Hôm nay,  

Tác Phẩm Nguyễn Hiến Lê

01/10/202116:14:00(Xem: 7668)

 

1. NGUYỄN HIỀN-ĐỨC: TỔNG HỢP PHÂN LOẠI TÁC PHẨM NGUYỄN HIẾN LÊ

61. LÊ TIẾN LONG: HỌC GIẢ NGUYỄN HIẾN LÊ VỚI CUỐN SÁCH DẠY HỌC SINH CÁCH HỌC

65. HUỆ TRÂN: NHỮNG CUỐN SÁCH ĐÁNG CHÚ` Ý CỦA NGUYỄN HIẾN LÊ

69. NGUYỄN MẠNH TRINH: NGUYỄN HIẾN LÊ, KẺ SĨ TRONG THƠI ĐẠI CHÚNG TA

Để tổng hợp phần Tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê, chúng tôi căn cứ vào những cuốn sách chính và đáng tin cậy của Nguyễn Hiến Lê và nhiều tác giả khác.

1. Nguyễn Hiến Lê. Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê. NXB Văn Học, 1993.

2. Nguyễn Hiến Lê. Để tôi đọc lại, NXB Văn Học, 2001

3. Nguyễn Hiến Lê. Đời viết văn của tôi, NXB Văn hóa Thông tin, 2006.

4. Nhiều tác giả. Trần Văn Chánh chủ biên. Nguyễn Hiến Lê - Con người và Tác phẩm, NXB Trẻ 2003.

5. Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê. Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu gồm 4 tập khổ 16 x 24 cm, dày khoảng 4.700 trang. Tập I: Triết học; Tập II: Sử học; Tập III: Ngữ học; Tập IV: Văn học, NXB Văn Học, 2006.

6. Châu Hải Kỳ. Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời và Tác phẩm, NXB Văn Học, 2007.

7. Nguyễn Hiền-Đức sưu tầm, tuyển chọn: Nguyễn Hiến Lê – Những lời tựa và lời giới thiệu sách, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2019.

Tôi cố ý tìm tòi và trích dẫn nhiều ý kiến của Nguyễn Hiến Lê và cảm nhận về từng tác phẩm Nguyễn Hiến Lê của nhiều tác giả khác. Tôi rất mong được cung cấp càng nhiều thông tin, sự kiện, chi tiết liên quan đến tác phẩm càng tốt, để tiện việc tham khảo và nghiên cứu về Nguyễn Hiến Lê.

 

Nguyễn Hiền-Đức.

I. SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN

VĂN HỌC

Hương sắc trong vườn văn - 2 cuốn. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1962): Phân tích cái đẹp và kỹ thuật tạo cái đẹp trong văn hầu giúp những độc giả yêu văn trong những bước đầu tìm hiểu nghệ thuật. NXB Đồng Tháp tái bản 1993.

“Ở trên tôi đã nói về bộ Luyện văn (3 cuốn) và bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc. Tác phẩm thứ ba mà tôi thích hơn bộ Luyện vănHương sắc trong vườn văn (mới đầu in làm hai cuốn). Tôi nảy ra ý viết bộ đó nhờ năm 1947 hay 1948, đọc cuốn Cours de technique litérature của một trường hàm thụ (tôi quên tên) ở Paris. Cuốn đó chỉ thuật viết báo, tiểu thuyết, kịch, phê bình văn học, cả thư từ, quảng cáo nữa. Những thuật đó không có gì mới mẻ, đại khái tôi biết qua rồi, mà tôi cũng không có ý sáng tác trong những ngành kể trên, nhưng soạn giả đã khéo dẫn nhiều thí dụ lý thú, và năm 1956 tôi dùng một số thí dụ đó với nhiều thí dụ khác tôi kiếm được trong văn học Trung Quốc và Việt Nam, để viết Hương sắc trong vườn văn. Công việc không có gì khó. Cần nhất là có nhiều văn thơ để trích dẫn, muốn vậy phải đọc nhiều, không phải chỉ đọc trong sáu tháng hay một năm khi đã có ý định viết rồi, mà phải đọc từ năm, mười năm trước thì mới có được nhiều tài liệu. Và như Sainte Beuve nói, “khi đã lượm được đầy tay thì công việc giản dị lắm”, chỉ cần có một bố cục khéo để “đóng khung” thôi. Khi thu thập tài liệu tôi đã thấy vui, mà khi viết tôi càng thấy thích. Một ông giám học trường trung học miền Trung khen cuốn đó là tác phẩm phê bình văn học sâu sắc nhất ở nước nhà. Gần đây một ông bạn cho hay một thanh niên tốt nghiệp Đại học Văn khoa Huế khi “vượt biên” chỉ mang theo mỗi cuốn đó.

Ngày nay đọc lại tôi vẫn còn thích những chương Văn ba lan, Tế nhị và hàm súc, Tình trong văn, Đuổi bắt ảo ảnh (tiếp), nhất là hai chương cuối: Kỹ thuật chân chínhCảm thông với cái đẹp.

Cuối đoạn kết (gồm một trang) của toàn bộ, tôi viết mấy hàng này: “Trong nghệ thuật cũng như ngoài đời, phân tích tỉ mỉ quá không có lợi gì cho người và cho mình. Những kẻ sung sướng nhất là những kẻ lý luận ít mà cảm xúc nhiều. Bạn cứ hỏi trái tim bạn, hạnh phúc ở đó mà cái đẹp cũng ở đó”. (Nguyễn Hiến Lê. Đời viết văn của tôi, NXB Văn hóa Thông tin, 2006, tr. 217-218.)

Luyện văn - 3 cuốn. Cuốn 1: (NXB P. Văn Tươi - 1953; cuốn II, III: Nguyễn Hiến Lê - 1957) chứng minh một ít sự thực về nghệ thuật viết văn cốt giúp thanh niên hiểu văn và viết văn bằng các phương tiện đối chiếu những đoạn văn hay và dở, vạch rõ, phân tích chỗ hay và chỗ dở ở đâu, và chỉ cách tránh lỗi và viết cho hay. NXB Văn hóa Thông tin tái bản 1993.

“Cũng vì dạy Việt văn, nên tôi có ý viết một cuốn chỉ cho học sinh Trung học và những người lớn tự học cách viết văn và sửa văn, nhan đề là Luyện văn.

Để viết cuốn này, tôi đọc khá nhiều tác phẩm văn chương Việt, Pháp, và một số sách Pháp về nghệ thuật viết như cuốn L’Art d’écrire của Antoine Albalat, La Formation du style của tu viện trưởng Moreux, Le Style au microscope (3 cuốn) của Critius…

Không kể thì giờ đọc sách và thu thập tài liệu để dẫn chứng, chỉ nội công việc viết kỹ ba trăm trang cũng mất sáu tháng làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, trừ những lúc dạy học, chấm bài, giờ ăn, giờ nghỉ trưa. Nhưng tôi không thấy mệt vì viết rất có hứng.

Viết xong cuối năm 1952, nhà P. Văn Tươi in ngay, sau tái bản được hai, ba lần. Sách ra đúng lúc Việt ngữ đang được trọng dụng, ai cũng thấy cần viết và nói tiếng Việt cho đúng, cho hay, còn tiếng Pháp chỉ là một ngoại ngữ ở trường trung học, cho nên được độc giả hoan nghênh, cho là “gia đình nào cũng cần phải có”; có vị còn khuyến khích, buộc tôi viết thêm nữa: “ông Lê, ông phải soạn ngay một cuốn Luyện văn thứ nhì và phải xuất bản gấp, nội trong ba tháng, không được trễ, để hè này tôi có sách đọc mà quên cái nóng nung người đi nhé. Vấn đề còn rộng, ông chưa xét hết và ông không được từ chối”.

Tôi không từ chối, nhưng còn bận nhiều việc khác, nên 1956 tôi mới viết được cuốn II, 1957 mới ra nốt cuốn III. Hai cuốn này cao hơn cuốn I nên chỉ in được một lần thôi. Sau tôi lại viết thêm bộ Hương sắc trong vườn văn nữa. Tôi sẽ trở lại vấn đề này.

Ngày nay nghĩ lại, ba năm dạy học ở Long Xuyên mới đầu chỉ vì tình bạn, mà không ngờ đã gợi cho tôi viết ba cuốn cho học sinh (Kim chỉ nam, Để hiểu văn phạm, Luyện văn) và sau này cả chục cuốn nữa về toán, phê bình văn học, ngữ pháp. Trong đời có những cái duyên may thú vị như vậy như có một sự an bài nào đó”. (Đời viết văn của tôi, tr. 81-82.)…

“Môn Luyện văn, cuốn I và II khó hơn cuốn I; bộ Hương sắc trong vườn văn lại sâu sắc hơn bộ Luyện văn.

Về văn học Trung Quốc, sự mở rộng lần lần từng đợt còn rõ ràng hơn. Mới đầu là bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc từ thượng cổ đến sau Cách mạng Tân Hợi, vào khoảng 1925. Sau tôi đào sâu văn học cổ của Trung Quốc. Đề tài mênh mông, một đời người không thể làm hết được. Riêng về thơ Đường có nhiều người giới thiệu: Đường thi bình chú của Ngô Tất Tố, Đường thi của Trần Trọng Kim, Đường thi trích dịch của Bùi Khánh Đản và Đỗ Bằng Đoàn (in ronéo) và nhiều tập mỏng khác của dăm nhà nữa. Chưa ai viết về Tống thi cả.

Thơ không phải là sở trường của tôi, mà cổ văn Trung Quốc thì chỉ mới có Nam Phong giới thiệu được một số nhỏ, cho nên tôi nghiên cứu về cổ văn, năm 1966 cho xuất bản bộ Cổ văn Trung Quốc, cuốn đầu tiên trong loại đó ở nước nhà; tiếp theo tôi soạn chung với ông Giản Chi hai bộ Chiến Quốc sách,Sử ký Tư Mã Thiên. Sau cùng tôi viết về văn học Trung Quốc hiện đại mà trong bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc tôi chỉ mới phác qua trong chương cuối. Nên kể thêm cuốn Tô Đông Pha, một cuốn thuộc loại tiểu sử danh nhân nhưng cũng cho độc giả biết được ít nhiều về thi từcổ văn đời Tống, vì trong cuốn đó, ngoài Tô Đông Pha ra, tôi giới thiệu cả cha và em ông (Tô Tuân, Tô Triệt), Âu Dương Tu, Vương An Thạch… Nếu kể bản dịch Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa (nguyên văn của Lâm Ngữ Đường) thì về văn học Trung Quốc tôi đã góp được khoảng 13.500 trang, 7 nhan đề. (Đời viết văn của tôi, tr. 205-206.)

Đại cương văn học sử Trung Quốc - 3 cuốn. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1955): trình bày những nét chính của văn học Trung Hoa (lịch sử, xã hội và văn trào của mỗi thời đại với trích dẫn đại cương danh nhân tiêu biểu kèm văn, thơ, bản dịch gồm trên 150 danh tác (thơ, phú, biền văn, cổ văn). NXB Trẻ tái bản 1996.

“Công trình mệt cho tôi nhất nhưng thú là viết bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc gồm ba cuốn: cuốn I. Từ thượng cổ đến đời Tùy, II. Đời Đường, III. Từ Ngũ đại đến hiện nay.

Viết bộ đó chủ ý của tôi cũng là để tự học. Trong bài Tựa mà tôi lấy làm đắc ý, tôi nói hồi ở trường Bưởi tôi đã tò mò muốn biết về văn học Trung Quốc. Nền cổ học Trung Quốc như có sức huyền bí thu hút tôi, một thanh niên theo Tây học. Mỗi lần nghe những tên như Văn tâm điêu long, Chiêu Minh văn tuyển, Tiền Xích Bích phú, Quy khứ lai từ… Dù chẳng hiểu nghĩa, tôi cũng thấy trong lòng vang lên một điệu trầm ngâm như nhớ nhung cái gì. Phải chăng đó là tiếng vang những giọng ngâm nga của tổ tiên tôi còn văng vẳng trong tâm hồn tôi?

Muốn tìm hiểu văn học Trung Quốc mà sách báo Việt chỉ làm cho tôi thất vọng. Cuốn Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính sơ lược quá; còn đọc những bài dịch cổ văn, thơ Đường đăng lác đác trên tạp chí Nam Phong và một số báo khác thì không khác gì coi mấy bông sói, bông hồng, bông ngâu mà mấy chị bán hoa ở phố Hàng Đường (Hà Nội) gói trong chiếc lá chuối, chứa trong cái thúng để bán cho các bà nội trợ mua về cúng rằm, làm sao biết được vườn làng Ngọc Hà, làng Yên Phụ ra sao. Tôi chỉ còn cách là học chữ Hán để đọc sách người Trung Hoa viết. Khi đã có một số vốn độ 3.000 - 4.000 chữ đủ để mò trong các tự điển Trung Quốc, tôi kiếm mua mấy bộ Cổ văn, Đường thi, Văn học sử… như tôi đã nói, rồi mò mẫm lần. Thật khó nhọc vô cùng. Đọc một bài trong Cổ văn quan chỉ dài độ khoảng 20 hàng tôi thường mất cả một buổi mà chỉ hiểu lờ mờ (…). Còn những cuốn về Văn học sử thì tuyệt nhiên không có chú thích, nhiều chỗ tôi phải viết thư hỏi bác tôi, nhưng không dám hỏi nhiều, vì mất công bác. Đành đọc nhiều sách, nhiều lần rồi vỡ nghĩa dần dần.

Học tới đâu tôi tóm tắt, ghi chép tới đấy, so sánh các sách, sắp đặt rồi chép trong những tập vở 100 trang. Sau cùng dịch một số bài văn thơ, viết thành chương. Nội công việc dịch này cũng đã mất 9-10 tháng. Các bài cổ văn thì tôi dịch lấy, thơ tôi dịch được một số, bác tôi dịch cho một số lớn. Bài thơ nào không để tên người dịch là của tôi, đề “Vô danh dịch” là của bác tôi. Hai bác cháu đều chú trọng nhất tới đức “tín”, nghĩa là dịch sao cho đúng, sát, không dám sửa lời, thêm ý. Chúng tôi biết nhiều bài trước dịch rồi mà hay, nhưng vì ở Long Xuyên thiếu sách, không thể kiếm được nên không dẫn vào. (Bỏ 17 dòng vì đã có trong bài Tựa - NHĐ).

Viết xong tôi chép lại, khoảng 750 trang, mất ba tháng nữa (vì có nhiều chữ Hán và bài nào cũng có phần phiên âm). Ngày 20 tháng mạnh đông năm Quý Tỵ (26-XI-1953), mọi công việc hoàn thành tôi thấy khoan khoái thảo bài Tựa, cuối bài ghi cảnh trăng khuya trong vườn hoa ở phòng viết trông ra (bỏ 19 dòng vì đã có trong bài Tựa).

Để mừng tôi hoàn thành tác phẩm, bác tôi cho tôi hai bài thơ tứ tuyệt và hai câu đối, tôi đã chép trong bộ Hồi ký, dưới đây chỉ trích lại một bài thơ và một câu đối:

Thơ:

Nễ tự biên chi ngã duyệt chi

Nhất gia lạc sự tại tương tri.

Hà tu cánh hướng đông tây vấn,

Kế vãng khai lai cánh thuộc thuỳ?

(Cháu cứ viết đi, bác duyệt cho.

Cái vui trong gia đình ở chỗ bác cháu hiểu nhau.

Cần chi phải hỏi người bên đông bên tây,

Việc kế vãng khai lai còn thuộc về ai nữa?)

Câu đối:

Cổ sắc cổ hương văn tự cổ

Tân tâm tân bút thế phương tân.

(Sắc cổ, hương cổ, văn thời cổ

Lòng mới, bút mới, đời vừa mới)…

In xong tôi mang về Long Xuyên để trình bác tôi. Tôi buồn rằng cha mẹ tôi và bác Hai tôi không còn. Tôi đã không phụ công các cụ. Trang đầu sách tôi đề:

Kính dâng

Hương hồn thân mẫu tôi

Người đã cho tôi học thêm chữ Hán

Ở giữa thời tàn tạ của Nho học.

Bộ đó năm 1964 nhà Khai Trí tái bản, tôi chỉ sửa được một phần lỗi trên flan (bản để đổ chì), vì sắp chữ lại thì tốn công lắm. Lần này in 2.000 bản, năm 1975 bán vẫn chưa hết, mặc dầu được Viện Đại học Huế khuyên sinh viên đọc”. (Đời viết văn của tôi, tr. 86-90.)

Văn học Trung Quốc hiện đại - 2 cuốn. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1969): bổ túc bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc từ năm 1898 tới 1960, giới thiệu khoảng năm mươi tác giả và trên hai trăm tác phẩm. NXB Văn Học tái bản 1993.

“Ở trên tôi đã nói không được vừa ý về bộ Văn học Trung Quốc hiện đại vì thiếu nhiều tài liệu. Tuy nhiên cho tới ngày nay, muốn biết về văn học hiện đại của Trung Hoa, ngoài bộ đó ra không còn cuốn nào khác. Tôi vẫn thỉnh thoảng tra lại nó. Trong đoạn kết tôi đã vạch rõ hai nền văn học Hoa, Việt từ cuối thế kỷ trước đến nay tiến song song nhau, có những nét rất giống nhau y như anh em sinh đôi, như vậy chỉ vì hai nước đồng văn với nhau, gặp những hoàn cảnh như nhau. Cuối bộ, tôi đặt vấn đề tự do và chỉ huy trong văn nghệ: “Tự do nhưng tự do tới mức nào, chỉ huy nhưng chỉ huy ra sao; làm sao cho kẻ này đừng lạm dụng tự do, kẻ kia đừng lạm dụng quyền hành, vấn đề quan trọng đó vẫn chưa có một giải pháp lưỡng toàn nếu bản thân những người làm văn nghệ và cả những người hưởng thụ văn nghệ chưa có được một nền đạo đức, một sự giác ngộ và một trình độ giám thức tối thiểu nào đó”.

Trong Phụ lục tôi thêm ba trang chê cuộc Cách mạng Văn hóa 1965-66 của Mao. Năm 1976 trong một cuộc tọa đàm ở Sài Gòn giữa ông Hà Huy Giáp, Thứ trưởng bộ Văn hóa, ông Hà Xuân Trường, Thứ trưởng bộ Giáo dục ở Hà Nội vào, với khoảng mười nhà văn “nằm vùng” hoặc “tiến bộ” ở Sài Gòn, tôi hỏi ông Giáp:

- Trong cuốn Văn học Trung Quốc hiện đại tôi có chỉ trích cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966 của Trung Hoa, như vậy có hợp với đường lối của chính phủ không?

Ông do dự một chút rồi đáp:

- Tôi không biết cuộc cách mạng đó ra sao, nhưng mỗi nước có một đường lối văn hóa riêng.

Lúc đó tôi mừng lắm. Chính phủ Việt Nam sáng suốt hơn Trung Hoa, mặc dầu trước đã phạm lỗi “Trăm hoa đua nở” như họ. Nhưng chỉ hai năm sau, có lệnh ở Hà Nội bắt miền Nam phải hủy hết những sách báo xuất bản trước ngày 30-4-1975, chỉ được giữ lại những sách về ngôn ngữ, nghề nghiệp, khoa học tự nhiên, tôi thấy Hà Nội cũng không hơn gì Bắc Kinh. Tin đó làm cho dư luận Sài Gòn rất xôn xao, chính quyền phải tuyên bố tạm hoãn để xét lại rồi êm luôn”. (Đời viết văn của tôi, tr. 224-225.)

“… Nhân được hai tập Văn học Trung Quốc hiện đại, xin đa tạ thịnh tình, và thành thật tỏ tấc lòng cùng ông.

Tôi bắt đầu “làm quen” nơi bộ Văn học sử Trung Quốc. Tôi nói riêng cùng Phạm Công Thiện: “Khó có người hơn”. Rồi đọc quyển Cổ văn Trung Quốc, tôi tự nhủ: “Đọc đã nhiều, hiểu lại thâm. Sao lại có người gồm cả chiều sâu chiều rộng một lượt?” Đến nay đọc Văn học Trung Quốc hiện đại, tôi thở dài: “Khoan nói đến chuyện hiểu và viết. Nội việc đọc sách đọc báo cũng không có mấy người theo kịp!”

Tôi hết sức cảm phục.

Tôi không “ghê” những sách dịch và viết khác của ông mặc dù rất có giá trị về lượng cũng như về phẩm. Vì hiện thời hoặc sau này còn có người làm được.

Những bộ sách về Trung Hoa tôi không tin rằng có người đủ sức làm, đủ gan làm. Trước kia tôi phục ông Quỳnh, cụ Tố bao nhiêu, ngày nay tôi phục ông bấy nhiêu.

Bộ văn học sử nước nhà chưa có. Ước ao ông gia công để con em còn có được một bài kim chỉ nam. Mấy bộ sách đã ra đời thiếu nhiều mà cũng sai nhiều. Về cổ văn học sử cũng chưa có quyển nào đáng làm cây đuốc soi đường cho đám hậu sinh.

Tôi bất tài lại thêm ở nơi thiếu thầy, thiếu bạn, thiếu sách nên đành chờ trông những bậc thiện chí, thiện năng như ông”.

(Quách Tấn. Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê, những bức thư đầm ấm. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tháng 12/2012, tr. 33-34.)

Cổ văn Trung Quốc. (NXB Tao Đàn - 1966): tuyển dịch độ 100 bài cổ văn của các tác giả theo thứ tự thời đại: từ Xuân Thu đến Tần, Hán, Tấn và Lục Triều, Đường, Tống, Minh để giúp độc giả hiểu được nếp cảm nghĩ của cổ nhân, thấm nhuần được văn hóa cổ. Mỗi bài đều có giới thiệu tiểu sử của tác giả, xuất xứ bài cổ văn, chép lại nguyên văn chữ Hán rồi phiên âm, dịch và chú thích; nếu có lời phê bình của cổ nhân thì ghi chú thêm hoặc ít cảm tưởng của dịch giả. Bộ này nhằm bổ túc bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc của ông.

“Tôi đã nhận ra cái lợi đó (tức người biết dùng văn thơ để luyện cảm xúc mà tìm được hạnh phúc - NHĐ) từ khi lõm bõm đọc bộ Cổ văn quan chỉ vào khoảng năm 1940. Hồi đó, thấy bài nào thích thì tôi dịch ra chỉ để tự học. Hai mươi lăm năm sau, vốn chữ Hán của tôi đã khá hơn, tôi đọc lại Cổ văn quan chỉ Cổ văn bình chú; trong số hơn 300 bài, lựa lấy 100 bài tôi thích nhất rồi bỏ bản dịch cũ mà dịch lại thành một bộ 900 trang 21 x 27cm viết tay, in ra khổ lớn chữ nhỏ, thành 480 trang. Bộ này do nhà Tao Đàn xuất bản năm 1966, in 1.000 bản mà năm 1975 vẫn chưa bán hết. Vì bài nào cũng in cả chữ Hán, nên nhà xuất bản và tôi đều rất tốn công. Dịch mất 9 tháng, sửa ấn cảo mất ba tháng nữa (mỗi ngày độ 1 giờ), mệt cũng bằng viết và in bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc. Ông Tao Đàn, một nhà xuất bản biết nhận định giá trị của tác phẩm, hiểu biết về văn chương và tôi đã hy sinh khá nhiều cho bộ đó và đã được đền đáp; một số giáo sư, cựu sinh viên Văn khoa Sài Gòn coi bộ đó là một trong những tác phẩm chính của tôi, và sau ngày 30-4-75, một số học giả ngoài Bắc “đánh giá rất cao”; Đào Duy Anh khen là “tác phẩm trội nhất từ trước tới nay trong loại của nó”. (Đời viết văn của tôi, tr. tr. 219.)

Chiến Quốc sách - 2 cuốn, (viết chung với Giản Chi). NXB Lá Bối - 1968): gồm có phần giới thiệu thật kỹ càng thời đại, nguồn gốc, giá trị của Chiến Quốc sách về phương diện lịch sử, xã hội, văn học… và phần trích dịch và chú thích khoảng nửa số bài trong Chiến Quốc sách, đặc biệt là những bài có giá trị nghệ thuật cốt giúp độc giả vừa hiểu sâu văn học Trung Quốc vừa rút ra những kinh nghiệm của cổ nhân về tâm lý, hành động của bọn chính khách trong một thời loạn. NXB Trẻ tái bản 1991.

Sử ký Tư Mã Thiên (viết chung với Giản Chi, NXB Lá Bối - 1970): gồm hai phần giới thiệu và phiên dịch. Đặc biệt phần giới thiệu thật đầy đủ về thời đại và tiểu sử Tư Mã Thiên. Các bộ sử có trước Sử Ký, nội dung bộ Sử Ký, phương pháp, tư tưởng và bút pháp của tác giả cùng ảnh hưởng của tác phẩm. NXB Văn Học tái bản, 1997.

Tô Đông Pha (NXB Cảo Thơm - 1970): trình bày cuộc đời của nhà đại văn hào đa tài Tô Đông Pha; thi văn, thư họa đều giỏi, rất phóng khoáng, dung hòa được tam giáo, thương dân, bình dân mà cuộc đời thăng trầm. Có phụ lục: chân dung, bút tích, tranh vẽ của văn hào họ Tô đời Tống Trung Quốc. NXB Văn hóa Thông tin tái bản, 1993.

“Tôi đặt Tô Đông Pha vào loại văn học, nhưng cũng có thể đặt vào loại Gương danh nhân cùng với mấy cuốn Einstein, Bertrand Russell, Henry David Thoreau (Một lương tâm nổi loạn). Tôi thích họ Tô nhất vì tấm gương của Tô gần với tôi hơn cả. Tôi rất phục tài của Tô, tinh thần bình dân của Tô, mong học được đức khoan hòa, phóng khoáng của Tô. Tôi ước ao được sống cuộc đời nghệ sĩ của ông ở Hàng Châu, ở Lam Cao, được thả chiếc thuyền trên Tây Hồ mà ngắm thập cảnh, uống rượu ngâm thơ với bạn trên dòng Xích Bích.

Mới mấy hôm trước đây, vì thời tiết thay đổi, vừa bật đèn lên ăn cơm thì mối bay ra cả đám, tôi phải tắt đèn, ra ngồi ăn ở ngoài sân (ở Long Xuyên); rồi về khuya cóc, nhái kêu inh ỏi, tôi phải trở dậy kiếm viên thuốc ngủ và nhớ lại hồi Tô bị đày ở đảo Hải Nam, sống cơ cực mà vẫn vui, vẫn trào phúng được. Về mọi phương diện ông đều đáng làm thầy tôi. Tôi thường đọc lại những đoạn ông ở Hàng Châu, Lâm Cao, Hải Nam đó và đoạn ông ngồi thuyền qua hẽm Vu Giáp trên sông Dương Tử để lên kinh đô.

Yêu ông, tôi cũng yêu mấy nhân vật kỳ dị thời ông nữa: một học giả bỏ ra hai mươi lăm năm viết một bộ sử vĩ đại (Tư Mã Quang), một triết gia sống khắc khổ (Trình Di), một đạo sĩ đi mấy ngàn cây số để thăm ông; yêu cả Vương An Thạch; nhà cách mạng đó có nhiệt tâm mà ngây thơ, có thể khùng khùng, nhưng không hẹp hòi. Còn nàng Triều Vân nữa mà bạn của Tô gọi là Phật bà Quan Âm! Tóm lại tôi yêu tất cả xã hội Trung Hoa thời ông: nó chia rẽ, bất công, suy về kinh tế, võ bị, nhưng về văn học, triết học, mỹ thuật lại rất tiến. Hễ văn minh thì không hùng cường, hùng cường thì không văn minh. Hy Lạp sau thời Périclès văn minh rực rỡ mà bị Macédonie chiếm.

Năm 1974, tôi đã sửa lại Tô Đông Pha, thêm vài đoạn (một đoạn về thập cảnh Tây Hồ), nhà Cảo Thơm chưa kịp tái bản thì Sài Gòn được giải phóng, phải đóng cửa. Vài bạn kháng chiến rất thích cuốn đó cũng như các bạn tôi ở đây”. (Đời viết văn của tôi, tr. 222-223.)

Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa. (NXB Ca Dao - 1970): bản lược dịch nguyên tác của Lâm Ngữ Đường gồm hai phần chính: lý tưởng về nhân sinh quan (chủ nghĩa nhân văn đạo Trung dung, Đạo giáo, Phật giáo) và văn học Trung Hoa (văn, thơ, kịch, tiểu thuyết). NXB Văn Học tái bản, 1997.

Con đường thiên lý. (NXB Long An - 1989, NXB Văn Hóa - 2002): là một tiểu thuyết duy nhất trong đời của ông.

“Đây là một tác phẩm viết về một nhà nho thời Tự Đức (1829-1883) gốc quê làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú). Nhà nho này vì xã hội đương thời mà phải giết người để trả thù cho vợ, rồi phiêu lưu khắp thế giới để tìm ý nghĩa cuộc đời! Tình cờ ông làm thủy thủ cho một tàu biển đến Hoa Kỳ, ở đây ông gia nhập vào một đoàn người có nhiều quốc tịch đến tìm vàng tại miền Viễn Tây Hoa Kỳ.

