Đọc Thơ Khánh Minh, Tháng năm là mộng đang đi

05/02/202309:12:00(Xem: 977)

Điểm sách

NTKM_Bia_PreOrder

Khánh Minh tâm sự: “Với riêng tôi, Lục Bát thân thuộc như hơi thở. Cha mẹ tôi kể thường ru tôi ngủ bằng những câu thơ lục bát. Như thế thì chưa biết nói đã được nhạc Lục Bát ấp ủ trong từng hơi thở đầu đời. Cứ thế mà bén rễ, ăn sâu vào cảm thức, cho đến khi bật ra thành câu thuở chập chững làm thơ…

Và tôi đã cảm nhận rằng Lục Bát, dù mang nét chân phương như ca dao, vè, hay đầm đẫm nét sang cả của một Sáu Tám thâm viễn u u, thì ở mỗi tính cách, Lục Bát vẫn có sức quyến rũ riêng.

Tôi đã gom lại những bài Lục Bát của mình để có được một tặng phẩm nhỏ này như một tri ân Lục Bát, như quả thu được từ hoa lời ru của cha mẹ, như sợi tằm chắt chiu gửi cho Đời cho Người…” – Nguyễn Thị Khánh Minh.

Khánh Minh có lần cho biết, trong bài phòng vấn của Lê Thị Huệ trên gio-o.com: “Tôi vẫn luôn luôn viết từ cảm xúc tức thời của mình, về những điều tôi chợt thấy, hay về những điều ám ảnh và trở đi trở lại trong ý nghĩ mình, và tôi thường diễn đạt theo một thi pháp trong sáng nhất, trong sáng với nghĩa dễ hiểu, không nhiều ẩn dụ. Tôi mong là người đọc thơ tôi cảm được cái Thơ của nó không qua suy nghĩ. Một cái hiểu và cảm tức thì”.

Nhiều người cho rằng Lục bát thì “dễ làm mà khó hay”, nên phải làm mới, đưa kỹ thuật hàn lâm vào để nâng cao, để có thứ lục bát “đầm đẫm nét sang cả của một Sáu Tám thâm viễn u u” thì tôi chịu thua! Theo tôi, làm mới lục bát đúng là một chuyện không dễ và… không cần. Nó là một thứ tiếng nói. Tiếng nói Việt. Cho nên cách tân lục bát để “hàn lâm” nó chỉ gây thêm khổ cho cả người thơ và người đọc.

Nhiều bài lục bát hàn lâm, sang cả u u, tôi ráng hiểu, thấy khâm phục, nhưng lạ, sao không thấy hay! Đành cười mình dốt đặc! Hay, với tôi là cái đọng lại, cái ngẩn ngơ sau những câu chữ buột miệng, tình cờ… kiểu như thò tay ngắt một cọng ngò/ thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ… Phải, thứ lục bát của ca dao tôi, của tâm hồn tôi. Nó quê mùa, nó chơn chất. Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà… Nó cứ trơn tuột như vậy, bước xuống vườn cà để làm gì? Để hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay. Ai bảo nó là lục bát. Ai bảo nó không là lục bát. Ba đồng một miếng trầu cay/ Sao anh không hỏi những ngày còn không/ Bây giờ em đã có chồng… Vậy đó. Nó cứ tuồn tuột. Mà nó bứt rứt, mà nó thốn đau, mà nó đay nghiến, mà nó dằn vặt… có khi đến trọn  đời. Với tôi, còn là thứ lục bát con cò mà đi ăn đêm, trông trời trông đất trông mây… toàn là những nỗi đau, nỗi mong, nỗi đợi. Lục bát như vậy nó không cần đi vào sang cả u u, phải vật vã truy tìm, mà nó đi thẳng vào tim với rung động sáu cách...!

Tháng năm là mộng đang đi… của Khánh Minh là một tập thơ luc bát lạ, nó vừa “sang cả u u” lại vừa “chơn chất thật thà”, đầy những kỷ niệm nhỏ to với bạn bè khắp chốn. Bởi nó là mộng. Mộng thấy quê nhà là nét dễ mến nhất, “khánh minh” nhất. Mộng thấy biển xanh. Thấy bóng nắng. Thấy cổ tỉnh. “Vằng vặc một tấm lòng/ Giếng xưa trăng rọi bóng” (trạm trạm nhất phiến tâm/ minh nguyệt cổ tỉnh thủy. Nguyễn Du).



