Hôm nay,  

Đứng Ngẩn Trông Vời, Tập truyện của Hoàng Quân

04/05/202210:51:00(Xem: 2165)

Giới thiệu tác phẩm

Screenshot 2022-05-04 105317
1.

Một tác phẩm văn học, khi ra mắt công chúng, thường được mở đầu bằng bài tựa. Bài tựa, nếu do chính tác giả viết, thường là để giới thiệu nội dung và dụng ý của tác giả khi dựng tác phẩm. Nếu bài tựa do một người khác viết – những bạn văn, thơ trong giới – thì thường có chủ đích vừa giới thiệu tác giả, vừa giới thiệu tác phẩm.

Trường hợp của nhà văn nữ Hoàng Quân với tác phẩm “Đứng Ngẩn Trông Vời” không lọt vào một trong hai trường hợp thông thường nêu trên. Cái tên Hoàng Quân (gợi cho người đọc nghĩ rằng đó là tên của một người nam) không xa lạ lắm với người đọc và hầu như nhiều độc giả đã biết Hoàng Quân là một người viết nữ và cô mượn tên đứa con trai của mình làm bút hiệu. Vả lại, “Đứng Ngẩn Trông Vời” là tác phẩm thứ ba của Hoàng Quân chỉ trong một thời gian ngắn ngủi [Bông Hoa Trên Phím (2015), Nhớ Tiếng À Ơi (2016)]. Do đó, Hoàng Quân không cần một bài tựa để “nhờ người khác” giới thiệu mình với độc giả. Vậy thì bài tựa này chỉ còn một nhiệm vụ là giới thiệu tác phẩm đến người đọc. Mà có ai hiểu rõ nội dung tác phẩm hơn chính tác giả?

Nhưng, đôi khi, những tình cờ của đời sống đã giúp cho chúng ta thoát ra khỏi những ước lệ, những khuôn mẫu quen thuộc hằng ngày.

Trong ý nghĩa này, văn chương không là ngoại lệ.

2.

Một tình cờ của “duyên nợ văn tự” (chữ của Hoàng Quân dùng trong một bài viết) đã đưa Hoàng Quân đến với trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu do tôi phụ trách. Ngay lập tức, những truyện ngắn mang một vóc dáng rất riêng không thể lẫn vào với bất cứ tác giả nào khác – thành danh hay chưa thành danh, quá khứ hay hiện tại – của cô đã chinh phục được tôi, với tư cách chủ biên, cùng với sự thích thú trên tư cách độc giả. Chỉ một thời gian ngắn sau, trong chuyến du lịch của gia đình Hoàng Quân từ Đức qua Mỹ, tôi đã được gặp tác giả tại căn nhà của mình ở vùng ngoại ô thành phố Houston, nơi tôi mới dọn về nghỉ hưu. Và cùng với tác giả là hai nhân vật trong vô số nhân vật (có thật?) trong các truyện ngắn của cô. Đặc biệt, một trong hai nhân vật đó lại là người mà cô mượn tên làm bút hiệu Hoàng Quân, và cũng là nhân vật chính trong truyện ngắn “Đứng Ngẩn Trông Vời” được chọn làm tên chung cho tập truyện mà độc giả đang có trong tay. Nhân vật thứ hai là kẻ giữ một vai rất mờ nhạt so với nhân vật chính, dù anh là người góp sức cùng cô cho nhân vật chính ra đời.

Quả thực, gặp nhân vật lần đầu, tôi có cảm tưởng như chính mình đang “đứng ngẩn trông vời”.

Cảm tưởng ấy, chắc chắn không giống như tác giả đã ngậm ngùi khi kết câu truyện của mình “Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn… Không biết Bê có khái niệm áo tiểu thơ là gì chưa, đã có trận gió tình yêu nào đó thổi qua chưa. Riêng tôi, tôi thấy mình buồn buồn, đang đứng ngẩn trông vời đứa con mình khôn lớn, đủ lông cánh, xa dần khỏi tầm tay”.

Lần đầu tiên gặp nhân vật từ trong truyện bước ra, một nhân vật đặc sệt Huế với giọng nói, cách đi đứng, cử chỉ phong nhã của một thanh niên trên 30 tuổi vừa mới hoàn tất mảnh bằng trường Luật nơi xứ sở cậu được sinh ra, đi học, trưởng thành, không hề có một chút gì dính dáng đến miền đất thần kinh quê hương gốc gác của gia đình bên ngoại. Nhìn Hoàng Quân (nhân vật), tôi “đứng ngẩn trông” Hoàng Quân (tác giả). Đứa con trong tác phẩm (nhân vật) và đứa con trong đời thực của cô là hai đứa con song sinh. Chính xác hơn, cả hai chỉ là Một. Vì chúng giống nhau như hai giọt nước. Chúng “Huế” (Việt Nam) từ hình hài cho đến tâm hồn, dù cả hai đều được sinh ra ở một nước Đức xa xôi, nơi không có không khí Huế, thổ ngơi Huế, thức ăn Huế, nước uống Huế, sinh hoạt Huế nhưng vẫn có người con Huế (Hoàng Quân – nhân vật và người thực) được sinh ra và tạo thành. Tất nhiên, nơi đó có một bà mẹ Huế. Một bà mẹ Huế (Việt Nam) là đã quá đủ. Nhưng không phải bà mẹ Huế (Việt Nam) nào cũng sinh ra và nuôi dưỡng được những đứa con Huế (Việt Nam) như Hoàng Quân (tác giả) mà tôi đang nói đến ở đây.



