Hôm nay,  

Giới Thiệu Sách: Việt Nam, “A History From Earliest Times To The Present”

05/05/202300:00:00(Xem: 2356)

 

Viet nam book
Việt Nam, A History From Earliest Times To The Present, Oxford University Press, 2017.
 
Tác giả là Ben Kiernan, sinh năm 1953, từng là Giáo sư “Sử học và Các Môn Học Quốc tế và Vùng” tại Đại học Yale nổi tiếng. Ông từng lập ra Chương trình về Diệt Chủng Cambodia và Chương Trình Nghiên Cứu Về Diệt Chủng. Sách của ông trước đây bàn về diệt chủng ở Cambodia cũng như trong những giai đoạn khác của lịch sử loài người.

     Kiernan đến thăm Campuchia khi mới ngoài 20 tuổi, nhưng rời khỏi nước này trước khi Khmer Đỏ trục xuất tất cả người nước ngoài vào năm 1975. Ban đầu ông nghi ngờ về quy mô diệt chủng được báo cáo sau khi Khmer Đỏ nắm quyền, nhưng ông đã đổi ý vào năm 1978 sau khi phỏng vấn hàng trăm người tị nạn từ Campuchia. Ông học tiếng Khmer, tiến hành nghiên cứu ở Campuchia và những người ra tị nạn ở nước ngoài, và từ đó đã viết nhiều sách về chủ đề này.

     Từ năm 1980 trở đi, Kiernan làm việc với Gregory Stanton, một giáo sư chuyên nghiên cứu về diệt chủng và ngăn ngừa diệt chủng để đưa Khmer Đỏ ra trước công lý quốc tế. Ông lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Monash ở Úc vào năm 1983. Năm 1995, một tòa án Khmer Đỏ đã truy tố, xét xử và kết án vắng mặt Kiernan vì tội "truy tố và khủng bố những người yêu nước kháng chiến Campuchia".

     Tác giả muốn trình bày sử Việt Nam với một tầm nhìn sâu xa hơn trước đây: "Những chân trời lâu dài hơn – thường là lâu hơn nhiều – một thế hệ, một đời người, hoặc những chiều dài đại khái căn cứ trên cuộc sống (biological time-spans) đã từng định nghĩa đa số các bài viết về lịch sử gần đây". Có những trang thú vị về ngôn ngữ Việt Nam, các nhóm thiểu số miền Cao Nguyên và tương quan giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á. Tác giả "đánh giá Việt Nam không chỉ trong những mối tương quan chính trị và văn hoá lâu dài với Trung Hoa, mà còn trong bối cảnh của lịch sử Đông Nam Á Châu và toàn cầu, kể cả lịch sử môi trường" (trang 6).

     Tác giả đề ra 3 yếu tố liên tục dài hạn (themes of long-term continuity, perennial themes) của lịch sử Việt Nam:

     1) Môi Trường: Vai trò rất quan trọng của “văn hoá nước”, gồm biển, sông, hồ... đời sống chung quanh đồng lúa nước, giao thông trên sông rạch, con trâu trầm mình dưới nước. Một  đặc tính của tác phẩm này là sự bao hàm của nó về lịch sử môi trường và ngôn ngữ. “Tác giả giải thích một cách hiệu quả địa lý và các thay đổi thời tiết (hạn hán, v.v.) ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của lịch sử và chứng minh làm thế nào sự thay đổi ngôn ngữ theo thời gian cung cấp thông tin về quá khứ của Việt Nam”.

     2) Tiếng Việt từ thời Pro-Vietic trên 2000 năm trước cho đến tiếng Việt thời hiện đại, cũng như Tiếng Chăm và Khmer vẫn được sử dụng trong một số cộng đồng ở Việt Nam.

     3) Huyết thống: Trung thành với gia đình, dòng họ, theo tác giả còn mạnh hơn ở Trung Hoa.