Vòng tay mở rất quê nhà

Trông lên đôi mắt đã là quê hương

 

Tôi biết nhà thơ muốn viết đã nhòe quê hương…


(Tháng năm là mộng đang đi)

Và ta hiểu nỗi cô đơn dằng dặc thế nào trong cảnh sống xa quê của một người có tấm lòng “cổ tỉnh”.

Nói thầm

Gọi thầm

Hát thầm

Luôn luôn như thế

Lặng câm

Một mình

Như cơn sốt nặng làm kinh

Bật lên tiếng gọi thình lình. Giữa đêm

Thì ra vì quá lặng im

Sợ quên. Nên gọi. Để tìm mình thôi

(Nói thầm)

Bỗng nhớ Thanh Tâm Tuyền hơn nửa thế kỷ trước:

Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

Thanh Tâm Tuyền Thanh Tâm Tuyền.

(Tôi không còn cô độc, 1956)

Không dừng ở đó, Tháng năm là mộng đang đi lại là nỗi tìm về.

Về trong tiếng gọi cội nguồn

 Một tâm xao động. Một hồn tịch nhiên

Lắng vào lời của vô biên

Nghe trong ta nở một miền cỏ hoa.

(NHƯ)

 

Lắng vào lời của vô biên/ Nghe trong ta nở một miền cỏ hoa. Phải rồi. Đó mới chính là Khánh Minh. Là nghe tiếng gọi cội nguồn, là nghe lời nói của vô biên, là đã trở về với Như Lai thực tướng.

 

Thầy Phước Hậu năm xưa (1862-1949) đã ghi nhắc:

 

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư

Học hành không thiếu cũng không dư

Năm nay nghĩ lại chừng quên hết

Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.

 

*

Tôi thử đi tìm ca dao trong lục bát Khánh Minh. Có đó.

 

Vậy mà mình đã quên nhau

Lời ca dao cũ vọng đau tháng ngày

Sẻ chia một thoáng gừng cay

Muối tình phai giữa biển đầy lãng quên

(Gừng cay muối mặn)

 

Ôi, biển đã hết mặn rồi sao? Gừng đã không còn cay nữa sao?

 

Lúc đầu tôi định chỉ trích vài câu trong Bùa Quê thôi mà không cầm lòng được, đành trích nguyên bài “Lá bùa hộ mệnh” này. Và như vậy tôi mới thấy nhà thơ rõ hơn, ngôn ngữ “bùa mê thuốc lú” rõ hơn.

 

Quen hơi bóng nắng tre xanh

Cho ngơ cho ngẩn khi mình đi xa

Ếm vào chân nỗi nhớ nhà

Đường chông chênh lạ vẫn à ơi quê

Cứ như ai dắt bước về

Chợp con mắt lại bùa mê bóng làng

Hàng cau xanh biếc thời gian

Mầu hoa bí vẫn nở tràn giấc mơ

Bước non bước biển bây giờ

Mênh mông một khoảnh ao xưa, là nguồn

Lá bùa hộ mệnh – quê thơm –

Chở tim đồng nội, che rơm rạ lòng

Biển khơi, nhớ ngụm giếng trong

Nắng mười phương, vẫn hương đòng lúa hoa

Núm quê chiu chắt con xa…

(Bùa Quê)

 

Không chỉ vậy, thấm đẫm nơi Khánh Minh còn là cõi Phật, với Nghiệp, với nhân quả, với “mũi tên nào để vết thương/ thôi thì đau, để nhẹ nhàng cái vay”.

 

Mũi tên nào để vết thương

Thôi thì đau, để nhẹ nhàng cái vay

Hạt vơi đong nỗi hạt đầy

Ơn trời, mưa bóng mưa mây thôi mà

Đi đi. Đường hãy còn xa…

(Dặm trường)

Tôi cũng nghĩ vậy. Đi đi. Đường hãy còn xa.  

 

– Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê)

