Và cô nguyện nếu có bay đi xin bay về đồng lúa thuở ấu thơ nơi quê nhà bình yên, với con tàu chuyên chở hội ngộ, tiếng cửa mở sum vầy và bếp lửa trong căn nhà xưa. Còn nữa, thơ sẽ thắp lên ánh sáng của sao hôm và sao mai, cô sẽ treo tiếng chim trước cửa để đánh thức ngày vui. Trong ánh chớp của thanh xuân về lại, NTKM sẽ theo con sóng nhỏ về nơi biển xanh hiền hậu của thời ấu thơ và ai kia muốn tìm lại hình bóng của người làm thơ NTKM thì xin đến với hàng liễu xanh và con trăng mới mọc…
 
… Nếu có một nơi để nhớ. Vạt đèn khuya trỗi lên bài ca năm tháng. To nhỏ câu thơ phút hôm nay ta sống cùng người. Nếu có tìm tôi xin hát bằng nhịp tim bổng trầm tình tự. Nơi giấc ngủ một người, trái tim vẫn hoài đập trong khoảnh khắc của giấc mơ...
… Nếu thanh xuân là quà tặng. Sinh cho tôi đời lá non. Sẽ sống tận cùng xanh, hết sức. Từng hạt mầm nuôi tôi trở lại cho dẫu hơi thở kia có không ngừng lặp lại nỗi đau. Tôi sẽ về hay tôi sẽ đi. Lời chào ấy là phút tôi trao nhận một món quà vô giá.
… Tôi biết. Tôi sẽ được cất tiếng. Trong mùa thơ quyến dụ ấy với ngôn ngữ tình nhân. Ngôn ngữ tôi nghe một lần trong xứ sở chiêm bao. Khoảnh khắc giấc mơ tôi thực sống…
 
Đó là tiếng nói của thơ. Tôi chưa thấy ai thao thức với thơ trăn trở với thơ như NTKM. Khi viết xong bài thơ có khi cô khóc, và lạc giữa cõi thơ như trong cơn mộng du. Cô mê sảng, cười điên cùng bài thơ, những con chữ có khi là những giọt lệ. Cô nằm gai nếm mật hình thành bài thơ. Trong cơn mộng du chữ nghĩa, NTKM muốn thơ mình lang thang qua khắp cõi bờ nhân sinh, Thơ đi vào quán nụ cười như để tìm vui. Đi vào quán đêm xin một giấc mơ, rồi đi vào trường kịch nhân gian, vào con đường của kiếp dã tràng, ghé thăm quán hoàng hôn, vào lòng đóa hoa xin mật ngọt, vào chung với bầy kiến, vào đồng lúa, vào dòng sông… Tất cả là đi tìm hơi thở của sự sống… Đọc thơ Khánh Minh ta như được cùng tác giả hòa chung nhịp thở với thiên nhiên, bởi đó không chỉ là ngắm nhìn với nỗi ơ thờ mà hòa nhập với thiên nhiên. Xin cùng với nhà thơ bước vào đêm, hóa thân với sao trời và gió như có linh hồn - sao tắt, hồn rơi và gió khóc đưa tang. Đêm thì ngất lịm trong chiêm bao, nghe tiếng ngày đi run rẩy, nghe hồn cỏ thao thức, cây trút lá bơ vơ - rồi ngày lên mang chút niềm vui sót. Nhà thơ đi vào đêm, đem theo nụ cười, chia sẻ những rạn nứt đổ vỡ của đêm, nụ cười thơ làm nở một vì sao.
Tắt một lời, hồn thơ NTKM cảm nghe được nhịp mùa, nhịp ngày đi đêm tới. Có thể nào ta gọi thơ NTKM là bản symphony của nhịp mùa và thời gian. Riêng với Nguyễn này như được lạc vào vùng trời của Gitanjali nghe thi nhân thổi lên bản hòa ca trên cây sáo bằng ống sậy.
 
Trong thơ Khánh Minh còn có những khoảng trời của tình bạn. NTKM chia sẻ cùng bạn những nét đẹp của sáng tạo, những ý tình lung linh hư ảo, những nỗi chia xa.
 