Đoàn người vượt hàng ngàn cây số đường đất, qua các sa mạc phèn nóng bỏng, những đồi núi trùng điệp đầy thác gềnh, tiếp xúc với các thổ dân da đỏ và bọn cướp rồi đến San Francisco, California và cuối cùng tìm được khá nhiều vàng. Nhưng tại “thế giới vàng” đó đã làm cho nhà nho mạo hiểm này đâm ra ghê tởm cảnh hỗn độn, cướp bóc của bọn người săn vàng. Chán nản ông trở lại California làm nhân viên cho tòa soạn báo Daily Evening. Vì chán cảnh vô luật pháp, vô đạo đức, truỵ lạc của xứ vàng đó, nhất là nhớ quê hương, tổ quốc… nhân một chuyến tàu, ông trở về Hương Cảng, nhập tịch Trung Hoa, rồi cùng một vài người Trung Quốc về lại Việt Nam khai khẩn đất hoang, định cư ở Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp).

Tại đây (làng Hòa An) ông sống một cuộc đời bình thường của một nông dân tầm thường. Nhưng các năm 1860-1862, giặc Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, ông bỏ nhà cửa, ruộng vườn cùng Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) phất cờ khởi nghĩa kháng chiến chống Pháp ở Đồng Tháp Mười… trở nên anh hùng dân tộc.

Bên cạnh nhân vật chính này, sách còn cho chúng ta biết được những nhân vật lạ lùng mà rất đỗi bình dị trong thời kháng chiến chống Pháp, những người trí thức, những nông dân, những tuyệt thế giai nhân… cùng nhiều nhân vật khác xuất hiện trên những khung cảnh hoặc nên thơ ở miền Bắc, miền Nam, hoặc hoang vu rùng rợn của châu Mỹ…

Độc giả từng biết giọng văn dịch thuật, biên khảo, cảo luận của Nguyễn Hiến Lê, nay được biết thêm lối viết tiểu thuyết của ông… và đặc biệt là rất hấp dẫn”. (Nguyễn Q. Thắng, Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê, Tập I, tr. 25-26.)

NGỮ PHÁP

Để hiểu văn phạm. (NXB P. Văn Tươi - 1952): đưa ra những nhận xét mới, thoát hẳn ảnh hưởng của Pháp, Hoa và thích hợp với tinh thần tiếng Việt, khác với văn phạm (tức cuốn Việt Nam văn phạm - NHĐ của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm đã lỗi thời chỉ dựa vào ngữ pháp của người Pháp để soạn ra và mượn danh từ của người Trung Hoa để đặt nên.

“Vì dạy Việt ngữ cho lớp đệ tứ niên, tôi phải đọc kỹ cuốn Việt Nam văn phạm của Trần Trọng Kim và vài cuốn như Nhận xét về văn phạm Việt Nam của Bùi Đức Tịnh… Đọc xong tôi thấy những sách văn phạm (hay gọi là ngữ pháp) đó, nhất là cuốn của Trần Trọng Kim phỏng theo ngữ pháp của Pháp quá, không hợp với đặc tính tiếng Việt. Tôi lại thấy tất cả các giáo sư và học sinh đều miễn cưỡng dạy và học môn đó, chứ không tin tưởng, không thấy ích lợi chút nào cả. Và tôi viết cuốn Để hiểu văn phạm đưa ra vài ý kiến, mặc dầu tôi chưa hề nghiên cứu về ngữ pháp.

Đại khái tôi cho rằng Việt ngữ không có phần biến di tự dạng (morphologie, cũng gọi là từ pháp; cùng một từ dùng làm danh từ, động từ thì viết cũng vậy: cái cuốc, cuốc đất), cho nên nhiều từ (mot) không có từ loại nhất định, không nên chú trọng quá đến việc phân biệt từ loại, mà nên chú trọng đến việc phân biệt từ vụ (function des mots), đến vị trí của mỗi từ trong câu. Chính từ vụ, vị trí và ý nghĩa cho ta biết loại của mỗi từ.

Tôi lại đề nghị không nên dùng gạch nối, vì Việt ngữ có tính cách đơn âm (ngày nay gọi là ngôn ngữ cách thể - langue isolante), rất khó để gạch nối cách nào cho hoàn toàn hữu lý được lắm, mà chỉ làm rối trí thêm cho học sinh. Viết liền những từ ghép (mots composés) lại càng không nên.

Tập này dày khoảng hơn trăm trang, tôi viết trong hai tháng. Nhà P. Văn Tươi không chịu nhận xuất bản vì khó bán. Tôi đề nghị bỏ vốn ra in 1.000 hay 1.500 bản để họ độc quyền phát hành (nhà P. Văn Tươi được đứng tên), bán được bao nhiêu, trừ hoa hồng rồi còn về phần tôi. Bán hai, ba năm chưa hết nhưng tôi không lỗ vốn in. Lợi vật chất không có gì, nhưng lợi tinh thần thì đáng kể…” (Đời viết văn của tôi, tr. 79-80.)

Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (viết chung với Trương Văn Chình. Đại học Huế - 1963): đưa ra một quan điểm rất mới về từ tính (nature des mots) và từ vụ (function des mots) sát với tình hình tiếng Việt ở trong hệ thống ngôn ngữ cách thể (langue isolante). Sách đã miêu tả được những lối cấu tạo, xác định được những quy luật của ngôn ngữ nước nhà.

“Bộ Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam được một vài giáo sư Việt cho là đánh dấu một khúc quẹo trong việc nghiên cứu tiếng Việt. Học giả E. Gaspardone ở Paris giới thiệu nó trên tạp chí Sinologie (Thuỵ Sĩ - 1965) với nhiều cảm tình; hai giáo sư Pháp, một ở Paris, ông Maurice Durand, một ở Việt Nam, cô Piat khen nó trên nội san Trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO - Paris, 1966). Và trên tạp chí Nghiên cứu Đông Dương (Bulletin des Etudes indochinois - Sài Gòn, không nhớ năm nào nhưng sau bài của Durand).

(…)

Tôi nghĩ môn ngữ pháp có ích đấy, nhưng lý thuyết quá, không thiết thực bằng cách chỉ cho thanh niên viết tiếng Việt sao cho sáng sủa và đúng; nên trong mấy năm sau tôi lượm trên các sách báo ở Sài Gòn những câu tối tăm viết không xuôi, tìm xem nguyên nhân tại đâu, rồi đề nghị cách sửa chữa, và nếu có thể được thì rút ra một vài quy tắc. Cuốn đó đã viết xong nhan đề là Tôi tập viết tiếng Việt…” (Đời viết văn của tôi, tr. 226-227.)

Sách (Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam) được các nhà ngôn ngữ lớn trong và ngoài nước đánh giá cao, như GS Gaspadone, M. Durant, M. Piat (Pháp), Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Bạt Tuỵ, Lê Văn Lý, Nguyễn Kim Thản giới thiệu, ca ngợi trên các tạp chí chuyên ngành như lời nhận xét của nhà “Việt Nam học” người Pháp, GS Durant (GS dạy môn văn minh và ngữ học Việt Nam tại Đại học Sorbonne) viết trên tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris năm 1970: “Mặc dầu có tính chất chuyên môn, sách dễ đọc và đọc có nhiều hứng thú vì viết rõ ràng, làm cho người đọc hiểu được một câu nói tiếng Việt có thể biến hóa về nội dung và ngữ pháp như thế nào”. Hay như Viện trưởng Viện Đại học Huế, GS Cao Văn Luận viết: “Tìm cái hay của người, rút kinh nghiệm của người để bồi bổ cho nền văn hóa của mình mà vẫn giữ được bản sắc, vẫn rán có sáng kiến của mình chứ không theo đúng người để mong đồng hóa với người”. (Lời Tựa, sđd).

Và cũng từ cuốn sách vừa dẫn, năm 1970 tác giả Trương Văn Chình (1908-1983) đã chuyển ngữ sang tiếng Pháp với tên Structure de la langue Viêtnamien, 487 trang khổ 16 x 25cm, Trung tâm Đại học Sinh ngữ phương Đông xuất bản, 1970, Paris, tác phẩm được Đại học sinh ngữ phương Đông Paris đề nghị tặng tác giả văn bằng Tiến sĩ Đại học nhưng ông [Trương Văn Chình] đã từ chối.

Tác phẩm này là một bản cô đọng từ cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, nhưng bản tiếng Pháp này được đính chính và bổ sung thêm nhiều kiến giải sau khi cuốn trên ra đời hơn sáu năm”.

(Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê. Tập I: Triết học. Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu. NXB Văn Học, 2006, tr. 10-11.)

TỰA - Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam

“Từ khi Việt ngữ được đặt trở về địa vị của nó ở Tiểu học, rồi Trung học, rồi Đại học, thì việc soạn một bộ Ngữ pháp Việt Nam thành ra khẩn thiết nhất.

Một số người đã lưu tâm về vấn đề đó, và đã nhận thấy rằng không thể theo đúng phương pháp cổ điển của phương Tây được (tức là phương pháp hiện nay còn dùng trong các sách giáo khoa Anh, Pháp…) vì hai lẽ: lẽ thứ nhất, phương pháp đó đã lỗi thời, không uyển chuyển, không tự nhiên; lẽ thứ nhì, là Việt ngữ ở trong một hệ thống khác xa hệ thống Ấn Âu: Việt ngữ là một ngôn ngữ cách thể (langue isolane) chứ không phải là ngôn ngữ tiếp thể (langue affixante), phần từ pháp (morphologie) của nó rất đơn giản, không như trong ngôn ngữ Anh, Pháp, chẳng hạn; cho nên bất kỳ phương pháp nào của phương Tây cũng phải sửa đổi nhiều rồi mới có thể áp dụng vào Việt ngữ được.

Hai ông Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê thuộc trong số người có nhận định đó, đã tốn công tham khảo nhiều sách báo về ngữ pháp Anh, Pháp, Hán, để tìm ra một phương pháp thích hợp với Việt ngữ, và hai ông trình bày phương pháp đó với độc giả trong cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam này.

Về ngữ học, phương pháp coi là tiến bộ nhất là phương pháp nghiên cứu theo cách cấu tạo (structuralisme). Nhưng những học giả theo phương pháp đó cũng chia làm hai phái chủ trương khác nhau: một bên căn cứ vào “mặt chữ” (structure formelle), một bên căn cứ vào sự cấu tạo của tư tưởng (structure de la pensée) mà nghiên cứu.

Tác giả Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam theo chủ trương thứ nhì, vì nghĩ rằng nó hợp với Việt ngữ hơn cả. Vả lại, có căn cứ vào ý tứ thì học môn ngữ pháp, cũng như dạy môn ngữ pháp, mới có hứng thú và bổ ích. Học sinh và sinh viên học ngữ pháp là để tập suy nghĩ, rèn luyện chí phán đoán, nâng cao khả năng vận dụng ngôn ngữ.

Theo phương pháp nghiên cứu ngữ pháp căn cứ vào sự cấu tạo của tư tưởng, nhưng tác giả Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam không câu nệ, không có thành kiến; phương pháp chỉ căn cứ vào “mặt chữ” mà có điểm nào tiện lợi thì cũng vẫn dùng. Hơn nữa, hai ông chỉ theo cái tinh thần thôi, không tôn hẳn một nhà nào, lại biết đưa những ý kiến của riêng của mình ra: coi là mở đầu. Độc giả sẽ nhận thấy ngay đâu là phần của hai ông cống hiến.

Việc phán đoán về phần độc giả, chúng tôi chỉ xin thêm rằng tinh thần của tác giả hợp với chủ trương của Viện Đại học Huế: tìm hiểu cái hay của người, rút kinh nghiệm của người để bồi bổ cho nền văn hóa của mình, mà vẫn giữ bản sắc của mình, vẫn rán có sáng kiến của mình, chứ không theo đúng người để mong đồng hóa với người. Vì chỗ hợp nhau đó, chúng tôi vui lòng giới thiệu cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam với độc giả, để coi nó là một gắng sức theo một hướng mới trong việc nghiên cứu ngữ pháp Việt Nam, công việc mà chúng ta phải tiếp tục nữa, không bao giờ có thể gọi là hoàn thành được”.

Huế, ngày 1 tháng 4 năm 1963.

L. M. Cao Văn Luận

Viện trưởng Viện Đại học Huế.

Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê. Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu; Tập III: Ngữ học, NXB Văn Học, quý 1/2006, tr. 93-94.

Chúng tôi tập viết tiếng Việt. (NXB Long An 1991, NXB Thanh Niên, tái bản - 2002) là một số bài viết về cách sử dụng và hành văn của tiếng Việt hiện đại như lời giới thiệu của ông chủ nhiệm tạp chí Bách Khoa [Lê Ngộ Châu] in ở đầu sách:

“Ông Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), trước khi viết sách là một nhà giáo. Ông bỏ nghề công chức để dạy học vì ông muốn trực tiếp giúp đỡ những người trẻ, rồi ông bỏ nghề dạy học để cầm bút vì ông muốn giúp ích rộng rãi hơn cho những người trẻ đông đảo hơn. Ông là người yêu tiếng Việt, nên từ năm 1952 đến năm 1963, ông đã viết và lần lượt cho xuất bản nhiều cuốn sách giúp người đọc những kiến thức về tiếng nói nước mình: Để hiểu văn phạm, Luyện văn, Hương sắc trong vườn văn, Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam… Tiếp đó năm 1964, ông lại viết cuốn mang tên khiêm tốn: Tôi tập viết tiếng Việt, cuốn sách này cho tới nay vẫn chưa xuất bản. Mục đích cuốn sách ông đã trình bày qua Lời tựa trong bản thảo:

“Sau khi soạn xong bộ Hương sắc trong vườn văn (1956), chúng tôi đã có ý thu thập trong các sách báo những câu xét ra viết chưa được ổn, được xuôi, rồi tìm cách sửa chữa, trước là để rút kinh nghiệm cho bản thân, sau là, nếu có thể được, góp ít ý kiến với những bạn mới cầm bút.

Công việc đó chúng tôi tưởng trễ lắm là một năm là xong: “cỏ dại” đầy vườn ra đó, tha hồ mà lượm. Không ngờ mãi tới năm vừa qua (1963) mới có thể tạm ngừng lại được. Cỏ dại tuy nhiều thật, nhưng dạo bước trong vườn hoa thực khó mà chú ý tới cỏ. Khi đọc sách báo, luôn luôn chúng tôi nhớ để cây bút chì ở bên cạnh, định bụng hễ thấy câu nào đáng ghi lại thì đánh dấu liền rồi sắp riêng vào một chỗ. Nhưng đọc xong một bài văn hay thì chúng tôi lại quên khuấy công việc lượm cỏ dại đó đi; còn gặp phải một bài dở thì ngay cái việc đọc cũng là ngán rồi, nói chi tới cái việc tìm lỗi trong văn nữa!

Lại thêm lý do này nữa: chúng tôi không muốn thu thập những lỗi thông thường quá, nhất là những lỗi dùng sai tiếng (chẳng hạn nhược điểm thì viết là yếu điểm, mục kích thì viết là mục đích, hiềm khích, hiềm kị thì viết là tị hiềm…) mà chỉ chú ý tới lỗi về cách cấu tạo câu văn, vì vậy nên công việc hóa lâu, sau ba bốn năm, mới chỉ gom được khoảng hai trăm câu, trong đó có nhiều câu của chúng tôi nữa.

Chúng tôi bỏ bớt đi một nửa, còn bao nhiêu thì tìm xem lỗi ở đâu rồi sắp đặt thành từng loại. Có nhiều câu cắt bớt đi, hoặc sửa đổi vài chữ, chú ý làm nổi bật lên những chỗ mà chúng tôi muốn phân tích và thấy cần phải viết lại. Chúng tôi không ghi xuất xứ, nghĩ rằng công việc đó vô ích: đối tượng của chúng tôi là Việt ngữ chứ không phải là nhà văn này, nhà văn nọ.

Chúng tôi không khi nào lại tự phong cho mình chức “ngự sử trên văn đàn” nhưng đã vạch chỗ hỏng ở đây thì không lẽ lại không đề nghị cách sửa. Ghi lại những đề nghị đó, chẳng qua chỉ là để chất chính cùng độc giả; nếu độc giả rộng lượng, mười điều chấp nhận cho được vài ba thì chúng tôi cũng mừng rằng công việc của mình không phải là vô ích”.

Những lời trên đây cho đến nay vẫn còn ý nghĩa và tác dụng trong việc sử dụng tiếng Việt.

Ông Nguyễn Q. Thắng đã có nhiều công trình biên khảo từ năm 1971; ông lại là một nhà giáo chuyên nghiệp, tất nhiên ông rất quan tâm đến tiếng Việt, cũng như đến các bài văn của học sinh, sinh viên mà từ nhiều năm qua ông có trách nhiệm đào luyện. Cùng một ý hướng, cùng những băn khoăn và những hoài bão như ông Nguyễn Hiến Lê, ông Nguyễn Q. Thắng đã viết nhiều bài trên báo phổ biến những kiến thức về cấu trúc tiếng Việt, nêu những sai lầm trong ngôn ngữ hằng ngày, hoặc trong các bài viết trên các sách báo mấy năm nay. Nhưng nếu các nhận xét của ông Nguyễn Hiến Lê đã nêu ra, các thuật ngữ ông đã dùng, các “cỏ dại” ông đã nhặt vào những năm 1960 thì ông Nguyễn Q. Thắng làm các việc tương tự vào thời điểm hôm nay (1995-2003).

Nhà xuất bản Thanh Niên với sự đồng ý của đại diện gia đình ông Nguyễn Hiến Lê và ông Nguyễn Q. Thắng, đã tập hợp các chương bản thảo cùng các bài viết của hai ông, sắp xếp thành một chuyên đề có hệ thống, với tựa chung là: Chúng tôi tập viết tiếng Việt. Ông Nguyễn Q. Thắng cũng đã giúp chúng tôi đọc và sắp xếp lại, hiệu đính những chỗ cần thiết cho tập sách hoàn chỉnh.

Chúng tôi hy vọng cuốn sách này sẽ làm vừa lòng bạn đọc vốn cùng một ước mong với hai tác giả là làm sao cho tiếng Việt được trong sáng và thuần khiết, vừa giữ bản sắc riêng, vừa hòa nhập với trào lưu ngôn ngữ hiện đại”.

(Lê Ngộ Châu. Cựu chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Bách Khoa (1957-1975 Sài Gòn).

Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê. Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu; Tập III: Ngữ học, NXB Văn Học, quý 1/2006, tr. 647-648.)

TRIẾT HỌC

“Về triết học Trung Quốc cũng vậy, mỗi ngày tôi đào sâu thêm. Mới đầu là Nho giáo một triết lý chính trị, một cuốn tổng quát về tư tưởng chính trị của Khổng, Mạnh; rồi tới Đại cương triết học Trung Quốc, một bộ cũng tổng quát về triết học Trung Hoa từ thượng cổ đến cuối Thanh.

Sau tôi chuyên viết về triết học thời Tiên Tần, khảo cứu đời sống và tư tưởng từng triết gia một. Đầu năm 1975 tôi đã cho ra được Nhà giáo họ Khổng, Mạnh Tử, Liệt Tử và Dương Tử, đã viết xong mà chưa in Trang Tử, khởi sự viết chung với Giản Chi về Tuân TửHàn Phi thì miền Nam “được giải phóng”.

Từ năm 1976 đến nay tôi đã viết xong Lão Tử, Mặc Tử, Khổng Tử, Luận ngữ, Kinh Dịch như ở đầu chương này tôi đã nói.

Nếu chỉ kể những tác phẩm đã in thì tới đầu năm 1975, về triết học Trung Quốc tôi đã góp được khoảng 2.100 trang, nếu kể thêm những tập tôi đã viết xong mà chưa in thì tới nay tổng cộng được 2.100 đã in và 2.900 trang chưa in, là 5.000 trang.

Vậy là về cổ văn Trung Quốc, tôi đã góp được về phần văn học 3.500 trang, về triết học khoảng 5.000 trang. (Nếu chỉ kể những cuốn đã in thì cũng được 3.500 trang văn, 2.100 trang triết, cộng là 5.600 trang). Rõ ràng là tôi đã chuyên về môn cổ học đó.

Nhà văn Võ Phiến trong bài Nhân đọc bản thảo cuốn Nguyễn Hiến Lê của Châu Hải Kỳ (Bách Khoa số 426 ngày 20-4-1975) bảo: “Từ trước tới nay chưa có học giả nào, cựu học và tân học, mà có công giới thiệu cổ học Trung Hoa bằng ông [Nguyễn Hiến Lê]”.

Tóm lại, hồi mới cầm bút tôi chỉ có mục đích viết về trí, đức dục thanh niên; sau lần lần, vì sở thích, tôi hướng về cổ học Trung Hoa, mỗi ngày một đào sâu hơn. Tôi cho đó là sự diễn biến tự nhiên trong việc tự học”. (Đời viết văn của tôi, tr. 206-207.)

Nho giáo một triết lý chính trị. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1958): trình bày những nét chính trong triết lý Nho giáo mà theo quan điểm của tác giả là một triết lý chính trị để giúp độc giả hiểu thêm về truyền thống của cả một dân tộc, một truyền thống chính trị được xây dựng trên đạo đức và lương tri. Có phần chữ Hán và phiên âm những câu quan trọng trong Tứ Thư, Ngũ Kinh được trích dịch. 

“Loại sách biên khảo triết lý của ông cũng thường có chủ ý nhất định, hướng vào việc giới thiệu những đề tài có giá trị ứng dụng vào thực tiễn xã hội, như cuốn Nho giáo một triết lý chính trị (1958) chẳng hạn, mà ta có thể xem như một bản lược đồ về phương pháp, kinh nghiệm trị dân theo quan niệm Khổng học”.

(Trần Khuyết Nghi. Nguyễn Hiến Lê - Con người và Tác phẩm. Nhiều tác giả. NXB Trẻ, tháng 11/2003, tr. 34.)

Đại cương triết học Trung Quốc - 2 cuốn (viết chung với Giản Chi) - NXB Cảo Thơm - 1965-1966): cả bộ gồm sáu phần: Tổng quan (tóm tắt sự phát triển của triết học Trung Quốc từ thời Tiên Tần tới cuối đời Thanh: Vũ trụ luận; tri thức luận; nhân sinh luận; chính trị luận; tiểu sử các triết gia. Phụ lục có nguyên tác Hán văn và trích dẫn. NXB Tổng hợp TPHCM tái bản, 1992.

(…)

“Toàn bộ gồm hai cuốn: Thượng, trên 800 trang, và Hạ, 900 trang. In cả chữ Hán để riêng ở cuối mỗi cuốn.

Công việc này rất mệt. Tôi thú thực nếu không có ông Giản Chi thì tôi không dám mạo hiểm. Chúng tôi tra cứu tất cả các sách Trung triết bằng Hoa ngữ, Việt ngữ và Pháp ngữ mà chúng tôi kiếm được, nhất là bộ Trung Quốc triết học đại cương của Vũ Đồng mà ông Tạ Trọng Hiệp tìm cho.

Sự hợp tác với ông Giản Chi rất thú vị, chúng tôi làm việc đều siêng năng, cẩn thận, biết dung hòa ý kiến của nhau, học thêm được của nhau.

(…)

Bộ sách dày quá, việc in lại khó khăn vì có nhiều trang chữ Hán, vốn phải bỏ ra nhiều mà thu vào rất chậm, vì vậy mà hai năm sau khi viết xong mới cho ra được cuốn Thượng rồi hơn một năm sau nữa cho ra nốt được cuốn Hạ, nhờ sự hợp tác tận tình, không vị lợi của ông Hồ Hải, giám đốc nhà xuất bản Cảo Thơm, một bạn trẻ của chúng tôi.

May thay, sách được giới trí thức hoan nghênh. (Nha Văn hóa tặng chúng tôi giải nhất văn chương toàn quốc, ngành biên khảo, 100.000 đ, chúng tôi nhờ Nha tặng lại một cơ quan văn hóa). Ông Đông Hồ tặng chúng tôi bài thơ chữ Hán: Bách luyện thiên kim một tháng trước khi mất. Trong hai năm bán lai rai cũng hết được ngàn bộ (chúng tôi chỉ bấy nhiêu thôi) chia nhau được một ít lời. Thật hú vía. Bộ đó sau tái bản được một lần, chúng tôi mừng cho ông Hồ Hải. Ông là một nhà xuất bản, yêu nghệ thuật in, có sáng kiến, thích những tác phẩm có giá trị, có đặc tài trình bày tác phẩm nên sách nhà Cảo Thơm nổi tiếng. Năm 1978 ông cùng gia đình qua Mỹ và thỉnh thoảng gởi thư thăm chúng tôi”. (Đời viết văn của tôi, tr. 228-230.)

Nhà giáo họ Khổng. (NXB Cảo Thơm - 1972): đây là bức chân dung của vị “Vạn tuế sư biểu” ghi lại công của Khổng Tử với nền giáo dục cổ Trung Hoa, cách mạng của ông về giáo dục, mục đích ông dạy học, cách ông dạy, tình ông đối với môn đệ, ảnh hưởng của ông ra sao tới hậu thế. Tác giả tự hạn chế, không bàn về triết thuyết Khổng Tử. NXB TP. Hồ Chí Minh tái bản 1992.

“Tập này mỏng, không đầy 100 trang, tôi viết trong nửa tháng một cách dễ dàng mà say mê. Tôi dùng toàn những bài trong Luận ngữ để vẽ chân dung nhà giáo (chứ không phải triết gia) họ Khổng: tính tình và tư cách ông ra sao, cách ông dạy học, tình thầy trò của ông, công ông về giáo dục. Một bạn văn, ông Nguyễn Văn Hầu, tác giả cuốn Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Thoại Ngọc Hầu khen chương V: Tình thầy trò “rất cảm động, gây lại được cái không khí của trường học Nho ngày xưa”. Viết xong tập đó tôi hiểu Khổng hơn, quý ông hơn, ông vừa nghiêm vừa khoan, đa cảm mà thương người, thành thực mà tự nhiên, bình dân, lại có nghệ sĩ tính, có tinh thần hài hước. Không một ông thánh nào khác gần với chúng ta như ông. Cuốn đó được hoan nghênh, sau tôi nảy ra ý viết cuốn nữa về triết gia họ Khổng”. (Đời viết văn của tôi, tr.231.)

Liệt Tử và Dương Tử. (NXB Lá Bối - 1972): bản dịch gồm ba phần chính: phần giới thiệu nhân vật, nguồn gốc tác phẩm, tư tưởng Liệt Tử và Dương Tử v.v… phần về Liệt Tử và phần về Dương Tử. NXB TP. Hồ Chí Minh tái bản 1992.

“Bộ Liệt Tử chữ Hán không có tính cách nhất trí, nội dung rất tạp, chép cả về Dương Tử, Khổng Tử, Lão Tử, Quan Doãn, Quản Trọng, Án Tử…; lại thêm có nhiều bài mâu thuẫn, nhiều bài trùng với các tác phẩm khác; rõ ràng cuốn đó của người đời sau viết mà chỉ một số là môn đệ liệt tử thôi. Tôi đọc kỹ, loại bỏ những bài nguỵ tác, chỉ lựa những bài diễn những tư tưởng có ít nhiều hệ thống có thể tạm tin là tư tưởng của Liệt Tử và chắc chắn là tư tưởng của Dương Tử rồi chia làm hai phần: Liệt Tử và Dương Tử. Riêng phần Liệt Tử tôi lại chia làm 6 chương có nội dung nhất trí, việc mà trước chưa ai làm. Nhờ vậy bản in của tôi không luộm thuộm như bản chữ Hán, sáng sủa hơn, có ý nghĩa hơn. Cuốn đó có nhiều truyện (huyền thoại, cố sự, ngụ ngôn) lý thú, nên đọc”. Đời viết văn của tôi, tr. 230-231.

Một lương tâm nổi loạn. (NXB Cảo Thơm - 1970): trình bày cuộc đời và sự nghiệp của một triết gia, Henry David Thoreau. Có trích dịch và dịch tác phẩm nổi tiếng Bất tuân chính quyền, một tác phẩm đã gây biết bao phong trào bất bạo động ở khắp nơi, đã ảnh hưởng đến Gandhi, Danilo, Dolci, mục sư Luther King và được coi là một trong vài chục tác phẩm đã làm thay đổi cục diện thế giới.

Thế giới ngày nay và tương lai nhân loại. (NXB Ca Dao - 1971): bản dịch nguyên tác của Bertrand Russell, nói đến những vấn đề cấp thiết như chiến tranh, hòa bình, triết lý, hạnh phúc, tương lai nhân loại v.v…

Mạnh Tử. (NXB Cảo Thơm - 1975): gồm chín chương về các hoạt động chính trị và văn hóa, về tư tưởng kinh tế, xã hội, về thuyết tính thiện, tồn tâm, dưỡng tánh, và về tư cách, tài năng của Mạnh Tử. NXB Văn hóa Thông tin tái bản 2001.

“Cuốn này dày hơn 180 trang, cũng do Cảo Thơm xuất bản như cuốn trên. Tôi cố làm nổi bật sự khác biệt giữa thời đại của Khổng và thời đại của Mạnh, giữa tính cách của hai vị. Khổng có lúc muốn chiều đời để được việc. Mạnh thì hiên ngang quá, khẳng khái quá, giữ vững nguyên tắc, không chịu thỏa hiệp.

Ông Thu Thủy (Võ Phiến) trên tờ Chính Luận số 9-3-1975 phê bình cuốn đó như sau:

“Về thời đại, về tính tình, tư cách Mạnh Tử, cách Nguyễn Hiến Lê trình bày thật sống động lý thú.

Và tư tưởng của Mạnh Tử, trình bày cũng thật là rõ ràng, dứt khoát (…)

Trong lối viết gãy gọn, thẳng thắng của ông Nguyễn, có cái đột ngột gần như thân mật. Trước đây nửa thế kỷ, ông Trần Trọng Kim không thể có cái giọng ấy.