     Khác với Keith Taylor, Kiernan viết về sự liên tục trong ngôn ngữ và văn hoá Việt: "Từ thiên niên kỷ đầu trước Công nguyên trở về sau, dân chúng trong một số phần của vùng này [lãnh thổ Việt Nam] nói những ngôn ngữ Proto-Vietic và Vietic, là những ngôn ngữ tổ tiên của các phương ngữ của tiếng Việt hiện đại, tuy thuộc về thời sơ khởi nhưng vẫn có thể nhận diện được một cách khoa học. Và [điểm] thứ ba [về tộc hệ], mặc dù các cá nhân hay các nhóm lắm khi di chuyển và có thể học nói hay chuyển từ một ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác qua thời gian, một số di sản về họ tộc (genealogical heritage) và những sở thích riêng về văn hóa (cultural affinities) vẫn tồn tại dễ dàng như ngôn ngữ của họ vậy." (trong “Introduction”, trang 7).

     Ngoài ra , tác giả đưa ra 7 yếu tố lịch sử “có tính cách biến đổi” gọi là "seven transformative historical forces":

     1) Sự đô hộ của Tàu trong thiên niên kỷ đầu tiên.

     2) Thay đổi khí hậu: Nước Đại Việt, sau khi tách rời khỏi Đế Quốc Trung Hoa vào thế kỷ thứ 10, được hưởng cái gọi là "Giai đoạn Ấm thời Trung Cổ" (Medieval Warm Period); trong nhiều thế kỷ mưa nhiều hơn làm thu hoạch lúa cao hơn trong nước cũng như ở các nước lân cận, và tạo cơ hội cho những quốc gia nông nghiệp thành hình. Đến nỗi, dù thời kỳ ấm này đã chấm dứt, Đại Việt đã tích lũy đủ sức mạnh để chống đỡ được các cuộc xâm lăng của Tàu (Nhà Minh) và Chàm, không những thế còn mở rộng bờ cõi của mình về phía nam.

     Giai đoạn khí hậu ấm thời trung cổ kéo dài 3 thế kỷ từ năm 850 cho đến năm 1250, sau đó khí hậu lạnh hẳn xuống và được gọi là "Thời đại băng đá nhỏ" cho tới năm 1850. Hiện tượng này được cho là xảy ra ở vùng bắc Đại tây dương và Âu Châu nhưng cũng xảy ra ở vùng Đông Nam Á, tuy chuyện này còn được tranh luận. Có thuyết cho rằng, thời tiết thuận tiện cho trồng trọt và cho việc sinh sản tăng dân số là những yếu tố quan trọng từ cuối thế kỷ thứ 10 cho đến thế kỷ thứ 13, thời mà Việt Nam (Đại Việt) mới tách khỏi lệ thuộc phương Bắc, và vương quốc Chăm phát triển ở phía nam. Thời này cũng là những năm thịnh vượng ở Cambodia (Angkor của người Khmer), Miến Điện (Pagan), với những đền đài hoành tráng được dựng nên, tương tự như những nhà thờ ở Kiev hay các vùng tây nước Nga, cũng như những đền đài vĩ đại ở Ấn độ. (Theo "Asian Expansions: The Historical Experiences of Polity Expansion in Asia", edited by Geoff Wade).

     3) Di dân từ vùng này qua vùng khác. Từ cuối thế kỷ thứ 15, các nhóm quân sự cũng như dân sự tiếp tục định cư các vùng đất Chàm. Ngược lại, những cộng đồng Chàm bị ép buộc di dời vào vùng đất người Việt; ví dụ 3 làng người Chăm bị ép buộc di dời vào Nghệ An những năm 1250, và 7 thế kỷ sau, một “ốc đảo” Chàm vẫn còn được một học giả người Pháp nhận diện ra. Mặc dù họ đã đổi qua nói tiếng Việt, vẫn còn những nét văn hoá Ấn giáo tồn tại trong nếp sống của họ. Hay vào thế kỷ thứ 19, những người từ bắc vào định cư ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã hấp thụ các phong tục, tín ngưỡng cũng như kỹ thuật cày cấy của người Khmer.