Với Duyên, cùng Duyên sống lại niềm vui và vẻ rực rỡ của thanh xuân ngày ấy. Với Đinh Cường: cảm thông cùng tiếng cọ của người họa sĩ và những sắc màu trong tranh và nỗi đau cùng vẻ hư ảo của cuộc đời. Với Trịnh Y Thư: cùng bạn cảm thông với vệt nắng chiều đang tắt, bóng người con gái ngồi cong lưng như mảnh trăng non, trong vẻ đời ảo hoặc, chia xa. Với Nguyễn Xuân Thiệp, cùng nghe tiếng chiều rơi trong tiếng con chim nhại và vẻ ảo hoặc của mùa thu với màu hoa cúc quỳ vàng trong khu vườn của ngày đã xa. Còn nhiều.
 
Còn nhiều những điều chưa nói về thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Nhưng thôi, chỉ xin cùng đọc một đoạn trong tuyển tập thư hương này:
 
Người đem theo nụ cười
Đi vào giấc mộng
Những vì sao chưa mọc
Những vì sao đã chết
Bỗng nhận ra mình
Mất tích bao năm
 
Người đem theo nụ cười
Đi vào bóng tối
Những hạt lệ lặng lẽ
Những hạt lệ vô hình
Bỗng nhận ra mình
Bật khóc
 
Người đem theo nụ cười
Đi vào những biên giới… (Có Vì Sao Mới Mọc)
 
-- NGUYỄN XUÂN THIỆP
Dallas, tháng 11, 2024

 

Sách có bán trên BARNES & NOBLE

224 trang, bìa mềm, 5.5” x  8.5”, giá bán: US$20.00

Xin bấm vào đường dẫn sau:

 

Tho duyen le chieu giang nguyen thi khanh minh by Nguyen Thi Khanh Minh, Paperback | Barnes & Noble®

