Hôm nay,  

"Đọc & Viết": Trịnh Y Thư, đằng sau trang sách

01/03/202509:47:00(Xem: 1817)
NgonNgu_TYT_Cover_PreOrder

Tôi gấp sách lại ở “Phần IV – Thơ” quyển “Trịnh Y Thư – Văn chương Nghệ thuật và Những điều khác”. Dừng lại để ngẫm xem những gì còn đọng lại trong đầu kể từ chương I cho đến hết chương III.
 
Trịnh Y Thư, ông là ai?
 
Vì đọc sách là đọc tâm tư tác giả, tôi biết vậy nên mới đoán mò xem ông ấy là người như thế nào? Nhưng cái biết đó có thể sai lệch vì nó đã bị bẻ cong qua lăng kính của mình, tôi biết đấy chứ. Tuy thế, tôi vẫn ghi xuống cái gì mình nghĩ một cách chân thành. Hy vọng rằng cái “chân” thì dễ chấp nhận hơn bất kỳ cái “tay” nào khác.
 
Đọc Trịnh Y Thư là phải đọc chậm rãi và kỹ lưỡng, vì Trịnh Y Thư không là người phàm! Ông thâm trầm cả từ nội tâm đến bề ngoài. Câu chuyện của ông không phơi bày trần trẫn ra cho độc giả thấy ngay trên mặt giấy. Nó ẩn mình đâu đó trong suốt nhiều trang giấy khiến người đọc phải vận não. Với truyện ngắn Đôi mắt của bóng đêm, ông dắt độc giả đi từ cảnh này rồi qua cảnh khác, màn một sang màn hai, màn ba, nói theo ngôn từ điện ảnh, và để rồi màn cuối cùng thì mới toang ra một kết cục. Cảnh tàn khốc đến đau lòng. Nhân vật chính của câu chuyện nhận lãnh một “nghiệp quả” đau đớn, thế mà giọng văn ông vẫn cứ êm êm, máy quay vẫn rè rè kêu và ống kính thì vẫn lia chầm chậm cận cảnh này sang cận cảnh khác. Độc giả cảm nhận được cả tính cam nhẫn của nhân vật trong chuyện.
 
Cái tài của Trịnh Y Thư là thế. Ông hẳn phải hiểu tâm lý của người đàn ông khi yêu, tâm lý người đàn bà khi được yêu để rồi tả ra ánh mắt của đôi tình nhân khi yêu nhau ra sao nữa kìa!
 
Đọc Trịnh Y Thư để còn thấy ngôn ngữ ông dùng tuyệt hảo vì tính gợi hình. Một danh từ mới được ông đặt cho đúng chỗ, đúng lúc, đúng ngữ cảnh thì nó làm tròn chức năng minh họa. “Ảnh tượng” của đuôi con mắt tạo thành cái lườm cái nguýt mắt. Trịnh Y Thư bảo đó là điểm duy nhất còn lưu lại cho tình yêu của đôi nam nữ. Quả đúng, nó giống như “bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm” vào món ăn tình yêu cho dậy thêm mùi vị, vậy đó!
 
Ở một bài nhận định về cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, những cụm từ như “Đồ tể lợn”, “Tể tướng người”, “chúa tể”, “lợn-người” được Trịnh Y Thư đem ra làm hình ảnh những người thuộc giai cấp bần cố nông “Bolshevik” trong thời cộng sản thanh trừng, càn quét, đấu tố giai cấp tiểu tư sản để củng cố quyền lực. Nó ghê tởm đến lợm giọng khi ông tả con “lợn Bò” chuyên ăn sách, sách càng nặng ký về tư tưởng nó càng thích ăn và càng thấy ngon. Rồi nó trở nên phè phỡn to phềnh khi cộng sản lên ngôi bá chủ.
 
Có gì trường tồn mãi mãi đâu, vì cái gì khi đến điểm cực đại thì phải quay trở lại điểm cực tiểu. Quả lắc đong đưa, hết cực này thì trở về cực kia cho đến khi gia tốc bằng không thì nó dừng. Cộng sản quốc tế cũng vậy, năm 1989 “tiếng cười của quỷ sứ tắt ngúm”, bức tường Bá Linh tan vỡ, cộng sản không còn đất sống ở Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, ở những nơi con người hiểu thế nào là tự do.
 
