Hôm nay,  

"Đọc & Viết": Trịnh Y Thư, đằng sau trang sách

01/03/202509:47:00(Xem: 1726)
NgonNgu_TYT_Cover_PreOrder

Tôi gấp sách lại ở “Phần IV – Thơ” quyển “Trịnh Y Thư – Văn chương Nghệ thuật và Những điều khác”. Dừng lại để ngẫm xem những gì còn đọng lại trong đầu kể từ chương I cho đến hết chương III.
 
Trịnh Y Thư, ông là ai?
 
Vì đọc sách là đọc tâm tư tác giả, tôi biết vậy nên mới đoán mò xem ông ấy là người như thế nào? Nhưng cái biết đó có thể sai lệch vì nó đã bị bẻ cong qua lăng kính của mình, tôi biết đấy chứ. Tuy thế, tôi vẫn ghi xuống cái gì mình nghĩ một cách chân thành. Hy vọng rằng cái “chân” thì dễ chấp nhận hơn bất kỳ cái “tay” nào khác.
 
Đọc Trịnh Y Thư là phải đọc chậm rãi và kỹ lưỡng, vì Trịnh Y Thư không là người phàm! Ông thâm trầm cả từ nội tâm đến bề ngoài. Câu chuyện của ông không phơi bày trần trẫn ra cho độc giả thấy ngay trên mặt giấy. Nó ẩn mình đâu đó trong suốt nhiều trang giấy khiến người đọc phải vận não. Với truyện ngắn Đôi mắt của bóng đêm, ông dắt độc giả đi từ cảnh này rồi qua cảnh khác, màn một sang màn hai, màn ba, nói theo ngôn từ điện ảnh, và để rồi màn cuối cùng thì mới toang ra một kết cục. Cảnh tàn khốc đến đau lòng. Nhân vật chính của câu chuyện nhận lãnh một “nghiệp quả” đau đớn, thế mà giọng văn ông vẫn cứ êm êm, máy quay vẫn rè rè kêu và ống kính thì vẫn lia chầm chậm cận cảnh này sang cận cảnh khác. Độc giả cảm nhận được cả tính cam nhẫn của nhân vật trong chuyện.
 
Cái tài của Trịnh Y Thư là thế. Ông hẳn phải hiểu tâm lý của người đàn ông khi yêu, tâm lý người đàn bà khi được yêu để rồi tả ra ánh mắt của đôi tình nhân khi yêu nhau ra sao nữa kìa!
 
Đọc Trịnh Y Thư để còn thấy ngôn ngữ ông dùng tuyệt hảo vì tính gợi hình. Một danh từ mới được ông đặt cho đúng chỗ, đúng lúc, đúng ngữ cảnh thì nó làm tròn chức năng minh họa. “Ảnh tượng” của đuôi con mắt tạo thành cái lườm cái nguýt mắt. Trịnh Y Thư bảo đó là điểm duy nhất còn lưu lại cho tình yêu của đôi nam nữ. Quả đúng, nó giống như “bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm” vào món ăn tình yêu cho dậy thêm mùi vị, vậy đó!
 
Ở một bài nhận định về cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, những cụm từ như “Đồ tể lợn”, “Tể tướng người”, “chúa tể”, “lợn-người” được Trịnh Y Thư đem ra làm hình ảnh những người thuộc giai cấp bần cố nông “Bolshevik” trong thời cộng sản thanh trừng, càn quét, đấu tố giai cấp tiểu tư sản để củng cố quyền lực. Nó ghê tởm đến lợm giọng khi ông tả con “lợn Bò” chuyên ăn sách, sách càng nặng ký về tư tưởng nó càng thích ăn và càng thấy ngon. Rồi nó trở nên phè phỡn to phềnh khi cộng sản lên ngôi bá chủ.
 
Có gì trường tồn mãi mãi đâu, vì cái gì khi đến điểm cực đại thì phải quay trở lại điểm cực tiểu. Quả lắc đong đưa, hết cực này thì trở về cực kia cho đến khi gia tốc bằng không thì nó dừng. Cộng sản quốc tế cũng vậy, năm 1989 “tiếng cười của quỷ sứ tắt ngúm”, bức tường Bá Linh tan vỡ, cộng sản không còn đất sống ở Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, ở những nơi con người hiểu thế nào là tự do.
 