Cái dứt khoát của ông Nguyễn khiến người ta nghĩ tới Mạnh Tử, mà cái thân mật khiến nghĩ tới cụ Khổng”. (Đời viết văn của tôi, tr. 231-232.)

Trang Tử - Nam Hoa Kinh (1994): Ngoài việc dịch và chú giải Nam Hoa kiuh, ông nghiên cứu, biên soạn thêm phần I, “Giới thiệu tác giả và tác phẩm” (141 trang) rất cặn kẽ. Chỉ riêng phần này, nếu tách ra cũng có thể là một quyển khảo luận công phu, súc tích về Trang TửNam Hoa kinh rồi.

“Khác với hai bản tuyển dịch đã có từ trước, ông Nguyễn đã dịch trọn vẹn ba mươi ba thiên Nam Hoa kinh theo như bản đời Tấn của Hướng Tú và Quách Tượng (thế kỷ thứ ba). Ông chỉ lược bỏ hai đoạn, mỗi đoạn chừng mươi hàng trong thiên Canh Trang Sở vì chúng quá tối nghĩa, còn lại ông dịch hết cả, “vì nghĩ rằng Nam Hoa kinh là một tác phẩm quan trọng, nên có một bản dịch trọn bộ, để độc giả thấy rõ nó ra sao, rồi mới nhận định đúng về nó được; nếu chỉ căn cứ vào một số bài hay, thì không sao tránh được lầm lẫn (tr. 145). Như vậy đây là lần đầu tiên, Việt Nam ta có được một bản Nam Hoa kinh gần như trọn vẹn”.

Luận ngữ, dịch trọn bộ và chú thích, 1978. NXB Văn Học 1996.

“Thấy nhiều người hiểu sai Khổng Tử, hoặc không đặt ông vào thời đại của ông, hoặc gán cho ông những tư tưởng của nhà Nho đời sau, cho nên từ lâu tôi đã có ý viết một cuốn về học thuyết Khổng Tử mà chỉ căn cứ vào bộ Luận ngữ mà thôi, bộ đáng tin nhất do môn sinh chép lại lời của ông.

Năm 1972, tôi đã soạn một cuốn mỏng nhan đề Nhà giáo họ Khổng theo chủ trương trên, định bụng sẽ viết một cuốn nữa về triết gia họ Khổng. Năm 1978, viết xong cuốn Lão Tử, tôi thực hiện ý định đó, và trước khi viết, phải đọc lại, dịch lại bộ Luận ngữ đã. Cũng như tất cả các cổ thư thời Tiên Tần, Luận ngữ có nhiều chỗ tối nghĩa vì chép lầm, thiếu sót; lại có chỗ do người sau thêm vào. Lối chép vắn tắt quá, nhiều khi ta không biết Khổng Tử nói một lời nào đó trong hoàn cảnh nào nên khó hiểu được tư tưởng của ông mà mỗi người giảng một khác. Vì vậy ngoài các bản Việt dịch toàn hiểu theo Chu Hy, tôi phải kiếm thêm nhiều bản chú giải của Trung Hoa để biết thêm các cách hiểu khác của người Trung Hoa xưa và nay; lại tham khảo thêm lối dịch của Lâm Ngữ Đường, của Etiemble, một nhà Trung Hoa học danh tiếng của Pháp, có tinh thần khách quan, tự do.

Khi dịch, gặp bài nào có nhiều cách nghĩ, tôi lựa lấy một, nhưng cũng ghi thêm những cách kia. Dịch và chú xong, tôi làm các bảng phân loại, nhân danh, địa danh, và một bảng khoảng 200 câu thường dẫn. Việc đó rất tốn công. Có những mục chính như: Khổng Tử, Môn sinh Khổng Tử, Học và tu dưỡng, Xử thế, Chính trị… rồi trong mỗi loại lại có những tiểu mục, chẳng hạn về Khổng Tử tôi chia ra: Đời sống, Lối sống, Nhân cách, Tính tình, Dạy học, Khổng Tử tự xét mình, Người đương thời xét Khổng Tử. Tôi phân loại như vậy chủ ý để tôi dễ tra và dẫn chứng, và cũng để giúp người sau vì từ trước tới nay chưa ai làm công việc đó một cách kỹ lưỡng, cả ở Trung Hoa, ở châu Âu cũng vậy.

Dịch xong Luận ngữ rồi tôi mới bắt đầu viết cuốn Khổng Tử”. (Đời viết văn của tôi, tr. 315-316.)

Khổng Tử (1978). NXB Văn Hóa 1993). Tập này dài gấp năm cuốn Nhà giáo họ Khổng và phân tích tư tưởng của triết gia họ Khổng về đạo đức, chính trị.

“… Trước hết tôi tìm hiểu thời đại Khổng Tử (Chương I) rồi đời sống Khổng Tử (Chương II - có một niên biểu đời của ông), con người Khổng Tử, lối sống, tư cách, tính tình (Chương III). Tư tưởng và phương pháp giáo dục của ông, tôi đã xét trong cuốn Nhà giáo họ Khổng; nên trong cuốn này tôi chỉ xét tư tưởng chính trị và chính sách trị dân của ông thôi (Chương V, VI). Sau cùng là một chương về đạo làm người của luân lý gia họ Khổng.

(…)

Khổng Tử ở vào thời đó tất phải giữ chế độ phong kiến, không thể trách ông được. Trái lại, đặt ông vào thời đại của ông thì ta phải khen ông có tinh thần cải cách, cách mạng nữa (thuyết chính danh của ông đề ra thuyết giết một bạo chúa là giết một tên thất phu của Mạnh), bọn cầm quyền phải có đức, phải thương dân; ông điều chỉnh lại quyền lợi, nghĩa vụ vua tôi; ông lại đào tạo một giai cấp mới: kẻ sĩ để trị nước, thay thế bọn quý tộc thiếu tài, thiếu đức, giai cấp đó đa số ở trong giới bình dân mà ra. Ở thời ông ai làm được hơn ông?

Cả hai cuốn trên tôi viết trong 7-8 tháng.

Thật lạ lùng! Người có công nghiên cứu đạo Khổng nhất, đề cao Khổng Tử nhất ở nước ta từ trước tới nay lại là một người theo Công giáo, giáo sư Kim Định. Ông đã viết khoảng chục cuốn mỏng về đạo Khổng, đưa ra nhiều ý kiến táo bạo mà ông chưa kịp sắp lại thành hệ thống. Ông muốn cải tạo xã hội, cải tạo thế giới nữa, cho rằng nếu canh tân đạo Khổng thì những tư tưởng tự do và bình đẳng (làm cho tài sản quân bình, không ai giàu quá nghèo quá) của Khổng Tử có thể cứu nhân loại khỏi cái họa những tư tưởng hẹp hòi. Theo ông, “hiểu Khổng là vượt Khổng”, cho nên Khổng rất tránh các vấn đề siêu hình mà ông lại dùng nhãn quan siêu hình đó để nghiên cứu Khổng.

Tự do, bình sản là tư tưởng chung của các triết gia phương Đông như Khổng, Lão, Thích Ca; mà cũng là những điều mà nhân loại ngày nay đòi hỏi, nhưng tôi nghĩ thời đại chúng ta cần có một nhân sinh quan mới, một triết lý mới, một lối sống mới, chứ tự do và bình sản chưa đủ. Lối sống mới đó tôi đã vạch ra ở cuối chương XXXII, bộ Hồi Ký và trong tạp chí Bách Khoa hồi đầu năm 1975. Điều tôi quý nhất ở Khổng Tử là ông rất gần chúng ta, rất hiểu tâm lý con người. Học thuyết của ông thật đầy đủ, từ tu thân đến tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, không triết thuyết nào được như vậy. Ông thực tiễn, sáng suốt mà ôn hòa, vừa nghiêm vừa khoan. Những điều ông khuyên môn sinh về bất kỳ vấn đề gì tới nay vẫn còn giá trị, miễn là chúng ta nhớ quy tắc “thời trung” và học được thái độ “vô khả vô bất khả” của ông. Bộ Luận ngữ có mấy trăm câu minh triết, sâu sắc, thành châm ngôn cho đời sau, càng già đọc càng thấy ý vị”. (Đời viết văn của tôi, tr. 317-319.)

Kinh Dịch - Đạo của người quân tử (1992): 

Theo nhà xuất bản, cho tới thời điểm gần đây (2-2005) sách đã in tới lần thứ 10. Đây là một kỷ lục của loại sách biên khảo khô khan mà vẫn được đông đảo độc giả tìm đọc. Theo tác giả, khi đọc Kinh Dịch chủ trương của ông khác hẳn với các học giả khác, nghĩa là ông không chú trọng đến phần bói toán (gần như bỏ trọn phần này) mà nhằm mục đích hướng dẫn những bạn trẻ muốn tìm hiểu triết lý trong Kinh Dịch. Cách xử thế, tu thân, đạo đức của bậc chính nhân quân tử ngày xưa. Tất cả những chủ đề đó được ông trình bày một cách có hệ thống, sáng sủa tư tưởng cổ nhân.

“Khi đã có một chủ đích, định tìm kiếm hoặc viết về một vấn đề nào, tôi bắt đầu gom hết các tài liệu mà tôi đã kiếm được về vấn đề đó, liên tiếp trong nhiều năm. Như về Kinh Dịch, tôi gom từ năm 1960 đến 1975 được khoảng 15, 16 cuốn của Trung Hoa, Việt, Pháp, Anh; đọc qua một lượt, xem giá trị ra sao, giúp tôi được gì; đánh dấu những chương quan trọng rồi để riêng vào một chỗ; năm 1978-1979 khi định viết, tôi mới đọc kỹ lại một lượt, so sánh các thuyết, các bản dịch… để định cái hướng nghiên cứu, cách làm việc”. (Đời viết văn của tôi, tr. 148.)

“Trong những độc giả của Nguyễn Hiến Lê sau 30-4-1975, có một giáo sư đại học người Bắc đã cao niên, vào miền Nam mua được cuốn Kinh Dịch - đạo của người quân tử, rất tâm đắc với tác giả, có thể nói là “tri kỷ” cũng không quá: đó là Giáo sư Bùi Văn Nguyên nổi tiếng. Giáo sư đã để cả cuộc đời nghiên cứu Kinh Dịch, ngay từ trước Cách mạng tháng Tám (năm nay bác Nguyên đã ngoài tám mươi), hồi nhỏ đọc Kinh Dịch không hiểu. Giáo sư đọc rất kỹ cuốn Kinh Dịch - đạo của người quân tử của Nguyễn Hiến Lê và cố gắng phục hồi việc dịch Kinh Dịch, nhất là hệ thống “Tiên thiên bát quái đồ” và cuối cùng đã viết Kinh Dịch - Phục Hy - đạo của người trung chính, thức thời. Trong sách này bác Nguyên đã trích dẫn rất nhiều ý kiến của bác Lê, có cái tán thành, có cái phản đối, nhưng lúc nào cũng có tinh thần trọng thị rất cao. Cuối sách, Giáo sư Bùi Văn Nguyên viết, tôi mượn lời để kết thúc bài này:

“Đọc Nguyễn Hiến Lê, tôi thấy cách nhận thức của ông rất mới mẻ. Tất nhiên vì văn Kinh Dịch khó hiểu nên cũng khó tránh khỏi sai sót. Có thể nói Nguyễn Hiến Lê là người đầu tiên phê phán “Bát quái hậu thiên” là thiếu cơ sở khoa học, và đối với tôi, ông là người khơi nguồn cho tôi có dũng khí và quyết tâm khôi phục “Kinh Dịch Phục Hy” (gọi tắt là Hy Dịch). Ở phần kết thúc cuốn này, tôi trân trọng hướng tới hương hồn ông với tất cả tấm lòng biết ơn và ngưỡng mộ”.

(Lê Minh Đức. Nguyễn Hiến Lê - con người và tác phẩm. Nhiều tác giả. NXB Trẻ, tháng 11/2003, tr. 54-55.)

“Trong những ngày xáo trộn sau 30-4, có hai bậc trưởng thượng mà tôi có duyên gặp gỡ, hằng nghe và khâm phục, đó là học giả Nguyễn Hiến Lê và kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Đó là hai người thầy mà nhân cách, trí tuệ, tâm hồn đã ảnh nhưởng rất lớn tới con người tôi. Ông Nguyễn Hiến Lê, sinh năm 1912, tôi mới được gặp ông khoảng giữa 1975 với cung cách vừa là thầy thuốc điều trị vừa là một học trò nhỏ. Tôi gọi ông là thầy, từ nhỏ tôi đọc nhiều sách dạy làm người của ông, rồi tập tễnh tiếp thu tinh thần phương Đông. Được gần gũi thăm hỏi ông là một niềm an ủi lớn. Phong cách sống giản dị, thái độ lao động nghiêm túc, phương pháp biên soạn rất khoa học, nghiêm cẩn của ông đã ảnh hưởng rất nhiều tới tôi trong vai trò một người viết, một giáo sư, hoặc lúc đứng trên bục giảng. Ngày ông hoàn tất cuốn Kinh Dịch - Đạo của người quân tử (1979), ông chia sẻ với tôi niềm vui lớn. Khi tôi xin phép được đọc ngay mới biết ông chỉ có một bản viết tay. Tôi nhờ một người bạn đánh máy làm 6 bản, ông tặng cho bạn tôi một bản. Bản dành tặng tôi chẳng hiểu sao ông lấy lại. Thì ra ông tự tay điền vào những chữ Hán còn bỏ trống rồi đưa lại cho tôi. Tôi rất cảm động”. (trang 274)

“Chúng tôi (tức BS Nguyễn Chấn Hùng và Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - NHĐ) nói nhiều với nhau về bác Lê, tôi đưa anh cuốn Kinh Dịch - Đạo của người quân tử, anh đọc say sưa và rất vui khi gặp tôi, “Ước gì có thể gặp thăm bác Lê!”. Tôi chuyển lời của anh. Bác Lê nói: “Vậy thì vui quá!” Nhưng tiếc thay hai người thầy của tôi đã không gặp được nhau vì bác Lê đột xuất đau nặng, ra đi đột ngột, tôi cũng không kịp nhìn bác lần cuối. Trong lòng anh Thụ và tôi có một tiếc nuối lớn” (tr. 275-276).

(Nguyễn Chấn Hùng. Nhẹ bước lãng du. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tháng 6/2011.)

Lịch sử văn minh Trung Hoa (1990).

Lịch sử văn minh Trung Hoa của Will Durant trong bộ Lịch sử văn minh gồm 32 cuốn sử với một cuốn tổng kết: Bài học lịch sử. Dày khoảng 400 trang, cũng sáng sủa, hấp dẫn như hai cuốn Văn minh Ấn Độ, Văn minh Ả Rập; tuy viết cho độc giả phương Tây mà thanh niên mình đọc vẫn hiểu thêm được nhiều điều và có một tổng quan khá đúng về văn minh Trung Hoa, vì tác giả nhận định thận trọng, sáng suốt, tỏ rằng ông yêu văn minh đó, có yêu nó mới hiểu được nó”. (Đời viết văn của tôi, tr. 306.)

Hàn Phi Tử, viết chung với Gian Chi, năm 1975.

“… Vì Hàn Phi là tư tưởng gia cuối cùng thời Tiên Tần, tập đại thành các pháp gia (các nhà nho cho rằng trị nước, dùng pháp luật có hiệu quả hơn là dùng người có đạo đức, chủ trương pháp trị, trái lại với Khổng, Mạnh chủ trương nhân trị) trong 3 - 4 thế kỷ, nên trước khi giới thiệu đời sống và tư tưởng của Hàn Phi, chúng tôi ôn lại hai thời Xuân Thu và Chiến Quốc về phương diện xã hội, chính trị, học thuật, lược thuật tư tưởng cùng chính sách của các pháp gia trước Hàn Phi: Quản Trọng, Tử Sản, Lý Khôi, Ngô Khởi, Thân Bất Hại, Thận Đạo, Thương Ưởng..”. (Đời viết văn của tôi, tr. 311.)

Tuân Tử, viết chung với Giản Chi.

Hai cuốn Tuân TửHàn Phi Tử được hoàn tất trong các năm 1975-1976, nhưng hồi đó loại sách này và nhất là các tác giả ở Sài Gòn thì không có hy vọng xuất bản được.

Theo Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê thì “ông Giản Chi và tôi (NHL) phân công với nhau: ông Giản Chi viết về Tuân Tử rồi đưa tôi coi lại, còn tôi (NHL) viết về Hàn Tử rồi đưa ông Giản Chi coi lại”.

Hai cuốn sách đã đóng góp thêm cho việc nghiên cứu triết học thời Tiên Tần và làm phong phú thêm nguồn thư tịch còn nghèo nàn của chúng ta trong lĩnh vực Trung Quốc học, nhất là về chính trị học và pháp luật học cổ Trung Quốc.

“Cho đến đầu đời Hán, học thuyết của Mạnh và của Tuân được trọng ngang nhau; từ đời Đường trở đi, Mạnh được tôn và Tuân bị ức; nhưng gần đây ở Trung Hoa, Tuân lại được nghiên cứu hơn Mạnh, vì tư tưởng của Tuân hợp thời hơn: tìm hiểu để lợi dụng thiên nhiên, trọng khoa học, lễ, luật pháp, hiến pháp. Ở nước ta vì chịu ảnh hưởng nặng của Tống Nho, Tuân cũng bị khinh, buộc cho cái tội là đã đào tạo Lý Tư và Hàn Phi, hai chính trị gia giúp Tần Thủy Hoàng dựng nghiệp để rồi đốt sách, chôn nho, cho nên ngày nay, ngoài ít chục trang trong Nho giáo của Trần Trọng Kim, Khổng học đăng của Phan Sào Nam, chưa có một cuốn nào chuyên viết về Tuân Tử. Chúng tôi soạn bộ Tuân Tử để bổ khuyết điểm đó. Tác phẩm này hơn 400 trang, phần học thuyết chiếm khoảng 150 trang, còn lại là phần trích dịch”. (Đời viết văn của tôi, tr. 310-311.)

Trang Tử - 1973. NXB Văn Hóa xuất bản các năm 1994, 1995, 1996, 1997.

“Trang Tử có một địa vị rất lớn trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, ngang với Mạnh Tử, hơn Tuân Tử, hơn cả Mặc Tử nữa. Nhờ ông một phần lớn mà tư tưởng phái Lão, Trang mới được phổ biến mạnh: chỉ giới trí thức mới quý những cách ngôn trong Đạo đức kinh, còn giới bình dân thì ai cũng biết ít nhiều ngụ ngôn trong Trang Tử. Do đó tên ông gắn liền với tên Lão Tử, và cả hai đều có công làm cho dân tộc Trung Hoa bớt thực tế, yêu thiên nhiên hơn, khoan dung hơn, khoáng đạt hơn; thi văn và họa từ đời Lục triều trở đi, nhất là đưới đời Tống đều mang dấu tích của Trang. (…)

Tôi chỉ dùng những chương chắc chắn của Trang Tử để phân tích tư tưởng của Trang, cố không gắn cho Trang những tư tưởng của người đời sau. Cuối cùng tôi chỉ cách nên đọc Trang ra sao. Tác phẩm khá dày: trên 500 trang (riêng phần giới thiệu cũng trên trăm trang), có thể coi là công trình đầy đủ nhất về Trang Tử từ trước tới nay ở nước ta, tiếc rằng chưa in được”. (Đời viết văn của tôi, tr. 306-309.)

Mặc học, dịch một phần bộ Mặc Tử năm 1976. NXB Văn Hóa xuất bản các năm 1994, 1995, 1996, 1997.

“… Gần đây các học giả Trung Hoa rất chú ý tới Mặc học vì họ nghĩ rằng triết học đó mà không bị dìm trong mấy ngàn năm thì chưa biết chừng Trung Hoa đã có tôn giáo, khoa học như phương Tây, có thể mạnh như phương Tây. Một lẽ nữa là chính sách của Mặc Tử có vài điểm hợp với cộng sản.

Ở nước ta mới chỉ có Ngô Tất Tố giới thiệu Mặc Tử trong một tập mỏng. Bộ của tôi dày 550 trang, nửa trên về Mặc Tử, nửa dưới về Biệt Mặc. Tôi lại trích dịch 19 thiên quan trọng nhất của Mặc Tử. Ông có giọng một nhà truyền giáo hùng hồn, bình dị, lặp đi lặp lại để đập vào óc thính giả bình dân”. (Đời viết văn của tôi, tr. 313.)

LỊCH SỬ

Lịch sử thế giới (viết chung với Thiên Giang) 4 cuốn. NXB Nguyễn Hiến Lê - 1955): một bộ sử viết với một tinh thần mới trình bày bốn thời đại: thời Thượng cổ, thời Trung cổ, thời Cận đại, thời Hiện đại. Đọc bộ sách khảo cứu công phu này, qua mọi biến cố diễn tiến như sao, ảnh hưởng như thế nào, người đọc sẽ theo dõi được bước tiến của loài người từ khi cổ sử cho tới khi khoa học bắt đầu phát triển.

Đông Kinh nghĩa thục. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1956): kể lịch sử của Nghĩa Thục với rất nhiều tài liệu về phong trào duy tân đầu tiên do cụ Lương Văn Can làm chủ động năm 1907 cùng những vận động cách mạng trước và sau Đông Kinh nghĩa thục. Lá Bối tái bản 1968 rồi 1974, cả hai lần đều có sửa chữa và thêm. NXB Văn hóa Thông tin tái bản 1995.

“Hồi tản cư ở Tân Thạnh (1946-47) tôi được bác tôi, thời trẻ làm giáo sư Trường Đông Kinh nghĩa thục mà cũng là rể cụ Lương Văn Can, Thực trưởng, kể cho nghe các hoạt động của trường. Hồi cư về Sài Gòn, tôi tìm đọc trên hai chục cuốn về các nhà cách mạng thời đó, cả cuốn Đông Kinh nghĩa thục của Đào Trinh Nhất (Mai Lĩnh - 1938) vừa để kiếm thêm tài liệu, vừa để soát lại những lời bác tôi kể, rồi viết cuốn Đông Kinh nghĩa thực xuất bản năm 1956. Tôi dùng một bài song thất lục bát của một thi sĩ khuyết danh trong tập Nam thiên phong vận ca để dựng bố cục cho tác phẩm, cứ đầu mỗi chương tôi dẫn một hai câu theo đúng thứ tự trong bài.

Đông Kinh nghĩa thục ghi được không khí thời đó (1906-1907), chép được tinh thần của các nhà cách mạng vừa hăng hái vừa ngây thơ, nhất là tình đoàn kết, bình đẳng giữa anh em; lại có nhiều giai thoại tình tiết lý thú nên sách bán khá chạy.

Sách in rồi, tôi vẫn tiếp tục kiếm thêm tài liệu, đọc ở đâu hoặc được bạn bè cho biết thêm điều gì, tôi đều ghi lại, cho vào một hồ sơ riêng để khi tái bản sẽ sửa chữa. Nhờ vậy sách in lần thứ nhì (1968) dày thêm được khoảng ba chục trang; lần thứ ba (1974) thêm được hai chục trang nữa, tất cả là 200 trang. Từ năm 1974 đến nay tôi kiếm thêm được ít tài liệu nữa (chép trong phần Phụ lục bộ Hồi Ký) nhưng chắc sẽ không có lần in thứ tư.

Độc giả ai cũng cho cuốn đó là một trong những tác phẩm có giá trị của tôi; chính tôi cũng thích nó một phần vì nó ghi lại được không khí thời đại và hành động của các bậc bác, cha, chú tôi.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung ở Bạc Liêu trong một bức thư đề ngày 21-6-69 viết: “Tôi đã đọc cả mấy bài Tựa của Đông Kinh nghĩa thục và của Bài học Israel, càng thêm mến cái tâm chí của anh và càng thêm mộ cách nói thẳng thắng mà khéo léo của anh. Từ câu nói “bất bình tắc minh” của Hàn Dũ mà anh nêu làm đề từ đặt ở đầu bộ Cổ văn Trung Quốc đến “càng đọc lịch sử thế giới… làm quân tốt trên bàn cờ quốc tế” (Tựa Bài học Israel), qua “mỗi lần ôn lại lịch sử… vào bậc nhất nhì Đông Á” (Tựa Đông Kinh nghĩa thục) người nào có công tâm mà đọc anh, nghĩa là đừng có một định kiến nào, một đố kỵ nào, tất sẽ nhận rằng bên trong cái dáng văn nhược thư sinh của người có tên là Hiến Lê, bao giờ cũng âm ỉ cháy một tráng chí bền chặt mà nếu chỉ nhìn thoáng qua chắc ít ai ngờ đến”. Tôi cảm ơn ông Trung đã theo dõi và đọc kỹ tôi như vậy. Độc giả được mấy người như ông?

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân ở Quảng Nam trong một bức thư không đề ngày bảo”… nếu anh không viết quyển đó (Đông Kinh nghĩa thục) thì sự thực về phong trào đó như thế nào, thật đã ai biết cho tường (tôi chưa đọc quyển Đào Trinh Nhất). Tôi tin là trong văn nghiệp của anh, quyển sách mỏng ấy sẽ được nhắc tới nhiều như Sonate à Kreutzer (…) trong sự nghiệp đồ sộ của Tolstoi”.

Có thể đọc Đông Kinh nghĩa thục mà Nguyễn Văn Xuân về sau viết cuốn Phong trào Duy Tân (Lá Bối xuất bản)”. (Đời viết văn của tôi, tr. 232-234.)

Bài học Israel. (NXB Phạm Qang Khai - 1968, Duy Tuệ tái bản, thêm 2 chương): trình bày tường tận về nguồn gốc dân tộc Do Thái non 2.000 năm lang thang cho tới khi lập thành quốc gia Israel, qua các cuộc chiến tranh 1956 và 1967, và sự tổ chức cùng phát triển của quốc gia đó.

Bán đảo Ả Rập. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1969): chép lại lịch sử hiện đại bán đảo Ả Rập bị Hổi giáo và dầu lửa chi phối đã khiến xảy ra không biết bao nhiêu vụ tranh chấp, xung đột, biến cố ly kỳ không năm nào không có với đủ các nhân vật kỳ dị như ở thời Đông Chu bên Trung Hoa.

“Hai cuốn nữa tôi cũng đắc ý là Bài học Israel Bán đảo Ả Rập. Tài liệu tôi thu thập trong năm sáu năm được khá nhiều. Hồi đó may mắn một người cháu tôi - Tô Lệ Hằng, đi du lịch ở Israel gởi về cho tôi được một số tài liệu mà người khác không có được, nhờ vậy phần III cuốn Bài học Israel, nhất là về các nông trường Kibboutz, Mochav Ovedim, Mochav Chitoufi, tôi viết khá đầy đủ, nhiều độc giả chú ý tới.

Dân tộc Israel có thể làm gương cho ta về đức đoàn kết, anh dũng, kiên nhẫn và về tài tổ chức. Nhưng khi họ thành công rồi thì hóa ra kiêu căng, có óc thực dân, tôi không ưa.

Tôi thích cuốn Bán đảo Ả Rập hơn. Các dân tộc Ả Rập đau khổ chiến đấu, bị liệt cường chia rẽ, thao túng, cứ ngoi đầu lên được một chút thì lại bị dìm xuống; thân phận của dân tộc Irak trước cách mạng 1958 thật giống dân tộc mình thời đó. Những chương tôi viết về lịch sử kiến quốc của Ả Rập Séoudite, về cuộc cách mạng của Ai Cập, của Irak là những chương tôi thích nhất. Có những nhân vật như trong Đông Chu liệt quốc. Đời một dân tộc cũng như một cá nhân, trong thời đau khổ chiến đấu mới có nhiều trang sử hay.

Một ký giả trên tờ Diễn Đàn số 17 (1969) khen cuốn đó: “Nguyễn Hiến Lê có cốt cách của một học giả thận trọng, lại có lối trình bày sáng, giản dị của một nhà văn (…) Văn (của ông) đầy hình ảnh, cụ thể và lôi cuốn như tiểu thuyết”.

Khảo về sử hiện đại của Bán đảo Ả Rập (trên đó có Israel) tôi càng thấy rõ cái hại của thực dân. Trong bài Tựa cuốn Israel tôi viết: “Thực dân nào bất kỳ Đông hay Tây cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi của họ trước hết, còn có lợi cho họ thì họ giúp, hết lợi thì họ bỏ và đàn áp (…) đi theo thực dân thì luôn luôn lợi bất cập hại (…) không sớm thì muộn, thế nào cũng khốn đốn, điêu tàn với họ (…) chỉ đem thân ra làm quân tốt thí cho họ trên bàn cờ quốc tế”.

Có phải vì bài Tựa đó không mà Bài học Israel năm 1973 bị Nha Thông tin Văn hóa khó dễ, dìm trong mấy tháng khi xin phép tái bản; rồi năm 1975 bị một số cán bộ rỉ tai các sạp sách không nên bán. Mặc dầu nó không có tên trong danh sách các tác phẩm bị cấm lưu hành? Nhưng cuốn đó và cuốn Bán đảo Ả Rập đã được kiều bào ở Mỹ đăng lại trên một tờ báo năm 1976 (?)”. (Đời viết văn của tôi, tr. 235-236.)

Lịch sử văn minh Ấn Độ. (NXB Lá Bối - 1971): nguyên tác của Will Durant; bản dịch gồm chín chương, có phần giới thiệu tác giả và bộ Lịch sử Văn minh (The Story of Civilisation), một bộ sử vĩ đại được khắp thế giới khen là hấp dẫn nhất và có tinh thần khoáng đạt, nhân bản nhất của thời đại, trong đó tác giả ca tụng công lao kỳ dị của tổ tiên loài người và khuyên chúng ta yêu người đồng loại vì cùng chung một ông tổ.