Với cộng sản Việt Nam thì sao? Thì “nó” lì lợm hơn cộng sản Đông Âu, còn là vì “nó” chưa hiểu hết thế nào là “tự do”. Cho nên “nó” có hai “trận đấu cười”, một năm 1955 “Nhân Văn-Giai Phẩm” và một năm 1986 “Cởi trói văn nghệ sĩ”, cả hai đều do văn nghệ sĩ Việt Nam chủ động đứng lên “cười”. Thế nhưng guồng máy “lợn-người” có vẻ “lợn” thắng thế hơn “người” nên cả hai “trận đấu cười” đều về con số không. “Xôi hỏng bỏng không” Việt Nam vẫn còn nguyên cái “đuôi con cáo”, chỉ có phần “nó” khéo ngồi để che giấu cái đuôi mà thôi!
 
Trịnh Y Thư còn là một tây ban cầm thủ. Hẳn vậy vì trong tiểu sử của ông ghi rõ ràng là ông chơi guitar, sáng tác nhạc cho guitar, cho piano và ca khúc. Nhạc khúc của ông có ai được nghe chưa? Chắc là có nhưng không thấy phổ biến cho quần chúng lớn, nên phải chờ đến ngày nào đó được nghe thì mới biết ca khúc ông sáng tác hay hay dở?!
 
Trịnh Y Thư một nhà Tôn giáo học. Tính nhị nguyên, phần cốt lõi của Phật giáo, được ông nêu lên bàng bạc trong các bài viết. Ông còn đề cao tập tục thờ cúng ông bà của người Việt. Là một con người thì có hai phần, phần xác và phần hồn vía. Phần hồn vía còn gọi là thần thức hay tâm thức. Khi con người chết đi chỉ chết phần xác mà thôi. Còn phần tâm thức chẳng bao giờ mất đi mà kết tụ thành thức thứ tám “A lại gia thức” của đời đời con cháu về sau. Do vậy, hình ảnh con cháu xì xụp lễ bái trước ban thờ ông bà là một hình “ảnh đẹp và nhân bản” mà người Việt Nam đã tạo dựng được. Khi lễ ông bà là lúc người trở về hòa nhập với cái “biết nguyên thủy” của vạn pháp. Lúc đó con người chỉ còn cái tính “bản thiện” nổi bật lên rõ ràng nhất. Nó dẹp tan những ganh đua ghen ghét tị hiềm hung ác trong tâm mà con người vì cuộc sống đã để nó lên ngôi và che mờ tính bản thiện muôn thuở này.
 
Trịnh Y Thư con người thật của ông đã hiện rõ ràng ở truyện ngắn Tự truyện của kẻ đi tìm quá khứ và tùy bút Một kẻ lạ trên phố phường Hà Nội. Ông là người có chiều hướng đi vào nội tâm để tìm hiểu mình là ai. Và rồi ông viết xuống công trình đi tìm này nên độc giả được dịp trở về quê hương làng xã tỉnh Hà Đông, huyện Chương Mỹ, các làng xã Quảng Bị, Đầm Mơ, Chúc Sơn, Chúc Động, Tốt Động, vùng giữa hai con sông Hồng và sông Đáy. Ông giúp cho người đọc ngửi được mùi không khí “man mát” lạnh của tháng 10, mùi phân trâu bò, mùi của vùng chiêm trũng lầy lội nơi vua Lê Lợi khởi binh cứu nước. Quá khứ ùa về tâm của Trịnh Y Thư, nay cũng tràn qua tâm của người đọc. Xem rằng cái quá khứ của một người có đồng điệu với quá khứ của người đọc hay không? Chắc chắn rằng không ít thì nhiều người viết cũng làm rung động ít nhiều cái quá khứ của người kia. Vì rằng thì là mà… quá khứ một khi đã đi qua rồi thì đi mãi đi mất tiêu, nhưng hồn thiêng của nó vẫn còn đọng lại ở đâu đó gọi là “hồn thiêng sông núi, lũy tre, miếu chùa…” mà chỉ có người cầu mong mới nhìn ra được “nó”.
 