     4) Việt Nam càng bành trướng về phía nam thì vai trò của biển trong nền kinh tế càng phát triển. Sau khi chiếm được phần lớn lãnh thổ Chàm, người Việt đi từ một “thế giới sông” tập trung ở quanh vùng châu thổ sông Hồng qua một thế giới mở rộng ra vào một trong những đường hàng hải quốc tế trên đại dương thuộc loại lớn nhất thế giới, là nơi chuyên chở hàng hóa từ Nhật, Trung Hoa, Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông.

     5) Càng "Nam Tiến", các khác biệt giữa 3 miền sẽ có những điểm khác biệt rõ nét hơn. Ví dụ những phương ngữ của tiếng Việt sẽ bị ảnh hưởng vì dân ở 3 miền trước đó từng nói 3 thứ tiếng khác nhau: Việt ở miền bắc, Chàm ở miền trung và Khmer ở miền nam.

     6) Vẫn có sự dị biệt dai dẳng về lịch sử và chính trị giữa người Việt (“ethnic Vietnamese”): Đàng Trong, Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ 17-18; Miền Nam là thuộc địa Pháp trong lúc Miền Trung và Bắc chỉ là vùng bảo hộ vẫn dưới sự cai trị của triều đình Huế; hai chế độ cộng sản và tự do thời 1945-1975. Những dị biệt này chối bỏ ý niệm của một "quá khứ đơn độc cho Việt Nam" ("Many voices that undermine a single Vietnamese past" – Keith Taylor).

     7) Hiện tượng toàn cầu hoá của kinh tế, văn hoá và chính trị Việt Nam, ví dụ ảnh hưởng của tư tưởng, kỹ thuật và chữ viết từ Tây phương, nhất là trong thế kỷ thứ 20 và 21.

     Một trường hợp điển hình trong cố gắng nhìn đa diện của Ben Kiernan là chân dung Tổng Thống Ngô Đình Diệm (trang 407). Thay vì mô tả Tổng Thống Diệm như một "ông quan, một nhà Khổng giáo cuối cùng", tự cho mình thừa hưởng "Thiên Mệnh" để cầm quyền như các sách báo Mỹ thường làm trước đây, Kiernan viết:

     "Ông Diệm và người em bí ẩn của ông, ông Nhu, là những chính trị gia của thế kỷ thứ 20. Mặc dù họ chống chủ nghĩa thực dân, các ý thức hệ châu Âu ảnh hưởng đến họ không kém gì tư tưởng Việt Nam và Khổng giáo. Các tin tưởng Công giáo có địa vị cốt lõi trong cả hai người, cũng như các tín điều của ông Nhu về chủ nghĩa nhân vị và những điều ông vay mượn từ học thuyết chống nổi dậy của thực dân Pháp kể cả chuyện tiên phong các ‘ấp chiến lược’. Hai anh em phô bày một quan tâm từ lâu về tổng hợp các yếu tố văn hoá Đông và Tây trong một triết lý chính trị hiện đại. Một người quan sát thời đó cho rằng ông Diệm là một hỗn hợp quý tộc giữa một Nho sĩ-nhà lãnh đạo tầm cỡ, một triết gia-vương quân kiểu Plato và một người Thiên Chúa giáo sùng đạo (nguyên văn: an aristocratic amalgam of a “Confucian scholar-statesman, a Platonic philosopher-king and a devout Christian).” ( trang 407). Tác giả cũng nhắc lại những lời nhận xét không lạc quan mấy về chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa của sĩ quan liên lạc tình báo Mỹ Edward Lansdale từng ủng hộ Tổng Thống Diệm ("An emerging fascist state, more messianic than Confucian") (trang 408); và của sử gia Việt Trương Bửu Lâm là người từng làm giáo sư sử học tại Sài Gòn và đi khắp nhiều vùng ở Nam Việt Nam để nghiên cứu vào những năm 1956-1957.