Bài học lịch sử. (NXB Lá Bối - 1972): nguyên tác The lesson of History, bản dịch gồm mười ba bài: lịch sử và trái đất, tôn giáo, kinh tế, chiến tranh v.v… Phụ lục bài học về nhân sinh quan.

Nguồn gốc văn minh. (NXB Phục Hưng - 1974): nguyên tác của Will Durant, phần mở đầu của bộ Lịch sử Văn minh, gồm năm chương: những điều kiện tổng quát của văn minh, yếu tố kinh tế, chính trị, luân lý, tinh thần của văn minh. NXB Văn hóa Thông tin tái bản 2003.

Văn minh Á Rập. (NXB Phục Hưng - 1975): nguyên tác của Will Durant, cũng trình bày lịch sử, chính trị, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, khoa học của các nước trong đế quốc Hồi giáo thời Trung cổ từ khi Mahomet ra đời.

Sử Trung Quốc. (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh - 2006): Từ đầu tới cuối Ngũ Đại [trọn bộ 3 cuốn].

“Sử Trung Quốc là một “tập đại thành” của tác giả về toàn cảnh lịch sử Trung Quốc từ cổ đại đến hiện đại (1982). Đây là tác phẩm lớn và tương đối đầy đủ nhất trong chương trình nghiên cứu của ông về “Trung Hoa học”.

(…) Lần này với bộ Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê đã đầu tư trí tuệ và công dụng nhiều hơn. Có thể nói đây là một tác phẩm lớn cuối đời của ông, vì ông đã bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian cho công trình này. Như trên đã nói, đây là một “tập đại thành” sử học của tác giả. Suốt mấy ngàn năm lịch sử Trung Quốc đầy biến động, được ông tổng kết lại khoảng 1.000 trang in (…). Qua tác phẩm, tác giả giúp chúng ta tìm hiểu về toàn bộ lịch sử Trung Quốc, nhất là giai đoạn hiện đại, một cách đầy đủ hơn. Dựa vào những tài liệu tương đối mới; đặc biệt là tham khảo tác phẩm của các học giả, sử gia Tây phương và Trung Quốc. Ông đã phác họa được một toàn cảnh lịch sử Trung Quốc từ thời huyền sử tới hiện đại và tận đến năm 1982”.

(Nguyễn Q. Thắng. Học giả Nguyễn Hiến Lê và tác phẩm cuối đời của ông, in trong Sử Trung Quốc, NXB Tổng hợp TP HCM, 2006, tr. 7, 8.)

CHÍNH TRỊ - KINH TẾ

Một niềm tin. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1965): Thế giới trong tương lai, Việt Nam trong hiện tại: đả phá được nhiều ý sai, chứa nhiều tư tưởng mới mẻ mà những người quan tâm tới tương lai nước nhà cần suy ngẫm.

“Về kinh tế, chỉ có một cuốn: Một niềm tin. Sách viết gọn, sáng sủa mà đầy đủ, để phổ biến những luật phát triển kinh tế và những vấn đề cùng đường lối phát triển kinh tế tại các nước lạc hậu mà người ta gọi là thế giới thứ ba. Một người điểm sách khen là “tác giả viết với lòng yêu nước nồng nàn”.

Một vài suy luận của Fourastié trong cuốn đó đã hóa sai. Như (tr. 65) ông tiên đoán khoảng vài thế kỷ nữa, số dân hoạt động tại các nước tiên tiến sẽ như sau: 10% về hoạt động sơ đẳng, 10% về hoạt động nhị đẳng, 80% về hoạt động tam đẳng; mà ngay từ bây giờ ở Mỹ, hoạt động sơ đẳng (trồng trọt, chăn nuôi) chỉ chiếm 5% số người hoạt động và nhờ sự phát triển của kỹ thuật điện tử, đầu thế kỷ tới, hoạt động nhị đẳng (kỹ nghệ) chỉ còn 10% số người hoạt động, còn 85% về hoạt động tam đẳng (dịch vụ).

Một niềm tin, chỉ in 2.000 bản mà bán 5 - 6 năm mới hết, trong khi ở Nhật, Ý và năm, sáu nước khác thì cuốn nào của Fourastié mới in ra cũng được dịch ngay, bán rất chạy. Số độc giả của mình may lắm bằng 1/10 của người”. (Đời viết văn của tôi, tr. 237-238.)

Xung đột trong đời sống quốc tế. (Đại học Huế - 1962): bản dịch cuốn XI trong bộ Encyclopédie Francaise (Pháp quốc Bách khoa toàn thư) của nhà Larousse, trình bày một phương diện của đời sống quốc tế, giúp người đọc hiểu được hiện trạng thế giới ngày nay và cái hướng tiến của nó trong tương lai.

Hiệu năng, châm ngôn nhà doanh nghiệp. (NXB P. Văn Tươi - 1954): gồm mười chương tóm tắt là: Ngày nay thì giờ thì ít, công việc thì nhiều, cho nên ta phải làm việc có hiệu năng nghĩa là: có nhiệt huyết, mạo hiểm, có suy nghĩ tính toán, biết cách làm việc và cũng biết cách nghỉ ngơi, biết dùng người, biết quảng cáo, tiêu tiền mà cũng biết giúp ích nhân loại.

Tay trắng làm nên. (NXB Thanh Tân - 1967): nguyên tác của Huân tước L. Beaverbrook, chép những kinh nghiệm của một nhà doanh nghiệp Anh, gồm 14 chương: phải có lương tri, ham hoạt động, gây vốn, bỏ các thành kiến, biết ứng biến, chịu đọc sách, đừng tin ở vận may…

Tổ chức công việc theo khoa học. (Tự xuất bản - 1949); Nguyễn Hiến Lê tái bản năm 1958, sửa chữa): hướng dẫn cách tổ chức công việc ra sao cho đỡ tốn công, tốn của và tốn thì giờ mà thành công một cách chắc chắn.

Tổ chức gia đình. (NXB P. Văn Tươi - 1953): giảng rõ tinh thần tổ chức gia đình một cách rất hệ thống, chú trọng đến những phương pháp tiết kiệm, thì giờ, tiền bạc, sức lực nhằm giúp các bà nội trợ tổ chức gia đình sao cho mọi việc xong xuôi mà có thì giờ để nghỉ ngơi, tiêu khiển, học hỏi thêm…

“Sau Kim chỉ nam, cũng trong loại tổ chức, tôi viết cuốn Tổ chức gia đình (1953), chỉ cách tổ chức công việc trong nhà, dự tính, sắp đặt, chỉ huy, cư xử với người giúp việc… Nhưng cuốn của tôi khác những sách trong loại đó của Âu Mỹ ở điểm tôi khuyên độc giả sống giản dị như cổ nhân, đừng để “cái hình hài làm tội cái tâm”; mà “đời sống vật chất thì nên dưới mức trung, còn đời sống tinh thần nên trên mức ấy”. Cuốn đó được tái bản hai, ba lân”. (Đời viết văn của tôi, tr. 77.)

Tổ chức công việc làm ăn. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1967): gồm mười chương tóm tắt học thuyết Fayol và Taylor chỉ cách tổ chức một xí nghiệp, cách quản trị, công việc tài chánh, kỹ thuật, thương mại, nghiên cứu thị trường, đối xử với nhân viên…

Lợi mỗi ngày được một giờ. (NXB Thanh Tân - 1971): Bản lược dịch cuốn How to gain an extra hour every day của Ray Josephs: mục đích giúp độc giả biết cách tổ chức đời sống hằng ngày. Nội dung hoàn toàn thực tế với dẫn chứng rất nhiều kinh nghiệm của mọi người từ chính trị gia tên tuổi, các nhà kinh doanh nổi tiếng tới các chủ báo, các quân nhân, văn sĩ, nghệ sĩ, y sĩ, kỹ sư… trong mọi ngành hoạt động, từ việc sở (viết thư, tiếp khách, tổ chức một cuộc hội thảo) tới việc nhà (làm bếp, đi xa, dời nhà, dạy con…), tóm lại hầu hết là những điều chúng ta có thể áp dụng hằng ngày được.

Những vấn đề của thời đại. (NXB Mặt Đất - 1974): Từ những nguy cơ trước mắt của nhân loại như nạn đói, nhiễm uế đến những biện pháp đối phó, cũng như dự đoán về khoa học, kỹ thuật, xã hội, chính trị trong tương lai… được trình bày bằng những tài liệu mới nhất của những nhà bác học có uy tín nhất trên thế giới để giúp độc giả nhận định cho rõ thời đại mà định một hướng đi “tự làm chủ mình”, “tìm một lẽ sống”, “một lối sống cho dân tộc, cho chính mình”.

GƯƠNG DANH NHÂN

“Soạn sách tôi chỉ nhắm mục đích tự học và giúp độc giả tự học. Tôi nghĩ đến cái lợi của độc giả trước hết, chẳng hề tự cho mình có “sứ mạng” gì cả, mà cũng không hề mong được nổi tiếng, chỉ cầu được một số độc giả tin mình thôi.

Có thích vấn đề nào thì tôi mới viết. Thấy vui trong khi viết, bấy nhiêu đủ cho tôi rồi. Khi viết tiểu sử danh nhân, tôi lựa những nhà có tâm hồn đẹp, có công với nhân loại: tôi gom góp càng nhiều tài liệu về họ càng tốt (tôi đã bỏ ra nhiều năm kiếm tài liệu về Helen Keller), tìm hiểu những đau khổ, gắng sức, thành bại của họ, sống với họ rồi rung động kể lại cuộc đời của họ để làm gương cho đời; tóm lại tôi thực tâm yêu quý những vị mà tôi viết, nhờ vậy loại Gương danh nhân của tôi (gồm khoảng chục cuốn) được độc giả hoan nghênh, khen là hấp dẫn, cảm động hơn những cuốn người khác viết. Phải chính mình thích cái gì mình viết thì độc giả mới thích nó được. Đó là quy tắc của tôi.

Tôi biết có đề tài viết ra, bán sẽ rất chạy, nhưng tôi nhất định không viết, vì tôi không thích (chẳng hạn đời của hạng người như Thành Cát Tư Hãn, Hitler); hoặc tôi thấy có hại cho độc giả (như tư tưởng của nhóm Hiện sinh ở Âu mà tôi cho là không hợp với dân tộc mình, xã hội mình hiện nay).

Trái lại có những đề tài tôi biết là rất ít người đọc, nhưng thấy có lợi cho kiến thức của độc giả thì tôi cũng viết như cuốn Một niềm tin, chỉ in 2.000 bản mà bán sáu bảy năm chưa hết. Tôi không cầu danh hay lợi; có một số bạn hiểu mình, có dư một số tiền là đủ rồi”. (Đời viết văn của tôi, tr. 162-163.)

“Khi dịch cuốn Huấn luyện tình cảm của P. Félix Thomas (năm 1941) tôi để ý đến đoạn ở chương XXI:

“Đời các vĩ nhân cho ta một lý tưởng, một kiểu mẫu để bắt chước. (…)

Nhờ có gương của họ mà ta trở nên khá, có can đảm, kiên nhẫn để đi đến mục đích mà không sa ngã. Điều đó Auguste Comte hiểu rõ lắm, cho nên ông khuyên ta nên in tên các danh nhân của nhân loại trên lịch để cho chúng ta mỗi ngày có dịp trầm tư về các vị ấy.

Lòng sùng bái vĩ nhân (như Emerson nói) còn là “một thứ thuốc nó tẩy sạch các bệnh tự tôn ở mắt ta đi và cho ta thấy được người khác và những công nghiệp của họ”.

(…)

“Vì vậy không có gì bổ ích bằng những truyện ký dạy ở trường. Biết chọn những truyện đó và lựa lúc để đọc cho học sinh nghe thì những truyện đó là những bài học dễ hiểu, vui vẻ, cụ thể, dạy cho chúng can đảm, có đức hạnh. Những truyện ký về các danh nhân đó khéo viết thành sách còn có ích cho thiếu niên nữa. Người nào biết làm cho thiếu niên bỏ những sách nhạt nhẽo, nhãm nhí và hướng cả về những truyện có ích ấy, thật là giúp được một việc lớn nhất trong nước ấy. Công của tất cả những nhà đạo đức gom lại cũng không lớn bằng công răn dạy quần chúng ấy”.

Đoạn trên đó kích thích tôi mạnh và ngay hồi đó tôi đã có ý thức theo lời khuyên của Thomas. Nhưng mãi đến năm 1959, nhờ thu thập được một số khá nhiều tiểu sử danh nhân, tôi mới lựa chọn và viết được cuốn đầu nhan đề Gương danh nhân. Rồi từ đó cứ một hai năm tôi lại viết thêm được một cuốn với tất cả sự chân thành nhiệt tâm của tôi. Tôi lựa toàn những nhà có tài đức cao. Những nhà có danh lớn, có tên trong lịch sử nhân loại mà đức kém thì tôi cũng loại bỏ; vì vậy trong số bảy chục danh nhân tôi viết tiểu sử, không có Thành Cát Tư Hãn, César, Napoléon… mà có bà La Fayette. Đọc tiểu sử của bà này và bà Marie Curie tôi viết, một nhà văn ở Trung Việt bảo đã xúc động đến rơm rớm nước mắt. Và độc giả nào cũng nhận những tiểu sử danh nhân của tôi có tác dụng giáo dục lớn”. (Đời viết văn của tôi, tr.179-181.)

LOẠI HỌC LÀM NGƯỜI

“Đã có lần tôi nói với thi sĩ Bàng Bá Lân: “Những cuốn trong loại Học làm người của tôi chẳng qua chỉ để cho thanh niên học. Lời đó làm cho một độc giả, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc rất bực mình”. Trong bài Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi (Bách Khoa số 426), đã dẫn, ông viết:

“Nhìn lại toàn bộ tác phẩm của ông, không ai chối cãi giá trị của những cuốn Đông Kinh nghĩa thục, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đại cương triết học Trung Quốc, Ngữ pháp Việt Nam… và những cuốn Chiến tranh và Hòa bình, Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến Quốc sách… Những tác phẩm đó thực sự có ích cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên đại học và đã đóng góp một phần đáng kể cho nền văn hóa miền Nam. Nhưng theo tôi những tác phẩm quan trọng trong đời ông, đáng cho ông hãnh diện, chính là những tác phẩm nhỏ ông viết nhằm giáo dục thanh niên, hướng dẫn họ trong việc tự huấn luyện trí, đức. Đó là Kim chỉ nam của học sinh, Tự học để thành công, Tương lai trong tay ta, Rèn nghị lực… và nhất là bộ Gương danh nhân của ông. Mà họ là ai? Là những thiếu niên thất chí bán hàng xén như tôi thuở đó, là anh thợ may lận đận như anh Chín NS, là một giáo viên tiểu học, một y tá hương thôn, một thư ký nghèo trong một công tư sở nào đó. Họ là những người có thiện chí, có tinh thần cầu tiến, hiếu học nhưng vì hoàn cảnh mà lỡ dỡ. Họ là thành phần đông đảo nhất trong xã hội ta bây giờ, một xã hội có vốn liếng hơn ba mươi năm chiến tranh. Nhờ những cuốn sách đó, trước mắt họ mở ra những cánh cửa mới, trong lòng họ, nhen lên ngọn lửa nồng, và dù không có thành công nhiều thì đời sống họ cũng được nâng cao, ít ra là về mặt tinh thần”.

Cuối cùng ông Đỗ Hồng Ngọc bảo ngay ông André Maurois tám chục tuổi còn viết tập Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi kia mà.

Tôi cũng nhận rằng những cuốn Học làm người mà tôi được nhiều người biết danh, nhiều thanh niên kính mến và tôi được coi là “một nhà giáo dục quần chúng” như một nhà văn đã nói. Một độc giả cho tôi hay một gia đình nọ, từ cha mẹ tới con trai con gái lớn nhỏ - nhỏ nhất học lớp năm (tức lớp trên lớp mẫu giáo) - đều mua sách của tôi; người cha đọc xong rồi còn trích nhiều câu viết lên giấy, dùng làm châm ngôn, lồng dưới kiếng bàn học của con. Ông ta thích nhất “tấm lòng thiết tha của tôi đối với truyền thống dân tộc, thái độ giản dị, khoan hòa, mẫu mực của tôi”. Ông bảo tôi dung hòa được đạo học phương Đông với những kiến thức và khoa học thực nghiệm của phương Tây, điều đó rất hiếm.

Những cuốn trong loại Học làm người đó đều viết ra với giọng thành thực, thân mật, với một nhiệt tâm giúp đỡ thanh niên bằng những kinh nghiệm sống của bản thân tôi. Ngày nay ngồi buồn, tôi thỉnh thoảng còn đọc lại vài trang trong những cuốn Kim chỉ nam của học sinh, Thế hệ ngày mai, Luyện lý trí, nhất là Tương lai trong tay ta mà tôi vẫn thấy có những chương hấp dẫn như: Ai cũng có thể bất hủ (Chương IV), Nghỉ ngơi và tiêu tiền (Chương V), Để giữ gìn hạnh phúc trong hôn nhân (Chương IX), Lời khuyên riêng các bạn gái (Chương X), Dự bị cho tuổi già (Chương XI). Suốt đời tôi, tôi theo đúng những quy tắc nêu trong cuốn đó về cách làm việc và tiêu tiền. Tôi đã làm rồi mới nói.

Ông Giản Chi bảo khi đọc xong cuốn đó ông bỗng nhiên hiểu hai câu thơ này của một thi sĩ đời Thanh:

Nhân sự tự sinh kim nhật ý

Hàn hoa chỉ tác khứ niên hương.

mà chính ông dịch là:

Ý mới rút từ kinh nghiệm cũ

Mai già lưu lại chút hương xưa.

Một số độc giả già và trẻ bảo trong số những cuốn viết về nghệ thuật sống ở nước mình, chỉ cuốn của tôi là có tính cách Việt Nam, không phỏng theo sách Âu Mỹ; và khen tôi là nhà văn dung hòa được hai nền văn minh Đông, Tây một cách tốt đẹp.

Cuốn đó có thể coi là một tập gồm nhiều cảo luận đắc ý của tôi.

Tôi cũng vừa lòng về một loạt trên chục cuốn về loại Gương danh nhân mà độc giả nào cũng khen và ở trên tôi đã nhắc tới. Trong loại đó tôi đã thực hiện được một phần giáo hóa thanh niên tôi ấp ủ từ hồi mới cầm bút. Mới đầu tôi viết những tiểu sử ngắn độ vài chục trang (trong cuốn đầu: Gương danh nhân) rồi lần lần viết dài hơn, bốn năm chục trang (trong Cuộc đời ngoại hạng), sau cùng dài trên dưới hai trăm trang và và tôi phải dành riêng một cuốn cho mỗi nhà (Einstein, Tô Đông Pha…). Trong số mười tác phẩm đó tôi thích nhất Tô Đông Pha, Cuộc đời ngoại hạng, Ý chí sắt đá.

Những nhân vật kỳ dị thì phải kể Huyền Trang, một tâm hồn cao cả vào bậc nhất; Helen Keller kiên nhẫn lạ lùng: đui, điếc, câm từ bé mà học hết đại học, viết được trên mười cuốn sách, lại diễn thuyết khắp Đông, Tây; T. E. Lawrence, một chính khách mạo hiểm, giữ chữ tín hơn nhà Nho, tìm sự tuyệt đối, khi thất bại ân hận, tủi nhục, tự hủy thân thể. Nhưng làm cho tôi và nhiều độc giả cảm động nhất là đời của hai người đàn bà: bà La Fayette suốt đời hy sinh cho chồng, và bà Curie tận tuỵ với chồng và khoa học, sống đơn giản gần như người cổ, tuyệt nhiên không nghĩ đến danh lợi, đến bản thân. Cuộc hôn nhân của ông bà Curie thành công nhất mà tôi biết, thành công cho ông bà và cho cả nhân loại.

Xét chung thì các nhà khoa học suốt đời cặm cụi nghiên cứu như Fabre, thi sĩ của côn trùng, sướng nhất; rồi tới những nghệ sĩ dùng hết tiền của, tâm trí để tìm cái đẹp, như Disney. Khổ nhất thường là những nhà văn: Balzac, Maugham, Tolstoi, Dostoievski. Nhưng chua xót nhất là bác sĩ Semmelweiss: ông hóa điên rồi tự tử vì không ai tin thuyết của ông (bệnh sốt sản hậu do vi trùng gây ra) mà cứ để cho sản phụ chết như rạ trong các dưỡng đường châu Âu.

Vậy tôi đã không phí thì giờ viết loại Học làm người và ông Đỗ Hồng Ngọc đã quá mến tôi mới rất bực mình khi tôi xếp những cuốn đó vào hạng thứ yếu.

Tuy nhiên André Maurois đã viết nhiều cuốn giáo dục thanh niên có giá trị, như Un Art de vivre, Lettres à l’Inconnue (bản dịch của tôi: Thư gởi người đàn bà không quen biết), Cours de bonheur conjugal, Lettre ouverte à un jeune home sur la conduite de la vie (bản dịch của tôi: Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi), Dialogues sur le commandement…, được người Pháp coi là nhà văn luân lý của thời đại, một honnête home (chính nhân quân tử) của phương Tây; mà về già, ôn lại cuộc đời viết văn của ông trong cuốn Portrait d’un ami qui appelait moi, ông không hề nhắc tới những cuốn kể trên, mà lại thích nhất những cuốn Disraeli (kể tình tương thân tương kính của ông bà Disraeli, một chính trị gia đại tài của Anh dưới triều đại nữ hoàng Victoria), truyện Climats (một tiểu thuyết tâm lý), những tiểu sử Lélia (G. Sand), Olympio (Victor Hugo), Proust, Alain…, những bộ sử Anh, Hoa Kỳ, Pháp; còn các nhà phê bình Pháp thì hầu hết đều nhận rằng những bộ tiểu sử Lélia, Olympio, Balzac, Alexandre Dumas là phần chính trong sự nghiệp của ông, viết rất công phu, đọc rất thú, và ghi lại được nhiều nét của xã hội Pháp thế kỷ XIX, gần như bộ Comédie humaine của Balzac, lại có một số ít nhà phê bình thích những truyện không tưởng mỉa đời của ông như Au Pays des Articoles, hoặc quái dị như Le Peseur d’âme, La Machine à Lire les pensées.

Vậy thì việc nhận định văn học bao giờ cũng tùy sở thích mỗi người, có khi mỗi thời nữa”. (Đời viết văn của tôi, tr. 212-217.)

Gương danh nhân. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1959): gồm tiểu sử bảy danh nhân có tài có đức trong mọi giới, giúp người đọc rút ra nhiều bài học về nhân sinh quan: Heirich Schliema: Một người trong bốn mươi năm chỉ ước ao được đào đất. Quản Trọng: Một chính trị gia biết bỏ tiểu tiết để mưu đại sự. Benjamin Franklin: Một ấn công tự học mà thành một nhà khoa học, một nhà lập pháp và một vị thủ lãnh. Mahatma Gandhi: Lương tâm của nhân loại. Léon Tolstoi: Một á thánh. Vương Dương Minh: Một người đã đạt được mục đích là học để làm thánh. Abraham Lincold: Một người quân tử phương Tây, đã lấy đức để trị dân.

Gương hy sinh. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1962): gồm tiểu sử mười nhà bác học và phát minh danh tiếng Âu Mỹ có công lớn với khoa học nêu những tấm gương hy sinh siêu việt và chỉ tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của nhân loại: Isaac Newton (1642-1726): Một thiên tài vĩ đại sống cô liêu trên trái đất để tìm ra một luật chi phối tinh tú ở trên trời. Louis Pasteur: Người đã tìm ra được một thế giới mới - thế giới của những vật vô cùng nhỏ. Thomas Alva Edison: Người có 2.500 bằng phát minh. John Boyd Dunlop: Một người đã cho ta những phút vui thần tiên. Ông bà Marie Curie: Một gia đình đoạt tối cao kỷ lục về giải Nobel. Guglielmo Marconi: Người đã thắng không gian và thời gian hồi mới hai mươi tuổi. Rudolf Diesel: Một nhà phát minh đại tài bị cảnh cơ hàn hồi nhỏ ám ảnh suốt đời. John Logie Baird: Người đã phát minh ra chiếc gương thần. Rorbert Wiener (sanh năm 1894): Một “siêu nhân” đã cho chúng ta một năng lực vô biên. Ignace Philippe Semmelweis (1818-1865): Một người chết để cho người khác sống.

Gương kiên nhẫn. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1964): Tiểu sử một số dị nhân nghị lực phi thường: Helen Keller: Một cuộc chiến ghê gớm trong cảnh tối tăm mờ mịt. Alexander Fleming: Thiên tài hay chỉ là vận may? Wright Santos Dumont: Những người chinh phục không trung. Gamal Abdel Nasser: Vị anh hùng của Ai Cập. Jean Henry Fabre: Thi sĩ của côn trùng. Champollion: Người làm cho đá biết nói. Florence Nightingale: Một người không hề biết cam chịu.

“Gần đây, nhà xuất bản Long An đã cho in lại tập Gương kiên nhẫn trong tủ sách Gương danh nhân của ông là một việc đáng mừng. [Bài viết này đã đăng báo Thanh Niên - 1988, nhân dịp NXB Long An in lại quyển Gương kiên nhẫn… Đây cũng là bài viết đầu tiên về Nguyễn Hiến Lê xuất hiện trên mặt báo kể từ 30-4-1975 [BT].

Đọc Gương kiên nhẫn, tôi lại thấy đời ông quả thực cũng là một tấm gương kiên nhẫn cho thanh niên. Thật vậy, có thể nói đời ông gồm trong hai chữ Học Viết. Ông học để viếtviết để học. Sống giản dị, nghiêm cẩn, ẩn dật, âm thầm làm việc trong suốt bốn mươi năm cho đến ngày mất. Không bài bạc, rượu chè, không ham “nhảy đầm” như đa số thanh niên thời đó, ông gần như chỉ có một thú vui duy nhất là đọc sách và tự học thêm. Điều đáng quý, ông đem sở học ra để giúp đời với 120 tác phẩm trong mọi lãnh vực - đặc biệt là lãnh vực giáo dục thanh niên - như chúng ta đã biết.

Hai môn tự học quan trọng của ông là Hán tự và Anh ngữ. Nhờ Hán tự và Anh ngữ, ông có chìa khóa mở rộng cánh cửa của tri thức, tiếp xúc với cả hai nền học thuật: cổ học Trung Hoa và khoa học kỹ thuật phương Tây. Thấm nhuần nho học, giữ được tinh thần nho học, lại có óc khoa học, chuộng tính hiệu quả, năng suất như ông thì thật là hiếm. “Nho học” dễ thủ cựu mà “khoa học” dễ rơi vào thực dụng. Ông giữ được cái trung dung, làm được cái gạch nối giữa cựu học và tân học. Thế hệ trước ông bơ vơ kêu lên “Cái học ngày nay đã hỏng rồi!” hoặc mai mỉa “Vứt bút lông đi giắt bút chì” (Tú Xương). Ông thì sử dụng được cả bút lông lẫn bút chì, mà còn mài sắc cả hai. Cổ văn Trung Quốc, Đại cương Triết học Trung Quốc, Chiến Quốc sách, Sử ký Tư Mã Thiên… đến Nhà giáo họ Khổng, Tô Đông Pha, Mạnh Tử… rồi Hiệu năng, Tổ chức công việc theo khoa học, Tự học để thành công, Kim chỉ nam của học sinh, Tương lai ở trong tay ta, v.v… là những minh chứng.

(Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Hiến Lê - con người và tác phẩm. Nhiều tác giả. NXB Trẻ, tháng 11/2003, tr. 25-26.)

Gương chiến đấu. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1966): gồm tiểu sử của những văn hào vào hạng bực nhất thế giới hoặc suốt đời đau khổ để viết, hoặc nhờ cuộc đời ba đào quyết chí thắng nghịch cảnh để thành công, hoặc can đảm dùng ngọn bút sắc bén để bênh vực, để hy sinh cho lý tưởng và những nhà cách mạng sáng suốt, gan dạ, nghị lực gang thép, tài tổ chức giỏi, biết nắm lấy cơ hội và chiến đấu bền bĩ để thắng như: Dostoivski, Jack London, Voltaire, Mustapha Kémal, Ibn Séoud, Byron.

Ý chí sắt đá. (NXB Thanh Tân - 1971): nói về ý chí gang thép của năm nhân vật lịch sử mà cuộc đời và sự nghiệp đã ảnh hưởng lớn lao đến cả nhân loại: Huyền Trang, Marco Polo, Magellan, T. E. Lawence, ông bà La Fayette.

40 gương thành công. (NXB Thanh Tân - 1968): nguyên tác của Dale Carnegie, gồm những tiểu sử ngắn của bốn mươi danh nhân trong mọi khu vực hoạt động, như Somerset Maugham, Upton Sinclair, Mark Twain… (văn sĩ); Churchill, Roosevelt… (chính trị gia); Albert Einstein, anh em Mayo… (khoa học gia); Đề đốc Byrd (nhà thám hiểm); Montgomery, Marshall… (tướng lãnh); Walt Disney (nghệ sĩ); một số nhạc sĩ…

Những cuộc đời ngoại hạng. (NXB Bạn Trè - 1969): gồm tiểu sử của sáu vị đã suốt đời xây dựng một “Kim tự tháp” cho mình và cho nhân loại: cha con Dumas, Victor Hugo, George Sand, Jules Verne, André Maurois.