Với cộng sản Việt Nam thì sao? Thì “nó” lì lợm hơn cộng sản Đông Âu, còn là vì “nó” chưa hiểu hết thế nào là “tự do”. Cho nên “nó” có hai “trận đấu cười”, một năm 1955 “Nhân Văn-Giai Phẩm” và một năm 1986 “Cởi trói văn nghệ sĩ”, cả hai đều do văn nghệ sĩ Việt Nam chủ động đứng lên “cười”. Thế nhưng guồng máy “lợn-người” có vẻ “lợn” thắng thế hơn “người” nên cả hai “trận đấu cười” đều về con số không. “Xôi hỏng bỏng không” Việt Nam vẫn còn nguyên cái “đuôi con cáo”, chỉ có phần “nó” khéo ngồi để che giấu cái đuôi mà thôi!
 
Trịnh Y Thư còn là một tây ban cầm thủ. Hẳn vậy vì trong tiểu sử của ông ghi rõ ràng là ông chơi guitar, sáng tác nhạc cho guitar, cho piano và ca khúc. Nhạc khúc của ông có ai được nghe chưa? Chắc là có nhưng không thấy phổ biến cho quần chúng lớn, nên phải chờ đến ngày nào đó được nghe thì mới biết ca khúc ông sáng tác hay hay dở?!
 
Trịnh Y Thư một nhà Tôn giáo học. Tính nhị nguyên, phần cốt lõi của Phật giáo, được ông nêu lên bàng bạc trong các bài viết. Ông còn đề cao tập tục thờ cúng ông bà của người Việt. Là một con người thì có hai phần, phần xác và phần hồn vía. Phần hồn vía còn gọi là thần thức hay tâm thức. Khi con người chết đi chỉ chết phần xác mà thôi. Còn phần tâm thức chẳng bao giờ mất đi mà kết tụ thành thức thứ tám “A lại gia thức” của đời đời con cháu về sau. Do vậy, hình ảnh con cháu xì xụp lễ bái trước ban thờ ông bà là một hình “ảnh đẹp và nhân bản” mà người Việt Nam đã tạo dựng được. Khi lễ ông bà là lúc người trở về hòa nhập với cái “biết nguyên thủy” của vạn pháp. Lúc đó con người chỉ còn cái tính “bản thiện” nổi bật lên rõ ràng nhất. Nó dẹp tan những ganh đua ghen ghét tị hiềm hung ác trong tâm mà con người vì cuộc sống đã để nó lên ngôi và che mờ tính bản thiện muôn thuở này.
 
Trịnh Y Thư con người thật của ông đã hiện rõ ràng ở truyện ngắn Tự truyện của kẻ đi tìm quá khứ và tùy bút Một kẻ lạ trên phố phường Hà Nội. Ông là người có chiều hướng đi vào nội tâm để tìm hiểu mình là ai. Và rồi ông viết xuống công trình đi tìm này nên độc giả được dịp trở về quê hương làng xã tỉnh Hà Đông, huyện Chương Mỹ, các làng xã Quảng Bị, Đầm Mơ, Chúc Sơn, Chúc Động, Tốt Động, vùng giữa hai con sông Hồng và sông Đáy. Ông giúp cho người đọc ngửi được mùi không khí “man mát” lạnh của tháng 10, mùi phân trâu bò, mùi của vùng chiêm trũng lầy lội nơi vua Lê Lợi khởi binh cứu nước. Quá khứ ùa về tâm của Trịnh Y Thư, nay cũng tràn qua tâm của người đọc. Xem rằng cái quá khứ của một người có đồng điệu với quá khứ của người đọc hay không? Chắc chắn rằng không ít thì nhiều người viết cũng làm rung động ít nhiều cái quá khứ của người kia. Vì rằng thì là mà… quá khứ một khi đã đi qua rồi thì đi mãi đi mất tiêu, nhưng hồn thiêng của nó vẫn còn đọng lại ở đâu đó gọi là “hồn thiêng sông núi, lũy tre, miếu chùa…” mà chỉ có người cầu mong mới nhìn ra được “nó”.
 
Hà Nội, Huế, Sài Gòn ba thành phố lớn làm nên ba đặc tính rất Việt mà người Việt Nam nào cũng muốn nhận lãnh. Thế nhưng Hà Nội dường như nổi trội hơn hết vì tính bề dài lịch sử của nó. Đó là tính cổ lịch sử của trống đồng, tượng Phật đồng đen; tính lãng mạn của các văn nghệ sĩ còn vương vấn đâu đây. Họ đã thổi vào bát phở, đĩa bánh cuốn, tô bún ốc, chiếc bánh tẻ… và đã làm nên nỗi bối rối mà “kẻ lạ trên phố phường Hà Nội” phải thẫn thờ!
 
Ha haaa… nhờ thế mà độc giả mới mày mò ra được một tí gì gọi là “Trịnh Y Thư”.
 