     So với các sách A History of the Vietnamese (Cambridge University Press, 2013) của Keith Taylor; Vietnam A New History (Việt Nam Tân Sử, Basic Books 2016) của Christopher Goscha từng giới thiệu trong hai bài trước, Kiernan bàn nhiều hơn về các vấn đề văn hoá xã hội.

Nhà Tây Sơn được bàn đến rất chi tiết trong 10 trang của chương 7, với những cải cách như dùng chữ Nôm, hệ thống trường chữ Nho, dùng thẻ thông hành… Đoạn này có lẽ do ảnh hưởng của sử gia George Dutton, tác giả của cuốn sách “The Tay Son Uprising: Society and Rebellion in Eighteenth-Century Vietnam” (2006), được xem là tài liệu tiếng Anh mô tả chi tiết nhất cuộc sống vào thế kỷ thứ 18 không chỉ ở Việt nam mà luôn cả vùng Đông Nam Á.
 
tay son
The Tay Son Uprising: Society and Rebellion in Eighteenth-Century Vietnam” (2006) của sử gia George Dutton.
 
Các nhân vật phụ nữ được đề cập với nhiều chi tiết. Ví dụ nữ tướng Bùi Thị Xuân cưỡi voi và bị xử tử do voi chà; riêng nữ sĩ Hồ Xuân Hương được dành riêng 3 trang trong sách sử này, với trích dẫn của 10 bài thơ khác nhau. Có lẽ những “cameo” lịch sử như vậy có thu hút sự hiếu kỳ hay ngưỡng mộ của người phương tây mà đối với xã hội của họ vai trò người phụ nữ có cá tính, trên chiến trường như Bà Trưng, Bà Triệu hay bà Bùi Thị Xuân, hay nổi loạn trong văn chương như Hồ Xuân Hương là những điều hiếm thấy ở Tây phương ngay đến những thập niên gần đây.

     Tóm lại đây là một cuốn sách sử có tham vọng bao trùm hết chiều dài lịch sử Việt Nam, muốn đưa độc giả tây phương ra khỏi tầm nhìn ngắn hạn của Việt Nam như là một bãi chiến trường đẫm máu thời chiến tranh lạnh. Tác giả nhấn mạnh về vai trò yếu tố môi trường, nhất là khí hậu, thời tiết, địa lý (sông nước), một điểm thời thượng hiện nay khi mà các vấn đề "hâm nóng toàn cầu" đang gây tranh cãi. Các ảnh hưởng văn hóa trên lịch sử có thể thú vị với độc giả Việt; các sách sử tiếng Việt ít đề cập đến các nền văn hoá khác ngoài Trung Hoa như Ấn Độ, Miên, Chàm, Đông Nam Á. Sách không quên vai trò của phụ nữ, một điểm không mới trong đất nước của Bà Trưng , Bà Triệu, nhưng lại là một điểm mới mẻ và thu hút cho độc giả tây phương đang sôi nổi về bình đẳng giới tính và nữ quyền.
 