Mười lăm gương phụ nữ. (NXB Trí Đăng - 1970): bản lược dịch tác phẩm Femmes d’hier et de demain d’ici et d’ailleurs (Phụ nữ hôm qua và ngày mai, ở đây và những nơi khác) của nữ sĩ kiêm ký giả Marianne Monestier gồm tiểu sử bốn danh nhân đã hy sinh cho nhân loại, năm nhà mạo hiểm và sáu nữ sĩ: Clotilde Lomboro, Maria Deraismes, Hélène Bresslau, Louise Hervieu, David Nell, Lafugie, Tamara Koutalova, Colette Duval, Valentino Terechkova, Pearl Buck, Han Suyin, Selma Lagerlof, Sigrid Undset, Gabriela Mistral, Nelly Sachs.

Einstein. (NXB Lửa Thiêng - 1971): gồm hai phần:

I. Đời sống và sự nghiệp khoa học của Einstein; tính tình giản dị và hồn nhiên, tâm hồn cao thượng và nhân bản của ông;

II. Trích văn Einstein.

Phụ lục: một niên biểu sơ lược về đời Einstein.

Bertrand Russell. (NXB Lửa Thiêng - 1972): trình bày về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Bertrand Russell, một triết gia người Anh, một chiến sĩ tự do và hòa bình, trong suốt cuộc sống đến ngoài 90 tuổi, đã đem hết tâm lực phục vụ nhân loại.

Đời nghệ (NXB Văn hóa Thông tin, 1979): Tác giả cho rằng đa tài thường đa tật, nhất là các nghệ sĩ phương Tây ở thế kỷ XIX, thế kỷ lãng mạn, đam mê , cuồng loạn thì lại càng nhiều tật vì không khí chung của thời đại.

Nhưng họ có tài, cảm xúc sâu sắc hơn ta, tưởng tượng dồi dào hơn ta, phô diễn được nỗi lòng cùng tư tưởng một cách tinh tế hơn hơn ta, miêu tả được thiên nhiên một cách chân xác, bóng bẩy hơn ta. Họ vừa là những người đại biểu của nhân loại - vì những người thường như chúng ta, có tâm tư của chúng ta - vừa là những vì sao lấp lánh, những bông hoa rực rỡ tô điểm cho vũ trụ.

Sách viết về các danh nhân: Walt Disney, William Somerset Maugham, Goeth, Chateaubriand, Honoré de Balzac.

Gogol (1809-1852); (biên khảo, dịch, NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2000). Trong lời đầu sách Nguyễn Hiến Lê viết:

“Tiểu thuyết Nga ở thế kỷ XIX đạt tới một đỉnh rất cao, vì tính cách nhân bản, phản kháng chiến đấu và vì nghệ thuật tả chân thân phận những hạng người bị áp bức trong xã hội.

Độc giả đã quen với hai ngôi sao lớn nhất là Tolstoi và Dostoivski, tôi xin giới thiệu thêm ba nhà nữa, đứng sau ngay hai nhà trên: Gogol, Tourguenev và Tchekov trong một loạt ba cuốn, mỗi cuốn gồm một phần tiểu sử và một phần văn tuyển”.

Dostoivski ghi công của Gogol: “Hết thảy chúng ta đều từ trong truyện Chiếc áo bành tô của Gogol mà ra”, nghĩa là các tiêu thuyết gia Nga ở hậu bán thế kỷ XIX đều chịu ảnh hưởng của Gogol. Mà người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là Dostoivski: có Gogol thì mới có toàn thể tác phẩm của Dostoivski.

Tourguenev bảo Gogol là “cha của tiểu thuyết Nga”, “đánh dấu thời hiện đại trong lịch sử văn học Nga”, là “một vinh quang của dân tộc Nga”.

Tourgueniev (1818 - 1883); (biên khảo, dịch, NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2000).

“Phê bình tập Hồi ký của một người đi săn, Tolstoi viết năm 1853: “Tôi mới đọc xong tập Hồi ký của Tourgueniev; ông ấy viết rồi thì người ta ngại không muốn viết nữa”. Lời đó làm cho chúng ta nhớ lại thái độ của Lý Bạch khi đứng trước bài thơ của Thôi Hiệu ở Hoàng Hạc lâu”. (Nguyễn Hiến Lê).

Tchékhov (1860-1904); (biên khảo, dịch, NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2000).

Đời sống, tư tưởng, nghệ thuật và chín truyện ngắn của văn hào Nga Tchekhov mà từ Tolstoi, Gorki tới Maugham, Maurois đều phục là bậc thầy, có phần sâu sắc hơn Maupassant của Pháp.

CẢO LUẬN - TÙY BÚT

Nghề viết văn. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1956): Hướng dẫn tất cả những điều cần biết cho những ai đang ở trong nghề viết văn hoặc muốn vào nghề ấy. Sách gồm ba phần: nghề viết văn hiện nay ở nước ta, viết một tác phẩm và xuất bản tác phẩm đó.

Vấn đề xây dựng văn hóa. (NXB Tao Đàn - 1967): tác giả phơi bày một tình trạng nguy ngập đổ nát của nền văn hóa Việt Nam và để chạy chữa xây dựng, ông đã đề nghị một số công tác thiết thực mà bố cục đại khái gồm ba phần:

- Phần nguyên tắc: Ta phải là ta trước hết, biết giữ cá tính và dân tộc tính của ta; muốn vậy, phải tôn trọng tiếng Việt.

- Phần chính gồm hai đề tài chính:

+ Phát huy văn hóa truyền thống cách nào?

+ Tiếp thu văn hóa phương Tây cách nào?

- Phần kết: chúng ta làm được gì trong lúc này?

Chinh phục hạnh phúc. (Ca Dao - 1971): nguyên tác The conquest of Happiness chỉ dẫn cách vui sống và yêu đời của triết gia nhân bản Bertrand Roussell gồm hai phần: nguyên nhân của đau khổ và nguyên nhân hạnh phúc.

Sống Đẹp. (NXB Tao Đàn - 1964): bản lược dịch cuốn The importance of living của Lâm Ngữ Đường tham khảo cả bản Pháp ngữ L’importance de vivre của nhà xuất bản Corréa và bản tiếng Trung Hoa Sinh hoạt đích nghệ thuật do Việt Duệ dịch, giúp chúng ta hiểu được tổng quát nhân sinh quan của người Trung Hoa - và của người Việt Nam ta nữa. Sách gợi cho chúng ta những thắc mắc, giúp ta hiểu đời hơn để tìm một lối sống hợp với tâm tính con người và hợp với thiên nhiên trong sự “phục vụ sự sống, duy trì đời sống, cải thiện nó, làm cho nó phong phú lên, dễ chịu hơn, cao đẹp hơn”. Tóm lại là giúp con người đi tìm cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ vì sự sống”. NXB Văn Hóa tái bản năm 1993.

Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1968): bản dịch cuốn Lettre ouverte à un jeune home sur la conduite de la vie của André Maurois để chỉ cho thanh niên vào tuổi đôi mươi phải sống thiết thực, từ vấn đề quý tắc phải theo, mục tiêu phải lựa, trở ngại phải thắng đến những vấn đề học hỏi, tiêu khiển, tiêu tiền, hôn nhân, tôn giáo, chính trị, chỉ huy, cả viết văn nữa. NXB Trẻ tái bản 1992.

Chấp nhận cuộc đời. (NXB Thanh Tân - 1971): nguyên tác bằng Đức ngữ của bà Luise Rinser. Bản lược dịch theo bản Pháp ngữ Dire oui de la vie gồm những suy tư về bốn mươi vấn đề của cuộc sống trong xã hội nêu lên nhân sinh quan không bi, không lạc “nhưng can đảm, nhân từ và thông minh”.

Làm con nên nhớ (viết chung với Đông Hồ, Lá Bối - 1970): gồm một đoản văn và một thư cho bạn. Đoản văn của nhà văn Nguyễn Hiến Lê là lời sám hối ray rứt vì nỗi nhớ công ơn cha mẹ, và thư của thi sĩ Đông Hồ bi cảm gợi niềm thương nhớ mông mênh đối với ông bác.

Hoa đào năm trước. (NXB Lá Bối - 1970): kể lại kỷ niệm của thời còn đi học bất chợt thấy cánh hoa đào vào một buổi sáng xuân ở Sơn Tây đã để lại nơi tâm hồn tác giả cái dư hương bất tuyệt.

Con vịt, có chút triết lý hoài nghi như Anatole France; giọng bài này - nhiều đối thoại - chịu ảnh hưởng của Tây phương khác hẳn bài trên (Hương và sắc) chịu ảnh hưởng của Trung Hoa.

Nhưng tôi thích Hoa đào năm trước hơn cả. Bài này cũng ngắn, in trong loại Bông hồng cài áo của nhà Lá Bối, nửa là hồi ký, nửa là nghị luận, giọng tự nhiên, cảm động, lời đẹp, ai đọc rồi cũng thấy mang mang nhớ nhung một cái gì đã mất. Đoạn kết luận man mác: “Nay bóng chiều đã xế, tôi nghiệm rằng những cảnh đẹp nhất mà ta được thấy, luôn luôn chỉ thoáng hiện rồi biến mất, không sao gặp lại được lần thứ hai (…). Vì phải có một sự giao hội kỳ diệu mà hữu tình của biết bao cái ngẫu nhiên từ người và vật tới mây nước, ánh sáng, hương thơm, tâm trạng cùng nhau tấu lên một hòa tấu thì mới gây cho ta được một cảm giác hoàn toàn thỏa mãn về tinh thần, một cảm giác phơi phới, nửa hư nửa thực, đột ngột mà bâng khuâng. Ta thấy lòng ta nở ra, ngũ quan mẫn tuệ, tinh thần thanh thoát như chơi vơi. Một đời người hưởng được vài ba phút mà dư duyên bất tuyệt đó, tôi tưởng đã là phước lớn. Nó quý ở chỗ không bao giờ tái hiện và rất ngắn ngủi… Đừng kiếm lại nó, vô ích, mà cũng đừng mong cho nó kéo dài (…)

Cái tuyệt mỹ bao giờ cũng phù du mà lại thọ nhất”. (Đời viết văn của tôi, tr. 241-242.)

Con đường hòa bình. (NXB Lá Bối - 1971): vạch cho dân tộc một con đường hòa bình hợp với tinh thần bao dung, bất đồng nhi hòa của tổ tiên.

Con đường hòa bình, mới đầu đăng trên một số kỷ niệm Nhất Chi Mai của Hội Phật giáo thống nhất (1971) sau nhà Lá Bối in thành tập trong loại Bông hồng cài áo. Tôi hô hào bỏ hết những nhiễm độc của Tây phương, gột bỏ tinh thần kỳ thị, phe đảng, gột bỏ những ý thức hệ ngoại lai, mà trở về tinh thần bao dung, bất đồng nhi hòa của tổ tiên, có vậy mới đoàn kết quốc dân, thống nhất quốc gia được. Con đường hòa bình ở đó. Sau 1975, một luật sư bị một bạn đồng nghiệp tố cáo và suýt mang họa vì đọc tập đó”. (Đời viết văn của tôi, tr. 240.)

Cháu bà nội tội bà ngoại. (NXB Lá Bối - 1974): nội dung diễn tả cuộc đời lặng lẽ hy sinh cho con và cho cháu của bà ngoại ông. Lòng yêu thương và công lao của bà đối với anh em ông được ông thuật lại hết sức cảm động.

“… Cảm động nhất, ngày nay mỗi lần đọc lại tôi còn rơm rớm nước mắt là những bài viết về người thân của tôi. Bài Làm con nên nhớ là một lời sám hối làm cho Đông Hồ rơi lệ khi đọc và đương đêm viết ngay cho tôi một bức thư dài, sau tôi chép chung với bài của tôi đưa cho Lá Bối in.

Bài Cháu bà nội tội bà ngoại (cũng do Lá Bối in) kể lại tình thương của bà ngoại tôi, công của bà và của mẹ tôi, mà tôi chưa đền đáp được chút nào. Tôi cũng sụt sùi khi viết bài đó, và một ông bạn văn, Châu Hải Kỳ ở Nha Trang cũng sụt sùi đọc nó. Bài Trần tình biểu của Lý Mật (có trích trong bộ Cổ văn của tôi) cũng không cảm động hơn”. (Đời viết văn của tôi, tr. 242-243.)

“… Và đêm rằm tháng bảy vừa qua, làm lễ Vu Lan xong, tôi đem cuốn Cháu bà nội tội bà ngoại của Lộc Đình ra đọc. Tập này anh viết Tết Vu Lan năm 2518 Phật lịch (1974). Đọc xong mấy trang đầu lòng tôi bồi hồi áo não… không đọc được nữa. Tôi xếp sách ngồi khóc một mình”. (Quách Tấn. Sđd, tr. 557.)

Ý cao tình đẹp. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1972): một tuyển dịch ba mươi bốn truyện thực mà dịch giả đã lựa chọn, gom góp trong non hai chục năm về những tấm gương vô danh tuy hầu hết là những nhân vật tầm thường nhưng có những tình cảm, hành vi, tư tưởng cao đẹp rất thâm trầm, rất nhân bản cảm kích độc giả chúng ta rất mạnh. Truyện nào cũng ly kỳ, cảm động và rất nhiều ý nghĩa. NXB Trẻ tái bản 1989.

“Chỉ có 34 câu chuyện ngắn gọn, những chuyện người thật việc thật mà tác giả hầu hết không phải là nhà văn, không cùng một quốc tịch. Chuyện chủ yếu xoay quanh những vặt vãnh trong cuộc sống bình thường của một em bé bán rong, một anh lính đi nuôi bệnh, một thầy tu lăn lóc với kẻ bần cùng, một chàng trai sa cơ lỡ vận, một ông bố đắm tàu, một khách du lịch, một thiếu nữ cụt tay, một chiến sĩ ngoài mặt trận, một trò trường tiểu học, v.v… Vậy mà tất cả đều cùng toát lên một ý cao tình đẹp thâm trầm. Cả quyển truyện là bản đồng ca truyền cảm đến rơi lệ của những tâm hồn nhân bản, làm ta vững tin vào khả năng vô tận ở chính mỗi người chúng ta, vững tin vào giá trị bền bĩ muôn thưở muôn phương của lòng nhân ái, của tính thiện bất kể tuổi tác ngành nghề, màu da sắc tóc, văn hóa ngữ ngôn…”.

(Lê Anh Dũng. Nguyễn Hiến Lê - Con người và Tác phẩm. Nhiều tác giả. NXB Trẻ, tháng 11/2003, tr. 153-154.)

Thư gởi người đàn bà không quen biết. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1970): nguyên tác Lettres à l’Inconnue của André Maurois, bản dịch gồm năm mươi sáu câu chuyện với phụ nữ để giải đáp tất cả những thắc mắc của họ về những vui, buồn, ưu tư, về ái tình, hôn nhân, hạnh phúc, nghề nghiệp; về tâm lý đàn ông, đàn bà, về y phục, nhan sắc, cách lấy lòng người, cách cư xử trong gia đình; về quyền lợi và bổn phận của đàn bà như dạy con, chiều chồng. NXB Văn hóa Thông tin tái bản 1998.

Mười câu chuyện văn chương. (NXB Trí Đăng - 1975): gồm các bài: Bốn lối kết cấu trong tiểu thuyết, Nửa thế kỷ chánh tả Việt ngữ, Trên mười năm cầm bút và xuất bản, Thân phận con người trong truyện Kiều, Cách dùng tiếng Đâu trong truyện Kiều, Hồn Đại Việt giọng Hàn Thuyên, Đất Hà Tiên với họ Mạc và họ Lâm, Văn chương hạ giới, Kỷ nguyên tiêu thụ và nghề viết văn. NXB Văn Học tái bản 2003.

GIÁO DỤC - GIÁO KHOA

Thế hệ ngày mai. (NXB P. Văn Tươi - 1953): một phương pháp giáo dục mới (năm 1969 đã in tới lần thứ ba) gồm ba phần: giáo dục xưa và nay, nền giáo dục tương lai và hiện thời chúng ta làm được những gì? Phụ lục: Hiến chương tuổi thơ, Tuyên ngôn nhi quyền và ba mươi đặc điểm của Tân học đường.

“Thế hệ ngày mai: Tôi tổng hợp các phương pháp tân giáo dục của phương Tây để tìm một đường lối mới trong việc dạy trẻ. Bài Tựa cảm động. Tác giả được hoan nghênh, tái bản nhiều lần. Thiên Giang đọc xong trở nên thân với tôi. Nhờ cuốn Kim chỉ nam của học sinh và cuốn đó mà giới hiệu trưởng, giáo sư tư thục để ý đến tôi”. (Đời viết văn của tôi, tr. 86.)

Thời mới, dạy con theo lối mới. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1958): vạch những quy tắc của phương pháp thiện phát (développementalisme) và phương pháp áp dụng mới đó trong việc sửa chữa những tật thông thường của trẻ: “nhà giáo phải tìm hiểu cách phát triển của mỗi trẻ để thuận theo đó mà hướng dẫn trẻ, cho trẻ được vui vẻ nảy nở về mọi phương diện mà vẫn giữ được bản sắc”, nghĩa là thuận theo những luật thiên nhiên về sinh lý và tâm lý để giúp trẻ phát triển. NXB An Giang, NXB Đồng Tháp tái bản năm 1990, 1993.

Tìm hiểu con chúng ta. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1966): bổ túc cuốn trên, giúp cho các bậc cha mẹ cùng thầy dạy thấy rõ những luật chung chi phối toàn thể trẻ em và những luật riêng chi phối từng em. NXB Đồng Tháp tái bản 1993.

Săn sóc sự học con em. (NXB Văn Chánh - 1954): hướng dẫn các bậc làm cha mẹ một cách thiết thực trong sự săn sóc sự học của trẻ, giúp họ hiểu nghệ thuật đó và làm tròn nhiệm vụ này.

Tự học để thành công. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1954): hướng dẫn phương pháp tự học dựa vào sự học hỏi và kinh nghiệm riêng của tác giả, cốt giúp cho những ai muốn tự học, nhất là các bạn thanh niên mới ở trường ra đỡ phải bỡ ngỡ trong những bước đầu tiên trên con đường tự học. Sách gồm nhiều chương, từ sự vạch ra những lợi ích của vấn đề tự học, đến những cách tự học, cách đọc sách, chọn sách, đến giờ giấc, nơi chốn làm việc v.v…

“Tôi muốn cuốn Tự học… bổ túc cuốn Kim chỉ nam của học sinh, cả hai đều chỉ cách tổ chức việc học cả, một cuốn dùng khi đi học, một cuốn dùng khi ra đời. Vì vậy tôi bàn về những vấn đề rất thực tế: Có những cách nào để tự học? Nên đọc sách nào? Nên học ngoại ngữ ra sao? Nên viết sách và dịch sách vì như vậy là một cách tự học. Nên dùng thẻ ra sao? v.v… Có tính cách thực tiễn như vậy nên Tự học… được tái bản nhiều lần; sau tôi sửa chữa, đổi nhan đề là Tự học, một nhu cầu của thời đại.

Vì là cuốn đầu tiên tôi tự xuất bản, nên đầu sách tôi có mấy hàng “phi lộ”:

“Bốn năm trước, trong bài Tựa cuốn Đắc nhân tâm, chúng tôi đã tự vạch một chương trình hoạt động: viết những sách để giúp bạn thanh niên bổ túc nền giáo dục ở nhà trường, vì chúng tôi nghĩ học đường chỉ dạy ta cách học và khi ở trường ra ta mới bắt đầu học, học cho tới suốt đời, học để hành, hành để học”.

“Nay lập nhà xuất bản, chúng tôi có mục đích tiếp tục thực hiện chương trình một cách có hiệu quả hơn. Những sách chúng tôi dự bị xuất bản thuộc nhiều loại, nhưng hết thảy đều có tính cách chung này là không cách biệt với đời sống mà trái lại, rút bài học ở ngay trong đời sống để thanh niên hiểu thêm đời, hầu sống một cách đầy đủ hơn.

“Vậy chúng tôi chú trọng đến thực hành hơn là lý thuyết. Chúng tôi lại để ý đến chính tả giữ câu văn cho được sáng sủa và có tính cách Việt Nam”.

Cuốn đó dày 200 trang, tôi viết bốn tháng mới xong, vì một tháng đau, phải nghỉ viết. Và tôi đưa nhà in Việt Hương ở đường Lê Lợi (hồi đó là Bonard) sắp chữ liền”. (Đời viết văn của tôi, tr. 118-119.)

33 câu chuyện với các bà mẹ. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1971): bản lược dịch cuốn Dr. Spock talks with mothers: một cuốn kim chỉ nam rất đầy đủ cho các bà mẹ về cách chăm sóc thể chất lẫn tinh thần cho trẻ em từ sức khoẻ tới tâm lý, các tật xấu, các nỗi sợ hãi, ưu tư, sự phát hiện của lương tâm, nhu cầu được che chở… của chúng. NXB Văn hóa Thông tin tái bản 2001.

Thế giới bí mật của trẻ em. (NXB Thanh Tân - 1972): nguyên tác Le dévelopment psychologique de l’enfant của bà Thérèse Gouin Decarie: bản dịch gồm những chương giới thiệu về sự phát triển tinh thần và tâm lý của trẻ, dẫn dắt người đọc vào cái thế giới bí mật và lý thú của trẻ từ khi mới còn là cái thai cho đến khi nó tới tuổi dậy thì. NXB Văn hóa Thông tin tái bản 2001.

Lời khuyên thanh niên. (NXB Thanh Tân - 1967): bản lược dịch bản tiếng Pháp Fais ton chemin của bác sĩ Paul Noel dẫn dắt độc giả thanh niên trong năm vấn đề: tìm hiểu cơ thể, tìm hiểu đời sống tình cảm - cách xử thế với mọi người; luyện trí óc - cách học hành, đọc sách, tiêu khiển, nâng cao tâm hồn và lựa chọn một nghề thích hợp. NXB Văn hóa Thông tin tái bản 2001.

Kim chỉ nam của học sinh. (Tự xuất bản - 1951): giúp học sinh tổ chức việc học để đỡ phí sức, tốn thì giờ, mau có kết quả. Nội dung sách: chỉ những điều kiện cốt yếu để học, vạch một phương pháp chung để học ở trường và ở nhà, nhắc vài phương pháp riêng để học bài, làm bài và luyện sao cho mau giỏi.

“Kim chỉ nam của học sinh rất được hoan nghênh. Nhiều phụ huynh học sinh sau gặp tôi, cảm ơn tôi vì con họ nhờ cuốn đó mà học tấn tới (…)

Tôi mừng nhất là nó đã thay hẳn cuộc đời của một thanh niên hiếu học nhưng nhà nghèo, không cách nào tiến thân, sau thành một bác sĩ, một nhà văn trước năm 1975 đã ra được hai tập thơ, hai cuốn dạy cách phòng bệnh của thiếu nhi và của học sinh. Trong tạp chí Bách Khoa số 20-4-1975, thanh niên đó, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết:

Kim chỉ nam đã mở cho tôi một chân trời mới. Đọc xong tôi thấy gần gũi với ông (Nguyễn Hiền Lê) kỳ lạ. Có những điều tôi thoáng nghĩ, đã từng làm, nhưng vì thối chí ngã lòng, vì không được hướng dẫn nên không đạt được mấy kết quả. Ông đã hệ thống hóa, đặt ra những nguyên tắc giúp cho việc học đõ mệt, đỡ tốn thì giờ mà được nhiều kết quả hơn. Điều quan trọng là sách trình bày những phương pháp thực hành, không có những lý thuyết viễn vông, nhàm chán”.

Thanh niên đó từ mười mấy năm nay đã thành một bạn thân của tôi.

Kim chỉ nam của học sinh được tái bản bốn, năm lần, lần nào cũng in 3.000 bản”. (Đời viết văn của tôi, tr. 76.)

Bí quyết thi đậu. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1956): hướng dẫn học sinh từng bước trong các việc lập chương trình học, học thi, làm bài thi, vào vấn đáp để thi đậu các bằng cấp Trung học.

Muốn giỏi toán đại số. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1958).

Muốn giỏi toán hình học phẳng. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1959).

Muốn giỏi toán hình học không gian - 2 cuốn. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1959).

“Một hôm vào tiệm sách Khai Trí tôi thấy cuốn Méthode de recherche rationnelle des problèmes de Géométrie plane của J. Chauvel, một giáo sư Pháp. Coi kỹ cuốn ấy tôi thấy phương pháp dạy toán của tác giả rất hợp với phương pháp tôi dùng khi dạy tư ở Long Xuyên: dùng cách phân tích khi chứng minh một định lý và cuối năm dùng cách tổng hợp để ôn lại chương trình. Ông Chauvel đã làm trước công việc tôi định làm, lại làm một cách đầy đủ, rất kỹ lưỡng: bài tập sắp làm hai loại dễ và khó, bài nào khó thì có vài lời hướng dẫn, một học sinh trung bình nếu chịu khó thì học cuốn đó sáu tháng sẽ giỏi toán Hình học phẳng. Tôi vui vẻ như gặp một tri kỷ, vội vàng xin phép tác giả dịch. Và tôi dịch liền, nhan đề Muốn giỏi toán Hình học phẳng. Sách bán rất chạy: in 5.000 bản, rồi 10.000 bản, trước sau sáu lần trong 15 năm. Học sinh rất thích. Tôi cho hai đứa cháu trong nhà, cuối năm đệ ngũ và đệ tứ (thi trung học đệ nhất cấp) đọc kỹ bài giảng rồi làm hết trên 450 bài toán trong sách, chúng làm được dễ dàng và từ đó vượt hẳn các bạn về môn hình học.

Mấy năm sau tôi dịch tiếp bộ của Chauvel về môn Hình học không gian; và tự soạn cuốn Muốn giỏi toán Đại số cũng để giúp học sinh ôn lại chương trình đại số ở trung học đệ nhất cấp và hướng dẫn họ làm toán đại số. Hai cuốn đó bán cũng khá chạy, hiện nay còn nhiều người tìm mua”. (Đời viết văn của tôi, tr.124-125.)

TỰ LUYỆN ĐỨC TRÍ

“Số trang tôi dịch cũng ngang với số trang tôi viết, và những sách dịch của tôi có thể chia đại khái làm hai loại: loại Học làm người, loại Văn học, Triết học.

Xét chung về loại Học làm người và phổ thông kiến thức, giáo dục v.v… thấy đề tài nào có nhiều người (ngoại quốc và Việt) viết rồi thì tôi kiếm càng nhiều càng tốt những sách người ta đã viết, đọc cho hết, so sánh, châm chước ý kiến mỗi nhà, thêm những nhận xét của tôi, rồi viết lại một cuốn cho thanh niên của mình.

Thí dụ cuốn Luyện lý trí. Tôi đọc trên mười cuốn Pháp, Việt viết về vấn đề đó nhưng không theo một tác giả nào cả, vì thấy không có cuốn nào vừa ý; và tôi đã viết lại, nhấn mạnh vào điểm phải có tinh thần phán đoán, đừng vội tin những điều thiên hạ tin, lại phải nghi ngờ những lời dạy của cổ nhân nữa. Có thể nói rằng tôi đã thành công: tác phẩm của tôi tuy mượn tài liệu trong nhiều tác phẩm mà không giống một tác phẩm nào. Nó hợp với xã hội mình hơn, có ích cho thanh niên mình hơn; nó thực là của tôi. Ngay khi mới xuất bản, một nhân viên trong cơ quan, du học ở Mỹ về đã mấy năm, đọc nó, thích và lại làm quen với tôi.

Có trường hợp tôi không cần phải khảo cứu, cứ rút kinh nghiệm trong đời sống của tôi để viết, như cuốn Tương lai trong tay ta mà độc giả rất hoan nghênh vì lời khuyên thiết thực, giọng chân thành và cảm động. Nó hoàn toàn của tôi, trình bày nhân sinh quan của tôi.

Có thể kể vào loại này những cuốn Kim chỉ nam của học sinh, Tự học, một nhu cầu của thời đại… trong đó tôi đưa nhiều kinh nghiệm của tôi, chứ không như một số tác giả chỉ thu thập ý kiến của phương Tây rồi viết lại.

Một tác giả, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhận thấy điểm đó, viết trong bài Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi (Bách Khoa số 426 ngày 20-4-1975):

“Tôi biết có những tác giả “sản xuất” còn mạnh hơn ông, viết mau và viết mạnh hơn ông, nhưng đọc họ người ta thấy rõ ràng là những tác phẩm máy móc, sản xuất hàng loạt. Ở ông Nguyễn Hiến Lê thì không. Ở ông là con người. Tác phẩm của ông là con người ông. Ông “dạy” cho thanh niên rèn nghị lực thì chính ông là một tấm gương nghị lực; ông viết về tổ chức thì chính nếp sống của ông là một sự tổ chức; ông viết về tự học thì chính ông đã nhờ tự học mà thành công. Nhờ viết từ những kinh nghiệm sống thực đó, người đọc dễ gần gũi với ông và những lời ông chỉ dẫn đều ứng dụng được”.

Và cũng nhờ vậy mà loại Học làm người của tôi được độc giả tin cậy.