Trịnh Y Thư! Trịnh Y Thư!… cứ bị gọi tên liên hồi trong đoạn văn ngắn này, chắc cũng khiến ông nhảy mũi hắt xì liên tục. Nhưng yên chí cái nhắc nhở này chỉ là một “quả lành” ông nhận lãnh, vì cái nhân ông làm ra toàn là nhân tốt đẹp thì cớ gì có thể tạo ra được quả xấu cho được!?
Chúng ta đều đồng ý như vậy, đúng không ạ?
 
– Doãn Cẩm Liên
(California, ngày 17 tháng 2, 2025)
 
 
Ghi chú:
 
Trịnh Y Thư: Văn chương Nghệ thuật và Những điều khác là ấn bản đặc biệt về tác giả TYT do tạp chí Ngôn Ngữ thực hiện, phát hành tháng Tám, 2024.
 
Để mua sách, xin bấm vào một trong hai đường dẫn sau:
 
 
 
Hoặc liên lạc với tác giả qua địa chỉ email sau để mua sách có chữ ký của tác giả:
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
thể hiện những ý nghĩa chua chát của tình đời bằng lối hành văn sáng sủa. Xin mời quí độc giả đọc văn họ Đào qua những đoản thiên phong phú, cũng là để suy gẫm về triết lý xã hội, thế sự nổi trôi thăng trầm của loài người.
Nguyễn Vy Khanh - Nhận định về 73 tác giả - gồm một số các tác-giả đã khởi đầu sự nghiệp thời miền Nam 1954-1975 và tiếp tục sinh hoạt văn nghệ khi rời đất nước sau 30-4-1975
Tập thơ mới Ngôn Ngữ Xanh của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, xuất bản cuối năm 2019, đã được nhiều tác giả chú ý và viết lời bình phẩm. Việt Báo xin giới thiệu Ngôn Ngữ Xanh qua các trích đoạn dưới đây của ba tác giả: Tô Đăng Khoa, Vũ Hoàng Thư và Trịnh Y Thư.
Thơ mộng và đau đớn. Truyện Lưu Na hiển lộ một định mệnh của rất nhiều người... quê hương là hình ảnh không dứt bỏ được… đó là những dòng chữ lay động tận sâu các góc thương đau của những người con Sài Gòn – nơi tôi đã sinh ra và chia sẻ một phận chung của đất nước.
thơ thời kỳ này của thi sĩ Lê Giang Trần dễ làm chúng ta mất ngủ, với những thao thức về những đời thơ bay theo gió lộng ra biển. Có phải thơ chàng là để trôi theo biển gió? Hay là thơ cũng lấm bụi theo chân giang hồ
Nhân sinh nhật thứ 80 của nhà văn Nhã Ca năm 2019, Văn Học Press đã cộng tác với chị xuất bản cuốn tiểu thuyết nhan đề Phượng Hoàng, mà được biết là một cuốn sách đã bị lưu lạc suốt 50 năm.
Tên thật là Trần Tuấn Kiệt, còn ký bút hiệu Sa Giang. Ông sinh ngày 1/6/1939 lại Sa Đéc. Thuở bé sống tản cư ở Đồng Tháp Mười, mẹ mất lúc lên 8, cha bỏ đi giang hồ, ông sống với bà ngoại cho đến lớn. Có lần ông cưỡi trâu vượt sông Cửu Long từ Đồng Tháp Mười về Sa Đéc, bị lính Ma-rốc đánh nên rất thù bọn Ma-rốc. Ông bỏ lên Saigon sống lang bạt lúc 11 tuổi, học âm nhạc rồi bỏ dù đậu hạng Nhất về thổi sáo ở trường Quốc gia Âm nhạc. Về sau ông làm huấn luyện viên võ Thiếu Lâm môn phái Tây Sơn Nhạn.
Nhà văn Mỹ gốc Việt Lại Thanh Hà (Thanhhà Lại) – từng đoạt giải thưởng National Book và giải Newbery-Danh dự, thể loại Thiếu niên, với tác phẩm thơ xuôi Inside Out & Back Again/ Trong ra ngoài & Ngược trở lại
Hai mươi lăm cuốn sách lọt vòng chung kết giải Văn Chương Toàn Quốc Hoa Kỳ 2019 gồm các thể loại: Tiểu thuyết, Phi Hư cấu, Thơ, Văn chương dịch, và Văn chương Thiếu niên.
Có những tấm ảnh không chỉ làm thay đổi số phận của một con người, mà còn góp phần làm thay đổi cả một giai đoạn lịch sử. Hai tấm ảnh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam đã là điều đó, tấm tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên Việt cộng Bảy Lốp, và tấm cô bé gái bị cháy vì bom napalm Phan Thị Kim Phúc, chẳng hạn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.