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuộc chiến Việt Nam đã khép lại từ nửa thế kỷ trước nhưng những hệ lụy vẫn còn ghi khắc trong đời sống, tâm trí và ký ức của nhiều thế hệ người Việt ở quê hương lẫn hải ngoại. Ký ức đau thương lẫn khát vọng xây dựng tương lai đã trở thành chủ đề trung tâm trong nhiều tác phẩm văn học, tuyển tập truyện ngắn "The Colors of April" do Quan Manh Ha và Cab Tran biên tập là một ví dụ điển hình.
Khi về già, bạn mắc bệnh mất trí nhớ, rồi mất phương hướng, sau đó mất ngôn ngữ. Nếu bạn sống thật lâu, như một ngọn núi, các chuẩn tắc đạo lý do con người đặt ra sẽ mất sau cùng. Và theo thứ tự như vậy. Trước cửa một tiệm cà phê gần khu vực tưởng niệm sự kiện 911, gần nền của tòa tháp đôi đổ sập, xuôi về phía hiệu sách cũ Strand ở Broadway, nơi tôi mua được một tập thơ của Gerald Stern, tôi gặp anh Siu Kpa, người Gia rai sáu mươi tuổi, và vợ anh. Anak Gia rai, con của Gia rai. Hay Giơ rai, Jarai, Jrarai, Chơ rai đều được, cả hai nói tiếng Việt, nhưng anh nói giỏi hơn. Thật ra chị là người Ba na, nghe phát âm như Bơ na, hay Bờ na, hay Bà nà, cũng là Ba na dưới núi, Ba na trên núi, Bơ Nâm, Bơ Môn. Cả hai đều mất trí nhớ nhưng theo hướng ngược chiều nhau.
Nhà văn Phạm Quốc Bảo trong tuần qua vừa ấn hành tuyển tập Cuốn Lên Bức Mành. Một tác phẩm ghi lại những suy nghĩ của một người đang giữa lứa tuổi 80s từ hải ngoại về những gì còn lưu giữ sau một đời làm báo và viết truyện. Từng trang chữ của ông là cô đọng những cảm xúc của một người không tự cho mình sống một ngày nào mà không nghĩ tới quê nhà. Tuyển tập nhiều bài viết Cuốn Lên Bức Mành gồm ba phần: Hồi ức, Tản mạn, Thơ. Nơi đây, chúng ta gọi ấn phẩm này là cuốn sách sau 50 năm, vì Phần 2 còn được tác giả ghi là: Nửa Thế Kỷ Ngoái Lại. Thực tế, chiều dài của sách là hơn một thế kỷ rưỡi, vì có kể về ông ngoại tác giả là cụ Bùi Văn Giảng (1871-1934). Với chiều dài thời gian như thế, và với cảm xúc của thời điểm 50 năm, tác phẩm của Phạm Quốc Bảo có những trầm lắng rất là tịch mịch của lịch sử. Nơi đây chúng ta sẽ giới thiệu một số điểm trong tuyển tập.
Khi đọc được khoảng một phần ba quyển hồi ký “Việt Nam của con – Việt Nam của cha”, trong tôi thôi thúc mãnh liệt một suy nghĩ: đã đến lúc tôi cũng nên ngồi xuống để viết một quyển sách của chính mình trước khi quá trễ, hay nói đúng hơn là trước khi đầu óc tôi bắt đầu quên lãng nhiều cột mốc, nhiều câu chuyện, đặc biệt là nhiều cảm xúc đã từng có trong tôi, từng xảy ra trong đời tôi, kể từ lúc đặt chân đến đất nước này, nơi vừa gần gũi lại vừa lạ lẫm với tôi cho đến tận bây giờ.
“Việt Nam Của Con, Việt Nam Của Cha” (nguyên bản ‘My Vietnam, Your Vietnam’) không chỉ là tự truyện của cha và con, kể lại hành trình đi tìm nguồn cội của tác giả, Christina Võ, mà còn là cách cô “hòa giải” – chữa lành vết thương giữa hai thế hệ – giữa cô và người cha, ông Nghĩa Võ, một bác sĩ quân y VNCH, cũng là đồng tác giả.
Không rõ do một cơ duyên nào mà ba người ấy – ba nhà thơ nữ, ba tâm hồn, ba định mệnh, ba trải nghiệm, ba cuộc đời, ba ngọn suối nguồn thơ ca lại rủ nhau về hợp lưu tụ hội trong một tuyển thơ đặc sắc, hiếm có...
Tác giả của cuốn sách này, Bác sĩ Ngô Thế Vinh, là một trong những nhân vật hàng đầu trong đời sống văn học ở Nam Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, và đã từng quen biết với tất cả những nhân vật mà ông phác thảo. Bác sĩ Vinh là bác sĩ chuyên ngành nội khoa tại một Trung Tâm Y Khoa Long Beach, Nam California. Ông cũng là một tác giả không biết mỏi mệt, với các tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, các sách bình luận văn hóa (như cuốn này) và các bài tường trình khảo sát. Đặc biệt, ông đã đích thân thực hiện chuyến đi điền dã theo suốt chiều dài 4.800 km của sông Mekong và đã viết hai cuốn sách nói về sự tồn vong của con sông này, một con sông lớn của thế giới và là mạch sống của hơn 70 triệu người sống dọc theo hai bờ con sông và nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Người Hát là tập thơ đầu tiên của Bùi Mai Hạnh. Một tập thơ đặc sắc. Một trong những chủ đề là những quan tâm xã hội được nhìn dưới khía cạnh trữ tình, sự bình đẳng, tự do, và các mối quan hệ giữa người và người. Thơ chị không trừu tượng, không có những ý tưởng tổng quát, mà chứa đầy sự kiện, các chi tiết. Có một truyền thống văn hóa và tinh thần ở đó, trong những bài thơ có tính hiện đại và đương đại của chị. Thơ Bùi Mai Hạnh trực tiếp mô tả, trong khi hàm chứa những yếu tố triết lý lặng lẽ. Mối quan hệ của chị với người khác, trong tình bạn, trong tình yêu, là những mối quan hệ sâu đậm, mạnh, khó khăn. Tất cả các đề tài đều có thể có mặt: sự chống trả quyết liệt đối với số phận, sự đề kháng xã hội, sự sợ hãi và hèn yếu, tất cả có mặt trong thơ Hạnh.
"Bạt" của thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho tập thơ của ba người...
Những Ngày Thơ Ấu của Võ Phú là cánh cửa mở ra thế giới tuổi thơ, tựa một bản giao hưởng của nỗi nhớ, nhưng cùng lúc chính là tiếng vọng của văn học Việt Nam hải ngoại, vốn từ lâu vẫn luôn phải đối diện với những câu hỏi không dễ trả lời: Chúng ta viết gì? Viết cho ai? Và viết bằng ngôn ngữ nào?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.