Sau cùng có những tác phẩm đặc biệt, của một danh sĩ như André Maurois (Thư ngỏ tuổi đôi mươi, Thư gởi người đàn bà không quen biết), B. Russell (Chinh phục hạnh phúc), Lâm Ngữ Đường (Sống đẹp), A. Bennett (Sống hai mươi bốn giờ một ngày) hay một tác giả không phải là danh sĩ nhưng chứa nhiều ý rất mới như Xây dựng hạnh phúc của L. A. Huxley, vợ nhà văn Aldoux Husley; hoặc viết rất hấp dẫn, đào rất sâu một vấn đề như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi của Dale Carnegie… thì tôi phải dịch vì tự xét viết không thể nào bằng tác giả được. Dịch loại này, trừ các tác phẩm của danh sĩ, tôi thường dịch thoát, có thể cắt bớt, có thể sửa đổi vài chỗ cho hợp với người mình. Nếu sửa nhiều thì tôi cho độc giả biết”. (Đời viết văn của tôi, tr.165-167.)

Tương lai trong tay ta. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1962): cuốn sách viết cho các bạn thanh niên nam và nữ về cách chọn lối sống, giữ gìn sức khỏe, cách làm việc, nghỉ ngơi, luyện trí và lựa bạn trăm năm, giữ gìn hạnh phúc v.v…

Luyện lý trí. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1965): gồm mười chương từ “Bốn phép lý luận” đến “Những lỗi lý luận”, “Luyện óc phán đoán”, “Học chữ ngờ”, “Tập trung đề phòng” v.v… tóm lại sách nhằm hướng dẫn thuật suy luận trong đời sống hằng ngày.

Rèn nghị lực. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1956): bàn về một vấn đề căn bản trong việc tu thân: cách rèn nghị lực: rèn cho nó thêm cứng rắn rồi dùng nó mà thay đổi một phần nào cá tính cùng khả năng của mình và tự tạo ra những hoàn cảnh thuận tiện để thành công.

Sống 365 ngày một năm. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1968): theo tài liệu trong cuốn How to live 365 days a year của John A. Schindler trình bày những bệnh do xúc động gây nên và những phương pháp trị bệnh.

Nghệ thuật nói trước công chúng. (NXB P. Văn Tươi - 1953): giúp những người nhiệt tâm muốn tập cho thanh niên Việt Nam biết nói, bởi trong đời sống của ta, từ việc lớn đến việc nhỏ, lời nói giữ một địa vị rất quan trọng mà các trường Trung và Đại học lại không dạy môn nói.

Sống 24 giờ một ngày. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1955): dịch cuốn How to live on 24 hours a day của Arnald Bennett, một cuốn sách dạy bí quyết thành công được coi là kinh điển mà Dale Carnegie khen là “quý như vàng”. Sách đề nghị một chương trình rất vừa sức mọi người để ai nấy thực hành được mà khỏi sinh chán nản, lại tập được tính rộng lượng và thành tâm yêu mến kẻ khác.

Huấn Luyện tình cảm. (NXB P. Văn Tươi - 1951): lược dịch cuốn L’Éducation des Sentiments của Pierre Félix Thomas, một cuốn sách chỉ cách huấn luyện tình cảm của mọi người, lớn cũng như nhỏ, chú trọng hơn cả đến sự giáo dục của trẻ em, giúp các bậc thầy học và cha mẹ trong sự đào tạo một thế hệ mới, một thế hệ vừa có tri thức vừa có đạo đức. Ông Nguyễn Hiến Lê dịch cuốn này trước hết, từ năm 1941 nhưng 10 năm sau mới in.

Luyện tinh thần. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1951): lược dịch cuốn Don’t grow old-grow up của Dorothy Carnegie tức bà Dale Carnrgie, chỉ cách luyện tinh thần già dặn và sáng suốt để vượt mọi thất bại, đau khổ ở đời đặng đi đến thành công và sống vui vẻ. Sách dẫn dắt bạn đọc trong vài khu vực quan trọng của đời sống như khu vực xử thế và xử gia và bàn về ít nhiều thái độ đới với đời. Ông Nguyễn Hiến Lê dịch cuốn này trước hết, từ năm 1941 nhưng 10 năm sau mới in.

Đắc nhân tâm, bí quyết của thành công. (NXB P. Văn Tươi - 1957): năm 1968 viết thêm một chương, Nguyễn Hiến Lê xuất bản): lược dịch quyển How to win friends and influence people của Dale Carnegie giúp độc giả thành công trên đường đời bằng phương pháp làm sao cho được lòng người. Tác phẩm chỉ cách làm sao được lòng hết thảy những người mình gặp mỗi ngày trong đời, từ những người thân trong nhà cho đến những người giúp việc, mối hàng thân chủ, cả những người chỉ gặp gỡ trong câu chuyện nữa. Ông Nguyễn Hiến Lê dịch cuốn này trước hết, từ năm 1941 nhưng 10 năm sau mới in.

Quẳng gánh lo đi và vui sống. (NXB P. Văn Tươi - 1955): dịch cuốn How to stop worring and start living của Dale Carnegie, chỉ cho ta cách diệt ưu tư, phiền muộn, ganh ghét, hờn oán, dày vò… là những kẻ thù vô hình ngự trị trong thâm tâm ta, làm cho ta sinh ra cáu kỉnh, chán chường, đau tim, đau bao tử, mất ngủ, mất ăn, mắc bệnh thần kinh và loạn óc nếu ta không biết cách thắng nó.

“Đã không tránh được thì nhận đi”. Đó là đầu đề chương IX trong cuốn sách gối đầu giường của tôi: Quẳng gánh lo đi và vui sống của Nguyễn Hiến Lê. Tôi đã đọc đi đọc lại quyển sách này không biết bao nhiêu lần mà kỳ lạ thay, mỗi lần đọc lại, tôi đều cảm thấy thấm thía những điều tưởng chừng như rất giản dị: “Đắc nhật quá nhất nhật”, “Đời người ngắn lắm ai ơi!”, “Ta là ai”, v.v… nhưng một khi đem ứng dụng vào cuộc sống thì lại hiệu nghiệm vô cùng. (…)

Thế là, sau hai tháng ròng rã thay phiên nhau đọc thu âm, tôi và anh Bá Trung đã “chuyển thể” 354 trang sách chữ thành sách nói để đem đến cho người mù khắp 40 tỉnh thành của cả nước từ Bắc chí Nam cái “tuyệt chiêu” của Quẳng gánh lo đi và vui sống… “Thừa thắng xông lên”, tôi cùng với anh Bá Trung miệt mài trước máy ghi âm với Đắc nhân tâm, và lại nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của độc giữa người mù. (…)

Khi tôi viết những dòng này thì anh Trung Nghị đang ngồi trước micro đọc những trang cuối của Ý chí sắt đá, còn chị Đỗ Thuỵ thì đang lật những trang đầu của Gương kiên nhẫn. Và như vậy những trang sách Nguyễn Hiến Lê đang bắt đầu cuộc hành trình mới - cuộc hành trình tiếp thêm sức sống cho người mù. Xin thắp lên một nén tâm hương trước anh linh cụ Nguyễn - người đã đem đến cho người tàn tật chúng tôi liều thuốc diệu kỳ để chữa lành những vết thương tâm hồn”.

(Nguyễn Hướng Dương. Nguyễn Hiến Lê - Con người và Tác phẩm. Nhiều tác giả. NXB Trẻ, tháng 11/2003, tr. 101, 107,109.)

 Giúp chồng thành công. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1956): dịch cuốn của bà Dorothy Carnegie để giúp các cặp vợ chồng trẻ cũng như già bí quyết giữ gìn hạnh phúc trong hôn nhân.

Bảy bước đến thành công. (NXB P. Văn Tươi - 1952): viết phỏng theo cuốn Give yourself a chance (The seven steps to success) một kim chỉ nam tốt giúp cho bạn trẻ biết cách rèn luyện lòng tự tin, rèn nghị lực, luyện nhân cách, luyện tập và giữ gìn sức khoẻ v.v… để tự đi tới thành công trên đường đời.

 Cách xử thế của người ngày nay. (NXB Tao Đàn - 1965): bản lược dịch cuốn Winning your way people của K. C. Ingam mà mục đích là giúp độc giả quên cái “bản ngã” mù quáng của mình đi để thỏa hiệp với người khác mà dễ thành công và tìm được hạnh phúc, sống sung sướng hơn. Tác phẩm trình bày nhiều phương pháp đặc biệt để giao tiếp với người, gồm nhiều vấn đề: từ “tâm lý con người đến cách diệt những thói xấu, tập những tính tốt, cách trao đổi ý kiến, giao thiệp với người thân, người sơ, cách nghỉ ngơi, giữ sự quân bình cho tinh thần và thể chất, cả cách bán hàng, xin việc, dạy con…

Xây dựng hạnh phúc. (NXB Tao Đàn - 1966): nguyên tác của Lausa Archera Huxley, vợ của văn hào Anh Aldoux Huxley. Bà áp dụng những chân lý của triết học phương Đông và những phát minh của khoa tâm lý phương Tây, đưa ra những phương pháp rất mới mẻ, lạ lùng để biến ác thành thiện, họa thành phúc, đổi năng lực phá hoại thành năng lực xây dựng.

 Sống đời sống mới. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1965): lược dịch cuốn Live a new life của David Guy Powers, gồm 16 chương: Làm sao tạo được sinh lực? Làm sao sống đời phong phú hơn? Làm sao cho người khác tận tâm với mình? Đừng nói suông. Làm đi! Bí quyết chỉ huy. Hai đức vạn năng, trên có trung thành với dưới thì dưới mới trung thành với trên.

Thẳng tiến trên đường đời. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1967): lược dịch cuốn The power of positive living của Douglas Lurton, một cuốn sách chỉ cho ta cách luyện tinh thần tự tiến, biết lựa một mục đích, biết quyết định đúng lúc, biết tự tin, nhã nhặn với mọi người và biết chuyển họa thành phúc, chuyển bại thành thắng. Người đọc sẽ tùy trường hợp mà tìm ra con đường phải theo cùng những phương pháp để sửa chữa.

Trút nỗi sợ đi. (NXB Thanh Tân - 1969): bản dịch cuốn Freedom from fear của Lester Coleman: phân tích một cách khoa học cái “tật sợ” của con người, giúp độc giả hiểu rõ bản chất của sự sợ hãi nó là một thứ bệnh về tinh thần, là sản phẩm của thời đại và đã chiếm ưu thế trong đời sống cảm xúc của chúng ta. Cuốn sách đem lại cho độc giả thêm một ý nghĩ, một niềm hy vọng, giúp độc giả trút bỏ được nỗi lo lắng, bất an tàn phá xã hội, và đem lại cảnh yên ổn cho con người trong đời sống quay cuồng hiện nay, nhờ đó mà tìm được hạnh phúc, mới làm việc đắc lực hơn. Cuốn này “tràn trề một tinh thần lạc quan sáng suốt”, bổ túc cuốn Quẳng gánh lo đi… của Dale Carnegie. “Một cuốn trị tật lo, một cuốn trị tật sợ”. Cho nên có cuốn nọ thì không thể không có cuốn kia.

Con đường lập thân. (NXB Tao Đàn - 1969): nguyên tác của W. J. Ennever, người thành lập viện Pelman nổi tiếng ở Londres gồm nhiều bài giảng của một lớp hàm thụ về các vấn đề luyện ký tính, thị dục, trí tuệ, tập tính làm việc cẩn thận, tập tự chủ, luyện cá tính và lời ăn tiếng nói… để tạo một tương lai cho mình.

Sống theo sở thích. (NXB Thanh Tân - 1971): dịch bản tiếng Pháp của bác sĩ Peter J. Steinekrohn: chỉ cho độc giả một lối sống sáng suốt để được khỏe mạnh.

Trong mười chương sách, người đọc sẽ hiểu được về nhiều vấn đề: hút thuốc, uống rượu, ăn uống, đi y sĩ, thể thao, về hưu, lo lắng… lợi ở đâu, hại ở đâu, khi nào lợi, khi nào hại, lợi cho ai, hại cho ai, tại sao để tìm một lối sống theo thiên nhiên và thích hợp với bản tính của mình, nhờ đó mà hưởng đời được nhiều hơn, sống lâu hơn. Điều chỉ dẫn trong sách thật lý thú, nghịch hẳn với ý kiến của đại đa số bác sĩ thường khuyên chúng ta nhưng đầy lương thức và hoàn toàn không lập dị.

Về một phương diện nào đó, cuốn này có thể bổ túc cuốn Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường.

Giữ tình yêu cho chồng. (NXB Cảo Thơm - 1971): nguyên tác của Edward Faufman, một luật sư đã làm cố vấn cho rất nhiều thân chủ trong việc xin ly dị; nhờ vậy mà ông rút được nhiều kinh nghiệm để đi tới kết luận này: hôn nhân như một sinh thể, có thể bị bệnh, hễ sớm biết trị thì lành mạnh được. Quan niệm của ông mới mẻ và độc đáo. NXB Long An tái bản 1990.

DU KÝ

Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. (NXB Nguyễn Hiến Lê - 1954): chép lại những điều mắt thấy tai nghe về cánh Đồng Tháp - một miền của xứ Đàng Trong mà đối với đa số người Việt mình còn là khu vực bí mật, chứa nhiều cái lạ. Người đọc sẽ được tác giả dẫn dắt, chỉ vẽ rất cặn kẽ từ địa lý, cảnh trí, kinh tế, phong tục đến lịch sử v.v… của vùng Đồng Tháp Mười để chúng ta hiểu rõ hơn một miền đất trên nước Việt. NXB Trí Đăng tái bản 1971, có sửa chữa.

“Đầu năm 1954, tôi lại Sở Thủy lợi gặp các bạn cũ và họ cho tôi tra cứu trong các tài liệu của sở về Đồng Tháp, dùng các bản đồ của sở. Tôi lại thư khố Nam Kỳ đường Gia Long, nhờ ông Lê Ngọc Trụ tìm cho những tài liệu sử địa về Đồng Tháp, nhất là các số Courrier de Sài Gòn năm 1865-66, về cuộc chống Pháp của Thiên Hộ Dương. Tất cả các tài liệu đó đều ghi trong mục Sách báo để tham khảo ở cuối sách.

Đọc lại những tài liệu của Sở Thủy lợi, tôi nhớ lại rành mạch những lần tôi đo đất và kinh lý trong Đồng Tháp, cho nên viết lại lần này tôi thấy dễ dàng và thích như lần trước. Những đoạn có tính cách nên thơ mà năm 1944 tôi đã say sưa viết, bây giờ dần dần hiện lại trong óc, tôi chỉ việc chép lại, chắc chắn là không đúng hẳn nhưng cũng không khác mấy. Chẳng hạn đoạn Tiếng nói sông Cửu Long mà sau vài sách Việt văn cho trung học đã trích; đoạn diễn tả ghe đậu lại ở chỗ giáp nước Thủ Thừa; tả chỗ kinh Lạc Giăng (Largange) và kinh Cát Bích (4 bis) gặp nhau ở Gẫy mà nhà văn Bình Nguyên Lộc bảo “không đi tới chỗ thì không sao tả được như vậy”; rồi cảnh tìm vàng ở chung quanh Tháp Mười, cảnh đầm sen ở giữa đồng mà thi sĩ Quách Tấn thích; cảnh uống rượu dưới trăng trên giồng Lâm Vồ; đời sống một em giữ trâu khiến tôi nhớ truyện Các vì sao (Les Étoiles) của A. Daudet; cảnh sông Cửu Long, cảnh Chợ Thủ; cảnh trăng và nước ở Cao Lãnh (Hàng Châu của Nam Việt) gợi cho tôi nhớ bài Xuân giang hoa nguyệt dạ của Trương Nhược Hư, thi sĩ đời Đường; và truyện Ghen vì hò mà một cô em đọc xong rồi buồn rười rượi trách tôi: “Anh thật tàn nhẫn, truyện thương tâm như vậy mà anh kết một cách thản nhiên, chỉ tả công dụng của cái phảng, không một lời than thở cho người vợ và trách người chồng”. Tôi đáp: “Người viết chỉ cốt gợi lòng thương của người đọc chứ không kể nỗi thương tâm của chính mình. Tôi đã đạt được mục đích rồi đấy và đã không nói thay cô, để cô suy nghĩ, như vậy mới có dư âm trong lòng cô!”

… Đồng Tháp chỉ dày hơn 100 trang, vừa là du ký, vừa là biên khảo, tôi viết hai tháng xong, gởi vào trong đó cả tấm lòng yêu cảnh, yêu người Nam Việt của tôi. Viết lại xong, tôi thấy khoan khoái như người làm xong một bổn phận đối với quê hương thứ hai của tôi. Tôi cũng thích lời Tựa mà tôi mở đầu một cách đột ngột: [xem Tựa trong tập này - NHĐ] (…)

Một thanh niên ở Nha Trang đọc cuốn đó rồi nảy ra ý dùng xe đạp đi thăm cao nguyên miền Trung, đồng bằng sông Đồng Nai, tới bờ sông Cửu Long về viết bài đăng báo Tự Do ngày 15-9-1961. Tôi trích dưới đây một đoạn:

“Du ký viết về xứ người thì nước mình không hiếm. Nhưng viết về chính lòng đất thân yêu thì vỏn vẹn chỉ có một cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê. Mà theo tôi thấy, không có cuốn địa lý nào có thể hấp dẫn thanh niên và gây tác dụng mạnh bằng những thiên du ký (…) vì nó dễ kích thích tinh thần yêu nước của thanh niên hơn những bài địa lý khô khan ở nhà trường” (…).

Đa số các bạn văn của tôi cho cuốn đó tuy mỏng mà là một tác phẩm có giá trị: văn tươi mà hấp dẫn, có chỗ nên thơ, gợi tình yêu quê hương, đất nước. Có thể nói nó mở đầu cho loại địa phương chí xuất hiện khá nhiều trong khoảng 1960-70”. (Đời viết văn của tôi, tr. 120-123.)

Đế Thiên Đế Thích. (NXB Thời Mới - 1968): cuốn du ký đất Chùa Tháp (Campuchia) ông viết sau chuyến đi kinh lý cảnh Angkor Wat từ năm 1943 giúp độc giả hiểu về Đế Thiên Đế Thích, một cảnh đại quan vào bậc nhất thế giới ở gần nước ta mà nhiều người không được biết. NXB Văn hóa Thông tin tái bản 1993.

TIỂU THUYẾT DỊCH

Kiếp người. (NXB Thanh niên Cộng hòa - 1962. NXB Lửa Thiêng tái bản 1974 có sửa chữa): bản dịch tiểu thuyết Of human bondage của Somerset Maugham miêu tả nỗi đau khổ ê chề của kiếp người, những ti tiện, phản bội của loài người xen lẫn với những cái vui tao nhã khiến cho độc giả đọc xong tác phẩm, tự nhiên thấy phấn khởi, yêu đời, hy vọng ở tương lai. Tác phẩm giúp độc giả biết rõ tâm lý của nhiều hạng người mà suy nghĩ về thân phận con người, ý nghĩa của cuộc đời. Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình tái bản 1989, NXB Văn Học 1993.

Mưa. Cuốn này tức là Những truyện thương tâm (NXB Thanh niên Cộng hòa - 1963), sau rút ra một truyện Giản Chi dịch - vì truyện này đã cho vô một cuốn khác của Giản Chi - và thay vào một truyện khác (Tiến Bộ 1969): bản tuyển dịch và giới thiệu mười truyện của sáu danh sĩ Pháp, Anh, Mỹ, Trung Hoa (Guy de Maupassant, Somerset Maugham, John Steinbeck, Charles Dickens, Jack London, Lâm Ngữ Đường). Mỗi truyện một vẻ mà rất hấp dẫn trình bày những mâu thuẫn, yếu đuối, những đau khổ, chiến đấu của con người với thiên nhiên, với số mạng, với kẻ khác và cả với bản thân mình nữa.

Chiến tranh và Hòa bình - bốn cuốn (NXB Lá Bối - 1968): dịch bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn hào Nga Léon Tolstoi. Nội dung gồm phần giới thiệu thật công phu về tiểu sử Tolstoi cùng tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình từ thời gian mới viết, kỹ thuật sáng tác mà tác giả đã sử dụng trong khi thực hiện cuốn tiểu thuyết lịch sử trường giang này. Phần dịch truyện miêu tả một thời kỳ quan trọng có nhiều biến cố lớn lao nhất trong lịch sử nước Nga từ 1805 đến 1812 và “một đám người vĩ đại như một khối đặc, di chuyển trong truyện đó qua cảnh chiến tranh và hòa bình, qua không gian và thời gian để đi tới cái chết…”. NXB Văn Học tái bản 1993.

“Đọc đến bộ Chiến tranh và Hòa bình của Nguyễn quân dịch bộ Guerre et Paix của Tolstoi, mới thấy sức làm việc của Nguyễn quân dồi dào và bền bĩ khó có người sánh kịp. Công phu đã dày mà văn chương lại rất hấp dẫn. Thời Pháp thuộc tôi đã đọc bản chữ Pháp rồi, mà đọc bản dịch của Nguyễn quân tôi vẫn bị lôi cuốn… Bị lôi cuốn không phải vì cốt chuyện đã được biết rồi mà bị lôi cuốn vì khí vị mát mẻ ngọt ngào của văn chương. Thường thường những nhà văn dồn tâm trí vào việc biên khảo thì ít hay tìm hưởng những cái đẹp của quý nơi cảnh vật thiên nhiên. Cho nên tâm hồn có phần khô khan. Đến với họ, chúng ta có cảm tưởng là đến thăm những cảnh vườn trồng cây ăn trái, không có hoa lãng mạn, bướm du dương: Nguyễn quân yêu thiên nhiên cũng như yêu sách vở. Và đứng trước thiên nhiên dù là một cảnh tầm thường đến đâu, Nguyễn quân cũng tìm thấy những nét độc đáo để thưởng thức”.

(Quách Tấn, Sđd, tr. 516.)

Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu. (NXB Ca Dao - 1969): nguyên tác Cry beloved country của Alan Paton, một cuốn tiểu thuyết rất hấp dẫn về câu chuyện hết sức bi đát của một gia đình mục sư da đen tại Nam Phi đã tan rã vì chính sách dã man tàn khốc của bọn thực dân da trắng, em gái thành gái điếm, còn đứa con trai duy nhất thành kẻ sát nhân, bị xử giảo.

Tác phẩm ghi lại những kinh nghiệm sống của tác giả, giọng thật chân thành, thật cảm động mà Gabriel Marcel phải khen “là tiểu thuyết đạt được cái mức trác tuyệt, đáng làm kiểu mẫu, vì không tô chuốt, che giấu một chút gì để làm vừa lòng ai cả”.

Quê hương tan rã (viết chung với Hoài Khanh. NXB Ca Dao - 1970): nguyên tác Things fall apart của Chinua Achibe, một cuốn tiểu thuyết phong phú và chính xác của một người Phi châu viết về Phi châu da đen từ sau thế chiến tới nay. Đọc tác phẩm, chúng ta sẽ thấy “cái bi kịch của một dân tộc chất phác bị thực dân quỷ quyệt lừa gạt, chà đạp, bóc lột làm cho nòi giống chia rẻ, quê hương tan nát”.

Cuốn tiểu thuyết tài tình này được coi như một tác phẩm nổi tiếng nhất trong văn học Phi châu hiện đại”.

Chiếc cầu trên sông Drina. (NXB Trí Đăng - 1972):  nguyên tác của nhà văn Nam Tư  Ivo Andritch dịch theo bản Pháp văn Il est un pont sur la Drina của Georges Luciani là một bộ cổ sử dài kể câu chuyện về lịch sử của một chiếc cầu được xây cất từ thế kỷ 16, nơi đó nối tiếp nhau xảy ra nào chiến tranh xâm lăng, nào phong trào quốc gia, xã hội, kinh tế… của một dân tộc anh dũng chịu ách thống trị của Thổ rồi của Áo được ghép vào những biến cố gia đình của ba, bốn giống người mâu thuẫn nhau về quyền lợi, tín ngưỡng, lối sống: Thổ, Nam Tư, Áo, Do Thái…

Tác phẩm được giải thưởng văn chương Nobel năm 1961. NXB Văn Học tái bản 1993.

Bí mật dầu lửa. (NXB Minh Đăng tái bản - 1975): dịch cuốn Le secrect de l’or noir, tiểu thuyết mạo hiểm của R. Gaillard, tả đời mạo hiểm, gian lao của đại tá Drake khi ông đi tìm và đào mỏ dầu lửa đầu tiên ở một miền mênh mông hoang vu giữa nơi rừng núi của dân Da đỏ ở Bắc Mỹ.

Sách nêu cao một gương kiên nhẫn và hy sinh rất hợp với tuổi trẻ.

Một mùa hè vắng bóng chim. Nguyên tác Birdless Summer 1968 của Han Suyin (Hàn Tú Anh). Nguyễn Hiến Lê dịch theo bảng tiếng Pháp Un été sans oiseaux. NXB Văn hóa Thông tin, 2002.

“Dịch tiểu thuyết - mà cũng là tự truyện - Birdless Summer của Han Suyin (Hàn Tú Anh), một nữ sĩ cha Trung Hoa, mẹ Bỉ, khá nổi tiếng ở phương Tây, viết khá nhiều về Trung Hoa hiện đại.

… Đọc truyện ta mới thấy được nguyên nhân thất bại của Quốc dân đảng; họ chỉ lo củng cố địa vị và làm giàu, mua quan bán chức, bán chợ đen thực phẩm, y phục, lương thực của lính, bán lậu khí giới cho Nhật nữa; họ lùng bắt nông dân ở ngoài đồng, phu phen ở ngoài phố, lấy dây chì, dây thừng cột lại thành từng xâu, lùa vào các trại quân rồi đánh đập, bỏ đói; họ bắt dân nhổ lúa trồng thuốc phiện, đặt ra hàng trăm thứ thuế (thuế cửa sổ, thuế số nhà, thuế hạnh phúc, thuế làm biếng…) họ lạm phát giấy bạc tới nổi dân phải vác cả thùng giấy bạc mới mua nổi một vé xe… Trong chương XIII có một tài liệu chính xác gồm 5 trang về cuộc nội chiến Trung Hoa, giữa Quốc và Cộng từ 1945 đến 1949.

… “Tác phẩm dày 400 trang, tôi dịch khá kỹ, năm 1973 nhà Lửa Thiêng đưa kiểm duyệt, không được phép in, đưa 2 bản, Sở Thông tin chỉ trả lại một. Tôi phản đối, bảo bản tiếng Pháp Destination Tchung Kinh của Han Suyin nội dung cũng như cuốn Birdless Summer, bán khắp Sài Gòn trong loại Sách bỏ túi thì sao không cấm? Họ làm thinh. Họ cấm có lẽ vì trong bài Tựa tôi viết: “Đọc truyện đó chúng ta không thể không liên tưởng tới tình cảnh nước ta trong mấy mươi năm nay. Tôi cho rằng có những luật bất di dịch trong lịch sử: những dân tộc cùng một văn hóa đặt trong một hoàn cảnh như nhau thì cũng phản ứng như nhau và rốt cuộc cùng đi tới một điểm lịch sử như nhau”. Trong mấy hàng đó tôi báo trước sự sụp đổ của chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Sau Thiệu cũng lưu vong nhưng không được một đảo Đài Loan như Tưởng”. (Đời viết văn của tôi, sđd, tr. 303-304.)

Những quần đảo thần tiên

“Tuyển và dịch sáu truyện ngắn S. Maugham tả đời sống của thực dân Anh trong một số quần đảo trên Thái Bình Dương. Trong lời giới thiệu tôi [Nguyễn Hiến Lê] viết:

“Trong khung cảnh đẹp mê hồn của các quần đảo miền Nam Hải (Thái Bình Dương) xảy ra biết bao bi kịch mà nạn nhân là người da trắng. Họ mắc tội lỗi đến nỗi phải chết thê thảm, hoặc phải chôn vùi cả cuộc đời ở giữa rừng xanh với ve Whisky”.

S. Maugham không phê phán, nhưng đọc rồi chúng ta rút được kết luận này: đa số bọn thực dân chỉ là những “con heo nhơ nhớp”; chính bọn thổ dân mà họ tự cho là có sứ mạng phải “khai hóa” kia, lại văn minh hơn họ”. (Đời viết văn của tôi, sđd, tr. 304.)

HỒI KÝ

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (NXB Văn Học, 1993).

 

… “Với Nguyễn Hiến Lê, chúng ta may mắn hơn. Ông viết hồi ký nghĩa là ông kể lại cuộc đời ông. Và cũng bởi ông là nhà văn, một học giả, nên kèm với những truyện trong cuộc đời của một người thường còn có những chuyện trong cuộc đời của một người cầm bút trong giai đoạn có nhiều biến động nhất của lịch sử dân tộc. Đọc Hồi ký của ông, chúng tôi liên tưởng đến một thiên hồi ký khác: Portrait d’un ami qui s’apppelait moi (Chân dung một người bạn có tên gọi là tôi) của Viện sĩ Hàn lâm André Maurois (Pháp) mà ai cũng cho là rất giống ông, giống từ văn phong đến tư cách, đến thiên hướng, đến cách làm việc cùng phong cách sống.

(…)

Trong hồi ký ông còn nhận định về ông, về bạn bè (nhất là các bạn văn) về độc giả, về thời cuộc, về đất nước… Thật là những tài liệu rất quý và rất hiếm về sau. Nhưng mến ông hơn cả, có lẽ là chỗ ông rất giản dị, khiêm nhường như trong đời vănđời thường của ông…”

(Nguyễn Q. Thắng. Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê, Tập I, Sđd, các trang 38, 39.)