Hà Nội, Huế, Sài Gòn ba thành phố lớn làm nên ba đặc tính rất Việt mà người Việt Nam nào cũng muốn nhận lãnh. Thế nhưng Hà Nội dường như nổi trội hơn hết vì tính bề dài lịch sử của nó. Đó là tính cổ lịch sử của trống đồng, tượng Phật đồng đen; tính lãng mạn của các văn nghệ sĩ còn vương vấn đâu đây. Họ đã thổi vào bát phở, đĩa bánh cuốn, tô bún ốc, chiếc bánh tẻ… và đã làm nên nỗi bối rối mà “kẻ lạ trên phố phường Hà Nội” phải thẫn thờ!
 
Ha haaa… nhờ thế mà độc giả mới mày mò ra được một tí gì gọi là “Trịnh Y Thư”.
 
Trịnh Y Thư! Trịnh Y Thư!… cứ bị gọi tên liên hồi trong đoạn văn ngắn này, chắc cũng khiến ông nhảy mũi hắt xì liên tục. Nhưng yên chí cái nhắc nhở này chỉ là một “quả lành” ông nhận lãnh, vì cái nhân ông làm ra toàn là nhân tốt đẹp thì cớ gì có thể tạo ra được quả xấu cho được!?
Chúng ta đều đồng ý như vậy, đúng không ạ?
 
– Doãn Cẩm Liên
(California, ngày 17 tháng 2, 2025)
 
 
Ghi chú:
 
Trịnh Y Thư: Văn chương Nghệ thuật và Những điều khác là ấn bản đặc biệt về tác giả TYT do tạp chí Ngôn Ngữ thực hiện, phát hành tháng Tám, 2024.
 
Để mua sách, xin bấm vào một trong hai đường dẫn sau:
 
 
 
Hoặc liên lạc với tác giả qua địa chỉ email sau để mua sách có chữ ký của tác giả:
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn...
Hồi ký "Người muôn năm cũ" của nhà văn Phạm Gia Đại dày trên 500 trang gồm có 17 chương, mỗi chương với vẻ riêng, đặc sắc của từng chương. Cuốn sách đưa chúng ta trở về những năm tháng tươi đẹp đầy kỷ niệm thương yêu của Sài Gòn, của miền Nam và những ký ức đau buồn sau ngày mất miền Nam, và những năm tháng sống trở lại với cuộc đời mới trên miền đất tạm dung...
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...
Trong đời, thế nào cũng có lúc chúng ta nằm bệnh, hoặc có người thân nằm bệnh. Trường hợp như thế, lời khuyên thực dụng nhất là nên tìm đọc và áp dụng những dòng thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng Trí Hải. Thí dụ như những dòng thơ: Hãy để tâm vắng lặng Theo dõi hơi ra vào Thấm nhuần chân diệu pháp Trong từng mỗi tế bào Hãy biến ngay giường bệnh Thành một chốn đạo tràng.
Đọc xong đã lâu, định bụng sẽ viết những cảm nhận nhưng cứ lần lữa hoài. Dẫu biết rằng “Phò mã tốt áo” không cần phải khen, nói chỉ thêm dở, tán thêm tệ, viết lại thừa nhưng không viết thì tâm cảm thấy không yên. Cuối cùng rồi tôi cũng thắng được sự lười biếng để ngồi xuống trang trải chút tâm ý với đời. Cuốn Trong Những Thoáng Chốc dày 350 trang là tập tùy bút và tạp ghi của nhà văn Vĩnh Hảo. Vĩnh Hảo là một cây bút đầy nội lực và sung mãn, anh viết trong suốt mấy chục năm ở hải ngoại. Anh đã cho xuất bản 13 tác phẩm văn và thơ, ngoài ra còn có hàng trăm bài viết khác trên các trang mạng của bạn bè. Anh còn có trang web www.vinhhao.info lưu giữ tất cả những sáng tác. Vĩnh Hảo vừa là họ tên và cũng là bút danh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.