Nguyên Tiêu, Quý Mão (5.02.2023)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
Vì là lớn tuổi mà phải lu bu với nhiều công việc không tên hàng ngày cho nên tôi ít có thì giờ đọc sách. Vậy mà tôi đã dành ra nhiều ngày liên tục để say sưa đọc từ đầu chí cuối tập truyện Trọn Đời Yêu Thương của anh Duy Nhân tặng cho tôi hồi đầu Xuân Quý Mão...
Tôi rất phục những người viết sách, in sách, nhất là những nhà văn định cư ở Hoa Kỳ. Mỗi lần cầm quyển sách trên tay, tôi rất cảm phục tác giả đã chịu khó viết văn. Khi tôi cầm quyển sách "Thiền Tập Với Pháp Ấn" của Cư sĩ, nhà văn Nguyên Giác, nhà xuất bản Ananda Viet Foundation, Tâm Diệu, một Phật tử đã học ở Cal State Fullerton, trình bày, điều đầu tiên tôi tự nhủ: hình bìa đẹp quá, màu sắc nổi bật, Phật đang ngồi thiền trên tòa sen...
“… Đêm qua trăng mọc trên đồi / thấy tâm tịch lặng không người, không ta / ai hỏi thì nhấc cành hoa / thấy gì, được thấy, đều xa muôn trùng …” (bài thơ “Như nắng tà huy” của Cư sĩ Nguyên Giác viết tặng “quý tôn túc Đỗ Hồng Ngọc, Trần Tuấn Mẫn, Nguyên Cẩn, và pháp huynh HT Minh Diệu Nguyễn Thế Đăng,”)
"Các bài viết nơi đây hầu hết là trích từ Kinh Phật, ghi lại trong nỗ lực hoằng pháp để rủ nhau tu học. Người viết không bao giờ tự nhận là giáo sư, giảng sư, thầy dạy hay bậc đàn anh trong đạo.Trong khi những chữ này được gõ lên nơi đây, chỉ là do duyên mà hiện lên. Người viết luôn nhớ lời Đức Phật dạy rằng không hề có ai đang gõ, cũng như chỉ có những dòng chữ đang được đọc, và không hề có ai đang đọc. Người viết luôn luôn viết trong trong tinh thần như thế, trong khi trích lời Phật và ý Tổ để chia sẻ, và để mời gọi nhau cùng bước sang bờ bên kia." Đó là Lời Thưa của tác giả Nguyên Giác về cuốn Thiền Tập Với Pháp Ấn.
Sách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác...
Khi nhận được sách của tác giả Cù Mai Công gửi tặng, nhìn mấy hình trên bìa là một trời ký ức lại ùa về vì tôi đã được sinh ra và đã lớn lên ở vùng đất có tên Ngã ba Ông Tạ...
“Trọn Đời Yêu Thương” là tuyển tập gồm có 36 truyện ngắn, cũng là tập truyện thứ tư của nhà văn Duy Nhân. Như trong lời tựa, Duy Nhân đã nhắc nhở “cây có gốc mới nở cành xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Tư tưởng này đã quán xuyến xuyên suốt 36 truyện ngắn của tập truyện Trọn Đời Yêu Thương...
Đọc Tập truyện và Tản văn “Chỉ có con đường đó mà thôi” của Tiểu Lục Thần Phong, do NXB Ananda Viet Foundation ấn hành cuối năm 2022)...
Năm tôi lên mười, O Xưa đã trên ba mươi. Ở con đường Nam Giao, thành phố Huế, từ đầu dốc tới cuối dốc, O Xưa đi lên đi xuống hằng ngày giống như một cái bóng, vì hình như O không sống với người. O Xưa sống với ma, người chồng ma của O vô hình, ở đâu đó, trên cây, trong cỏ, trên lá, trong vòm trời, trong bóng mây, O kể lể vậy. Có thể nhìn thấy O Xưa vào buổi sáng, vào giờ công chức đi làm, học sinh đi học và các bà nội trợ Huế ngồi xúm xít bên gánh bún bò ngon nổi tiếng của mụ Dục, bên gánh cơm Hến của mụ Khế, gánh bánh canh từ Nam Phổ của mụ Cau. Buổi trưa, lúc O Xưa đi từ trên con dốc xuống, đầu đội nón thì mấy bà nội trợ đang ngồi lê đôi mách với nhau ở cái quán tre đầu một con hẻm.
Bạn Thơ ơi, Với riêng tôi, Lục Bát thân thuộc như hơi thở. Cha mẹ tôi kể thường ru tôi ngủ bằng những câu thơ lục bát. Như thế thì chưa biết nói đã được nhạc Lục Bát ấp ưu trong từng hơi thở đầu đời. Cứ thế mà bén rễ, ăn sâu vào cảm thức, cho đến khi bật ra thành câu thuở chập chững làm thơ, xem như Lục Bát là miếng cơm mớm cho những câu thơ bắt đầu tập nhai tập nuốt. Rồi theo hoài. Rồi thành quen. Đến nỗi Lục Bát gần như một phản xạ của rung động tức thì. Rồi cùng mình lặn lội tháng ngày, nuôi lẫn nhau thêm cái trầm lắng của sự chiêm nghiệm có được theo thời gian.