“Sau khi viết xong Kinh Dịch - Đạo của người quân tử, ông cho tôi biết là tập trung viết Hồi ký. Tôi tò mò theo dõi tiến độ của Hồi ký, ông cười: “Có nói tới BS Đỗ Hồng Ngọc và cháu nữa”. Tôi cảm động vô cùng khi nhìn thấy bản thảo, đóng thành ba tập giấy pelure mỏng. Tôi là một trong vài người được đọc sớm nhất vì chỉ có một bản viết tay. Được giữ một tuần lễ nên không kịp đọc kỹ. Vậy mà tôi đã “hết hồn”. Sao có thể hệ thống hóa cuộc đời và sự nghiệp văn hóa văn chương một cách hay ho như thế. Hồi ký Nguyễn Hiến Lê thực sự là một tác phẩm văn học toàn diện. Kể chuyện đời mình lồng ghép khít khao vào sự nghiệp biên khảo, phê bình dịch thuật, thể hiện rõ nhân sinh quan và ước mơ chuyển tải khối lượng đồ sộ kiến thức nhân loại cho lớp thanh niên. Một trăm nhan đề đã xuất bản trước 1975 và hai mươi tác phẩm còn là bản thảo. Ông tâm sự rất nhẹ nhàng: “120 nhan đề đó được khoảng 30.000 trang, chia 30 năm; mỗi năm chỉ được 900 trang, mỗi ngày chỉ được 3 trang mà”. Tôi không kịp thấy đoạn nào “có nhắc tới cháu” mãi đến khi ông Lê Ngộ Châu, người được ủy thác về các tác phẩm Nguyễn Hiến Lê, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Bách Khoa ngày trước tặng tôi bản in đầu tiên năm 1997.

Phải kể thêm hai bác sĩ trẻ: Đỗ Hồng Ngọc mà trong tập này tôi đã nhắc tới vài lần và Nguyễn Chấn Hùng. Cả hai đều đọc nhiều sách của tôi và coi tôi như thầy học. Cả hai đều giúp tôi năm 1975 qua được một bệnh về thận. Bác sĩ Hùng đã xin phép đánh máy bộ Kinh Dịch của tôi làm 6 bản để tặng bạn bè và cũng xin mười năm nữa khi nào có dịp xuất bản thì sẽ lo cho.

Cầm quyển sách in, tôi bồi hồi. Tôi có gần đầy đủ sách của ông đề tặng trước năm 1975, có gần đủ sách mới in lại và sách mới xuất bản do ông Lê Ngộ Châu tặng. Thích nhất là Hồi ký Nguyễn Hiến Lê. Ông gói ghém quá nhiều điều làm sao học hỏi hết”.

(Nguyễn Chấn Hùng, sách đã dẫn, tr. 354-355.)

Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê –

Lời Nhà xuất bản Văn Học

“Nguyễn Hiến Lê ra đời trong hoàn cảnh nho học không còn được sủng ái. Cha mất sớm, ông sống nhờ bàn tay tần tảo buôn bán của người mẹ. Cuộc sống những năm thiếu thời của ông ở giữa lằn ranh tốt và xấu: hư hỏng, tha hóa và trong sạch, trinh trắng. Sau những tháng ngày lêu lổng, cậu bé Nguyễn Hiến Lê còn biết giật mình nghĩ lại để rồi mình hứa với mình tu chí học hành, phấn đấu vươn lên. Người mẹ ít học kia lại là người biết bù đắp những thiếu hụt về kiến thức cho con trai bằng cách tạo cho cậu bé những điều kiện để tiếp cận với Hán học.

Vậy là vừa học trường Tây, chữ Tây, cậu bé hiếu học côi cút kia đã tận dụng từng mảnh nhỏ thời gian trong cuộc đời nghèo khó của mình để học chữ của Thánh hiền. Đây là chiếc cầu nối quan trọng dẫn Nguyễn Hiến Lê, cậu bé ham hiểu biết, trở thành Nguyễn Hiến Lê - học giả.

Không phải là người cách mạng, là nhà văn cách mạng, nhưng Nguyễn Hiến Lê cũng không phải là nhà văn của chế độ cũ, mặc dầu ông sống giữa lòng xã hội ấy suốt mấy chục năm. Một lần nữa Nguyễn Hiến Lê lại ở giữa lằn ranh của nhân cách và phi nhân cách. Có người cho rằng ông đi giữa hai lằn đạn. Và một lần nữa ông đã tỏ rõ bản lĩnh vững vàng trước sau ông vẫn giữ được nhân cách của mình.

Ngòi bút Nguyễn Hiến Lê, tâm hồn và con tim Nguyễn Hiến Lê từ đầu đã thuộc về nhân dân, về những người lao động, những ai cực khổ, bần hàn và bất hạnh. Niềm tự hào về dòng giống, tổ tiên và nỗi đau về dân tộc trước những cuộc ngoại xâm đã kéo Nguyễn Hiến Lê, một nhà văn luôn luôn ý thức lánh xa những gì phù phiếm như chức tước, địa vị và sự giàu sang không lương thiện, xích gần với cách mạng và tự coi mình là người của cách mạng, bởi lẽ dễ hiểu, những điều cách mạng đang làm cũng chính là ước mơ của ông.

Dầu đứng ở những góc nhìn khác nhau, ai cũng dễ tìm thấy ở Nguyễn Hiến Lê một cái gì đó gần với tâm trạng của dân tộc mình, một cái gì đó thuộc về nhân bản của con người cầu tiến luôn luôn vươn tới mục đích cao thượng và hoàn mỹ. Rất nhiều thế hệ độc giả khác nhau đều kính phục sự nghiêm túc của học giả này. Tính nghiêm túc của Nguyễn Hiến Lê có được bởi nó bắt nguồn từ trí nhớ tuyệt vời của ông và cùng với trí nhớ là cách làm việc khoa học, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ, sự học hỏi và lối ghi chép hết sức cẩn thận. Nguyễn Hiến Lê luôn coi trọng tư liệu, bởi hơn ai hết ông hiểu sự khách quan của một tác phẩm là vô cùng quan trọng. Nó là chiếc cầu đầu tiên nối lòng trân trọng hay sự coi thường, khinh miệt của độc giả đối với người cầm bút. Ngay khi nói về mình, Nguyễn Hiến Lê cũng cố giữ tính nghiêm túc và khách quan, luôn luôn tự tách mình ra khỏi văn mạch chủ quan của chính mình.

Trên tinh thần tôn trọng một học giả nghiêm túc và được nhiều người mến mộ, kính nể ấy, Nhà xuất bản Văn Học trân trọng giới thiệu cuốn Hồi ký của ông. Tuy là hồi ký một người, một nhà văn, nhưng qua đấy người đọc cảm nhận được xã hội Việt Nam xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược mà nét hào hùng lẫn những vệt máu và nước mắt vẫn còn thấm đẫm mới rợi trên từng trang sử của dân tộc chúng ta. Từng sự kiện, từng con người (từ nhà chính khách cho đến nhà văn…) đều được cách nhìn Nguyễn Hiến Lê soi rọi và đánh giá.

Tất nhiên, dù cố gắng khách quan, chúng tôi thiển nghĩ thật khó có thể thoát khỏi dấu ấn chủ quan. “Văn là người” điều ấy có thể dẫn đến một số đánh giá của ông chưa được hợp lý theo quan niệm đương thời hoặc theo cách nhìn của một bộ phận, một số người nào đấy chăng?

Vì tác giả đã mất, Nhà xuất bản không nỡ cắt bỏ nhiều quá. Trong quá trình biên tập chúng tôi chỉ lược bớt phần rườm rà và cắt những chỗ không thể nào để lại được. Chúng tôi mong bạn đọc thông cảm.

Sự đóng góp của Nguyễn Hiến Lê trong nền văn học Việt Nam đương đại là hết sức quý báu, mức độ tầm cỡ đến đâu chắc chắn cần phải có thời gian mới đánh giá đúng mức được. Một lần nữa chúng tôi tin rằng, xuất bản tập Hồi ký này là hết sức cần thiết, và bổ ích, nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng sẽ có những vấn đề cần phải tranh luận. Một tác phẩm ra đời không một tiếng vang đâu hẳn là một tác phẩm tốt. Dù thế nào, xét trên cảm hứng chung của ngòi bút Nguyễn Hiến Lê, chúng tôi vẫn thấy trước tiên đây là một học giả đầy trách nhiệm, và xây dựng.

Nhà xuất bản rất mong sự đóng góp của độc giả trong nước cũng như ngoài nước để lần in sau chúng tôi rút được những kinh nghiệm tốt hơn.

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Học, 1993, tr. 5-7.

--------------

Ghi chú: Nhà xuất bản Văn Học trong “Lời Nhà xuất bản” cho biết: “Trong quá trình biên tập chúng tôi chỉ lược bớt phần rườm rà và cắt những chỗ không thể nào để lại được”. Vì vậy, khi đọc chúng ta thấy rõ:

Trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Học không in các Chương sau đây:

1. Phần IV. Nam Bắc chia hai - Chiến tranh Việt Mỹ (1954-1975), không in các Chương XXI, XXII và XXIV và NXB ghi chú: “Ba chương này xin để lại một thời gian nữa…”

2. Phần VI. Từ ngày giải phóng (1975-1980), không in các Chương XXX, XXXI và XXXII. (Nguyễn Hiền-Đức).

II. TÁC PHẨM XUẤT BẢN SAU 1975

1. Trang Tử - Nam Hoa Kinh (gồm 3 tập) - 1994

2. Hàn Phi Tử - 1995

3. Tuân Tử - 1995

4. Mặc học - (gồm 2 tập) - 1996

5. Lão Tử (2 tập)

6. Luận ngữ - 1994

7. Khổng Tử - 1990

8. Kinh Dịch - Đạo của người quân tử - 1992

9. Lịch sử văn minh Trung Hoa - 1990

10. Chúng tôi tập viết tiếng Việt (chung với Nguyễn Q. Thắng) - 1990

11. Đời nghệ sĩ

12. Con đường thiên lý

13. Một mùa hè vắng bóng chim - 1990

14. Những quần đảo thần tiên

15. Gogol - 2002

16. Tourgueniev - 2002

17. Tchekhov - 2002

18. Để tôi đọc lại

19. 18 câu chuyện thời sự

20. Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - 1993

21. Đời viết văn của tôi - 1966.

III. BÀI BÁO

Theo Nguyễn Hiến Lê: “Tổng cộng trong 426 số Bách Khoa từ đầu đến cuối, có 242 bài của tôi gồm 159 nhan đề. Ngoài ra còn khoảng 50 bài trên Mai, Tin Văn, Văn, Giáo dục phổ thông, Giữ thơm quê mẹ, Đại học, và khoảng 30 bài trên các báo khác. Độ hai phần ba những bài đó đã in rải rác trong các tác phẩm của tôi như: Mấy vấn đề xây dựng văn hóa, 10 câu chuyện văn chương, Tương lai trong tay ta, Gương danh nhân, Bài học Israel, Bán đảo Ả Rập”.

VIỆC PHÂN LOẠI TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN HIẾN LÊ

Ông Nguyễn Q. Thắng, trong Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê, (4 cuốn). NXB Văn Học, quý I/2006, đã phân loại tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê:

I. Văn học: 9 cuốn

II. Ngữ học: 3 cuốn

III. Triết học: 15 cuốn

IV. Lịch sử: 8 cuốn

V. Chính trị - Kinh tế: 8 cuốn

VI. Gương danh nhân: 10 cuốn

VII. Cảo luận - Tùy bút: 13 cuốn

VIII. Giáo dục - Giáo khoa: 13 cuốn

IX. Tự luyện đức trí: 21 cuốn

X. Tiểu thuyết dịch: 8 cuốn

XI. Du ký: 2

XII. Tự truyện: 2

Các bản thảo mới in gần đây: 6.

Tổng cộng: 118 cuốn.

* Nguyễn Hiến Lê là một trí thức. Thậm chí, một trí thức chân chính. Trước hết, ông là một nhà chuyên môn giỏi. Hơn nữa, chuyên môn ấy lại do ông tự đào luyện, nên giá trị gấp đôi. Trong các lĩnh vực khảo cứu, biên soạn, dịch thuật, sáng tác, với 122 tác phẩm để đời, Nguyễn Hiến Lê không kém gì các tiền nhân như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, mà có phần vượt trội cả về số lượng, tính đa dạng lẫn tính chuyên môn của các công trình. Và, tuy không đạt đến tầm cao và sự độc đáo tư tưởng so với mặt bằng xã hội đương thời như các vị trên, nhưng những công trình của Nguyễn Hiến Lê nổi bật bởi ý thức khai sáng hướng tới số đông bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi.

ĐỖ LAI THÚY

***

HỌC GIẢ NGUYỄN HIẾN LÊ VỚI CUỐN SÁCH DẠY HỌC SINH CÁCH HỌC

 

LÊ TIÊN LONG

 

  • Thứ bảy, 16/11/2019 15:06 (GMT+7)

Sau một thời gian trực tiếp dạy học, học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết cuốn “Kim chỉ nam của học sinh”, trở thành cuốn sách được nhiều thế hệ học sinh trước đây yêu thích.

Giáo sư Trần Hữu Dũng, một học giả người Việt hiện đang sinh sống ở Mỹ từng viết, có hai cuốn sách ấn tượng với ông nhất. Đầu tiên, nhờ cuốn Kim chỉ nam của học sinh của học giả Nguyễn Hiến Lê mà ông biết phương pháp nghiên cứu (index cards) từ hồi còn học tiểu học, sau đó là cuốn Từ điển chính tả của GS. Hoàng Phê mà ông tra cứu ba, bốn lần mỗi ngày.

Sách đúc kết từ kinh nghiệm học và dạy học

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) vốn học trường Công chính ra và làm nhân viên đo đạc thủy lợi thời Pháp thuộc. Sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946, ông chạy giặc về Long Xuyên (An Giang ngày nay) và sinh sống bằng nghề dạy học. Đầu tiên, ông dạy tư, kèm cặp các môn Pháp văn và Toán. Đến năm 1948, trường Thoại Ngọc Hầu mở, ông Lê được mời làm giáo viên của trường, dạy các môn Pháp văn, Việt văn, Đức dục (Giáo dục công dân), sau dạy thêm cả Hán văn từ lớp Tư đến lớp Nhì (tương đương với lớp 7 đến lớp 9 ngày nay).

Sau ba năm dạy học, ông rời Long Xuyên lên Sài Gòn và bắt đầu sự nghiệp viết và xuất bản sách, trở thành một học giả tên tuổi với lượng đầu sách đồ sộ ở nhiều lĩnh vực như triết học, văn học, lịch sử, gương danh nhân, kinh tế, chính trị...

Trong cuốn Hồi ký của mình, học giả kể về quá trình viết sách Kim chỉ nam của học sinh: “Tôi áp dụng môn tổ chức vào việc học để cho đỡ phí sức, đỡ tốn thì giờ mà mau có kết quả; tôi dẫn nhiều kinh nghiệm bản thân từ hồi tôi học ở trường Yên Phụ và trường Bưởi. Tôi đã sớm có tinh thần phương pháp, ngay từ hồi học lớp Sơ đẳng (cours élémentaire), tôi đã có lối học riêng của tôi: ở trong lớp vừa chép bài vừa học thầm, vừa đi từ trường về nhà vừa nghĩ cách làm một bài toán, tìm ý cho một bài luận, rồi về tới nhà là làm, học ngay bài trong ngày, nhờ vậy tôi tốn rất ít thì giờ”.

Ông kể tiếp: "Lên trung học, tôi có một sổ tay tóm tắt những ý quan trọng trong mỗi bài sử, địa, vật lí, hoá, toán, những điều tôi cho rằng lúc nào cũng phải nhớ, như vậy khi học ôn để thi trong lớp hoặc thi ra trường, tôi chỉ cần coi lại những sổ tay đó, ít khi phải coi lại trong sách. Những kinh nghiệm đó và nhiều kinh nghiệm khác nữa tôi đều chỉ lại cho học sinh”.

Viết xong, thấy tập đó có thể in thành sách được, ông đặt cho nó nhan đề Kim chỉ nam của học sinh. Lúc này ông đã có được một số tiền tiết kiệm, nên đã thuê nhà in duy nhất ở Long Xuyên in cho 1.000 cuốn. Nhà in chỉ có máy đạp chân (pédale) in rất chậm, mà mỗi "cahier" chỉ được 4 hay 8 trang nhỏ, cho nên công in và khâu rất tốn mà mà sách rất xấu.

Nguyễn Hiến Lê bán được một số ít cho vài tiệm sách ở Long Xuyên, còn lại gửi lên Sài Gòn cho nhà phát hành sách Phạm Văn Tươi. Ông Tươi chê sách in xấu quá nhưng khen nội dung có giá trị, bán trong mấy tháng đã hết, và xin ông Lê cho phép tái bản. Cuốn đó bán chạy hơn cuốn Voulez vous que vos enfants soient de bons élèvres của giáo sư La Varenne, Thiên Giang lược dịch, nhan đề là Muốn thành học sinh giỏi, cũng do nhà P. Văn Tươi xuất bản, ra trước cuốn của ông Lê chừng một năm, và không hề được tái bản.

Hữu ích với phụ huynh và học sinh

Trong Hồi ký, Nguyễn Hiến Lê cho biết Kim chỉ nam của học sinh rất được hoan nghênh. “Nhiều phụ huynh học sinh sau gặp tôi, cảm ơn tôi vì nhờ cuốn đó mà con họ tấn tới”.

Trong lời giới thiệu cuốn Kim chỉ nam của học sinh do NXB Tổng hợp TP HCM tái bản năm 2012, viết: "Sách ra đời cách đây đã lâu nhưng đến nay vẫn còn nhiều điều có thể giúp học sinh áp dụng trong việc học tập một cách khoa học, chính xác mà không làm mất thì giờ trong lúc học tập cũng như ôn tập cho từng học kỳ, năm học".

Trong phần "Thay lời tựa - Cùng các học trò cũ và mới của tôi", in trong lần xuất bản đầu tiên, tác giả Nguyễn Hiến Lê đã bày tỏ: "Tôi đau lòng khi thấy có nhiều học trò học thi cặm cụi từ 5 giờ sáng tới 11, 12 giờ khuya, không bỏ một phút nào; lại có em phải uống thuốc kích thích thần kinh để thức suốt đêm nữa. Tội nghiệp! Cái tuổi xuân đáng lẽ được nhảy nhót, đùa giỡn, ngủ 9, 10 giờ một đêm thì lại phải giam mình trong buồng tốt suốt ngày thâu đêm như vậy".

Nguyen Hien Le 1
Một bản Kim chỉ nam của học sinh cũ.



Do đó, ông cho rằng, cần chỉ cho các em một phương pháp học mau có kết quả và ít phí sức. Phương pháp của ông là hướng dẫn cho học sinh tự tìm hiểu rồi giáo viên sẽ sửa chữa lại. Tóm lại, ông muốn dạy học sinh tự học.

Ông hy vọng: "Nếu cuốn sách sẽ giúp học sinh mỗi ngày rút đi nửa giờ học mà kết quả có phần khả quan hơn trước thì đó là nỗi vui vô cùng của tôi. Vì các em thử tính: mỗi ngày rút được nửa giờ thì một năm là trên 180 giờ. Như vậy trong 5 năm, biết bao thì giờ để nghỉ ngơi, hoặc học một môn khác như âm nhạc, hội họa hay sinh ngữ".

Cuốn sách chia làm bốn phần, trong đó, phần thứ nhất chỉ ra những điều kiện cốt yếu phải có đủ mới học được là sức khỏe, sức học đủ để theo được chương trình và sách vở, dụng cụ học tập. Phần thứ hai, tác giả vạch ra một phương pháp học tập chung để học ở trường và ở nhà sao cho đỡ phí sức, đỡ tốn thì giờ và mau có kết quả.

Phần thứ ba, cuốn sách nhắc lại một số phương pháp riêng để học bài, làm và luyện sao cho nhanh giỏi về một số môn quan trọng. Phần cuối, tác giả đưa ra một số lời khuyên về cách học tư, chọn thầy và bạn để học tư, cách tổ chức việc học trong năm thi tốt nghiệp, cùng một số nội dung như cách dùng thẻ ghi chép trong việc học, bàn về liên quan giữa gia đình và trường học.

Học giả Nguyễn Hiến Lê cho biết, từng có một giáo viên nhận xét với học trò về cuốn Kim chỉ nam của học sinh: "Nếu theo đúng cuốn đó thì học rất giỏi, nhưng ít người theo đúng được lắm". Tác giả bình luận: “Cần gì phải theo đúng. Cứ hiểu nguyên tắc, hiểu phương pháp rồi chịu khó áp dụng tuỳ khả năng, hoàn cảnh của mỗi người, cũng đủ có lợi nhiều rồi”.

 
***

 

NHỮNG CUỐN SÁCH ĐÁNG CHÚ Ý CỦA NGUYỄN HIẾN LÊ

 

HUẾ TRẦN

 

  • Thứ tư, 21/4/2021 09:11 (GMT+7)

Diễn giả Lê Thúy Hạnh cho rằng các tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê là sách gối đầu giường không thể thiếu đối với lớp trẻ, giúp chúng ta “vượt gộp” thành công.

“Chúng ta được thừa hưởng quá nhiều di sản của thế hệ đi trước, thì phải có nghĩa vụ duy trì và cải thiện nó tùy theo trình độ của mỗi người”, dịch giả Phùng Hoài Phương - Chủ tịch Công ty CP Phong Thủy Phùng Gia - mượn lời trích dẫn trong cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê để mở đầu câu chuyện.


Nguyen Hien Le 2Ba cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê: Hồi ký Nguyễn Hiến LêBách gia tranh minh và Kinh dịch. Ảnh: H.T.

Cuộc đời và dấu ấn tượng đài văn hóa đọc Nguyễn Hiến Lê được dịch giả Phùng Hoài Phương, “nữ hoàng tên miền” Lê Thúy Hạnh và CEO Đỗ Thị Hương bàn trong tọa đàm xoay quanh ba cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến LêBách gia tranh minh và Kinh dịch. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam, được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 20/4.

Sự gần gũi qua những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê

“Khẳng khái cần vương dị - Thung dung tựu nghĩa nan” là câu thơ người đời nói về Nguyễn Hiến Lê. Không ồn ào, hào nhoáng, hay cố làm cho mình rực rỡ, lóng lánh, cụ Lê dành cả cuộc đời mình để lặng lẽ làm việc, ung dung đạt được điều nghĩa.

Sinh ra ở xứ Đoài mây trắng, nhưng do sự đẩy đưa của dòng đời, cụ quyết định gắn bó với miền đất phương Nam. Những tác phẩm viết và dịch của vị học giả này xóa nhòa không gian, thời gian, người đọc chỉ còn cảm nhận được ở đó sự gần gũi.

Thầy Phùng Hoài Phương (người hiệu đính cuốn Kinh dịch) chia sẻ mình là một trong những người yêu mến các tác phẩm của cụ Lê, bởi nó gắn bó với tuổi thơ.

“Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có bố và chị yêu đọc sách. Chị gái là người đưa cho tôi hai cuốn sách đầu tiên: Đắc nhân tâm và Quẳng đi gánh lo và vui sống. Mãi đến sau này tôi mới biết chính thầy Lê là người đã dịch hai cuốn sách này”.

Diễn giả Lê Thúy Hạnh cho biết sách của Nguyễn Hiến Lê là sách gối đầu giường của cô. Giữa bốn người thầy trong cuộc đời (tạo hóa, thiền, âm nhạc, sách) thì sách là nền tảng, người thầy quan trọng nhất giúp cô thành công.

“Trong sách tích hợp nhiều tri thức của nhân loại, từ quá khứ đến hiện tại, đôi khi là cả những hình dung về tương lai để chúng ta ‘vượt gộp’ nhanh nhất. Trong hơn 120 tác phẩm viết và dịch của cụ Lê, tư tưởng trong Đắc nhân tâm có ảnh hưởng nhiều đến tôi, nó chính là cuốn sách để đời của thế hệ 8X, 9X”, Thúy Hạnh giải thích.

Có thể thấy, những tác phẩm của cụ Lê vẽ nên điều vĩ đại từ những chi tiết bình dị nhất. Giá trị sâu sắc ấy được bà Đỗ Thị Hương - CEO Công ty CP sách Bizbooks (đơn vị liên kết xuất bản rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê) - đánh giá là một “sự kết tinh của nhiều tinh hoa, tri thức, ứng dụng được truyền tải trong trang sách”.

Nguyen Hien Le 3Các diễn giả trong tọa đàm. (Từ trái qua: MC Mỹ Hạnh, dịch giả Phùng Hoài Phương, doanh nhân Lê Thúy Hạnh, CEO Công ty CP sách Bizbooks Đỗ Thị Hương). Ảnh: H.T.

 

Nhân sinh quan qua tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê

Cũng trong tọa đàm, các diễn giả và người yêu thích tác phẩm của vị học giả tài ba này chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của mình về nhân sinh quan khi nhắc tới tượng đài văn hóa đọc cùng hàng trăm tác phẩm để đời.

Theo bà Hương, khi dân tộc ta vẫn còn sống trong nạn đói, cụ Lê đã làm được một công việc mà khó ai có thể làm được, đó là cất công sang nước ngoài, gửi những lá thư để xin dịch nhiều tác phẩm. Điều đó cho thấy, “trong lúc ăn còn chưa no, cụ đã nghĩ đến tri thức, mang hạt mầm tri thức ấy gieo về Việt Nam”.

Bộ ba cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến LêBách gia tranh minh và Kinh dịch cho chúng ta thấy thế giới về nhân sinh quan được vẽ nên từ những điều bình dị, mà ở đó, cụ Lê đã truyền lửa luồng tư tưởng riêng biệt của mình vào cách chuyển dịch.

Nếu như Hồi ký Nguyễn Hiến Lê viết về xã hội Việt Nam trong từng sự kiện suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược qua cách nhìn của cụ, thì Bách gia tranh minh giúp chúng ta hiểu thêm về thời cuộc, đạo quân tử của các bậc vĩ nhân trong lịch sử phương Đông.

Bà Thúy Hạnh đánh giá đây là một bộ sách quý lớp trẻ nên đọc, để có thể lựa chọn luồng tư tưởng phù hợp với bản thân từ 8 nhân vật: Hàn Phi Tử, Khổng Tử, Lão Tử, Liệt Tử Dương Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử, Trang Tử và Tuân Tử.

Mặt khác, Kinh dịch là bộ sách kỳ lạ cho ta thấy bức tranh đối chiếu của các công trình nghiên cứu từ các nhà triết học phương Đông và phương Tây.

Theo diễn giả Hoài Phương, học giả Nguyễn Hiến Lê là người kế thừa đạo kinh dịch nguyên bản của Việt Nam. “Đây là bộ môn có nhiều trường phái, nếu không có vốn hiểu biết nhất định thì sẽ không thể dịch liều lĩnh được”. Với thầy Phương, cuốn sách không chỉ có kiến thức về phong thủy thuần túy, nó hội tụ nhiều nhất tinh hoa về kinh dịch, giúp ta học hỏi được những điều thiết thực, không hề lý thuyết.

Bên cạnh đó, bà Hương cũng nhận định rằng thế hệ trẻ hoàn toàn có thể áp dụng từ bộ sách này những phương pháp học tập cũng như đạo đức làm người. Bà hứa hẹn chuyển thể tri thức, tinh hoa của cụ Lê thành những ấn phẩm phù hợp hơn để lớp trẻ có thể tiếp cận hạt giống tri thức mà cụ Lê muốn dành cho đất nước.

Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là nhà giáo, nhà văn, học giả, dịch giả, với 120 tác phẩm đặc sắc, công phu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, ngôn ngữ, triết học, giáo dục, gương danh nhân, chính trị, kinh tế, du ký, dịch tiểu thuyết, tiểu luận phê bình.

Ông được biết đến là tác giả - dịch giả truyền cảm hứng nhất được độc giả yêu thích, là người đầu tiên dịch và đặt tên cho cuốn sách Đắc nhân tâm - cuốn sách bán chạy nhất tại Việt Nam trong nhiều năm liền.

Sự đóng góp của Nguyễn Hiến Lê trong nền văn học Việt Nam đương đại là hết sức quý báu và đầy giá trị. Ông có nhiều phát kiến về ngữ học Việt Nam, đồng thời vận dụng những tiến bộ mới nhất của ngữ học hiện đại vào ngữ pháp Việt Nam.

Những năm 60-70, chính phủ Sài Gòn đã trao tặng ông giải thưởng Văn chương toàn quốc và giải Tuyên dương sự nghiệp văn hóa nghệ thuật với danh hiệu cao quý đương thời.

 

NGUYỄN HIẾN LÊ, KẺ SĨ TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA

NGUYỄN MẠNH TRINH



 

Nguyễn Hiến Lê,  một tác  giả của hơn một trăm cuốn sách,  một nhà biên khảo có nhiều công trình to lớn, một dịch giả chuyển ngữ được những tinh túy văn chương ra Việt ngữ,  một  học giả được nhiều nể trọng của văn giới, và cũng là một người đã trung thực  khi viết hồi ký. Đọc những tác phẩm về văn học, về triết học, về xã hội học, về sử học, về ngôn ngữ học, hay các sách học làm người, chúng ta mới thấy được sự sâu sắc phong phú nhưng lại được diễn tả bằng một văn phong rõ ràng chính xác nhưng đơn giản nên nhiều vấn đề khúc mắc phức tạp trở thành dễ hiểu. Thế mà, ông lại khiêm tốn nói rằng ông cầm bút viết để tự học hỏi. Không biết có phải đó là một điển hình kẻ sĩ để mấy vị hay cao ngạo khoe khoang phải suy nghĩ?