– Hồ Văn Hiền
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiến tranh ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều giống nhau, nó như những hạt giống gieo trên mặt đất, nhưng điều khác biệt là hạt giống nẩy mầm và nuôi sống loài người, còn bom đạn gieo xuống tàn phá và giết chết loài người, hay để lại những hố sâu trên mặt đất và những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn mỗi con người. Nhưng vết thương không lành là những vết thương đau nhất và cũng "đẹp nhất." -- Trần Mộng Tú.
Tác phẩm Thế Sự Thăng Trầm của Trần Bảo Anh, dày 280 trang, gồm các bài viết: Đẹp & Xấu, Thời Gian Hiện Tượng & Sự Tái Diễn, Từ Chối, Ngô Văn Định Lữ Đoàn Trưởng LĐ 258 TQLC, Chiến Thắng Phượng Hoàng, Ảnh Hưởng Của Lời Nói, Nói Chuyện Anh Hùng, Tôi & Ý Trời, Những Chuyện Can Đảm Cổ Kim, Cách Suy Nghĩ Của Một Người Công Chức, Lương Tâm & Lòng Tận Tụy, Bằng Trời Bằng Bể, Yêu & Rất Yêu, Đang Ở Nơi Khác, Đắc Thế Thất Thế & Tư Cách…
Vì là lớn tuổi mà phải lu bu với nhiều công việc không tên hàng ngày cho nên tôi ít có thì giờ đọc sách. Vậy mà tôi đã dành ra nhiều ngày liên tục để say sưa đọc từ đầu chí cuối tập truyện Trọn Đời Yêu Thương của anh Duy Nhân tặng cho tôi hồi đầu Xuân Quý Mão...
Tôi rất phục những người viết sách, in sách, nhất là những nhà văn định cư ở Hoa Kỳ. Mỗi lần cầm quyển sách trên tay, tôi rất cảm phục tác giả đã chịu khó viết văn. Khi tôi cầm quyển sách "Thiền Tập Với Pháp Ấn" của Cư sĩ, nhà văn Nguyên Giác, nhà xuất bản Ananda Viet Foundation, Tâm Diệu, một Phật tử đã học ở Cal State Fullerton, trình bày, điều đầu tiên tôi tự nhủ: hình bìa đẹp quá, màu sắc nổi bật, Phật đang ngồi thiền trên tòa sen...
“… Đêm qua trăng mọc trên đồi / thấy tâm tịch lặng không người, không ta / ai hỏi thì nhấc cành hoa / thấy gì, được thấy, đều xa muôn trùng …” (bài thơ “Như nắng tà huy” của Cư sĩ Nguyên Giác viết tặng “quý tôn túc Đỗ Hồng Ngọc, Trần Tuấn Mẫn, Nguyên Cẩn, và pháp huynh HT Minh Diệu Nguyễn Thế Đăng,”)
"Các bài viết nơi đây hầu hết là trích từ Kinh Phật, ghi lại trong nỗ lực hoằng pháp để rủ nhau tu học. Người viết không bao giờ tự nhận là giáo sư, giảng sư, thầy dạy hay bậc đàn anh trong đạo.Trong khi những chữ này được gõ lên nơi đây, chỉ là do duyên mà hiện lên. Người viết luôn nhớ lời Đức Phật dạy rằng không hề có ai đang gõ, cũng như chỉ có những dòng chữ đang được đọc, và không hề có ai đang đọc. Người viết luôn luôn viết trong trong tinh thần như thế, trong khi trích lời Phật và ý Tổ để chia sẻ, và để mời gọi nhau cùng bước sang bờ bên kia." Đó là Lời Thưa của tác giả Nguyên Giác về cuốn Thiền Tập Với Pháp Ấn.
Sách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác...
Khi nhận được sách của tác giả Cù Mai Công gửi tặng, nhìn mấy hình trên bìa là một trời ký ức lại ùa về vì tôi đã được sinh ra và đã lớn lên ở vùng đất có tên Ngã ba Ông Tạ...
“Trọn Đời Yêu Thương” là tuyển tập gồm có 36 truyện ngắn, cũng là tập truyện thứ tư của nhà văn Duy Nhân. Như trong lời tựa, Duy Nhân đã nhắc nhở “cây có gốc mới nở cành xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Tư tưởng này đã quán xuyến xuyên suốt 36 truyện ngắn của tập truyện Trọn Đời Yêu Thương...
Đọc Tập truyện và Tản văn “Chỉ có con đường đó mà thôi” của Tiểu Lục Thần Phong, do NXB Ananda Viet Foundation ấn hành cuối năm 2022)...