“Đứng ngẩn trông” Hoàng Quân (tác giả) và Hoàng Quân (nhân vật), nhớ lại những truyện ngắn của cô tôi đã đọc một cách chăm chỉ, thích thú, tôi tin rằng cô là một trong những tác giả hiếm hoi đã đem được đời sống thật vào tác phẩm một cách khéo léo. Khéo léo đến độ người đọc không thể tự mình quả quyết những nhân vật trong truyện của cô là có thật hay hư cấu, dù những nhân vật ấy cũng quanh đi quẩn lại chỉ là cha mẹ, anh em, con cháu, bạn bè, thầy cô, bạn đồng nghiệp, v.v.

Mặt khác, những góc cạnh sần sùi của đời sống thực, của con người thực cùng với những tình tiết không phải lúc nào cũng mang tính “văn chương” đã được tác giả tận dụng khả năng “thơ phú” (đọc nhiều, nghe nhạc thường xuyên, thích nghêu ngao ca hát, cộng thêm trí nhớ tốt) đem vào tác phẩm qua việc khôn khéo sử dụng chữ, trích dẫn nhạc thơ, v.v… đã giúp “chà láng” bớt sự sần sùi ấy. Và cô làm công việc này một cách tự nhiên như sự việc vốn phải như thế nên dễ thuyết phục người đọc (tôi). Chính khả năng trời phú này của Hoàng Quân (tác giả) đã góp phần “đánh lừa” độc giả về tính hư cấu hay có thật trong các tác phẩm của mình.

3.

Tập truyện “Đứng Ngẩn Trông Vời” ngoài nhân vật chính đã đứng trước cửa nhà tôi khoanh tay cúi đầu “Chào Bác ạ!” khiến tôi phải “đứng ngẩn trông” tác giả, còn có một số truyện khác kể về một số những nhân vật khác, gồm cả chó chuột chim cá, cùng với những bối cảnh làm nền tưởng chừng như không có chút liên hệ gì với nhân vật chính, nhưng người đọc mang cảm tưởng nhìn thấy thấp thoáng đằng sau hậu trường bóng dáng nhân vật chính khi ẩn khi hiện. Mối quan hệ máu thịt giữa tác giả và nhân vật chính hầu như chi phối toàn bộ tác phẩm, hay ít nhất, là phần lớn các truyện của tác phẩm.

Ngay tên của tập truyện: “Đứng Ngẩn Trông Vời” cũng dễ làm cho người đọc liên tưởng ngay đến những tình cảm mơ mộng lãng mạn của tuổi mới lớn. Vả chăng, nhân vật chính của tác phẩm cũng là một chàng trai trẻ tuổi, vừa mới túy lúy xong chén rượu Đại Đăng Khoa, thì việc chuẩn bị Tiểu Đăng Khoa phải là điều tất nhiên. Thế nhưng, suốt chiều dài câu chuyện, người đọc không hề thấy bóng dáng áo tiểu thơ, để rồi đến cuối truyện, mới vỡ lẽ ra rằng tác giả đang “đứng ngẩn trông vời đứa con mình khôn lớn, đủ lông cánh, xa dần khỏi tầm tay”. Từ đó, người đọc suy ra, chẳng phải ngẫu nhiên, tác giả lấy tên con trai làm bút hiệu cho đời văn (muộn) của mình. Năm mười năm nữa, nếu Hoàng Quân còn tiếp tục viết, và không đổi hướng, hẳn chúng ta sẽ chỉ cần đọc cô mà vẫn có thể biết được những thăng trầm buồn vui trong cuộc đời của nhân vật chính đã từng từ đời sống bước vào (đúng hơn, được mẹ dìu vào) những trang truyện từ thuở còn ấu thơ.

Đó là cái rất riêng của Hoàng Quân, cái làm nên một Hoàng Quân, cây bút tính đến nay đã góp mặt với làng văn hải ngoại 3 tác phẩm chỉ trong vòng hơn 3 năm ngắn ngủi.

– T.Vấn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “Vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy. Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.
Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào...
Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn...
Hồi ký "Người muôn năm cũ" của nhà văn Phạm Gia Đại dày trên 500 trang gồm có 17 chương, mỗi chương với vẻ riêng, đặc sắc của từng chương. Cuốn sách đưa chúng ta trở về những năm tháng tươi đẹp đầy kỷ niệm thương yêu của Sài Gòn, của miền Nam và những ký ức đau buồn sau ngày mất miền Nam, và những năm tháng sống trở lại với cuộc đời mới trên miền đất tạm dung...
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.