Đọc hồi ký “Đời Viết Văn của Tôi”, chúng ta thấy được gì? Có phải qua những tác phẩm, ông muốn bày tỏ tấm lòng của mình với văn chương chữ nghĩa. Nhìn và quan sát người khác dễ hơn là quan sát nhận định về chính mình. Ông cũng hiểu rất rõ điều ấy và trong phần mở đầu cuốn hồi ký ông đã rất khiêm nhượng :

“…Chép hồi ký về đời mình, lại càng dễ bị nhiều người chê là chỉ nêu lên những cái hay của mình mà giấu những cái xấu; ngay khi tự vạch những cái xấu của mình ra thì nếu không phải do lòng tự cao cũng là để tự biện hộ. Dù là tập Confessions của JJ Rousseau hay tập  Autobiography của  Bertrand Russel thì cũng chỉ đáng tin một phần nào mà thôi.

Tôi lại nhận thấy bây giờ chép lại tuổi thơ và thiếu niên, tôi bỏ đi gần hết những điều tôi đã chép năm 1935; mà tập tôi mới viết xong đây nếu chép lại từ 1974, đầu năm 1975, thì nội dung tất khác bây giờ nhiều, nếu trái lại tôi được sống đến năm 1985-1990 và lúc đó mới chép thì nội dung cũng lại khác, có thể khác xa nữa.

Tôi đã ghi tình cảm suy tư của tôi lúc này về một số ciệc đã xảy ra trong đời tôi mà tôi đã được nghe và thấy. Có nhiều chỗ tôi đã vô tình chép sai sự thực, hoặc bỏ sót, điều đó không sao tránh được. Lỗi ở lý tính con người, nó bị tình cảm sai khiến, lại thêm ở tuổi bảy mươi như tôi, nó suy giảm nhiều rồi…”

Ở trong nước vừa in Tuyển Tập Nguyễn Hiến Lê, gồm bốn cuốn bìa cứng toàn bộ gần bốn ngàn trang với Tập 1: Triết học, Tập 2: Sử học, Tập 3: Ngữ học và Tập 4: Văn học. Thật ra, như vậy vẫn chưa đầy đủ lắm với văn nghiệp của ông. Vẫn còn nhiều thiếu sót, dù bộ sách đã có bề dầy. Những công trình của ông, là những tài liệu khả tín cho những người lớp sau để có thể phác họa ra được một thực tế văn học của một thời đại nhiều đặc biệt.

Nguyễn Hiến Lê sinh năm 1912 và trong suốt cuộc đời đã trải qua rất nhiều biến cố của đất nước và dân tộc Việt Nam. Ông lớn lên khi lối học cổ điển “chi hồ dã dã” bị suy vi và  trường học đã dạy bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Ông cũng có một thời học chữ Nho và sau đó vào trường học. Người cha mất sớm nên trong gia đình mẹ góa con côi có lúc ông đã lêu lổng trốn học nhưng sau đó lại tu tỉnh và học hành tiến bộ hơn. Có lẽ, ông chịu ảnh hưởng của hai nền giáo dục và đó cũng là một điểm đặc biệt của ông.

Nguyễn Ngu Ý  trong   Sống và Viết“ đã có nhận định về Nguyễn Hiến Lê:

“Trong làng văn nước nhà, có lẽ không ai dự bị vào nghề lâu như anh: trên mười năm trời và thời hậu chiến chưa có tác giả nào viết, dịch đều và có sách xuất bản nhiều như anh; bốn mươi bốn quyển đã in và có độ một chục cuốn đang in hoặc sẽ in. Anh cũng lại là nhà văn mà nhiều người thắc mắc. Đã có hơn một người hỏi tôi:

- Anh Lê thuộc về lớp cổ hay lớp mới?

Quen anh trên mười năm mà tôi chưa từng tự hỏi như vậy bao giờ và tôi đã lúng túng không trả lời được.

Cứ xét lối làm việc thì anh là người mới: có tổ chức, có phương pháp như một nhà khoa học; nhưng xét lối sống, lối cư xử thì lại như một người cổ: thanh bạch, giản dị, chỉ ưa sách và hoa, ghét sự ồn ào, nhất là sự ồn ào của danh vọng; tính tình có vẻ như hơi nghiêm; đối với bạn bè thì chân thành nhưng cũng có cái vẻ đạm bạc của nhà Nho. Sách anh viết và dịch thì có những cuốn về tân kiến thức như thuật về Tổ Chức, về Tân Giáo Dục, về Ngữ Pháp, về Kinh Tế (học thuyết Fourastié); về Chính Trị (cuốn Xung Đột trong Đời Sống Quốc Tế); mà lại có những cuốn về cổ học như Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc hay Đại Cương Triết Học Trung Quốc. Anh rất trọng cái thực học mà có lúc đề cao đạo học; trọng lối tổ chức làm việc của Âu-Mỹ mà lại ghét lối sống Âu-Mỹ thích cái tinh thần tri túc, thanh đạm của phương Đông. Trong cuốn Một Niềm Tin anh khuyên thanh niên phải xằn tay áo và thắt bụng lại, sản xuất gấp đôi mà tiêu pha bớt đi để nước nhà mới có cơ thịnh vượng được; nhưng riêng anh có nhiều cơ hội làm giàu một cách lương thiện thì anh lại gạt đi. Anh viết cuốn “Tổ Chức Công Việc theo Khoa Học” rồi lại dịch cuốn “The Importance of Living” (Một quan niệm sống đep) của Lâm Ngữ Đường. Anh rất thích ít bài cổ văn Trung Quốc như A phòng Cung phú, Đằng Vương Các Tự, Bắc Sơn Di Văn mà lại cũng rất thích các tác giả mới như Marcel Proust. Anh theo dõi những trào lưu tư tưởng mới cuả thế giới mà cũng vẫn đọc những tác phẩm của cổ nhân, đọc cả sách về Đông Y, về Tử Vi, Tử Bình, bói Dã Hạc, về Địa lý (môn phong thủy  hồi xưa, mà đọc trong bản chữ Hán, đọc để biết. Văn anh viết có bài nửa biền nửa tản như bài Hương Sắc Trong Vườn Văn, có đoạn lại làm gợi nhớ tới lối hành văn của Michel Butor như đoạn cuối bài Đuổi Bắt Ảo Ảnh, nhưng xét chung thì anh rất ưa sự bình dị.

Cho nên bảo anh là cổ thì không đúng, mà bảo anh là mới thì anh cũng không mới hẳn. Anh có mâu thuẫn với anh chăng? Trong con người anh có hai phần chăng? Một phần chịu ảnh hưởng của gia đình, một phần chịu ảnh hưởng của học đường chăng? Nhưng bảo là mâu thuẫn thì có đúng không? Thế nào là mâu thuẫn? Thế nào là dung hòa? Tôi không biết được mà có lần đem ra hỏi lại anh, thì anh cũng không trả lời được, cho rằng đó là tùy theo nhận xét của mỗi người…”

Với tôi, tôi ngưỡng phục tác phẩm của ông. Với cách trình bày trong sáng, đơn giản nhưng không qua loa, người đọc dễ lãnh hội được những điều mà tác gỉa gửi gấm trong chữ viết. Và bàng bạc, trong chữ nghĩa, trong ý tưởng là cái tâm thẳng thắn và ý hướng giúp những người muốn học hỏi có dịp để đạt cho bằng được những kiến thức cần thiết cho đời sống.

Nhưng, tôi không thích ông ở ý hướng chính trị. Sống  ở miền Nam nhưng lòng ông lại hướng về miền Bắc. Trong hồi ký ông viết:

“Cho tới năm 1974 tôi đã được biết ba xã hội: xã hội nông nghiệp của ông cha chúng ta, xã hội tư bản của Tây phương do ảnh hưởng của Pháp và vài nét xã hội tiêu thụ (societé de consommation) ở thời hậu kỹ nghệ (post-industriel) của Mỹ; ba xã hội đó tôi đã phác qua trong các phần trên. Từ năm 1975 tôi lại được biết thêm một xã hội nữa mà người ta gọi là xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa.

Tôi vốn có cảm tình với Việt Minh, với Cộng Sản, ghét thực dân Pháp, Mỹ, nhất là từ 1965 khi Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, tôi khinh những chính phủ bù nhìn của Pháp, Mỹ. Tôi phục tinh thần hy sinh có kỷ luật của anh em kháng chiến và mỗi lần có thể  giúp họ được gì thì tôi sẵn lòng giúp..”

Ông Nguyễn Hiến Lê đã viết thẳng thắn ra như vậy. Ông vẫn còn bị chiêu bài kháng chiến chống thực dân lôi cuốn mà không nhìn ra cái nguyên do của cuộc chiến ủy nhiệm của các thế lực cường quốc trên thế giới gây ra cuộc nội chiến tương tàn nối da xáo thịt. Cái tâm lý ấy khá thông thường với người miền Nam chưa bị nếm mùi cải cách ruộng đất, chưa bị đảng trị một cách lộ liễu như ở miền Bắc.

Một hành động chống đối bất hợp tác với chính quyền VNCH là ông đã từ chối Giải Tuyên Dương Sự Nghiệp Văn học Nghệ Thuật năm 1973 của Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa. Cũng như trước đó ông đã từ chối Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1967 khi ông được giải cùng với ông Giản Chi Nguyễn Hữu Văn. Ông từ chối với lý do là dùng hiện kim ấy để giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc và bản thân ông không tham dự giải...

Nhưng, sau khi đã sống với chế độ Cộng sản từ sau năm 1975. Ông nhận ra được sự thực và trong cuốn hồi ký đã giành ra một phần khá quan trọng nhận xét về thực trạng xã hội Việt Nam. Phần viết trong hồi ký ấy chỉ có bản in ở hải ngoại do nhà xuất bản Văn Nghệ của ông Từ Mẫn Võ Thắng Tiết là có, còn bản in ở trong nước của nhà xuất bản Hội Nhà Văn thì bị cắt xén và “biên tập” tơi bời…

Trong Tự Điển Văn Học (bộ mới) xuất bản ở Sai Gòn năm 1992,  Nguyễn Q. Thắng đã tóm gọn sự nghiệp văn học của ông Nguyễn Hiến Lê như sau:

“Ngòi bút Nguyễn Hiến Lê đề cập đến nhiều lĩnh vực mà ở lĩnh vực nào cũng có căn cứ khoa học, am tường cặn kẽ về cácd đối tượng, sâu sắc về các vấn đề được nhắc tới và không thiếu tính nghệ thuật.

Tác phẩm của ông bao gồm nhiều chủ đề như:

1- Văn học: Gồm một số tác phẩm đặc sắc và công phu như Hương Sắc Trong Vườn Văn (2 cuốn, 1962) Luyện  Văn (3 cuốn, 1953), Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc (3 cuốn, 1954-1966), Tô Đông Pha (1970)… giới thiệu được những tinh hoa của văn học Trung Quốc cũng như nghệ thuật văn chương Việt Nam.

2- Ngôn ngữ học: Để Hiểu Văn Phạm (1952), Khảo Luận về ngữ pháp Việt Nam (1963) Chúng Tôi Tập Viết Tiếng Việt… có nhiều phát kiến mới về ngôn ngữ học Việt Nam đồng thời vận dụng được những tiến bộ mới nhất của ngữ học hiện đại vào ngữ pháp tiếng việt.

3- Triết Học:  Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc (2 cuốin 1966) Nho Giáo Một Triết Lý Chính Trị (1958), Liệt Tử và Dương Tử (1972) Một Lương Tâm Nổi Loạn (1970), Bertrand Russel (1971), trình bày được một hệ thống triết học cổ điển Trung Hoa cũng như những tấm gương lớn về chân dung các triết gia Tây Phương hiện đại.

4- Sử Học:  Gồm một số tác phẩm về lịch sử và văn minh sử thế giới như: Lịch Sử Thế Giới (4 cuốn, 1955), Bài Học Isarael (1968), Bán Đảo Ả Rập (1969), Bí Mật Dầu Lửa (1969) Bài Học Của Lịch Sử (1972), Nguồn Gốc Văn Minh (1974), Văn Minh Ả Rập (1969) Sử ký Tư Mã Thiên (1970), Chiến Quốc Sách (1968), Đông Kinh Nghĩa Thục (1954), Sử Trung Quốc (3 cuốn, 1982)… là những cái nhìn xuyên suốt về lịch sử văn minh sử thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam.

5- Gương Danh nhân: gồm có một số tác phẩm  viết về Gương hy Sinh (1962), Gương Kiên Nhẫn (1964) Gương Chiến Đấu (1966) Ý Chí Sắt Đá (1971), Những Cuộc Đời Ngoại Hạng (1970), Einstein (1971)… là những  bài học thiết thực cho nhiều lớp người nhất là thành phần thanh thiếu niên đang ở ngưỡng cửa của cuộc đời.

6- Giáo Dục: trình bày những quan điểm về giáo dục về các lớp tuổi trong đời sống gia đình Việt Nam. Loại này gồm: Thế Hệ Ngày Mai (1953), Tìm Hiểu Con Chúng Ta (1966) Tự Học Để Thành Công (1954) Tự Học Một Nhu Cầu Của Thời Đại (1964), Làm Con Nên Nhớ  (1968), Sống 24 Giờ (1956)

7- Tự luyện đức trí:  Tác giả vừa dịch vừa nghiên cứu về các chuyên đề giáo dục có tính cách xã hội như Tương Lai Trong Tay Ta (1962), Luyện Lý Trí (1965), Rèn Nghị Lực (1956), Ý Cao Tình Đẹp (1967…) loại này có trên hơn 20 cuốn có giá trị. Trước năm 1975 số ấn bản lên đến hàng vạn cuốn. Hiện nay các nhà xuất bản trong toàn quốc đang tiếp tục tái bản.

8- Cảo luận: là một số chuyên đề về văn chương, văn hóa, văn nghệ như Nghề Viết Văn (1956), Vấn Đề Xây Dựng Văn Hóa (1967), Mười Câu Chuyện Văn Chương (1975), Con Đường Hòa Bình (1971)… là những đóng góp sáng giá của ông vào văn chương đạo đức và cảm thụ học thuật cho độc giả yêu mến văn nghệ.

9- Dịch thuật: Nguyễn Hiến Lê có một khả năng dịch thuật rất sung mãn. Từ khi bắt đầu cầm bút cho đến khi cuối đời ông có hằng chục công trình dịch thuật sáng giá nhất là các bộ tiểu thuyết lớn phương Tây như Chiến Tranh và Hòa Bình (4 cuốn, 1968), Cầu Trên Sông Drina (1972), Câu Chuyện Thương Tâm (1956), Kiếp Người (1962), Một Mùa Hè Vắng Bóng Chim (1990), Cổ Văn Trung Quốc… và một số lượng tác phẩm biên khảo viết bằng chữ Pháp, chữ Hán  cổ cận thế giới.

10- Du Ký: gồm một số quyển ghi chép lại các lần đi thực địa ở các địa phương. Loại này không phải là những tác phẩm thuần túy văn chương mà là những đóng góp thiết thực cho khoa học tự nhiên, xã hội, văn học nữa  như Bảy Ngày trong Đồng Tháp Mười (1954), Đế Thiên Đế Thích… cùng một số sách về Quản Trị công nghiệp, kinh tế, gióa khoa toán, Bên cạnh ông còn viết hơn 300 chuyên đề trên các tạp chí chuyên ngành (trong các tạp chí ở Sài Gòn trước 1975).”

Thật là một công trình văn học nghệ thuật đồ sộ. Ông cũng có nhiều cư xử đặc biệt với ông. Những người như ông, như Bình Nguyên Lộc được níu kéo để tham gia vào sinh hoạt văn học nhưng đều bị cự tuyệt một cách khéo léo.

Năm 1981, ông Nguyễn Hiến Lê viết xong bộ hồi ký. Ở trong nước, nhà xuất bản Văn Học in năm 1993. Ở hải ngoại, nhà xuất bản Văn Nghệ của ông Từ Mẫn Võ Thắng Tiết in ra làm ba tập. Tập 1 xuất bản năm 1990, tập 2 xuất bản năm 1990, và tập 3 xuất bản năm 1988. So sánh hai bản in ở trong nước và ở hải ngoại, thấy sự khác biệt rất lớn. Bản  in ở hải ngoại thì tôn trọng bản thảo không sửa chữ nào quan trọng trong khi bản in ở trong nước thì bị cắt xén và “biên  tập” tơi bời, nhất là những nhận định trung thực của tác giả Nguyễn Hiến Lê về tình trạng văn hóa, xã hôi, chính trị, kinh tế ở trong nước. Ông phê phán chính xác, nói có sách mách có chứng và bằng chứng là chính thực tế của cuộc sống. Do đó, bản ở trong nước không có những phần ấy là một điều cố nhiên của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Trước 1975, ông đã đọc những bài tố Cộng cũng như đã nghe những người từ Bắc di cư vào Nam kể lại thời cải cách ruộng đất. Hay đã đọc những cuốn sách viết về đời sống ở Nga, với sự kềm kẹp của mật vụ và những vụ khủng bố trắng thời Stalin. Hoặc biến cố tết Mậu Thân năm 1968 với vụ thảm sát ở Huế. Cũng như ông đã đọc những lời chỉ trích chế độ Cộng sản của nhà văn Soljenitsyne và nhà bác học Sakharov cha đẻ ra bom nguyên tử của nga. Rồi những André Gide, Bertrand Russel, mới đầu thiên Cộng nhưng sau lại chỉ trích nặng nề, hay những Koestler, Georghiu, Djila... mới đầu là đảng viên trung kiên nhưng sau phản tỉnh  chống đối gay gắt.

Dù vậy nhưng Nguyễn Hiến Lê vẫn thiên về miền Bắc và hy vọng rằng sau hiệp ước Paris sẽ có hòa bình và sẽ có chính phủ ba thành phần.

Nhưng, khi đã sống với Cộng sản, ông đã nhìn ra tất cả những khuyết điểm của một chế độ vô sản chuyên chính. Ông có những nhận xét rất xác thực, về đời sống người dân trong thời kỳ đó. Ông phân tích rõ ràng từ hệ thống hành chánh phường khóm, từ tinh thần làm việc bê trễ đến hệ thống giấy tờ phiền nhiễu phức tạp, cũng như nạn nhũng lạm, ức hiếp dân chúng. Ông kể chuyện những ngày đổi tiền, biết bao nhiêu người trở thành tay trắng vì thủ đoạn ăn cướp tài sản người dân một cách công khai. Rồi ông nhận xét về kinh tế, về công nghiệp, nông nghiệp… mặt nào cũng đều thất bại thê thảm. Những công ty quốc doanh không tạo được sản phẩm, lại lối quản trị, làm việc lề mề, nên trở thành gánh nặng cho quốc gia. Những nông trường khai hoang, hoặc vùng kinh tế mới, làm theo chỉ thị và lấy có nên không có kết quả, và có thể là nơi lưu đày của những người sống ở thành phố. Về phân phối hàng hóa, thì ngăn sông chắn chợ, gây phiền hà cho dân. Rồi chiến dịch đánh tư sản, kiểm kê tài sản, những cuộc vơ vét, tịch thu của cải. Tóm lại, là cả một xã hội xuống cấp trầm trọng, tự do hạn chế, dân chúng nghèo khổ.

Đọc Hồi ký Tập 3 của Nguyễn Hiến Lê, tôi có cảm giác như đang đọc một bản cáo trạng buộc tội chế độ Cộng sản một cách rất nặng nề. Trong hơn 200 trang giấy, ông viết thật chân thành, nêu lên những sự thực và gửi theo những nỗi niềm đau lòng của một người đã thức tỉnh dù hơi muộn màng. Dù được kể vào hàng nhà văn tiến bộ, và được chế độ mới dành cho nhiều ưu đãi cũng như mời mọc để tham dự các buổi lễ cũng như các sinh hoạt văn hóa nhưng ông tránh né và luôn luôn làm người đứng ngoài.

Đọc những đoạn văn, viết thẳng thắn, không sợ sệt, không né tránh sự thực, tôi mới thấy cái tư cách kẻ sĩ vòi vọi của ông. Có những người, hồi trước thiên Cộng, nay muốn thay đổi suy tư mà vẫn chưa dám mạnh dạn, vẫn còn nói quanh nói co, không dám chấp nhận cái sai sót của mình. Còn với ông Nguyễn Hiến Lê, nghĩ gì viết nấy, không có áp lực nào làm ông thay đổi được thái độ.

Hãy đọc đoạn ông viết về phong trào vượt biên:

“Từ năm 1977, người ta dùng đường biển, phong trào vượt biên phát triển rất mạnh tới mức một bà già nông dân miền Tây phải nói “Cây cột đèn nếu đi được thì cũng đi”. Dù phải gian lao khổ cực tới mức nào hễ ra khỏi được nước là sướng rồi, làm mồi cho cá mập vẫn còn hơn ở lại trong nước mà chết lần chết mòn, người ta nghĩ vậy.” (trang 109)

Hay: “Người ta nhận định sai về tình trạng miền Nam. Trước ngày 30 - 4 -1975, miền Nam rất chia rẽ, nhiều giáo phái đảng phái nhưng tiến bộ hơn miền Bắc nhiều về mức sống, kỹ thuật, nghệ thuật, văn hóa nhờ ngôn luận được tương đối tự do, nhờ được đọc sách báo ngoại quốc, biết tin tức thế giới, du lịch ngoại quốc, tiếp xúc với người ngoại quốc… cả về đạo đức nữa, vì đủ ăn, người ta ít thèm khát mọi thứ, ít gian tham (tôi nói số đông) ít chịu làm cái công việc bỉ ổi  là tố cáo người hàng xóm chứ đừng nói tới người thân, nói chung là không có hành động nhơ nhớp như nhiều cán bộ ở Bắc tôi đã kể ở trên. Tôi còn nhận thấy vì người Nam bị coi là ngụy hết nên càng đoàn kết với nhau, thương nhau: cùng là ngụy với nhau mà!” (trang 115)

Hoặc: ”làm cho người dân tưởng rằng chỉ phải đi cải tạo  nửa tháng mà rốt cuộc là phải đi 5-6 năm, có thể là 10 năm, bảo là cho họ đi học tập, cải tạo tinh thần mà sự thật để hành hạ, để trả thù, như vậy làm sao dân tin được chính quyền. Lệnh trung ương ban hành, địa phương không theo, làm ngược hẳn lại, lương hưu trí không phát, tiền tiết kiệm gửi ngân hàng không cho rút ra mà không thẳng thắn cho họ biết lý do, cứ làm thinh để dân chờ hết ngày này qua năm khác, chờ chán thì tuyệt vọng thôi không đòi hỏi nữa; cho người ta vượt biên bán chính thức, thu của mỗi người bao nhiêu lượng vàng rồi bỗng nhiên ngưng lại hết mà không trả đủ vàng lại cho người ta; thâu thuế của người ta và cho phép bán ở chợ trời rồi đột nhiên bao vây cả một khu, tịch thu hết hàng hóa; khi chưa nắm chính quyền thì  hứa sẽ bỏ hết các thuế chợ, chia đất cho dân cày, nắm chính quyền được ít lâu thì thuế chợ còn nặng hơn trước, mới chia đất cho dân thì đã bắt đầu vào hợp tác xã nông nghiệp, bỏ quyền làm chủ miếng đất của họ mà làm chủ tập thể; tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng miền Nam theo chế độ  dân chủ, trung lập, rồi một năm sau đã thống nhất quốc gia, hủy bỏ chế độ đó, bắt miền Nam theo chế độ xã hội chủ nghĩa như miền Bắc; báo chí, các đài phát thanh chỉ thông tin một chiều, không cho dân biết sự thực, đến nỗi chính các cán bộ ở bưng về cũng phàn nàn rằng  báo chí nói láo hết, như vậy làm sao dân tin chính quyền được..” (trang 119-120)

Và rất nhiều những đoạn tương tự như thế trong tập hồi ký. Viết hồi ký có phải là ghi lại trung thực những sự kiện. Tôi nghĩ như thế. Và xa xôi hơn, trong hoàn cảnh lúc đó, trong sự theo dõi nghặt nghèo như vậy, ông Nguyễn Hiến Lê đã viết được những trang sách để đời. Những người lớp sau, đọc những trang sách ấy, không còn bị che dấu bởi những lối viết mập mờ của những người viết không dám nói lên sự thực. Ngay như một người đi theo Cộng sản đến cuối đời như Thiếu Sơn Lê Sĩ Quí mà còn nói: “Thời trước mình viết, ngụy nó bỏ tù mình cũng không sao, bây giờ mà viết  để cho cách mạng bắt giam mình  thì kỳ quá  mà lại kẹt cho họ nữa” .

Tôi là một người đọc rất nhiều sách của tác giả Nguyễn Hiến Lê, hầu như trên lãnh vực nào tôi cũng học hỏi được rất nhiều.  Với tôi, ông là một ông thầy lớn, một học giả uyên bác, một người khảo cứu sâu sắc và cẩn trọng. Nhưng, còn một điều quan trọng hơn nữa là tôi kính phục cái tư cách kẻ sĩ của ông. Qua bộ hồi ký, ông tỏ lộ được cá tính của mình, của một người trí thức không bẻ cong sự thực. Và, ông đã can đảm nói lên cái nhầm lẫn của mình khi chưa sống với Cộng Sản. Ông là một trí thức đúng nghĩa trí thức…

 

Nguyễn Mạnh Trinh

 

Nhớ Thầy NGUYỄN HIẾN LÊ

Học trò Nguyễn Hiền-Đức

Santa Ana, 01 tháng 10 năm 2021

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thérèse Desqueyroux, tên tác phẩm của François Mauriac, và cũng là tên nhân vật nữ chính, ra đời từ năm 1927. Đến nay, nó đã tròm trèm trăm tuổi, trải dài 5 thế hệ...
Stephen Hawking là nhà khoa học nổi tiếng nhất sau Einstein, được biết đến với cả công trình khám phá về vật lý và vũ trụ học, lẫn khiếu hài hước tinh quái. Ông đã giáo dục hàng triệu độc giả về nguồn gốc của vũ trụ và bản chất của lỗ đen, đồng thời truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác bằng cách xem thường lời tiên đoán ban đầu đáng sợ của bệnh ALS, căn bệnh khiến ông được biết chỉ còn sống thêm hai năm. Trong cuộc sống sau này, ông chỉ có thể giao tiếp bằng cách sử dụng một số cơ bắp trên mặt, nhưng vẫn tiếp tục phát triển lĩnh vực khoa học, và là tiếng nói đáng ngưỡng mộ về các vấn đề xã hội và nhân đạo
Nhà xuất bản Nhân Ảnh (California) trân trọng giới thiệu tuyển tập tiểu luận của nhà biên khảo, nhà văn Trần Hữu Thục - Trần Doãn Nho
Trong một hành vi gây hấn đầy tai hại với cuộc xâm lược Ukraine, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã đẩy phương Tây trở lui lại một cuộc xung đột ý thức hệ và quân sự mà người Âu Mỹ nghĩ rằng họ đã bỏ lại phía sau từ nhiều thập kỷ trước. Mặc dù không phải là sự tái sinh của cuộc Chiến tranh Lạnh nguyên thuỷ chống lại chủ nghĩa Cộng sản toàn cầu đã kết thúc khi phương Tây chiến thắng vào năm 1991 với sự tan rã của Liên Xô, cuộc xung đột hiện tại đang hình thành một cuộc chiến thế hệ tương tự giữa nền dân chủ tự do và chủ nghĩa độc tài.
Đời Sống Nhiều Thử Thách: Làm sao triết học giúp chúng ta tìm thấy đường đi. Một hướng dẫn triết học để đối diện với những thử thách không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Michelle Obama mang đến cho độc giả một loạt câu chuyện mới mẻ và những suy ngẫm sâu sắc về sự thay đổi, thách thức, sức mạnh, bao gồm cả niềm tin của bà: khi thắp sáng cho người khác. Chúng ta có thể khai sáng sự phong phú và tiềm năng của thế giới xung quanh, khám phá những sự thật sâu sắc hơn và những con đường mới cho sự tiến bộ. Rút ra từ kinh nghiệm của mình với tư cách là người mẹ, con gái, người phối ngẫu, người bạn và Đệ nhất phu nhân, bà ta chia xẻ những thói quen và nguyên tắc mà bà đã phát triển để thích nghi thành công với sự thay đổi và vượt qua những trở ngại khác nhau.
Tôi vừa đọc xong quyển "Rain on The Red Flag" do Frank Thanh Nguyen viết. Đó là một quyển hồi ký có một Sài Gòn mất tên, biến dạng và những truân chuyên, khổ đau người miền Nam phải gánh chịu...
“Ngồi một mình trên tảng đá, bên cội tùng bờ sông. Nhìn dòng nước lặng trôi. Êm đềm, không mảy động. Ngồi để nghe dòng sông nói.” Đó là một đoạn được trích từ trang 27 trong tác phẩm “Triết Lý và Thi Ca” của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu (từ đây trở xuống xin được gọi là Thầy cho thân mật) đã được Phật Việt Tùng Thư xuất bản tại California, Hoa Kỳ vào năm 2021.
Nhà giáo Doãn Quốc Sỹ là vị thầy khả kính với các thế hệ học sinh, sinh viên trước năm 1975. Nhà văn chân chính với các tác phẩm đóng góp cho nền văn chương miền Nam Việt Nam cho đến nay ở hải ngoại...
Nhà văn Đào Như vừa hoàn tất việc ấn loát tuyển tập « Tản Văn & Tùy Bút » của ông, bao gồm những bài viết trong hơn hai mươi năm qua, từ đầu thế kỷ thứ 21, cho tới những ngày gần đây của tháng 10 năm 2022...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.